Suy dinh dưỡng ở trẻ em: nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
Trungtamthuoc.com - Dinh dưỡng tốt là điều cần thiết cho sự tồn tại, sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Trẻ em được nuôi dưỡng tốt sẽ có khả năng phát triển và học tập tốt hơn, có sức đề kháng tốt hơn với bệnh tật. [1] Những trẻ bị suy dinh dưỡng thiếu hụt protein thường kém tăng cân, chậm tăng trưởng và thay đổi hành vi như cáu gắt, thờ ơ, chậm phản ứng. Vậy hiểu thế nào là suy dinh dưỡng ở trẻ em và điều trị ra sao?
1 Thế nào gọi là trẻ bị suy dinh dưỡng?
Trẻ bị suy dinh dưỡng là những trẻ có sự thiếu hụt, dư thừa hoặc mất cân bằng trong việc hấp thu năng lượng và các chất dinh dưỡng. Hiện nay, suy dinh dưỡng được phân thành 3 nhóm như sau:
- Trẻ bị thiếu dinh dưỡng dẫn đến cân nặng theo chiều cao thấp, chiều cao thấp so với tuổi hoặc cân nặng thấp hơn bình thường ở tuổi.
- Trẻ bị suy dinh dưỡng thiếu hụt hoặc dư thừa vi chất dinh dưỡng, các vi chất này bao gồm vitamin và khoáng chất quan trọng.
- Trẻ thừa cân, béo phì và các bệnh không truyền nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống như bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường hay ung thư.
2 Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở trẻ em
Thiếu dinh dưỡng xảy ra khi không tiêu thụ đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu hoặc khi chúng được đào thải ra ngoài nhanh hơn mức có thể thay thế được. [2] Nguyên nhân phổ biến nhất của Suy dinh dưỡng ở trẻ là do ăn uống không đầy đủ. Trẻ có thể bị suy dinh dưỡng do cung cấp không đủ thực phẩm, ngừng bú mẹ quá sớm, hoặc do phong tục tập quán ăn uống ở một số nơi. Hoặc nếu trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm làm tăng sử dụng chất dinh dưỡng và làm thay đổi nhu cầu trao đổi chất.
Ở các nước phát triển, trẻ mắc các bệnh và đặc biệt là các bệnh mãn tính là nguyên nhân quan trọng của suy dinh dưỡng. Trẻ mắc các bệnh như xơ nang, suy thận mạn tính, tim bẩm sinh, bệnh thần kinh - cơ, bệnh ác tính hoặc viêm ruột mãn tính. Trẻ em mắc bệnh mãn tính có nguy cơ mắc các vấn đề về dinh dưỡng vì nhiều lý do như sau:
Trẻ mắc bệnh mãn tính thường xuyên chán ăn, dẫn đến ăn không đủ chất.
Phản ứng viêm xảy ra nhiều và tăng nhu cầu trao đổi chất từ đó làm tăng nhu cầu calo ở những trẻ này.
Trẻ bị các bệnh mãn tính liên quan đến gan hoặc ruột non đều ảnh hưởng đến dinh dưỡng cơ thể do làm suy yếu chức năng tiêu hóa và hấp thu.
Những trẻ sinh non, chậm phát triển, phơi nhiễm với độc tố ở tử cung cũng có nguy cơ bị thiếu hụt dinh dưỡng.
Ngoài ra, nếu trẻ bị dị ứng nhiều loại thực phẩm thì cần chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, đồng thời nhu cầu calo và protein tăng nên dễ bị suy dinh dưỡng. [3]
3 Biểu hiện trẻ suy dinh dưỡng
Những trẻ bị suy dinh dưỡng thiếu hụt protein thường kém tăng cân, chậm tăng trưởng và thay đổi hành vi như cáu gắt, thờ ơ, chậm phản ứng. Các biểu hiện bên ngoài dễ nhận thấy nếu trẻ bị suy dinh dưỡng thiếu hụt protein là:
- Các mô dưới da bị suy giảm, đặc biệt là ở chân, tay, mông và mặt.
- Phù toàn thân, biểu hiện này nhìn rõ nhất ở tứ chi.
- Viêm miệng lưỡi, tóc móng khô đi, dễ gãy và bong ra hay bị nứt.
- Một số trẻ có biểu hiện béo bụng thứ phát do cơ bụng kém.
Tương tự, những trẻ bị suy dinh dưỡng cho thiếu hụt vi chất cũng có các biểu hiện gần giống cụ thể như sau:
- Khi thiếu Sắt sẽ khiến trẻ thấy mệt mỏi, thiếu máu, giảm chức năng nhận thức, đau đầu, viêm lưỡi và khô móng.
- Nếu trẻ thiếu iốt sẽ dẫn đến mắc bệnh bướu cổ, cơ thể chậm phát triển về thể chất cũng như trí tuệ.
- Trẻ sẽ tăng trưởng kém, còi xương và Canxi máu' data-type-link='internal' target='_blank'>hạ canxi máu nếu thiếu Vitamin D.
- Hoặc mắc bệnh quáng gà, khô mắt, tăng trưởng kém và tóc khô dễ gãy khi thiếu vitamin A.
- Những trẻ bị thiếu Vitamin B9 sẽ có biểu hiện viêm lưỡi, thiếu máu nguyên hồng cầu và thai nhi bị dị tật ống thần kinh.
- Trẻ suy dinh dưỡng thiếu Kẽm có biểu hiện thiếu máu, lùn, gan lách to, tăng sắc tố, suy sinh dục, viêm da ,đáp ứng miễn dịch giảm, vết thương lâu lành.
4 Trẻ suy dinh dưỡng cần bổ sung gì?
4.1 Điều trị cho trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ
Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ thì cho bé điều trị tại nhà và cần lưu ý như sau:
- Với các bé sơ sinh, mẹ cần cho bé bú sữa non ngay từ khi mới sinh, cho trẻ bú theo nhu cầu không kể thời gian, cả kể ban đêm. Đồng thời, cho trẻ bú kéo dài đến ít nhất là 18 đến 24 tháng.
- Các bé dưới 6 tháng tuổi thì mẹ chỉ nên nuôi bé bằng sữa mẹ, không nên cho ăn dặm quá sớm. Khi trẻ được 3 đến 4 tháng tuổi, mẹ có thể bổ sung các nước ép hoa quả như chanh, cam, chuối, Đu Đủ hàng ngày.
- Khi trẻ được 6 tháng tuổi, xen kẽ bú sữa mẹ thì bắt đầu cho bé ăn dặm bổ sung, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Các bữa ăn của bé nên đa dạng các loại thực phẩm, đồ ăn dành riêng cho bé theo lứa tuổi phải đủ dầu mỡ, giàu đạm như thịt, cá, tôm, cua… Các loại thực phẩm này có thể bổ sung vừa đủ vào bữa ăn của bé bằng cách nấu thật nhừ hoặc giã nhỏ và lọc lấy nước. Kết hợp bổ sung thêm hoa quả cho trẻ nữa.
- Các bé có nguy cơ cần dự phòng thêm vi chất cho trẻ, Vitamin A thì bổ sung khi bé từ 6 tháng tuổi còn kẽm thì từ 1 tuổi trở lên.
- Khi bé bị ốm, sốt cao, ỉa chảy hay viêm phổi, sởi.. thì cần cho bé ăn bình thường, thức ăn lỏng hơn, chia làm nhiều lần ăn.
4.2 Điều trị trẻ suy dinh dưỡng thể nặng
Khi trẻ bị suy dinh dưỡng độ 3, hay phù toàn thân thì cần điều trị tại bệnh viện.
Hầu hết bị suy dinh dưỡng nặng đều có nguy cơ bị hạ đường huyết, kiểm tra và khẩn trương cho trẻ ăn hoặc dùng Glucose 10% hoặc sucrose như sau:
- Cho trẻ ăn bằng miệng hoặc ống thông mũi 50 ml dung dịch glucose hoặc sucrose 10%, sau đó cho trẻ ăn thức ăn càng sớm càng tốt.
- Thức ăn đầu tiên cho trẻ là sữa trị liệu F75 có sẵn và rồi tiếp tục cho ăn cứ sau 2 giờ trong 24 giờ; sau đó cứ sau 2 - 3 giờ, lại cho ăn.
- Nếu trẻ bất tỉnh, điều trị bằng tiêm tĩnh mạch glucose 10% với liều 5 ml/kg sau đó cho dung dịch glucose hoặc sucrose 10% bằng ống thông mũi.
- Sau 30 phút thì đo lại đường huyết của trẻ, nếu đường huyết dưới 3 mmol/l thì tiếp tục truyền tĩnh mạch dung dịch glucose 10%
- Nếu không có glucose tĩnh mạch thì cho trẻ sử dụng dung dịch đường đặt dưới lưỡi với 1 thìa cà phê đường làm ẩm bằng 1 -2 thìa nước.
Thông thường, đi kèm với biểu hiện hạ đường huyết, trẻ suy dinh dưỡng nặng bị hạ thân nhiệt hay nhiễm trùng nghiêm trọng.
Thân nhiệt của trẻ hạ thấp được xác định bằng nhiệt độ nách dưới 35°C hoặc nhiệt độ trực tràng dưới 35,5°C, thậm chí là không đo được.
Điều trị hạ thân nhiệt của trẻ là điều trị quan trọng, tiến hành đồng thời điều trị bị hạ đường huyết và nhiễm trùng.
- Cho trẻ ăn ngay lập tức và lặp lại sau mỗi 2 giờ, trừ khi trẻ bị chướng bụng, nếu trẻ bị mất nước thì phải tiến hành bù nước trước.
- Cần làm ấm lại trẻ bằng cách mặc quần áo cẩn thận đặc biệt là đầu, đắp chăn ấm, sưởi ấm bằng lò hoặc đèn sưởi. Có thể làm ấm cho trẻ với phương pháp da kề da bằng cách cho trẻ nằm lên ngực hoặc bụng của mẹ và đắp chăn ấm.
- Không được đặt trẻ ở nơi có gió lùa vào.
- Sau mỗi 2 giờ đều đo nhiệt độ cho trẻ ở hậu môn cho đến khi tăng trên 36,5°C, nếu sử dụng đèn sưởi thì đo sau mỗi 30 phút. Nếu trẻ có hạ thân nhiệt thì phải đồng thời kiểm tra xem trẻ có hạ đường huyết không.
- Đảm bảo cho trẻ được giữ ấm bất cứ lúc nào, đặc biệt là vào ban đêm.
- Nếu trẻ đi tiểu, hay ra mồ hôi hay làm ướt tã, quần áo thì phải thay ngay, đồng thời khăn trải giường cũng phải luôn khô ráo. Nếu trẻ có tắm thì cần lau người khô rồi mới được mặc quần áo, không được tắm nếu bệnh nặng.
Cần xác định xem trẻ có bị mất nước không, nếu trẻ đi ngoài phân lỏng, hay nước tiểu ít có thể là do mất nước. Đặc biệt, tình trạng giảm khối lượng tuần hoàn hay tưới máu có thể đi kèm với triệu chứng phù. Điều trị mất nước cho trẻ suy dinh dưỡng nặng như sau:
- Nếu trẻ có biểu hiện sốc mới dùng đường tĩnh mạch để bù nước. Còn lại cho trẻ uống lại từ từ hoặc bằng ống thông mũi, sử dụng dung dịch bù nước dành cho trẻ suy dinh dưỡng. Cho trẻ bù nước với liều từ 5 đến 10ml/kg mỗi giờ, tối đa 12 tiếng.
- Cho uống bù nước bằng ReSoMal bằng miệng hoặc bằng ống thông mũi, với liều 5 ml/kg cứ sau 30 phút trong 2 giờ đầu tiên. Sau đó tiếp tục cho trẻ dùng với liều 5 đến 10 ml/kg mỗi giờ trong 4 đến 10 giờ sau với sữa F75 hoặc công thức thay thế. Lượng dịch cần bù tùy thuộc vào nhu cầu và số lượng dịch mất của từng trẻ.
- Nếu không có dung dịch ReSoMal, thì dùng oresol theo tiêu chuẩn WHO pha với lượng nước gấp đôi, thêm Kali clorua 45ml và 50g Sucrose khi trẻ không bị tả.
- Nếu trẻ bị sốc hoặc mất nước nghiêm trọng nhưng không thể bù nước bằng đường uống hoặc bằng ống thông mũi, thì truyền tĩnh mạch dung dịch sau: Lactate Ringer và 5% dextrose, hoặc thay thế Lactate Ringer bằng 1/2 dung dịch Darrow.
- Khi bù nước, hô hấp và nhịp tim giảm xuống, trẻ bắt đầu có nước tiểu, nước mắt, miệng ẩm hơn.
- Trong 2 giờ đầu tiên, cần theo dõi trẻ sau mỗi 30 phút, trong 4 đến 10 giờ tiếp theo thì theo dõi sau mỗi giờ để tránh quá tải.
Đa số trẻ suy dinh dưỡng nghiêm trọng đều thiếu hụt kali và Magie với biểu hiện của phù. Trong khi đó nồng độ natri trong dịch ngoại bào cao và natri trong huyết tương thấp, nếu cung cấp natri liều cao có thể gây tử vong.
- Mỗi ngày bổ sung cho trẻ 3 đến 4 mmol/kg kali, 0,4 đến 0,6 mmol/kg magie.
- Có thể sử dụng các sản phẩm có sẵn, dành riêng cho trẻ suy dinh dưỡng, hoặc thêm vào bữa ăn của trẻ.
- Làm thức ăn cho trẻ không cho muối vào.
Trẻ suy dinh dưỡng cấp nghiêm trọng, có các dầu hiệu của bệnh nhiễm khuẩn, có thể không có sốt, cần điều trị kháng sinh cho trẻ ngay. [4]
- Sử dụng kháng sinh phổ rộng cho trẻ suy dinh dưỡng nặng.
- Cho trẻ tiêm phòng vacxin theo lịch, trừ khi trẻ bị sốc thì hoãn lại, ví dụ vacxin sởi khi đủ 6 tháng trở lên.
- Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng cấp nặng và không có biến chứng, thì uống Amoxicillin trong 5 ngày.
- Nếu trẻ có các biến chứng như hạ đường huyết, hạ thân nhiệt hoặc lờ đờ thì tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp cho trẻ như sau: Kháng sinh Benzylpenicillin với liều 50000 IU/kg mỗi lần hoặc Ampicillin với liều 50 mg/kg, tiêm lặp lại sau 6 giờ trong 2 ngày đầu tiên. Sau đó tiếp tục cho trẻ uống amoxicillin với liều 25 đến 40 mg/kg mỗi lần, lặp lại sau 8 giờ trong 5 ngày tiếp theo. Hay tiêm kháng sinh Gentamicin với liều 7,5 mg/kg mỗi ngày, trong 7 ngày, và mỗi ngày chỉ tiêm 1 lần.
- Điều chỉnh phác đồ kháng sinh nếu có sự kháng thuốc.
- Nếu nghi ngờ trẻ viêm màng não, viêm phổi, kiết lỵ, nhiễm trùng da - mô mềm, nhiễm giun hay ký sinh trùng thì cần kiểm tra và sử dụng kháng sinh phù hợp.
- Cần đánh giá lại tình trạng của trẻ sau khi sử dụng kháng sinh 7 ngày.
Hầu hết các bé bị suy dinh dưỡng nặng đều thiếu hụt vitamin và khoáng chất, tuy nhiên các vitamin tổng hợp đã có trong chế độ ăn có sẵn của trẻ. Do đó cần bổ sung vitamin cho trẻ sao cho phù hợp như sau:
- Nếu trẻ bị loét giác mạc hay sởi thì bổ sung vitamin A cho trẻ vào các ngày 1 và lặp lại vào ngày 2 và 14 như sau: Trẻ dưới 6 tháng tuổi dùng liều 50000 IU, còn trẻ 6 đến 12 tháng thì dùng 100000 IU, và liều 200000IU cho trẻ trên 1 tuổi.
- Sau khi cho trẻ sử dụng sữa dinh dưỡng F100 được 2 ngày, thì bắt đầu bổ sung thêm sắt với liều 3 mg/kg mỗi ngày.
Cho trẻ bắt đầu ăn lại từ từ trong giai đoạn đầu và cần lưu ý như sau:
- Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ với độ thẩm thấu và Lactose thấp, cách nhau từ 2 đến 3 giờ. Nếu cho trẻ ăn bằng ống thông thì cho trẻ ăn giảm xuống còn 80% so với nhu cầu trong 2 lần ăn liên tiếp.
- Năng lượng cần cung cấp cho trẻ mỗi ngày là 100 Kcal/kg mỗi ngày, trong đó lượng protein khoảng 1 đến 1,5 g/kg.
- Lượng dịch đưa vào cơ thể hay lượng sữa với trẻ bú mẹ hàng ngày là 130ml/kg, nếu trẻ bị phù thì 100mg/kg. Bổ sung thêm nếu trẻ thiếu nước so với nhu cầu như ra mồ hôi nhiều...
- Trong giai đoạn này nên cho trẻ sử dụng sữa công thức F75. Nếu trẻ đáp ứng tốt thì giai đoạn này diễn ra từ 2 đến 3 ngày.
Sau đó chuyển sang giai đoạn tiếp theo là giai đoạn bắt kịp tăng trưởng, lúc này có thể cho trẻ điều trị tại nhà.
- Dấu hiệu của giai đoạn này là trẻ đã ăn ngon miệng, không có biểu hiện hạ đường huyết và phù.
- Dần dần chuyển cho trẻ ăn từ sữa công thức F75 sang công thức F100 với lượng tương đương trong 2 ngày đầu. Sau đó sang ngày thứ 3 thì tăng lên mỗi 10ml đến khi trẻ không ăn được hơn nữa.
- Có thể cho trẻ ăn bằng các thức ăn có sẵn với lượng nhỏ dùng nhiều lần trong ngày, đầu tiên là 8 lần rồi giảm xuống còn 5 đến 6 lần.
- Trong giai đoạn chuyển tiếp thì lượng calo mỗi ngày cần cho trẻ là 150 Kcal/kg, sau đó là 200Kcal/kg ở giai đoạn hồi phục.
- Cần khuyến khích, cổ vũ để trẻ tự giác ăn.
5 Các phương pháp hỗ trợ và sự phòng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ
Tạo cho trẻ không khí vui tươi, kích thích cảm giác muốn ăn, đồng thời tham gia hoạt động thể thao và vui chơi phù hợp để nâng cao thể lực.
- Bổ sung cho trẻ đủ các chất dinh dưỡng, không thiếu hay quá thừa để tránh bị suy dinh dưỡng thai nhi.
- Mẹ mang thai và cho con bú phải ăn uống đầy đủ, khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng, tránh bệnh tật hay đẻ non. Thông thường trong 3 tháng đầu thai kỳ mẹ sẽ tăng 1kg, sau đó là 5 kg trong 3 tháng tiếp theo, và 6kg trong 3 tháng cuối cùng.
- Trẻ sinh ra được cho bú sữa mẹ luôn, trong 6 tháng đầu chỉ nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, sau đó mới kết hợp cho trẻ ăn dặm.
- Thường xuyên theo dõi các chỉ số phát triển của trẻ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời khi trẻ mới chớm có biểu hiện suy dinh dưỡng.
- Cha mẹ cũng không được quên tiêm chủng theo đúng lịch để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm làm trẻ kém phát triển.
Bài viết này chúng tôi đã cung cấp cho các bạn các kiến thức về suy dinh dưỡng ở trẻ, hy vọng giúp bạn phát hiện và điều trị sớm.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Unicef, Nutrition, Unicef. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Hopkinsmedicine, Malnutrition, Hopkinsmedicine. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Harohalli R Shashidhar, MD, Malnutrition, Medscape. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của WHO, Chuy Pocket Book of Hospital Care for Children: Guidelines for the Management of Common Childhood Illnesses. 2nd edition., NCBI. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2021