Amoxicillin

201 sản phẩm

Ước tính: 6 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây Amoxicillin

Bài viết biên soạn dựa theo

Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022


AMOXICILIN

Tên chung quốc tế: Amoxicillin.

Mã ATC: J01CA04.

Loại thuốc: Kháng sinh nhóm beta-lactam, aminopenicilin.

1 Dạng thuốc và hàm lượng

Amoxicilin dùng đường uống dưới dạng trihydrat, dùng đường tiêm dưới dạng muối natri. Hàm lượng được quy đổi theo khối lượng amoxicilin khan; 1 g amoxicilin tương đương với 1,06 g amoxicilin natri hoặc 1,15 g amoxicilin trihydrat.

Viên nang: 250 mg, 500 mg amoxicilin

Viên nén: 125 mg, 250 mg, 500 mg và 1 g amoxicilin.

Bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống: Gói hoặc lọ chứa 125 mg hoặc 250 mg amoxicilin để pha 5 ml hỗn dịch. Bột pha tiêm: lọ 500 mg, 1 g amoxicilin.

Công thức cấu tạo của Amoxicillin
Công thức cấu tạo của Amoxicillin 

2 Dược lực học

Amoxicilin thuộc phân nhóm kháng sinh aminopenicilin, có cơ chế tác dụng tương tự các kháng sinh penicilin khác. Thuốc có tác dụng diệt khuẩn thông qua ức chế tổng hợp mucopeptid của vách tế bào vi khuẩn. Mặc dù cơ chế tác dụng của các penicilin chưa hoàn toàn sáng tỏ, nhóm thuốc này có khả năng gắn thuận nghịch với một số enzym liên quan đến quá trình tổng hợp vách và phân chia tế bào (được gọi chung là các PBP - protein liên kết với penicilin). Kết quả dẫn đến những khiếm khuyết trên vách tế bào, làm cho tế bào vi khuẩn kém ổn định dưới tác động của áp lực thẩm thấu. Cuối cùng, tác dụng diệt khuẩn thường gây ra do sự ly giải tế bào thông qua các enzym tự ly giải của vi khuẩn như peptidoglycan hydroxylase.

Một phần do sự có mặt của nhóm amino trên nhánh R của nhân penicilin, các aminopenicilin dễ thấm qua lớp màng ngoài của vi khuẩn Gram âm hơn so với các penicilin tự nhiên hoặc penicilin kháng penicilinase. Do đó, aminopenicilin có hoạt tính chống lại một số vi khuẩn Gram âm đề kháng với các penicilin tự nhiên và penicilin kháng penicilinase.

2.1 Phổ tác dụng

Các aminopenicilin, bao gồm amoxicilin, có hoạt tính in vitro chống lại hầu hết các cầu khuẩn Gram âm và Gram dương (trừ các chủng sinh penicilinase), một số trực khuẩn Gram dương ưa khí và kỵ khí, một số chủng Spirochetes. Ngoài ra, thuốc cũng có hoạt tính in vitro chống lại một số chủng vi khuẩn hiếu khí và kỵ khí Gram âm. Amoxicilin có hoạt tính in vitro mạnh hơn so với ampicilin trên các chúng Enterococci và Salmonella nhưng yếu hơn ampicilin trên các chùng Shigella và Enterobacter.

2.2 Các vi khuẩn nhạy cảm

Vi khuẩn Gram dương ưa khí: Staphylococcus aureus, S. epidermidis, liên cầu nhóm A, B, C và G, Streptococcus pneumoniae, streptococci nhóm viridans và một số chùng enterococci, Corynebacterium diphtheriae, Listeria monocytogenes, Bacillus anthracis, Erysipelothrix rhusiopathiae, một vài chủng Nocardia (mặc dù đa số các chủng này kháng aminopenicilin).

Vi khuẩn Gram âm ưa khí: Neisseria meningitidis, N. gonorrhoeae (không sinh penicilinase), Haemophilus influenzae, một số chúng H. parainfluenzae và H. ducreyi, một số chúng Escherichia coli, Proteus mirabilis, Salmonella, Shigella, Vibrio cholerae, Moraxella catarrhalis (thường đề kháng do sinh B-lactamase), Bordetella pertussis, Eikenella corrodens, Campylobacter fetus, Helicobacter pylori, một số chủng Brucella.

Vi khuẩn kỵ khí: Một số chủng Actinomyces, Arachnia, Bifidobacterium, Clostridium tetani, C. perfringens, Eubacterium, Beta Lactobacillus, Peptococcus, Peptostreptococcus và Propionibacterium, Bacteroides melaninogenicus.

Xoắn khuẩn (Spirochetes): Treponema pallidum, Borrelia burgdorferi.

2.3 Kháng thuốc

Cơ chế đề kháng chủ yếu của vi khuẩn với amoxicilin là sinh beta- lactamase, một enzym có khả năng bất hoạt thuốc bằng cách thủy phân vòng beta-lactam của kháng sinh. Một số cơ chế đề kháng khác bao gồm cản trở quá trình thẩm của kháng sinh qua lớp màng ngoài và thay đổi đặc tính của các enzym đích (PBP). Nhìn chung, có sự kháng chéo giữa ampicilin và amoxicilin.

Các chủng S. aureus và S. epidermidis sinh beta-lactamase có khả năng kháng amoxicilin. Các chủng phế cầu (S. pneumoniae) đề kháng hoàn toàn với penicilin tự nhiên cũng kháng amoxicilin Enterococcus faecium thường kháng aminopenicilin. Các chủng N. gonorrhoeae sinh penicilinase kháng penicilin tự nhiên cũng đề kháng với aminopenicilin. Hiện tại, khoảng 30 - 50% số chủng E. coli phân lập được đề kháng với aminopenicilin. Đề kháng của E. coli và các chủng Enterobacteriaceae khác như P. mirabilis, Citrobacter và Enterobacter chủ yếu do vi khuẩn tiết. beta-lactamase. Có một tỷ lệ nhỏ Salmonella typhi được phát hiện đề kháng với aminopenicilin. Ngược lại, đề kháng của các chủng Salmonella khác và các chúng Shigella khá phổ biến, tỷ lệ kháng cụ thể tùy thuộc vào từng khu vực.

3 Dược động học

3.1 Hấp thu

Amoxicilin bền vững trong môi trường acid dịch vị. Thuốc được hấp thu qua Đường tiêu hóa nhanh và hoàn toàn hơn so với ampicilin. Sau khi dùng một liều đơn amoxicilin, tỷ lệ thuốc hấp thu tại đường tiêu hóa là 74 - 92%. Trên người trưởng thành dùng viên nang, viên nén bao phim hoặc hỗn dịch uống amoxicilin ở trạng thái no hoặc trạng thái đói, nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương đạt được sau 1 - 2 giờ. Thức ăn làm giảm tốc độ hấp thu (giảm Cmax và Tmax) nhưng không ảnh hưởng đến mức độ hấp thu (AUC). Sau khi uống một liều đơn 250 mg và 500 mg amoxicilin, nồng độ đỉnh trong huyết tương tương ứng dao động từ 3,5 - 5 microgam/ml và 5,5-11 microgam/ml. Nồng độ này cao hơn 2 - 2,5 lần so với nồng độ đỉnh của ampicilin có thể đạt được với cùng mức liều. Khi tăng liều amoxicilin, tỷ lệ hấp thu chỉ giảm nhẹ trong khi nồng độ đỉnh và Diện tích dưới đường cong tăng tuyến tính theo liều.

3.2 Phân bố

Amoxicilin được phân bố rộng vào các mô. Thể tích phân bố biểu kiến khoảng 0,26 - 0,31 lit/kg. Amoxicilin liên kết với protein huyết tương khoảng 17 - 20%, chủ yếu là Albumin. Thuốc được phân bố vào dịch mật, bàng quang, mô gan, mô phổi hoặc dịch màng phổi với nồng độ cao hơn nồng độ ức chế tối thiểu đối với hầu hết các vi khuẩn nhạy cảm thường gặp. Ngoài ra, thuốc cũng phân bố vào dịch cổ trướng, hoạt dịch, dịch tai giữa, dịch tiết phế quản, đờm, dịch tiết xoang hàm, amiđan, tuyến tiền liệt và cơ. Nồng độ thấp amoxicilin cũng được phát hiện trong mồ hôi, nước bọt và nước mắt. Tương tự các penicilin khác, thuốc phân bố vào thủy dịch với lượng không đáng kể sau khi dùng đường toàn thân (uống, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch). Chỉ một lượng nhỏ thuốc phân bố được vào dịch não tủy khi màng não không viêm. Khả năng phân bố vào dịch não tủy tăng lên khi có viêm màng não. Amoxicilin dễ khuếch tán qua hàng rào nhau thai. Nồng độ thuốc thấy trong máu cuống rốn bằng khoảng 25 - 33% nồng độ thuốc trong huyết tương của mẹ. Thuốc cũng được khuếch tán vào sữa mẹ với nồng độ thấp.

3.3 Chuyển hóa và thải trừ

Nồng độ amoxicilin trong huyết tương giảm theo kiểu hai pha. Nửa đời của thuốc trong pha phân bố khoảng 0,19-0,39 giờ và trong pha thải trừ (nửa đời thải trừ) khoảng 0,7 - 1,4 giờ. Amoxicilin được chuyển hóa một phần nhờ phản ứng thủy phân vòng ẞ-lactam, tạo ra chất chuyển hóa acid penicilloic không có hoạt tính kháng khuẩn. Amoxicilin và chất chuyển hóa này được bài tiết nhanh qua nước tiểu. Thuốc được bài tiết chủ yếu theo con đường bài tiết tại ống thận và một phần thông qua lọc tại cầu thận. Một lượng nhỏ thuốc cũng được bài tiết qua mật và qua phân. Trên người trưởng thành có chức năng thận bình thường, tỷ lệ thuốc bài tiết qua nước tiểu dưới dạng nguyên vẹn so với liều dùng khoảng 43 - 80% trong vòng 6 - 8 giờ sau khi dùng một liều đơn đường uống. Tỷ lệ thuốc được bài tiết qua nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa acid peniciloic khoảng 19 - 33%. Độ thanh thải của thuốc trong huyết tương khoảng 283 ml/phút. Ở trẻ sơ sinh, nồng độ amoxicilin trong huyết tương thường cao hơn và nửa đời của thuốc dài hơn so với người trường thành hoặc trẻ lớn Nhìn chung, nửa đời của thuốc trong huyết tương tỷ lệ nghịch với cân nặng sơ sinh, số tuần tuổi tính theo tuổi thai và tuổi thực. Nửa đời thải trừ của amoxicilin khoảng 3,7 giờ ở trẻ sơ sinh đủ tháng và khoảng 0,9 - 1,9 giờ ở trẻ nhỏ và trẻ lớn. Thanh thải thận ở người cao tuổi cũng giảm do sự suy giảm khả năng bài tiết tại ống thận. Do đó, nửa đời thải trừ của thuốc có thể kéo dài hơn trên đối tượng bệnh nhân này. Amoxicilin có thể bị loại bỏ bởi thẩm tách máu. Sau khi dùng một liều đơn đường uống hoặc đường tĩnh mạch ngay trước khi thẩm tách, khoảng 30 - 40% liều có thể bị loại bỏ sau 4 - 6 giờ thẩm tách máu. Thẩm phân phúc mạc chỉ có thể loại bỏ một lượng nhỏ amoxicilin.

4 Chỉ định

Amoxicilin được sử dụng để điều trị các nhiễm khuẩn do vi khuẩn Gram âm và Gram dương nhạy cảm, bao gồm:

Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm họng, viêm amiđan.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới: viêm phổi mắc phải tại cộng đồng mức độ nhẹ và trung bình, đợt bùng phát của viêm phế quản mạn.

Nhiễm khuẩn da và mô dưới da.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bao gồm viêm bàng quang cấp và viêm thận - bể thận cấp.

Phối hợp với các kháng sinh khác và thuốc ức chế bơm proton để điều trị loét dạ dày tá tràng do Helicobacter pylori.

Bệnh Lyme.

Bệnh than (điều trị và dự phòng phơi nhiễm).

Nhiễm khuẩn trong khoang miệng, áp xe răng kèm viêm mô tế bào lan tỏa.

Viêm màng não do Listeria (kết hợp với các kháng sinh khác).

Bệnh lậu chưa biến chứng (không khuyến cáo sử dụng theo kinh nghiệm, chỉ sử dụng trong trường hợp đã phân lập được Neisseria gonorrhoeae nhạy cảm với amoxicilin).

Nhiễm khuẩn tiết niệu - sinh dục do Chlamydia trong thời kỳ mang thai (lựa chọn thay thế cho Azithromycin).

Nhiễm Salmonella (bệnh sốt thương hàn hoặc phó thương hàn).

Nhiễm khuẩn khớp nhân tạo.

Dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Dự phòng nhiễm liên cầu trên bệnh nhân thiếu lách hoặc sau cắt bỏ lách và trên các bệnh nhân mắc chứng hồng cầu hình liềm.

5 Chống chỉ định

Dị ứng với bất kỳ kháng sinh penicilin nào.

Tiền sử gặp phản ứng dị ứng nghiêm trọng (như phản ứng phản vệ, hội chứng Stevens-Johnson) với bất kỳ kháng sinh nhóm beta- lactam nào khác.

6 Thận trọng

Đã ghi nhận các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, đôi khi dẫn đến từ vong, trong khi điều trị bằng các kháng sinh penicilin. Những phản ứng này thường xuất hiện hơn trên các bệnh nhân có tiền sử gặp phản ứng dị ứng thuốc hoặc có cơ địa dị ứng. Do đó, trước khi bắt đầu điều trị với amoxicilin, cần kiểm tra kỹ tiền sử dị ứng với các kháng sinh penicilin, Cephalosporin và các kháng sinh Beta-lactam khác. Nếu phản ứng dị ứng xuất hiện trong khi sử dụng thuốc, cần ngừng amoxicilin ngay và áp dụng biện pháp xử trí thích hợp.

Cần định kỳ kiểm tra chức năng thận, chức năng gan và các thông số huyết học khi sử dụng dài ngày amoxicilin, đặc biệt khi sử dụng thuốc trên bệnh nhân suy gan hoặc suy thận.

Sử dụng amoxicilin có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của các chủng vi sinh vật không nhạy cảm, bao gồm nấm Candida. Bội nhiễm vi khuẩn trong khi điều trị bằng amoxicilin thường gây ra bởi Enterobacter, Klebsiella, E. coli, Aerobacter hoặc Peer Jomonas. Viêm đại tràng do Clostridium difficile liên quan đến amoxicilin cũng đã được ghi nhận. Bội nhiễm thường gặp hơn trên các bệnh nhân sử dụng amoxicilin liều cao hoặc kéo dài. Do đó, cần theo dõi bệnh nhân trong khi điều trị bằng penicilin, đặc biệt khi xuất hiện tiêu chảy trong hoặc sau khi dùng thuốc. Nếu có bội nhiễm, cần ngừng sử dụng thuốc và áp dụng biện pháp xử trí thích hợp.

Nên tránh sử dụng thuốc trên các bệnh nhân mắc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn do tăng nguy cơ xuất hiện chứng phát ban. Có thể xuất hiện co giật khi sử dụng amoxicilin trên các bệnh nhân suy thận, các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ (như tiền sử động kinh, rối loạn màng não) hoặc khi sử dụng thuốc với liều cao.

Dương tính giả với xét nghiệm Glucose niệu có thể xuất hiện khi sử dụng phương pháp phát hiện bằng thuốc thử Clinitest(R), Benedict Solution hoặc Dung dịch Fehling. Khuyến cáo sử dụng xét nghiệm dựa trên phản ứng oxy hóa glucose bằng enzym.

Cần thận trọng và hiệu chỉnh liều thích hợp khi sử dụng thuốc trên bệnh nhân suy thận nặng (mức lọc cầu thận dưới 30 ml/phút) hoặc thẩm tách.

7 Thời kỳ mang thai

Mặc dù độ an toàn của amoxicilin đối với phụ nữ mang thai chưa được thiết lập hoàn toàn, các penicilin nói chung được coi là an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai không có tiền sử dị ứng thuốc và thường được lựa chọn để điều trị các nhiễm khuẩn nhạy cảm trên đối tượng này. Amoxicilin đã được sử dụng rộng rãi để điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu đơn giản trong thai kỳ. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng lâm sàng về ảnh hưởng của việc sử dụng amoxicilin dài hạn trên phụ nữ mang thai và chưa có các nghiên cứu có đối chứng trên đối tượng này. Do đó, chỉ nên sử dụng amoxicilin trong thai kỳ khi thực sự cần thiết.

8 Thời kỳ cho con bú

Amoxicilin bài tiết vào sữa mẹ với nồng độ rất thấp (không có ý nghĩa lâm sàng) và thường được xem là thích hợp để sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, do lượng thuốc bài tiết vào sữa mẹ vẫn có thể gây quá mẫn đối với trẻ nhỏ, cần thận trọng trước khi quyết định sử dụng thuốc trên đối tượng này.

9 Tác dụng không mong muốn (ADR)

ADR chủ yếu của amoxicilin bao gồm rối loạn tiêu hóa, phát ban và các phản ứng dị ứng khác.

9.1 Thường gặp

Tiêu hóa: buồn nôn, nôn (2%), tiêu chảy (0,5 - 5% ở người lớn; tỷ lệ gặp cao hơn ở trẻ em và người cao tuổi).

Phản ứng dị ứng: phát ban (1,4 - 10%).

9.2 Ít gặp

Mày đay, ngứa.

9.3 Hiếm gặp

Huyết học: thiếu máu (bao gồm thiếu máu tan huyết), giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, mất bạch cầu hạt, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm tiểu cầu, ban xuất huyết giảm tiểu cầu, giảm toàn bộ huyết cầu, kéo dài thời gian chảy máu và thời gian đông máu.

Gan: viêm gan, vàng da, tăng enzym gan mức độ trung bình.

Phản ứng dị ứng: phù mạch, viêm mạch dị ứng, hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johson, viêm da tróc vảy hoặc viêm da bọng nước, hoại tử thượng bì nhiễm độc, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tỉnh, bệnh huyết thanh, phản ứng phản vệ.

TKTW: đau đầu, chóng mặt, co giật, kích động, vật vã, lo lắng, mất ngủ, lú lẫn, thay đổi hành vi.

Thận: viêm thận kẽ, tinh thể niệu.

Tiêu hóa: viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile, viêm tiểu - đại tràng cấp với triệu chứng đau bụng và đi ngoài ra máu, không liên quan đến Clostridium difficile 

Bội nhiễm nấm Candida da và niêm mạc.

10 Hướng dẫn cách xử trí ADR

Nếu xuất hiện phản ứng dị ứng nghiêm trọng trong khi dùng amoxicilin, cần ngừng thuốc ngay và áp dụng các biện pháp can thiệp thích hợp khi có chỉ định (như tiêm adrenalin, corticosteroid, duy trì thông khí, oxy). Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch adrenalin thường được ưu tiên lựa chọn khi gặp phản ứng phản vệ. Đối với các phản ứng dị ứng nhẹ trên da như phát ban, ngứa, có thể dùng thuốc kháng histamin (hoặc corticosteroid nếu cần thiết) mặc dù hiện chưa có các nghiên cứu có đối chứng chứng minh hiệu quả của các thuốc này trong điều trị các triệu chứng của phản ứng dị ứng penicilin. Trong mọi trường hợp, cần khai thác kỹ tiền sử dị ứng với penicilin hoặc các ẞ-lactam khác trước khi dùng penicilin cho bệnh nhân.

Cần thận trọng khi xuất hiện tiêu chảy trong hoặc sau khi dùng amoxicilin do nguy cơ viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile. Những trường hợp viêm đại tràng nhẹ có thể tự thoái lui sau khi ngừng thuốc. Tuy nhiên, với những trường hợp viêm đại tràng và/hoặc tiêu chảy nặng không tự thoái lui sau khi ngừng thuốc, cần thực hiện xét nghiệm vi sinh, bù nước, điện giải, bổ sung protein và điều trị chống nhiễm khuẩn (với metronidazol hoặc Vancomycin đường uống) khi có chỉ định.

11 Liều lượng và cách dùng

11.1 Cách dùng

Amoxicilin có thể uống trong bữa ăn hoặc xa bữa ăn. Dạng bột pha hỗn dịch uống cần được hoàn nguyên ngay trước khi sử dụng bằng cách thêm nước để thu được hỗn dịch chứa 125 mg hoặc 250 mg amoxicilin trong 5 ml. Sau khi hoàn nguyên, hỗn dịch có thể được sử dụng trực tiếp hoặc trộn với sữa bột, sữa tươi, nước hoa quả hoặc nước lọc nhưng phải dùng ngay sau khi trộn.

Amoxicilin natri có thể được dùng theo đường tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch. Để tiêm bắp sâu, hoàn nguyên lọ 500 mg với 2,5 ml nước cất pha tiêm và lắc mạnh. Liều tiêm bắp một lần không được vượt quá 1 g ở ngưới lớn hoặc 60 mg/kg ở trẻ em. Không nên dùng lọ 1 g để tiêm bắp (nên dùng 2 lọ 500 mg nếu cần đưa liều 1 g amoxicilin).

Để tiêm tĩnh mạch, hoàn nguyên lọ 500 mg hoặc 1 g amoxicilin tương ứng với 10 ml hoặc 20 ml nước cất pha tiêm. Một liều amoxicilin cần được tiêm tĩnh mạch trong thời gian 3 - 4 phút.

Để truyền tĩnh mạch, hoàn nguyên lọ 500 mg hoặc 1 g amoxicilin tương ứng với 10 ml hoặc 20 ml nước cất pha tiêm. Pha loãng dung dịch sau hoàn nguyên với một thể tích thích hợp nước muối sinh lý hoặc nước cất pha tiêm, dung dịch Ringer, Ringer lactat, natri lactat, dextrose (thường dùng 100 ml). Truyền tĩnh mạch trong thời gian 30 - 60 phút.

11.2 Liều dùng

Liều thường dùng để điều trị các nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm (bao gồm nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi mắc phải tại cộng đồng, nhiễm Salmonella, nhiễm khuẩn da và mô mềm, nhiễm khuẩn miệng):

11.2.1 Đường uống

Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: 500 mg mỗi 8 giờ, có thể tăng liều tới 1 g mỗi 8 giờ trong các nhiễm khuẩn nặng; trẻ sơ sinh 7 - 28 ngày tuổi: 30 mg/kg mỗi 8 giờ (tối đa 125 mg); trẻ em 1 - 11 tháng tuổi: 125 mg mỗi 8 giờ, khi cần có thể tăng liều tới 30 mg/kg mỗi 8 giờ; trẻ em 1 - 4 tuổi: 250 mg mỗi 8 giờ, khi cần có thể tăng liều tới 30 mg/kg mỗi 8 giờ; trẻ em 5 - 11 tuổi: 500 mg mỗi 8 giờ, khi cần có thể tăng liều tới 30 mg/kg mỗi 8 giờ (tối đa 1 g mỗi liều).

11.2.2 Tiêm bắp

Người lớn, 500 mg mỗi 8 giờ.

11.2.3 Tiêm hoặc truyền tĩnh mạch

Người lớn: 500 mg mỗi 8 giờ, có thể tăng liều tới 1 g mỗi 6 giờ trong các nhiễm khuẩn nặng; trẻ sơ sinh dưới 7 ngày tuổi: 30 mg/kg mỗi 12 giờ, có thể tăng liều tới 60 mg/kg mỗi 12 giờ trong các nhiễm khuẩn nặng, viêm phổi mắc phải tại cộng đồng, nhiễm Salmonella; trẻ sơ sinh 7 - 28 ngày tuổi: 30 mg/kg mỗi 8 giờ, có thể tăng liều tới 60 mg/kg mỗi 8 giờ trong các nhiễm khuẩn nặng, viêm phổi mắc phải tại cộng đồng, nhiễm Salmonella; trẻ em trên 1 tháng tuổi: 20 - 30 mg/kg mỗi 8 giờ (tối đa 500 mg mỗi liều), có thể tăng liều tới 40 - 60 mg/kg mỗi 8 giờ (tối đa 1 g mỗi 8 giờ) trong các nhiễm khuẩn nặng.

Bệnh Lyme: Người lớn và trẻ em ≥ 5 tuổi: uống 500 mg mỗi 8 giờ trong 14 - 21 ngày (28 ngày nếu kèm viêm khớp); trẻ sơ sinh 7 - 28 ngày tuổi: uống 30 mg mỗi 8 giờ (tối đa 125 mg mỗi 8 giờ) trong 2-4 tuần; trẻ em 1 - 11 tháng tuổi: uống 125 mg mỗi 8 giờ, có thể tăng liều tới 30 mg/kg mỗi 8 giờ trong 2 - 4 tuần; trẻ em 1 - 4 tuổi: uống 250 mg mỗi 8 giờ, có thể tăng liều tới 30 mg/kg mỗi 8 giờ trong 2 - 4 tuần.

Dự phòng hậu phơi nhiễm và điều trị bệnh than: Người lớn và trẻ em từ 20 kg trở lên: uống 500 mg mỗi 8 giờ; trẻ em dưới 20 kg: uống 80 mg/kg/ngày, chia làm 3 lần.

Áp xe răng: Người lớn uống hai liều, mỗi liều 3 g cách nhau 8 giờ. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu (chế độ liều ngắn hạn, áp dụng với viêm bàng quang cấp): Người lớn uống hai liều, mỗi liều 3 g cách nhau 10 - 12 giờ.

Viêm màng não do Listeria (phối hợp với các kháng sinh khác): Người lớn: truyền tĩnh mạch liều 2 g mỗi 4 giờ; trẻ sơ sinh dưới 7 ngày tuổi: truyền tĩnh mạch 50 - 100 mg/kg mỗi 12 giờ; trẻ sơ sinh 7 - 28 ngày tuổi: truyền tĩnh mạch 50 - 100 mg/kg mỗi 8 giờ, trẻ em trên 1 tháng tuổi: truyền tĩnh mạch 50 mg/kg mỗi 4 - 6 giờ (tối đa 2 g mỗi 4 giờ).

Viêm nội tâm mạc (phối hợp với các kháng sinh khác): Người lớn, truyền tĩnh mạch liều 2 g mỗi 4 giờ; trẻ sơ sinh dưới 7 ngày tuổi, truyền tĩnh mạch 50 mg/kg mỗi 12 giờ, trẻ sơ sinh 7 - 28 ngày tuổi, truyền tĩnh mạch 50 mg/kg mỗi 8 giờ; trẻ em trên 1 tháng tuổi, truyền tĩnh mạch 50 mg/kg mỗi 4 - 6 giờ (tối đa 2 g mỗi 4 giờ).

Dự phòng viêm nội tâm mạc: Người lớn, uống 2 g tại thời điểm 30 - 60 phút trước khi tiến hành thủ thuật liên quan đến răng miệng, đường hô hấp hoặc mô cơ, da và mô dưới da bị nhiễm khuẩn.

Dự phòng nhiễm liên cầu trên bệnh nhân thiếu lách hoặc sau phẫu thuật cắt lách, bệnh nhân mắc bệnh hồng cầu hình liềm: Trẻ em 1 tháng - 4 tuổi: uống 125 mg mỗi 12 giờ; trẻ em 5 - 11 tuổi: uống 250 mg mỗi 12 giờ; trẻ em 12 - 17 tuổi: uống 500 mg mỗi 12 giờ.

Diệt Helicobacter pylori (trong phác đồ phối hợp với Clarithromycin và một thuốc ức chế bơm proton): Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: uống 1 g/lần x 2 lần/ngày; trẻ em 1 - 5 tuổi: uống 250 mg/lần x 2 lần/ngày; trẻ em 6 - 11 tuổi: uống 500 mg/lần x 2 lần/ngày. Thời gian điều trị từ 10 - 14 ngày.

11.2.4 Hiệu chỉnh liều trên người lớn suy giảm chức năng thận

Độ thanh thải creatinin

Đường uống

Đường tiêm

> 30 ml/phút

Không cần hiệu chỉnh liều

Không cần hiệu chỉnh liều.

10-30 ml/phút

250-500 mg mỗi 12 giờ.

Tiêm bắp: 500 mg mỗi 12 giờ.

Tiêm hoặc truyền tĩnh mạch: Liều ban đầu 1000 mg, sau đó 500 - 100 mg mỗi 12 giờ.

< 10 ml/phút

250-500 mg mỗi 24 giờ.

Tiêm bắp: 500 mg mỗi 24 giờ.

Tiêm hoặc truyền tĩnh mạch: Liều ban đầu 1 000 mg, sau đó 500 mg mỗi 24 giờ.

Thẩm tách máu

250 - 500 mg mỗi 24 giờ.

Thêm một liều trong và sau mỗi lần thẩm tách

Tiêm bắp: 500 mg mỗi 24 giờ, bổ sung thêm một liều 500 mg trong và sau thẩm tách.

Tiêm hoặc truyền tĩnh mạch: 1 g sau thẩm tách, sau đó 500 mg mỗi 24 giờ.

11.2.5 Hiệu chỉnh liều trên trẻ em suy giảm chức năng thận

Độ thanh thải creatinin

Đường uống

Đường tiêm

> 30 ml/phút

Không cần hiệu chỉnh liều

Không cần hiệu chỉnh liều.

10-30 ml/ phút

15 mg/kg mỗi 12 giờ (tối đa 500 mg mỗi 12 giờ).

Tiêm bắp: 15 mg/kg mỗi 12 giờ. Tiêm hoặc truyền tĩnh mạch: 25 mg/kg mỗi 12 giờ.

< 10 ml/phút 

15 mg/kg mỗi 24 giờ (tối đa 500 mg mỗi 24 giờ).

Tiêm bắp: 15 mg/kg mỗi 24 giờ. Tiêm hoặc truyền tĩnh mạch: 25 mg/kg mỗi 24 giờ.

Thẩm tách máu

 

Khởi đầu 25 mg/kg, thêm một liều 12,5 mg/kg sau khi thẩm tách, sau đó 25 mg/kg mỗi 24 giờ.

12 Tương tác thuốc

Alopurinol: Tăng nguy cơ phát ban.

Thuốc chống đông máu nhóm coumarin: Có thể dẫn đến thay đổi INR, mặc dù tương tác này chưa được chứng minh trong các nghiên cứu.

Methotrexat: Amoxicilin có thể làm giảm độ thanh thải thận, dẫn đến tăng nồng độ và tăng độc tính của methotrexat (độc tính trên tiêu hóa và huyết học). Nên tránh sử dụng đồng thời hai thuốc này. Nếu bắt buộc phải dùng đồng thời, cân nhắc giảm liều, giám sát nồng độ trong máu và độc tính của methotrexat.

Probenecid: Giảm bài tiết amoxicilin tại ống thận, dẫn đến tăng nồng độ thuốc trong huyết tương và kéo dài nửa đời thải trừ của amoxicilin.

Tetracyclin: Các kháng sinh nhóm tetracyclin có thể làm giảm tác dụng diệt khuẩn của penicilin khi dùng đồng thời. Tránh sử dụng phối hợp amoxicilin và các tetracyclin.

Thuốc tránh thai đường uống: Sử dụng đồng thời amoxicilin với các thuốc tránh thai đường uống chứa estrogen có thể làm giảm hiệu quả tránh thai. Tuy nhiên, ý nghĩa lâm sàng của tương tác chưa được thiết lập.

13 Tương kỵ

Không được trộn chung dung dịch tiêm amoxicilin với bất kỳ thuốc nào trong cùng bơm tiêm.

Không được trộn amoxicilin với các chế phẩm máu, dịch truyền protein hoặc nhũ dịch lipid truyền tĩnh mạch. Nếu thuốc được kê cùng aminoglycosid, không được trộn lẫn hai kháng sinh vào cùng xy lanh, cùng chai dịch truyền hoặc cùng bộ dây truyền do hoạt tính của aminoglycosid có thể giảm. Không được trộn amoxicilin với glucose, dextran hoặc bicarbonat.

14 Quá liều và xử trí

Triệu chứng: Biểu hiện trên tâm thần kinh thận (tinh thể niệu) và rối loạn tiêu hóa.

Xử trí: Không có thuốc giải độc đặc hiệu, có thể loại bỏ amoxicilin bằng thẩm phân máu. Điều trị triệu chứng, đặc biệt chú ý đến cân bằng nước - điện giải.

Cập nhật lần cuối: 2016.


Phần nghiên cứu sau đây không nằm trong Dược thư quốc gia Việt Nam 2022 lần xuất bản thứ 3

15 Nghiên cứu ảnh hưởng của liều lượng Amoxicillin và thời gian điều trị đối với nhu cầu tái điều trị bằng kháng sinh ở trẻ em bị viêm phổi mắc phải tại cộng đồng

Mục tiêu: Để xác định liệu Amoxicillin liều thấp có tốt hơn liều cao hơn hay không và liệu điều trị 3 ngày có tốt hơn liệu pháp 7 ngày hay không.

Thiết kế, bối cảnh và đối tượng tham gia: Thử nghiệm không thua kém đa trung tâm, ngẫu nhiên, 2 × 2 thu nhận 824 trẻ em, từ 6 tháng tuổi trở lên, mắc viêm phổi mắc phải tại cộng đồng được chẩn đoán lâm sàng, được điều trị bằng Amoxicillin khi xuất viện từ khoa cấp cứu và khu điều trị nội trú của 28 bệnh viện ở Vương quốc Anh và Vương quốc Anh. 1 tại Ireland từ tháng 2 năm 2017 đến tháng 4 năm 2019, với lần thử nghiệm cuối cùng vào ngày 21 tháng 5 năm 2019.

Can thiệp: Trẻ em được chọn ngẫu nhiên 1:1 để nhận Amoxicillin đường uống với liều thấp hơn (35-50 mg/kg/ngày; n = 410) hoặc liều cao hơn (70-90 mg/kg/ngày; n = 404), trong một thời gian ngắn hơn (3 ngày; n = 413) hoặc thời gian dài hơn (7 ngày; n = 401).

Kết quả chính và biện pháp: Kết quả chính là điều trị lại bằng kháng sinh được chỉ định lâm sàng đối với nhiễm trùng đường hô hấp trong vòng 28 ngày sau khi phân nhóm ngẫu nhiên. Biên độ không thua kém là 8%. Các kết quả phụ bao gồm mức độ nghiêm trọng/thời gian kéo dài của 9 triệu chứng viêm phổi mắc phải tại cộng đồng do cha mẹ báo cáo, 3 tác dụng phụ liên quan đến kháng sinh và kiểu hình kháng thuốc ở các chủng Streptococcus pneumoniae phân lập.

Kết quả: Trong số 824 người tham gia được chọn ngẫu nhiên vào 1 trong 4 nhóm, 814 người nhận được ít nhất 1 liều thuốc thử nghiệm (tuổi [IQR] trung bình, 2,5 tuổi [1,6-2,7]; 421 [52%] nam và 393 [48%] nữ), và kết quả chính đã có sẵn cho 789 (97%). Đối với liều thấp hơn so với liều cao hơn, kết quả chính xảy ra ở 12,6% với liều thấp hơn so với 12,4% với liều cao hơn (chênh lệch, 0,2% [KTC 95% 1 phía -∞ đến 4,0%]) và 12,5% với 3 ngày điều trị so với 12,5% với điều trị 7 ngày (chênh lệch, 0,1% [KTC 95% 1 phía -∞ đến 3,9]). Cả hai nhóm đều thể hiện sự không thua kém khi không có tương tác đáng kể giữa liều lượng và thời gian (P = 0,63). Trong số 14 tiêu chí phụ được xác định trước, sự khác biệt đáng kể duy nhất là thời gian điều trị ho trong 3 ngày so với 7 ngày (trung bình 12 ngày so với 10 ngày; tỷ lệ nguy cơ [HR], 1,2 [95% CI, 1,0 đến 1,4]; P = . 04) và rối loạn giấc ngủ do ho (trung vị, 4 ngày so với 4 ngày; HR, 1,2 [95% CI, 1,0 đến 1,4]; P = 0,03). Trong nhóm trẻ em bị viêm phổi mắc phải tại cộng đồng nặng, tiêu chí chính xảy ra ở 17,3% trẻ dùng liều thấp hơn so với 13,5% trẻ dùng liều cao hơn (chênh lệch, 3,8% [KTC 95% một bên, -∞ đến 10%]; P giá trị cho tương tác = 0,18) và trong 16,0% với điều trị 3 ngày so với 14,8% với điều trị 7 ngày (chênh lệch, 1,2% [KTC 95% 1 phía, -∞ đến 7,4%]; Giá trị P cho tương tác = . 73). 2% [KTC 95% 1 mặt, -∞ đến 7,4%]; Giá trị P cho tương tác = .73). 2% [KTC 95% 1 mặt, -∞ đến 7,4%]; Giá trị P cho tương tác = .73).

Kết luận và mức độ liên quan: Trong số trẻ em mắc viêm phổi mắc phải tại cộng đồng được xuất viện từ khoa cấp cứu hoặc bệnh viện (trong vòng 48 giờ), Amoxicillin uống ngoại trú liều thấp không kém hơn liều cao hơn, và thời gian 3 ngày không thua kém 7 ngày, xét về nhu cầu điều trị lại kháng sinh. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của bệnh, bối cảnh điều trị, thuốc kháng sinh đã sử dụng trước đó và khả năng chấp nhận của giới hạn không thua kém cần được xem xét khi giải thích các phát hiện.

16 Các dạng bào chế phổ biến của Amoxicillin

Các thuốc chứa Amoxicillin
Các thuốc chứa Amoxicillin

 

Xem thêm chi tiết

Các sản phẩm có chứa hoạt chất Amoxicillin

Élomentin 1000
Élomentin 1000
175.000₫
Clathepharm 625
Clathepharm 625
Liên hệ
Cledomox 1000
Cledomox 1000
Liên hệ
Augmentin - BID 1000mg
Augmentin - BID 1000mg
Liên hệ
Bilclamos 312.5mg/5ml
Bilclamos 312.5mg/5ml
Liên hệ
Koact 1000
Koact 1000
Liên hệ
Imefed 875mg/125mg
Imefed 875mg/125mg
Liên hệ
Aclav 1g/125mg
Aclav 1g/125mg
Liên hệ
Trimoxtal 500mg/500mg
Trimoxtal 500mg/500mg
Liên hệ
ZT-Amox 200/28,5mg
ZT-Amox 200/28,5mg
125.000₫
Rezoclav 250mg/31.25mg
Rezoclav 250mg/31.25mg
Liên hệ
Atsypax 600
Atsypax 600
Liên hệ

SO SÁNH SẢN PHẨM CÙNG HOẠT CHẤT

vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633