Tổng quan về thuốc kháng viêm và các loại thuốc kháng viêm
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Thuốc kháng viêm được sử dụng rất nhiều trong các bệnh lý có triệu chứng viêm như viêm nhiễm phụ khoa, viêm khớp, viêm họng,... Vậy có các loại thuốc chống viêm nào và cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc kháng viêm? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1 Viêm là gì?
1.1 Viêm là gì?
Viêm có tên tiếng anh là Inflammation.
Viêm là 1 phản ứng bảo vệ của cơ thể khỏi các yếu tố nguy cơ có hại cho cơ thể như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, dị vật,... nên viêm có thể được xem như là miễn dịch bẩm sinh của cơ thể để chống lại các kháng nguyên gây bệnh.
Viêm giúp cơ thể loại bỏ những tác nhân khiến tế bào có thể tổn thương, loại bỏ các tế bào chết và giúp phục hồi mô.
Tuy nhiên, viêm cũng là 1 phản ứng có hại cho cơ thể khi tạo ra các tổn thương tại các mô, các cơ quan trong cơ thể bị rối loạn chức năng hay trầm trọng hơn là hoại tử.
Người bệnh có thể nhận biết dễ dàng viêm thông qua các dấu hiệu sưng, đỏ, nóng, đau. Viêm có thể gặp ở rất nhiều các bệnh như: Viêm họng, viêm phổi, viêm khớp, viêm âm đạo,...
Phân loại viêm
Viêm có 5 cách phân loại là:
- Dựa vào tác nhân gây viêm: Viêm do nhiễm khuẩn và viêm vô khuẩn.
- Dựa theo vị trí viêm xảy ra: Viêm nông và viêm sâu.
- Dựa theo dịch rỉ từ các ổ viêm: Viêm thanh dịch, viêm mủ,.. dựa vào tính chất dịch rỉ viêm (tương tự huyết thanh, huyết tương hay trong thành phần có nhiều bạch cầu đã thoái hoá,...)
- Dựa vào diễn biến quá trình viêm: Viêm cấp và viêm mạn. Viêm cấp thường xảy ra nhanh và thoát ra nhiều dịch có protein huyết tương với bạch cầu đa nhân trung tính. Bạch cầu tới ngay vị trí tổn thương để tiêu diệt vi khuẩn và loại bỏ các mô hoại tử nhưng có thể nó lại là tác nhân khiến kéo dài quá trình viêm khi nó giải phóng ra các chất độc tính.
Khác với viêm cấp, viêm mạn (viêm lao, viêm gan mạn,...) có thể kéo dài tới tận vài tháng hoặc năm với sự xuất hiện của lympho bào hoặc đại thực bào, các mô bị tổn thương và sự tăng sinh các mạch máu với mô xơ.
- Dựa theo tính chất: viêm đặc hiệu và viêm không đặc hiệu. Viêm đặc hiệu do là kết quả do đáp ứng miễn dịch gây ra còn do các yếu tố khác gây ra là bệnh viêm không đặc hiệu.
1.2 Nguyên nhân gây viêm
Có nhiều tác nhân gây ra viêm như:
Tác nhân bên ngoài:
- Cơ học: do cơ thể bị các chấn thương khiến các mô và tế bào bị phá huỷ và giải phòng 1 lượng các chất hoá học trung gian gây viêm.
- Sinh học: Bệnh nhân bị viêm do nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm, vi rút, động vật đơn bào,...
- Vật lý: Khi con người tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc thấp, tia UV, tia X,... có thể khiến 1 số enzym bị phá huỷ hoặc tổn thương.
- Hoá học: Các chất như acid, thuốc trừ sâu, kiềm mạnh có thể khiến tế bào bị phá vỡ hoặc các enzym bị phong bế.
Tác nhân bên trong:
- Tình trạng thiếu oxy tại chỗ, tắc mạch khiến bệnh nhân bị viêm.
- Bệnh hoại tử mô, xuất huyết cũng có thể gây ra viêm.
- Viêm xuất hiện do phản ứng kháng nguyên - kháng thể như bệnh nhân mắc chứng viêm cầu thận, viêm trong hiện tượng Arthus.
1.3 Quá trình viêm
Viêm cấp
Tại ổ viêm xảy ra 3 quá trình: Rối loạn tuần hoàn, rối loạn chuyển hoá và tổn thương mô và tăng sinh tế bào.
Nếu ổ viêm phát triển lớn hơn có thể gây ra ảnh hưởng tới toàn cơ thể như các chất gây sốt, acid sẽ thoát ra khỏi ổ viêm đi vào lòng mạch, số lượng bạch cầu tăng,...
Rối loạn tuần hoàn gồm các hiện tượng:
- Rối loạn vận mạch
- Hiện tượng co mạch xảy ra rất sớm và ngắn.
- Sau đó các enzym và các chất hóa học trung gian (histamin, bradykinin, prostaglandin,...), sản phẩm của bạch cầu, cytokine được giải phóng gây ra sung huyết động mạch, quá trình thực bào được diễn ra đồng thời làm tăng tính thấm thành mạch và thoát huyết tương.
- Máu dần đặc quánh và bạch cầu bám xung quanh thành mạch khiến dòng máu khó đi và dẫn tới hiện tượng sung huyết tĩnh mạch.
- Giai đoạn cuối của quá trình này là ứ máu. Ổ viêm được cách biệt và các yếu tố gây bệnh được giữ lại để không lan sang các vị trí khác và quá trình sửa chữa cũng được tăng cường.
- Hình thành dịch rỉ viêm
- Dịch rỉ viêm được tiết từ ổ viêm khi hiện tượng sung huyết động mạch diễn ra.
- Dịch rỉ viêm gồm nước, muối, các thành phần hữu hình, protein huyết tương, các hóa chất trung gian ( histamin, acetylcholin, serotonin), leukotaxin, các cytokin, chất gây sốt, leucotrien, các acid nhân và các enzym.
- Dịch rỉ viêm có tác dung bảo vệ nhưng nếu lượng dịch tiết ra quá nhiều có thể chèn ép các mô khiến bệnh nhân đau và các cơ quan khó hoạt động, trầm trọng hơn là tình trạng tràn dịch màng tim, màng phổi xảy ra.
- Bạch cầu xuyên mạch: Khi thành mạch tăng thấm, máu chảy chậm và có sự thoát mạch, bạch cầu di chuyển và tới các tế bào nội mạch ở thành mạch. Sau đó, chúng lăn theo vách mạch, bám và xuyên mạch nhờ enzyme collagenase.
- Bạch cầu thực bào
- Bạch cầu di chuyển tới các ổ viêm và tới bắt giữ các kháng nguyên lạ và tiêu diệt chúng.
- Tuy nhiên, trong 1 số trường hợp, các đối tượng bị thực bào có thể không bị tiêu huỷ mà sống lâu như bụi than ở phổi hay hemosiderin ở gan (xơ gan nhiễm Sắt) hoặc đi theo thực bào để tới vị trí khác tạo ra các ổ viêm như trong bệnh lao mạn hay làm chết thực bào.
Rối loạn chuyển hoá
Tại ổ viêm, sung huyết động mạch xảy ra khiến oxy không được cung ứng đủ. Từ đó, pH giảm dần và các rối loạn chuyển hoá xảy ra bao gồm:
- Rối loạn chuyển hoá glucid.
- Rối loạn chuyển hoá lipid.
- Rối loạn chuyển hoá protid.
Tổn thương mô
Có 2 loại tổn thương:
- Tổn thương tiên phát: do các tác nhân gây viêm gây nên tổn thương tại chỗ rồi ổ viêm hình thành. Tổn thương có thể rất nhỏ như kim châm, trầy xước hoặc rất trầm trọng, có thể gây ra hoại tử tế bào như dập nát do chấn thương, nhiễm khuẩn độc lực cao,...
- Tổn thương thứ phát: nguyên nhân xuất phát từ các rối loạn tại ổ viêm. Phản ứng của cơ thể cũng là 1 nguyên nhân khác gây ra ứ máu và tạo ra nhiều chất làm thiểu dưỡng, gây tổn thương hay thậm chí khiến tế bào bị hoại tử.
Tăng sinh tế bào - lành vết thương
- Tới giai đoạn này, sự tăng sinh các tế bào mạnh mẽ và vượt mức hoại tử nên có thể phục hồi và sửa chữa ổ viêm.
- Các tế bào nhu mô được tái sinh và cơ quan phục hồi cấu trúc ban đầu và chức năng. Tuy nhiên, nếu không được thì 1 phần tế bào sẽ bị thay bằng các mô xơ. Đồng thời, các mạch máu mới cũng được hình thành.
Viêm mạn
Viêm mạn có thể bắt đầu từ các tác nhân gây viêm hoặc là biến chứng của viêm cấp tính.
Ảnh: Viêm họng mạn
Dấu hiệu của bệnh viêm mạn tính là có dịch rỉ nhưng không hoặc ít sưng, nóng và đỏ. Hiện tượng thực bào không mạnh mẽ, không loại bỏ được các tác nhân gây viêm và sự tăng sinh tế bào xơ và mạch máu để phục hồi rất chậm.
1.4 Triệu chứng của viêm như nào?
Viêm cấp xảy ra nhanh chóng, thường là trong vài phút hoặc vài giờ và biến mất sau khi bạch cầu tiêu diệt được các chất kích thích.
Viêm được nhận biết nhờ 5 dấu hiệu: sưng, nóng, đỏ, đau hoặc các cơ quan bị viêm có thể mất chức năng.
Viêm có thể chia làm nhiều mức độ: nhẹ, vừa, nặng hoặc rất nặng.
2 Thuốc kháng viêm là gì?
Thuốc kháng viêm có tên tiếng anh là Anti-inflammatory drug.
Thuốc ức chế quá trình tổng hợp ra các chất hóa học trung gian gây viêm nên các triệu chứng viêm như sưng, nóng, đỏ, đau có thể giảm.
Tuy nhiên, thuốc không thể tiêu diệt được các tác nhân gây ra viêm hay thay đổi quá trình tiến triển của bệnh nên khi điều trị bệnh cần xác định được nguyên nhân gây viêm để sử dụng thuốc trị dứt điểm.
3 Các loại thuốc kháng viêm
Các bác sĩ hay dùng ba loại thuốc kháng viêm để điều trị:
- Thuốc kháng viêm giảm phù nề: đây là thuốc chống viêm dạng men bao gồm trypsin, Bromelain,... với công dụng tiêu viêm và giảm sưng. Tuy nhiên, loại thuốc này có nhược điểm là bản chất enzym dễ bị biến chất khi tiếp xúc nhiệt độ, ánh sáng hay độ ẩm dẫn tới giảm hiệu quả điều trị.
- Thuốc kháng viêm không Steroid (NSAID): đây là loại thuốc hay dùng với công dụng hạ sốt hoặc giảm đau, chống viêm trong 1 số bệnh như viêm khớp, giảm đau bụng kinh, viêm họng,... Nhóm NSAID bao gồm ibuprofen, Piroxicam, diclofenac, Tenoxicam,...
- Thuốc kháng viêm Steroid hay còn gọi là Corticoid: là thuốc có tác dụng chống viêm rất mạnh nhưng đồng thời cũng có vô số các tác dụng phụ nên bệnh nhân tuyệt đối không nên sử dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ. Nhóm này bao gồm Hydrocortison, Cortison, Dexamethason, Triamcinolon, Prednisolon,...
4 Thuốc chống viêm NSAID là gì?
Thuốc chống viêm không Steroid có tên tiếng anh là Non Steroidal anti inflammatory drugs hay còn gọi là NSAID là loại thuốc có cấu trúc không chứa khung steroid có công dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm và chống kết tập tiểu cầu. Tuy nhiên, không phải thuốc nào trong nhóm này cũng đủ 4 tác dụng điều trị trên hoặc có thể biểu hiện tác dụng không rõ ràng.
4.1 Tác dụng của thuốc kháng viêm NSAID
Thuốc được chỉ định trong các trường hợp sau:
Thuốc sử dụng trong điều trị trong các bệnh viêm cấp và viêm mạn tính như bệnh viêm cột sống dính khớp, bệnh nhân mắc gút, thoái hoá khớp, đau cột sống cổ,...
Thuốc có tác dụng hạ sốt bất kể nguyên nhân là gì. Tuy nhiên thuốc chỉ chữa được triệu chứng và không hạ thân nhiệt ở người bình thường. Vì thế nên cần tìm ra nguyên nhân để điều trị dứt điểm.
Ngoài ra, thuốc còn chỉ định trong giảm đau nhẹ và vừa cho bệnh nhân, đặc biệt nguyên nhân do viêm.
4.2 Cơ chế tác dụng của thuốc kháng viêm không Steroid
Tác dụng chống viêm
Cơ chế kháng viêm của NSAID:
Thuốc NSAID ức chế enzym cyclooxygenase (COX) khiến quá trình tổng hợp prostaglandin bị kìm hãm và giảm phản ứng viêm.
Ngoài ra, thuốc còn khiến màng lysosom vững chắc hơn và đối kháng với tác dụng của các chất bradykinin, histamin, serotonin là những chất hoá học trung gian gây viêm, kìm hãm sự hóa hướng động của bạch cầu và ngăn không cho bạch cầu tiến tới ổ viêm.
Có 2 loại enzym COX là COX 1 và COX 2.
COX 1 được biết đến là 1 enzym giúp cho các hoạt động sinh lý bình thường của các cơ quan như dạ dày, tiểu cầu,... diễn ra bình thường
COX 2 là gì? COX 2 là enzym cyclooxygenase-2 và nó chỉ có mặt tại các vị trí có dấu hiệu bị tổn thương và kích thích tổng hợp ra prostaglandin gây viêm.
Vì vậy, các nhà khoa học nghiên cứu bào chế các thuốc kháng viêm tác dụng lên COX 2 để chức năng sinh lý bình thường không bị ảnh hưởng gây ra tác dụng phụ.
Tác dụng hạ sốt
Thuốc ức chế quá trình tạo ra prostaglandin E1, E2 do kìm hãm hoạt động của enzym prostaglandin synthetase. Vì vậy thân nhiệt của cơ thể hạ dần và bệnh nhân hạ sốt.
Sử dụng thuốc NSAID chỉ dùng để hạ sốt do bất kỳ tác nhân nào nhưng không hạ thân nhiệt ở người bình thường và bác sĩ nên tìm ra nguyên nhân gây sốt để trị dứt điểm.
Tác dụng giảm đau
Thuốc ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin F2 nên tính nhạy của đầu dây thần kinh cảm giác với chất gây đau giảm và bệnh nhân bớt đau.
Thuốc NSAID có tác dụng giảm đau ở các mức độ nhẹ và vừa, các loại đau và đặc biệt là do viêm gây ra.
Tuy nhiên, thuốc khác với nhóm giảm đau trung ương là không giảm đau mạnh và sâu, không ức chế hô hấp và không khiến bệnh nhân phải phụ thuộc vào thuốc.
Tác dụng chống kết tập tiểu cầu
Cơ chế: Thuốc kháng viêm ức chế quá trình tổng hợp chất gây kết tập tiểu cầu là thromboxan A2 do kìm hãm hoạt động của men thromboxan synthetase.
4.3 Phân loại nhóm thuốc NSAIDS
Cơ chế | Tên thuốc | Chỉ định | Liều dùng |
NSAIDS ức chế COX-1 và COX-2 (ít chọn lọc) | Hạ sốt và giảm đau | 300-650 mg/ngày, không quá 4g/ngày | |
Đau xương khớp cấp tính | 2-4g/ngày chia 2-3 lần | ||
Ibuprofen (Nurofen 200mg) | Giảm đau, hạ sốt | 200-400g mỗi 4 giờ | |
Viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp | 1200mg/ngày | ||
Indomethacin (Indocid 25mg) | Viêm khớp do gout cấp tính | 50mg x 3 lần/ngày | |
Viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp | 100mg x 2 lần/ngày | ||
Đau Bụng Kinh nhẹ đến trung bình | 25-50mg/lần x 3-4 lần/ngày | ||
NSAIDS ức chế COX-2 5-50 lần hơn COX-1 |
|
|
|
|
|
| |
NSAIDS ức chế COX-2 5-50 lần hơn COX-1 |
|
|
|
|
| ||
Rofecoxib (Vioxx 25mg) |
|
| |
Etoricoxib (AgiEtoxib 60mg) |
|
|
4.4 Chỉ định
- NSAIDS được chỉ định trong các trường hợp như:
- Giảm đau: đau do căng cơ, đau bụng kinh, đau đầu, đau răng,...
- Kháng viêm: các bệnh như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp do gout cấp tính
- Hạ sốt: NSAIDs có tác dụng hạ nhiệt độ cho cơ thể
4.5 Chống chỉ định thuốc chống viêm NSAID
Không sử dụng thuốc chống viêm không Steroid trên những đối tượng sau:
- Loét dạ dày tá tràng không nên sử dụng thuốc vì có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn.
- Đối tượng mẹ bầu 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, phụ nữ đang cho con bú cũng không khuyến cáo dùng thuốc chống viêm NSAID.
- Bệnh nhân bị xuất huyết khó kiểm soát, suy gan mức độ trung bình và nặng không nên dùng.
- Bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với các thành phần của thuốc cũng không được chỉ định sử dụng.
- Bệnh nhân bị hen phế quản cũng không nên sử dụng vì thuốc tăng cơn ho hen.
4.6 Tác dụng phụ của thuốc chống viêm NSAIDs
Thuốc kháng viêm không Steroid gây ra rất nhiều tác dụng không mong muốn trên cơ thể:
- Tăng nguy cơ xuất huyết: Do tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu của nhóm NSAID mà thời gian chảy máu và thời gian đông máu kéo dài.
- Hệ tiêu hoá: Thuốc ức chế hình thành prostaglandin E1 và E2 là yếu tố bảo vệ dạ dày khiến các yếu tố gây loét có cơ hội gây ra bệnh loét dạ dày tá tràng hoặc nặng hơn là xuất huyết.
- Bệnh nhân sử dụng thuốc NSAID có nguy cơ bị ứ nước tại thận, nồng độ Kali trong máu tăng và viêm thận kẽ.
- Thuốc NSAID tạo cơn hen giả ở người bình thường hoặc tăng tần suất xuất hiện cơn hen ở bệnh nhân hen phế quản. Cơ chế gây hen của thuốc do nó ức chế enzym COX nên cơ thể tăng chuyển hóa acid arachidonic tạo leucotrien khiến phế quản bị co thắt.
- Dùng thuốc chống viêm không Steroid có thể khiến bệnh nhân bị ban da, mề đay hay gan có thể bị ngộ độc.
- Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai điều trị bằng NSAID trong 3 tháng đầu hoặc dùng lâu dài trong thời kỳ mang thai và lúc chuyển dạ thì thai nhi có thể dị tật hoặc xuất hiện chảy máu khi sinh.
4.7 Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng viêm không Steroid
Cần tuân theo nguyên tắc sau để sử dụng NSAID 1 cách hiệu quả:
- Chỉ định thuốc nên cân nhắc tới tình trạng cơ thể của bệnh nhân, tiền sử bệnh lý.
- Thận trọng dùng thuốc cho những đối tượng đặc biệt như người bị suy gan, suy thận hay phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người cao huyết áp,...
- Khi điều trị kéo dài với thuốc NSAID, bệnh nhân cần được xét nghiệm công thức máu và chức năng thận định kỳ 2 tuần 1 lần.
- Nếu tiêm bắp thuốc chống viêm không Steroid thì thời gian điều trị không vượt quá 3 ngày.
- Ưu tiên sử dụng đường uống và thời điểm uống thuốc thường là trong hay sau bữa ăn để tránh tác dụng phụ là kích ứng đường tiêu hoá.
- Không sử dụng cho bệnh nhân đã và đang bị loét dạ dày tá tràng. Nếu cần phải dùng để điều trị thì phải kết hợp với các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày như: Pantoprazole, Esomeprazole, Omeprazole, Cimetidin,...
- Nếu liều tấn công chứa hàm lượng cao thuốc chống viêm không Steroid thì thời gian điều trị khuyến cáo khoảng 5 - 7 ngày và nhanh chóng điều chỉnh về liều tối thiểu có tác dụng điều trị để tránh gây tác dụng phụ cho bệnh nhân.
- Không kết hợp các loại thuốc NSAID với nhau vì không tăng hiệu quả điều trị mà còn gây ra nhiều độc tính lên cơ thể hơn.
- Không phối hợp thuốc kháng viêm không Steroid với các thuốc chống đông máu kháng vitamin K, Sulfamid hay Diphenylhydantoin vì thuốc NSAID cạnh tranh liên kết tại các receptor tăng nồng độ các thuốc trên tồn tại ở dạng tự do và gây độc tính lên cơ thể. Trong trường hợp vẫn cần kết hợp thì nên giảm liều các thuốc đó.
- Nên phối hợp thuốc giảm đau nhóm Paracetamol với các thuốc NSAID khác để tăng hiệu quả giảm đau và cố gắng xác định được tác nhân gây bệnh để điều trị tận gốc.
- Khi sử dụng cùng lúc thuốc chống viêm không Steroid với các thuốc như Meprobamat, Androgen hay Furosemid có thể làm tăng giáng hoá hoặc có tác dụng đối kháng khiến kết quả điều trị không như mong muốn hoặc gây độc lên cơ thể.
5 Thuốc chống viêm giảm phù nề nhóm enzym
5.1 Triệu chứng phù nề là gì?
Phù nề là tình trạng vị trí tổn thương bị sưng lên do lượng dịch đọng nhiều tại các mô trong cơ thể. Lượng dịch này xuất hiện do rò rỉ ra mô từ các mao mạch đã bị tổn thương.
Vị trí xuất hiện phù nề hay gặp trên cơ thể là tay, cánh tay hay chân, mắt cá chân, bọng mắt, bàn chân.
Biểu hiện của phù nề: có thể kể tới 1 số dấu hiệu hay gặp như da sưng lên, phù chân hoặc sưng ở các vùng như bọng mắt hay mắt cá chân, khi ấn vào vết sưng thì da lõm vào trong.
5.2 Thuốc kháng viêm giảm phù nề dạng men là gì?
Thuốc kháng viêm chống phù nề dạng men hay còn gọi là men chống viêm là loại thuốc kìm hãm được quá trình viêm có nguồn gốc tự nhiên là các enzym do các vi sinh vật hay do các tuyến trong cơ thể tiết ra như enzym chymotrypsin, serrapeptase,...
Các men chống viêm có giảm phản ứng viêm bằng cách thuỷ phân các protein gây viêm, cải thiện đáng kể tuần hoàn máu tại chỗ, giảm phù nề bằng cách phân hủy mảnh vỡ tế bào và cấu trúc fibrin, loãng đờm tại đường hô hấp, ... nên được ứng dụng rất phổ biến.
5.3 Tác dụng của các men kháng viêm
Alphachymotrypsin có nguồn gốc từ tuyến tụy của bò và là men hay sử dụng nhất trong quá trình điều trị chống viêm. Nó có tác dụng tiêu nhanh chỗ phù viêm và làm tan đờm tại người mắc bệnh hen, viêm họng, viêm phế quản,...
Ngoài ra, Alphachymotrypsin còn thuỷ phân protein và tiêu huỷ các liên kết fibrin do viêm bán cấp hay viêm mạn gây ra. Từ đó, thuốc được sử dụng để điều trị:
- Alphachymotrypsin điều trị các ổ tụ máu ở vị trí sâu hay nông, những chỗ phù sau phẫu thuật hay gãy xương, do bong gân, do vô sinh với nguyên nhân là tắc ống dẫn trứng,..
- Các bệnh viêm đường hô hấp như viêm phế quản mạn tính, viêm họng, viêm xoang,...,
- Thuốc dùng để chữa bệnh viêm khớp, sẹo lồi, viêm mào tinh hoàn, viêm bàng quang,...
Serratiopeptidase là 1 men có nguồn gốc từ 1 chủng vi khuẩn Serratia không gây bệnh. Serratiopeptidase có tác dụng kháng viêm rất mạnh, thậm chí mạnh hơn cả Alphachymotrypsin nhiều lần.
- Serratiopeptidase tiêu diệt các polypeptid gây viêm và phân giải các liên kết fibrin mạnh nên ức chế quá trình viêm, giảm đau cho bệnh nhân, làm loãng đờm và không gây ảnh hưởng đến quá trình đông máu.
- Trong quá trình điều trị với kháng sinh thì thuốc làm tăng khả năng thấm của kháng sinh vào các mô nên tăng hiệu quả điều trị.
Một số thuốc chống viêm giảm phù nề nhóm enzym như:
- Alphachymotrypsin (Alpha Choay): Liều dùng 2 viên/lần, 3 hoặc 4 lần trong ngày
- Serratiopeptidase (Serratiopeptidase 10mg STADA): Liều dùng 1 viên/ lần, ngày 3 lần
5.4 Chỉ định của thuốc chống viêm giảm phù nề nhóm enzym
- Alphachymotrypsin điều trị các ổ tụ máu ở vị trí sâu hay nông, những chỗ phù sau phẫu thuật hay gãy xương, do bong gân, do vô sinh với nguyên nhân là tắc ống dẫn trứng,..
- Các bệnh viêm đường hô hấp như viêm phế quản mạn tính, viêm họng, viêm xoang,...,
- Thuốc dùng để chữa bệnh viêm khớp, sẹo lồi, viêm mào tinh hoàn, viêm bàng quang,...
- hoạt chất Serratiopeptidase giúp làm loãng đờm, giảm trọng lượng khô và độ nhớt của đờm nên hay được sử dụng làm thuốc long đờm và giảm viêm trong các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm họng có đờm, viêm xoang, hen phế quản,...
- Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng serratiopeptidase để chống viêm và phù nề sau phẫu thuật.
- Tuy nhiên, thận trọng khi sử dụng thuốc này cho những đối tượng rối loạn đông máu, bệnh nhân bị suy gan và suy thận nặng.
5.5 Tác dụng phụ thuốc chống viêm giảm phù nề
Alphachymotrypsin gây ra 1 số tác dụng phụ cho cơ thể bệnh nhân khi sử dụng như là:
- Trên mắt: thuốc có thể gây tăng nhãn áp, thậm chí là phù giác mạc hay viêm màng bồ đào.
- Trong quá trình điều trị bằng Alphachymotrypsin cũng không nên ăn cùng 1 số loại hạt gồm nhiều protein ức chế tác dụng của men này như đậu jojoba, đậu nành dại Cà chua.
- Sau khi tiêm bắp bằng Alphachymotrypsin có thể gặp các phản ứng dị ứng như ban da, nổi mẩn đỏ hay thậm chí shock phản vệ do thuốc có tính kháng nguyên.
- Ngoài ra cũng không nên sử dụng đồng thời men kháng viêm Alphachymotrypsin với thuốc chống đông máu.
Đối với Serratiopeptidase, khi sử dụng cũng có một số tác dụng phụ như:
- Phản ứng quá mẫn: ngứa, nổi mẩn đỏ trên da có thể xảy ra. Nếu xảy ra những phản ứng như vậy, phải lập tức ngưng sử dụng Serratiopeptidase
- Rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy, biếng ăn, khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, ói mửa.
- Máu: có thể xuất huyết như chảy máu cam (tuy nhiên hiếm gặp) .
6 Thuốc kháng viêm steroid (Corticoid)
6.1 Thuốc chống viêm Corticoid là gì?
Thuốc chống viêm Steroid hay còn gọi là Glucocorticoid, Corticoid, Cortisone hoặc Corticosteroid là những hormon do tuyến vỏ thượng thận tiết ra, có tác dụng chống viêm, chống dị ứng do phong tỏa sự giải phóng các chất hóa học trung gian như histamin, serotonin,... và ức chế miễn dịch.
6.2 Cơ chế tác dụng của thuốc kháng viêm Corticoid
Tác dụng chống viêm
Thuốc Glucocorticoid sẽ tác động vào quá trình viêm tại nhiều giai đoạn khác nhau:
- Corticoid kìm hãm sự di chuyển của các bạch cầu về ổ viêm để gây phản ứng viêm.
- Corticoid không chỉ làm giảm tổng hợp các hóa chất trung gian như histamin, bradykinin, serotonin,... mà còn làm giảm các tác dụng của chúng.
- Glucocorticoid kích thích tổng hợp lipocortin nên kìm hãm hoạt động của enzym phospholipase A2. Từ đó acid arachidonic không được tổng hợp dẫn tới 2 chất leucotrien và prostaglandin không được hình thành và tình trạng viêm của bệnh nhân được thuyên giảm.
- Ngoài ra, Corticosteroid phong tỏa giải phóng các enzym tiêu thể, các ion superoxyd và làm giảm tác dụng của các yếu tố hoạt hóa plasminogen, collagenase, elastase,... các yếu tố hoá hướng động.
- Hơn nữa, tác dụng chống viêm của Corticoid còn do thuốc này kìm hãm hoạt động thực bào của đại thực bào, bạch cầu đa nhân và giảm tổng hợp các cytokin.
Tác dụng chống dị ứng
Khi có kháng nguyên lạ vào cơ thể, các kháng thể IgE sẽ được huy động tới kết hợp tạo ra phức hợp kháng nguyên - kháng thể. Phức hợp này sẽ gắn lên bề mặt tế bào Mast và sẽ hoạt hóa enzym phospholipase C để xúc tác cho quá trình tổng hợp Diacylglycerol và Inositol Triphosphat.
Hai chất này có tác dụng làm thay đổi tính thấm của dưỡng bào và khiến bạch cầu vỡ ra, từ đó các chất hóa học trung gian thoát ra ngoài gây dị ứng cho bệnh nhân.
Thuốc Glucocorticoid chống dị ứng bằng cách ức chế hoạt động của enzym phospholipase C nên kìm hãm sự giải phóng các hoá chất trung gian gây dị ứng.
Tác dụng ức chế miễn dịch
Corticoid chủ yếu có tác dụng ức chế miễn dịch tế bào và thể hiện ở nhiều giai đoạn:
- Kìm hãm tổng hợp các tế bào lympho T nên giảm hình thành Interleukin 1 và interleukin 2.
- Ức chế tác dụng gây độc tế bào của các lympho T (T8) và các tế bào diệt tự nhiên do kìm hãm quá trình tổng hợp ra 2 chất interleukin 2 và Interferon gamma.
- Glucocorticoid ức chế quá trình tổng hợp chất gây hoại tử u là TNF và interferon nên không chỉ làm giảm tác dụng diệt khuẩn, khả năng xác định kháng nguyên và gây độc cho tế bào của đại thực bào.
6.3 Tác dụng của thuốc kháng viêm Steroid
Corticoid được các bác sĩ ứng dụng điều trị trong rất nhiều trường hợp:
- Thuốc được chỉ định cho bệnh nhân mắc chứng viêm khớp, viêm khớp dạng thấp.
- Chỉ điều trị bệnh thấp tim bằng Corticoid trong trường hợp salicylat không còn hiệu quả điều trị.
- Điều trị cho trường hợp bệnh nhân hội chứng thận hư và lupus ban đỏ.
- Thuốc sử dụng để thay thế hormon khi tuyến vỏ thượng thận không tiết đủ do những nguyên nhân như
- Bệnh nhân bị bệnh xơ cứng bì, viêm đa cơ do thấp, lupus ban đỏ toàn thân ngẫu phát, viêm đa cơ, viêm nút quanh mạch.
- Kết hợp với các thuốc giãn phế quản khác để điều trị cho bệnh nhân bị hen phế quản.
- Sử dụng các thuốc chống viêm không Steroid bôi ngoài da có thể điều trị được các bệnh vẩy nến, viêm da dị ứng, viêm da dạng eczema, viêm tiết bã nhờn, giai đoạn muộn của viêm da dị ứng tiếp xúc và viêm da kích ứng, pemphigus, liken,...
6.4 Tác dụng phụ của thuốc kháng viêm Corticoid
Bên cạnh đó, thuốc chống viêm Glucocorticoid có rất nhiều tác dụng không mong muốn gây ra trên cơ thể bệnh nhân như:
- Thuốc gây ra rối loạn chuyển hoá Glucid nên khiến nồng độ Glucose máu tăng. Từ đó bệnh nhân có nguy cơ bị tăng đường huyết hoặc bệnh đái tháo đường trở nên nặng hơn.
- Corticoid gây rối loạn chuyển hoá Protid dẫn đến hậu quả trầm trọng là bệnh nhân có thể bị mỏi cơ, nhược cơ hoặc thậm chí teo cơ.
- Xương của người dùng corticoid lâu dài có thể dễ bị gãy hơn do nguyên nhân xốp xương, loãng xương.
- Thuốc Corticoid là nguyên nhân gây ra rối loạn chuyển hoá mỡ, loét dạ dày tá tràng, vết thương dễ nhiễm trùng hoặc chậm tăng sinh các mô sẹo trong quá trình hồi phục.
- Thuốc có tác dụng giữ natri và nước nên khiến bệnh nhân có nguy cơ bị tăng huyết áp và phù khi điều trị lâu ngày.
- Khi ngừng sử dụng thuốc Corticoid đột ngột thì bệnh nhân có khả năng mắc chứng suy thượng thận cấp.
- Ngoài ra có thể gặp các tác dụng phụ khác trong quá trình sử dụng lâu thuốc chống viêm không Steroid như mất ngủ, đục thuỷ tinh thể,... Nếu dùng thuốc tại chỗ bệnh nhân có thể bị teo da, rạn da, ban đỏ, mụn mủ, viêm da,...
6.5 Nguyên tắc sử dụng thuốc Corticoid chống viêm
- Khi dùng thuốc chống viêm Steroid như Cortisol hay Hydrocortison thì phải có chế độ ăn nhạt.
- Dùng Corticoid 1 liều duy nhất vào thời điểm là 8h sáng để cho kết quả điều trị tốt nhất. Nếu dùng thuốc với liều cao thì uống ⅔ liều vào buổi sáng và còn lại thì uống vào chiều lúc 4h.
- Bác sĩ nên xác định được liều thấp nhất có tác dụng cho bệnh nhân để hạn chế tác dụng phụ.
- Xét nghiệm định kỳ các chỉ số như nước tiểu, kali máu, đường máu, huyết áp,...
- Trong trường hợp phối hợp thuốc: nếu bệnh nhân bị đái tháo đường thì phải tăng liều Insulin cho bệnh nhân khi có dùng cùng với corticoid và dùng thêm kháng sinh nếu có nhiễm trùng do vi khuẩn.
- Chế độ ăn cho người điều trị bằng thuốc chống viêm Steroid: bệnh nhân nên ăn nhiều thức ăn hàm lượng lớn các chất protein, kali, calci và hạn chế hấp thụ muối, lipid và đường. Có thể bổ sung thêm Vitamin D hàng ngày vào chế độ ăn.
- Khi tiêm Corticoid vào ổ khớp để giảm đau và chống viêm cho bệnh nhân thì phải đảm bảo điều kiện vô khuẩn.
- Sau khoảng thời gian dài điều trị bằng Corticoid (hơn 1 tháng) với liều cao, nếu bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc đột ngột có nguy cơ tử vong do suy thượng thận cấp: mất nước, suy nhược, hôn mê, tụt huyết áp, giảm Na,...
- Hiện tại, nếu bệnh nhân điều trị với Corticoid thì có thể dùng liều cách ngày và giảm dần theo thời gian điều trị.
6.6 Các nhóm thuốc chống viêm Steroid
Dựa vào thời gian tác dụng mà thuốc chống viêm Steroid được chia làm 3 loại:
- Tác dụng ngắn (8 -12h): nhóm này gồm 2 thuốc là Hydrocortison và Cortisol. Đây là 2 thuốc có nguồn gốc từ tự nhiên và có hoạt tính kháng viêm yếu hơn so với những thuốc tổng hợp. Bệnh nhân bị thiểu năng tuyến thượng thận có thể dùng 2 loại thuốc này để thay thế khi thiếu hormon.
- Tác dụng trung bình (12 - 36h): Prednison, Methylprednisolon, Triamcinolon và Prednisolon là những đại diện của nhóm này. Chúng có khả năng kháng viêm mạnh hơn nhóm đầu 4 - 5 lần, ít gây phù và tăng huyết áp hơn nhưng lại ức chế hormon ACTH mạnh.
- Tác dụng dài (36 - 72 giờ): nhóm này bao gồm Dexamethason và Betamethason không chỉ có hoạt tính chống viêm mạnh hơn nhóm đầu 30 lần, không gây tích muối nước mà còn có thời gian tác dụng kéo dài. Tuy nhiên thuốc kìm hãm sự phát triển, tăng tỉ lệ mất xương và ức chế hoạt động của trục vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận nên không dùng trong viêm mạn.
Các glucocorticoid dùng ngoài:
- Có rất nhiều dạng bào chế như dùng để nhỏ mắt, phun mù, bôi tại chỗ, nhỏ tai,... chỉ định cho những bệnh nhân mắc chứng viêm da và niêm mạc.
- Các loại thuốc như Clobetason, Fluocinolon,... ít hấp thu qua da nên hay được sử dụng trong trường hợp viêm da dị ứng. Tuy nhiên, không nên bôi ở vùng da tổn thương như có vết thương hở vì khả năng hấp thu thuốc tăng gây ra các tác dụng không mong muốn.
- Các thuốc dạng khí dung như Betamethason, Budesonid,... thường được ứng dụng trong chữa trị hen phế quản, viêm mũi dị ứng.
Đặc điểm | Tên thuốc | Liều tương đương |
Tác dụng ngắn (8 -12h)
| Hydrocortison ( Hydrocortisone Roussel 10mg ) | 20mg |
Cortison | 25mg | |
Tác dụng trung bình (12 - 36h)
| Prednison (Cortancyl 5mg) | 5mg |
Methylprednisolon (Medrol 4mg) | 5mg | |
Triamcinolon (Triamcinolone 4mg) | 4mg | |
Prednisolon ( Solupred 20mg) | 4mg | |
Tác dụng dài (36 - 72 giờ)
| 0.75mg | |
Betamethason (Benthasone 0,5mg) | 0.75mg |
7 Lưu ý khi sử dụng thuốc kháng viêm ở các đối tượng đặc biệt
Chú ý điều trị kháng viêm ở các đối tượng đặc biệt có thể đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm đối tượng như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, và những người có các bệnh đồng mắc.
7.1 Người già
Người già là đối tượng đã có sự suy giảm chức năng hoạt động về gan, thận. Do đó cần theo dõi tình trạng sức khỏe chung của đối tượng này khi sử dụng các phương pháp kháng viêm. Liên tục kiểm tra tác động phụ và điều chỉnh liều lượng nếu cần.
7.2 Trẻ em
Sử dụng liều lượng và dạng thuốc phù hợp với trẻ em.
Thực hiện theo dõi chặt chẽ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
7.3 Phụ nữ mang thai
Cần tư vấn y tế trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để đảm bảo an toàn cho thai nhi bởi một số thuốc có thể gây ra các phản ứng có hại ảnh hưởng đến thai nhi. FDA cảnh báo rằng việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) giảm đau và giảm sốt trong khoảng 20 tuần hoặc muộn hơn trong thai kỳ có thể gây ra các vấn đề về thận ở thai nhi. Do đó, cần tham khảo bác sĩ để lựa chọn các phương pháp điều trị có thể được sử dụng an toàn trong thai kỳ.
7.4 Người có các bệnh đồng mắc
Đối với những người có các vấn đề về gan, thận, hoặc tim mạch, cần được tư vấn y tế để chọn phương pháp điều trị phù hợp. Chú ý các thuốc đang sử dụng tránh xảy ra tương tác thuốc.
8 Thuốc kháng sinh và kháng viêm khác nhau như thế nào?
Thuốc kháng sinh là thuốc dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng có nguyên nhân là từ vi khuẩn và cơ chế tác dụng là tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn.
Hầu hết các kháng sinh được sử dụng để điều trị trong 7 - 14 ngày và với 1 số thuốc thuộc nhóm kháng sinh thế hệ mới thì khoảng thời gian điều trị chỉ còn 3 - 5 ngày với bệnh liên quan đường hô hấp do vi khuẩn gây ra.
Viêm là 1 đáp ứng có lợi cho cơ thể nhằm tiêu diệt những các tác nhân gây độc cho cơ thể. Vì thế, đa phần các trường hợp bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hay vi rút gây ra hoặc bệnh dị ứng thì đều có các dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, đau của viêm xuất hiện.
Vì thế, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc kháng viêm để giảm bớt các triệu chứng của viêm, hạ sốt và giảm tình trạng đau cho bệnh nhân.
9 Đặt thuốc chống viêm có quan hệ được không?
Bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc kháng viêm dạng đặt để điều trị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa như: viêm âm đạo,... Để thuốc đạt hiệu quả điều trị như mong muốn, bệnh nhân nên tránh quan hệ cho đến khi bệnh khỏi hẳn và không có khả năng tái phát do:
- Bệnh có thể lây truyền cho người chồng và khu trú tại cơ quan sinh dục nam. Sau đó, khi quan hệ, người vợ lại bị nhiễm lại. Vì thế, nếu trong quá trình điều trị bệnh mà không kiêng quan hệ thì bệnh có thể tái phát lâu ngày và khó khỏi.
- Thông thường, khi điều trị viêm thì bác sĩ thường kê thuốc điều trị cho cả 2 vợ chồng để phòng chống tái phát bệnh.
- Khi quan hệ tình dục, sự cọ xát dương vật của người chồng có thể làm tình trạng viêm nhiễm tại vùng kín của người vợ ngày càng trầm trọng hơn.
- Thuốc đặt chống viêm phụ khoa có thể không đạt được tác dụng không mong muốn hoặc bị rơi ra ngoài trong lúc quan hệ.
Vì thế, trong lúc đặt thuốc chống viêm thì bệnh nhân nên kiêng quan hệ và chú ý giữ vệ sinh cô bé sạch sẽ hàng ngày. Chị em nên thay đồ lót 2 lần mỗi ngày để vùng kín luôn được khô ráo, thoáng mát và sạch sẽ.
Nếu bạn và chồng có xảy ra quan hệ thì nên sử dụng bao Cao Su để hạn chế viêm nhiễm lan rộng.
10 Chế độ ăn chống viêm
Chế độ ăn uống đóng 1 vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị tình trạng viêm. Một số loại thực phẩm như việt Quất, táo,... có chứa rất nhiều các chất chống oxy hoá nên có tác dụng giảm các triệu chứng viêm nhiễm.
Ngoài ra, người ta cũng nghiên cứu về tác dụng giảm viêm tại hạt cà phê do chứa các chất chống viêm khác nhau.
Trang web về sức khoẻ của Harvard chỉ ra một số loại thực phẩm chống viêm nên có trong bữa ăn của bạn như:
- Cá hồi, cá mòi.
- Các loại rau xanh như rau bắp cải, rau bina,...
- Các loại quả như việt quất, cam, dâu tây,...
- Dầu ô liu, cà chua, quả óc chó, hạnh nhân,...
Tránh tiêu thụ nhiều những loại thực phẩm chiên dầu, đồ ăn hàm lượng carbohydrate hay tinh bột lớn, loại thực phẩm nhiều mỡ, nước uống có ga là những loại thức ăn dễ gây viêm.
Trong bài viết này chúng tôi đã cập nhật cho bạn những kiến thức cần thiết về viêm và những loại thuốc điều trị viêm hay dùng nhất. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc có thể nắm được những thông tin về cách sử dụng thuốc chống viêm để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
11 Tài liệu tham khảo
- Mai Tất Tố, Vũ Thị Trâm (2007). Sách Dược lý học tập 2, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, trang 286 - 292. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2023
Nguyễn Ngọc Lanh (2012). Sách Sinh lý bệnh học, Trường Đại học Y Hà Nội, trang 209 - 229. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2023. - Chuyên gia của NCBI, Ngày cập nhật: năm 2021, What is an inflammation? - InformedHealth.org, NCBI. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2023
- Chuyên gia của Harvard medical school, Ngày đăng 16 tháng 11 năm 2021, Foods that fight inflammation, Harvard Health. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2023
- Chuyên gia của Medscape. Thông tin thuốc Medscape, Pharmacists - Medscape . Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2023
Có tổng: 619 sản phẩm được tìm thấy
- 15 Thích
Vitrex dùng được cho bà bầu không dược sĩ?
Bởi: huệ đỗ vào
Thích (15) Trả lời
- TD
Thuốc thấp khớp dùng hiệu quả đấy, dược sĩ nhà thuốc An Huy tư vấn nhiệt tình, mình thấy khá hài lòng và yên tâm.
Trả lời Cảm ơn (12)