1. Trang chủ
  2. Sản phẩm
  3. Thuốc Chống Nôn

Thuốc Chống Nôn là gì? Cách lựa chọn thuốc chống nôn trên lâm sàng

Cập nhật lần cuối: , 7 phút đọc

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Thuốc chống nôn thường được dùng trong trường hợp say tàu xe, nghén hoặc mắc bệnh lý đường tiêu hóa. Tuy nhiên, không thể sử dụng bừa bãi thuốc chống nôn. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về thuốc chống nôn.

1 Thuốc chống nôn là gì?

Thuốc chống nôn hay thuốc chống ói là thuốc dùng để điều trị buồn nôn và nôn do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Mặc dù nôn được coi là một phản xạ tự bảo vệ của cơ thể nhằm tống các chất độc hại trong dạ dày và ruột ra ngoài. Tuy nhiên, nôn nhiều có thể khiến người bệnh bị mất nước, mất điện giải và suy nhược cơ thể.

2 Cơ chế hoạt động của thuốc chống nôn

Thuốc chống buồn nôn và nôn hoạt động trên các con đường thần kinh liên quan đến phản xạ nôn bằng cách ngăn chặn các thụ thể đáp ứng với các phân tử dẫn truyền thần kinh, chẳng hạn như Serotonin, Dopamine và Histamine. Hầu hết trong số này là các thụ thể trung ương được tìm thấy ở trung tâm nôn của thân não, trong khi các thụ thể ngoại vi được tìm thấy ở dây thần kinh phế vị . Khi Đường tiêu hóa cảm nhận được mối đe dọa, nó sẽ gửi thông tin đến các thụ thể ngoại biên, từ đó truyền thông tin đến các thụ thể trung tâm ở trung tâm nôn. Đáp lại, trung tâm nôn gây buồn nôn và nôn bằng cách kích thích đường tiêu hóa, cơ bụng và cơ hoành.

Thuốc chống nôn giúp ngăn chặn phản xạ gây nôn
Thuốc chống nôn giúp ngăn chặn phản xạ gây nôn

3 Phân loại thuốc chống nôn theo cơ chế

3.1 Thuốc đối kháng thụ thể 5-HT3

Ondansetron (Zofran), Granisetron (Kytril) và  là những loại thuốc hoạt động trên các thụ thể Serotonin trung tâm ở trung tâm nôn, cũng như các thụ thể Serotonin ngoại vi ở dây thần kinh phế vị. Thuốc đối kháng thụ thể 5-HT3 được chỉ định dùng chống nôn do viêm dạ dày ruột cấp tính hoặc buồn nôn sau phẫu thuật. Đây cũng là nhóm thuốc chống nôn đầu tiên dành cho buồn nôn và nôn do xạ trị và hóa trị. 

Một số chế phẩm nhóm thuốc đối kháng thụ thể 5-HT3
Một số chế phẩm nhóm thuốc đối kháng thụ thể 5-HT3

3.2 Thuốc đối kháng Dopamine

Chẳng hạn như Metoclopramide (Reglan), Domperidone (Motilium). Những hoạt chất này luôn nằm trong số những thuốc chống nôn được sử dụng phổ biến nhất. Chúng cũng được chỉ định cho chứng buồn nôn do say tàu xe và sau phẫu thuật.

Cơ chế hoạt động của thuốc đối kháng Dopamine là ức chế các thụ thể Dopamin loại 2 (D2) ở trung tâm nôn và ở ngoại vi trong đường tiêu hóa. Tuy nhiên, Domperidone chỉ ngăn chặn các thụ thể D2 ngoại vi. Ở liều cao hơn, các thuốc đối kháng Dopamine có thể ức chế các thụ thể Serotonin, Histamine, adrenergic và Muscarinic.

Một số chế phẩm nhóm thuốc đối kháng thụ thể 5-HT3
Một số chế phẩm nhóm thuốc đối kháng thụ thể 5-HT3

3.3 Thuốc kháng Histamine H1

Chẳng hạn như Doxylamin (Pruzena), Promethazine (Avomine) và Diphenhydramine (Nautamine), Cyclizine,... thường được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa buồn nôn và nôn kèm theo rối loạn tiền đình như chóng mặt hoặc choáng váng. Tuy nhiên, thuốc kháng Histamine thường dẫn đến buồn ngủ.

Cơ chế chống nôn của thuốc kháng Histamine H1 là ức chế hoạt động của thụ thể Histamine H1. Ngoài ra, một số hoạt chất có thể ức chế thụ thể Muscarinic và Dopamine.

Một số chế phẩm nhóm thuốc kháng histamin H1
Một số chế phẩm nhóm thuốc kháng histamin H1

3.4 Thuốc kháng Muscarinics 

Scopolamine (Hyoscine) chủ yếu được sử dụng để chống nôn do say tàu xe. Dạng bào chế phổ biến thường ở dạng miếng dán thẩm thấu qua da, giúp dễ sử dụng hơn, đặc biệt đối với những người có vấn đề về khả năng nuốt. Miếng dán thấm qua da cũng hữu ích trong việc duy trì lượng thuốc giải phóng ổn định và giảm nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ.

Cơ chế hoạt động của thuốc kháng Muscarinics là ức chế các thụ thể Muscarinic ở nhân tiền đình, trung tâm nôn và các trung tâm não cao hơn. 

3.5 Glucocorticoid

Một số loại Glucocorticoid cũng được chỉ định để chống nôn do hóa trị liệu, chẳng hạn như Dexamethasone. Chúng có hiệu quả và thường được dung nạp tốt. Tuy nhiên, Glucocorticoid có thể gây mất ngủ, tăng chuyển hóa và thay đổi tâm trạng.

Cơ chế chống nôn của các Glucocorticoid là ức chế trung tâm tổng hợp prostaglandin và giải phóng encephalin. Ngoài ra, khi kết hợp với chất đối kháng 5-HT3, nồng độ Serotonin trong ruột sẽ giảm và độ nhạy cảm của thụ thể 5-HT3 đối với thuốc chống nôn sẽ tăng lên.

3.6 Thuốc đối kháng thụ thể Neurokinin-1 (NK-1)

Chẳng hạn như Aprepitant (Emend) và Rolapitant (Varubi). Đây là một nhóm thuốc tương đối mới và có thể được sử dụng làm thuốc chống nôn, đặc biệt là buồn nôn và nôn do xạ trị và hóa trị. Ngoài ra, nhóm thuốc này có thể được sử dụng để ngăn ngừa buồn nôn và nôn sau phẫu thuật. Lưu ý, không nên dùng thuốc đối kháng thụ thể NK-1 khi đang mang thai hoặc cho con bú.

Cơ chế hoạt động của thuốc đối kháng thụ thể Neurokinin-1 là ngăn chặn chất P hoạt động tại các thụ thể neurokin-1 trong hệ thống thần kinh trung ương và ngoại vi.

4 Phân loại thuốc chống nôn theo độ tuổi

4.1 Thuốc chống nôn cho người lớn

Các loại thuốc chống nôn trên đều sử dụng được cho người lớn. Tuy nhiên, một số đối tượng đặc biệt như người cao tuổi, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, người mắc một số bệnh lý nền cần thận trọng khi sử dụng.

4.2 Các loại thuốc chống nôn cho trẻ

Các loại thuốc chống nôn thường được sử dụng ở người lớn thường ít được sử dụng hoặc sử dụng thận trọng hơn ở trẻ em vì tính an toàn và hiệu quả vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nếu tình trạng buồn nôn hoặc nôn không thuyên giảm hoặc trở nên trầm trọng hơn, có thể cân nhắc sử dụng các loại thuốc chống nôn cho trẻ >2 tuổi sau: Promethazine, Prochlorperazine, Metoclopramide, Ondansetron.

5 Tác dụng phụ của thuốc chống nôn

Nhiều người lo lắng, không biết việc uống thuốc chống nôn có hại không. Thuốc chống nôn thường được dung nạp tốt, nhưng có thể có các tác dụng phụ tiềm ẩn, chẳng hạn như táo bón hoặc tiêu chảy, nhức đầu, mệt mỏi, khó chịu, chóng mặt, choáng váng, mờ mắt, khô miệng hoặc nhạy cảm với ánh sáng. Sau đây là một số tác dụng phụ cụ thể:

5.1 Kéo dài khoảng QT

Nguy cơ kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ là điều quan trọng cần xem xét khi kê đơn thuốc chống nôn. Mặc dù tác dụng phụ này có thể không đáng kể nếu chỉ dùng thuốc chống nôn đơn độc, nhưng nguy cơ rối loạn nhịp tim sẽ tăng lên khi có các yếu tố nguy cơ khác ảnh hưởng đến khoảng QT, chẳng hạn như thuốc, hạ Kali máu và hạ Canxi máu.

  • Thuốc đối kháng Serotonin: gây kéo dài khoảng QT phụ thuộc vào liều và có thể đảo ngược. Cả Ondansetron và Granisetron đều kéo dài khoảng QT khi tiêm tĩnh mạch với liều tương ứng trên 8 mg và 10 microgam/kg, nhưng không có báo cáo về tác dụng phụ này khi dùng đường uống. Bên cạnh đó, palonosetron và tropisetron không liên quan đến kéo dài QT.
  • Thuốc đối kháng Dopamine: Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra cảnh báo đối với droperidol và haloperidol về tác dụng phụ gây kéo dài khoảng QT. Tuy nhiên, các nghiên cứu DORM và DORM-2 của Úc không cho thấy sự gia tăng tỷ lệ kéo dài khoảng QT khi dùng droperidol 10mg đường tiêm so với Midazolam. Bằng chứng bổ sung cho thấy liều Droperidol cao hơn, lên đến 20–30 mg, không phải lúc nào cũng liên quan đến kéo dài khoảng QT. Trên thực tế, liều cần thiết để đạt được tác dụng chống nôn là ít hơn 4 mg/ngày. Vì vậy, rủi ro là không đáng kể. Nghiên cứu cũng cho thấy, Haloperidol gây kéo dài khoảng QT ở liều tiêm tĩnh mạch tối thiểu là 2mg, nhưng liều chống nôn thông thường là 1mg. 

Các chất đối kháng Dopamin khác bao gồm Metoclopramide, Chlorpromazine và Prochlorperazine có liên quan đến kéo dài khoảng QT, nhưng liều tối thiểu gây ra tác dụng phụ này vẫn chưa được biết. Ngoài ra, Oanzapine không ảnh hưởng đến khoảng QT ở liều điều trị. Tuy nhiên, việc duy trì mức liều khuyến cáo và sử dụng thận trọng hơn vẫn cần thiết ở những bệnh nhân lớn tuổi và người có nguy cơ. 

Thuốc chống nôn có thể làm kéo dài khoảng QT
Thuốc chống nôn có thể làm kéo dài khoảng QT

5.2 Triệu chứng ngoại tháp

Các triệu chứng ngoại tháp có thể xảy ra khi sử dụng thuốc chống nôn bao gồm loạn trương lực cơ, ngồi không yên, rối loạn vận động và hội chứng parkinson. Nguy cơ có thể cao hơn khi tiêm tĩnh mạch nhanh. 

  • Thuốc đối kháng Dopamine: Tỷ lệ gặp phải các triệu chứng ngoại tháp ở bệnh nhân điều trị bằng Metoclopramide là 4–25%, trong khi với Prochlorperazine là 25–67% và tăng lên khi dùng liều cao hơn. FDA đưa ra cảnh báo về droperidol và haloperidol vì nguy cơ gây ra các triệu chứng ngoại tháp. Tỷ lệ đã 1–4% được báo cáo sau khi dùng droperidol cấp tính, nhưng điều này không được báo cáo trong nghiên cứu DORM-2. Haloperidol có tỷ lệ mắc các triệu chứng ngoại tháp cao hơn, ngay cả ở liều dưới 4 mg. Oanzapine, ở liều 5–20 mg, cũng có liên quan đến các triệu chứng ngoại tháp.
  • Thuốc đối kháng Serotonin: Ondansetron có liên quan đến các triệu chứng ngoại tháp ở liều tiêm tĩnh mạch với tổng liều 7,5–37,5 mg mỗi ngày.

Do nguy cơ xuất hiện các triệu chứng ngoại tháp, đặc biệt với nhóm thuốc đối kháng Dopamin ở liều cao, nên cần thận trọng khi sử dụng ở bệnh nhân lớn tuổi, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh Parkinson. Ngoài ra, thuốc đối kháng Dopamine nên tránh dùng cho trẻ em do nguy cơ cao gặp triệu chứng ngoại tháp. Có thể cân nhắc sử dụng Domperidone, một chất đối kháng Dopamin tác động ở ngoại biên và không qua hàng rào máu não. 

5.3 An thần, gây ngủ

Một số nhóm thuốc chống nôn có tác dụng an thần, trong khi một số khác thì không. 

Nhóm thuốc kháng Histamine H1 có thể gây buồn ngủ trong khi nhóm thuốc đối kháng Serotonin thường được cho là không có tác dụng an thần. Một số thuốc nhóm đối kháng Dopamine cũng có tác dụng gây an thần trong khoảng 20% các trường hợp.

Một số thuốc chống nôn có thể gây buồn ngủ
Một số thuốc chống nôn có thể gây buồn ngủ

5.4 Tác dụng kháng Cholinergic

Nhiều loại thuốc chống buồn nôn và nôn có tác dụng phụ kháng Cholinergic bao gồm các triệu chứng: lú lẫn, mê sảng, ảo giác, rối loạn thị giác, bí tiểu, táo bón và nhịp tim nhanh. Đặc biệt, ở những bệnh nhân lớn tuổi, tác dụng phụ kháng Cholinergic có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển suy giảm nhận thức, té ngã và tử vong do mọi nguyên nhân. Thuốc đối kháng Dopamine, thuốc kháng Histamine và Scopolamine được biết là có tác dụng kháng Cholinergic. Trong đó, thuốc đối kháng Dopamine như Chlorpromazine và Oanzapine, và thuốc kháng Histamine như doxylamine và Promethazine có khả năng gây ra các tác dụng phụ trên là lớn nhất. 

5.5 Táo bón

Táo bón là một phản ứng bất lợi khá rõ ràng khi sử dụng chất đối kháng Serotonin như Ondansetron và thuốc kháng Cholinergic như hyoscine. Đối với bệnh nhân bị táo bón, tốt hơn nên lựa chọn Metoclopramide và Domperidone do có tác dụng làm tăng nhu động ruột. 

6 Điều trị theo nguyên nhân cụ thể của buồn nôn và nôn

Mặc dù có nhiều thuốc chống nôn phù hợp để điều trị cho các nguyên nhân gây nôn khác nhau, nhưng trong một số trường hợp, một loại thuốc có thể được ưu tiên hơn một loại thuốc khác.

6.1 Nôn do viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột cấp tính là do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc đơn bào. Các lựa chọn điều trị có sẵn cho người lớn bị nôn thứ phát do viêm dạ dày ruột bao gồm thuốc đối kháng Dopamine (ví dụ như: Metoclopramide hoặc prochlorperazine) và thuốc đối kháng Serotonin (ví dụ như ondansetron). 

Buồn nôn và nôn do viêm dạ dày ruột cấp đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ em. Cho đến đầu những năm 2000, thuốc chống nôn bao gồm Promethazine, Metoclopramide và Prochlorperazine được sử dụng rộng rãi ở trẻ em. Tuy nhiên việc sử dụng chúng hiện đang gây tranh cãi do các báo cáo về tác dụng phụ bao gồm an thần và phản ứng ngoại tháp. 

Trong khi đó, các chất đối kháng Serotonin như Ondansetron, hiện được khuyến nghị trong các hướng dẫn, và được chỉ định sử dụng cho trẻ nhỏ. 

Những hướng dẫn này khuyến nghị một liều Ondansetron uống dựa trên cân nặng. Trẻ em nặng 8–15kg nên dùng 2 mg, trẻ em nặng 15–30kg nên dùng 4 mg và trẻ em nặng hơn 30kg nên dùng 8 mg. Ondansetron không được khuyến cáo ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi hoặc cân nặng dưới 8 kg.

Một tổng quan hệ thống đã báo cáo rằng Ondansetron đường uống có hiệu quả làm giảm nôn mửa, nhập viện và nhu cầu bù nước qua đường tĩnh mạch ở trẻ em bị viêm dạ dày ruột cấp tính. Ngoài ra Ondansetron hoặc Metoclopramide tiêm tĩnh mạch cũng làm giảm nôn và nguy cơ nhập viện. Bên cạnh đó, một nghiên cứu duy nhất trong tổng quan đã báo cáo rằng dimenhydrinat dùng đường trực tràng có hiệu quả trong việc giảm nôn.

6.2 Buồn nôn do thuốc Opioid

Vai trò của thuốc chống nôn để kiểm soát buồn nôn và nôn do opioid gây ra chưa được xác định rõ ràng. Hiện nay, các bằng chứng còn thiếu và bị nhầm lẫn bởi các nghiên cứu tập trung vào buồn nôn và nôn sau phẫu thuật (khi bệnh nhân được cho dùng thuốc opioid và thuốc gây mê). Do đó, việc lựa chọn thuốc chống nôn cho buồn nôn và nôn do opioid gây ra sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như bệnh lý kèm theo, tác dụng phụ của thuốc, giá thành và mức độ quen thuộc của bác sĩ lâm sàng với thuốc.

Một đánh giá có hệ thống đã báo cáo rằng Droperidol liều thấp (dưới 4 mg mỗi ngày) có hiệu quả trong việc giảm buồn nôn và nôn do opioid. Ngoài ra, Ondansetron với liều 8 mg hoặc 16 mg mỗi ngày cũng cho thấy hiệu quả. Nhưng tác dụng của Metoclopramide không vượt trội so với giả dược. 

Mặc dù có hiệu quả nhưng vai trò của các chất đối kháng Serotonin có thể bị hạn chế vì buồn nôn và nôn do opioid gây ra không phải là một chỉ định hiện được hỗ trợ bởi bảo hiểm.

6.3 Nôn liên quan đến chứng đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu thường liên quan đến triệu chứng buồn nôn, nôn và giảm nhu động ruột. Tình trạng giảm nhu động ruột có thể làm chậm sự hấp thu thuốc, nên có thể phải sử dụng các thuốc chống nôn dạng tiêm

Cùng với đó, cần cân nhắc tương tác giữa các thuốc chống nôn và thuốc điều trị đau nửa đầu. Chẳng hạn như trường hợp của Metoclopramide :

  • Metoclopramide có thể làm tăng tốc độ hấp thu của Aspirin và thuốc chống viêm không steroid đường uống. Trong một nghiên cứu, Metoclopramide đã làm giảm thời gian để đạt nồng độ tối đa trong huyết tương của aspirin từ 24,6 xuống 18 phút và của axit tolfenamic từ 2 giờ 51 phút xuống 2 giờ 19 phút. 
  • Ngoài ra, ở những người tình nguyện khỏe mạnh, khi sử dụng Metoclopramide cùng với Paracetamol dẫn đến nồng độ đỉnh trong huyết tương của Paracetamol cao hơn và thời gian đạt được nồng độ đỉnh trong huyết tương ngắn hơn (giảm từ 120 phút xuống còn 48 phút).

Do đó, thuốc chống nôn Metoclopramide đã được đưa vào nhiều hướng dẫn vì nó có thể có lợi trong việc giảm buồn nôn đồng thời nâng cao hiệu quả của thuốc giảm đau đồng thời.

Bên cạnh đó, thuốc đối kháng Dopamine (ví dụ như Prochlorperazine hoặc Chlorpromazine) cũng cho thấy hiệu quả trong việc kiểm soát buồn nôn và nôn. Dữ liệu và bằng chứng về hiệu quả của thuốc đối kháng Serotonin trong chứng đau nửa đầu vẫn còn hạn chế.

6.4 Buồn nôn và nôn trong thai kỳ

Buồn nôn và nôn là hiện tượng phổ biến trong ba tháng đầu của thai kỳ, ảnh hưởng đến 90% phụ nữ. 

  • Metoclopramide và thuốc kháng Histamine (bao gồm doxylamine và diphenhydramine) là lựa chọn hàng đầu cho chứng buồn nôn và nôn trong thai kỳ. Những thuốc này mang đến hiệu quả chống nôn tốt mà không làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, sảy thai hoặc sụt cân quá mức khi sinh.
  • Các chất đối kháng Dopamin khác không được khuyến cáo do có bằng chứng mâu thuẫn về tính an toàn trong thời kỳ mang thai.
  • Hiện nay, việc sử dụng chất đối kháng Serotonin, chẳng hạn như Ondansetron, để chống nôn trong thai kỳ ngày càng tăng. Tuy nhiên, dữ liệu an toàn của Ondansetron còn hạn chế. Một nghiên cứu năm 2018 báo cáo thuốc này không gây tăng nguy cơ dị tật tim, nhưng có tăng nhẹ nguy cơ sứt môi. Do đó, Ondansetron không được khuyến cáo là phương pháp điều trị đầu tay cho chứng buồn nôn ở phụ nữ có thai.

Một số chế phẩm thuốc chống nôn cho bà bầu: Primperan, Pruzena,...

6.5 Nôn do say tàu xe

Nôn do say tàu xe là tình trạng thường gặp do hiện tượng kích thích trung tâm nôn qua nhân tiền đình. Các chất dẫn truyền thần kinh chính liên quan đến con đường này là các thụ thể Histamine và các thụ thể Muscarinic acetylcholine. 

Do đó các thuốc kháng Histamine (ví dụ như Promethazine, meclizine, Promethazine, dimenhydrinate,...), thuốc kháng Cholinergic (ví dụ như Scopolamine) và thuốc đối kháng Dopamine (ví dụ như prochlorperazine) có thể giúp ngăn ngừa buồn nôn và nôn do say tàu xe hiệu quả. Hầu hết các thuốc này đều có thể mua tại quầy thuốc mà không cần đơn của bác sĩ. 

Những loại thuốc này làm giảm độ nhạy cảm của tai trong với chuyển động của đầu. Do tai trong đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ thăng bằng và nó dễ trở nên nhạy cảm với các chuyển động bị xung đột như khi ngồi trong ô tô hoặc thuyền đang di chuyển.

Đối với trẻ em từ 2–12 tuổi, một liều Dimenhydrinate (Dramamine), 1–1,5 mg/kg hoặc Diphenhydramine (Benadryl), 0,5–1 mg/kg đến tối đa 25 mg, có thể được dùng 1 giờ trước khi đi và mỗi 6 tiếng trong chuyến đi. Tuy nhiên, cha mẹ nên cho con uống thử 1 liều trước khi khởi hành vì một số trẻ có thể có phản ứng kích động với các thuốc này. Ngoài ra, cần lưu ý rằng, cho trẻ nhỏ uống thuốc kháng Histamine quá liều có thể nguy hiểm đến tính mạng và Scopolamine có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm ở trẻ em.

6.6 Chăm sóc giảm nhẹ

Các nguyên nhân gây buồn nôn và nôn trong chăm sóc giảm nhẹ có thể được chia thành các nhóm sau:

  • Liên quan đến tình trạng bệnh: ví dụ như ảnh hưởng của khối ung thư, tắc ruột, tăng ure máu trong bệnh thận hoặc phù đường tiêu hóa trong suy tim.
  • Liên quan đến điều trị: ví dụ do hóa trị hoặc do opioid gây ra
  • Sinh hóa: ví dụ như tăng canxi máu
  • Qua trung gian độc tố: thứ phát sau hội chứng chán ăn-suy nhược.

Bằng chứng để hướng dẫn lựa chọn thuốc chống nôn trong chăm sóc giảm nhẹ còn thiếu và chưa rõ ràng. Thống kê về hiệu quả của các thuốc như sau:

  • Metoclopramide 10 mg ba lần mỗi ngày có hiệu quả trong 40% trường hợp.
  • Haloperidol 1,5–5 mg mỗi ngày có hiệu quả tới 47% trường hợp.
  • Chlorpromazine 25mg bốn lần mỗi ngày có hiệu quả tới 70% trường hợp.
  • Oanzapine 2,5–7,5 mg mỗi ngày cũng được coi là có hiệu quả, nhưng tỷ lệ đáp ứng chính xác vẫn chưa được biết. 

Các phản ứng phụ như tác dụng an thần và kháng Cholinergic, đặc biệt với Oanzapine và Chlorpromazine, có thể hạn chế tác dụng của thuốc đối kháng Dopamine trong trường hợp này.

Có dữ liệu mâu thuẫn về việc sử dụng chất đối kháng Serotonin để chống buồn nôn và nôn dai dẳng trong chăm sóc giảm nhẹ. Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên duy nhất, tropisetron hiệu quả hơn Metoclopramide hoặc Chlorpromazine, ngay cả khi chúng được kết hợp với Dexamethasone. Sự kết hợp của tropisetron, Dexamethasone và Chlorpromazine là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, một thử nghiệm khác kiểm tra buồn nôn và nôn do opioid gây ra trong chăm sóc giảm nhẹ đã báo cáo rằng Ondansetron không hiệu quả hơn Metoclopramide hoặc giả dược. Không có thử nghiệm ngẫu nhiên nào kiểm tra hiệu quả của thuốc kháng Histamine, tuy nhiên một nghiên cứu không kiểm soát dựa trên các báo cáo của bệnh nhân cho thấy cyclizine có hiệu quả.

Thuốc kháng Cholinergic như Scopolamine được sử dụng trong chăm sóc giảm nhẹ, nhưng chủ yếu không dùng với mục đích điều trị chứng buồn nôn. Chúng thường được kê đơn cho trường hợp tiết dịch dạ dày quá mức và tắc ruột giai đoạn cuối.

Corticosteroid như Dexamethasone (4–8 mg mỗi ngày) có hiệu quả trong việc kiểm soát buồn nôn và nôn do hóa trị liệu, tắc ruột và tăng áp lực nội sọ. Dexamethasone, với liều thấp 2 mg mỗi ngày, giúp tăng cường kiểm soát buồn nôn và nôn khi được thêm vào phác đồ điều trị kết hợp với tropisetron và Metoclopramide hoặc Chlorpromazine. 

6.7 Nôn do hóa trị

Khả năng gây nôn của các loại thuốc hóa trị là khác nhau. Vì thế lựa chọn điều trị cũng khác nhau. Chẳng hạn như:

  • Nguy cơ buồn nôn và nôn do hóa trị liệu thấp, chẳng hạn như sử dụng Paclitaxel, có thể được điều trị bằng chất đối kháng Serotonin
  • Nguy cơ buồn nôn và nôn do hóa trị liệu cao, chẳng hạn như khi dùng Cisplatin, sẽ cần kết hợp chất đối kháng Serotonin, chất đối kháng neurokinin và Dexamethasone.

Thuốc kháng Histamine, Metoclopramide và Prochlorperazine ít hiệu quả hơn trong điều trị buồn nôn và nôn do hóa trị liệu. Các thuốc benzodiazepin như lorazepam có thể được sử dụng như một liệu pháp bổ trợ do chúng có chức năng làm giảm lo lắng và buồn nôn và nôn sớm.

Dữ liệu và bằng chứng cho việc sử dụng thuốc kháng Cholinergic trong việc giảm nôn và buồn nôn do hóa trị liệu vẫn còn thiếu.

6.8 Buồn nôn và nôn do chiếu xạ

Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng buồn nôn và nôn do bức xạ phụ thuộc vào vùng cơ thể được chiếu xạ. Ví dụ như:

  • Chiếu xạ toàn bộ cơ thể có nguy cơ cao gây buồn nôn và nôn: Cần điều trị kết hợp với chất đối kháng Serotonin và Dexamethasone. 
  • Chiếu bức xạ lên đầu và cổ có rủi ro thấp hơn và có thể được kiểm soát chỉ bằng chất đối kháng Serotonin. 

Đối với tình trạng nôn và buồn nôn do chiếu xạ, thuốc đối kháng Serotonin có hiệu quả hơn so với thuốc đối kháng Dopamin đơn thuần hoặc kết hợp với Dexamethasone. Ngoài ra, việc thêm Dexamethasone vào chất đối kháng Serotonin làm giảm buồn nôn và nôn do phóng xạ.

6.9 Nôn và buồn nôn hậu phẫu thuật

Một đánh giá có hệ thống cho thấy các chất đối kháng Serotonin (ondansetron, Granisetron và tropisetron), Dexamethasone, droperidol và cyclizine đều hiệu quả hơn giả dược trong điều trị buồn nôn và nôn sau phẫu thuật. 

Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng, một số thuốc chống nôn có thể cần phải tránh hoặc thận trọng khi sử dụng. Ví dụ, do tác dụng gây táo bón của thuốc đối kháng Serotonin, nên tránh hoặc sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân có nguy cơ tắc ruột cao, vì chúng có thể làm trầm trọng thêm hoặc che lấp tình trạng tắc ruột tiến triển.

Metoclopramide, ở liều tiêu chuẩn 10mg, kém hiệu quả hơn thuốc đối kháng Serotonin và không hiệu quả hơn giả dược. Mặc dù liều Metoclopramide lớn hơn 25 mg có thể hiệu quả hơn, nhưng có thể kèm theo nguy cơ gia tăng các tác dụng phụ như loạn trương lực cơ. Vì thế, Metoclopramide ít được sử dụng trong trường hợp này.

Một nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng các thuốc nhóm Benzodiazepin như Lorazepam có thể có lợi trong việc giảm buồn nôn và nôn sau phẫu thuật. So với giả dược, 1 mg lorazepam dùng đường uống 60 phút trước khi gây mê toàn thân làm giảm đáng kể buồn nôn và nôn sau phẫu thuật cũng như yêu cầu điều trị chống nôn trong giai đoạn hậu phẫu.

Các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng các chất đối kháng neurokinin như Aprepitant có hiệu quả trong việc giảm buồn nôn và nôn sau phẫu thuật. Tuy nhiên, những thuốc này có thể không được bảo hiểm hỗ trợ cho chỉ định buồn nôn và nôn hậu phẫu.

7 Thuốc chống nôn hiệu quả nhất là gì?

Mối loại thuốc chống nôn lại có những ưu điểm và nhược điểm riêng và chúng có thể phù hợp với từng đối tượng hoặc nguyên nhân gây nôn. Do vậy, thật khó để lựa chọn ra một loại thuốc hiệu quả nhất. Thay vào đó, chúng ta có thể lựa chọn được loại thuốc chống nôn phù hợp nhất với từng bệnh nhân. 

8 Các loại thuốc chống nôn tốt nhất

8.1 Thuốc uống chống say tàu xe

Nếu đang tìm kiếm loại thuốc chống say tàu xe thuận tiện nhất, bạn có thể sử dụng các loại thuốc nhóm kháng Histamine H1 được bán tại các quầy thuốc mà không cần đơn của bác sĩ. Ví dụ như:

  • Nautamine

Nautamine là thuốc chống say tàu xe dạng viên uống có chứa hoạt chất Diphenhydramine, thuộc thương hiệu Dược phẩm Sanofi. Công dụng của Nautamine khá bao quát và hiệu quả trên nhiều triệu chứng như đau đầu, choáng váng, lâng lâng, buồn nôn,... Do tính an toàn, ít tác dụng phụ nghiêm trọng nên huốc dùng được cho cả người lớn và trẻ nhỏ từ 2 tuổi trở lên. 

Tuy nhiên, Nautamine có thể gây buồn ngủ nên thuốc này có thể không thích hợp với những người cần tỉnh táo trong quá trình di chuyển. Ngoài ra, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú cần thận trọng hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Nautamine.

Lưu ý cần uống thuốc ít nhất 30 phút trước khi đi tàu xe để có hiệu quả chống nôn tốt nhất.

Giá thành Nautamine: 320.000 VNĐ/ 1 hộp 80 viên tức là khoảng 4.000 VNĐ cho 1 viên.

Thuốc chống nôn do say tàu xe Nautamine
Thuốc chống nôn do say tàu xe Nautamine
  • EASYLONG 

EASYLONG là nước uống chống say tàu xe của Hàn Quốc, thuộc thương hiệu nổi tiếng  Aprogen Pharmaceuticals. Thuốc được đóng gói trong chai thủy tinh có dung tích 30ml, có chứa các hoạt chất: Dimenhydrinate, Caffeine anhydrous, Pyrodoxine.

Ưu điểm của EASYLONG so với các loại thuốc có chứa Dimenhydrinate khác là có tác dụng chống nôn nhưng không gây buồn ngủ. Vì thành phần sản phẩm có bổ sung thêm 20mg Caffeine. Do đó, sản phẩm phù hợp với những người cần sự tỉnh táo khi di chuyển bằng tàu xe. Ngoài ra, sản phẩm rất dễ uống và có mùi thơm nhẹ nên có thể cho trẻ nhỏ uống dễ dàng hơn. 

Tuy nhiên, EASYLONG không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Ngoài ra, nên sử dụng EASYLONG ít nhất 30 phút trước khi di chuyển bằng tàu xe.

Giá thành của 1 chai EASYLONG dao động từ 20.000 - 30.000 VNĐ.

Nước uống chống say tàu xe EASYLONG 
Nước uống chống say tàu xe EASYLONG

8.2 Miếng dán chống say tàu xe

Nhiều người lựa chọn miếng dán chống say tàu xe vì tính tiện lợi và dễ sử dụng của chúng. Các miếng dán chống say tàu xe hiện nay thường có chứa hoạt chất Scopolamine. Chẳng hạn như:

  • Ariel TDDS

Ariel TDDS là sản phẩm thuộc thương hiệu Caleb Pharma nguồn gốc Đài Loan. Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến trong quy trình sản xuất giúp miếng dán có khả năng phóng thích hoạt chất vào cơ thể một cách từ từ qua da. Vì thế, tác dụng chống nôn do say tàu xe của Ariel TDDS khá ổn định và có thể kéo dài đến 72 giờ sau đó. Ngoài ra, hoạt chất Scopolamine thường không gây buồn ngủ nên phù hợp với những người cần sự tỉnh táo khi di chuyển.

Tuy nhiên, việc sử dụng Ariel TDDS cần thận trọng để tránh gặp phải các tác dụng không mong muốn. Nên dán miếng dán vào vùng da ở sau tai khoảng 4-6 tiếng trước khi khởi hành và sau khi gỡ miếng dán cần rửa tay và vị trí dán bằng xà phòng. 

Miếng dán Ariel TDDS được khuyến cáo sử dụng cho người lớn và trẻ em trên 8 tuổi. Ngoài ra, cần thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ có thai và người già. Nếu sử dụng không đúng cách hoặc quá liều có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: khô miệng, ngủ gà, đau mắt, chóng mặt,... Việc sử dụng miếng dán chống say tàu xe có chứa Scopolamine cần có chỉ định hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ.

Giá thành 01 miếng dán Ariel TDDS là 10.000VNĐ

Miếng dán chống say tàu xe Ariel TDDS
Miếng dán chống say tàu xe Ariel TDDS

8.3 Thuốc chống say tàu xe cho trẻ em

Trẻ nhỏ từ 2-12 tuổi rất dễ bị say tàu xe dẫn đến choáng váng, quấy khóc hoặc nôn ói. Đối với trẻ nhỏ thì các chế phẩm thuốc có chứa Scopolamine có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm nên thường được khuyến cáo không nên sử dụng. Thay vào đó, có thể lựa chọn các hoạt chất an toàn hơn hoặc các sản phẩm có nguồn gốc dược liệu. 

8.4 Thuốc chống nôn cho trẻ em

Buồn nôn và nôn là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là với những trẻ có sức khỏe tiêu hóa yếu. Tuy nhiên, nôn ói quá nhiều có thể gây mất nước và mất điện giải mà trẻ nhỏ thì rất nhạy cảm với tình trạng này. Do đó, cha mẹ cần có biện pháp cầm nôn tức thời cho trẻ đẻ có thời gian xác định và điều trị nguyên nhân gây nôn. Một số loại thuốc chống nôn cho trẻ nhỏ được sử dụng phổ biến là:

  • Motilium 30ml

Thuốc chống nôn Motilium 30ml được bào chế ở dạng siro với hoạt chất chính là Domperidone. Thuốc được sản xuất bởi Công ty Dược phẩm Janssen Pharmaceutica, có nguồn gốc tại Bỉ. Thuốc có thể sử dụng cho mọi độ tuổi, kể cả trẻ em và trẻ sơ sinh khi bị nôn hoặc buồn nôn do các bệnh về đường tiêu hóa. Vì thế, chế phẩm này còn được gọi là thuốc chống nôn cho trẻ em motilium

Do hoạt chất Domperidone không vượt qua được hàng rào máu não, chỉ có tác động tại ngoại biên nên Motilium ít gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra buồn ngủ, tác dụng phụ này dễ gặp hơn ở trẻ dưới 12 tháng tuổi hoặc trẻ sinh non.

Thuốc chống nôn trớ Motilium có màu trắng đục, mùi thơm và vị ngọt dễ uống. Để đạt được hiệu quả hấp thu tốt nhất, nên uống thuốc trước bữa ăn. Lưu ý, không nên sử dụng thuốc trong thời gian dài, thời gian sử dụng tối đa là 1 tuần.

Người bị nôn và buồn nôn do nhiễm trùng, xạ trị hoặc do tác dụng phụ của thuốc khác cũng có thể sử dụng Motilium để cầm nôn. 

Giá thành khoảng 30.000 VNĐ/ 1 chai 30ml

Thuốc chống nôn ói phù hợp cho trẻ sơ sinh Motilium
Thuốc chống nôn ói phù hợp cho trẻ sơ sinh Motilium
  • Perimirane 10mg

Perimirane 10mg là sản phẩm thuộc Công ty Dược phẩm Thành Nam với hoạt chất chính là Metoclopramide. Thuốc thường được sử dụng cho trẻ em từ 1 tuổi trở lên để chống nôn và buồn nôn do hóa trị liệu hoặc điều trị buồn nôn và nôn hậu phẫu.

Thuốc vừa tác động ở ngoại biên, vừa tác động đến trung tâm nôn trên não bộ nên cho tác dụng mạnh và nhanh nhưng cũng có thể tiềm ẩn các phản ứng rối loạn thần kinh ở trẻ em. Lưu ý, thuốc không được sử dụng cho trẻ sơ sinh, trẻ mắc bệnh động kinh hoặc hen suyễn.

Giá thành khoảng 20.000 - 30.000 VNĐ/ 1 hộp 20 viên nén.

Thuốc chống nôn và buồn nôn cho trẻ từ 1 tuổi Perimirane
Thuốc chống nôn và buồn nôn cho trẻ từ 1 tuổi Perimirane

9 Tài liệu tham khảo

1. Antonella Melani, Nimmit Vyas. What Are They, How Do They Work, What Are They Used For, and More, Osmosis. Ngày truy cập: Ngày 20 tháng 06 năm 2023.

2. Ashley Brown (Ngày đăng: Ngày 01 tháng 05 năm 2023). Motion Sickness, CDC. Ngày truy cập: Ngày 20 tháng 06 năm 2023.

3. Akshay Athavale, Tegan Athavale, Darren M Roberts, [...] (Ngày đăng: Ngày 01 tháng 04 năm 2020).  Antiemetic drugs: what to prescribe and when, NIH. Ngày truy cập: Ngày 19 tháng 06 năm 2023

Xem thêm chi tiết

Có tổng: 46 sản phẩm được tìm thấy

Sendatron 250 microgram
Sendatron 250 microgram
Liên hệ
Medloda 8 Medlac
Medloda 8 Medlac
Liên hệ
Dompil Tablets 10mg
Dompil Tablets 10mg
Liên hệ
Mutecium-M (Thuốc bột uống)
Mutecium-M (Thuốc bột uống)
Liên hệ
Kanausin 10mg
Kanausin 10mg
Liên hệ
Accord Palonosetron 0.05mg/ml
Accord Palonosetron 0.05mg/ml
Liên hệ
Onsetron 10ml
Onsetron 10ml
Liên hệ
Agimoti-S
Agimoti-S
Liên hệ
Motimilum 10mg
Motimilum 10mg
Liên hệ
Ondansetron Kabi 2mg/1ml
Ondansetron Kabi 2mg/1ml
Liên hệ
Ondanov 8mg Tablet
Ondanov 8mg Tablet
Liên hệ
Goldlove 10mg
Goldlove 10mg
Liên hệ
Elitan 10mg/2ml
Elitan 10mg/2ml
Liên hệ
Prevomit FT 10mg
Prevomit FT 10mg
Liên hệ
Meclopstad 10mg
Meclopstad 10mg
Liên hệ
Tusstadt (Chai 60ml)
Tusstadt (Chai 60ml)
Liên hệ
Domperidone STELLA 10mg
Domperidone STELLA 10mg
Liên hệ
Glomoti-M 5/50 Sachet
Glomoti-M 5/50 Sachet
Liên hệ
* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633