Thuốc trị mụn được bác sĩ khuyên dùng và phác đồ điều trị mụn trứng cá Bộ Y tế
Mụn gây ra tình trạng da sần sùi, không đều màu, khiến cho “nạn nhân”, nhất là phái nữ cảm thấy thiếu tự tin, ngại giao tiếp. Hơn thế nữa, mụn còn ảnh hưởng đến sức khỏe của da, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như viêm, thâm sẹo… Thuốc trị mụn là giải pháp hiệu quả mà chị em tìm kiếm.
1 Mụn là gì?
Da mặt của bạn có rất nhiều các nang lông khác nhau. Khi các nang lông này bị bịt kín bởi bã nhờn, tế bào da chết, cặn bẩn…, mụn bắt đầu hình thành và lớn dần lên, có thể tạo thành mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn cám, mụn nhọt, thậm chí là mụn ẩn (mụn không trồi lên khỏi bề mặt da). Các nguyên nhân chính dẫn đến sự “nổi loạn” của mụn bao gồm: Sản xuất dầu nhờn quá mức, tắc nghẽn nang lông, nhiễm khuẩn da… Mụn là tình trạng phổ biến ở tuổi dậy thì, tuy nhiên ở các lứa tuổi khác cũng bị ảnh hưởng bởi mụn.
Có nhiều phương pháp trị mụn hiện có, đem lại hiệu quả khác nhau. Nhưng cần lưu ý là mụn rất dễ tái phát, có thể mọc đi mọc lại ở một vị trí nhất định. Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ mà mụn có thể gây ra viêm đau và để lại các vết thâm sẹo xấu xí khi nó rời đi. Điều trị mụn càng sớm sẽ giúp hạn chế tối đa các vấn đề này.
2 Thế nào là thuốc trị mụn?
Thuốc trị mụn là các chế phẩm có chứa các hoạt chất có tác dụng giảm thiểu sự hình thành và kiểm soát quá trình tiến triển của mụn; ức chế các tác nhân gây ra mụn hay tránh để lại thâm sẹo sau mụn. Các thuốc trị thâm mụn còn có tác dụng cải thiện các vết thâm sẹo này, trả lại làn da đều màu, mịn màng. Hơn nữa, tuỳ thuộc vào từng tình trạng mụn cụ thể mà người ta sản xuất ra các loại thuốc chuyên trị đặc biệt như thuốc trị mụn ẩn, thuốc trị mụn bọc, mụn viêm, mụn đầu đen, đầu trắng,...
Thành phần thường có trong thuốc trị mụn là các hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn… như BHA, AHA, Benzoyl Peroxide, Retinoid… Ngoài ra, các chiết xuất từ dược liệu cũng chứa các hợp chất có tác dụng ức chế mụn, giảm thâm sẹo như Tinh Dầu Tràm trà, chiết xuất lá Neem, hoa cúc…
Thuốc trị mụn được phân thành 2 loại chính:
- Thuốc bôi trị mụn
- Thuốc uống trị mụn
3 Đặc điểm thuốc bôi trị mụn
Thuốc bôi ngoài da có thể là dạng kem hoặc gel, chúng chứa các chất giúp kiểm soát lượng dầu do da sản xuất, từ đó ngăn ngừa hình thành quá nhiều bã nhờn hoặc tiêu diệt các vi khuẩn gây viêm nhiễm. Thuốc bôi da thường chỉ cho tác dụng lên vùng da mà bạn thoa thuốc, phù hợp với tình trạng mụn trứng cá mức độ nhẹ đến trung bình.
3.1 Benzoyl peroxide
Cơ chế tác dụng
- Cơ chế tiêu diệt P.acnes của Benzoyl peroxide là giải phóng oxy trong nang mụn. Cụ thể: khi Benzoyl peroxide phân giải, nó tạo ra hai gốc benzoyloxy. Những gốc này tương tác không đặc hiệu với protein của vi khuẩn, làm gián đoạn chức năng của chúng và gây tổn thương cho vi khuẩn, gây tổn hại cho sự sống sót của chúng. Theo thời gian, sự tương tác của gốc tự do với protein của vi khuẩn giảm bã nhờn và chất sừng xung quanh nang lông.
- Benzoyl peroxide cũng có khả năng tăng tốc độ quá trình thay thế của tế bào biểu mô, góp phần làm bong tróc da và làm vỡ mụn trứng cá.
- Ngoài đặc tính kháng khuẩn, hoạt chất này có khả năng diệt khuẩn ngăn ngừa sự đề kháng của vi khuẩn gây mụn P.acnes với liệu pháp kháng sinh và có đặc tính kháng viêm cũng như tiêu nhân mụn vừa phải.
Chỉ định
- Benzoyl peroxide là một chất kháng khuẩn và chống viêm được sử dụng để điều trị triệu chứng của mụn trứng cá, mụn đầu đen trên mũi và mụn đầu trắng từ nhẹ đến trung bình.
Nồng độ sử dụng
- Benzoyl peroxide được sử dụng trong các chế phẩm bôi ngoài da khác nhau, có hàm lượng từ 2,5% đến 10,0%, tăng dần theo độ mạnh.
- Ban đầu bạn có thể sử dụng bất kỳ hàm lượng nào, mặc dù nên bắt đầu với nồng độ thấp hơn để dự phòng các phản ứng dị ứng. Các chế phẩm có nồng độ lớn hơn có thể không đem lại nhiều hiệu quả hơn, nhưng lại dễ dẫn đến kích ứng.
Tác dụng phụ
- Tác dụng phụ phổ biến nhất của Benzoyl peroxide là gây kích ứng da. Hiện tượng này thường xuyên xảy ra ở nồng độ cao hơn và thuyên giảm dần khi tiếp tục sử dụng.
Ưu nhược điểm của sản phẩm trị mụn chứa Benzoyl peroxide
Ưu điểm
- Benzoyl peroxide có thể hoạt động nhanh chóng, thời gian cho đáp ứng ngắn, đem lại sự tác động sớm nhất là năm ngày.
- Chỉ có các sản phẩm làm sạch như sữa rửa mặt có khả năng kháng khuẩn cho hiệu quả có chứa benzoyl peroxide.
- Dạng bôi ngoài da của Benzoyl peroxide ít gây ra tác dụng phụ, hấp thu vào da dễ dàng, dung nạp tốt.
Nhược điểm
- Hạn chế chính của nó là một chất tẩy trắng mạnh, các loại vải bao gồm khăn tắm, ga trải giường và quần áo, có thể bị tẩy trắng.
Chế phẩm thường gặp
Các chế phẩm bôi da trị mụn trứng cá có chứa Benzoyl peroxide phổ biến như:
- Với mức giá khá cao, dao động khoảng 1.000.000 - 2.000.000đ/sản phẩm: Lotion chấm mụn chứa 5% Benzoyl Peroxide của Obagi,...
- Mức giá dao động khoảng 500.000 - 700.000/sản phẩm: Lotion trị mụn Benzoyl Peroxide 2.5% hoặc 5% của Paula's Choice,...
- Mức giá tầm trung dao động khoảng 200.000 - 400.000đ/sản phẩm: thuốc trị mụn La Roche Posay Effaclar Duo Benzoyl Peroxide 5,5%, Azaduo Gel 30g (290),...
- Mức giá dưới 200.000đ/sản phẩm: Benzac AC 5%, Kem bôi da trị mụn Oxy 5,...
3.2 Axit azelaic
Axit Azelaic là một axit dicarboxylic bão hòa được tìm thấy trong tự nhiên, có nguồn gốc từ lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch. Nó cũng được sản xuất bởi Malassezia furfur , còn được gọi là Pityrosporum ovale , là một loài nấm thường thấy trên da người. Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị mụn trứng cá viêm nhẹ đến trung bình vào năm 1996.
Cơ chế tác dụng
Cơ chế hoạt động chính xác của Axit azelaic chưa được biết rõ. Người ta cho rằng Axit azelaic thể hiện tác dụng kháng khuẩn bằng cách ức chế quá trình tổng hợp protein tế bào ở vi khuẩn kỵ khí và hiếu khí, đặc biệt là Staphylococcus cholermidis và Propionibacteria Acnes. Ở vi khuẩn hiếu khí, Axit azelaic ức chế thuận nghịch một số enzyme oxy hóa bao gồm tyrosinase, enzyme ty thể của chuỗi hô hấp, thioredoxin reductase, 5-alpha-reductase và DNA polymerase. Ở vi khuẩn kỵ khí, Axit azelaic cản trở quá trình đường phân.
Axit Azelaic có thể có hiệu quả đối với cả tổn thương viêm và không viêm.
Chỉ định
- Điều trị tại chỗ để làm giảm mụn trứng cá sẩn-mụn mủ nhẹ đến trung bình ở vùng mặt.
- Nó cũng thường được sử dụng cho một loại tình trạng khác được gọi là bệnh trứng cá đỏ.
Nồng độ sử dụng
- Axit azelaic thường được bào chế dưới dạng gel, kem với nồng độ 15 hoặc 20%.
Tác dụng phụ
- Tác dụng phụ thường gặp bao gồm ngứa và cảm giác bỏng tại chỗ.
Chế phẩm thường gặp
Một số sản phẩm phổ biến có chứa hoạt chất Axit azelaic có bán tại các nhà thuốc như: thuốc trị mụn Megaduo Gel (giá khoảng 145.000đ/tuýp 15g), Derma Forte (giá khoảng 120.000đ/tuýp 15g), Anzela Cream (giá khoảng 65.000đ/tuýp 10g),...
3.3 Axit salicylic
Axit salicylic là một hợp chất có nguồn gốc từ vỏ cây liễu trắng và lá lộc đề xanh, và cũng có thể được điều chế tổng hợp. Nó có tác dụng kháng khuẩn, chống nấm và tiêu sừng, bạt sừng. Muối của axit salicylic, salicylat, được sử dụng trong thuốc giảm đau.
Cơ chế tác dụng
- Khi bôi tại chỗ và ở nồng độ đủ cao, Axit salicylic hoạt động bằng cách phá hủy lớp sừng dày một cách chậm rãi, không gây đau đớn. Nó làm mềm và phá hủy lớp sừng dày của mô bị ảnh hưởng bằng cách giảm độ bám dính của tế bào sừng, đồng thời làm cho biểu mô bị sừng hóa sưng lên, mềm ra, sần sùi và cuối cùng bong ra. Từ đó, Axit salicylic có thể giúp ngăn chặn các nang lông bị bịt kín, nhân mụn có thể bị trồi lên và dễ dàng loại bỏ hoàn toàn.
- Trên da, Axit salicylic (BHA) giúp điều chỉnh sự bong tróc bất thường của tế bào.
- Axit salicylic có tác dụng làm sạch và thông thoáng lỗ chân lông để giảm tình trạng mụn trứng cá nhẹ và ngăn ngừa tổn thương. Nó không ảnh hưởng đến sản xuất bã nhờn và không có tác dụng diệt vi khuẩn.
Chỉ định
- Để điều trị tại chỗ mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình
Nồng độ sử dụng
- Thường sử dụng ở nồng độ 0,5% hoặc 2%.
Tác dụng phụ
- Thường gặp nhất là kích ứng mẩn đỏ tại chỗ
Ưu nhược điểm của sản phẩm trị mụn chứa Axit salicylic
Ưu điểm
- Cho đáp ứng nhanh, cải thiện tình trạng mụn hiệu quả, nhất là hai hợp chất này kết hợp với nhau sẽ giúp làm sạch da sâu hơn, và loại bỏ mụn được tốt hơn.
- Khi kết hợp với các hoạt chất khác như Acid glycolic, kháng sinh đem lại hiệu quả vượt trội hơn hẳn so với dùng đơn độc.
Nhược điểm
- Dễ gây ra các tình trạng kích ứng da như châm chích, rát da nhẹ...
- Nếu ngưng dùng, bã nhờn dư thừa sẽ làm tắc lỗ chân lông và tái phát tình trạng mụn, vì vậy bạn cần sử dụng thường xuyên, có thể là cách ngày hoặc 2-3 lần mỗi tuần.
Chế phẩm thường gặp
Các sản phẩm chứa BHA nổi tiếng mà bạn nên cân nhắc lựa chọn bao gồm:
- Giá khoảng 900.000 - 1.000.000đ/Lọ 148ml: Tẩy da chết hóa học BHA của Obagi (BHA Obagi Clenziderm MD Pore Therapy)
- Mức giá khoảng 300.000đ/lọ 30ml - 700.000đ/lọ 118ml: tẩy da chết hóa học BHA của Paula's Choice
- Mức giá khoảng 250.000đ/lọ 30ml: The Ordinary BHA Salicylic Acid 2%,
- Với mức giá rẻ hơn, bạn có thể tham khảo kem trị mụn Acnes Sealing Jell (khoảng 40.000đ/tuýp 18g, Acne Aid Spot Gel 10g (100.000đ/tuýp 10g)...
3.4 Retinoid và các chất tương tự retinoid
Bao gồm Retinol, Tretinol, Adapalen và Tazaroten… có tác dụng tiêu nhân mụn, đồng thời có khả năng kháng viêm và kháng khuẩn, giúp hạn chế hình thành mụn và ngăn chặn sự tiến triển của mụn, tình trạng mụn sẽ thuyên giảm dần.
Cơ chế tác dụng
- Retinoids, là dẫn xuất của Vitamin A, hoạt động bằng cách hoạt động bằng cách loại bỏ các tế bào da chết khỏi bề mặt da (tẩy tế bào chết), giúp ngăn ngừa tích tụ trong nang lông, do đó làm giảm số lượng mụn trứng cá và ngăn chặn việc hình thành các trứng cá nhỏ.
Nồng độ sử dụng
- Một phân tích tổng hợp của năm thử nghiệm ngẫu nhiên với 900 bệnh nhân cho thấy gel Adapalene 0,1% có hiệu quả tương đương, nhưng ít gây kích ứng hơn gel Tretinoin 0,025%.
- Nồng độ khác nhau của Retinoid ảnh hưởng đến khả năng dung nạp. Một cách tiếp cận thường được sử dụng là bắt đầu với nồng độ thấp nhất và tăng dần khi dung nạp được.
Tác dụng phụ
- Việc sử dụng retinoid bôi tại chỗ không được khuyến nghị trong thời kỳ mang thai do có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh. Tác dụng phụ phổ biến nhất là kích ứng nhẹ và cảm giác châm chích trên da.
Ưu nhược điểm của sản phẩm trị mụn chứa Retinoid
Ưu điểm
- Liệu pháp retinoid tại chỗ tác động lên tế bào sừng nang lông để ngăn chặn quá trình sừng hóa quá mức và tắc nghẽn nang lông. Nó cũng có thể làm giảm sự giải phóng các cytokine tiền viêm, làm giảm số lượng mụn trứng cá và tổn thương viêm từ 40% đến 70%.
- Là lựa chọn đầu tay cho tình trạng mụn trứng cá nhẹ và vừa, dung nạp tốt, đem lại hiệu quả rõ rệt sau một thời gian điều trị.
Nhược điểm
- Tác dụng phụ thường gặp nhất là kích ứng với ban đỏ và tróc vảy. Bệnh nhân nên được hướng dẫn để áp dụng một lượng rất nhỏ ban đầu.
- Thời gian điều trị dài, đáp ứng tối ưu xảy ra sau 12 tuần; sử dụng thường xuyên có thể giúp hạn chế nguy cơ bùng phát trở lại.
Chế phẩm thường gặp
Các loại retinoid bôi ngoài da phổ biến nhất hiện nay là các sản phẩm có chứa các hoạt chất gồm tretinoin, Adapalene và Tazarotene.
Cụ thể, các sản phẩm trị mụn phổ biến chứa retinoid và các chất tương tự mà bạn có thể lựa chọn gồm có:
- Mức giá trên 1.000.000đ/sản phẩm: kem trị mụn Retinol 0,5% của Obagi
- Mức giá từ 300.000 - 500.000đ/sản phẩm: kem trị mụn Differin Cream 0.1%, Gel ngăn ngừa mụn La Roche Posay Effaclar Adapalene 0.1%,...
- Với mức giá rẻ hơn bạn có thể tham khảo: Tazoretin Gel 0,3% (200.000đ), thuốc trị mụn Gel Klenzit-C 15g (145.000đ), Klenzit MS 0,1% (120.000đ), hoặc 0,1%, Azanex Gel 0,1% (80.000đ).
3.5 Kháng sinh bôi da
Một số loại kháng sinh được thêm vào thuốc bôi da để trị mụn trứng cá như clindamycin, đôi khi chúng được kết hợp với các hoạt chất khác như benzoyl peroxide để giúp trị mụn hiệu quả hơn.
Ưu điểm
- Erythromycin và clindamycin tại chỗ thường được dung nạp tốt và đã được chứng minh là làm giảm các tổn thương viêm từ 46% đến 70% trong một số thử nghiệm ngẫu nhiên.
- Kháng sinh tại chỗ ít gây ra tác dụng phụ toàn thân hơn kháng sinh đường uống.
- Cải thiện tình trạng mụn trứng cá do nhiễm khuẩn hiệu quả, nhất là khi kết hợp với các hoạt chất khác như benzoyl peroxide.
Nhược điểm
- Dễ kháng thuốc, không nên sử dụng đơn trị liệu với kháng sinh tại chỗ vì P.acnes có thể trở nên kháng thuốc trong vòng một tháng sau khi bắt đầu điều trị hàng ngày. Một số người cho rằng sự đề kháng này là không phù hợp vì các kháng sinh (ví dụ: clindamycin, tetracyclines, erythromycin) cũng có tác dụng kháng viêm và kháng khuẩn nội tại. Có thể tránh được tình trạng kháng thuốc khi kết hợp thuốc kháng sinh tại chỗ với benzoyl peroxide.
Chế phẩm thường gặp
Các kem trị mụn chứa kháng sinh thường gặp mà bạn có thể mua tại các hiệu thuốc như: Maxxacne-C (Clindamycin 1%) - giá 95.000đ/tuýp 15g, Clindac A (clindamycin 1%), thuốc chấm mụn Novolinda (Clindamycin 10mg/30ml) - giá khoảng 120.000đ/lọ 30ml...
3.6 Liệu pháp kết hợp
Liệu pháp kết hợp, ví dụ như với retinoid và kháng sinh, hiệu quả hơn so với chỉ sử dụng một trong hai tác nhân.
Tuy nhiên, các tác nhân phải được áp dụng vào các thời điểm riêng biệt, trừ khi chúng được biết là tương thích. Benzoyl peroxide có thể oxy hóa retinoid chẳng hạn như tretinoin nếu nó được áp dụng đồng thời.
Một thử nghiệm ngẫu nhiên trên hơn 200 bệnh nhân bị mụn trứng cá nhẹ đến trung bình cho thấy điều trị bằng gel adapalene 0,1% và clindamycin 1,0% có hiệu quả tốt hơn so với clindamycin 1,0% được sử dụng đơn lẻ.
Nếu có tổn thương viêm, nên kết hợp kháng sinh tại chỗ có chứa benzoyl peroxide với retinoid tại chỗ (ví dụ, kháng sinh tại chỗ với benzoyl peroxide vào buổi sáng và retinoid vào ban đêm). Một đánh giá của ba nghiên cứu lâm sàng với 1259 bệnh nhân cho thấy sự kết hợp của clindamycin 1% và benzoyl peroxide 5% có hiệu quả hơn so với một trong hai loại thuốc được sử dụng đơn lẻ trong việc giảm tổn thương và ức chế P.acnes.
Ưu điểm
- Việc kết hợp giúp làm giảm tình trạng kháng thuốc (đối với sản phẩm chứa kháng sinh), tăng hiệu quả điều trị, mở rộng phổ điều trị, giúp dung nạp tốt hơn, đem lại đáp ứng nhanh hơn.
Nhược điểm
- Có thể dẫn đến tăng các tác dụng không mong muốn trên da.
Các liệu pháp kết hợp có thể kể đến như:
- Azaduo Gel (Adapalene + Benzoyl peroxide: trị mụn trứng cá có nhân, mụn sần, mụn mủ): 145.000đ/tuýp 15g
- Kelnzit C (Adapalene + Clindamycin: trị mụn trứng cá viêm đỏ nhiễm khuẩn): 120.000đ/tuýp 15g
- Megaduo Gel Plus (Retinal + Salicylic acid + Glycolic acid) 120.000/tuýp 15g
- Megaduo Gel (Azelaic acid + Glycolic acid) 115.000đ/tuýp 15g
- Vertucid (Adapalene + Clindamycin) 90.000đ/tuýp 15g
- Hiteen Gel (Erythromycin + Tretinoin) 60.000đ/tuýp 20g
4 Đặc điểm thuốc uống trị mụn (Điều trị toàn thân)
Nếu tình trạng mụn nặng và tái đi tái lại nhiều lần, dẫn đến những mảng mụn xen thâm sẹo trên da, bạn cần kết hợp thuốc bôi với thuốc uống trị mụn. Các loại thuốc uống có trong phác đồ của Bộ Y tế nhằm trị mụn gồm có:
4.1 Thuốc kháng sinh uống
Đặc điểm
Khi các tác nhân tại chỗ không đủ để cho đáp ứng tốt hoặc không dung nạp hoặc trong tình trạng mụn trứng cá vừa đến nặng, nhất là khi mụn lan rộng ở ngực, lưng và vai, các loại kháng sinh đường uống sẽ được chỉ định.
Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng thường xuyên kết hợp thuốc kháng sinh tại chỗ và benzoyl peroxide có thể có hiệu quả tương tự kháng sinh uống đơn trị liệu.
Kháng sinh đường uống thường bắt đầu cho tác dụng sau ít nhất là 6 tuần sử dụng. Nếu việc kiểm soát được duy trì trong vài tháng, kháng sinh có thể ngừng dần dần và chỉ tiếp tục điều trị tại chỗ.
Không nên dùng kháng sinh toàn thân để điều trị mụn trứng cá nhẹ vì nguy cơ tăng đề kháng của vi khuẩn.
Nên cân nhắc việc sử dụng thêm các thuốc bôi ngoài da kết hợp với kháng sinh đường uống.
Retinoids tại chỗ với thuốc kháng sinh đường uống có thể cho phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn so với sử dụng thuốc đơn độc.
Doxycycline và Minocycline được coi là hiệu quả hơn tetracycline. Erythromycin được dành riêng cho những bệnh nhân chống chỉ định dùng tetracyclin (ví dụ: phụ nữ có thai và trẻ em dưới chín tuổi), mặc dù sự phát triển đề kháng với erythromycin phổ biến hơn so với các kháng sinh khác.
Ưu điểm
- Thuốc kháng sinh uống đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm số lượng tổn thương viêm (giảm 52% đến 67%), có thể thử liều cao hơn nếu bệnh nhân muốn kiểm soát tốt hơn.
Nhược điểm
- Giống như kháng sinh tại chỗ, kháng sinh uống dễ gây ra tình trạng kháng thuốc, ngoài ra việc hấp thu toàn thân cũng có thể đem lại nhiều tác dụng phụ hơn cho người sử dụng.
Chế phẩm thường gặp
Các kháng sinh uống giúp điều trị mụn thường gặp như:
- Doxycycline (Doxycycline Capsules BP 100mg, Cyclindox 100mg,...)
- Tetracycline (Auricularum, Tetracyclin TW3 500mg,...)
- Erythromycin (Erythromycin 500mg Vidipha, Emycin DHG 250,...)
- Clindamycin (Clindamycin 150mg Domesco,...)...
4.2 Isotretinoin
Cơ chế tác dụng
Isotretinoin ảnh hưởng đến tất cả các cơ chế gây ra mụn trứng cá - nó làm thay đổi quá trình sừng hóa nang lông bất thường, giảm sản xuất bã nhờn 70%, giảm sự xâm nhập của P.acnes và chống viêm.
Chỉ định
Thuốc uống chứa isotretinoin được sử dụng trong trường hợp mụn trứng cá nặng, không đáp ứng với kháng sinh và các thuốc bôi trị mụn khác.
Điều trị sẹo, mụn trứng cá dạng nốt trầm trọng và cải thiện ít hơn 50% với thuốc kháng sinh uống hoặc liệu pháp nội tiết sau bốn tháng.
Tác dụng phụ
Liệu pháp Isotretinoin phải được theo dõi cẩn thận vì các tác dụng ngoại ý bao gồm gây quái thai mạnh, tăng triglycerid máu và viêm tụy, nhiễm độc gan, rối loạn máu, tăng tiết máu, đóng vảy tiết sớm và quáng gà.
Mối liên quan với các phản ứng da nghiêm trọng, chẳng hạn như ban đỏ đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử biểu bì nhiễm độc, đã được báo cáo.
Ưu điểm
Là liệu pháp được lựa chọn hàng đầu cho tình trạng mụn trứng cá nặng, được nhiều bác sĩ kê đơn, có tỷ lệ cho hiệu quả cao.
Nhược điểm
Các tác dụng phụ trên da của isotretinoin bao gồm khô mắt, mũi và môi, và viêm da.
Bệnh nhân nên sử dụng nước mắt nhân tạo và một lượng lớn kem dưỡng ẩm trên mũi, môi và da.
Chế phẩm thường gặp
Thuốc uống chứa Isotretinoin thường được chỉ định như Acnotin 10 (khoảng 300.000đ/hộp 30 viên), Myspa (120.000đ/hộp 30 viên), Bomitis 20mg (khoảng 480.000/hộp 30 viên), Accutane, Roaccutan, Curakne...
4.3 Thuốc dạng hormone (thuốc tránh thai)
4.3.1 Đặc điểm
Là các thuốc có chức năng tương tự hormon cơ thể, như estrogen và progestin.
Các thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng thuốc tránh thai có chứa estrogen có thể hữu ích; các công thức khác nhau được cho là làm giảm mức Testosterone tự do bằng cách tăng globulin liên kết hormone sinh dục và được coi là hiệu quả như nhau. Việc lựa chọn thuốc tránh thai phối hợp cần dựa trên khả năng chịu đựng của bệnh nhân và các tác dụng phụ có thể xảy ra. Thuốc tránh thai chỉ chứa Progesterone có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trứng cá.
Có thể thêm thuốc uống spironolactone nếu uống thuốc tránh thai không hiệu quả. Spironolactone là chất ức chế 5α-reductase khi dùng ở liều cao hơn, được sử dụng một mình hoặc hỗ trợ ở liều 50–200 mg/ngày, đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc cải thiện mụn trứng cá. Tuy nhiên, bệnh nhân nên được cảnh báo về các tác dụng phụ có thể xảy ra, bao gồm tăng Kali máu, kinh nguyệt không đều và nữ hóa bào thai nam.
Cơ chế trị mụn
Khi nồng độ hormone sinh dục nam trong cơ thể phụ nữ tăng lên (thường gặp trong độ tuổi dậy thì), nó sẽ kích thích các thụ thể gây ra các dấu hiệu như mọc lông, tăng tiết bã, rụng tóc, giọng nói trầm hơn,...Thuốc ngừa thai có tác dụng điều hòa lại nồng độ nội tiết tố (cụ thể là hạn chế ảnh hưởng của hormone sinh dục nam), giúp hạn chế sự tiết bã nhờn, giúp giảm viêm. Từ đó làm giảm sự hình thành của mụn.
Tác dụng phụ
Sử dụng thuốc tránh thai có thể có tác dụng phụ như đau đầu, căng ngực và buồn nôn. Các tác dụng phụ này có thể khiến một số phụ nữ ngừng uống thuốc này.
Thuốc tránh thai nội tiết tố cũng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu), ngay cả khi nguy cơ chung là thấp. Thuốc tránh thai thế hệ thứ ba và thứ tư (chẳng hạn như thuốc có chứa Desogestrel, Dienogest, Gestodene và drospirenone) dường như làm tăng nguy cơ huyết khối nhiều hơn so với thuốc thế hệ thứ nhất và thứ hai (chẳng hạn như thuốc có chứa Levonorgestrel hoặc norgestimate).
Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây đau, sưng tấy, đau nhức ở chân và đôi khi cả các vấn đề về da. Trong những trường hợp rất hiếm, nó có thể dẫn đến tắc nghẽn động mạch phổi (thuyên tắc phổi) đe dọa tính mạng.
Ưu điểm
Các tác nhân nội tiết tố mang lại hiệu quả điều trị hàng đầu ở phụ nữ bị mụn trứng cá bất kể các bất thường nội tiết tố tiềm ẩn.
Quan sát lâm sàng cho thấy rằng các nốt nằm sâu ở mặt dưới và cổ đặc biệt đáp ứng với liệu pháp nội tiết tố.
Nhược điểm
Thời gian điều trị dài, thường cần điều trị bằng antiandrogen trong ít nhất ba đến sáu tháng để thấy cải thiện đáng kể.
Liệu pháp antiandrogen đơn thuần có thể thành công, nhưng mụn có thể tái phát khi ngưng sử dụng, vì vậy việc kết hợp các thuốc này với thuốc bôi hoặc thuốc kháng sinh uống có thể mang lại hiệu quả tốt hơn.
Chế phẩm thường gặp
Các thuốc dạng hormone giúp điều trị mụn trứng cá thường gặp như: thuốc tránh thai trị mụn Diane 35 (Ethinylestradiol + Cyproteron acetat), Yasmin (Drospirenone + Ethinyl Estradiol), Daniele (Cyproteron acetate + Ethinylestradiol), Drosperin (Drospirenone + Ethinylestradiol)... Các loại thuốc này có giá dao động khoảng 150.000 - 200.000đ/sản phẩm.
4.3.2 Một số câu hỏi về dùng thuốc tránh thai để trị mụn
Nếu phụ nữ bị mụn trứng cá sử dụng một số loại thuốc tránh thai với mục đích tránh thai, nó cũng có thể có những tác động tích cực đến làn da của họ. Trên thực tế, nhiều loại thuốc tránh thai có thể giúp giảm mụn trứng cá.
Trị mụn bằng thuốc ngừa thai có hiệu quả không?
Mụn trứng cá là bệnh lý về da phổ biến nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên. Lý do chính khiến mụn trứng cá xuất hiện là do nồng độ nội tiết tố sinh dục nam androgen được tiết ra với số lượng lớn trong tuổi dậy thì (cả ở con gái và con trai).
Các nhà khoa học cho biết, thuốc tránh thai có hiệu quả trong việc cải thiện mụn trứng cá viêm và không viêm ở trẻ em gái và phụ nữ. Cụ thể, thuốc tránh thai có chứa hormone sinh dục nữ estrogen và progestin có. Các nhà nghiên cứu từ Cochrane Collaboration – một mạng lưới nghiên cứu quốc tế – đã xem xét hiệu quả của thuốc tránh thai trong điều trị mụn trứng cá. Họ đã tìm kiếm các nghiên cứu so sánh thuốc tránh thai với giả dược hoặc thuốc trị mụn không có nội tiết tố. Các nhà nghiên cứu đã phân tích 31 nghiên cứu với tổng số khoảng 12.500 người tham gia. Hầu hết các nghiên cứu đều so sánh các loại thuốc tránh thai khác nhau với nhau hoặc với giả dược. Hầu như không có nghiên cứu nào so sánh thuốc với các loại thuốc trị mụn khác.
Kết quả là tất cả các loại thuốc tránh thai được thử nghiệm đều có khả năng cải thiện tình trạng mụn trứng cá. Chúng làm giảm cả mụn viêm (thuốc trị mụn viêm) và không viêm. Những loại thuốc này thường phải được sử dụng trong vài tuần hoặc vài tháng trước khi làn da của những người tham gia trở nên tốt hơn.
Trong một nghiên cứu, những viên thuốc có chứa Cyproterone axetat giúp giảm mụn trứng cá tốt hơn một chút so với những viên thuốc có chứa Levonorgestrel. Một nghiên cứu khác cho thấy những viên thuốc có chứa Chlormadinone axetat có hiệu quả hơn những viên có Levonorgestrel.
Trên thực tế, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt một số dạng thuốc tránh thai cụ thể để điều trị mụn trứng cá. Thuốc tránh thai là một liệu pháp được đánh giá cao trong trị liệu mụn trứng cá, tuy nhiên trên thực tế có khá ít bác sĩ kê đơn các loại thuốc này và cũng khá ít bệnh nhân hỏi về liệu pháp này. Có nhiều lý do nhưng lý do phổ biến về thời gian trị liệu và việc phải uống thuốc mỗi ngày. Thời gian để có hiệu quả khi sử dụng thuốc tránh thai để trị mụn khá lâu, có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
Ai nên sử dụng thuốc tránh thai để trị mụn trứng cá?
Học viện Da liễu Hoa Kỳ cho biết, những phụ nữ bị mụn trứng cá nặng ở vùng mặt dưới, quai hàm, cổ, ngực và lưng có thể là đối tượng phù hợp để điều trị bằng thuốc tránh thai nội tiết tố, đặc biệt là khi các phương pháp điều trị khác (chẳng hạn như thuốc bôi, thuốc kháng sinh, mỹ phẩm) không thành công.
Cách uống thuốc ngừa thai mà không bị nổi mụn
Thuốc tránh thai nội tiết tố là phương pháp trị mụn, đặc biệt là mụn nội tiết, khá hiệu quả. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi sử dụng thuốc tránh thai, tình trạng mụn lại trở nên trầm trọng hơn. Điều này khiến nhiều chị em phải đặt ra câu hỏi “Uống thuốc tránh thai bị nổi mụn phải làm sao?”
Đầu tiên, bạn cần phải đọc lại trong tờ thông tin sản phẩm xem loại thuốc tránh thai bạn đang sử dụng có tác dụng phụ gây nổi mụn hay tăng tiết bã nhờn hay không. Sau đó cần xem xét lại chế độ ăn uống và sinh hoạt của bạn. Điều chỉnh lại lối sống bằng cách ăn nhiều rau xanh hơn, uống nhiều nước hơn, hạn chế thức khuya, hạn chế các thực phẩm cay nóng và chú ý sử dụng các sản phẩm chăm sóc da lành tính.
Các loại thuốc tránh thai hàng ngày trị mụn nội tiết được FDA phê duyệt
Theo phác đồ điều trị mụn của Viện Hàn lâm Da liễu Hoa Kỳ, thuốc ngừa thai là loại khuyến cáo được sử dụng cao nhất. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã phê duyệt các loại thuốc sau đây để điều trị mụn trứng cá:
Thuốc Beyaz:
- Thuốc tránh thai 28 ngày trị mụn Beyaz khá phổ biến. Beyaz là sự kết hợp của các hoạt chất Ethinyl estradiol, Drospirenone, và Levomefolate calcium. Mỗi vỉ chứa 28 viên thuốc. Trong đó có 24 viên nén màu hồng (chứa 3mg Drospirenone, 0.02 mg Ethinyl Estradiol và 0.451mg Canxi levomefolate) và 4 viên màu cam nhạt chứa 0.451 mg canxi levomefolate.
- Liều dùng: Uống mỗi ngày 1 viên, cùng một thời điểm trong suốt 28 ngày.
Thuốc Estrostep Fe
- Thuốc Estrostep Fe là thuốc tránh thai hàng ngày có chứa các thành phần là norethindrone acetate, ethinyl estradiol và Sắt fumar. Mỗi vỉ có chứa 28 viên thuốc với 21 viên có chứa nội tiết tố và 7 viên không chứa nội tiết tố.
- Liều dùng: Uống mỗi ngày 1 viên, cùng một thời điểm trong suốt 28 ngày.
Thuốc Ortho Tri-Cyclen
- Ortho Tri-Cyclen là thuốc tránh thai kết hợp của Ethinyl estradiol và Norgestimate. Mỗi vỉ chứa 28 viên thuốc, trong đó có 21 viên có chứa nội tiết tố và 7 viên màu xanh nhạt không có chứa nội tiết tố.
- Liều dùng: Uống mỗi ngày 1 viên, cùng một thời điểm trong suốt 28 ngày.
Thuốc Yaz
- Yaz là thuốc tránh thai hàng ngày có sự kết hợp của 2 hoạt chất là Ethinyl Estradiol và Drospirenone. Mỗi vỉ thuốc có chứa 28 viên thuốc. Trong số đó có 24 viên chứa hoạt chất (3mg Drospirenone và 0,02mg Ethinyl Estradiol) và 4 viên không chứa nội tiết tố.
- Liều dùng: Uống mỗi ngày 1 viên, cùng một thời điểm trong suốt 28 ngày.
Lưu ý
- FDA chỉ chấp thuận dùng thuốc ngừa thai chữa trị mụn khi bệnh nhân hiểu và đồng ý muốn ngừa thai và muốn chữa trị mụn cùng một lúc. Nếu bệnh nhân không muốn ngừa thai thì bác sĩ không nên dùng thuốc ngừa thai để trị mụn.
Loại thuốc tránh thai nào trị mụn tốt nhất?
Như đã trình bày ở trên, có 4 loại thuốc ngừa thai được FDA chấp thuận để trị mụn là là ethinyl estradiol/norgestimate, ethinyl estradiol/norethindrone acetate/ferrous fumarate, ethinyl estradiol/drospirenone, and ethinyl estradiol/drospirenone/levomefolate (tên thương mại là Ortho Tri-Cyclen, Estrostep Fe, Yaz, và Beyaz).
Nghiên cứu cho thấy là không có loại thuốc nào vượt trội hơn loại khác trong việc điều trị mụn. Có thể nói là 4 loại đều cho tác dụng trị mụn gần như tương đương nhau. Vì thế, cách lựa chọn thuốc ngừa thai để trị mụn tùy thuộc vào cơ địa, phản ứng với thuốc của mỗi bệnh nhân và chi phí của các loại thuốc.
Tóm lại, không có cơ sở để đề xuất một loại thuốc tránh thai cụ thể nào là tốt nhất để điều trị mụn trứng cá, vì hiệu quả của các thuốc gần như là tương tự nhau.
5 Lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc trị mụn
Có rất nhiều điều cần phải lưu tâm khi bạn đang trong quá trình điều trị mụn bởi đây là một hành trình dài và nhiều khó khăn. Để đến được cái đích cuối cùng, bạn nên lưu lại những lưu ý sau:
Tham khảo ý kiến của chuyên gia da liễu trước khi điều trị mụn. Với tình trạng mụn nặng, hãy tới các bệnh viện hay chuyên khoa da liễu để thăm khám và nhận chỉ định của bác sĩ.
Tuân thủ liều dùng của bất kỳ sản phẩm thuốc trị mụn nào. Không tự ý thay đổi liều hay ngưng dùng mà không có lời khuyên từ bác sĩ.
Mỗi loại thuốc trị mụn lại có những lưu ý riêng, chẳng hạn như không bôi tretinoin cùng với benzoyl peroxide. Tuyệt đối làm theo các chỉ dẫn này.
Ngoài việc sử dụng thuốc trị mụn, hãy thêm vào liệu trình của bạn những sản phẩm làm sạch, dưỡng, phục hồi và chống nắng hiệu quả, phù hợp để đạt được tác dụng tối ưu và bảo vệ làn da khỏi phản ứng phụ có hại của thuốc trị mụn. Và hãy nhớ xin tư vấn của chuyên gia nhé.
Chế độ ăn uống, lối sống… cũng tác động rất lớn tới tình trạng mụn của bạn. Hãy uống nhiều nước, ăn đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc… để có một làn da khỏe mạnh từ bên trong.
Kiên nhẫn và thật kiên nhẫn, “dục tốc bất đạt”, sự thay đổi diệu kỳ trên làn da sẽ đến với bạn.
6 Cách lựa chọn thuốc trị mụn mà bạn cần biết
6.1 Lựa chọn theo mức độ nghiêm trọng
6.2 Lựa chọn thuốc trị mụn cho trẻ em và phụ nữ có thai
Việc điều trị mụn trứng cá ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn, tuy nhiên cần quan tâm một vài vấn đề, nhất là về tác dụng phụ. Vì các liệu pháp bôi tại chỗ có thể gây khó chịu hơn ở trẻ em, nên ưu tiên dùng thuốc bắt đầu với nồng độ thấp. Các phương pháp điều trị toàn thân nên được dành cho những trường hợp rộng hơn. Đối với trị mụn cho trẻ em dưới 9 tuổi, erythromycin là lựa chọn đầu tay hơn tetracycline, nguyên nhân là do tetracycline có thể tác động xấu đến sụn và răng của trẻ.
Đối với mợi lứa tuổi, việc sử dụng isotretinoin để trị mụn đều có thể gây ra các tác dụng phụ có hại, đặc biệt là ở trẻ em với biến chứng nguy hiểm là đóng tầng sinh môn sớm, dẫn đến kìm hãm tăng trưởng. Điều này thường xảy ra khi dùng isotretinoin với liều lượng cao, do đó hạn chế điều trị lâu dài.
Lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp ở phụ nữ mang thai có thể là một thách thức vì nhiều liệu pháp điều trị mụn trứng cá có thể gây quái thai; nên tránh tất cả các retinoid bôi và đặc biệt là uống. Các liệu pháp uống như tetracycline và kháng nguyên cũng chống chỉ định trong thai kỳ, các bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định các biện pháp tại chỗ và kháng sinh erythromycin đường uống.
7 Tiêu chí lựa chọn thuốc trị mụn hiệu quả
Loại da, tình trạng mụn
- Đây là yếu tố quan trọng nhất mà bạn cần phải để tâm. Trước hết, hãy kiểm tra xem da bạn thuộc loại gì. Một số cách kiểm tra loại da có sẵn trên internet. Tuy nhiên, để xác định được chính xác nhất, bạn nên tới các phòng khám, khoa da liễu để được soi da và nhận kết quả chuẩn xác. Bất kỳ sản phẩm trị mụn nào cũng có đối tượng sử dụng cụ thể. Chẳng hạn như da khô thì không nên dùng kem trị mụn cho da dầu và ngược lại. Tại sao lại như vậy? Vì trong kem trị mụn cho da dầu có thể chứa các chất giúp kiềm dầu, khi dùng cho da khô sẽ gia tăng tình trạng khô và bong tróc. Do đó, việc xác định loại da là rất quan trọng.
- Ngoài ra, loại mụn bạn đang có, mức độ mụn nặng hay nhẹ cũng là vấn đề cần quan tâm. Các sản phẩm trị mụn với các hoạt chất khác nhau sẽ điều trị loại mụn khác nhau. Chẳng hạn như BHA (Acid salicylic) thuốc điều trị mụn ẩn, mụn đầu đen, Adapalen kết hợp Clindamycin trị mụn trứng cá, mụn viêm… Trong trường hợp mụn nhẹ, bạn có thể thoa các thuốc bôi trị mụn như đã trình bày ở phần trên. Ngược lại khi bạn có rất nhiều mụn viêm, mụn bọc to, tái đi tái lại nhiều lần, thành mảng ở hai bên má…, bạn nên tới phòng khám da liễu để được chỉ định các loại thuốc uống hoặc thuốc bôi kê đơn tác dụng mạnh.
Thành phần
- Bạn nên tham khảo thành phần của thuốc trị mụn trước khi lựa chọn để sử dụng. Ngoài các nhóm hợp chất được nêu ở trên, các thuốc trị mụn cũng có thể chứa các chiết xuất giúp giảm sự tiến triển của mụn, ngừa thâm do mụn để lại nhờ khả năng kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống viêm, làm đều màu da… Nếu bạn dị ứng với bất kỳ thành phần nào, hãy tránh dùng loại thuốc chứa hoạt chất đó.
- Các thành phần có tác dụng mạnh như isotretinoin thường có nhiều tác dụng phụ như gây bong tróc da mạnh, do đó hãy căn cứ vào các yếu tố liên quan để lựa chọn ra loại thuốc trị mụn phù hợp nhất.
Dạng bào chế
- Như ở trên đã trình bày, thuốc trị mụn có các dạng bào chế khác nhau: Bôi da (kem, gel…), thuốc uống. Dạng bào chế khác nhau trước hết sẽ ảnh hưởng tới tác dụng và hiệu quả điều trị của thuốc.
- Các thuốc uống cho tác dụng toàn thân, do đó cần lưu ý thời điểm dùng thuốc: trước, trong hay sau khi ăn. Các loại thuốc này thường là thuốc kê đơn, cần có chỉ định từ bác sĩ mới được sử dụng.
- Trong khi đó các thuốc bôi chỉ cho tác dụng tại chỗ, vì vậy cần thoa lên các vùng da cần điều trị. Một số loại có thể bôi lên toàn da mặt, nhưng một số lại chỉ được khuyến cáo bôi lên khu vực nhất định hay chỉ được chấm một lượng vừa đủ lên các nốt mụn (thường được gọi là thuốc chấm mụn).
Hiệu quả và độ an toàn
- Bạn nên tham khảo tác dụng của các loại thuốc trị mụn cũng như các phản ứng phụ có hại có thể xảy ra. Các thuốc có nguồn gốc hóa học thường cho hiệu quả nhanh hơn nhưng lại dễ gây ra các tác dụng phụ như bong tróc da, châm chích, mẩn đỏ…
- Ngược lại, các thuốc chứa chiết xuất thảo mộc sẽ hạn chế được các tác dụng phụ nhưng hiệu quả chậm, phải kiên trì sử dụng mới thấy tình trạng mụn cải thiện dần dần.
Giá thành, nhà sản xuất
- Các loại thuốc trị mụn thường có giá thành không quá cao, trừ một số thuốc với dạng bào chế đặc biệt cùng hoạt chất, nguyên liệu chất lượng cao, giá thành đắt đỏ. Các sản phẩm trị mụn thông thường có chi phí hợp lý, phù hợp với túi tiền của đa số chị em phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là với học sinh, sinh viên.
- Hiện nay có nhiều hãng dược mỹ phẩm lớn, sản xuất nhiều dòng sản phẩm trị mụn khác nhau. Một số thương hiệu lớn có thể kể đến như La Roche-Posay, Eucerin, Avène, Bioderma, Vichy, SVR… Sản phẩm của các thương hiệu này thường có giá thành nhỉnh hơn một chút, tuy nhiên chất lượng sản phẩm lại rất đáng để sử dụng.
Độ tin cậy
Hiện nay, các beauty blogger hay các youtuber rất ưa chuộng nội dung về chăm sóc sắc đẹp, trong đó bao gồm review thuốc trị mụn. Bên cạnh đó, trên các diễn đàn, không chỉ có hội chị em mà các anh em cũng bàn luận rất nhiệt tình. Các phản hồi của người dùng cũng phần nào đó cho biết hiệu quả thực sự và độ phù hợp của thuốc trị mụn nào đó. Đây là những nguồn mà bạn có thể tham khảo để đưa ra phân tích khách quan nhất, nhằm lựa chọn được loại kem trị mụn phù hợp với tình trạng da mụn của mình.
8 Phác đồ điều trị mụn trứng cá của Bộ Y tế
Hiện nay, phác đồ điều trị mụn trứng cá của Bộ Y tế được điều chỉnh tùy thuộc vào tình trạng mụn và cơ địa của từng cá nhân. Nhìn chung, quá trình trị mụn trứng cá bao gồm ba phác đồ nhỏ: thuốc bôi, thuốc uống và các liệu pháp thẩm mỹ. Các phác đồ này có thể kết hợp với nhau để tăng hiệu quả điều trị mụn, nhanh chóng dứt điểm mụn, ngăn mụn tái phát. Các phương pháp điều trị mụn trứng cá khác nhau nhắm vào các bước khác nhau trong quá trình sinh bệnh của mụn trứng cá, từ việc chống lại nội tiết tố androgen và giảm sản xuất bã nhờn đến ngăn ngừa tắc lỗ chân lông, giảm sự tăng sinh P.acnes và giảm viêm.
Phác đồ thuốc điều trị trứng cá cụ thể như sau:
8.1 Thuốc bôi tại chỗ
Hoạt chất | Đặc điểm |
---|---|
Retinoid | Tác dụng: tiêu nhân mụn, ngăn sự hình thành nhân mụn, chống viêm… Tác dụng phụ: thường gặp nhất là khô da, đỏ da, kích ứng da, hồng ban tróc vảy, nhạy cảm ánh sáng…thường trong tháng đầu điều trị, nhưng cũng có thể trong suốt quá trình điều trị. |
Benzoyl peroxid | Tác dụng: diệt khuẩn với phổ tác dụng rộng. Thuốc làm giảm đáng kể P. acnes và acid béo tự do ở tuyến bã, ngoài ra tác dụng chống viêm và tiêu nhân mụn. Dạng thuốc: cream, gel và chất làm sạch có nồng độ từ 2,5-10%. Tác dụng phụ: thường gặp nhất là khô da và nhạy cảm ánh sáng. Nên bôi thuốc vào buổi chiều tối để làm giảm nhạy cảm ánh sáng. |
Acid azelaic | Tác dụng ngăn chặn nhân mụn, kìm khuẩn. Dạng thuốc: cream 20%. Tác dụng phụ: ngứa và cảm giác bỏng tại chỗ. |
Kháng sinh | Tác dụng: diệt P. acnes, chống viêm trực tiếp thông qua ức chế sự hóa ứng động của bạch cầu trung tính. Dạng thuốc: Dung dịch tan trong cồn (ví dụ clindamycin và erythromycin) hoặc gel và lotion để làm giảm kích thích da. Hiện nay dùng dạng phối hợp thuốc có thể làm giảm sự đề kháng (ví dụ erythromycin 3% với benzoyl peroxid 5% hay clindamycin 1% với Benzoyl peroxide 5%). |
Khi mụn trở nên dai dẳng hoặc tái phát, có thể kết hợp sử dụng các loại thuốc bôi khác nhau. Tuy nhiên, cần tránh việc phối hợp sử dụng các sản phẩm thuộc nhóm cyclin với retinoid.
8.2 Thuốc dùng toàn thân
Hoạt chất | Đặc điểm |
---|---|
Kháng sinh | Doxycyclin: 100 mg/ngày x 30 ngày sau đó 50 mg/ngày x 2-3 tháng. Tetracyclin 1,5 g x 8 ngày hoặc 0,25 g/ngày x 30 ngày (hoặc cho đến khi khỏi). Trường hợp không có chỉ định của nhóm cyclin, có thể dùng kháng sinh nhóm macrolid thay thế. Tác dụng phụ: thuốc gây nhạy cảm với ánh sáng (Tetracyclin, Doxycyclin), rối loạn tiêu hóa (erythromycin). |
Isotretinoin | Tác dụng: ức chế sự sản xuất chất bã, thúc đẩy quá trình tiêu sừng. Liều dùng: tấn công: 0,5-1 mg/kg/ngày x 4 tháng. Duy trì: 0,2-0,3 mg/kg/ngày x 2-3 tháng. Tác dụng phụ: khô da, bong da, môi, loét miệng, kích thích mắt. Lưu ý: Không dùng thuốc trong thời kỳ mang thai, cho con bú vì nguy cơ gây quái thai (khớp sọ thoái hóa nhanh gây não bé, khó đẻ). Dùng phối hợp với Tetracyclin làm tăng áp lực nội sọ, gây u. Không dùng cho trẻ dưới 16 tuổi |
Hormon: thuốc đối kháng androgen có nguồn gốc tự nhiên (thuốc tránh thai) | Cách dùng: vỉ 21 viên, bắt đầu uống viên đầu tiên khi có hành kinh, mỗi ngày uống 1 viên, nghỉ 7 ngày. Thời gian dùng thuốc từ 3-6 tháng. Thuốc có nhiều tác dụng phụ nên cần có chỉ định và theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa |
Các biện pháp kèm theo:
- Nên tránh sử dụng các loại thuốc chứa các chất thuộc nhóm halogen và corticoid.
- Thay vì rửa mặt bằng xà phòng, hãy sử dụng các sản phẩm làm sạch da phù hợp.
- Cần hạn chế tiêu thụ đường, socola, chất béo và đồ chiên rán trong chế độ ăn uống.
- Hạn chế làm việc quá sức và cố gắng giảm stress tâm lý.
9 Phác đồ điều trị mụn trứng cá bằng thuốc của Bệnh viện Bạch Mai
9.1 Nguyên tắc sử dụng thuốc trị mụn
- Điều trị sớm để tránh biến chứng
- Điều trị đúng thuốc, đúng phác đồ khuyến cáo nhằm chống tiết nhiều chất bã, chống dày sừng cổ nang lông và chống nhiễm khuẩn.
- Cần phối hợp các thuốc bôi làm tăng hiệu quả điều trị và giảm hiện tượng kháng thuốc, tốt nhất là kháng sinh kết hợp retinoid.
- Không điều trị kháng sinh (bôi hoặc uống) kéo dài để tránh hiện tượng kháng thuốc.
- Chỉ nên dùng kháng sinh đường uống trong trường hợp mụn trung bình hoặc nặng hoặc không đáp ứng với thuốc bôi tại chỗ.
- Không khuyến cáo sử dụng kháng sinh đơn trị liệu, nên kết hợp Benzoyl peroxide hoặc retinoid bôi tại chỗ.
- Sử dụng thuốc tránh thai điều trị mụn được chỉ định dùng cho bệnh nhân nữ bị trứng cá mức độ trung bình đến nặng, không đáp ứng với trị liệu thông thường, có dấu hiệu liên quan đến nội tiết như bùng phát mụn trước kỳ kinh hay rậm lông, rong kinh.
- Isotretinoin chỉ định điều trị với các trường hợp trứng cá mức độ vừa đến nặng, trứng cá dai dẳng.
- Ngoài sử dụng thuốc, có thể phối hợp cùng các phương pháp khác như chích nặn nhân mụn, chiếu ánh sáng xanh/đỏ, peel da.
9.2 Điều trị tại chỗ
- Tương tự như phác đồ điều trị mụn của Bộ Y tế, phác đồ điều trị của Bệnh viện Bạch Mai cũng bao gồm các loại thuốc bôi sau:
- Thuốc kháng sinh tại chỗ: Bôi ngày 1-2 lần, không nên sử dụng 1 loại thuốc bôi quá 2 tháng.
- Retinoid: hay sử dụng là Tretinoid, Adapalen và Tazarotene, thường được bôi vào buổi tối.
- Benzoyl peroxide: chỉ định bôi vào mỗi buổi tối.
- Azelaic acid
9.3 Điều trị toàn thân
Thuốc kháng sinh:
- Doxycyclin: 100mg x 2 viên/24h
- Azithromycin: 250 - 500mg x 3-4 lần/tuần
- Minoxyclin 50 - 100mg x 2 viên/24h
- Erythromycin: 1 - 1,5g/24h
- Clindamycin: 300 - 600mg/24h
Thuốc tránh thai kết hợp: các thuốc thường dùng:
- Cyroterone acetate (Diane 35): 1 viên/24h
- Spironolacton: 100 - 200mg/24h trong 3-6 tháng cho phụ nữ ngoài 30 tuổi.
Isotretinoin:
- Liều điều trị: thường bắt đầu 0,5 mg/kg/24h sau đó tăng lên 1 mg/kg/24h khi bệnh nhân đã dung nạp.
- Tổng liều đạt: 120 - 150 mg/kg cân nặng
Các thuốc khác: Bepanthene, Kẽm, Biotine, L - cystein
10 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Andrea L. Zaenglein và cộng sự (Ngày đăng 17 tháng 2 năm 2016). Guidelines of care for the management of acne vulgaris, Tạp chí của Viện Da liễu Hoa Kỳ. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2022
2. Tác giả Alison Layton (Ngày đăng tháng 5-6 năm 2009). The use of isotretinoin in acne, PubMed. Truy cập ngày 13 tháng 9 năm 2022
3. Bộ Y tế (2015). “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu”. Tải bản PDF tại đây.
4. Bệnh viện Bạch Mai (2022). Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa, Chương 15 Da liễu - Trứng cá, trang 1513 - 1516. Nhà xuất bản Y học.
5. Chuyên gia Drugbank.com. Azelaic acid, Drugbank.com. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2023.
Có tổng: 191 sản phẩm được tìm thấy
- 2 Thích
mụn cóc chấm acid được k
Bởi: Minh Huyền vào
Thích (2) Trả lời - 2 Thích
Xem đơn đặt hàng
Bởi: Trần Hoa Nhài vào
Thích (2) Trả lời