Thảm họa khôn lường khi lạm dụng dung dịch tiêm truyền khi mệt ốm
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Dung dịch tiêm truyền là các chế phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh hoặc phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân. Tuy nhiên, việc tự ý sử dụng dung dịch tiêm truyền có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy có những loại dung dịch tiêm truyền nào? Cần lưu ý gì khi truyền dịch? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1 Dung dịch tiêm truyền là gì?
Dung dịch tiêm truyền là những dung dịch thuốc vô khuẩn dùng để tiêm truyền, phần lớn được truyền nhỏ giọt vào tĩnh mạch với thể tích lớn. Dung dịch tiêm truyền có nhiều loại, mỗi loại có các thành phần hoạt chất ở những nồng độ khác nhau. Dung dịch tiêm truyền có thể ở dạng đẳng trương hoặc ưu trương với các chất tương ứng trong máu. Một số loại dung dịch tiêm truyền có thành phần đầy đủ các chất, dùng để bổ sung vitamin, acid amin hoặc thay thế huyết tương trong một số trường hợp cần thiết.
Dung dịch tiêm truyền có tác dụng cân bằng các chất điện giải có trong trường hợp mất máu, mất nước do tiêu chảy, tai nạn, chấn thương, mất mồ hôi trong thời tiết nắng nóng, đồng thời giúp nâng huyết áp cơ thể.
Dung dịch tiêm truyền có chứa glucose, acid amin, vitamin có vai trò bù đắp cho cơ thể những chất này. Truyền dịch khi cần thiết còn có tác dụng giúp cơ thể giải độc trong trường hợp ngộ độc thuốc, ngộ độc thức ăn, nhiễm khuẩn cấp tính, giúp tăng bài tiết nước tiểu.
Một số dạng dung dịch tiêm truyền được dùng làm dung môi hòa tan một số thuốc tiêm để điều trị bệnh.
2 Đặc tính của dung dịch tiêm truyền
Dung dịch tiêm truyền là một dạng thuốc tiêm nên chế phẩm phải đạt các chỉ tiêu chất lượng chung của thuốc tiêm. Thuốc tiêm truyền được dùng với liều lượng lớn, có thể hàng trăm mililit cho mỗi lần truyền. Vì vậy, dung dịch tiêm truyền có một số đặc tính khác so với thuốc tiêm.
- Dung dịch tiêm truyền không chứa các dược chất có hoạt lực mạnh do thể tích truyền lớn có thể làm tăng độc tính hoặc các phản ứng quá mẫn như sốc phản vệ. Ví dụ thuốc độc bảng A, B, các chất sát khuẩn,…
- Dung dịch tiêm truyền không được có chất gây sốt và nội độc tố vi khuẩn để tránh kích ứng, hoại tử chỗ tiêm. Để đảm bảo yêu cầu chất lượng này, thuốc phải được tiệt khuẩn bằng nhiệt trong nồi hấp ngay sau khi pha chế và được bảo quản trong môi trường có cấp độ sạch thích hợp.
- Dung dịch tiêm truyền thường là các dịch đẳng trương với máu và dịch cơ thể. Nếu dung dịch ưu trương phải lưu ý là tiêm truyền với tốc độ rất chậm.
- Dung dịch tiêm truyền với dung môi là nước cất pha tiêm, trong đó dược chất được hòa tan hoàn toàn tạo thành dung dịch, dung dịch keo hoặc phân tán trong nước dưới dạng nhũ tương dầu trong nước.
- Dung dịch tiêm truyền không được chứa các tiểu phân có thể phát hiện bằng mắt thường, chỉ cho phép có một số lượng nhất định các tiểu phân được phát hiện bằng máy đếm tiểu phân tự động hoặc lọc và đếm bằng kính hiển vi.
3 Phân loại dung dịch tiêm truyền
Dựa vào thành phần cấu tạo, tính chất của dịch truyền, dung dịch tiêm truyền được phân ra thành các loại khác nhau. Phân loại dung dịch tiêm truyền chỉ ở mức độ tương đối do tác dụng của chúng đan xen nhau và mục đích điều trị khác nhau.
3.1 Phân loại dịch truyền theo tác dụng
Dung dịch tiêm truyền bù nước và điện giải
Khi bị sốt cao, tiêu chảy, nôn,... cơ thể con người bị mất nước, điện giải dẫn tới trạng thái mất cân bằng nước - điện giải. Khi đó, cần phải bù thêm lượng nước và điện giải đã mất để thiết lập lại cân bằng đó bằng cách đưa vào cơ thể một thể tích dịch truyền thích hợp.
Một số dung dịch tiêm truyền bù nước cho cơ thể: dung dịch Glucose 5%, dung dịch saccharose thủy phân,...
Một số dung dịch tiêm truyền cấp điện giải: dung dịch Natri clorid 0,9%, 5%, 10%, dung dịch Ringer lactat, dung dịch Kali clorid 2%, dung dịch đa điện giải,...
Dung dịch tiêm truyền cung cấp dinh dưỡng
Các dung dịch này có tác dụng nuôi dưỡng, cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như vitamin, acid amin, các acid béo, carbohydrate, các chất khoáng và nguyên tố vi lượng trong trường hợp bệnh nhân không ăn được dẫn tới suy nhược cơ thể.
Một số dung dịch tiêm truyền cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể:
- Dung dịch glucose đẳng trương 5%, glucose ưu trương 20%, 30%.
- Trophysan: cung cấp cho cơ thể 9 acid amin thiết yếu và 10 acid amin không thiết yếu, một số vitamin và nguyên tố vi lượng.
- Đạm thủy phân: Plasmosan.
- Vitamin và muối khoáng: Vitaplex,...
- Hỗn hợp acid amin Alvesin, Moriamin và Klinitamin.
- Dung dịch Aminosyn 8,5% là dung dịch ưu trương có tác dụng cung cấp cho cơ thể 8 loại acid amin thiết yếu và 7 loại không thiết yếu, ngoài ra còn cung cấp một số chất điện giải như Kali clorid, Acetat và nước.
Dung dịch tiêm truyền để tái lập thăng bằng acid - base
Bình thường, pH của huyết tương được duy trì ổn định trong trạng thái cân bằng kiềm toan với pH trong khoảng 7,35 - 7,45 nhờ sự có mặt của nhiều hệ đệm sinh lý trong cơ thể người. Nếu như pH của huyết tương < 7,35 thì máu bị nhiễm toan và >7,45 thì máu bị nhiễm kiềm. Để thiết lập cân bằng kiềm toan trong cơ thể bằng cách đưa vào cơ thể các dung dịch tiêm truyền có tính acid hoặc base.
Một số dung dịch tiêm truyền tái lập thăng bằng acid - base: dung dịch natri hydrocarbonat 1,4%, dung dịch Natri lactat, dung dịch Trihydroxymethyl amino methan, dung dịch Amoni Clorid 2,14%,...
Các dung dịch thuốc
Dung dịch thuốc tiêm truyền là dung dịch có tác dụng điều trị bệnh như các loại kháng sinh, thuốc trợ tim, thuốc điều trị ung thư, thuốc nâng huyết áp dạng tiêm truyền,...
Các chế phẩm máu và dung dịch tiêm truyền bổ sung thể tích huyết tương
Các chế phẩm máu
Các chế phẩm máu bao gồm khối hồng cầu, khối tiểu cầu, khối bạch cầu, huyết tương tươi đông lạnh, tủa lạnh yếu tố VIII, albumin và gamma globulin. Máu và các chế phẩm máu được sử dụng điều trị thiếu máu, chảy máu, giảm albumin máu, giảm thể tích tuần hoàn,…
Các chế phẩm máu có nguồn gốc từ người nên khi sử dụng phải hết sức thận trọng, đúng quy chế truyền máu, không lạm dụng trong chỉ định.
Dung dịch bổ sung thể tích huyết tương
Loại dung dịch tiêm truyền này chủ yếu là các dung dịch keo thân nước có chứa các chất trọng lượng phân tử lớn, chúng được dùng để tăng và duy trì thể tích tuần hoàn. Các dung dịch keo rất cần thiết khi người bệnh bị giảm khối lượng tuần hoàn đến khoảng 30% do: mất máu, sốc chấn thương, phẫu thuật, sốc nhiễm khuẩn, xuất huyết nội tạng,...
Trong những trường hợp này cần phải bù khối lượng tuần hoàn nhằm duy trì được huyết áp an toàn, chống được hiện tượng trụy mạch và phòng nguy hiểm nhất là tử vong do mất máu.
Ưu điểm quan trọng của các dịch keo là có phân tử lượng cao nên có áp suất keo lớn và không đi ra khỏi lòng mạch nên làm giảm phù kẽ tế bào. Dịch keo giữ trong lòng mạch máu dài hay ngắn tùy theo tính chất lý học và trọng lượng phân tử của từng loại.
Tuy nhiên các dung dịch keo đều có thể gây các biến chứng về miễn dịch, về rối loạn đông máu, về tuần hoàn và suy thận,... nên phải giới hạn số lượng dịch và cần theo dõi chặt chẽ khi chỉ định.
Các dung dịch thay thế huyết tương: huyết tương khô (plasma sec), Dextran, Polygelin (gelatin) hoặc Hydroxyethyl Starch, Subtosan,...
Hiện nay, để bổ sung thể tích huyết tương, người ta hay sử dụng dung dịch Dextran phân tử lượng 70.000 pha với nồng độ 5-6% trong nước.
3.2 Phân loại dịch truyền theo áp lực thẩm thấu
Dịch truyền tinh thể
- Dịch truyền tinh thể đẳng trương là dung dịch có cùng áp suất thẩm thấu hoặc nồng độ chất tan so với dung dịch đối chứng giữa hai bên của một màng bán thấm. Một số dịch truyền tinh thể đẳng trương như dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9%, glucose 5%, dung dịch ringer lactat,...
- Dịch truyền tinh thể ưu trương là dung dịch có áp lực thẩm thấu lớn hơn áp lực thẩm thấu trong dịch cơ thể. Một số dịch truyền tinh thể ưu trương như dung dịch glucose 10%, dịch truyền NaCl ưu trương 3%, 5%, 7,5%, 10%,...
Dung dịch keo
Có 2 loại dung dịch keo:
Dung dịch keo tự nhiên: albumin.
Loại này có nguồn gốc từ huyết tương người. Truyền chế phẩm này không chỉ tạo độ keo cho máu mà còn cung cấp albumin - một yếu tố quan trọng giúp truyền tải thuốc và một số chất chuyển hóa của cơ thể.
Dung dịch keo tổng hợp: Dextran, Gelatin, Hydroxyethylamidon (HES).
Những dung dịch này có trọng lượng, kích thước và hình dạng phân tử, nguồn gốc khác nhau nhưng có đặc điểm chung là có độ keo cao hơn nước nên có thể làm tăng độ keo của máu, giúp giữ nước lại trong lòng mạch và duy trì được thể tích dịch thể lưu hành, đảm bảo hoạt động cho hệ tuần hoàn. Tác dụng phụ chung nhất thường gặp với loại phân tử này là khả năng gây sốc quá mẫn và dị ứng. [1]
4 Vị trí truyền dịch
4.1 Truyền dịch đường tĩnh mạch
Tiêm truyền tĩnh mạch thường ở tĩnh mạch ngoại biên hoặc trung tâm.
Đối với trẻ em, vị trí truyền dịch thường là cẳng tay, mu bàn tay, tĩnh mạch đầu, mắt cá trong cẳng chân.
Đối với người lớn, vị trí truyền dịch thường là tĩnh mạch của cẳng tay, nếp gấp khuỷu tay hoặc tĩnh mạch mắt cá trong của bàn chân.
Truyền dịch cho người lớn vào tĩnh mạch chữ V ở nếp gấp cẳng tay, bệnh nhân cần xắn ống tay áo lên sát vai, đặt cánh tay lên nẹp và cố định vào thành giường để tránh xê dịch.
Truyền dịch vào tĩnh mạch mắt cá trong của bàn chân, cố định đầu gối và cổ chân bằng băng cuốn vào thành giường.
Truyền dịch tĩnh mạch bằng kim luồn có ưu điểm giúp kim không bị chệch ra khỏi tĩnh mạch, bệnh nhân có thể cử động tay khi truyền dịch, truyền dịch bằng kim luồn đặc biệt thuận tiện trong trường hợp cần vận chuyển bệnh nhân hoặc cấp cứu bệnh nhân hàng loạt.
4.2 Truyền dịch đường dưới da
Truyền dịch đường dưới da cần lưu ý một số điểm sau:
Chỉ được truyền dưới da dung dịch đẳng trương, vì truyền dung dịch ưu trương dưới da sẽ gây hoại tử mô.
Vị trí tiêm: tiêm mặt trước ngoài đùi, khoảng ⅓ giữa.
Truyền dịch dưới da dùng kim tiêm bắp dài 6-8cm.
Lương dịch truyền: tối đa mỗi đù có thể truyền khoảng 500ml, trẻ em chỉ được truyền mỗi đùi tối đa 100ml. [2]
5 Một số loại dung dịch tiêm truyền thường dùng
5.1 Dịch truyền Ringer lactat
Trong thành phần của dịch truyền Ringer lactat có chứa lactat, khi vào cơ thể, lactat sẽ chuyển hóa thành bicarbonat (nếu chức năng gan tốt) và có tác dụng kiềm hóa máu khi có rối loạn toan máu. Ringer lactat chứa chủ yếu các cation điện giải sau:
Natri clorid 0,6%.
Kali clorid 0,04%.
Natri lactat 0,25%.
Calci clorid 0,027%.
Công dụng của dịch truyền Ringer lactat:
- Điều chỉnh sự mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể trong nhiều trường hợp mất nước (chủ yếu mất nước ngoài tế nào) nặng, không thể bồi phục bằng đường uống.
- Giảm thể tích tuần hoàn nặng (sốc phản vệ, sốt xuất huyết,...)
- Dùng dịch truyền Ringer Lactat cho bệnh nhân bị nhiễm toan chuyển hóa.
Liều dùng:
Liều dùng truyền tĩnh mạch điều trị ỉa chảy mất nước nặng ở trẻ em:
- Trẻ dưới 12 tháng tuổi: lúc đầu 30ml/kg trong 1 giờ. Sau đó 70mg/kg trong 5 giờ.
- Trẻ em trên 12 tháng tuổi: lúc đầu 30ml/kg trong 30 phút, sau đó 70ml/kg trong 2 giờ 30 phút.
- Cách 1 - 2 giờ, phải đánh giá lại tình trạng người bệnh.
Liều dùng điều trị sốt xuất huyết (độ III và IV): 20ml/kg trong 1 giờ, sau đó đánh giá lại tình trạng người bệnh.
Dung dịch Ringer lactat được đóng chai 250ml, 500ml, 1000ml.
5.2 Dung dịch tiêm truyền glucose 5%
Glucose 5% là dung dịch đẳng trương với máu có vai trò quan trọng trong quá trình tạo ra năng lượng nhằm cung cấp cho hoạt động chuyển hóa tế bào, thường hay được truyền để thay thế lượng nước mất.
Công dụng của dung dịch Glucose 5:
- Cung cấp nước và năng lượng cho cơ thể.
- Bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể trong trường hợp cơ thể mất nước, mất máu do nôn mửa hoặc tiêu chảy.
- Là chất dẫn để truyền thuốc vào cơ thể, thường được dùng trong và sau khi phẫu thuật.
- Dùng để phòng ngừa và điều trị chứng nhiễm Ceton huyết với các trường hợp bị suy dinh dưỡng.
- Dùng làm giảm chứng glucose huyết.
- Glucose 5% cũng được dùng cùng với calci, bicarbonat và Insulin trong phác đồ điều trị cấp cứu tăng kali huyết.
Liều dùng
Phải theo dõi chặt chẽ đường huyết của người bệnh. Liều dùng thay đổi tùy theo nhu cầu của từng người bệnh. Liều dung dịch tiêm truyền glucose tối đa khuyên dùng là 500 - 800 mg cho 1 kg thể trọng trong 1 giờ.
Tốc độ truyền Glucose 5%: tối đa 1,7 giọt/kg thể trọng/phút và liều glucose tối đa khuyên dùng là 500 - 800 mg cho 1 kg thể trọng trong 1 giờ.
Dung dịch tiêm truyền glucose 5% được đóng chai 100ml, chai 250ml, chai 500ml, chai 1000ml.
==>> Xem cụ thể thuốc:Dung dịch tiêm truyền Glucose 5%: công dụng, cách dùng, giá bán
5.3 Dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch Natri clorid 0,9%
Khi tiêm tĩnh mạch, dung dịch Natri clorid là nguồn bổ sung nước và chất điện giải.
Natri là cation chính của dịch ngoại bào: điều hoà sự phân bố nước, cân bằng nước, điện giải và áp suất thẩm thấu của dịch cơ thể.
Natri kết hợp với clorid và bicarbonat trong điều hoà cân bằng kiềm - toan. Clorid là anion chính của dịch ngoại bào. Dung dịch tiêm natri clorid có khả năng gây bài niệu phụ thuộc vào thể tích tiêm truyền và điều kiện lâm sàng của người bệnh. Dung dịch 0,9% natri clorid không gây tan hồng cầu.
Công dụng của dung dịch tiêm truyền sodium chloride 0,9%:
- Bổ sung Natri clorid và nước trong trường hợp mất nước: ỉa chảy, sốt cao, mất máu, sau phẫu thuật,...
- Phòng và điều trị thiếu hụt natri và clorid do bài niệu quá mức.
- Phòng co cơ và mệt lả khi ra mồ hôi quá nhiều do nhiệt độ cao.
- Sử dụng dung dịch tiêm truyền Natri clorid 0,9% để thay thế dịch ngoại bào và trong xử lý nhiễm kiềm chuyển hóa có kèm mất dịch, trong thẩm tách máu hoặc trong lúc bắt đầu và kết thúc truyền máu.
Liều dùng dịch truyền Natri clorid tùy thuộc vào tuổi, cân nặng, tình trạng mất nước, cân bằng kiềm toan và điện giải của người bệnh. Thông thường, nhu cầu natri và clorid ở người lớn thường có thể được bù đủ bằng tiêm truyền tĩnh mạch 1 lít dung dịch Natri clorid 0,9% hàng ngày với tốc độ truyền 120-180 giọt/phút.
Đây là loại dung dịch phổ biến và rẻ tiền nhất, nhưng nhược điểm là dễ gây toan máu do lượng ion Cl lớn, hoặc khi truyền quá nhiều hoặc quá nhanh dễ dẫn đến ứ nước ngoại bào và phù phổi cấp. Do thiếu một số chất điện giải như Ca++ và K+ nên không dùng để bù điện giải khi rối loạn, những trường hợp này thường dùng dung dịch Ringer lactat.
==>> Xem cụ thể dung dịch Natri clorid 0,9%:Dịch truyền Natri Clorid 0,9%: công dụng, giá bán.
5.4 Dung dịch tiêm truyền Natri hydrocarbonat (Natri bicarbonat)
Natri hydrocarbonat có vai trò quan trọng trong hệ đệm của khoang bào. Truyền Sodium bicarbonat gây tác dụng kiềm hóa nhanh trong trường hợp nhiễm acid chuyển hóa, nhiễm acid do Acid Lactic hoặc trong trường hợp cần kiềm hóa.
Dịch truyền Natri hydrocarbonat được chỉ định trong trường hợp nhiễm toan chuyển hóa, kiềm hóa nước tiểu hoặc dùng làm thuốc kháng acid (dạ dày).
Điều trị đệm dùng Natri bicarbonat cần phải được xét nghiệm độ kiềm - toan. Lượng dung dịch truyền Natri hydrocarbonat được dùng cần xác định dựa vào trị số khí máu động mạch. Trường hợp không xét nghiệm trước độ kiềm - toan chỉ được tiến hành trong tình huống có đe dọa tính mạng.
Lưu ý khi dùng dung dịch Natri hydrocarbonat:
- Cần chú ý đến khả năng giảm kali huyết.
- Người bệnh suy tim hoặc suy thận khi sử dụng dịch truyền Natri hydrocarbonat có nguy cơ tăng natri huyết và tăng độ thẩm thấu, dẫn đến nguy cơ tăng khối lượng máu và phù phổi.
- Chỉ được tiêm truyền tĩnh mạch vì nếu tiêm ngoài tĩnh mạch có thể gây hoại tử mô.
Trên thị trường còn có các chế phẩm tiêm truyền Natri hydrocarbonat có nồng độ khác như 1,26%, 2,74%, 4,2% và 8,4%.
5.5 Dung dịch tiêm truyền cung cấp acid amin - Alvesin
Alvesin là dung dịch truyền tĩnh mạch chứa hỗn hợp các acid amin và nhiều chất điện giải có tác dụng cung cấp chất đạm và bổ sung điện giải cho cơ thể, giúp cơ thể cân bằng lại lượng protein và điều chỉnh acid - base trong các trường hợp thiếu đạm hoặc có nguy cơ thiếu đạm, đặc biệt cho người hôn mê hoặc có bệnh lý mà không thể ăn uống qua đường miệng.
Alvesin được chỉ định điều trị các trường hợp cơ thể thiếu protein như bị bỏng, sau phẫu thuật, chảy máu, bệnh lý rối loạn hấp thu tại Đường tiêu hóa.
Liều dùng của dung dịch tiêm truyền Alvesin:
- Người lớn và thanh thiếu niên từ 16 tuổi trở lên được truyền với lượng 20 - 40ml/ kg/ ngày (tương ứng với 1 - 2 gam acid amin/kg/ngày). Liều tối đa là 40ml trên/ngày (tương đương 1,5 gam acid amin/kg/ngày).
- Trẻ em từ 6 đến 15 tuổi truyền với liều 20ml/kg/ngày (tương đương với 1 gam acid amin/kg/ngày).
- Tốc độ truyền tối đa là 2ml/kg thể trọng/1 giờ.
==>> Xem cụ thể thuốc: Dung dịch tiêm truyền Alvesin 40: công dụng, chỉ định, cách dùng.
5.6 Dịch truyền tĩnh mạch Mannitol
Manitol là đồng phân của Sorbitol. Manitol được phân bố vào khoang gian bào sau khi được tiêm vào tĩnh mạch, làm tăng độ thẩm thấu của huyết tương và dịch trong ống thận, gây lợi niệu thẩm thấu và làm tăng lưu lượng máu thận.
Công dụng của dịch truyền Manitol:
- Bảo vệ chức năng thận trong suy thận cấp, giảm áp lực nội sọ và giảm áp lực nhãn cầu.
- Manitol được dùng gây lợi niệu ép buộc trong xử lý quá liều thuốc.
- Manitol dùng liều cao để điều trị phù não.
- Manitol truyền tĩnh mạch cũng được dùng trong phẫu thuật tim mạch, trong nhiều loại phẫu thuật hoặc sau chấn thương.
- Có tác dụng làm giảm độ nhớt của máu, làm tăng biến dạng hồng cầu và huyết áp động mạch.
Lưu ý khi truyền dịch Manitol:
- Không dùng Manitol cho người bệnh bị mất nước, phù phổi, sung huyết phổi, suy tim sung huyết.
- Trong lúc truyền cần theo dõi chặt chẽ cân bằng dịch và điện giải, độ thẩm thấu của huyết tương, chức năng thận.
- Nếu lưu lượng dịch truyền vào nhiều hơn lưu lượng nước tiểu thì có thể gây ngộ độc nước. Tác dụng lợi niệu kéo dài của thuốc có thể che lấp các dấu hiệu của bù nước không đủ hoặc giảm thể tích tuần hoàn.
- Không được truyền manitol cùng với máu toàn phần.
- Do dịch ưu trương, nên chỉ tiêm dung dịch manitol vào tĩnh mạch, nếu không, có thể gây hoại tử mô.
Dạng thuốc và hàm lượng Manitol:
Dung dịch 5% (có độ thẩm thấu 275 mOsm/lít), Manitol 10% (có độ thẩm thấu 550 mOsm/lít), Manitol 20% (có độ thẩm thấu 1100 mOsm/lít), Manitol 25% (có độ thẩm thấu 1375 mOsm/lít).
5.7 Dung dịch tiêm truyền Albumin
Dung dịch Albumin được điều chế từ huyết tương. Dung dịch Albumin đậm đặc chứa 15-20% protein toàn phần và dung dịch Albumin đẳng trương chứa 4-5% protein toàn phần.
Albumin là protein quan trọng nhất của huyết thanh, có 2 chức năng quan trọng là:
- Duy trì 70-80% áp lực thẩm thấu keo trong huyết tương.
- Liên kết và vận chuyển các chất có phân tử nhỏ như hormon steroid, bilirubin, acid béo và các thuốc có trong máu.
Albumin có khả năng đảm nhiệm 60 - 80% áp lực thẩm thấu keo của huyết tương. Trường hợp nồng độ albumin huyết thanh bình thường (40-50g/l), truyền 1g albumin vào máu có thể làm tăng thể tích huyết tương tuần hoàn lên khoảng 18ml.
Chỉ định truyền Albumin:
- Điều trị cấp cứu cho những trường hợp choáng do giảm thể tích máu khi các phương pháp khác không đủ hiệu quả.
- Người bị bỏng nặng, để đề phòng hiện tượng cô đặc máu, chống mất nước và điện giải.
- Albumin được dùng để truyền cho trẻ sơ sinh mắc bệnh tan máu nhằm tăng thải trừ bilirubin, tránh hiện tượng vàng da và vàng da nhân.
- Trường hợp giảm protein huyết, đặc biệt liên quan đến mất quá nhiều albumin.
- Kết hợp để pha loãng máu trong phẫu thuật nối tắt tuần hoàn tim - phổi và trong hội chứng suy hô hấp ở người lớn.
Liều lượng Albumin phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng và đáp ứng của bệnh nhân, được xác định bằng cách theo dõi huyết áp động mạch phổi, huyết áp tĩnh mạch trung tâm khi dùng để tránh tăng thể tích máu quá mức.
Tốc độ truyền Albumin là 1ml/phút (dung dịch 25%) và 1-2ml/phút (dung dịch 5%). Trong điều trị choáng, có thể tăng tốc độ truyền.
Không nên truyền quá 250g/48 giờ. Nếu cần dùng quá liều này, phải thay thế bằng huyết tương.
==>> Xem cụ thể dịch truyền Albumin: Dung dịch tiêm truyền Human Albumin 20% 50ml: công dụng, giá bán.
5.8 Dung dịch tiêm truyền Paracetamol Kabi 1000
Paracetamol Kabi 1000 là một sản phẩm của Công ty cổ phần Fresenius Kabi Bidiphar – Việt Nam. Với thành phần dược chất chính là Paracetamol, dung dịch tiêm truyền Paracetamol mang đầy đủ những tác dụng dược lý của cả chất này. Paracetamol Kabi 1000 được chỉ định trong các cơn đau vừa và nhẹ, các trạng thái sốt với liều dùng cụ thể như sau:
Liều dùng cho người lớn và trẻ vị thành niên có cân nặng >50kg: truyền tĩnh mạch chậm cho bệnh nhân trong 10-15 phút/1 chai 100ml. Khoảng cách truyền giữa 2 liều kế tiếp nhau là 4 giờ, tránh tình trạng sốc thuốc.
Liều dùng cho trẻ em từ 1--30kg: truyền 1,5ml dung dịch/kg/lần, tối đa không quá 6ml/kg/lần.
Đối với bệnh nhân suy thận, khoảng cách ít nhất giữa mỗi lần dùng là 6 giờ.
Liều dùng tối đa nêu trên là dành cho các đối tượng không sử dụng đồng với với các chế phẩm chứa paracetamol khác.
Giá 1 hộp Paracetamol Kabi 1000 khoảng 40.000 VNĐ, hoặc giá có thể thay đổi tùy vào từng nhà thuốc.
⇒> Quý bạn đọc tham khảo thuốc cụ thể: Dung dịch tiêm truyền Paracetamol Kabi 1000: công dụng, giá bán.
5.9 Dung dịch tiêm truyền Metronidazol
Dung dịch tiêm truyền Metronidazol được dùng đường tiêm tĩnh mạch. Chỉ dùng dạng tiêm truyền khi không thể sử dụng qua đường uống.
Dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch Metronidazol được chỉ định trong một số trường hợp sau:
- Dự phòng nhiễm trùng hậu phẫu do vi khuẩn kỵ khí nhạy cảm đặc biệt là các loài Bacteroides và Streptococcus kỵ khí, trong phẫu thuật bụng, phụ khoa hoặc đại trực tràng có nguy cơ cao xảy ra loại nhiễm trùng này.
- Điều trị các bệnh nhiễm trùng nội tạng và phụ khoa nghiêm trọng trong đó các vi khuẩn kỵ khí nhạy cảm đặc biệt là Bacteroides và Streptococcus kỵ khí đã được xác định hoặc nghi ngờ là nguyên nhân.
- Dùng kết hợp với một số kháng sinh khác trong điều trị loét dạ dày- tá tràng gây ra bởi H.pylori.
Liều dùng:
Liều dùng thay đổi tùy vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh lý của người bệnh.
Đối với người lớn: truyền 1-1,5g/ngày, chia làm 2,3 lần.
Đối với trẻ em: truyền 20-30mg/kg/ngày, chia làm 2-3 lần.
Phòng nhiễm khuẩn kỵ khí: 10 - 15mg/kg, tiêm truyền trong 30 - 60 phút, hoàn thành 1 giờ trước khi phẫu thuật, tiếp theo là 2 liều tiêm truyền tĩnh mạch 5- 7,5mg/kg sau liều đầu tiên 6 và 12 giờ.
6 Nguyên tắc sử dụng dung dịch tiêm truyền
Theo dõi mạch, huyết áp, nhiệt độ, lượng nước tiểu trước, trong và sau khi truyền dịch, ghi cẩn thận vào phiếu điều dưỡng theo quy định của Bộ y tế.
Lựa chọn tĩnh mạch to, rõ, thẳng, ít di động để truyền dịch.
Trong trường hợp bệnh nhân vật vã, giãy dụa hoặc phải truyền liên tục nên sử dụng kim luồn để truyền.
Đảm bảo kỹ tiêm truyền vô khuẩn tuyệt đối, không để bọt khí lọt vào.
Che chở phần kim lòi trên da bằng gạc vô khuẩn, sát khuẩn lại và thay định kỳ mỗi 6 giờ và ngay khi ướt, dính máu, bẩn,...
Đảm bảo áp lực của dịch truyền cao hơn áp lực máu tĩnh mạch của bệnh nhân
Đảm bảo tốc độ truyền dịch theo y lệnh (theo dõi thường xuyên, điều chỉnh lại tốc độ).
Thay thế kim và hệ thống dây truyền đúng quy định trong trường hợp truyền liên tục:
- Thay ngay dây truyền sau khi truyền đạm, mỡ.
- Không lưu hệ thống dây truyền dịch quá 24 giờ.
- Kim truyền bằng kim loại không lưu quá 12 giờ.
- Đối với kim luồn không lưu ý 72 giờ.
- Thay ngay kim, hệ thống dây truyền và tiêm vào vị trí khác nếu vùng tiêm có biểu hiện viêm (sưng, nóng, đỏ, đau).
7 Tai biến của truyền dịch và cách xử trí
Mặc dù kỹ thuật truyền dịch không phức tạp nhưng vẫn có thể xảy ra tai biến đột ngột, bất ngờ. Các tai biến khi truyền dịch có thể xảy ra từ nhẹ đến nặng.
7.1 Dịch không chảy
Nguyên nhân: do kim bị lệch, tắc kim bởi cục máu đông hoặc mặt vát của kim áp sát vào thành mạch, tắc kim, mạch xẹp,...
Cách xử lý khi dịch truyền bị tắc: nếu do tắc kim thì gập đoạn dây truyền bóp vài lần, kim bị chệch hoặc đầu vát áp vào thành mạch thì xoay nhẹ kim hoặc kê lại đốc kim, nếu dịch vẫn không chảy được thì rút kim ra và thay kim mới.
Dự phòng: không truyền tốc độ dưới VII giọt/phút (giữ vein).
7.2 Phồng nơi tiêm
Nguyên nhân: do thuốc thoát ra ngoài vì kim ra ngoài thành mạch hoặc kim chưa vào sâu trong lòng mạch, nửa trong, nửa ngoài, do tĩnh mạch bị vỡ phải truyền lại.
Biểu hiện: chỗ truyền phồng to, bệnh nhân kêu đau buốt.
Cách xử trí: rút kim thay kim mới hoặc tiêm lại.
Dự phòng:
Cố định chắc chắn vị trí truyền.
Hướng dẫn bệnh nhân báo cho nhân viên y tế khi có biểu hiện đau.
7.3 Nhiễm khuẩn
Truyền dịch cũng có thể gây nhiễm khuẩn tại chỗ đặt kim truyền, nhiễm khuẩn toàn thân, nhiễm khuẩn huyết hết sức nguy hiểm.
Nguyên nhân: do vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua bộ dây truyền dịch, chai dịch bị nhiễm khuẩn, bị rò rỉ hoặc sát khuẩn tại khu vực đặt kim truyền không đảm bảo. Biến chứng này thường xảy ra muộn, sau vài ngày truyền dịch.
Đề phòng: phải đảm bảo tuyệt đối nguyên tắc vô khuẩn trong suốt quá trình tiêm truyền.
7.4 Sốc
Có nhiều nguyên nhân gây sốc khi tiêm truyền:
- Sốc do chí nhiệt tố.
- Sốc do truyền quá nhanh.
- Sốc phản vệ.
Biểu hiện: bệnh nhân thấy rét run, có biểu hiện bất thường như tức ngực, co thắt thanh quản, vật vã, khó thở, mạch nhanh, huyết áp hạ,...
Cách xử trí:
- Khóa ngay hệ thống đường truyền (không rút ra).
- Trấn an bệnh nhân.
- Báo ngay cho nhân viên y tế.
- Theo dõi sát tình trạng bệnh nhân và chuẩn bị thuốc xử trí (thuốc trợ tim, kháng histamin), trang thiết bị cấp cứu.
Dự phòng
- Phải kiểm tra chất lượng, hệ thống bao bì, hạn dùng của dịch truyền và bộ dây truyền trước khi truyền dịch.
- Duy trì tốc độ truyền dịch đúng quy định.
- Theo dõi sát biểu hiện của người bệnh.
- Làm phản ứng sinh vật trong trường hợp truyền dung dịch đạm, dung dịch mỡ nếu không phải là trường hợp cấp cứu.
7.5 Phù phổi cấp
Nguyên nhân: thường do truyền dịch quá nhanh với số lượng dịch nhiều ở bệnh nhân cao huyết áp, suy tim.
Biểu hiện: bệnh nhân đau ngực dữ dội, khó thở, tím tái, hoảng loạn, ho, khạc bọt hồng.
Cách xử trí: Khóa dịch truyền, cho bệnh nhân ngồi thõng chân (nếu được), báo cho nhân viên y tế, theo dõi sát tình trạng bệnh nhân và chuẩn bị trang thiết bị cấp cứu, garo tứ chi 5p phút/lần, dùng lợi tiểu, xử lý tình trạng suy tim, suy hô hấp, trụy mạch,...
7.6 Tắc mạch phổi do bọt khí
Nguyên nhân: do khí vào hệ thống dịch truyền lọt vào lòng mạch.
Biểu hiện: bệnh nhân khó thở, đau ngực dữ dội, có thể gây tử vong nhanh.
Xử lý: khóa dịch truyền, báo cho nhân viên y tế, đồng thời xử trí hô hấp nhân tạo, thở oxy, chuẩn bị trang thiết bị cấp cứu.
8 Những lưu ý khi dùng dung dịch tiêm truyền
Cách truyền dịch sao cho đúng, đảm bảo an toàn và không gây dị ứng, sốc, tai biến,... không phải ai cũng có thể kiểm soát. Do đó, cần tiền hành truyền dịch tại các cơ sở y tế có cán bộ chuyên môn và có đầy đủ các dụng cụ và thiết bị để xử lý các tai biến có thể xảy ra khi truyền dịch.
Dịch truyền cũng được coi là một loại thuốc, để truyền dịch an toàn phải có chỉ định của bác sĩ để xác định bệnh nhân đang trong tình trạng như thế nào, cần truyền loại dịch nào và đề phòng các tai biến xảy ra.
Một số trường hợp chống chỉ định truyền dịch tĩnh mạch như: bệnh nhân suy tim nặng, bệnh nhân tăng huyết áp,... Nếu có chỉ định đặc biệt, cần duy trì 1 lượng hằng định trong máu thì phải truyền thật chậm, khối lượng ít, theo dõi bệnh nhân và tốt nhất là đo áp lực tĩnh mạch trung tâm.
Khi chỉ định truyền, chai dịch truyền cần kiểm tra kỹ tên loại dung dịch, hàm lượng, chất lượng, ngày pha chế và thời hạn dùng của dịch truyền. Chai dịch truyền đã mở nắp phải dùng ngay. Chai dịch truyền không được để lâu quá 24 giờ.
Cần tuân thủ tuyệt đối các quy định trong truyền dịch về tốc độ, thời gian và phải đảm bảo dụng cụ truyền dịch vô khuẩn tuyệt đối.
Người bệnh cần được theo dõi sát sao trong quá trình truyền dịch. Chú ý trong 15 phút đầu phải đứng tại chỗ quan sát sắc mặt, huyết áp, mạch, nhịp thở của bệnh nhân và vùng tiêm. Nếu có những biến đổi bất thường phải báo cáo ngay cho bác sĩ để xử lý kịp thời.
9 Lạm dụng truyền dịch - hiểm họa khôn lường
Có một thực trạng phổ biến hiện nay là nhiều người đang lạm dụng truyền nước tại nhà hoặc các cơ sở y tế không đảm bảo điều kiện về nhân lực và trang thiết bị để xử trí kịp thời nếu chẳng may xảy ra sốc phản vệ.
Rất nhiều trường hợp ốm đau, mệt mỏi, cơ thể suy nhược, gầy yếu thay vì điều trị thuốc thang hợp lý thì lại tìm giải pháp nhanh chóng là nhờ nhân viên y tế đến nhà truyền nước cho mau khỏe. Hoặc những trường hợp “ truyền nước biển” để hạ sốt, truyền đạm “nước hoa quả” để tăng cường sức khỏe. Họ cho rằng truyền dịch là hết mệt, ai cũng có thể truyền được và không hại cho sức khỏe. Dược sĩ bán thuốc tự ý truyền dịch cho bệnh nhân, nhân viên y tế tổ chức truyền dịch cho bệnh nhân bất chấp hiểm họa khôn lường. Lâu dần, người bệnh sẽ bị phụ thuộc vào các loại dịch truyền mỗi khi đau ốm, suy nhược. Lạm dụng truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ là vô cùng nguy hiểm, nhiều bài học thương tâm xảy ra vì sốc phản vệ trong quá trình truyền dịch.
Do đó, truyền dịch cũng như các loại thuốc khác, cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ dựa theo tình trạng của bệnh nhân. Trong bất cứ trường hợp nào cũng cần phải lưu ý rằng nguy cơ bệnh nhân có thể bị sốc, nếu không xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể bị tử vong.
Bệnh nhân cần được thăm khám, kiểm tra để được chỉ định loại dịch truyền phù hợp. Bên cạnh đó, chỉ nên truyền dịch tại các cơ sở y tế đảm bảo, bệnh nhân không được lạm dụng truyền dịch, tự ý truyền tại nhà hay các cơ sở tự phát không đảm bảo điều kiện.
10 Tài liệu tham khảo
1. Dược thư quốc gia Việt Nam. Truy cập ngày 4/2/2021.
Có tổng: 154 sản phẩm được tìm thấy
- 2 Thích
dung dịch chloride 0,9% có thể kết hợp với dung dịch kali clorid 10% để truyền cho bệnh nhân ?
Bởi: bùi thị hương lan vào
Thích (2) Trả lời - 5 Thích
đạm truyển của Pháp có không ah
Bởi: vu manh cuong vào
Thích (5) Trả lời - 5 Thích
cho em hỏi có xuất hoa don VAT ko ạ
Bởi: vo thi phuong thuy vào
Thích (5) Trả lời - 5 Thích
MD- matrix có tác dụng phụ gì không?
Bởi: Vinh Quang vào
Thích (5) Trả lời
- HQ
Thuốc ở Trung Tâm Thuốc là hàng chính hãng, chất lượng và có giá tốt. Cảm ơn các dược sĩ đã tư vấn nhiệt tình cho tôi.
Trả lời Cảm ơn (7)