1. Trang chủ
  2. Sản phẩm
  3. Hormon - Nội Tiết Tố

Hormon (nội tiết tố) là gì? Cơ chế tác dụng của các loại hormone trong cơ thể người

Cập nhật lần cuối: , 8 phút đọc

Hiện nay có rất nhiều người mắc các bệnh rối loạn hormon - nội tiết tố như tiểu đường, cường giáp, suy tuyến thượng thận,... Vậy hormon là gì? Cơ chế tác dụng của các loại hormon và có những thuốc nào được sử dụng trong điều trị bệnh rối loạn nội tiết? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1 Hormon là gì?

Hormon hay còn có tên gọi khác là nội tiết tố, là những chất hoá học được bài tiết bởi các tổ chức tế bào trong cơ thể. Các chất này có tác dụng truyền các tín hiệu giữa các tế bào trong cơ thể. Hormon sau khi được bài tiết thì đi vào máu và tới các tổ chức tế bào khác nhau để tham gia vào các hoạt động chuyển hoá và điều hòa chức năng của các tế bào.

Sự khác biệt giữa hormon và các chất dẫn truyền thần kinh là các chất dẫn truyền được sản xuất bởi các tế bào thần kinh, đi vào các khe synap và di chuyển tới các receptor ở tế bào thần kinh hay tế bào nhận liền kề và gây tác dụng.

Hormon là gì?
Hormon là gì?

Tuy nhiên, các chất dẫn truyền thần kinh và hormon có mối quan hệ tương quan lẫn nhau nên hệ nội tiết và hệ thần kinh thường được gọi chung là hệ thần kinh - nội tiết.

Hormon có các đặc điểm như sau:

  • Hormon bài tiết theo nhịp sinh học và sự bài tiết phụ có thể diễn biến theo chu kỳ ngày đêm như hormon Glucocorticoid, hormon sinh dục nữ bài tiết theo tháng (chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ) hay là theo mùa như hormon tuyến giáp.
  • Hormon tác dụng đặc hiệu trên receptor của tế bào đích của cơ quan hay tổ chức trong cơ thể.
  • Sự bài tiết hormon theo cơ chế điều hoà xuôi và ngược thông qua trục vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến đích. Nếu rối loạn nội tiết xảy ra tại một tuyến thì những tuyến khác có thể bị ảnh hưởng theo và xảy ra rối loạn.
  • Hoạt tính của hormon được tính theo Đơn vị quốc tế (IU), đơn vị khối lượng hay đơn vị sinh học.

Hormon thường được sử dụng trong các trường hợp như: 

  • Khi bệnh nhân bị thừa hormon cần chỉ định hormon đối kháng để điều trị bệnh. 
  • Sử dụng hormon trong liệu pháp thay thế hay bổ sung khi bệnh nhân bị thiếu hormon trong cơ thể.
Điều trị bằng hormon
Điều trị bằng hormon
  • Sử dụng hormon trong chẩn đoán các bệnh về rối loạn nội tiết.

2 Cơ chế tác dụng của Hormon

Cơ chế tác dụng chủ yếu của Hormon là truyền tín hiệu từ bên ngoài vào bên trong tế bào đích. Khi hormon tiến đến gắn với receptor thì tạo ra phức hợp rồi gây các phản ứng để đưa tín hiệu vào bên trong tế bào đích. Tuy nhiên. vị trí gắn của hormon với thụ thể có thể diễn biến tại nhân tế bào, trên màng tế bào hay trong bào tương phụ thuộc vào bản chất hoá học của mỗi loại hormon.

Cơ chế tác dụng của hormon được phân thành 2 loại chính dựa theo cấu trúc hoá học của hormon là Steroid hay Protein hoặc Acid Amin.

2.1 Cơ chế tác dụng của hormon cấu trúc Protein hay Acid Amin

Những hormon có bản chất hoá học là Protein hay Acid Amin hay còn có tên khác là hormon tan trong nước thường có phân tử lượng lớn nên không qua được màng tế bào. Vì thế, chúng gắn lên những thụ thể đặc hiệu trên màng tế bào và gây các phản ứng sau: 

Phức hợp hormon - receptor hoạt hoá Adenylate để tạo thành AMP vòng từ ATP. Sau đó, AMP vòng tiếp túc kết hợp với Protein điều hoà khiến cho các Proteinkinase được tổng hợp gây thay đổi chức năng của tế bào như tăng tính thấm màng, hoạt hóa enzym,...) Tuy hormon không trực tiếp gây ra những thay đổi ở bên trong tế bào đích nên nó được gọi là chất truyền tin ngoại bào hay chất truyền tin thứ nhất còn AMP vòng gọi là chất truyền tin thứ 2 hay chất truyền tin nội bào.

Cơ chế tác dụng của hormon cấu trúc Protein hay Acid Amin
Cơ chế tác dụng của hormon cấu trúc Protein hay Acid Amin

Hầu hết các hormon có cấu trúc hoá học Protein hay Acid Amin đều truyền tín hiệu từ ngoài vào bên trong tế bào qua con đường như trên. Tuy nhiên có 1 số cách truyền tin khác như:

  • Phức hợp hormon - thụ thể sau khi được tạo thành sẽ thuỷ phân tạo hai chất là IP3 có khả năng khiến kênh Ca mở ra và DG có chức năng hoạt hoá enzym. Thông thường, những hormon hoạt động theo cơ chế này đều là những hormon tác dụng tại chỗ, đặc biệt là những chất được bài tiết do các phản ứng dị ứng hay miễn dịch.
  • Insulin có cơ chế tác dụng riêng do sau khi tạo phức hợp với thụ thể thì cấu trúc của receptor đó sẽ bị thay đổi và phần thụ thể bên trong biến thành Protein Kinase đã hoạt hoá. Khi đó, quá trình phosphoryl hóa tự diễn ra ở nhiều chất khác nhau trong cơ quan đích.

2.2 Cơ chế tác dụng của hormon cấu trúc Steroid 

Những hormon có bản chất hoá học là Steroid có phân tử lượng nhỏ nên có thể đi qua được màng tế bào một cách dễ dàng. Sau khi vào trong, hormon kết hợp với các thụ thể trong nhân tế bào và gây tác dụng kích thích sự sao chép thông tin.

Cơ chế tác dụng của hormon cấu trúc Steroid
Cơ chế tác dụng của hormon cấu trúc Steroid

3 Phân loại Hormon

Có 2 cách để phân loại hormon:

Phân loại hormon phụ thuộc vào các cơ quan bài tiết:

  • Hormon sinh dục.
  • Hormon vùng dưới đồi
  • Hormon tuyến tụy.
  • Hormon tuyến giáp.
  • Hormon vỏ thượng thận.
  • Hormon tuyến cận giáp.
  • Hormon tuyến yên.
Các loại hormon
Các loại hormon

Phân loại dựa theo bản chất hoá học của hormon:

  • Hormon cấu trúc Protein và Acid Amin bao gồm các hormon vùng dưới đồi, hormon tuyến tụy, hormon tuyến cận giáp, hormon tuyến giáp, hormon tuyến tuỷ thượng thận và hormon tuyến yên.
  • Hormon có bản chất hoá học là Steroid: hormon sinh dục và hormon vỏ thượng thận.

4 Các bệnh nội tiết hay gặp

Bệnh nội tiết xảy ra khi có rối loạn xuất hiện gây ra sự mất cân bằng trong cơ thể. Có rất nhiều căn bệnh gây ra bởi rối loạn hormon - nội tiết tố và sau đây là 1 số bệnh nội tiết hay gặp như:

Tiểu đường: Bệnh tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường xuất hiện do rối loạn chuyển hóa Carbohydrate do nồng độ Insulin trong cơ thể bị thiếu hụt. Triệu chứng của bệnh này thể hiện chỉ số đường huyết luôn cao, bệnh nhân phải đi tiểu nhiều hay đi vào ban đêm.

Cường giáp: xuất hiện khi nồng độ hormon tuyến giáp quá cao và dẫn tới dư thừa. Bệnh nhân có nguy cơ mắc các bệnh khác như loãng xương, bệnh tim như co thắt cơ tim, rung nhĩ,... Những triệu chứng có thể xuất hiện khi bệnh nhân mắc cường giáp như phù nề ở chân, đánh trống ngực, chân tay run, khó ngủ, nhạy cảm với ánh sáng, khó thở khi gắng sức,...

Bệnh cường giáp
Bệnh cường giáp

Suy giáp: là hiện tượng tuyến giáp bị suy giảm chức năng so với khi bình thường. Lúc này tuyến giáp bài tiết không đủ hormon cần thiết cho cơ thể hoạt động bình thường và biểu hiện ở các bệnh nhân bị suy giảm chức năng tuyến giáp như: rụng tóc, lông mày, mệt mỏi, sợ lạnh, dễ táo bón, tim to, phù niêm mạc toàn thể, lưỡi to dày, nói chậm, mí mắt nặng và thâm nhiễm,...

Suy tuyến thượng thận: khi tuyến thượng thận ngừng hoặc bài tiết ít các hormon cần thiết cho cơ thể thì bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận. Có hai loại suy tuyến thượng thận hay gặp là suy thượng thận thứ phát và nguyên phát. Bệnh nhân mắc bệnh này có dấu hiệu bị tụt huyết áp, giảm cân, da sạm, mệt mỏi,...

Suy tuyến yên: Tuyến yên sản xuất ra hormon để kích thích các tuyến khác hoạt động. Khi tuyến yên bị suy giảm chức năng dẫn thì bệnh nhân mắc bệnh suy tuyến yên. Không nhiều người để ý tới bệnh này tới khi khối u có kích thước quá to chèn ép và ảnh hưởng tới khả năng sinh hoạt và làm việc của người bệnh.

5 Hormon tuyến giáp và thuốc kháng giáp

Hormon tuyến giáp hay còn được gọi bằng tên khác là Hormon chuyển hoá. Có hai loại hormon được tuyến giáp bài tiết là hormon Thyroxin (hormon T3) và hormon Triiodothyronin (hormon T4) với tác dụng kiểm soát khả năng chuyển hoá và oxy hoá tế bào.

Các hormon tuyến giáp được tổng hợp bằng cơ chế là tuyến yên sản xuất TSH tăng cường hoạt động của tuyến giáp bài tiết hai hormon T3hormon T4. Ngoài ra, cơ thể tổng hợp ra hai hormon tuyến giáp này thì cần được bổ sung Iod qua chế độ ăn. Iod dưới dạng muối sẽ vào máu chuyển hoá thành Iod dạng tự do và kết hợp với Tyrosin để tạo thành các hormon tuyến giáp.

Hormon tuyến giáp
Hormon tuyến giáp

Ngoài ra, hormon Calcitonin được bài tiết từ các nang cận của tuyến giáp có tác dụng điều hòa nồng độ Calci có trong máu.

5.1 Hormon T3 và T4

Hormon T3 và T4 có tác dụng kiểm soát quá trình chuyển hoá như sinh nhiệt, tăng sử dụng vitamin, tăng ohana huỷ Lipid, tăng hấp thu Glucose,...hay giúp phát triển não bộ, chiều cao ở trẻ em,... 

Nếu bệnh nhân bị thừa hormon tuyến giáp có thể mắc bệnh basedow với các biểu hiện phì đại tuyến giáp, dễ xúc động, nhịp tim tăng, giảm cân, tăng chuyển hoá cơ bản, mắt lồi,... Trong trường hợp này cần chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc kháng giáp.

Chỉ định: 

  • Sử dụng các hormon T3, T4 trong các trường hợp điều trị cho bệnh nhân bị bướu cổ đơn thuần hay điều trị thay thế cho người bị thiểu năng tuyến giáp, viêm tuyến giáp hay sau phẫu thuật cắt tuyến giáp khiến nồng độ hormon tuyến giáp không đáp ứng đủ nhu cầu. 
  • Ngoài ra còn có thể sử dụng để chẩn đoán bệnh tuyến giáp hoặc kết hợp với các thuốc hủy mô tuyến giáp để đề phòng suy tuyến giáp quá mức.
Cơ chế tác dụng hormon T3, T4
Cơ chế tác dụng hormon T3, T4

Các thuốc điều trị như: 

Levothyroxin (T4): hoạt tính tác dụng mạnh, thời gian bán thải dài nên chỉ cần sử dụng thuốc 1 lần 1 ngày. Hơn nữa thuốc ít khi gây dị ứng và có thể chỉ định trong điều trị kéo dài.

=>> Bạn đọc có thể tham khảo thuốc chứa hoạt chất Levothyroxin: Thuốc Levothyrox 100mcg: Tác dụng - cách dùng, giá bán

Liothyronin (T3): hoạt tính tác dụng mạnh hơn Levothyroxin 4 lần, thời gian bán thải ngắn nhưng lại gây độc cho tim, thường chỉ định cho những bệnh nhân cần tác dụng nhanh chóng hoặc chuẩn bị chiếu xạ cho người u tuyến giáp.

Liotrix: bào chế từ sự kết hợp hai loại thuốc Levothyroxin và Liothyronin theo tỷ lệ 4:1 và sự phối hợp này có lợi ở chỗ là tác dụng của thuốc giống với hormon trong tự nhiên nên tác dụng điều trị tốt hơn.

5.2 Hormon Calcitonin 

Hormon Calcitonin có tác dụng giảm nồng độ Calci trong máu bằng cách làm giảm hấp thu Calci từ tiêu hoá vào máu và tăng thải trừ qua đường tiết niệu. Hơn nữa, nó còn có khả năng ức chế khả năng huy động Calci từ tủy xương vào máu.

Chỉ định: Thuốc được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân có chỉ số Calci máu tăng do bị mắc các bệnh như ung thư tiêu xương, cường tuyến cận giáp, ngộ độc vitamin D, bệnh viêm xương biến dạng (Paget),...

Tác dụng của Hormon Calcitonin
Tác dụng của Hormon Calcitonin

=>> Xem thêm thông tin thuốc có chứa hoạt chất Calcitonin: Thuốc Miacalcic 50IU/ml - điều trị tăng Calci máu.

5.3 Thuốc kháng giáp tổng hợp

Thuốc kháng giáp được sản xuất tổng hợp và có tác dụng ức chế tổng hợp và giải phóng hormon từ tuyến giáp nên hay được chỉ định trong điều trị bệnh Basedow (ưu năng tuyến giáp).

Các thuốc kháng giáp tổng hợp bao gồm:

  • Thuốc ức chế giải phóng hormon hướng giáp của tuyến yên
  • Thuốc ức chế tổng hợp hormon tuyến giáp.
  • Thuốc ức chế nhập Iod vào tuyến giáp.
  • Thuốc phá hủy mô tuyến giáp.

Thuốc ức chế giải phóng hormon hướng giáp của tuyến yên

Tiêu biểu là Dung dịch Lugol mạnh (5%) có tác dụng ức chế hormon hướng giáp và ức chế sự tổng hợp hormon tuyến giáp. Vì thế tuyến giáp thu nhỏ dần và cách mạch máu tuyến giáp co lại. Thuốc thường được chỉ định trước phẫu thuật tuyến giáp.

Thuốc ức chế tổng hợp Hormon tuyến giáp

Propylthiouracil (PTU): Thuốc Propylthiouracil có tác dụng kìm hãm quá trình tổng hợp hormon tuyến giáp bằng cơ chế ức chế oxy hoá thành iod tự do và ức chế gắn iod vào tiền chất của tuyến giáp.

Chỉ định: Hormon PTU được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân bị ưu năng tuyến giáp.

Cấu trúc hoá học của hormon PTU
Cấu trúc hoá học của hormon PTU

=>> Bạn đọc tham khảo thuốc có chứa hoạt chất Propylthiouracil: Thuốc Rieserstat (PTU) - điều trị ưu năng tuyến giáp.

Methimazol: có tác dụng giống với PTU nhưng hoạt tính mạnh hơn gấp 10 lần so với Propylthiouracil và thời gian tác dụng dài hơn.

Thuốc ức chế nhập Iod vào tuyến giáp

Đại diện cho nhóm thuốc này là Kali Clorat được sử dụng trong điều trị bệnh Basedow hay ưu năng tuyến giáp ở mức độ nhẹ hoặc trung bình do cơ chế tác dụng ức chế sự hấp thu Iod của tuyến giáp.

Thuốc phá hủy mô tuyến giáp

Iod phóng xạ thuốc có tác dụng điều trị ưu năng tuyến giáp nếu sử dụng liều thấp còn được chỉ định điều trị ung thư tuyến giáp với liều cao. Ngoài ra, thuốc còn được sử dụng trong chẩn đoán chức năng tuyến giáp. 

Chiếu tia Gamma, tia Beta để tiêu diệt tế bào tuyến giáp. Tuy nhiên, phương pháp này hiện tại không được sử dụng nhiều vì tác dụng không mong muốn phù niêm dịch ở những những bệnh nhân trẻ tuổi. Vì thế, chỉ nên chỉ định phương pháp này cho những người  trên 45 tuổi.

6 Hormon tuyến vỏ thượng thận

Hormon vỏ thượng thận được phân thành 3 loại hormon sau:

  • Hormon Mineralocorticoid được bài tiết bởi lớp ngoài cùng của vỏ thượng thận.
  • Hormon Glucocorticoid được sản xuất bởi lớp giữa (lớp bó).
  • Hormon Androgen được bài tiết bởi lớp dưới hay lớp trong vỏ thượng thận.
Tuyến vỏ thượng thận
Tuyến thượng thận

6.1 Hormon Glucocorticoid

Có 2 loại Glucocorticoid là Glucocorticoid có nguồn gốc tự nhiên gồm hai chất Hydrocortison và Cortison và Glucocorticoid tổng hợp.

Hormon Glucocorticoid có rất nhiều tác dụng đối với cơ thể:

Chuyển hoá: 

  • Chuyển hoá Glucid: Glucocorticoid làm tăng tổng hợp Glycogen, tăng tổng hợp Glucose và Glucagon, ức chế tổng hợp Insulin nên dùng lâu có thể gây tiểu đường. 
  • Chuyển hoá Protid: Glucocorticoid còn giảm tổng hợp Protid và tăng chuyển hoá Protid nên bệnh nhân sử dụng lâu có thể bị teo cơ. 
  • Chuyển hoá Lipid: hoạt chất này có thể gây thay đổi phân bố Lipid trong cơ thể và sử dụng lâu dài gây hội chứng Cushing
  • Chuyển hoá muối nước: Glucocorticoid làm tăng tốc độ thải trừ Calci và giảm hấp thu muối này tại ruột. Vì thế, Calci sẽ được huy động từ xương nên dùng lâu Glucocorticoid có thể gây bệnh xương xốp, dễ gãy,... Hơn nữa, Glucocorticoid còn tăng tái hấp thu nước và natri khiến bệnh nhân có nguy cơ bị phù và tăng huyết áp.
Cấu trúc hóa học Glucocorticoid
Cấu trúc hóa học Glucocorticoid

Tác dụng chống viêm: Glucocorticoid có thể chống viêm do bất cứ nguyên nhân gì gây ra do tác dụng theo cơ chế ức chế phospholipase A2 làm giảm tổng hợp Leucotrien và Prostaglandin và ức chế các dòng bạch cầu khởi phát quá trình viêm.

Tác dụng chống dị ứng: Glucocorticoid có khả năng ức chế giải phóng của các chất trung gian hoá học như Histamin, Bradykinin, Serotonin,... do cơ chế tác dụng kìm hãm sự hoạt hoá của Phospholipase C.

Tác dụng ức chế miễn dịch.

Tác dụng trên các cơ quan và tuyến:

  • Thần kinh trung ương: Glucocorticoid gây mất ngủ, ảo giác, bồn chồn,... cho bệnh nhân.
  • Trên máu: tăng bạch cầu trung tính nhưng lại giảm các dòng bạch cầu khác, tăng hồng cầu, tăng tiểu cầu nên tăng đông máu.
  • Tổ chức hạt: Glucocorticoid làm chậm quá trình lên sẹo và lành vết thương do ức chế tái tạo tổ chức hạt và nguyên bào sợi.
  • Tiêu hoá: Glucocorticoid có thể gây loét dạ dày - tá tràng do tăng tiết dịch vị trong khi giảm tổng hợp chất nhày có tác dụng bảo vệ dạ dày.

Chỉ định: Glucocorticoid được sử dụng trong các trường hợp:

Điều trị viêm da bằng Corticoid
Điều trị viêm da bằng Corticoid
  • Sử dụng trong liệu pháp thay thế khi tuyến vỏ thượng thận không đáp ứng đủ cho nhu cầu hormon của cơ thể (bệnh thiểu năng vỏ thượng thận cấp hoặc mạn hay thiểu năng thượng thận thứ phát do rối loạn tuyến yên hay vùng dưới đồi).
  • Chỉ định cho các bệnh nhân bị dị ứng như hen phế quản, viêm da tiếp xúc, viêm mũi dị ứng, nổi mày đay, sốc phản vệ,...
  • Ngoài ra, Glucocorticoid còn được sử dụng để chẩn đoán cho bệnh nhân mắc Hội chứng Cushing.

Các thuốc trong nhóm Glucocorticoid:

Glucocorticoid tác dụng ngắn (8 - 12 giờ): tiêu biểu gồm hai thuốc Cortison và Hydrocortison. Chúng vốn là hormon tự nhiên và có hoạt tính chống viêm yếu hơn so với các thuốc khác. Những thuốc này thường chỉ định cho bệnh nhân bị thiểu năng tuyến thượng thận hoặc sử dụng thay thế khi tuyến thượng thận không sản xuất đủ cho nhu cầu của cơ thể.

=>> Tham khảo thêm thuốc chứa hoạt chất Hydrocortison: Thuốc Hydrocortison 125mg - kháng viêm tại chỗ gây tê tại chỗ.

Glucocorticoid tác dụng trung bình (12 - 36 giờ): tiêu biểu gồm các thuốc: Methylprednisolon, Triamcinolon, Prednisolon,... Những thuốc này có khả năng chống viêm mạnh hơn so với nhóm 1 khoảng 4 - 5 lần và ít gây phù, tăng huyết áp hơn nhưng lại ức chế ACTH mạnh.

=>> Bạn đọc xem thêm thông tin thuốc chứa Methylprednisolon: Thuốc Solu-medrol 125mg - chống viêm: tác dụng và cách dùng

Các thuốc Corticoid
Các thuốc Corticoid

Glucocorticoid tác dụng dài (36 - 72 giờ): đại diện cho nhóm này là hai thuốc DexamethasonBetamethason có hoạt tính chống viêm mạnh hơn 30 lần so với Hydrocortison và không gây phù. Thuốc hay được chỉ định điều trị viêm cấp, phù não cấp hay sốc phản vệ.

=>> Xem thêm thuốc chứa hoạt chất Dexamethason: Thuốc Dexamethason 4mg/ml Vinphaco - trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng

Glucocorticoid dùng ngoài: có nhiều loại thuốc tác dụng tại chỗ như nhỏ mắt, phun mù, bôi tại chỗ, nhỏ tai,... nhưng chủ yếu để điều trị viêm da và niêm mạc. Các đại diện tiêu biểu cho nhóm này bao gồm: Clobetason, Beclomethason, Budesonid,...

=>> Bạn đọc tham khảo thêm thông tin thuốc chứa hoạt chất chính Budesonid: Thuốc Symbicort Turbuhaler 120 doses: công dụng, cách dùng và giá bán. 

6.2 Hormon Mineralocorticoid

Hormon Mineralocorticoid được phân thành 2 loại dựa theo nguồn gốc là tự nhiên và tổng hợp.

Mineralocorticoid tự nhiên

Mineralocorticoid tự nhiên bao gồm hai hormon là hormon Aldosteron và hormon Desoxycorticosteron (DOC) trong đó hoạt tính của Aldosteron mạnh hơn 30 lần. Các hormon này có tác dụng điều hoà áp suất thẩm thấu của dịch ngoại bào và thể tích máu. Tuy nhiên, hormon DOC thường được ưu tiên hơn Aldosteron vì Aldosteron tác dụng quá mạnh gây nhiều tác dụng không mong muốn cho cơ thể.

Cấu trúc hoá học của Aldosteron
Cấu trúc hoá học của Aldosteron

Chỉ định: Aldosteron và DOC thường được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bị ngộ độc cấp hay sốc nhiễm khuẩn.
  • Thiểu năng tuyến thượng thận mạn.
  • DOC còn được chỉ định tăng trương lực cơ cho những bệnh nhân bị nhược cơ.

Mineralocorticoid tổng hợp: tiêu biểu là hoạt chất Fludrocortison được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị suy vỏ thượng thận và tăng sản vỏ thượng thận bẩm sinh và dùng theo đường uống.

7 Hormon tuyến yên

7.1 Hormon kích thích vỏ thượng thận (ACTH)

Hormon kích thích vỏ thượng thận có tên tiếng anh là Adrenocorticotropic hormon hay viết tắt bằng tên hormon ACTH. Hormon ACTH có tác dụng tăng cường sự bài tiết của tuyến vỏ thượng thận nên lượng Glucocorticoid được sản xuất nhiều hơn.

Hormon ACTH được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị cho bệnh nhân bị hen phế quản, dị ứng, tổn thương dạ hay bệnh nhân bị bạch cầu cấp.
  • Đề phòng suy thượng thận cho bệnh nhân sử dụng Glucocorticoid trong 1 thời gian dài.
  • Sử dụng để điều trị bệnh nhân mắc bệnh viêm đa khớp hay viêm khớp nhưng không phải do nhiễm khuẩn gây ra.

7.2 Hormon Oxytocin

Hormon Oxytocin tăng trương lực cơ và tăng co bóp tử cung. Vào những ngày cuối của giai đoạn mang thai và khi sinh, tử cung rất nhạy cảm với Oxytocin. Ngoài ra, Oxytocin còn kích thích tiết sữa do tác dụng gây co các tế bào biểu mô quanh tuyến sữa khiến nang tuyến bị ép và sữa tràn ra ngoài.

Hormon Oxytocin được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Tăng tiết sữa ở phụ nữ sau sinh.
  • Sử dụng Oxytocin như thuốc kích đẻ và gây đẻ non.
  • Giúp co và cầm máu cho tử cung của sản phụ sau khi sinh.
Cấu trúc hoá học của hormon Oxytocin
Cấu trúc hoá học của hormon Oxytocin

=>> Xem thêm thông tin thuốc chứa hoạt chất Oxytocin: Thuốc Oxytocin 10 IU: tác dụng, cách dùng và lưu ý sử dụng

7.3 Hormon chống bài niệu

Hormon chống bài niệu hay còn có tên gọi khác là hormon ADH (tên tiếng anh là Anti Diuretic Hormon). Ngoài ra, nó còn có tác dụng khác là co mạch nên còn có thể gọi là hormon Vasopressin.

ADH có tác dụng chính là tăng tái hấp thu nước nên có thể chống bài niệu. Khi dùng liều rất cao, hormon này tăng co cơ động mạch và mao mạch, tăng co cơ trơn ở ruột, dạ dày và tử cung.

Đối với những người không có thai hay ở giai đoạn đầu mang thai thì tử cung nhạy cảm với Vasopressin hơn Oxytocin. Sản phụ ở những ngày cuối mang thai thì lại nhạy với Oxytocin hơn Vasopressin.

Chỉ định: Sử dụng hormon ADH trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh đái tháo nhạt.

Cấu trúc hoá học của hormon ADH
Cấu trúc hoá học của hormon ADH

8 Hormon sinh dục nam

8.1 Hormon Testosteron

Hormon Testosteron được bài tiết từ tế bào kẽ ở tinh hoàn. Hormon Testosteron có hai tác dụng chủ yếu là:

Tác dụng hormon (androgen): Testosteron có tác dụng phát triển giới tính và các bộ phận sinh dục của nam giới như dương vật, tuyến tiền liệt, túi tinh,... và duy trì chức năng sinh tinh của nam giới. Hơn nữa, hormon Testosteron còn tạo các đặc điểm đặc trưng cho phái nam như vai rộng, cơ lớn, giọng nói trầm,... và có tác dụng đối lập với hormon Estrogen.

Tác dụng tăng dưỡng: Testosteron có tăng cường sự đồng hoá của Protid nhưng vẫn giữ muối Calci, Phospho và Nitơ nên khối lượng cơ và xương được tăng cường. Testosteron kích thích hình thành Erythropoietin ở thận và tủy xương sản xuất hồng cầu. Ngoài ra, Testosteron còn gây tăng hàm lượng Lipid trong máu nên sử dụng trong thời gian dài thì bệnh nhân có nguy cơ bị xơ vữa động mạch.

Testosteron
Testosteron

Chỉ định hormon Testosteron cho các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân nam giới bị thiểu năng sinh dục hay các cơ quan sinh dục có nguy cơ chậm phát triển.
  • Phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, u xơ tử cung, ung thư vú, băng kinh hay ung thư tử cung có thể chỉ định sử dụng hormon Testosteron do tác dụng đối kháng với Estrogen.
  • Sử dụng Testosteron cho đối tượng bị loãng xương, gầy yếu hoặc nhược cơ.

=>> Bạn đọc xem thêm về cách dùng và liều dùng của thuốc có chứa hoạt chất Testosteron: Thuốc Nebido: Cách dùng – liều dùng, lưu ý khi sử dụng. 

8.2 Hormon tăng đồng hóa

Các hormon tăng đồng hoá thuộc nhóm hormon sinh dục nam và là những dẫn xuất của Testosteron bao gồm Methandrostenolon,  Nandrolone phenpropionat,  Stanozolol, Nandrolon decanoat,...

Tác dụng chủ yếu của nhóm hormon này là tác dụng tăng dưỡng như giữ muối Calci, Phosphat, tăng trọng lượng của cơ và xương, tăng đồng hóa Protid và giữ Nito) chứ tác dụng của hormon rất ít. Ngoài ra, các hormon này còn có tác dụng đối kháng với tác dụng dị hoá Protid của Glucocorticoid.

Hormon tăng đồng hóa
Hormon tăng đồng hóa

Chỉ định: 

  • Sử dụng hormon tăng đồng hoá cho những trường hợp bệnh nhân bị nhược cơ, gãy xương lâu lành, xương xốp hay gầy mòn.
  • Trẻ em suy dinh dưỡng hay thấp bé, chậm lớn có thể được chỉ định sử dụng hormon này để cải thiện.
  • Người dùng Corticoid lâu dài có thể sử dụng hormon này để điều trị.
  • Điều trị cho những bệnh nhân nữ bị ung thư vú.
  • Chỉ định cho bệnh nhân bị bỏng hay mắc bệnh đường tiêu hoá, gan thận có giảm Protein huyết.

9 Hormon sinh dục nữ

9.1 Hormon Estrogen

Hormon Estrogen có thể được phân thành hai loại dựa vào nguồn gốc:

  • Estrogen có nguồn gốc tự nhiên: bao gồm 3 hormon tiêu biểu là Estriol, Estradiol và Estron được sản xuất bởi buồng trứng và nhau thai ở người phụ nữ. Trong 3 hormon này thì Estradiol có tác dụng mạnh nhất.
  • Hormon Estrogen có nguồn gốc từ tổng hợp: được phân loại thành 2 nhóm dựa theo bản chất hoá học là hormon có cấu trúc Steroid (Quinestrol, Ethinylestradiol, Mestranol) và hormon cấu trúc không Steroid (Methallenestril, Diethylbestrol, Chlorotrianisene)
Cấu trúc hóa học hormon Estrogen
Cấu trúc hóa học hormon Estrogen

Hormon Estrogen có rất nhiều các tác dụng khác như:

Tác dụng sinh dục: 

  • Hormon Estrogen giúp cho chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ được đều đặn. 
  • Ở liều bình thường thì Estrogen phát triển giới tính và cơ quan sinh dục nữ như nội mạc tử cung, âm đạo, vòi trứng,... và tạo các đặc điểm khác của nữ giới như vai nhỏ, ngực nở, điều hoà phân bố mỡ tạo hình dáng thon thả của phụ nữ, giọng nói thanh và phát triển xương, tóc.
  • Ở nồng độ cao, hormon này ức chế FSH khiến Estrogen không được bài tiết tiếp và trứng ngừng phát triển, không bám được vào tử cung để thụ thai và tuyến sữa của người phụ nữ không tiếp tục bài tiết sữa. Nếu dùng liều cao cho nam giới thì có nguy cơ bị teo tinh hoàn, không còn tinh trùng và các cơ quan sinh dục bên ngoài bị teo.

Tác dụng khác:

  • Phòng ngừa tiêu xương do ức chế hoạt động của hormon cận giáp đồng thời tăng bài tiết Calcitonin.
  • Tăng quá trình đồng hóa Protid.
  • Tăng nồng độ HDL và giảm hàm lượng LDL nên có tác dụng phòng tránh bệnh xơ vữa động mạch cho phụ nữ tiền hoặc hậu mãn kinh.
  • Nếu sử dụng Estrogen ở liều cao có thể tăng nguy cơ kết dính tiểu cầu và đông máu cho bệnh nhân.
  • Các Estrogen tự nhiên có tác dụng yếu hơn so với các Estrogen có nguồn gốc tổng hợp.
Tác dụng của hormon Estrogen
Tác dụng của hormon Estrogen

Chỉ định sử dụng Estrogen trong các trường hợp:

  • Điều trị cho người bệnh bị rối loạn kinh nguyệt hay được sử dụng để làm thuốc tránh thai.
  • Điều trị thay thế khi cơ thể thiếu hụt Estrogen do các nguyên nhân như dậy thì muộn, sau phẫu thuật cắt buồng trứng, rối loạn tiền mãn kinh, suy buồng trứng và mãn kinh.
  • Sử dụng Estrogen trong điều trị bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt hay bệnh nam hoá ở phụ nữ.

=>> Bạn đọc tham khảo thuốc có chứa hoạt chất Estrogen: Thuốc tránh thai Marvelon: Cách dùng – liều dùng, lưu ý sử dụng.

9.2 Hormon Progestin

Hormon Progestin (hay Progesteron)được phân thành hai loại dựa vào nguồn gốc:

Progestin có nguồn gốc tự nhiên: Progesteron được bài tiết do vật thể vàng và trong thời gian là nửa sau chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Ngoài ra, các cơ quan khác như tuyến thượng thận, nhau thai hay tinh hoàn có tiết 1 ít hormon này.

Progestin có nguồn gốc tổng hợp bao gồm 3 loại:

  • Progestin có cấu trúc hoá học giống với Progesteron: Medroxyprogesteron, Hydroxyprogesteron,...
  • 19 Nor Testosteron: Levonorgestrel, Norgestrel, Normegestrol,...

Tác dụng:

  • Tăng sinh niêm mạch và nở to tử cung. Tăng tiết dịch, nhất là khi chuẩn bị cho trứng đã thụ thai làm tổ ở tử cung.
  • Giảm co cơ tử cung và giảm nhạy cảm với Oxytocin của tử cung.
  • Tăng phát triển tuyến sữa.
  • Hormon này tác dụng vào chu kỳ kinh nguyệt ở giai đoạn II.
  • Nếu sử dụng hormon Progesteron ở nồng độ cao thì có thể ức chế phóng noãn để tránh thụ thai và làm tăng thải Natri ở thận do ức chế cạnh tranh với Aldosteron.
Hormon Progesterone
Hormon Progesterone

Chỉ định của hormon Progesteron

  • Làm thuốc tránh thai.
  • Chỉ định cho bệnh nhân bị băng huyết sau sinh, băng kinh hay sảy thai nhiều lần, rối loạn kinh nguyệt hay doạ sảy thai.
  • Bệnh nhân bị rối loạn tiền mãn kinh hay mãn kinh có thể sử dụng hormon này để điều trị.
  • Chỉ định điều trị cho một số trường hợp mắc ung thư vú hay ung thư nội mạc tử cung.

=>> Bạn đọc xem thêm về thông tin thuốc chứa hoạt chất Progesteron: Thuốc Utrogestan 100mg: tác dụng, cách dùng và thận trọng

10 Hormon tuyến tụy 

10.1 Hormon Insulin

Hormon Insulin được sản xuất bởi tế bào Beta của đảo tuỵ và có tác dụng hạ đường huyết do tăng vận chuyển Glucose vào tế bào và tăng tổng hợp và phân huỷ Glycogen. Hơn nữa, Insulin còn có tác dụng giảm lượng Acid béo tự do và Glycerol trong huyết tương, thúc đẩy đồng hóa Protid.

Chỉ định: Sử dụng Insulin trong các trường hợp sau:

  • Insulin ứng dụng trong điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường typ I (phụ thuộc vào Insulin).
  • Sử dụng Insulin cho những bệnh nhân bị đái tháo đường typ II nhưng điều trị bằng các thuốc khác không còn tác dụng.
  • Điều trị bệnh tâm thần bằng cách gây cơn sốc Insulin (cơn hạ Glucose huyết đột ngột và mạnh).
  • Truyền Glucose kết hợp với Insulin cho đối tượng trẻ em biếng ăn, gầy gò, mệt mỏi, nôn nhiều, suy dinh dưỡng hay rối loạn chuyển hoá đường.
Hormon Insulin
Hormon Insulin

Hiện nay có nhiều loại Insulin khác nhau như:

  • Insulin tác dụng nhanh.
  • Insulin tác dụng trung bình.
  • Insulin tác dụng chậm.

=>> Bạn đọc tham khảo thông tin thuốc cụ thể: Thuốc Scilin N 40IU/ml Inj.10ml - Thuốc điều trị tiểu đường

10.2 Hormon Glucagon

Hormon Glucagon được sản xuất từ tế bào Alpha của đảo tuỵ và có tác dụng tăng đường huyết, tăng lượng Acid béo tự do, tăng Acid Lactic, Acid Pyruvic trong huyết tương. Ngoài ra, hormon này còn có tác dụng kích thích sản xuất Catecholamin cường hệ Beta - adrenergic khiến cho các hoạt động của tim được tăng cường.

Cơ chế tác dụng: Hormon Glucagon làm tăng sản xuất AMPc có tác dụng tăng hoạt động của enzym xúc tác chuyển hóa Glycogen thành Glucose ở gan, tăng hàm lượng đường trong máu.

Hormon Glucagon là gì?
Hormon Glucagon là gì?

Chỉ định của Glucagon trong các trường hợp sau:

  • Sử dụng Glucagon để chẩn đoán cho bệnh nhân bị bệnh tăng Glycogen.
  • Điều trị sốc cho bệnh nhân (thay thế cho Isoprenalin).
  • Chỉ định cho trường hợp bệnh nhân bị hạ đường máu quá mức do sử dụng quá nhiều Insulin hoặc bệnh nhân bị sốc Insulin kéo dài. Có thể kết hợp Glucagon với Glucose để điều trị.

10.3 Hormon Somatostatin

Hormon Somatostatin được bài tiết từ tế bào Alpha của đảo Langerhans và có tác dụng ức chế sản xuất hormon tăng trưởng GH. Ngoài ra, hormon này còn có khả năng ức chế sản xuất Insulin và Glucagon.

Tuy nhiên, hiện tại Somatostatin rất ít sử dụng trong lâm sàng.

Cấu trúc hoá học của Somatostatin
Cấu trúc hoá học của Somatostatin

11 Hormon tuyến cận giáp

Đại diện tiêu biểu của hormon tuyến cận giáp hormon Parathyroid hay còn có tên gọi khác là hormon PTH.

Hormon PTH có bản chất hoá học là Polypeptid và có tác dụng điều hoà hàm lượng của Calci trong máu cùng với Calcitonin và vitamin D.

Cơ chế tác dụng của hormon PTH trong tăng hàm lượng Calci trong máu:

  • Hormon PTH tăng cường sự huy động của Calci vào máu từ xương.
  • Hormon này tăng tái hấp thu Calci ở thận và giảm quá trình tái hấp thu của Phosphat.
  • Ngoài ra, Calci được hấp thu thông qua hormon PTH kích thích Vitamin D chuyển hóa thành dạng vitamin D hoạt hoá (1,25 dihydroxy Cholecalciferol).

Ở liều bình thường, hormon PTH chỉ có tác dụng điều hòa nồng độ Calci máu. Tuy nhiên, khi PTH tăng cao thì có thể tăng huy động Calci từ máu gây tiêu xương, xương xốp.

Hormon PTH
Hormon PTH

Chỉ định: Hormon PTH được dùng trong trường hợp điều trị cho những bệnh nhân bị giảm Calci máu mà không bổ sung đầy đủ được qua chế độ ăn. Có thể dùng trực tiếp hoặc sử dụng cùng với vitamin D để điều trị cho bệnh nhân.

12 Hormon tuyến tuỷ thượng thận

12.1 Hormon Adrenalin

Hormon Adrenalin được sản xuất ở nhiều vị trí trong cơ thể nhưng chủ yếu là được bài tiết từ tuyến tuỷ thượng thận.

Adrenalin có tác dụng kích thích cả 2 hệ Alpha và Beta - adrenergic nhưng mạnh hơn trên receptor Beta - adrenergic. 

Adrenalin tác dụng trên các cơ quan khác nhau:

  • Trên tim: Hormon Adrenalin có khả năng làm tăng cường sự co cơ tim, tăng nhịp tim và lưu lượng tim tăng, khi đó mức tiêu thụ Oxy tại tim và công của tim cũng tăng. Nếu sử dụng lâu dài thì bệnh nhân có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim.
  • Trên mắt: Adrenalin có tác dụng gây giãn đồng tử và có thể tăng nhãn áp cho bệnh nhân.
  • Trên hô hấp: hormon Adrenalin có tác dụng giãn cơ trơn phế quản và giảm phù nề tại niêm mạc nên có thể ứng dụng trong điều trị hen phế quản.
  • Trên hệ tiết niệu: Adrenalin có thể giảm bài tiết nước tiểu tại thận gây bí tiểu cho bệnh nhân.
  • Trên huyết áp: Adrenalin có tác dụng làm chỉ số huyết áp tâm thu tại người bệnh tăng nhưng lại không ảnh hưởng nhiều tới huyết áp tâm trương nên chỉ tăng nhẹ huyết áp trung bình. Tuy nhiên hormon này có thể gây hiện tượng hạ huyết áp do phản xạ dây X.
  • Trên mạch: Adrenalin gây co mạch tại các vị trí như mạch tạng, mạch ngoại vi và mạch da do kích thích receptor Alpha và giãn mạch phổi, mạch vành, mạch não,...
Cấu trúc hoá học của Epinephrine
Cấu trúc hoá học của Epinephrine
  • Trên hệ tiêu hoá: Adrenalin có thể gây táo bón cho bệnh nhân do nó có tác dụng giãn cơ trơn tại đường tiêu hoá đồng thời giảm tiết dịch tại vị trí này.
  • Trên tuyến ngoại tiết: Adrenalin giảm tiết các dịch như dịch ruột, nước mắt, dịch vị, nước bọt,...
  • Trên thần kinh trung ương: liều cao, Adrenalin có khả năng kích thích thần kinh trung ương khiến cho bệnh nhân cảm thấy đánh trống ngực, hồi hộp, khó chịu,...

Chỉ định: Sử dụng hormon Adrenalin trong các trường hợp sau:

Cấp cứu cho những bệnh nhân bị ngừng tim đột ngột hay sốc phản vệ.

  • Điều trị hen phế quản (tuy nhiên hiện tại lâm sàng không ứng dụng nhiều vì kích thích chọn lọc Beta 2).
  • Sử dụng Adrenalin trong cầm máu niêm mạc hay điều trị viêm mống mắt hoặc viêm mũi.
  • Sử dụng cùng với thuốc tê để tăng hiệu quả gây tê của thuốc tê.

=>> Bạn đọc tham khảo thêm thuốc có chứa hoạt chất Adrenalin: Thuốc Adrenalin 1mg/1ml: Cách dùng - liều dùng và lưu ý sử dụng

12.2 Hormon Noadrenalin

Hormon Noadrenalin được bài tiết từ tuyến tuỷ thượng thận nhưng chỉ được sử dụng theo 2 đường tiêm và truyền tĩnh mạch.

Tác dụng của hormon Noadrenalin: chỉ có tác dụng co mạch mạnh hơn Adrenalin, tăng huyết áp trung bình nhưng không gây phản xạ hạ huyết áp như Adrenalin. Ngoài ra, các tác dụng khác tương tự như Adrenalin.

Cấu trúc hoá học của Noadrenalin
Cấu trúc hoá học của Noadrenalin

Chỉ định Noradrenalin trong các trường hợp như:

  • Sử dụng hormon này để cầm máu niêm mạc.
  • Điều trị cho bệnh nhân bị hạ huyết áp hay truỵ tim mà nguyên nhân do quá liều thuốc hủy giao cảm, bệnh nhân bị chấn thương, quá liều thuốc phong bế hạch hay bệnh nhân bị nhiễm khuẩn,... 
  • Ngoài ra hormon này còn được kết hợp để tăng hiệu quả của thuốc tê.

=>> Bạn đọc xem thêm thông tin thuốc chứa hoạt chất Noadrenalin: Thuốc Noradrenaline Base aguettant 1 mg/ml: Công dụng, liều dùng

Trên đây là những kiến thức cơ bản về các loại hormon và những chỉ định của chúng. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc có thể nắm vững được những thông tin cần thiết để có thể chăm sóc tốt cho sức khỏe bản thân và những người xung quanh.

13 Tài liệu tham khảo

  1. Sách Dược lý học tập 1, Mai Tất Tố, Vũ Thị Trâm (2007). Nhà xuất bản Y học, trang 162 - 171.
  2. Sách Dược lý học tập 2, Mai Tất Tố, Vũ Thị Trâm (2012). Nhà xuất bản Y học, trang 283 - 321.
  3. Dược thư quốc gia Việt Nam dùng cho tuyến y tế cơ sở.
  4. Parathyroid hormone: past and present
  5. The Endocrine System
Xem thêm chi tiết

Có tổng: 340 sản phẩm được tìm thấy

Thien An Eva Pro
Thien An Eva Pro
Liên hệ
Ellamuselle
Ellamuselle
1.350.000₫
Viên Dưỡng Nhan – Thiên Sư
Viên Dưỡng Nhan – Thiên Sư
790.000₫
Vistra ZinC 15mg
Vistra ZinC 15mg
250.000₫
Menopur 75IU
Menopur 75IU
Liên hệ
SMenMax
SMenMax
1.650.000₫
Viên uống sáng hồng Thiên Sắc Linh Diamond
Viên uống sáng hồng Thiên Sắc Linh Diamond
Liên hệ
Viên uống sáng hồng Thiên Sắc Linh
Viên uống sáng hồng Thiên Sắc Linh
Liên hệ
Stafam
Stafam
550.000₫
Bổ Huyết Điều Kinh Yên Bái 
Bổ Huyết Điều Kinh Yên Bái 
125.000₫
Nước uống đẹp da Collagen Thiên Sắc Linh
Nước uống đẹp da Collagen Thiên Sắc Linh
Liên hệ
Sâm Tố Nữ Tái Hồi Xuân Beauty Queen Spa
Sâm Tố Nữ Tái Hồi Xuân Beauty Queen Spa
350.000₫
Chỉ Huyết Phụ Băng Nang (Rong Kinh Nang)
Chỉ Huyết Phụ Băng Nang (Rong Kinh Nang)
125.000₫
M4W Multi-Vitamin For Women
M4W Multi-Vitamin For Women
420.000₫
Pretty Woman
Pretty Woman
330.000₫
 Điều Kinh Nang Năng Động
Điều Kinh Nang Năng Động
115.000₫
Zenafuta 40mg
Zenafuta 40mg
500.000₫
Trinh Nữ Điều Kinh
Trinh Nữ Điều Kinh
Liên hệ
* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 3 Thích

    Mình có gửi cho nhà thuốc đơn thuốc đái tháo đường đấy ạ. Nhờ dược sĩ tư vấn và lấy thuốc cho mình nhé.


    Thích (3) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • TM
    Điểm đánh giá: 5/5

    Lần đầu mình mua thuốc bổ sung nội tiết tố tại Trung Tâm Thuốc. Sản phẩm đa dạng nhưng đặt hàng thấy rất tiện và đơn giản. Dược sĩ tư vấn nhiệt tình, thuốc mua về uống hiệu quả, giá cả vừa phải.

    Trả lời Cảm ơn (3)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633