1. Trang chủ
  2. Sản phẩm
  3. Thuốc Tác Dụng Lên Quá Trình Đông Máu

Thuốc tác dụng lên quá trình đông máu: cơ chế tác dụng và phân loại các thuốc

Cập nhật lần cuối: , 10 phút đọc

Trungtamthuoc.com - Hiện tại có rất nhiều bệnh lý xảy ra liên quan tới hệ tạo máu như: thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu nhược sắc, huyết khối tắc mạch, chảy máu do giảm prothrombin thứ phát,... Vậy lựa chọn những thuốc nào để điều trị những bệnh này và cách sử dụng chúng như thế nào? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

1 Quá trình đông máu

1.1 Đông máu là gì?

Đông máu là một quá trình sinh lý bình thường và xuất hiện khi cơ thể có biểu hiện xuất huyết, máu chảy ra ngoài. Sau khi máu chảy khỏi lòng mạch khoảng 2 - 4  phút thì có hiện tượng tạo thành cục máu đông do thrombin xúc tác quá trình chuyển fibrinogen (hoà tan trong huyết tương) thành fibrin không hoà tan. Các fibrin này sau đó sẽ kết hợp với nhau để tạo thành mạng lưới không cho các thành phần của máu ra ngoài khiến máu đông lại. 

Bình thường, các cục máu đông hình thành bảo vệ cơ thể khi mô hay thành mạch bị tổn thương.

Tuy nhiên, hiện tượng cục máu đông xuất hiện trong khi mạch máu không bị tổn thương thì lại là hiện tượng bệnh lý.

Đông máu
Đông máu

1.2 Cơ chế đông máu

Đông máu xảy ra theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn I: hình thành thrombokinase.

Thrombokinase có thể được tạo thành bởi 2 con đường nội sinh và ngoại sinh.

  • Cơ chế ngoại sinh: Khi thành mạch bị tổn thương dẫn đến Thromboplastin (yếu tố III) cùng với Phospholipid thoát ra ngoài. Sau đó, các yếu tố này kết hợp với những yếu tố như Calci, yếu tố VII, để hoạt hoá yếu tố X để tổng hợp lên Thrombokinase.
  • Cơ chế nội sinh: Khi mô bị tổn thương, các yếu tố XII, IX, VIII, XI, X, V sau khi được hoạt hoá kết hợp với Calci để tạo thành Thrombokinase.

Giai đoạn II: tổng hợp thrombin.

Thrombin được tổng hợp từ Thrombokinase qua xúc tác của Prothrombin.

 Cơ chế đông máu
 Cơ chế đông máu

Giai đoạn III: tổng hợp Fibrin.

Fibrinogen kết hợp với Thrombin được tổng hợp từ giai đoạn trước để hình thành nên Fibrin. Các sợi Fibrin sau khi được hình thành thì kết hợp với nhau tạo thành 1 mạng lưới, không tan trong huyết tương, tạo thành cục máu đông ngăn không cho máu tràn ra ngoài.

Tiến triển của cục huyết khối

  • Phân huỷ cục nghẽn (cục máu đông).
  • Tổ chức hóa cục máu đông: chúng bám vào tế bào nội mô hoặc thành mạch rồi tăng sinh thành tổ chức hạt.
  • Dòng máu mới được tái tạo thông 2 đầu mạch bị tắc.
  • Huyết khối vỡ thành các cục máu đông nhỏ, phân tán rải rác trong hệ tuần hoàn gây tắc mạch và bệnh nhân có nguy cơ hoại tử.
  • Những cục huyết khối to chứa bạch cầu và các men trong bạch cầu vỡ ra làm tan tơ huyết.
  • Vi khuẩn xâm nhập vào các cục máu đông nên cơ thể điều động bạch cầu tới tiêu diệt. Sau đó, bạch cầu thoái hoá dần tại đó và mủ xuất hiện. Khi cục huyết khối vỡ thì mủ phân tán ra máu, di chuyển và tới bám các vị trí khác nhau gây nhiễm trùng.
Sinh bệnh học của huyết khối
Sinh bệnh học của huyết khối

1.3 Các loại rối loạn đông máu

Các loại rối loạn đông máu hay gặp như:

  • Huyết khối tĩnh mạch: Những bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch sẽ thường có hiện tượng cục máu đông bám tại thành tĩnh mạch. Trong thời gian dài, những cục máu đông đó sẽ phát triển dần thành tổ chức hạt.
  • Huyết khối thành: Huyết khối ở buồng tim của bệnh nhân, dễ gây biến chứng nhồi máu cơ tim.
  • Huyết khối động mạch: cục máu đông hay xuất hiện tại ổ loét do xơ vữa động mạch.
  • Huyết khối van tim: huyết khối tại van tim do bệnh viêm nội tâm mạc.
  • Huyết khối mạch máu nhỏ

2 Các loại thuốc tác dụng đến quá trình đông máu

Hiện tại có các loại thuốc sau tác dụng tới quá trình đông máu:

Thuốc đông máu (hay còn gọi là thuốc cầm máu): 

  • Thuốc đông máu toàn thân: Calci clorid và vitamin K 
  • Thuốc đông máu tại chỗ như Thrombokinase, muối kim loại nặng

Thuốc chống huyết khối:

  • Thuốc chống đông máu toàn thân: 
  1. Thuốc chống đông máu: Thuốc chống đông kháng vitamin K (Warfarin, Coumarin, Indandion) và Thuốc ức chế các yếu tố đông máu (Heparin) 
  2. Thuốc chống kết tập tiểu cầu: tiêu biểu như các thuốc: Clopidogrel, Aspirin, Dipyridamol,  Ticlopidin).
  • Thuốc chống đông máu tại chỗ: đại diện của nhóm này là Natri Citrat.

Thuốc tác dụng lên quá trình tiêu Fibrin 

  • Thuốc tiêu Fibrin (làm tan cục máu đông): có tác dụng làm tan cục máu đông và điển hình của nhóm thuốc này là Streptokinase.
  • Thuốc chống tiêu Fibrin (có tác dụng cầm máu): đại diện của nhóm thuốc này bao gồm: Acid aminocaproic (EACA), Aprotinin, Acid Tranexamic.
Phân loại thuốc tác động lên quá trình đông máu
Phân loại thuốc tác động lên quá trình đông máu

3 Thuốc cầm máu (thuốc tăng đông máu)

Thuốc đông máu hay còn có tên khác gọi là thuốc cầm máu, có tác dụng ngăn không cho máu tràn ra bên ngoài do cơ chế chống tiêu Fibrin, giảm tính thấm của thành mao mạch.

3.1 Thuốc tăng đông máu toàn thân

3.1.1 Thuốc đông máu vitamin K

Dược động học

  • Vitamin K thuộc loại vitamin tan trong dầu nên cần có acid mật và dịch tụy để nhũ hóa mới có thể hấp thu, sau đó thông qua hệ thống bạch huyết đi vào máu. 

  • 90% thuốc liên kết với protein huyết tương.

  • Vitamin K cho tác dụng sau 1-2h sau khi tiêm hoặc 6-12h sau khi uống. Tác dụng tăng đông máu này kéo dài trong khoảng 8-12h.

  • Vitamin K bị chuyển hóa nhiều tại gan thành các chất phân cực hơn và phần lớn được đào thải qua mật vào phân dưới dạng kết hợp với acid glucuronic.

Vitamin K
Vitamin K

Cơ chế tác dụng

Vitamin K có khả năng làm đông máu theo cơ chế tác dụng sau:

Các tiền chất của các yếu tố đông máu được hoạt hoá do tác động của hệ enzym ở microsom gan. Khi trong huyết tương có mặt của vitamin K, hệ thống enzym ở microsom gan được hoạt hoá và các yếu tố đông máu cũng được hoạt hoá và tham gia quá trình đông máu.

Chỉ định

  • Xuất huyết ở trẻ sơ sinh hoặc do bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông máu.
  • Chảy máu ở người bệnh giảm prothrombin thứ phát như: sau ngộ độc các thuốc chống đông như Indandion, Coumarin hay thuốc giảm đau Salicylat,...
  • Sử dụng thuốc trước phẫu thuật hoặc cho những người mà cơ thể thiếu vitamin K do khó hấp thu hoặc loạn khuẩn.

Tác dụng phụ

Có thể gây chai cứng vùng tiêm nếu tiêm bắp. Gây kích ứng Đường tiêu hóa khi sử dụng đường uống và có thể gây co thắt phế quản, tăng nhịp tim, tím tái, tụt huyết áp, đổ mồ hôi khi tiêm tĩnh mạch Vitamin K.

Chế phẩm và liều dùng

Liều dùng:

  • Dự phòng xuất huyết hoặc điều trị xuất huyết nhẹ: tiêm bắp 10-20mg/ngày hoặc uống 5-10mg/ngày.
  • Điều trị xuất huyết nặng: truyền tĩnh mạch chậm 10-20mg.

Một số chế phẩm thường gặp bao gồm:

3.1.2 Thuốc Calci clorid đông máu

Cơ chế tác dụng

Calci là một yếu tố tham gia quá trình đông máu trong cơ thể và làm bền vững cấu trúc cục máu đông, giảm tính thấm của thành mạch nên có tác dụng cầm máu. Cụ thể, Ca 2+ cần để hoạt hóa các yếu tố VIII, IX và X để chuyển prothrombin sang thrombin để tham gia vào quá trình đông máu.

Chỉ định

  • Dự phòng chảy máu cam, chảy máu dạ dày hay dưới da, ho ra máu,...
  • Trẻ em mọc răng chậm, chậm phát triển hoặc bị co giật do Calci máu giảm.
  • Bệnh nhân hạ Calci máu có biểu hiện co giật cơn tetani, co thắt thanh quản.
  • Là thuốc giải độc cho các trường hợp như ngộ độc ethylen glycol, quá liều thuốc chẹn kênh Calci hay mắc bệnh tăng Mg2+, K+.

Chế phẩm và liều dùng

Liều trung bình: uống 2-4 g/ngày, dùng cách quãng từng thời kỳ 3-4 ngày.

Tiêm tĩnh mạch (Calci Clorid Vinphaco, Calci Clorid Vidipha,...) cho những trường hợp chảy máu: 20 ml Dung dịch 5%

Chống chỉ định tuyệt đối tiêm bắp.

3.1.3 Thuốc Carbazochrom và Etamsylat đông máu

Cơ chế tác dụng

Thuốc Carbazochrom và Etamsylat đều có tác dụng tăng cường sức đề kháng của mao mạch, giảm khả năng thẩm thấu của mao mạch nên hạn chế xuất huyết. Thuốc có tác dụng kéo dài kể từ khi tiêm thuốc (6 - 24h)

Chỉ định

Sử dụng thuốc trong điều trị xuất huyết sau phẫu thuật tai mũi họng, phẫu thuật tạo hình hoặc bệnh nhân có độ bền thành mạch kém.

Chế phẩm và liều dùng

Liều dùng:

  • Carbazochrom: tiêm bắp 1,5 - 4,5 mg/ngày; uống 10-30 mg/ngày
  • Etamsylat: tiêm bắp: 250 - 500 mg/ngày; uống 750 - 1500 mg/ngày

Một số thuốc đông máu toàn thân hay sử dụng: 

1 số thuốc đông máu toàn thân
1 số thuốc đông máu toàn thân
  • Thuốc Adrenoxyl 10mg: với hoạt chất chính là Carbazochrom dihydrat, thuốc được sử dụng để điều trị xuất huyết mao mạch và cầm máu trong phẫu thuật.

=>> Xem thêm thông tin thuốc cụ thể: Thuốc cầm máu Adrenoxyl 10mg: Tác dụng và lưu ý sử dụng.

  • Thuốc Vincynon 250mg/2ml: có chứa hoạt chất Etamsylat được dùng để điều trị mất máu thời gian ngắn do đa kinh hay phẫu thuật, điều trị và dự phòng chứng xuất huyết quanh não thất ở trẻ sơ sinh.

=>> Bạn đọc tham khảo thêm thông tin về cách dùng và liều dùng của thuốc: Thuốc Vincynon 250mg/2ml: Cách dùng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng

  • Thuốc Calci Clorid 500mg/5ml: điều trị cho bệnh nhân bị hạ Calci huyết gây co cứng cơ, thiếu Calci mạn tính ở trẻ, còi xương, loãng xương, tăng Kali huyết và Magnesi huyết,...

=>> Xem thêm về cách dùng thuốc: Thuốc Calci Clorid 500mg/5ml: tác dụng và lưu ý sử dụng

  • Thuốc Vinphyton 10mg: có chứa hoạt chất là Vitamin K1 được sử dụng trong điều trị các bệnh chảy máu do giảm prothrombin huyết, giảm vitamin K ở bệnh nhân bị ứ mật hay sử dụng thuốc chống đông máu Coumarin.

=>> Bạn đọc tham khảo về liều dùng thuốc: Thuốc Vinphyton 10mg: Cách dùng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng.

3.2 Thuốc tăng đông máu tại chỗ

Thuốc đông máu tại chỗ bao gồm các enzym đông máu như: 

3.2.1 Enzyme làm tăng đông máu 

  • Thrombokinase: là tinh chất phổi và não của động vật và tham gia vào quá trình đông máu. Sử dụng thuốc trong các trường hợp chảy máu cam hay răng miệng. Nếu chảy máu nhiều hơn thì quấn băng thật chặt để hạn chế.
  • Thrombin: tham gia vào quá trình tổng hợp Fibrin từ Fibrinogen. Thuốc được dùng tại chỗ và không nên theo đường tiêm để tránh xuất hiện huyết khối trong lòng mạch. Ngoài ra, có thể uống thuốc để điều trị xuất huyết dạ dày.

3.2.2 Những loại thuốc khác

  • Các keo cao phân tử giúp tăng nhanh đông máu: Pectin, Albumin,...
  • Gelatin, fibrin dạng xốp tăng diện tích tiếp xúc
  • Muối kim loại nặng
  • Thuốc làm săn: tanin, muối Al, PB, Zn,...

4 Thuốc chống huyết khối

4.1 Thuốc chống đông máu

Thuốc chống đông máu là gì? Tác dụng của thuốc chống đông máu như nào?

Thuốc chống đông máu (hay thuốc kháng đông máu, thuốc trị đông máu) là thuốc ngăn cản sự xuất hiện huyết khối trong cơ thể nên được chỉ định điều trị và dự phòng các bệnh do cục máu đông gây ra như huyết khối tĩnh mạch, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc mạch phổi,...

Quá trình đông máu là 1 hiện tượng sinh lý bình thường giúp cơ thể ngăn chặn sự mất máu khi mạch máu bị tổn thương. 

Tuy nhiên, nếu xuất hiện đông máu bệnh lý dẫn tới những biến chứng nguy hiểm hoặc có thể gây tử vong cho cơ thể, bác sĩ nên sử dụng những biện pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân.

Thuốc chống đông máu (thuốc chống cục máu đông) có tác dụng ngăn cản sự tạo thành và loại bỏ cục máu đông trong cơ thể vốn là nguyên nhân của các bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu, đông máu rải rác trong cơ thể, huyết khối động mạch gây biến chứng nhồi máu cơ tim, thuyên tắc mạch phổi,...

Thuốc chống đông máu
Thuốc chống đông máu

Tác dụng phụ của thuốc chống đông máu

Khi bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông máu dễ gặp các tác dụng phụ dưới đây như:

  • Xuất hiện những vết bầm tím dưới da.
  • Bệnh nhân bị xuất huyết ở chân răng hay mũi.
  • Khi điều trị bằng thuốc chống huyết khối, bệnh nhân đi tiểu thấy màu hồng.
  • Phụ nữ có thể bị rong kinh hay rong huyết khi sử dụng điều trị lâu ngày.
  • Buồn nôn và bệnh nhân có thể bị nôn cả ra máu.
  • Những nội tạng trong cơ thể có nguy cơ xuất huyết khó kiểm soát và bệnh nhân có thể tử vong.

Lưu ý khi dùng thuốc chống đông máu

Khi sử dụng các thuốc chống đông máu để điều trị bệnh lý tim mạch nói chung, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ của thuốc hay tương tác của thuốc với các thuốc khác hoặc với thức ăn dẫn tới giảm tác dụng điều trị hoặc gây độc tính lên cơ thể. Vì thế, bệnh nhân khi dùng cần lưu ý như sau:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc đúng liều và đủ thời gian quy định.
  • Không ngừng sử dụng thuốc ngay khi không tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  • Trong trường hợp bệnh nhân quên uống thuốc chống đông trong khoảng 8h thì bệnh nhân có thể tiếp tục dùng liều đã quên. Tuy nhiên, nếu quá giờ thì bệnh nhân không được dùng tiếp liều đó và ngày kế không được dùng liều gấp đôi.
  • Thực hiện các xét nghiệm và tái khám để theo dõi tiến triển của quá trình điều trị.
  • Khi sử dụng thuốc khác nên thông báo cho bác sĩ để tránh gây ra tương tác thuốc tăng độc tính lên cơ thể.
Lưu ý khi dùng thuốc
Lưu ý khi dùng thuốc

Thuốc chống đông máu được dùng để ức chế sự tạo thành và phát triển của huyết khối trong dòng máu. Cấu tạo của cục máu đông này bao gồm một mạng Fibrin dính lấy hồng cầu và tiểu cầu.

Vì thế, các thuốc chống đông này được chỉ định để điều trị và dự phòng các bệnh huyết khối như huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, huyết khối van tim nhân tạo hay phòng ngừa tắc mạch ở bệnh nhân bị thấp tim và rung nhĩ.

Các thuốc chống đông ít khi được dùng trong điều trị huyết khối tại động mạch vì máu chảy nhanh và cấu tạo huyết khối tại đó gồm  lượng nhỏ Fibrin bám lấy tiểu cầu.   

4.1.1 Heparin - Thuốc ức chế các yếu tố đông máu 

Thuốc chống đông máu Heparin hay còn gọi là thuốc chống đông máu đường tiêm có tác dụng chống đông rất nhanh nhưng ngắn, sử dụng theo đường tiêm do không hấp thu qua đường tiêu hoá.

Nhóm thuốc chống đông máu Heparin
Nhóm thuốc chống đông máu Heparin  

  

Heparin không phân đoạn (UFH)

Chúng tạo phức hợp với antithrombin 3 và làm bất hoạt các yếu tố đông máu khác nhau. Nó bắt đầu tác dụng nhanh, có thời gian bán hủy ngắn và có thể được theo dõi bằng cách sử dụng Thromboplastin từng phần được kích hoạt (aPTT), thời gian đông máu được kích hoạt và hoạt động chống yếu tố Xa. Tỷ lệ mục tiêu được khuyến nghị của aPTT là 1,5 đến 2,2 lần aPTT của bệnh nhân.

Heparin phân tử lượng thấp (LMWH)

Heparin phân tử lượng thấp hay còn gọi là heparin phân đoạn là các chuỗi mucopolysaccharide ngắn, có trọng lượng phân tử từ 2000 - 9000 Dalton, được bào chế bằng cách khử poly UFH. 

Các Heparin phân tử lượng thấp cũng thể hiện tác dụng chống đông với sự tham gia của antithrombin (AT), tuy nhiên do phân tử ngắn nên không thể đóng vai trò là trạm cho AT kết hợp với thrombin (gọi tắt là yếu tố IIa). 

Heparin phân tử lượng thấp an toàn hơn ít tác dụng phụ hơn và hiệu quả điều trị ngang bằng hoặc tốt hơn Heparin có trọng lượng phân tử trung bình:

  • Các chất này đều được bán tổng hợp sau khi tách chiết từ nội tạng động vật, làm mất đi yếu tố kháng nguyên nên ít gây dị ứng hay giảm tiểu cầu theo cơ chế miễn dịch
  • Phân tử Heparin phân tử lượng thấp là một hỗn hợp đồng nhất nên có sinh khả dụng cao và ổn định, không cần xét nghiệm theo dõi hiệu lực chống đông thường xuyên và có t1/2 dài hơn nên có thể dùng chế độ liều ngày 1 lần.
  • Heparin phân tử lượng thấp ít gắn với đại thực bào, protein huyết, tế bào xương, ít tương tác với tiểu câud hơn nên ít tác dụng phụ
  • Heparin phân tử lượng thấp còn có tác dụng lên cả những phân tử thrombin đã nằm trên sợi fibrin.

Vì vậy, hiện nay, Heparin phân tử lượng thấp dần thay thế Heparin có trọng lượng phân tử trung bình trong điều trị chống đông.

Dược động học

  • Heparin không được hấp thu qua đường tiêu hóa và do đó được dùng qua đường tiêm truyền (tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch, KHÔNG tiêm bắp). 
  • Sinh khả dụng đường tiêm: heparin phân tử lượng thấp có sinh khả dụng cao hơn Heparin không phân đoạn (90 so với 20)
  • Nồng độ đỉnh trong huyết tương và thời điểm bắt đầu tác dụng đạt được ngay sau khi tiêm tĩnh mạch.
  • Thời gian bán hủy trong huyết tương phụ thuộc vào liều và dao động từ 0,5 đến 2 giờ.

Cơ chế tác dụng

Trong trường hợp bình thường, antithrombin III (ATIII) làm bất hoạt thrombin (yếu tố IIa) và yếu tố Xa. Quá trình này diễn ra với tốc độ chậm. Heparin được sử dụng để tạo liên kết không thuận nghịch với ATIII (antithrombin III) và gần như tức thời làm cho các yếu tố IIa và Xa trở nên bất hoạt. Phức hợp heparin-ATIII cũng có khả năng làm cho các yếu tố IX, XI, XII và plasmin trở nên bất hoạt. Cơ chế tác dụng của heparin phụ thuộc vào ATIII. Nó hoạt động chủ yếu bằng cách đẩy nhanh tốc độ trung hòa một số yếu tố đông máu được kích hoạt bằng antithrombin, nhưng cũng có thể tham gia vào các cơ chế khác. Tác dụng chống huyết khối của heparin có liên quan chặt chẽ đến sự ức chế yếu tố Xa. Heparin không phải là thuốc làm tan huyết khối hoặc tiêu sợi huyết. Nó ngăn ngừa sự tiến triển của cục máu đông hiện có bằng cách ức chế đông máu thêm. Việc làm tan các cục máu đông hiện có phụ thuộc vào thuốc tiêu huyết khối nội sinh.

Chỉ định

Điều trị dự phòng nghẽn mạch do huyết khối ở cả động mạch và tĩnh mạch:

  • Dự phòng huyết khối động mạch sau, đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim
  • Dự phòng trong và sau mổ can thiệp động mạch vành có hoặc không đặt stent, ngắn huyết khối trong phẫu thuật mổ tim có sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể.
  • Điều trị huyết khối viêm tắc tĩnh mạch, tắc mạch phổi
  • Dự phòng tĩnh mạch sâu sau phẫu thuật, bệnh nhân nằm viện lâu ngày.

Chống chỉ định

  • Cơ thể suy nhược
  • Loét dạ dày tá tràng tiến triển, có vết thương
  • Viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng, lao tiến triển
  • Suy giảm chức năng gan, thận

Tác dụng phụ

  • Giảm tiểu cầu
  • Chảy máu: chảy máu tiêu hóa, chảy máu khớp, tiểu tiện ra máu,...
  • Phản ứng quá mẫn, dị ứng, nhức đầu, nôn, gây nốt đau, hoại tử gân nếu tiêm dưới da dài ngày.
  • Loãng xương nếu dùng kéo dài liều 15.000 đơn vị/ngày.

Chế phẩm và liều lượng

Heparin - thuốc chống đông máu dạng tiêm: đường dùng phổ biến là tiêm dưới da

Heparin không phân đoạn

Heparin phân tử lượng thấp

Enoxaparin (thuốc chống đông máu Lovenox 60mg/0.6ml):

  • Dự phòng: tiêm dưới da 20-40mg/lần/ngày
  • Điều trị: tiêm dưới da 1 mg/kg/lần x 2 lần/ngày

   

=>> Bạn đọc xem thêm về liều dùng và cách dùng thuốc tại: Thuốc Lovenox 4.000 anti Xa IU/0.4 ml: Tác dụng và cách dùng.

Dalteparin (Fragmin):

  • Dự phòng: tiêm dưới da 2.500 IU/lần/ngày
  • Điều trị: tiêm dưới da 100 IU/kg/lần x 2 lần/ngày hoặc truyền tĩnh mạch 15.000 IU/24h
Một số thuốc chống đông máu đường tiêm hay gặp
Một số thuốc chống đông máu đường tiêm hay gặp

4.1.2 Thuốc chống đông kháng vitamin K

Thuốc chống đông kháng vitamin K hấp thu tốt qua đường tiêu hoá nên hay sử dụng thuốc theo đường uống.

Thuốc chống đông kháng vitamin K còn có tên gọi khác là thuốc chống đông đường uống xuất hiện tác dụng sau ít nhất 48 - 72h kể từ khi sử dụng thuốc và có thời gian tác dụng khá dài, thường khoảng từ 2 -  5 ngày.

Thuốc chống đông kháng vitamin K có khả năng qua được hàng rào nhau thai. Vì vậy, phụ nữ đang trong thai kỳ khoảng 3 tháng đầu sử dụng thì có thể gây ra hậu quả là trẻ sinh ra bị dị tật.

4.1.2.1 Warfarin (Coumadin, Warfarin 1 SPM,...)

Warfarin là một loại thuốc đối kháng vitamin K được sử dụng để điều trị các trường hợp như huyết khối tĩnh mạch, tắc mạch phổi, tắc mạch huyết khối do rung tâm nhĩ, tắc mạch huyết khối sau khi thay van tim và các biến chứng tắc mạch do huyết khối sau nhồi máu cơ tim.

Dược động học

  • Hấp thu hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Tmax trung bình của viên Natri warfarin là 4 giờ.
  • 99% liên kết chủ yếu với albumin.
  • 80% tổng liều được bài tiết qua nước tiểu và 20% còn lại xuất hiện trong phân.
  • R-warfarin được đào thải chậm hơn S-warfarin, với tốc độ khoảng một nửa. t 1/2 cho R-warfarin là 37-89 giờ. t 1/2 của S-warfarin là 21-43 giờ.

Cơ chế tác dụng

Vì có cấu trúc tương tự vitamin K, Warfarin tác động cạnh tranh lên enzyme epoxide reductase, gây trở ngại cho quá trình khử vitamin K-epoxide thành vitamin K cần thiết để carboxyl hóa các tiền yếu tố đông máu thành các yếu tố đông máu II, VII, IX và X dưới sự tác động của carboxylase. Vì vậy, nhóm thuốc này còn được gọi là thuốc kháng vitamin K. Quá trình tổng hợp các yếu tố đông máu phụ thuộc vào vitamin K ở gan bị ức chế ngay sau khi dùng Warfarin, tuy nhiên, cần mất thời gian để nồng độ trong huyết thanh của các yếu tố đã được tổng hợp trước đó giảm do quá trình chuyển hóa và sử dụng.

Đồng thời, Warfarin cũng ức chế quá trình tổng hợp các yếu tố chống đông tự nhiên như protein C và protein S.

Chỉ định

  • Phòng ngừa và điều trị huyết khối tĩnh mạch và tắc mạch phổi liên quan.
  • Phòng ngừa và điều trị huyết khối do rung nhĩ.
  • Dự phòng và điều trị huyết khối do thay van tim.
  • Sử dụng như liệu pháp bổ trợ để giảm tỷ lệ tử vong, nhồi máu cơ tim tái phát và các biến cố huyết khối sau nhồi máu cơ tim.

Chỉ định off-label (chỉ định nằm ngoài chỉ định được cơ quan y tế phê duyệt):

  • Phòng ngừa thứ phát đột quỵ và cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua ở bệnh nhân mắc bệnh van hai lá do thấp khớp nhưng không bị rung nhĩ. 

Chống chỉ định

  • Bệnh nhân có bệnh lý dễ dẫn đến xuất huyết (xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, tiền sử xuất huyết các tạng,...)
  • Bệnh lý về tim: tràn dịch màng tim, viêm màng ngoài tim, viêm nội tâm mạc bán cấp
  • Nghiện rượu
  • Suy gan nặng

Tác dụng phụ

Warfarin có một số đặc tính cần lưu ý khi sử dụng trong y tế, bao gồm khả năng đi qua hàng rào nhau thai khi mang thai, có thể dẫn đến chảy máu thai nhi, sảy thai tự nhiên, sinh non, thai chết lưu và tử vong sơ sinh. Các tác dụng phụ khác như hoại tử, hội chứng ngón chân tím, loãng xương, vôi hóa van và động mạch và tương tác thuốc cũng đã được ghi nhận khi sử dụng warfarin.

Chế phẩm và liều dùng

Chế phẩm có chứa Warfarin
Chế phẩm có chứa Warfarin

Bắt đầu với liều thấp: uống 5-10mg/ngày. Sau đó điều chỉnh liều dược vào chỉ số PT Prothrombin time và chỉ số INR.

Warfarin được biết đến với tên biệt dược gốc là Coumadin với hàm lượng 5mg được bào chế dưới dạng viên nén. Tuy nhiên sản phẩm này tương đối khó mua tại Việt Nam, bạn có thể thay bằng một trong những sản phẩm sau với cùng hoạt chất, dạng bào chế với hàm lượng thích hợp: Warfarin 1 SPM, Warfarin 2 SPM, Warfarin 5 SPM,...

4.1.2.2 Acenocoumarol (Sintrom, Tegrucil-1,...)

Thuốc chống đông máu Acenocoumarol là một loại dẫn xuất coumarin được sử dụng như một thuốc chống đông máu để phòng ngừa các bệnh tắc mạch do huyết khối trong nhồi máu và các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, cũng như để kiểm soát huyết khối tĩnh mạch sâu và nhồi máu cơ tim.

Dược động học

  • Hấp thu nhanh qua đường uống với sinh khả dụng lớn hơn 60%. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được từ 1 đến 3 giờ sau khi uống.
  • 98,7% liên kết với protein, chủ yếu là albumin
  • Chuyển hóa mạnh qua gan. Thải trừ chủ yếu qua thận dưới dạng chất chuyển hóa với thời gian bán thải 8 - 11h.

Cơ chế tác dụng

Acenocoumarol ức chế enzyme khử vitamin K là vitamin K reductase, dẫn đến làm cạn kiệt dạng khử của vitamin K (vitamin KH2). Vì vitamin K là đồng yếu tố cho quá trình carboxyl hóa các gốc glutamate trên vùng đầu N của các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K, điều này hạn chế quá trình carboxyl hóa gamma và tổng hợp protein tiền thân của các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K (bao gồm yếu tố II, VII, IX, X và các protein chống đông máu C, S). Khi các yếu tố này bị ức chế dẫn đến giảm nồng độ prothrombin và giảm lượng thrombin được tạo ra và liên kết với fibrin. Điều này làm giảm khả năng tạo huyết khối của cục máu đông.

Chỉ định

  • Điều trị và phòng ngừa các bệnh huyết khối. Cụ thể hơn, Acenocoumarol được chỉ định để phòng ngừa tắc mạch não, huyết khối tĩnh mạch sâu, tắc mạch phổi, tắc mạch huyết khối trong nhồi máu và các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua. 
  • Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu và nhồi máu cơ tim.

Tác dụng phụ

  • Chảy máu là tác dụng không mong muốn thường gặp nhất, có thể xảy ra trên mọi vị trí, cơ quan trên cơ thể.

Chống chỉ định

  • Bất kỳ rối loạn máu nào làm tăng nguy cơ xuất huyết.
  • Tăng huyết áp (nặng).
  • Suy gan nặng, suy thận nặng với mức lọc cầu thận < 20ml. 
  • Tai biến mạch máu não (trừ trường hợp nghẽn mạch ở nơi khác).
  • Giãn tĩnh mạch thực quản.
  • Trong vòng 48 giờ sau khi sinh không dùng Acenocoumarol.

Chế phẩm và liều dùng

Một số thuốc chống đông đường uống chứa Acenocoumarol
Một số thuốc chống đông đường uống chứa Acenocoumarol

Liều dùng:

  • Ngày đầu tiên: 4 mg/ngày
  • 2-4 ngày tiếp theo: 4-8 mg/ngày
  • Liều duy trì: 1-8 mg/ngày

Sintrom là sản phẩm được biết đến nhiều nhất có chứa hoạt chất Acenocoumarol do hãng dược phẩm Novartis sản xuất. Giá thuốc chống đông máu sintrom 4mg vào khoảng 400.000đ/hộp 30 viên. Bên cạnh đó cũng có nhiều sản phẩm khác có chứa thành phần hoạt chất với hàm lượng Acenocoumarol khác nhau như: Acenocoumarol-VNP 1, Tegrucil-1, Azenmarol 4mg,...

=>> Xem thêm thông tin chi tiết về thuốc: Thuốc chống đông Sintrom 4mg: chỉ định và cách dùng

4.1.3 Thuốc kháng đông máu thế hệ mới

Hiện nay, những tiến bộ trong lĩnh vực y học đã mang đến một số loại thuốc chống đông mới được sử dụng thông qua đường uống, ức chế trực tiếp hoạt động của các yếu tố đông máu. Các loại thuốc này bao gồm: thuốc Dabigatran (Pradaxa 75mg, Pradaxa 110mg hay Pradaxa 150mg) ức chế yếu tố IIa hoạt hoá hay hai thuốc Rivaroxaban (Xarelto 15mg, Xelostad 10, Abmuza 15mg,...) và Apixaban (Eliquis 2.5mg, Eliquis 5mg,...) ức chế sự hoạt động của yếu tố Xa. 

=>> Bạn đọc tìm hiểu thêm về thông tin thuốc: Thuốc kháng đông máu Pradaxa 150mg: tác dụng và lưu ý sử dụng.

Thuốc kháng đông máu thế hệ mới
Thuốc kháng đông máu thế hệ mới

Ưu điểm

Sử dụng các loại thuốc chống đông thông qua đường uống mới này mang lại nhiều lợi ích. Chúng dễ dùng, không yêu cầu điều chỉnh liều dùng và không cần giám sát các chỉ số sinh học trong quá trình điều trị. Điều này giúp giảm bớt những hạn chế của việc sử dụng thuốc kháng vitamin K, như việc theo dõi chặt chẽ các chỉ số sinh học để cân nhắc liều dùng và nguy cơ tương tác với thực phẩm hoặc các loại thuốc khác, gây tác dụng không mong muốn hoặc giảm hiệu quả điều trị.

Nhược điểm

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị bằng nhóm thuốc này vẫn tồn tại nguy cơ xuất huyết, do đó cần có sự theo dõi của bác sĩ. 

Việc không giám sát các chỉ số sinh học cũng làm khó khăn trong việc phát hiện quá liều.

Hơn nữa, khác với heparin hay thuốc kháng vitamin K, hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho các loại thuốc chống đông đường uống mới.

Chỉ định

Thuốc kháng đông thế hệ mới được sử dụng trong điều trị và dự phòng huyết khối tĩnh mạch, thuyên tắc phổi hay sau phẫu thuật thay khớp hoặc dự phòng đột quỵ tại bệnh nhân có tiền sử đột quỵ hoặc rung nhĩ,...

=>> Xem thêm về cách sử dụng thuốc hiệu quả tại: Thuốc Xarelto 10mg: tác dụng, cách dùng và lưu ý sử dụng

4.1.4 Sử dụng thuốc chống đông trong một số trường hợp cụ thể

Dự phòng trong sản khoa

  • Nếu phụ nữ đang dùng thuốc chống đông kháng Vitamin K theo đường uống thì nên ngừng sử dụng ngay khi biết mình mang thai và chuyển sang sử dụng những thuốc thuộc nhóm heparin trọng lượng phân tử thấp với liều điều trị.
  • Sau khi tiêm thuốc chống đông heparin trọng lượng phân tử thấp trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu có thể tiếp tục dự phòng bằng thuốc kháng huyết khối theo đường uống (nhóm kháng vitamin K) kéo dài tới trước sinh 2 tuần.
  • Liều dùng của thuốc kháng đông phòng tránh huyết khối tĩnh mạch ở sản khoa.
  • Dựa vào cân nặng của bệnh nhân để bác sĩ cân nhắc liều Heparin trọng lượng phân tử thấp.
Sử dụng thuốc chống đông dự phòng trong sản khoa
Sử dụng thuốc chống đông dự phòng trong sản khoaNhãn

Sử dụng thuốc chống đông máu ở bệnh nhân Covid

Tình trạng rối loạn đông máu trong Covid-19 chủ yếu là tình trạng tăng đông, do đó điều trị chống đông là điều trị cơ bản và quan trọng nhất trong điều trị rối loạn đông máu ở bệnh nhân Covid-19.

Thuốc chống đông được ưu tiên để điều trị là Heparin trọng lượng phân tử thấp (Enoxaparin), với bệnh nhân lọc máu hoặc suy thận có thể chuyển sang dùng Heparin tiêu chuẩn (Heparin không phân đoạn). Nếu bệnh nhân không dùng được nhóm Heparin, có thể chuyển sang dùng thuốc chống đông đường uống trực tiếp (DOAC).

Dựa trên lâm sàng và xét nghiệm để lựa chọn liều dự phòng hoặc liều điều trị thích hợp

Liều dự phòng 

ThuốcMức lọc cầu thậnLiều chuẩnLiều tăng cườngĐường dùng
Heparin tiêu chuẩn 5000 UI x 27500 UI x 2Tiêm dưới da
Enoxaparin> 30 ml/phút
< 30 ml/phút
40 mg x 1
30 mg x 1
0,5 mg/kg x 2
0,5 mg/kh x 1
Tiêm dưới da
Rivaroxapan> 30 ml/phút
15-30 ml/phút
10-20 mg x 1
15 mg x1
 Uống
Dabigatran> 30 ml/phút
15-30 ml/phút
220 mg x 1
75 mg x 1
 Uống

Liều điều trị

ThuốcMức lọc cầu thậnLiều dùngĐường dùng
Heparin tiêu chuẩn 250 UI/kh x 2
80 UI/kg (blous) => 18 UI/kg
Tiêm dưới da
Tiêm tĩnh mạch
Enoxaoarin> 30 ml/phút
< 30 ml/phút
1 mg/kg x 2
1 mg/kg x 1
Tiêm dưới da
Rivaroxapan> 30 ml/phút
15-30 ml/phút
15 mg x 2
15 mg x 1
Uống
Dabigatran> 30 ml/phút
15-30 ml/phút
150 mg x 2
75 mg x 2
Uống
Acenocoumarin INR: 2-3 

Chống chỉ định

Sử dụng thuốc chống đông máu ở bệnh nhân Covid
Sử dụng thuốc chống đông máu ở bệnh nhân Covid

Không sử dụng thuốc chống đông máu nếu bệnh nhân có một trong những yếu tố sau: bệnh nhân đang có chảy máu, mới xuất huyết não, Fibrinogen < 0,5 g/l, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cấp.

Thận trọng dùng thuốc chống đông nếu bệnh nhân có một trong những yếu tố sau: điểm đánh giá nguy cơ chảy máu HAS-BLED ≥ 3, số lượng tiểu cầu < 25G/l.

Thời gian điều trị

Việc sử dụng thuốc chống đông được tiếp tục cho đến khi tình trạng lâm sàng của bệnh nhân ổn định hoặc kết quả xét nghiệm D’Dimer giảm xuống dưới 2 lần và quyết định tiếp tục duy trì chế độ chống đông sau khi bệnh nhân xuất viện sẽ dựa trên nguy cơ hình thành huyết khối.

4.2 Thuốc chống kết tập tiểu cầu - kháng đông máu

4.2.1 Cơ chế tác dụng của thuốc chống kết tập tiểu cầu:

Hiện tượng kết tập tiểu cầu: Tiểu cầu có khả năng làm đông máu. Khi thành mạch bị tổn thương, tiểu cầu sẽ tới đó, hoạt hoá và bám vào các sợi Collagen để phủ vết thương và giải phóng các yếu tố khiến Fibrin gắn vào tiểu cầu, làm chúng kết tập và tạo cục máu đông.

Cơ chế tác dụng: thuốc ức chế hoạt động của Cyclooxygenase của tiểu cầu gây giảm tổng hợp Thromboxan A2 nên có tác dụng đông máu.

4.2.2 Một số thuốc chống kết tập tiểu cầu tiêu biểu như:

4.2.2.1 Aspirin (Aspilets EC, Aspirin - 100 Traphaco,...)

Aspirin, hay còn gọi là Acid Acetylsalicylic, không chỉ có tác dụng giảm đau, hạ sốt và chống viêm, mà còn có tác dụng chống kết tập tiểu cầu và giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch.

Dược động học

  • Khi uống, Aspirin được hấp thu nhanh chóng ở cả dạ dày và ruột non
  • Nồng độ salicylate trong huyết tương đạt đỉnh trong khoảng 1-2 giờ sau khi dùng thuốc.
  • 50% đến 90% nồng độ điều trị bình thường của salicylate (chất chuyển hóa chính của Aspirin) liên kết với protein huyết tương, đặc biệt là albumin.
  • Sự bài tiết salicylat xảy ra chủ yếu qua thận.
  • Thời gian bán hủy của salicylate nằm trong khoảng từ 3,5 đến 4,5 giờ.

Cơ chế tác dụng

Trong màng tiểu cầu có chứa nhiều enzyme COX-1 giúp chuyển hóa acid arachidonic thành thromboxan A2 (TXA2) có tác dụng hoạt hóa và kết tập tiểu cầu. Nhưng nội mạc mạch máu cũng rất giàu COX-1 và prostacyclin synthetase, là enzym tổng hợp PGI2 có tác dụng cô lập với TXA2. Vì vậy bình thường tiểu cầu lưu thông trong mạch máu mà không bị đông vón. Aspirin ức chế enzyme COX-1 làm mất tác dụng của enzyme dẫn đến giảm tổng hợp TXA2 của tiểu cầu làm tiểu cầu không kết tập được. Một liều thấp Aspirin khoảng 40-100mg/ngày có thể ức chế không phục hồi enzyme COX trong 7-10 ngày (một chu kỳ sống của tiểu cầu). 

Chỉ định

Aspirin cũng được chỉ định cho nhiều mục đích khác do khả năng ức chế kết tập tiểu cầu. Bao gồm:

  • Giảm nguy cơ tử vong do tim mạch ở những trường hợp nghi ngờ nhồi máu cơ tim (MI ) .
  • Giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim không gây tử vong lần đầu ở bệnh nhân và giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong ở những trường hợp đau thắt ngực không ổn định và ở những người đã bị nhồi máu cơ tim trước đó .
  • Để giảm nguy cơ xảy ra các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) và ngăn ngừa nhồi máu não do xơ vữa huyết khối (kết hợp với các phương pháp điều trị khác).
  • Để ngăn ngừa huyết khối tắc mạch sau phẫu thuật thay khớp háng .
  • Để giảm sự kết dính của tiểu cầu với tiểu cầu sau phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh, hỗ trợ ngăn ngừa các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA ) .
  • Được sử dụng cho những bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo có chèn ống thông động tĩnh mạch bằng Cao Su Silicon để ngăn ngừa huyết khối tại vị trí đặt

Chống chỉ định

  • Hết sức thận trọng khi phối hợp Aspirin với thuốc ức chế chống kết tập tiểu cầu khác và thuốc chống đông máu như Heparin và dẫn xuất coumarin.

Tác dụng phụ

  • Tác dụng không mong muốn phổ biến nhất của Aspirin cũng như nhóm NSAIDs nói chung là liên quan đến hệ tiêu hóa (nôn, buồn nôn, loét dạ dày tá tràng,...), thần kinh (mệt mỏi) và cầm máu (thiếu máu tan máu).

Chế phẩm và liều dùng

Chế phẩm có chứa hoạt chất Aspirin
Chế phẩm có chứa hoạt chất Aspirin

Phòng và điều trị huyết khối động - tĩnh mạch với liều thông thường 75 - 100mg/ngày. Trong một số trường hợp cấp tính có thể sử dụng một liều tải duy nhất < 325mg, sau đó duy trì bằng chế độ liều thông thường.

Có nhiều sản phẩm chứa hoạt chất Aspirin với hàm lượng 81mg (thuốc chống đông máu Aspirin 81mg)có sẵn trên thị trường, bao gồm: Aspilets EC, Aspirin - 100 Traphaco, Aspirin STELLA 81mg,... 

=>> Bạn đọc xem thêm về liều dùng thuốc Aspirin Stada 81mg: Thuốc Aspirin STADA 81mg: Công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng.

Ngoài ra, có một số sản phẩm là sự kết hợp giữa Aspirin hàm lượng 100mg và Clopidogrel hàm lượng 75mg, nhằm mục đích làm tăng tác dụng chống đông máu. Một số sản phẩm này bao gồm: Clopias USP, DuoPlavin 75mg/100mg,...

4.2.2.2 Clopidogrel (Duoplavin, Plavix)

Clopidogrel đã được FDA chấp thuận vào ngày 17 tháng 11 năm 1997.

Clopidogrel là thuốc chống kết tập tiểu cầu được sử dụng để ngăn ngừa cục máu đông trong bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh động mạch vành và bệnh mạch máu não.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng Clopidogrel vượt trội hơn Aspirin trong việc giảm nguy cơ biến chứng tim mạch ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch và mang lại lợi ích bổ sung cho những bệnh nhân mắc hội chứng mạch vành cấp tính đã sử dụng Aspirin.

Clopidogrel cũng được ưu tiên sử dụng hơn so với Ticlopidin do nó có ít tác dụng phụ hơn. 

Dược động học

  • Liều uống clopidogrel 75 mg được hấp thu 50% qua ruột.
  • Clopidogrel đều liên kết với protein huyết tương với tỷ lệ 98%.
  • 85-90% liều uống trải qua quá trình chuyển hóa lần đầu ở gan thành chất chuyển hóa axit cacboxylic không hoạt tính. 
  • Clopidogrel được thải trừ qua cả nước tiểu và phân.
  • Thời gian bán hủy của clopidogrel là khoảng 6 giờ

Cơ chế tác dụng

Clopidogrel được chuyển hóa thành chất có hoạt tính nhờ carboxylesterase-1. Đây là chất ức chế chọn lọc lên tiểu cầu liên kết với thụ thể P2Y 12 ADP trên tiểu cầu. Liên kết này ngăn cản ADP liên kết với thụ thể P2Y 12 , kích hoạt phức hợp glycoprotein GP IIb/IIIa và kết tập tiểu cầu. 

Chỉ định

  • Clopidogrel được chỉ định để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim cho bệnh nhân mắc hội chứng mạch vành cấp tính không ST chênh lên (ACS), bệnh nhân nhồi máu cơ tim ST chênh lên và trong bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc bệnh động mạch ngoại biên đã được xác định gần đây.
  • Phối hợp với Aspirin để dự phòng sau can thiệp mạch vành, hội chứng mạch vành cấp.

Chống chỉ định

  • Mẫn cảm với Clopidogrel
  • Đang có bệnh lý có tình trạng chảy máu (chảy máu nội sọ hay loét dạ dày-tá tràng,...)

Tác dụng phụ

  • Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất của Clopidogrel là xuất huyết (ở bất kỳ vị trí nào). 
  • Ngoài ra có khoảng 27% người dùng có báo cáo xảy ra rối loạn tiêu hóa sau dùng thuốc (chán ăn, đau bụng, nôn,...).

Chế phẩm và liều dùng

Chế phẩm có chứa Clopidogrel
Chế phẩm có chứa Clopidogrel

Liều dùng:

  • Uống liều duy nhất 75mg/ngày để dự phòng kết tập tiểu cầu.
  • Trong trường hợp đau thắt ngực thể không ổn định có thể dùng một liều tải 300mg sau đó duy trì liều hàng ngày 75mg.

Clopidogrel được sản xuất dưới các tên thương hiệu khác nhau, trong đó được biết đến nhiều nhất là Plavix với hàm lượng 75 Clopidogrel. Giá loại thuốc chống đông máu này vào khoảng 350.000đ/hộp 1 vỉ x 14 viên. 

Ngoài ra, còn có một số sản phẩm khác chứa cùng hoạt chất, hàm lượng và dạng bào chế khác như: Clopimed 75mg, Ucyrin 75mg, Meprostat 75mg,...

=>> Xem thêm về cách dùng thuốc tại: Thuốc Plavix 75mg: công dụng, cách dùng và giá bán. 

Một số thuốc chống kết tập tiểu cầu tiêu biểu
Một số thuốc chống kết tập tiểu cầu tiêu biểu

5 Thuốc tác động lên quá trình tiêu Fibrin

5.1 Thuốc chống tiêu Fibrin - cầm máu

Ở một số bệnh nhân bị các bệnh như rối loạn đông máu, tiêu Fibrin cấp, tăng Plasmin trong máu, tình trạng tiêu Fibrin nhanh quá dẫn tới xuất huyết trầm trọng.

Cơ chế tác dụng chung

Có hai loại thuốc chống tiêu Fibrin với cơ chế tác dụng khác nhau:

  • Thuốc ức chế Protease: thuốc chống tiêu Fibrin bằng cơ chế gắn với Plasmin và vô hiệu hoá tác dụng của nó. Tuy nhiên, thuốc chỉ sử dụng được bằng đường tiêm vì đường uống gây mất tác dụng của thuốc.
  • Thuốc tổng hợp có tác dụng chống tiêu Fibrin: chúng sử dụng cơ chế ức chế hoạt động của Plasmin lên Fibrin và ức chế sự hoạt hoá của Plasminogen nên Fibrin không tiêu nhanh.

Chỉ định chung

Thuốc chống tiêu Fibrin được sử dụng trong dự phòng xuất huyết sau phẫu thuật tạo hình, cắt bỏ tuyến tiền liệt, tiêu Fibrin cấp, phẫu thuật vùng tai, mũi, họng và thiếu Fibrin nguyên phát.

Hiện có một số thuốc chống tiêu fibrin đang được sử dụng trên lâm sàng để cầm máu:

5.1.1 Aprotinin (Trasylol, Aprosol,...)

Dược động học

  • Aprotinin thải qua nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa không còn hoạt tính, do đó không dùng Aprotinin để chống tiêu fibrin đường tiết niệu. 
  • Thời gian bán thải khá ngắn khoảng 150 phút sau khi tiêm
  • Chỉ sử dụng tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch với liều lượng tùy thuốc vào chỉ định

Chỉ định và liều dùng

  • Phòng chảy máu khi phẫu thuật tim mở liều 2.000.000 IU
  • Chảy máu do tăng plasmin máu khởi đầu 500.000 - 1.000.000 IU
  • Tuy nhiên, hiện nay ít được sử dụng do có tỷ lệ gây suy thận, suy tim và tử vong cao.

Chế phẩm thường gặp

Thuốc Aprosol - chống tiêu Fibrin: có chứa hoạt chất chính là Aprotinin có tác dụng dự phòng chảy máu ở một số bệnh nhân bị tiêu Fibrin cấp, rong huyết, cắt bỏ tuyến tiền liệt,...

5.1.2 Acid tranexamic (Transamin, Cyklokapron,...)

Dược động học

  • Sinh khả dụng đường uống đạt khoảng 35% và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.
  • Sau khi uống liều 1,5g thì sau 3 giờ thuốc đạt nồng độ đỉnh
  • Sau khi tiêm tĩnh mạch, thời gian bán thải khoảng 2 giờ
  • 95% liều thuốc được thải trừ qua thận vào nước tiểu dưới dạng không đổi

Cơ chế tác dụng

Acid tranexamic là đồng đẳng và có tính chất, tác dụng giống Acid aminocaproic nhưng tác dụng chống phân hủy fibrin mạnh hơn 10 lần Acid aminocaproic đối với sự phân hủy fibrin gây ra bởi urokinase hoặc chất hoạt hóa plasminogen của mô.

Chỉ định và liều dùng

  • Dùng trong thời gian ngắn để đề phòng và điều trị ở người bệnh có nguy cơ cao chảy máu trong và sau khi phẫu thuật.
  • Liều dùng tùy theo chỉ định và tình trạng của bệnh nhân, trung bình có thể uống 2-4g/ngày, chia làm 3 lần hoặc tiêm tĩnh mạch 1-1,5g/ngày chia làm 3-4 lần.

Chế phẩm thường gặp

Một số thuốc chống tiêu Fibrin
Một số thuốc chống tiêu Fibrin

Transamin Tab.500mg hay thuốc Medisamin 500mg: có chứa hoạt chất chính là Acid Tranexamic được sử dụng trong điều trị xuất huyết bất thường trong và sau phẫu thuật, sản khoa hay phẫu thuật tuyến tiền liệt, tan huyết do lao phổi, chảy máu cam, chảy máu thận,...

=>> Bạn đọc xem thêm thông tin thuốc cụ thể tại: Thuốc  Medisamin 500mg: Cách dùng và lưu ý sử dụng

5.2 Thuốc làm tiêu Fibrin - chống đông máu

Cơ chế tác dụng

Plasmin có tác dụng tiêu huỷ các sợi Fibrin khiến máu không đông lại được. Tuy nhiên, trong cơ thể người ở trạng thái bình thường chỉ có dạng Plasminogen chưa được hoạt hoá. Trong điều kiện nhất định, Plasminogen được hoạt hoá thành Plasmin làm tiêu Fibrin và Fibrinogen.

Thuốc làm tiêu Fibrin
Thuốc làm tiêu Fibrin

Các thuốc chống đông máu bằng cách làm tiêu Fibrin khiến cục máu đông cũng bị tan theo và mạch máu được thông, huyết khối không còn bám tại các cơ quan của cơ thể.

Chỉ định chung

  • Điều trị cho bệnh nhân bị huyết khối tại động mạch ở tay, chân gây tắc, huyết khối tĩnh mạch sâu, nhồi máu cơ tim, huyết khối mạch vành cấp, tắc mạch phổi,...
  • Ngoài ra, thuốc còn được sử dụng để điều trị tắc ống dẫn do mủ, viêm mủ màng phổi, huyết khối ở màng phổi, khớp xương,...

5.2.1 Streptokinase (Streptase)

Dược động học

  • Thuốc bị chuyển hóa và thải trừ qua thận
  • Thời gian bán thải khá ngắn, sau khi tiêm tĩnh mạch với liều thấp là khoảng 18 phút. Nhưng có thể lên tới 83 phút nếu tiêm liều cao hoặc liều thấp kéo dài. 

Liều dùng

  • Huyết khối động mạch vành và nhồi máu cơ tim: truyền tĩnh mạch 1.500.000 IU trong vòng 60 phút
  • Tắc nghẽn mạch phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu, huyết khối và tắc động mạch: truyền tĩnh mạch 250.000 IU trong 30 phút

Chế phẩm thường gặp

Thuốc chống đông Streptase 1.500.000: có chứa hoạt chất chính là Streptokinase, được chỉ định trong điều trị bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi. 

5.2.2 Urokinase (Abbokinase)

Dược động học

  • Urokinase được truyền qua đường tiêm tĩnh mạch nên sinh khả dụng cao.
  • Urokinase bị chuyển hóa ở gan và được được đào thải qua mật và nước tiểu.
  • Thời gian bán thải khoảng 15 - 20 phút.

Liều dùng

Thuốc chỉ được tiêm tĩnh mạch, liều khởi đầu 1.000 - 4.500 IU/kg sau đó duy trì 4.400 IU/h

Chế phẩm thường gặp

Thuốc làm tiêu cục máu đông Urokinase: được chỉ định trong điều trị huyết khối động mạch vành, làm tan máu đông là nguyên nhân gây nghẽn mạch phổi hay điều trị huyết khối tĩnh mạch.

6 Tài liệu tham khảo

  1. Sách dược lý học tập 2, Nhà xuất bản Y học, 2007, trang 113 - 129.
  2. Dược thư quốc gia Việt Nam, Hà Nội, 2017, trang 388 - 412.
  3. Giáo trình Dược lý học, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, 2020, trang 314 - 337.
  4. K McGrath (Đăng tháng 12 năm 1989), Treatment of anaemia caused by iron, vitamin B12 or folate deficiency, NCBI. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2023. 
  5. Michael Alleyne MD và cộng sự (Đăng tháng 11 năm 2008), Individualized Treatment for Iron-deficiency Anemia in Adults, ScienceDirect. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2023. 
  6. Bệnh viện Bạch Mai (2022). Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa, Chương 12 Huyết học - Truyền máu, Rối loạn đông máu trong Covid (Trang 1243 - 1245). Nhà xuất bản Y học.
  7. Melinda Phang và cộng sự (Đăng tháng 3 năm 2011), Diet and Thrombosis Risk: Nutrients for Prevention of Thrombotic Disease, ResearchGate. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2023)
  8. Chuyên gia của ACOG (Đăng tháng 7 năm 2018), Thromboembolism in Pregnancy, ACOG. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2023

 

Xem thêm chi tiết

Có tổng: 187 sản phẩm được tìm thấy

Apixaban Tablets 5mg Zydus
Apixaban Tablets 5mg Zydus
Liên hệ
Apixaban Tablets 2.5mg Zydus
Apixaban Tablets 2.5mg Zydus
Liên hệ
Rivaxored 10mg
Rivaxored 10mg
Liên hệ
Thromboreductin 0,5mg
Thromboreductin 0,5mg
Liên hệ
Calci Folinat 100mg/10ml Dược phẩm Minh Dân
Calci Folinat 100mg/10ml Dược phẩm Minh Dân
Liên hệ
Hemlibra 60mg/0,4ml
Hemlibra 60mg/0,4ml
Liên hệ
Folinato 50mg
Folinato 50mg
Liên hệ
Elbonix 25mg
Elbonix 25mg
Liên hệ
Calcium Folinate 100mg/10ml Hospira
Calcium Folinate 100mg/10ml Hospira
Liên hệ
Anagrelide Biogaran 0,5mg
Anagrelide Biogaran 0,5mg
Liên hệ
Waki Power HLP
Waki Power HLP
950.000₫
Nunley-5
Nunley-5
Liên hệ
Apiban 5mg
Apiban 5mg
595.000₫
Bổ Máu Rubina
Bổ Máu Rubina
250.000₫
Gemapaxane 6000 IU/0.6 ml
Gemapaxane 6000 IU/0.6 ml
785.000₫
Heparine Sodique 5000UI/ml Panpharma
Heparine Sodique 5000UI/ml Panpharma
Liên hệ
Ospolot 250
Ospolot 250
Liên hệ
Cadigrel 75mg
Cadigrel 75mg
Liên hệ
* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 5 Thích

    tôi đang mang thai uống aspirin được không?


    Thích (5) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • LN
    Điểm đánh giá: 5/5

    Mình đã mua thuốc tại Trung Tâm Thuốc lần này lần thứ 2, và cảm thấy cực hài lòng và yên tâm. Cách mua hàng đơn giản, dược sĩ tận tình, chuyên môn tốt. Cảm ơn nhà thuốc nhiều nhé, mình sẽ ủng hộ trong các lần tiếp theo.

    Trả lời Cảm ơn (4)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633