Thuốc gây tê/mê là gì? Các nhóm thuốc gây tê/mê được sử dụng trong lâm sàng
Trungtamthuoc.com- Thuốc gây mê hay thuốc gây tê là thuốc đóng vai trò quan trọng trong các ca phẫu thuật hoặc các tiểu phẫu y tế, giúp cho người bệnh mất cảm giác đau hoặc nhận thức tạm thời, nhờ đó ca phẫu thuật hoặc tiểu phẫu mới diễn ra. Vậy đâu là những thuốc gây tê/mê được sử dụng? Cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu qua bài viết sau.
1 Thuốc gây mê
1.1 Một vài nét về thuốc gây mê
1.1.1 Khái niệm
Thuốc gây mê tiếng anh là Anesthetic, là thuốc được sử dụng giúp ức chế có hồi Phục Thần kinh trung ương, từ đó làm gián đoạn quá trình cảm giác và nhận thức. Thuốc mê thường được sử dụng trong quá trình phẫu thuật hoặc các thủ thuật y tế khác.
Vậy thuốc mê có tác dụng mấy tiếng? Thuốc mê có tác dụng sau 1-2 phút sau khi đưa thuốc vào cơ thể, và tác dụng trong khoảng 30-120 phút tùy thuộc vào ca phẫu thuật.
1.1.2 Tiêu chuẩn của một thuốc mê tốt
Một thuốc gây mê lý tưởng cần đáp ứng nhiều yêu cầu khác nhau để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình phẫu thuật. Dưới đây là một số đặc điểm quan trọng mà một thuốc gây mê nên có:
- Hiệu quả gây mê mạnh mẽ: Thuốc cần có khả năng gây mê đủ mạnh để đảm bảo bệnh nhân không cảm nhận đau trong suốt quá trình phẫu thuật.
- Tác dụng nhanh và êm dịu: Đặc tính này giúp giảm thiểu thời gian cần thiết để bệnh nhân bắt đầu cảm nhận tác dụng của thuốc, đồng thời giảm nguy cơ phản ứng phụ không mong muốn.
- Hồi tỉnh nhanh: Khi phẫu thuật kết thúc, thuốc cần cho phép bệnh nhân hồi tỉnh một cách nhanh chóng và mượt mà mà không gây ra tác dụng kéo dài.
- Mất phản xạ và giãn cơ hiệu quả: Thuốc cần có khả năng làm mất phản xạ và giãn cơ đủ để phẫu thuật diễn ra mà không gặp khó khăn.
- Không ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tuần hoàn: Thuốc không nên tạo ra tác dụng phụ lớn đối với hệ thống hô hấp và tuần hoàn của bệnh nhân.
- Ổn định và dễ kiểm soát: Thuốc cần có đặc tính ổn định, dễ kiểm soát liều lượng và tác dụng, giúp bác sĩ mổ có khả năng kiểm soát tốt quá trình phẫu thuật.
- An toàn và ít tác dụng phụ: Thuốc gây mê cần đảm bảo an toàn tối đa và ít tác dụng phụ đáng kể.
1.1.3 Cơ chế tác dụng của thuốc gây mê
Thuốc gây mê hoạt động dựa trên cơ chế ức chế trao đổi ion Na+ qua màng làm ngăn cản khử cực màng, dẫn đến ức chế dẫn truyền thần kinh, ức chế sự kích thích của tế bào thần kinh bằng cách ngăn chặn sự giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh trước synap như acid glutamic. Nó cũng có thể hoạt động bằng cách kích thích trực tiếp receptor GABAa hoặc làm tăng dòng Cl- vào tế bào gây ức chế dẫn truyền thần kinh.
1.1.4 Các giai đoạn gây mê
Các giai đoạn gây mê dựa trên phân loại của Guedel
Giai đoạn 1 - Giảm đau hoặc mất phương hướng: Giai đoạn này thường được mô tả là “giai đoạn cảm ứng”. Bệnh nhân được an thần nhưng vẫn trò chuyện. Hơi thở chậm và đều đặn. Ở giai đoạn này, bệnh nhân tiến triển từ giảm đau không mất trí nhớ sang giảm đau kèm theo mất trí nhớ. Giai đoạn này kết thúc bằng việc mất ý thức.
Giai đoạn 2 - Hưng phấn hoặc Mê sảng: Giai đoạn này được đánh dấu bằng các đặc điểm như mất kiềm chế, mê sảng, cử động không kiểm soát, mất phản xạ lông mi, tăng huyết áp và nhịp tim nhanh. Phản xạ đường thở vẫn còn nguyên trong giai đoạn này Nên tránh thao tác đường thở trong giai đoạn gây mê này, bao gồm cả việc đặt và tháo ống nội khí quản. Ở giai đoạn này có nguy cơ co thắt thanh quản cao hơn, tình trạng này có thể trở nên trầm trọng hơn do bất kỳ thao tác đường thở nào. Do đó, sự kết hợp của các cử động co cứng, nôn mửa và nhịp thở nhanh, không đều có thể làm tổn thương đường thở của bệnh nhân. Các yếu tố tác dụng nhanh giúp giảm thời gian ở giai đoạn 2 càng nhiều càng tốt và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển sang giai đoạn 3.
Giai đoạn 3 – Gây mê phẫu thuật: Đây là mức độ gây mê mục tiêu cho các thủ thuật cần gây mê toàn thân. Ngừng cử động của mắt và suy hô hấp là những đặc điểm nổi bật của giai đoạn này. Thao tác đường thở là an toàn ở mức độ này.
Giai đoạn 4 - Quá liều gây liệt hành tủy: Giai đoạn này xảy ra khi sử dụng quá nhiều thuốc gây mê so với lượng kích thích phẫu thuật, dẫn đến tình trạng tim đập chậm, yếu, rối loạn hô hấp, có thể gây ngừng tim. Cơ xương mềm nhũn, đồng tử cố định và giãn ra ở giai đoạn này. Nếu không có sự hỗ trợ về tim mạch và hô hấp, giai đoạn này sẽ gây tử vong. Do đó, mục tiêu của bác sĩ gây mê là chuyển bệnh nhân sang giai đoạn 3 của gây mê càng sớm càng tốt và giữ họ ở đó trong suốt thời gian phẫu thuật.
1.1.5 Gây mê có hại không?
Gây mê có hại không là câu hỏi thắc mắc của nhiều người. Bản thân của việc gây mê không có hại trong các ca phẫu thuật, vì nó đã được tính liều kỹ lưỡng và sẽ được thải trừ hoàn toàn ra khỏi cơ thể sau khi làm phẫu thuật. Tuy nhiên ở một số trường hợp hiếm gặp có thể xảy ra một số biến chứng như xẹp phổi, tăng thân nhiệt ác tính, mê sảng sau phẫu thuật
1.1.6 Phân loại thuốc gây mê
1.1.6.1 Thuốc gây mê đường hô hấp
Thuốc gây mê đường hô hấp là thuốc chủ yếu được sử dụng trong phòng mổ để gây mê toàn thân cho phẫu thuật. Chúng gồm có 2 dạng cơ bản là dạng chất khí (nitơ oxit) và dạng chất lỏng bay hơi (halothane, Isoflurane, desflurane và sevofluran). Khi hít vào thuốc gây mê qua mũi tới phổi, khuếch tán vào máu rồi đến thần kinh trung ương và gây tác dụng ức chế. Khi nồng độ thuốc gây mê ở thần kinh trung ương tới ngưỡng, trạng thái mê sẽ xuất hiện.
Cơ chế hoạt động chính xác của thuốc gây mê dạng hít hầu như vẫn chưa được biết rõ. Về cơ bản, thuốc gây mê dạng hít hoạt động trong hệ thần kinh trung ương bằng cách tăng tín hiệu đến các kênh clorua (thụ thể GABA) và kênh Kali trong khi làm suy giảm các đường dẫn truyền thần kinh. Những con đường này, bao gồm acetylcholine, cả thụ thể muscarinic và nicotinic, thụ thể glutamate hoặc NMDA và serotonin (thụ thể 5-HT).
Tiêu chuẩn vàng để đo hiệu lực là nồng độ phế nang tối thiểu (MAC), được định nghĩa là nồng độ phế nang tối thiểu của thuốc gây mê dạng hít làm mất vận động trên 50% bệnh nhân đối với một kích thích đau chuẩn. Giá trị MAC có thể giảm ở người cao tuổi.
Liều dùng của một số thuốc gây mê
Halothan: Liều khởi mê:1-2.5%, liều duy trì 0.5-1.5% (thường phối hợp với nitrogen oxyd và oxy)
Isofuran, Enfluran, Desflurane, Sevofluran: Liều duy trì 1-3% trong hỗn hợp oxy và nitrogen oxyd
Nitơ oxit thường dùng phối hợp với oxy với tỉ lệ nồng độ gây mê là 85%:15%. Vì Nitơ oxit có hoạt tính gây mê tương đối yếu, do đó ít dùng riêng rẽ mà thường phối hợp với các thuốc gây mê khác như Halothan, Isofuran, Enfluran, Desflurane, Sevofluran hoặc thuốc gây mê tĩnh mạch.
Tác dụng không mong muốn của các thuốc gây mê qua đường hô hấp
Một số tác dụng phụ của thuốc gây mê qua đường hô hấp bao gồm:
- Ho
- Hơi thở bị gián đoạn
- Nôn mửa, buồn nôn
- Thay đổi nhịp tim
- Suy tim
- Tiết nước bọt quá mức
- Lú lẫn, Đau đầu
- Suy gan
- Tim ngừng đập
- Làm mất độ bão hòa của máu
1.1.6.2 Thuốc gây mê đường tĩnh mạch
Thuốc gây mê tiêm tĩnh mạch (IV) là loại thuốc đặc biệt gây mê nhanh chóng vì chúng nhanh chóng đạt được nồng độ cao trong hệ thần kinh trung ương.
So với gây mê qua đường hô hấp, ưu điểm của gây mê tĩnh mạch là không gây ô nhiễm không khí, tránh nguy cơ cháy nổ trong phòng mổ và giúp người mổ trong phòng mổ không hít phải hơi thuốc mê độc hại. Tuy nhiên tác dụng giảm đau kém và dễ gây ức chế hô hấp. Do đó thuốc gây mê đường tĩnh mạch không thích hợp cho các ca phẫu thuật kéo dài.
Một số thuốc gây mê tiêm tĩnh mạch hiện nay là Thiopental, Propofol, Etomidate và Ketamin.
Cơ chế hoạt động
Thiopental , Propofol và Etomidate đều liên kết với thụ thể GABA A và làm tăng dòng Cl − vào tế bào thần kinh, dẫn đến giảm hoạt động của tế bào thần kinh. Còn Ketamine hoạt động như một chất đối kháng NMDA- một chất dẫn truyền thần kinh, dẫn đến giảm sự kích thích của các tế bào thần kinh trong não.
Liều dùng của thuốc gây mê tiêm tĩnh mạch
Chế phẩm | Liều dùng |
Thiopental (Pentothal) | Liều khởi mê: 50 đến 75 mg (2 đến 3 mL Dung dịch 2,5%), sau đó có thể tiêm tiếp. |
Liều khởi mê: 1.5 – 2.0mg/kg Liều duy trì mê: 3-12mg/kg/giờ | |
Etomidate (Amidate) | Liều khởi mê: 0.2-0.3 mg/kg Liều duy trì: 0.3 mg/kg |
Ketamin | Liều khởi mê: 1-4,5 mg/kg |
Tác dụng không mong muốn
Suy hô hấp: Trung tâm hô hấp bị ức chế do chất chủ vận GABA. Điển hình là bệnh nhân được dùng một liều đủ lớn để gây bất tỉnh và phát triển chứng ngưng thở (ngưng thở hoàn toàn). Vì lý do này, việc gây mê tĩnh mạch (bất kể liều lượng) phải luôn được thực hiện với sự có mặt của nhân viên y tế có kỹ năng hồi sức hô hấp và có sẵn thiết bị hồi sức hô hấp ngay lập tức.
Hạ huyết áp: Thuốc gây mê tiêm tĩnh mạch, đặc biệt là propofol, là thuốc ức chế cơ tim. Chúng làm giảm khả năng co bóp và thường làm giảm hoạt động của hệ thần kinh giao cảm
Gây nghiện: Tất cả các loại thuốc thuộc nhóm này đều gây nghiện về mặt tâm lý và gây ra sự phụ thuộc sinh lý, dung nạp và cai nghiện
Đau khi tiêm xảy ra khi dùng propofol và etomidate.
Sự ức chế tuyến thượng thận xảy ra với etomidate. Vì lý do này, etomidate không được sử dụng dưới dạng dịch truyền và thường chỉ được sử dụng dưới dạng một liều duy nhất.
1.1.7 Cảnh báo việc thuốc mê được bán tràn lan trên mạng và những hậu quả khó lường
Thuốc mê là nhóm thuốc kích thích thần kinh cực mạnh, chỉ được sử dụng trong các phẫu thuật hoặc các thủ thuật y tế và cần có sự giám sát của bác sĩ, tuy nhiên hiện nay trên nhiều loại thuốc mê được mua bán tràn lan trên mạng với các tác dụng ‘thần thánh’ như ngủ sâu sau 2-3 tiếng hoặc sử dụng thuốc mê cho những mục đích xấu khác như cướp tài sản của người khác.
Các thuốc mê được bán trên thị trường với các tên như: Thuốc mê 2 tiếng, thuốc xịt gây mê, thuốc mê dạng nước. Thành phần của những thuốc này thường là Ketamin, Halothan, Isofluran hoặc Nito oxit. Hậu quả sử dụng có thể gây ra mất nhận thức, mê sảng, quá liều sẽ dẫn đến sốc thuốc, thậm chí là tử vong.
Do đó, bạn cần đề cao cảnh giác với những trường hợp bán thuốc mê trên mạng như vậy, tránh những hậu quả nghiêm trọng xảy ra.
Mời quý bạn đọc xem thêm video sau:
2 Thuốc gây tê
2.1 Một vài nét về thuốc gây tê
2.1.1 Khái niệm thuốc gây tê
Thuốc gây tê tiếng Anh là Local anesthetic, là loại thuốc gây mất cảm giác ở một bộ phận cơ thể cụ thể mà không làm mất ý thức, trái ngược với thuốc gây mê toàn thân, làm mất mọi cảm giác trên toàn bộ cơ thể và gây mất ý thức.
Tác dụng của thuốc gây tê chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nên bác sĩ chủ yếu sử dụng nó cho các thủ thuật ngoại trú nhỏ. Thuốc gây tê có thể gây tê cục bộ trong trường hợp nhổ răng, xóa nốt ruồi, lấy mẫu sinh thiết,... hoặc gây tê vùng như gây tê màng cứng, gây tê tủy sống - sử dụng trong phẫu thuật vùng chậu, chi dưới hoặc lấy thai trong sản khoa.
2.1.2 Cơ chế tác dụng của thuốc gây tê
Thuốc gây tê cục bộ gây tê bằng cách ức chế sự kích thích của các đầu dây thần kinh hoặc bằng cách ngăn chặn sự dẫn truyền ở các dây thần kinh ngoại biên, bằng cách liên kết thuận nghịch và làm bất hoạt các kênh natri.
2.1.3 Các phương pháp gây tê
Gây tê bề mặt: gây tê bằng cách bôi hoặc thấm thuốc lên bề mặt da hoặc niêm mạc. Phương pháp này thường dùng khi bị viêm miệng, viêm họng, hoặc đặt nội khí quản, chuẩn bị nội soi.
Gây tê tiêm ngấm: đây là phương pháp gây tê bằng cách tiêm thuốc vào dưới da, từ đó thuốc sẽ thấm vào thần kinh. Phương pháp này thường dùng để nhổ răng, mổ nông, chích rạch áp xe.
Gây tê dẫn truyền: gây tê bằng cách tiêm thuốc vào cạnh đường dẫn truyền thần kinh hay mô thần kinh như gây tê thân thần kinh, gây tê phong bế hạch, gây tê màng cứng, gây tê tủy sống.
2.2 Phân loại các thuốc gây tê
Dựa vào cấu trúc, thuốc gây tê có thể được chia thành 2 nhóm chính:
- Cấu trúc este: Benzocain, Cocain, Procain, Tetracain.
- Cấu trúc amid: Lidocain, Mepivacain, Bupivacain, Ropivacain.
Dựa vào dạng bào chế và đường dùng, thuốc tê có thể được chia thành 3 loại tùy theo mục đích sử dụng:
- Thuốc tê bôi ngoài da: với các dạng bào chế như gel, kem hoặc mỡ, sử dụng bôi trực tiếp lên vùng da cần gây tê
- Thuốc tê dạng xịt: dưới dạng bào chế phun mù dùng gây tê tại chỗ ở niêm mạc trong một thời gian ngắn
- Thuốc tê dạng tiêm: dưới dạng dung dịch tiêm, thường được sử dụng trong gây tê nha khoa hoặc các tiểu phẫu khác.
2.2.1 Thuốc gây tê có cấu trúc este
Chỉ định
Gây tê cục bộ trong nha khoa, chấn thương nhẹ.
Tác dụng không mong muốn
- Khó thở, nhịp tim nhanh
- Chóng mặt hoặc choáng váng
- Đau đầu
- Sốt cao
- Buồn nôn
- Da nhợt nhạt
Liều dùng
Chế phẩm | Liều dùng |
Procain (Novocain) | 300-1000mg tùy theo mục đích gây tê |
Benzocain (Americain) | Bôi lên nướu/niêm mạc miệng, tối đa 4 lần/ngày, không quá 7 ngày |
Tetracain (Pontocain) | Đối với đáy chậu: 5mg/liều Đối với chi dưới: 10mg/liều Đối với cột sống: dung dịch 1% pha loãng theo tỷ lệ 1:1 trong CSF, tiêm 1 mL mỗi 5 giây. |
Cocain (Numbrino) | Tổng liều tối đa được khuyến cáo bôi lên niêm mạc ở người trưởng thành khỏe mạnh là 1,5 mg/Kg. |
2.2.2 Thuốc gây tê có cấu trúc amid
Chỉ định
Kiểm soát cơn đau trong phẫu thuật nhỏ hoặc các thủ thuật xâm lấn như sinh thiết, cắt bỏ nhỏ hoặc làm răng.
Liều dùng
Chế phẩm | Liều dùng |
Bupivacain (Marcaine) | 1,8 mL (9 mg) |
Lidocain (Xylocain) | 10-60 mL dung dịch 0,5% ( 50-300 mg) |
Ropivacaine (Naropin) | 75- 250 mg |
Tác dụng không mong muốn
- Triệu chứng thần kinh như buồn ngủ, ù tai, chóng mặt và co giật
- Triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn và táo bón.
- Sưng đau hoặc liệt mặt là tác dụng phụ của thuốc tê nhổ răng nếu kim tiêm đụng vào dây thần kinh.
2.3 Làm gì khi bị ngộ độc thuốc tê
Theo hướng dẫn xử trí ngộ độc thuốc tê của Hội gây tê vùng và giảm đau Hoa Kỳ (ARSA 2018) như sau:
- Ngừng tiêm thuốc tê
- Gọi cấp cứu và thở oxy 100%
- Sử dụng dung dịch nhũ tương lipid 20% (không quá 12ml/kg) ngay khi bệnh nhân có triệu chứng ngộ độc thuốc tê
- Chống co giật bằng cách sử dụng benzodiazepin, tránh dùng propofol liều cao
- Xử trí kịp thời hạ huyết áp và nhịp tim chậm
- Tiếp tục theo dõi bệnh nhân trong 4-6 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng tim mạch hoặc 2 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng đơn thuần trên thần kinh trung ương.
Xem thêm về hướng dẫn xử trí ngộ độc thuốc tê của Hội gây tê vùng và giảm đau Hoa Kỳ (ARSA 2018) tại đây
3 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Hugh C. Hemmings và cộng sự, Ngày đăng năm 2013, Giáo trình Pharmacology and Physiology for Anesthesia. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2023
2. Tác giả K McLeod, Cập nhật ngày 08 tháng 9 năm 2023 Local Anesthetics: Introduction and History, Mechanism of Action, Chemical Structure, Medscape. Ngày truy cập 25 tháng 11 năm 2023.
3. Chuyên gia của NCBI, Cập nhật ngày 5 tháng 7 năm 2017, Amide Local Anesthetics, NCBI. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2023.
4. Tác giả Bilal A. Siddiqui, Cập nhật ngày 29 tháng 01 năm 2023, Anesthesia Stages - StatPearls, NCBI. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2023.
5. Tác giả Divya Jacob,How Do Inhalational Anesthetics Work? - Uses, Side Effects, Drug Names, Rxlist.com. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2023
6. Chuyên gia của Cleveland Clinic, Ngày đăng 30 tháng 5 năm 2023, Anesthesia: What It Is, Side Effects, Risks & Types, Cleveland Clinic. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2023
7. Tác giả Amanda L. Miller và cộng sự, cập nhật ngày 01 tháng 05 năm 2023, Inhalational Anesthetic, NCBI. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2023
Có tổng: 45 sản phẩm được tìm thấy
- 5 Thích
lignospan có sử dụng cho người cao tuổi được ko?
Bởi: Hoàng Hải vào
Thích (5) Trả lời
- TH
Đặt hàng sao chưa thấy gì v
Trả lời Cảm ơn (23) - LD
Thuốc ở Trung Tâm Thuốc là hàng chính hãng, chất lượng và có giá tốt. Cảm ơn các dược sĩ đã tư vấn nhiệt tình cho tôi.
Trả lời Cảm ơn (14)