Tá dược là gì? Các loại tá dược thường gặp và vai trò trong dược phẩm

Xem 262 Tá dược

Trong dược phẩm, thuốc sẽ được chia ra làm 2 thành phần chính đó là hoạt chất và tá dược. Dược chất hay hoạt chất là chất mang hoạt tính, có tác dụng dược lý và điều trị. Còn tá dược là những chất không mang hoạt tính ở lượng sử dụng thường được bổ sung vào công thức nhằm mục đích xây dựng công thức thuốc. Vậy tá dược là gì? Có những loại tá dược nào? Trong bài viết này Trung Tâm Thuốc sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này.

1 Tá dược trong dược phẩm là gì? 

Dược điển Châu Âu (Ph. Eur.) đã đưa ra định nghĩa về tá dược như sau: “Tá dược là bất kỳ thành phần nào, ngoại trừ (các) hoạt chất, có trong một sản phẩm thuốc hoặc được sử dụng trong quá trình sản xuất dược phẩm đó. Chức năng chính của tá dược là đóng vai trò là chất mang (chất dẫn hoặc chất nền) hoặc là các thành phần của chất mang. Khi được thêm vào công thức sẽ góp phần tạo nên các đặc tính của thuốc như: độ ổn định, đặc tính sinh học, hình thức bên ngoài, khả năng hấp thụ của bệnh nhân cũng như mức độ dễ dàng sản xuất của dược phẩm. Thông thường, sẽ có nhiều hơn một tá dược được sử dụng trong một chế phẩm thuốc.”

Tá dược trong bào chế dược phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa thuốc và hấp thụ thuốc vào cơ thể. Mục tiêu của tá dược chính là hợp lý hóa công thức thuốc và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hấp thu thu thuốc. Có rất nhiều loại tá dược đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau như tá dược dính, tá dược rã, tá dược siêu rã,... Ngoài ra nó cũng có thể được thêm vào nhằm tạo mùi vị và có thể tạo ra một số dạng chức năng kháng khuẩn, qua đó tăng tuổi thọ của thuốc. 

2 Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn tá dược

Việc lựa chọn tá dược phù hợp cho công thức dược phẩm là một bước rất quan trọng trong quy trình sản xuất và phát triển các dạng thuốc. 

Một tá dược sẽ cần lựa chọn một cách khắt khe nhằm giảm chi phí đến mức tối ưu, đảm bảo an toàn cho sức khỏe đồng thời cần nâng cao trải nghiệm của người bệnh bằng cách che giấu bớt mùi vị khó chịu của dược chất. Tá dược đã lựa chọn cần phù hợp với dạng bào chế dự định của thuốc, đem lại đặc tính cảm quan tốt, phù hợp với quy định của dược điển tại quốc gia lưu hành. Đồng thời cũng phải dễ tìm mua, hiệu quả cũng như không gây ra các tương kỵ với dược chất. 

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn tá dược là: 

  • Mục đích sử dụng của tá dược cũng như dạng bào chế của dược phẩm. 
  • Chi phí hợp lý. 
  • Nguồn gốc của tá dược.
  • Độc tính tiềm ẩn đối với cơ thể.
  • Quy định của từng quốc gia.

3 Phân loại tá dược 

3.1 Phân loại tá dược theo dạng thuốc

Theo dạng bào chế của thuốc, tá dược có thể được chia ra làm những loại sau:

  • Tá dược thuốc nang cứng. 
  • Tá dược viên nén.
  • Tá dược thuốc nang mềm.
  • Tá dược thuốc tiêm.
  • Tá dược thuốc nhỏ mắt.
  • Tá dược nhũ tương và hỗn dịch thuốc. 
  • Tá dược thuốc cốm và pellet.
  • Tá dược thuốc đặt.
  • Tá dược thuốc phun mù.
  • Tá dược thuốc bột.
  • Tá dược thuốc mỡ.
  • Tá dược dung dịch thuốc dùng ngoài. 
  • Tá dược dung dịch thuốc uống. 

Trong từng dạng thuốc cụ thể, lại có thể phân loại thành các vai trò nhỏ hơn.

3.1.1 Các loại tá dược trong viên nén

Dựa vào chức năng, tác dụng,... tá dược viên nén được chia ra làm những loại sau:

Tá dược độn: Đây là loại tá dược được bổ sung vào công thức thuốc nhằm đảm bảo khối lượng cho dược phẩm. Đồng thời làm tăng cường kích thước, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình dập viên. Ví dụ như: Tá dược Lactose, Tá dược Microcrystalline Cellulose - Avicel,...

Tá dược rã: Đây là thành phần thường được sử dụng trong các thuốc dạng viên nhằm mục đích giải phóng bề mặt tiếp xúc của dược chất với môi trường trong cơ thể, từ đó tạo ra tác dụng dược lý của thuốc. Ví dụ: Tá dược Aerosil, Natri starch Glycolat,...

Tá dược dính: Tá dược dính trong viên nén được xem là những tác nhân gắn kết các tiểu phân rời rạc trong công thức thuốc để tạo hình và đảm bảo độ cứng cho thuốc. 

Tá dược trơn bóng: Tá dược trơn thường được thêm vào khi tạo hạt, thành phẩm là các lớp nhẵn trên bề mặt hạt. Tá dược trơn có nhiệm vụ chính là giảm ma sát giữa các tiểu phân trong khối bột, hạn chế tình trạng dính vào máy hoặc chày cối, đồng thời làm tăng độ trơn chảy của khối bột. Ví dụ: Tá dược Magie Stearat, Talc, Acid Stearic,...

Tá dược màu: Tá dược được thêm vào công thức thuốc nhằm tạo ra sự bắt mắt cho thành phẩm hoặc để phân biệt một số loại viên. Đồng thời tá dược màu cũng được sử dụng để kiểm soát sự phân tán của một số dược chất trong công thức thuốc.

Tá dược bao viên: Đây là loại tá dược bao quanh viên thuốc, được thêm vào sau quá trình dập viên nhằm bảo vệ thuốc khỏi những yếu tố tiêu cực trong môi trường ngoài. Từ đó gia tăng tính ổn định cho dược phẩm cũng như dược chất chứa trong viên. Tá dược bao viên cũng được dùng với mục đích che giấu bớt mùi vị khó chịu của dược chất, giúp thuốc dễ uống và sử dụng hơn.

Nếu dựa theo dạng dùng đặc biệt thì có thể chia ra làm các loại:

  • Tá dược dùng trong các dạng viên sủi.
  • Tá dược dùng trong các viên giải phóng tác dụng kéo dài.
  • Tá dược ở các loại thuốc ngậm. 
  • Tá dược dùng trong các dạng viên đặt.
  • Tá dược trong các loại thuốc nhai.
Các loại tá dược trong viên nén
Các loại tá dược trong viên nén

3.1.2 Tá dược thuốc mỡ

Tá dược thân dầu: 

  • Trong các loại thuốc mỡ, các hợp chất thân dầu đóng vai trò là chất vận chuyển các dược chất mang hoạt tính. Chúng cũng có nhiệm vụ tăng cường khả năng thẩm thấu của thuốc mỡ vào da đồng thời là chất điều chỉnh độ đặc độ hoặc độ nhớt của chế phẩm. 
  • Ngoài ra, tá dược thân dầu có thể ảnh hưởng đến độ hòa tan của thuốc, độ ổn định vật lý với điều kiện tác động từ môi trường ngoài, hiệu suất giải phóng thuốc. 
  • Các tá dược thân dầu thường được sử dụng trong công thức thuốc mỡ bao gồm: các Acid béo bão hòa hoặc không bão hòa, Este của Acid béo, Hydrocarbon và Polyol.

Tá dược thân nước: 

  • Loại tá dược này có nhiệm vụ chính là hòa tan để giải phóng dược chất, đồng thời tạo kết cấu cho thuốc mỡ.
Tá dược thuốc mỡ
Tá dược thuốc mỡ

Chất làm đặc và chất nhũ hóa: 

  • Công thức thuốc mỡ gồm 2 pha dầu và pha nước. Do hai pha này không thể hòa trộn được với nhau, do đó nếu không có chất làm đặc hoặc nhũ hóa, các phần tử trong công thức sẽ tách nước và tạo thành giọt. Sự kết tụ của các giọt trong các pha sẽ dẫn đến sự tách pha, từ đó làm mất độ bền vật lý cũng như kết cấu của thuốc mỡ. 
  • Chất làm đặc có khả năng tăng sự hòa trộn của hai pha dầu và nước, tăng độ nhớt của kem, do đó làm giảm hình thành cũng như khả năng di chuyển của các giọt phân tán. Cản trở quá trình tách pha, qua đó giữ được kết cấu của thuốc mỡ, làm tăng tuổi thọ của chế phẩm.
  • Chất nhũ hóa có nhiệm vụ giảm sức căng bề mặt giữa hai pha khi trượt lên nhau, làm chậm quá trình tách pha. Chất hoạt động bề mặt có Ion thường được sử dụng trong công thức thuốc có nhũ tương dầu trong nước, trong khi các chất hoạt động bề mặt không Ion được sử dụng trong cả hai công thức dầu trong nước hoặc nước trong dầu.

Chất bảo quản và chất chống oxy hóa:

  • Các loại dầu và chất béo trong thuốc mỡ thường dễ bị oxy hóa trong khí quyển hoặc ảnh hưởng bởi tác động của các vi sinh vật. Điều này có thể được khắc phục bởi bổ sung thêm chất bảo quản và chất chống oxy hóa. 
  • Việc lựa chọn chất chống oxy hóa cũng như nồng độ của chính được xác định bằng các kiểm tra tính hiệu quả trên sản phẩm mẫu và cầu dựa theo thông tin dược điển của từng nước lưu hành. Hiệu quả của chất chống oxy hóa sẽ phụ thuộc vào độ tương thích của chúng với các tá dược khác và hệ số phân chia dầu/nước. 
  • Các vi sinh vật có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính chất hóa lý của nhũ tương dẫn đến sự biến đổi bất thường về màu sắc, mùi, sự thủy phân chất béo và dầu. Chúng có thể thay đổi độ pH trong pha nước hoặc khiến các hoạt chất bị tách pha. Do đó, chất bảo quản được bổ sung vào công thức nhằm ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật. Chất bảo quản thích hợp cần có phổ kháng khuẩn rộng, logP thấp, có độ tương thích cao với các tá dược khác. Đồng thời cần có tính ổn định cao và thể hiện được tác dụng trong phạm vi pH và nhiệt độ rộng.
Tá dược đong vai trò là chất bảo quản và chất chống oxy hóa
Tá dược đong vai trò là chất bảo quản và chất chống oxy hóa

Tác nhân đệm:

  • Chất đệm có thể mang lại độ ổn định hóa học và đảm bảo tính tương thích vật lý cho các công thức thuốc bôi. Qua đó, đảm bảo thuốc mỡ có thể cung cấp đúng lượng dược chất quy định đến vị trí cần điều trị, không bị nhiễm khuẩn hoặc không có sự thay đổi về mặt vật lý. Tuy nhiên, các chất đệm cũng cần được thêm một cách cẩn trọng để tránh tạo ra những ảnh hưởng không mong muốn đến độ ổn định vật lý.

3.1.3 Tá dược thuốc đặt

Theo khả năng hòa tan cũng như cơ chế của việc giải phóng dược chất, tá dược thuốc đặt được chia ra làm 3 loại sau:

Các tá dược béo không hòa tan được trong nước, nhưng khi tiếp xúc với nhiệt độ cơ thể sẽ chảy lỏng và giải phóng hoạt chất. 

Các tá dược thân nước có thể được hòa tan một cách dễ dàng trong niêm dịch.

Các tá dược là chất nhũ hóa, đảm nhiệm 1 vai trò chính đó là nhũ hóa và giải phóng dược chất.

Tá dược thuốc đặt
Tá dược thuốc đặt

3.1.4 Tá dược thuốc tiêm

Dựa vào công dụng, tá dược thuốc tiêm sẽ được chia ra làm những loại sau:

  • Dung môi hòa tan.
  • Chất dẫn. 
  • Các tá dược có tính sát khuẩn để bảo vệ thuốc tiêm.
  • Tá dược làm nhiệm vụ đẳng trương dung dịch.
  • Làm tăng độ tan của các hoạt chất.
  • Điều chỉnh độ pH.
  • Tá dược đóng vai trò là hệ đệm.
  • Tá dược có nhiệm vụ gây thấm hoặc phân tán. 
Tá dược thuốc tiêm
Tá dược thuốc tiêm

3.2 Tá dược được phân loại theo chức năng và tác dụng

3.2.1 Các chất làm nền

Các loại tá dược tạo nên dạng cốt của viên. 

Các dung môi trong dung dịch thuốc, nước, Ethanol, Glycerin…

Các chất mang, chất dẫn: Siro đơn, Siro hoa quả, nước ép hoa quả, nước sắc dược liệu để pha siro thuốc, các thuốc nước uống, Potio.

Các tá dược tạo nên cốt thuốc mỡ: điển hình và phổ biến nhất là Vaseline.

3.2.2 Các chất nhũ hoá, chất gây thấm, chất gây phân tán, chất trung gian hòa tan

3.2.2.1 Các chất nhũ hóa thiên nhiên

Chất nhũ hóa là một tá dược phổ biến thường gặp trong các chế phẩm thuốc có dạng bào chế là nhũ tương. Tá dược có nhiệm vụ giảm sức căng bề mặt giữa hai pha dầu nước, từ đó duy trì trạng thái phân tán ổn định. 

Các chất nhũ hóa thiên nhiên là các chất nhũ hóa được chiết xuất từ các dược liệu, thực phẩm,... có sẵn trong tự nhiên. 

Ví dụ:

  • Các Hydrat Carbon: Các loại gôm Arabic, tính bột.
  • Các Saponin.
  • Các Phospholipid: Lecithin từ đậu nành.
  • Alginat.
3.2.2.2 Các chất nhũ hoá tổng hợp và bán tổng hợp

Chất nhũ bán tổng hợp là các hoạt chất được tổng hợp 1 phần từ một số loại cây, hoạt chất, dược liệu,... có sẵn trong tự nhiên. Ngược lại, chất nhũ hóa tổng hợp là các hoạt chất không có sẵn trong tự nhiên và cần được điều chế công nghiệp hoàn toàn. 

Ví dụ:

  • Các chất diện hoạt Anion: Kali hay Amoni Stearate,...
  • Các chất diện hoạt Cation: Cetrimide, Benzalkonium Clorid.
  • Các chất nhũ hoá ổn định.

3.2.3 Các chất tăng cường hấp thu 

Đây là những tá dược được bổ sung vào công thức để tạo thành tương tác qua lại giữa tá dược - hoạt chất, qua đó giúp tăng khả năng hấp thu của dược chất vào cơ thể. 

3.2.4 Các chất sát khuẩn

Các chất sát khuẩn có nhiệm vụ bảo vệ thuốc, chế phẩm sinh học khỏi tác động tiêu cực của vi sinh vật hoặc nấm mốc. Loại tá dược này cần phải đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe, và không gây ra nguy cơ ung thư hoặc các vấn đề sức khỏe khác lên trên người sử dụng. 

Ví dụ:

  • Alcol Phenyl Ethylic.
  • Phenol.
  • Thimerosal.
  • Clorobuthanol.

3.2.5 Các chất chống oxy hóa

Nhiệm vụ chính của nhóm tá dược này là bảo vệ dược phẩm khỏi tác động oxy hóa từ môi trường ngoài, qua đó làm tăng tuổi thọ và độ bền. 

Ví dụ:

  • Natri metabisulfit.
  • Natri Sulfit.

3.2.6 Các chất làm tăng độ nhớt

Các tá dược làm tăng độ nhớt thường được sử dụng trong thuốc mỡ và các loại thuốc nhỏ mắt. 

Trong mỹ phẩm, các chất làm tăng độ nhớt có nhiệm vụ cải thiện đặc tính, duy trì kết cấu và tăng tuổi thọ của sản phẩm.

Trong thuốc nhỏ mắt, chất làm tăng độ nhớt có nhiệm vụ rửa trôi liều, kéo dài thời gian thuốc lưu trú ở nhãn cầu tạo điều kiện hấp thu thuốc và phát huy tác dụng của thuốc tốt hơn. 

3.2.7 Các chất đẳng trương dung dịch thuốc 

Các chất đẳng trương dung dịch thường được ứng dụng trong các thuốc nhỏ mắt và thuốc tiêm truyền. 

Việc đẳng trương dung dịch thuốc tiêm sẽ giúp hạn chế tình trạng đau khi tiêm hoặc hoại tử tại vị trí tiêm. Cò ở thuốc nhỏ mắt, nó được coi như dung môi để pha thuốc. 

Ngoài các tá dược trên còn có:

  • Các chất màu.
  • Các chất nhũ hoá rắn ở dạng hạt nhỏ.
  • Các chất điều chỉnh PH và hệ đệm.
  • Các chất điều hương, điều vị.
  • Các chất làm tăng độ tan.

Theo công dụng chính trong bào chế, các tá dược thường dùng được khái quát trong 11 nhóm tá dược chung nhất ở trên. Tuy nhiên còn nhiều tá dược khác, nhưng những loại tá dược này thường chỉ được dùng cho 1 dạng thuốc nhất định. [1] 

Các chất làm tăng độ nhớt 
Các chất làm tăng độ nhớt 

4 Vai trò cũng như tầm quan trọng của các loại tá dược trong dược phẩm

Tá dược có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tác dụng của thuốc, độ bền, độ rã cũng như khả năng hấp thu của thuốc. Dựa trên quan điểm sinh dược học, dưới đây là 3 vấn đề quan trọng nhất về tá dược, cũng như là câu hỏi quyết định để lựa chọn tá dược sử dụng trong thuốc.

4.1 Tá dược ảnh hưởng tới sinh khả dụng và hiệu lực điều trị của thuốc

Trước đây, người ta có quan điểm rằng tá dược là các chất trơ về mặt hóa học cũng như dược lý. Không tạo ra ảnh hưởng đến cá chỉ số dược động học của thuốc cũng như hiệu quả trong điều trị. 

Đó là quan điểm sai lầm, và là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng lựa chọn hoặc thay thế tá dược một cách tùy tiện. Từ đó, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe mà không thể giải thích. 

Các nghiên cứu đã chứng minh được rằng, các thuốc có dùng dược chất nhưng công thức thành phần tá dược, kỹ thuật bào chế khác nhau sẽ cho ra sự tương thích khác nhau đối với cơ thể. Từ đó dẫn tới hiệu lực điều trị là khác nhau. 

Theo dược lý hiện đại, thuốc là một hệ thống các thành phần (bao gồm cả các dược chất và tá dược), các yếu tố sẽ tương tác qua lại với nhau và tạo ra sự tương tác giữa thuốc và cơ thể. Tất cả tá dược, dược chất đều là thành phần của thuốc và mỗi chất lại đóng một vai trò cụ thể. Do đó, tá dược cần phải được nghiên cứu và đánh giá một cách cụ thể với từng loại thuốc riêng biệt. 

Tá dược có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thu, khả năng đưa thuốc, Sinh khả dụng cũng như hiệu lực điều trị của thuốc. Không có một tá dược chung cho tất cả các dạng thuốc hoặc mọi dược chất. 

Việc sử dụng tá dược một cách thiếu khoa học có thể dẫn đến sự đảo ngược tác dụng điều trị của thuốc, hoặc mất hoàn toàn tác dụng điều trị của dược chất đó. Nguyên nhân của điều này là do sự tương tác của dược chất với tá dược, và giữa tá dược với tá dược trong quá trình điều chế dược phẩm cũng như trong cả quá trình bảo quản thành phẩm thuốc. 

Dựa vào cơ sở tương tác này, người ta có thể thay đổi và kiểm soát được lượng dược chất giải phóng, khả năng hấp thụ của thuốc vào cơ thể theo ý muốn. 

4.2 Tá dược ảnh hưởng đến tương đương sinh học của thuốc

4.2.1 Tá dược ảnh hưởng đến tốc độ phóng thích thuốc

Tá dược làm thay đổi thời gian rã hay tốc độ hoà tan của dược chất. Thường có thể xác định bằng các thử nghiệm độ hoà tan in vitro đối với dược chất BCS nhóm 1 và 3. Tuy nhiên, đối với dược chất thuộc BCS nhóm 2 và 4, mức độ tương đương in vitro và in vivo thường thấp.

Thay đổi pH trong đường tiêu hoá: Đối với các dược chất thuộc BSC nhóm 1 và 3, yếu tố này ít ảnh hưởng do tan tốt trong hầu hết các pH. Tuy nhiên, tá dược điều chỉnh pH có ảnh hưởng đáng kể đối với nhóm 2 và 4. Các thử nghiệm độ hoà tan in vitro thường sử dụng thể tích môi trường tương đối (500 – 900 ml) so với thể tích ống tiêu hoá (200 – 250 ml). Do đó khó xác định ảnh hưởng của tá dược đến pH môi trường.

Tạo phức chất với hoạt chất trong môi trường hoà tan khác nhau, do đó, làm giảm lượng hoạt chất được hoà tan.

Tá dược ảnh hưởng đến tương đương sinh học của thuốc
Tá dược ảnh hưởng đến tương đương sinh học của thuốc

4.2.2 Tá dược ảnh hưởng đến nhu động đường tiêu hoá và thể tích ống tiêu hoá

Tá dược có thể ảnh hưởng đến thời gian rỗng dạ dày, thay đổi thể tích dịch tiêu hoá hay thay đổi nhu động ruột non. Các cơ chế trên thường khó xác định bằng các thử nghiệm in vitro. Ví dụ mannitol, PEG 400, Sorbitol, Xylitol, lactulose

4.2.3 Tá dược ảnh hưởng tính thấm

Tá dược động kênh vận chuyển trên bề mặt ruột tùy nhóm thuốc hay thành đổi cấu trúc thành tế bào ống tiêu hoá. Ví dụ: Sodium lauryl sulfate ảnh hưởng đến khe hẹp giữa các tế bào đường tiêu hoá (tight junction), do đó, làm tăng tính thấm.

4.2.4 Tá dược ảnh hưởng đến chuyển hóa

Một số tá dược có thể ảnh hưởng đến sinh khả dụng do có tác động liên quan đến mức độ chuyển hóa lần đầu qua thành ruột.

Các tá dược ức chế chuyển hóa liên quan hệ CYP bao gồm PEG, Tween, Creammophor, Triton X, Pluronics, Natri lauryl sulfate, solutol, lecithin, beta cyclodexin, và Acid Ascorbic trong các thí nghiệm in vivo.
 

4.3 Tá dược có thể tạo ra ảnh hưởng trực tiếp đến độ ổn định của dược phẩm

Một loại thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng là cần đảm bảo được tính an toàn và hiệu lực cho đến khi sử dụng. Điều này có nghĩa là, thuốc cần phải đạt được tiêu chuẩn chất lượng trong suốt quá trình sản xuất, bảo quản tính từ thời điểm sản xuất cho đến khi hết hạn sử dụng. 

Thuốc được coi là ổn định khi các chỉ số vật lý, dược động học, hóa lý, vi sinh, độc tính, hiệu quả điều trị không bị thay đổi hoặc có biến đổi nhưng trong giới hạn cho phép (được quy định riêng ở từng quốc gia).

Độ ổn định của dược phẩm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó những yếu chính là:

  • Yếu tố nội tại trong dược phẩm, sự tương tác giữa dược chất - tá dược hoặc kỹ thuật bào chế.
  • Bao bì thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc.
  • Các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng,... trong quá trình lưu trữ, vận chuyển và bảo quản thuốc. 

Dưới sự ảnh hưởng của các yếu tố trên, thuốc sẽ bị mất tính ổn định, hỏng hoặc hiện diện dưới các biến đổi về vật lý, hình thức, độ nhiễm khuẩn, độc tính,...

Do đó, khi tiến hành nghiên cứu và xây dựng 1 công thức thuốc, việc lựa chọn tá dược và kỹ thuật bào chế, bao bì phù hợp là vô cùng cần thiết. 

Sự tương tác giữa tá dược với tá dược và tá dược với dược chất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thuốc. Do dó, vai trò của tá dược trong thuốc là vô cùng lớn.

5 Độc tính của tá dược 

Việc sử dụng tá dược không chỉ tính đến sự tương tác giữa các thành phần trong hệ thuốc, dạng thuốc bào chế, tiêu chí lý hóa mà còn cần phải xem xét đến độc tính của các loại tá dược. Độc tính của các loại tá dược được tiến hành xem xét trên 2 phương diện chính đó là:

Hiệu lực điều trị: Tá dược có thể thay đổi khả năng hấp thu, các chỉ số dược động học dẫn đến sự thay đổi về tác dụng điều trị. 

Về mặt lý sinh: Tá dược được lựa chọn cần cân nhắc về khả năng gây đột biến gen, nguy cơ gây ung thư tiềm ẩn hoặc khả năng tích lũy trong cơ thể,...

Ví dụ:

Thimerosal thường được sử dụng trong bảo quản vắc xin và sinh phẩm y tế và được xem là khá an toàn. [2] Tuy nhiên, sáu trường hợp ngộ độc Thủy Ngân nghiêm trọng dẫn đến bốn ca tử vong đã được báo cáo sau khi tiêm bắp Chloramphenicol được bảo quản bằng Thimerosal. Lỗi đến từ nhà sản xuất, thay vì chứa 0,51mg Thimerosal, trong mỗi lọ lại chứa đến 510mg. Tình trạng hoại tử mô lan rộng, nói ngọng và mất điều hòa đã được ghi nhận. Khi khám nghiệm tử thi có bằng chứng về sự thoái hóa và hoại tử lan rộng của ống thận. Nồng độ thủy ngân tăng cao được tìm thấy trong thận, gan, não và các mô tại chỗ tiêm. [3] 

Chất màu Sudan II - tá dược tạo màu trong dược phẩm đã bị cấm ở sử dụng ở nhiều nước. Nguyên nhân là do các nhà khoa học đã chứng minh Sudan II có khả năng gây đột biến gen và ung thư trên chuột cống. Cơ quan FDA đã cấm sử dụng loại tá dược này từ cuối năm 1969, còn Anh đã cấm sử dụng năm 1970. Các quốc gia Phần Lan, Thụy Điển và Canada đã quyết định đình chỉ việc sản xuất hóa chất này do những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. [4] 

Việc sử dụng các tá dược để bảo quản dược phẩm, tránh nấm mốc và vi khuẩn,.. cần phải tuân theo nguyên tắc bào chế thuốc và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng khi cho vào công thức. Do tác động lên vi nấm, vi khuẩn, các tá dược có nhiệm vụ bảo quản thuốc này cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tế bào trong cơ thể, đặc biệt là trẻ em. Một tá dược làm nhiệm vụ bảo quản được xem là không độc khi dùng liên tiếp 10 năm mà không gây ra các đột biến trên gen hoặc gây ra hiện tượng ung thư.

Dưới đây là những ảnh hưởng tiêu cực của tá dược đến sức khỏe con người đã được ghi nhận:

  • Các Alcol, muối của kim loại nặng hoặc muối của Thủy Ngân,... có thể gây ra đột biến Gen và là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư. 
  • Theo một số khuyến cáo của WHO và FAO thì Acid benzoic và Sodium Bisulfite có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn mà nặng nề nhất là gây ung thư.
  • Acid Boric, Acid Borat có thể gây ra tình trạng kích ứng ruột nghiêm trọng hoặc tạo thành các tổn thương thận. 
  • Các tá dược chịu trách nhiệm làm chất hoạt động bề mặt có thể tạo ra ảnh hưởng đến tính thấm của màng tế bào, và có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. 
Độc tính của tá dược có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm
Độc tính của tá dược có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm

Việc nắm vững tính chất lý hóa, tương tác, tương kỵ cũng như độ an toàn cũng như ưu nhược điểm của từng loại tá dược là vô cùng quan trọng. Việc sử dụng tá dược trong bào chế thuốc một cách tối ưu sẽ giúp thuốc đạt tiêu chuẩn về mặt tuổi thọ sử dụng và sinh khả dụng. 

6 Tài liệu tham khảo

1. Sách Tá dược và chất phụ gia dùng trong dược phẩm mỹ phẩm và thực phẩm (Xuất bản năm 2021). Trang 12 - 17. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2023

2. Tác giả chuyên gia CDC, Thimerosal and Vaccines, CDC. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2023

3. Chuyên gia NCBI, Thimerosal, PubChem. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2023

4. Chuyên gia NCBI, Sudan II, PubChem. Truy cập ngày 18 tháng 9 năm 2023

Xem thêm chi tiết

a (22)

b (13)

c (34)

d (30)

e (14)

f (2)

g (10)

h (12)

i (6)

k (9)

l (4)

m (16)

n (21)

o (9)

p (26)

s (19)

t (12)

v (1)

w (1)

z (1)

vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900.888.633