Thuốc trị hen gồm những nhóm thuốc nào? Cách dùng ra sao?
Hen phế quản, hay còn gọi là hen suyễn hoặc hen, là vấn đề của đường hô hấp xảy ra khá phổ biến hiện nay. Trong các phương pháp điều trị, sử dụng thuốc trị hen là biện pháp an toàn và cho hiệu quả nhanh. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu thông tin về các loại thuốc trị hen suyễn nhé.
1 Đại cương về hen phế quản
Hen phế quản là tình trạng tắc nghẽn đường thở phổ biến, bao gồm hen mạn tính và hen câp tính, ảnh hưởng tới khả năng hít thở bình thường của con người. Ở Anh có tới 5,4 triệu người mắc bệnh hen suyễn; trong đó cứ 12 người lớn thì có một người mắc và cứ 11 trẻ em thì có một trẻ mắc bệnh.
1.1 Yếu tố ảnh hưởng tới hen
Trong nhiều trường hợp, các tác nhân gây dị ứng đường thở quá mức có thể dẫn đến cơn hen cấp tính. Tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn - cho dù đó là cảm lạnh hay virus, lông động vật, phấn hoa, ô nhiễm, mạt bụi nhà hoặc stress… - có nghĩa là bạn có thể tìm ra cách để tránh các tác nhân gây bệnh nếu có thể. Ngoài ra, có những giai đoạn nhất định trong cuộc đời của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn của bạn. Ví dụ, một số phụ nữ nhận thấy rằng sự thay đổi nội tiết tố ở tuổi dậy thì, mang thai hoặc mãn kinh có thể khiến bệnh hen của họ rõ ràng hơn.
1.2 Triệu chứng và tác hại
Những người bị hen suyễn thường có đường thở nhạy cảm và bị viêm. Họ có thể có các triệu chứng như ho, thở khò khè, cảm thấy khó thở hoặc tức ngực, ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống đời thường. Bên cạnh đó, đối với mọi loại hen suyễn, đều có nguy cơ lên cơn hen cấp, có thể đe dọa đến tính mạng; vì vậy điều quan trọng là phải xử trí kịp thời nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bệnh hen suyễn của mình đang trở nên tồi tệ hơn.
Hen suyễn là một tình trạng kéo dài suốt đời. Mặc dù hầu hết những người bị hen có đường thở hẹp hơn bình thường, nhưng mọi người đều có thể sống chung cùng hen phế quản với một kế hoạch điều trị và tự kiểm soát tốt.
1.3 Điều trị hen như thế nào?
Các phương pháp để quản lý bệnh hen phế quản bao gồm điều trị dùng thuốc và điều trị không dùng thuốc. Mặc dù không có Thuốc trị hen suyễn tận gốc, triệt tiêu được nguyên nhân gây bệnh, nhưng chúng có thể chấm dứt nhanh chóng các triệu chứng từ nhẹ tới nặng, nhất là trong cơn hen cấp. Thuốc trị hen bao gồm hai nhóm lớn là thuốc giúp làm giãn phế quản để dễ thở hơn và thuốc chống viêm, cả hai nhóm này đều giúp cải thiện các biểu hiện của hen rất hiệu quả, sẽ được trình bày cụ thể ở phần dưới.
Bên cạnh đó, các mẹo dân gian để trị hen hay các bài thuốc giảm cơn hen cũng được sử dụng nhờ sự sẵn có và độ an toàn cao, giúp làm thông thoáng đường thở, đem lại cảm giác dễ chịu, thoải mái cho người bệnh. Ngoài các biện pháp dân gian, thở oxy cũng là một giải pháp không dùng thuốc cho bệnh nhân hen phế quản đợt cấp hay khi tăng nguy cơ hen cấp như chuyển mùa, thay đổi thời tiết, tiếp xúc nhiều với tác nhân gây hen cấp…
2 Các nhóm thuốc điều trị hen suyễn
2.1 Thuốc giãn phế quản
Các thuốc giãn phế quản có khả năng ức chế hoạt động của tế bào mast, ngăn chặn co thắt phế quản, sự thoát mạch và ức chế hoạt hóa thần kinh cảm giác, từ đó giúp đường thở giãn ra, cải thiện lưu thông khí và giảm các triệu chứng của hen cấp tính, bao gồm các nhóm thuốc sau: chất chủ vận beta 2 - adrenergic, kháng cholinergic và theophylin.
Dạng bào chế của các thuốc giãn phế quản như sau:
- Dạng hít trực tiếp: Salbutamol (Ventolin), Ipratropium (Atrovent), Terbutalin (Brycanyl), Salmeterol (Serevent), Formoterol.
- Dạng uống: Salbutamol (Ventolin,Volmax, Terbutalin (Brycanyl siro, viên nén), Bambuterol (Bambec), Theophylin giải phóng chậm (Theostat, Austyn, Nuelin SR).
- Dạng tiêm: Aminophylin, Terbutalin, Salbutamol.
- Dạng khí dung: Salbutamol, Ipratropium, Terbutalin, Salmeterol.
2.1.1 Chất chủ vận beta 2 - adrenergic
Chất chủ vận beta 2 - adrenergic được sử dụng để điều trị hen phế quản bao gồm: Salbutamol, fenoterol, terbutaline, salmeterol, formoterol. Cơ chế tác dụng của các chất chủ vận beta 2 - adrenergic là làm giãn cơ trơn phế quản, tăng đào thải chất nhầy, giảm tính thấm mạch và điều hoà sự giải phóng các chất trung gian hóa học từ tế bào mast.
Nhóm chất này cũng được chia thành hai nhóm nhỏ hơn:
- Nhóm cho tác dụng nhanh, xuất hiện sau 5-15 phút và cắt được cơn hen cấp: Salbutamol, fenoterol, terbutaline.
- Nhóm cho tác dụng kéo dài trên 12 giờ và không cắt cơn mà chủ yếu dùng để kiểm soát cơn hen: Salmeterol, formoterol. Có được tác dụng kéo dài là do cấu trúc khiến cho tính tan trong lipid cao hơn, ái lực cao với thụ thể β2; đồng thời ức chế giải phóng acetylcholin từ dây thần kinh X và các chất dẫn truyền thần kinh. Đối với chất cho tác dụng kéo dài dạng hít, chúng được sử dụng để điều trị triệu chứng hay xảy ra vào ban đêm, hỗ trợ điều trị hen phế quản dai dẳng; đồng thời luôn sử dụng cùng glucocorticoid dạng hít. Hiện nay, các nhà sản xuất đã phát triển dạng phối hợp glucocorticoid với chất chủ vận beta 2 - adrenergic tác dụng kéo dài dạng hít, giúp tăng hiệu quả và tuân thủ điều trị tốt hơn.
Dựa vào thời gian cho tác dụng, thời gian kéo dài tác dụng và mục đích điều trị, các thuốc chủ vận beta 2 - adrenergic được phân loại cùng dạng dùng như bảng dưới đây.
Mục đích điều trị | Tốc độ và thời gian tác dụng | Thuốc và dạng dùng |
Thuốc cắt cơn hen | Cho tác dụng nhanh, trong thời gian ngắn | Terbutaline hít Salbutamol hít |
Cho tác dụng chậm, trong thời gian ngắn | Terbutaline uống Salbutamol uống | |
Thuốc kiểm soát hen | Cho tác dụng nhanh, trong thời gian dài | Formoterol hít |
Cho tác dụng chậm, trong thời gian dài | Salmeterol hít Bambuterol uống |
Tác dụng không mong muốn khi sử dụng chất chủ vận beta 2 - adrenergic có thể gặp bao gồm:
- Nhịp tim nhanh.
- Run cơ.
- Đau đầu.
- Dễ cáu gắt.
- Dùng liều cao gây tăng đường huyết.
- Giảm Kali máu.
- Dùng kéo dài gây quen thuốc.
2.1.2 Thuốc kháng Cholinergic
Thuốc kháng cholinergic hay còn gọi là thuốc hủy giao cảm, thường dùng trong điều trị hen phế quản là Ipratropium dạng hít. Ipratropium có khả năng ức chế phó giao cảm do tác dụng kháng acetylcholin, cho tác dụng chậm và không mạnh bằng chất chủ vận beta 2 - adrenergic. Ipratropium cho tác dụng sau khi hít khoảng 30 phút, kéo dài 4 – 6h và thay đổi tùy theo cá nhân.
Vì ipratropium hấp thu kém ở Đường tiêu hóa nên dạng dùng chính của nó là dùng đường hít trực tiếp, đồng thời khi phối hợp với salbutamol sẽ cho tác dụng nhanh và kéo dài hơn.
Các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng ipratropium gồm có:
- Khô miệng, mũi, họng.
- Kích ứng mũi, họng.
- Rối loạn điều tiết mắt.
- Rối loạn cơ tròn bàng quang.
- Rối loạn nhu động ruột.
2.1.3 Theophylin
Theophylin là một chất ức chế men phosphodiesterase, có các tác dụng như sau:
- Giãn cơ trơn phế quản do làm tăng AMP vòng.
- Kích thích trung tâm hô hấp.
- Kích thích thần kinh trung ương.
- Tim mạch: tăng tần số biên độ và lưu hượng tim, lưu lượng mạch vành, giãn mạch.
- Giãn cơ trơn đường mật và niệu quản.
- Lợi niệu.
Trong hen phế quản, theophyllin được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị thở khò khè, khó thở và tức ngực, làm giãn và mở các đường dẫn khí, giúp bạn thở dễ dàng hơn.
Theophylin có phạm vi điều trị hẹp, được bào chế dưới dạng giải phóng nhanh và giải phóng chậm hoặc kéo dài. Quan sát biểu đồ bên dưới chúng ta có thể thấy khoảng nồng độ cho tác dụng của theophylin là 10 mcg/ml tới 20 mcg/ml, đồng thời việc sử dụng theophylin giải phóng nhanh có nguy cơ gây ra các phản ứng có hại do nồng độ tối đa vượt ngưỡng an toàn. Điều này giải thích cho việc sử dụng phổ biến theophylin dạng giải phóng kéo dài trong điều trị hen phế quản.
Đường dùng thuốc chứa theophylin gồm có đường uống và đường tiêm, có thể gặp:
- Theophylin giải phóng nhanh: viên nén, siro.
- Theophylin giải phóng kéo dài: viên nén, viên nang.
- Aminophylin (tiêm): cơn hen nặng không đáp ứng với chất chủ vận beta 2 - adrenergic.
Tác dụng không mong muốn của theophylin bao gồm:
- Loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh.
- Nôn, buồn nôn, đau đầu.
- Run cơ.
- Co giật, nguy cơ tử vong.
- Nguy cơ cao gặp các phản ứng ngoại ý khi sử dụng theophylin giải phóng nhanh hay dùng liều cao (≥10mg/kg/ngày).
2.2 Thuốc chống viêm
Các chất có tác dụng chống viêm tốt được sử dụng trong điều trị hen phế quản nhằm giảm thiểu các triệu chứng của hen mạn tính, giúp kiểm soát tình trạng hen tốt hơn, ngăn ngừa các đợt hen cấp bùng phát, bao gồm: Corticosteroid, đối kháng leukotrien (Montelukast, Zafirlukast), kháng kháng thể IgE (Omalizumab), Nedocromil và Cromoglycat.
2.2.1 Thuốc kháng viêm corticosteroid
Trong điều trị hen phế quản, corticoid thường được sử dụng là: fluticason, beclomethason, budesonid. Các glucocorticoid hoạt động chống viêm thông qua các cơ chế sau:
- Ức chế giải phóng chất trung gian hóa học gây viêm.
- Giảm số lượng tế bào Mast.
- Ức chế tổng hợp chất gây viêm hoặc chất chuyển hóa acid arachidonic.
- Ức chế di chuyển đại thực bào.
- Phục hồi đáp ứng receptor β adrenergic.
Các chất này chủ yếu được dùng dưới dạng khí dung hoặc hít, với đường uống hoặc tiêm chỉ để điều trị cơn hen cấp có mức độ nặng.
Glucocorticoid dạng hít (viết tắt là ICS) không tác dụng trực tiếp lên cơ trơn đường hô hấp, nhưng chúng giảm viêm (thông qua giảm tập trung các thành phần gây viêm, giảm tiết nhầy, phù nề niêm mạc, giảm tính thấm thành mạch). Khi dùng kéo dài sẽ làm giảm tính tăng phản ứng của phế quản đối với các yếu tố kích thích.
Tác dụng chống viêm của corticoid trong hen phế quản tốt, cho tác dụng giảm tần suất và mức độ nặng cơn hen, cải thiện chức năng hô hấp và chất lượng cuộc sống. Các corticoid này phù hợp với điều trị các thể hen phế quản kéo dài, có mối tương quan về hiệu quả - liều điều trị (trừ những trường hợp đợt hen nặng).
Tác dụng không mong muốn có thể gặp khi dùng corticoid trong điều trị hen suyễn bao gồm:
Toàn thân:
- Chậm lớn ở trẻ em hoặc thiếu niên.
- Giảm tỷ trọng khoáng của xương: nên dùng phối hợp bisphosphonat.
- Mỏng da.
- Ức chế trục dưới đồi - tuyến yên - thượng thận.
- Đục thuỷ tinh thể, glaucoma.
- Dễ nhiễm trùng.
Nên dùng liều thấp nhất có thể, dạng hít.
Tại chỗ:
- Nấm Candida họng (45- 58% bệnh nhân), ở người lớn thường gặp hơn.
- Khàn tiếng.
- Ho và co thắt phế quản.
Dự phòng bằng cách súc miệng, họng sạch sau khi hít thuốc.
Riêng về tác dụng phụ ức chế trục dưới đồi - tuyến yên - thượng thận:
- Corticosteroid dạng hít < 200μg: không ảnh hưởng.
- Corticosteroid dạng hít 200-800μg: có thể giảm nồng độ cortisol trong huyết tương và nước tiểu; đáp ứng bình thường đối với kích thích ACTH.
- Corticosteroid dạng hít > 800μg: giảm nồng độ cortisol trong huyết tương và nước tiểu, giảm đáp ứng đối với kích thích ACTH.
- Liều điều trị < 400μg có hiệu quả tốt và ít nguy cơ.
2.2.2 Chất đối kháng Leukotrien
Đây là các chất đối kháng thụ thể Cysteinyl leukotrien-1 (Montelukast (Singulair, Airlukast), Pranlukast, Zafirlukast) hoặc chất ức chế 5-lipoxygenase (Zileuton), đều có tác dụng chung là ức chế chuyển hoá Acid Arachidonic trong viêm, từ đó ngăn ngừa sự tạo thành các chất trung gian hóa học như Leukotrien C4, D4, E4 - gây tiết nhầy, phù nề, thâm nhiễm bạch cầu ái toan, co thắt phế quản.
2.2.3 Cromoglycat và Nedocromil
Cromoglycat và Nedocromil có tác dụng chống viêm nhờ khả năng bảo vệ tế bào mast khỏi phản ứng kết hợp kháng nguyên – kháng thể typ IgE, làm ngăn chặn giải phóng các chất trung gian hóa học như histamin, leukotrienes. Ngoài ra, hai thuốc này còn ức chế tác dụng hoạt hóa peptid hóa hướng động bạch cầu trung tính, ưa acid hoặc đơn nhân, hạn chế sự tập trung của bạch cầu tại vùng viêm.
Cromoglycat và Nedocromil được sử dụng ở dạng hít tác dụng tại chỗ, thường được dùng để điều trị dự phòng, phù hợp với mục đích trị hen ở trẻ em, trong đó Nedocromil có tác dụng mạnh hơn.
2.2.4 Kháng IgE
IgE là kháng thể dị ứng, nó được liên kết với kháng nguyên khi cơ thể tiếp nhận các tác nhân gây dị ứng, từ đó gây ra các phản ứng dị ứng như co thắt phế quản trong hen.
Chất kháng IgE thường dùng trong điều trị hen phế quản là Omalizumab - kháng thể đơn dòng tái tổ hợp DNA, hoạt động bằng cách gắn chọn lọc lên IgE, làm giảm gắn IgE lên
thụ thể màng tế bào mast, từ đó giảm hoạt động gây viêm của tế bào mast. Omalizumab được chỉ định trong hen suyễn vừa và nặng, không đáp ứng với corticoid.
2.3 Thuốc trị hen từ thảo dược
Một số loài thảo dược có công dụng kháng viêm, làm giảm co thắt phê quản, giúp thông thoáng đường thở, được sử dụng như một loại thuốc trị hen phế quản, chẳng hạn như Xạ Can, Cam Thảo, sinh khương, láhen, lá xuân tiết, Gừng, đinh hương…
Các chiết xuất này được có thể được bào chế dưới dạng siro, viên nén, viên nang…, dùng để dự phòng hen hoặc điều trị triệu chứng cho các cơn hen cấp.
3 Lựa chọn thuốc điều trị hen phế quản
3.1 Điều trị hen phế quản cho trẻ trên 12 tuổi và người lớn
Dựa trên hướng dẫn điều trị do hiệp hội Hen phế quản (GINA) tái bản năm 2022, chúng tôi xin đưa ra bảng tổng hợp lựa chọn thuốc trị hen như dưới đây.
Lựa chọn ưu tiên | Lựa chọn thay thế | |
Hen suyễn nhẹ ở người lớn và thanh thiếu niên | Corticoid dạng hít + formoterol liều thấp khi cần thiết | Corticoid dạng hít liều thấp thông thường, cộng với chất chủ vận beta 2 tác dụng ngắn khi cần thiết Corticoid dạng hít liều thấp duy trì |
Hen suyễn thường xuyên hơn | Corticoid dạng hít + formoterol liều thấp duy trì | Corticoid dạng hít + chất chủ vận beta 2 tác dụng dài liều thấp duy trì |
Hen suyễn trung bình kèm giảm chức năng phổi | Corticoid dạng hít + formoterol liều trung bình duy trì | Corticoid dạng hít + chất chủ vận beta 2 tác dụng dài liều trung bình hoặc cao duy trì |
Hen suyễn nặng khó kiểm soát | Thêm chất kháng cholinergic tác dụng dài ân nhắc liều cao Corticoid dạng hít + formoterol duy trì và/hoặc kháng IgE và/hoặc kháng interleukin | Thêm chất kháng cholinergic tác dụng dài Cân nhắc liều cao Corticoid dạng hít + chất chủ vận beta 2 duy trì và/hoặc kháng IgE và/hoặc kháng interleukin |
3.2 Điều trị hen phế quản cho trẻ em
Đối với điều trị hen suyễn ở trẻ dưới 12 tuổi, việc sử dụng thuốc dạng hít cho trẻ là tương đối khó khăn.
Trong trường hợp trẻ lên cơn hen nặng, có thể cho trẻ dùng máy khí dung hoặc thuốc giãn phế quản đường uống.
Cần thận trọng khi sử dụng theophylin cho trẻ vì có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Các thuốc kháng Leukotrien được lựa chọn cho trẻ trên 2 tuổi trong trường hợp bị hen suyễn nặng khó kiểm soát.
Glucocorticoid chỉ được sử dụng cho trẻ khi lên cơn hen cấp, không dùng để điều trị lâu dài.
4 Thiết bị hít trị hen suyễn và cách sử dụng
Thuốc hít hen suyễn là thiết bị cầm tay kích thước nhỏ để đưa thuốc đến phổi của bạn. Có nhiều loại thuốc hít hen suyễn để giúp kiểm soát các triệu chứng hen suyễn. Tìm đúng loại và sử dụng đúng cách có thể giúp bạn có được loại thuốc cần thiết để ngăn ngừa hoặc điều trị các cơn hen suyễn.
4.1 Các loại thiết bị hít trị hen
4.1.1 Bình hít định liều
Bình hít định liều là một loại ống hít bao gồm một hộp điều áp có chứa thuốc vừa với ống ngậm Nhựa hình chiếc ủng, là loại ống hít định liều phổ biến nhất. Khi bạn sử dụng, thuốc sẽ được giải phóng nhờ áp lực của chất đẩy và đi vào phổi rồi phát huy tác dụng. Một số bình hít tân tiến hơn được gắn một bộ đếm liều đi cùng để bạn có thể dễ dàng kiểm tra lượng liều còn lại; trong trường hợp không có bộ đếm đi kèm, bạn có thể mua thêm một bộ riêng lẻ.
Ngoài ra, một ống dài thiết kế hình trống thủng hai đầu được gọi là buồng đệm, có thể gắn vào đầu ngậm của bình hít định liều, giúp bạn hít vào chậm hơn, từ đó làm tăng lượng thuốc tới phổi của bạn.
4.1.2 Ống hít bột khô
Thay vì dùng một chất đẩy hóa học để đẩy thuốc ra khỏi ống hít, bạn giải phóng thuốc trong những ống hít này bằng cách hít thở sâu và nhanh. Có nhiều thiết bị phân liều, có thể chứa tới 200 liều và các thiết bị dùng liều duy nhất, mà bạn đổ đầy vào phần chứa thuốc trước mỗi lần điều trị.
4.1.3 Ống hít sương mềm
Ống hít sương mềm là thiết bị không chứa chất đẩy, lớn hơn một chút so với ống hít định lượng thông thường. Các thiết bị này tạo ra một dạng sương mù dạng xịt vận tốc thấp có thể được hít vào từ từ trong một khoảng thời gian dài hơn so với liều định lượng và ống hít dạng bột khô.
4.1.4 Các thiết bị khác
Một số người không thể sử dụng ống hít định lượng tiêu chuẩn hoặc ống hít bột khô. Các loại khác bao gồm:
- Ống hít đã đo liều với mặt nạ: Thông thường được sử dụng cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, loại này sử dụng ống hít định lượng tiêu chuẩn với một miếng đệm. Mặt nạ, được gắn vào miếng đệm, vừa khít với mũi và miệng để đảm bảo liều lượng thuốc phù hợp đến phổi.
- Máy phun sương: Thiết bị này biến thuốc hen suyễn thành một làn sương mịn được hít vào qua ống ngậm hoặc mặt nạ đeo qua mũi và miệng. Máy phun sương thường được sử dụng cho những người không thể sử dụng ống hít, chẳng hạn như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, những người bị bệnh nặng hoặc những người cần dùng thuốc với liều lượng lớn.
4.2 Hướng dẫn sử dụng thuốc hít trị hen
Các loại thiết bị cụ thể sẽ có cách sử dụng riêng, để đảm bảo bạn có thể dùng thuốc một cách chính xác nhất, hãy đọc kỹ hướng dẫn và thực hiện theo chỉ dẫn của chuyên gia.
4.2.1 Chuẩn bị
Bạn nên kiểm tra ống hít trước khi thực hiện lần đầu tiên.
Mở nắp ra.
Nhìn vào bên trong ống ngậm và đảm bảo rằng không có gì trong đó.
Lắc mạnh ống thuốc từ 10 đến 15 lần trước mỗi lần sử dụng.
Nếu ống hít có đi kèm với buồng đệm hay mặt na, hãy lắp chúng vào với nhau.
Thở ra hết cỡ. Đẩy hết không khí trong phổi.
4.2.2 Cách thực hiện
Tư thế của bạn là ngồi hoặc đứng, tùy; mặt hơi hướng lên trên, giữ thẳng đầu và cổ.
Đặt môi của bạn xung quanh vị trí ngậm sao cho bạn tạo thành một nút kín.
Khi bạn bắt đầu hít vào từ từ bằng miệng, hãy ấn xuống ống hít một lần.
Tiếp tục hít thở chậm, sâu nhất có thể.
Giữ hơi thở của bạn.
Đối với các ống hít không định liều, không ấn như ống hít bột khô, bạn cần hít vào thật mạnh, đảm bảo ống hít không bị nghiêng.
Đưa ống thuốc ra khỏi miệng. Nếu bạn có thể, hãy nín thở khi đếm chậm đến 10. Điều này giúp thuốc đi sâu vào phổi của bạn.
Mím môi và thở ra từ từ bằng miệng.
Nếu bạn đang sử dụng thuốc giảm đau nhanh dạng hít (thuốc chủ vận beta), hãy đợi 1 đến 2 phút trước khi thực hiện lần hít tiếp theo.
Đặt lại nắp trên ống ngậm và đảm bảo nó được đóng chặt.
Sau khi sử dụng ống hít, hãy súc miệng bằng nước và nhổ bỏ nước để giảm tác dụng phụ. Không nuốt nước.
4.2.3 Vệ sinh và bảo quản
Đối với những thiết bị dùng một lần, bạn có thể vứt bỏ chúng đúng quy cách. Còn với các thiết bị tái sử dụng như ống hít định liều, hãy vệ sinh chúng sau khi hít, rửa sạch với nc ấm và để khô tự nhiên; chỉ vệ sinh phần nhựa và phần ngậm.
Bảo quản ống hít của bạn ở nhiệt độ phòng. Nó có thể không hoạt động tốt nếu nó quá lạnh. Với bình hít định liều, thuốc trong ống đựng có áp suất. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn không để nó quá nóng hoặc làm thủng nó.
5 Các biện pháp trị hen tại nhà
5.1 Chế độ ăn cho người mắc hen suyễn
5.1.1 Chế độ ăn kiêng dựa trên thực vật
Chế độ ăn kiêng dựa trên thực vật giúp ích như thế nào? Chế độ ăn dựa trên thực vật đã được chứng minh là làm giảm tình trạng viêm toàn thân, có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn. Chế độ ăn dựa trên thực vật cũng giàu chất xơ, có liên quan tích cực đến việc cải thiện chức năng phổi nhờ khả năng thúc đẩy một hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh, có vai trò trong các phản ứng miễn dịch và các bệnh về đường thở.
5.1.2 Hoa quả và rau
Ăn trái cây và rau quả có thể đặc biệt có lợi khi bị hen suyễn nhờ chứa hàm lượng lớn các chất chống oxy hóa và Flavonoid. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ nhiều trái cây và rau quả có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em và người lớn; đồng thời cũng được chứng minh là cải thiện chức năng phổi và làm cho các triệu chứng hen suyễn, bao gồm cả thở khò khè, dễ kiểm soát hơn.
5.1.3 Hạn chế sữa và chất béo
Các nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ sữa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Bên cạnh đó, việc ăn nhiều chất béo, tiêu thụ chất béo bão hòa và ăn ít chất xơ đều có liên quan đến tình trạng viêm đường thở và làm suy giảm chức năng phổi ở bệnh nhân hen suyễn.
5.1.4 Cân nặng hợp lý
Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và giúp kiểm soát các triệu chứng. Ở những người bị hen suyễn, chỉ số BMI cao hơn có liên quan đến việc kiểm soát hen suyễn ở trẻ em và thanh thiếu niên kém hơn và cơn hen kịch phát ở người lớn.
5.2 Lối sống thích hợp
Giảm tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng hoặc kích thích: Các chất gây dị ứng có thể gây ra các triệu chứng hen suyễn ở một số người, hạn chế sự tiếp xúc với lông động vật, phấn hoa, mạt bụi… có thể có ích.
Chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo hen suyễn trầm trọng hơn như thở khò khè và tức ngực, đau ngực, sử dụng thuốc giãn phế quản thường xuyên hơn, có vấn đề khi ngủ, ho nhiều vào đêm.
Vận động thể chất: Tập thể dục có thể cải thiện sức khỏe và tâm trạng, cũng có thể làm giảm các cơn hen suyễn. Những người bị bệnh hen suyễn nên kiểm soát tốt trước khi tập thể dục, bao gồm khởi động ít nhất 10 phút trước khi tập, tránh các tác nhân gây dị ứng trong khi tập, tăng dần cường độ từ từ.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm và COVID-19 vì các triệu chứng của các bệnh này có thể làm trầm trọng hơn bệnh hen suyễn.
Tránh khói thuốc và các loại khói khác như đốt lửa trại bởi việc hít nhiều khói có thể gây ra nguy cơ co thắt đường thở.
5.3 Mẹo dân gian chữa bệnh hen suyễn
5.3.1 Mẹo chữa hen suyễn cho trẻ bằng mật ong
Các đặc tính chống oxy hóa của mật ong tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn để bảo vệ nó khỏi cảm lạnh thông thường và cúm có thể gây ra bệnh hen suyễn. Mật ong cũng làm thông đường thở nhờ khả năng từ từ làm sạch chất nhầy trong cổ họng. Các khoáng chất và hàm lượng vitamin khác nhau của mật ong như Magie, Mangan, selen và axit amin, giúp làm sạch tắc nghẽn đường thở trong phổi. Ngoài ra, mật ong cũng giúp làm dịu màng trong ống phế quản.
Mật Ong với nước ấm: Hòa 1 thìa cà phê mật ong với 240mL nước ấm và uống, giúp loại bỏ chất nhầy trong ống phế quản và hạn chế bệnh hen suyễn.
Mật ong và quế: Trộn 1 thìa cà phê mật ong với nửa thìa bột quế; sử dụng hỗn hợp này mỗi ngày trước khi ngủ và mỗi sáng sau khi thức dậy, giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và nấm trong hệ thống hô hấp.
Mật ong và chanh: Vắt nửa quả chanh vào một cốc nước ấm và thêm một thìa cà phê mật ong, uống cách này vào mỗi buổi sáng để loại bỏ hoàn toàn chất nhầy trong vài ngày.
Mật ong và đinh hương: Đun sôi hai cốc nước và cho một nhúm Đinh Hương khô, để sôi lăn tăn trong 5 phút, tắt bếp và ủ 10 phút rồi thêm một thìa mật ong. Uống hai lần một ngày, một lần trước khi đi ngủ và một lần vào buổi sáng.
5.3.2 Chữa hen phế quản bằng lá tía tô
Chiết xuất lá Tía Tô làm giảm đáng kể tình trạng viêm đường thở trong bệnh hen bằng cách cải thiện các thay đổi bệnh lý phổi, ức chế tập trung các tế bào viêm trong mô phổi và dịch rửa phế quản phế nang, giảm sản xuất cytokin gây viêm và giảm mức độ immunoglobulin trong huyết thanh.
Nước tía tô và chanh: Rửa sạch lá tía tô. Đun sôi 2L nước, cho lá tía tô vào nồi, đun thêm 3-5 phút rồi tắt bếp. Lấy riêng phần nước, thêm nước cốt chanh hoặc vài lát chanh tươi, để uống trong ngày.
Rượu tía tô: Sao qua lá tía tô, nghiền nhỏ, ngâm với rượu gạo trong 7-10 ngày, bỏ bã, uống phần nước rượu hàng ngày.
6 Tài liệu tham khảo
Chuyên gia của GINA, Pocket guide for Asthma management and prevention (Cập nhật năm 2022). Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2022
Chuyên gia của ClevelandClinic (Ngày đánh giá 19 tháng 1 năm 2022). Asthma, ClevelandClinic. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2022
Chuyên gia của MayoClinic (Ngày 5 tháng 3 năm 2022). Asthma inhalers: Which one's right for you?, MayoClinic. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2022
Tác giả Jihad Alwarith và cộng sự (Ngày đăng 1 tháng 5 năm 2020). The role of nutrition in asthma prevention and treatment, PubMed. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2022
Có tổng: 13 sản phẩm được tìm thấy