Phân loại thuốc ức chế miễn dịch trong bệnh dị ứng và tự miễn theo Bộ Y tế
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Trungtamthuoc.com - Thuốc ức chế miễn dịch được coi là giải pháp trong điều trị bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch hoạt động quá mức. Tuy nhiên đây là nhóm thuốc có cơ chế hoạt động phức tạp, người bệnh có thể gặp nhiều tác dụng phụ khi điều trị. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc tìm hiểu về các nhóm thuốc ức chế miễn dịch và những lưu ý khi sử dụng thuốc trong bài viết bên dưới.
1 Thuốc ức chế miễn dịch là gì?
Đáp ứng miễn dịch là cơ chế tự nhiên của cơ thể bao gồm miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích ứng, nhằm bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng, và các tế bào bất thường. Khi đáp ứng miễn dịch bình thường, vật chủ sẽ được bảo vệ khỏi tác nhân gây bệnh mà không gây sự tổn thương nào cho cơ thể. Tuy nhiên nếu đáp ứng này bất thường, gây ra tổn thương các mô và cơ quan trong phản ứng quá mẫn hay bệnh tự miễn khi xảy ra phản ứng chống lại kháng nguyên tự thân. Ngoài ra, có thể hệ miễn dịch suy yếu hoặc mất khả năng bảo vệ cơ thể.
Thuốc ức chế miễn dịch là các loại thuốc được sử dụng để ức chế hoặc làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch. Chúng thường được sử dụng trong điều trị bệnh tự miễn, viêm nhiễm hoặc để ngăn ngừa hiện tượng thải ghép sau cấy ghép nội tạng. Thuốc giúp điều chỉnh hệ thống miễn dịch trở lại bình thường khi chúng hoạt động quá mức, nhưng cũng tăng nguy cơ nhiễm nấm, vi khuẩn, virus.
Thuốc ức chế miễn dịch có thể phân loại thành 4 nhóm chính, cụ thể:
- Ức chế bộc lộ gen của cytokine: corticosteroids
- Nhóm gây độc tế bào: bao gồm nhóm alkylating hóa và nhóm chống chuyển hóa.
- Các thuốc ức chế Calcineurin: Cyclosporine, Tacrolimus
- Các kháng thể ức chế miễn dịch: Kháng thể đa dòng, kháng thể đơn dòng.
===> Xem thêm bài viết: Tổng quan về thuốc kháng viêm và các loại thuốc kháng viêm
2 Thuốc ức chế miễn dịch có tác dụng gì?
Thuốc ức chế miễn dịch thường được dùng để ngăn ngừa và kiểm soát các phản ứng miễn dịch quá mức có thể gây hại cho cơ thể. Các tác dụng chính của thuốc bao gồm:
Ngăn ngừa thải ghép: sử dụng sau khi ghép tạng (tim, gan, thận, phổi) để ngăn hệ miễn dịch tấn công và đào thải cơ quan mới.
Điều trị bệnh tự miễn: Làm giảm phản ứng tự miễn trong các bệnh như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, vẩy nến, bệnh viêm ruột (Crohn và viêm loét đại tràng).
Giảm viêm và dị ứng nặng: Điều trị viêm da dị ứng nặng, hen suyễn nặng hoặc viêm mạch máu.
Điều trị một số bệnh ung thư: Một số thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng như phương pháp hóa trị trong điều trị ung thư máu.
3 Thuốc ức chế miễn dịch corticoid
Các thuốc nhóm corticoid thường dùng phổ biến như thuốc ức chế miễn dịch Medrol (methyprednisone) hay Prednisone hoặc Prednisolone. Cơ chế chung của thuốc là ức chế gene các yếu tố gây viêm, tăng hoạt động các gene kháng viêm, dẫn đến ức chế tổng hợp cytokine gây viêm.
Chỉ định
Ứng dụng trong điều trị các bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, bệnh mô liên kết hỗn hợp, viêm da cơ, thiếu máu tan máu tự miễn, xuất huyết giảm tiểu cầu, hen phế quản.
Tác dụng phụ
Các tác dụng phụ liên quan đến sử dụng thuốc lâu dài như tăng nguy cơ loét dạ dày, tăng đường huyết, rối loạn lipid máu, khó ngủ, thay đổi tâm trạng, hội chứng Cushing , tăng nguy cơ nhiễm trùng, chậm lành vết thương, loãng xương, suy thượng thận.
4 Thuốc ức chế Calcineurin
Thuốc hoạt động bằng cách ức chế enzyme calcineurin, ngăn chặn hoạt động của tế bào lympho T, từ đó giảm đáp ứng miễn dịch. Trong nhóm này, 2 thuốc thường gặp là Cyclosporine và tacrolimus.
4.1 Thuốc ức chế miễn dịch Cyclosporine
Thuốc ức chế miễn dịch Cyclosporine là một chất ức chế calcineurin, liên kết với protein trong tế bào lympho và ức chế quá trình sản xuất interleukin-2 (IL-2), một yếu tố cần thiết để kích hoạt tế bào T. Thuốc được chỉ định dùng chống thải ghép cấp, điều trị viêm khớp dạng thấp, vảy nến, hội chứng thận hư, hen nặng phụ thuộc corticoid, đái tháo đường tuýp 1.
Liều dùng thông thường 100 - 400 mg/ngày chia 2 liều và uống một thời điểm nhất định.
Tác dụng phụ
Tác dụng phụ thường gặp phụ thuộc vào liều dùng, các triệu chứng thường gặp như độc tính thận, tăng huyết áp, tăng Kali máu, rậm lông, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy, suy giảm chức năng gan, thận, tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
4.2 Thuốc Tacrolimus
Thuốc Tacrolimus được chỉ định trong trường hợp viêm da cơ địa, vảy nến tại chỗ. Thường gặp ở dạng kem bôi có liều dùng phụ thuộc vào tình trạng bệnh.
Tác dụng phụ
Các tác dụng phụ thường gặp như rối loạn tiêu hoá, tăng huyết áp, đau đầu, run tay chân, độc tính với thận, tăng đường máu, tăng kali máu, tăng huyết áp.
5 Thuốc gây độc tế bào
5.1 Nhóm alkylating hóa (cyclophosphamide)
Cyclophosphamide là một thuốc alkyl hóa có khả năng liên kết cộng hóa trị với ADN trong tế bào, làm thay đổi cấu trúc ADN và ngăn chặn quá trình sao chép, từ đó làm giảm sự tăng sinh tế bào. Thuốc được chỉ định trong trường hợp thiếu máu tan máu, lupus ban đỏ hệ thống, ung thư, viêm khớp dạng thấp, viêm đa cơ…
Liều dùng
Liều uống 2mg/kg/ngày, uống 1 liều duy nhất vào buổi sáng với nhiều nước.
Liều truyền tĩnh mạch được áp dụng cho viêm cầu thận lupus 0,5 g - 1g/m2 hàng tháng trong 6 tháng liên tục, theo hướng dẫn của phác đồ bác sĩ cụ thể.
Tác dụng phụ:
Thường xảy ra khi dùng liều cao Cyclophosphamide như giảm bạch cầu, viêm bàng quang, rụng tóc, độc tính gan và tim, ung thư thứ phát, buồn nôn và nôn, rối loạn điện giải.
5.2 Thuốc chống chuyển hóa Azathioprine
Azathioprine là tiền chất được chuyển hóa thành 6-mercaptopurine (6-MP) trong cơ thể, sau đó 6-MP ức chế tổng hợp purine, làm cản trở sự phát triển và hoạt động của tế bào lympho T và B. Thuốc được chỉ định trong viêm cầu thận tăng sinh cấp, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, viêm cơ tự miễn…
Liều dùng bắt đầu từ liều 1mg/kg/ngày, sau đó tăng dần lên 2mg - 3 mg/kg/ngày.
Tác dụng phụ
Các phản ứng phụ như ức chế tủy xương, buồn nôn, nhiễm trùng, sốt, rối loạn chức năng gan
5.3 Thuốc ức chế miễn dịch Methotrexate
Methotrexate hoạt động bằng cách ức chế enzym dihydrofolate reductase, từ đó ngăn chặn quá trình tổng hợp DNA và RNA, ức chế miễn dịch và chống tăng sinh tế bào. Thuốc được chỉ định trong điều trị viêm khớp dạng thấp, vảy nến, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp.
Chống chỉ định
- Có thai và cho con bú
- Suy gan, suy thận nặng.
Liều lượng
Liều uống và tiêm đều bắt đầu từ 5-10mg/tuần, duy trì cố định 1 ngày trong tuần, sau đó tăng liều lên 20mg/tuần nếu không có sự đáp ứng tốt. Bổ sung thêm Acid Folic 5mg/ ngày x 3 ngày trong tuần.
Tác dụng phụ
Mệt mỏi, loét miệng, rụng tóc, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, viêm dạ dày, khó thở.
5.4 Thuốc Mycophenolate Mofetil chống thải ghép
Mycophenolate mofetil chuyển hóa thành chất có thể ức chế mạnh enzyme Inosine monophosphate dehydrogenase, cần thiết cho sự tổng hợp purine ở tế bào lympho T và B, do đó làm giảm sự tăng sinh của các tế bào miễn dịch. Thuốc được chỉ định điều trị thể nặng của Lupus ban đỏ hệ thống thể nặng, viêm mạch, viêm cầu thận.
Liều uống từ 1 - 3 g/ngày chia 2 lần, uống trong bữa ăn.
Tác dụng phụ thường gặp như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, đau đầu, tăng nhiễm trùng, giảm tiểu cầu, thiếu máu, ung thư da.
6 Kháng thể ức chế miễn dịch
Các kháng thể dùng ức chế miễn dịch gồm kháng thể đơn dòng và kháng thể đa dòng.
6.1 Kháng thể đa dòng
Kháng thể đa dòng được chiết xuất từ huyết thanh người hoặc động vật đã được kích thích kháng nguyên. Kháng thể đa dòng thường gặp như globulin kháng tế bào lympho có nguồn gốc từ ngựa hoặc thỏ, có khả năng gắn vào tế bào T làm giảm chức năng của chúng, phòng ngừa và điều trị các bệnh thải ghép thận, suy tuỷ xương.
Tác dụng phụ
Phản ứng dị ứng, nhiễm trùng, giảm tiểu cầu, sốt, ớn lạnh, đau khớp, huyết áp cao hoặc thấp.
6.2 Kháng thể đơn dòng
Kháng thể đơn dòng là các kháng thể được sản xuất trong phòng thí nghiệm và có khả năng nhắm mục tiêu cụ thể, có thể là một loại protein hoặc tế bào nào đó trong hệ thống miễn dịch làm ngăn chặn yếu tố gây viêm và tiêu diệt tế bào B hoặc T. Các thuốc nhóm này được sử dụng phổ biến như anti - CD20, anti - CD 52, anti - TNF - α.
- Anti - CD20 (Rituximab) là các kháng thể đơn dòng này nhắm vào CD20, một protein được tìm thấy trên bề mặt của tế bào B, loại tế bào quan trọng trong hệ miễn dịch. Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm mạch máu, đồng thời điều trị nhiều loại ung thư như lymphoma không Hodgkin, bạch cầu dòng lympho mạn tính (CLL), lymphoma tế bào B.
- Anti - CD 52 (Alemtuzumab) gắn vào CD52 trên bề mặt các tế bào lympho (tế bào T và B), dẫn đến việc phá hủy các tế bào này thông qua các cơ chế miễn dịch. Được sử dụng điều trị một số bệnh lý miễn dịch như đa xơ cứng, viêm thận tự miễn, bạch cầu lympho mạn tính.
- Anti - TNF - α gắn kết với TNF-α trong cơ thể, ngăn cản TNF-α tương tác với thụ thể của nó trên bề mặt tế bào làm giảm hoạt động viêm và các tổn thương mô do viêm. Thuốc chỉ định trong bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, viêm loét đại tràng, lupus ban đỏ hệ thống, viêm cột sống dính khớp, bệnh crohn…
Tác dụng phụ
Thường gặp các triệu chứng dễ bị nhiễm trùng, phản ứng dị ứng, rò rỉ thuốc trong tiêm truyền, mệt mỏi, đau đầu, phát ban, độc tính trên gan và thận.
7 Tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch
Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch có thể gặp nhiều tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, dưới đây là các tác dụng không mong muốn phổ biến:
7.1 Nguy cơ nhiễm trùng
Do ức chế hệ miễn dịch nên người sử dụng thuốc có thể dễ bị mắc phải tình trạng nhiễm trùng do virus, vi khuẩn và nấm cao hơn người bình thường. Các nhiễm khuẩn thường gặp như nhiễm khuẩn vết thương, nhiễm khuẩn phổi, viêm đường tiết niệu, virus herpes, cúm.
Trường hợp bệnh nhân điều trị bệnh lâu dài, nên tiêm phòng vaccine cúm, vaccine phế cầu hàng năm , không dùng vắc xin sống giảm độc lực như varicella, sởi… khi điều trị.
7.2 Nguy cơ gây ung thư
Thuốc gây ra các rối loạn tăng sinh tế bào miễn dịch nên dùng lâu dài có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung, ung thư da. Các bệnh tự miễn có thể tăng nguy cơ ung thư như viêm da cơ, viêm đa cơ, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống...
7.3 Giảm số lượng tế bào máu
Một số thuốc có thể làm giảm số lượng bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu, tăng nguy cơ thiếu máu và chảy máu. Tạm dừng sử dụng thuốc ức chế miễn dịch khi BC giảm dưới 1,5 x 10^9/l.
7.4 Nguy cơ các bệnh về tim mạch
Một số thuốc như cyclosporine và corticosteroid có thể làm tăng huyết áp, gây nguy cơ bệnh tim mạch. Corticosteroid và một số thuốc khác có thể làm tăng đường huyết và gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường.
7.5 Tổn thương gan và thận
Các thuốc như cyclosporine và tacrolimus, có thể gây độc cho thận hoặc gan khi sử dụng lâu dài. Cần thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng gan thận thường xuyên trước, trong và sau khi dùng thuốc.
8 Lưu ý khi sử dụng thuốc ức chế miễn dịch
Trong quá trình điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, cần phải lưu ý các điểm bên dưới để đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm thiểu tác dụng phụ:
- Liều lượng và thời gian dùng thuốc phải được thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Không tự ý ngưng thuốc đột ngột, vì có thể gây ra phản ứng thải ghép hoặc bùng phát bệnh tự miễn.
- Cần kiểm tra thường xuyên để đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện sớm các tác dụng phụ. Các xét nghiệm cần thực hiện như công thức máu, chức năng gan, thận, xét nghiệm đường huyết, lipid máu.
- Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, hạn chế tiếp xúc với người bệnh truyền nhiễm, tiêm phòng đầy đủ trước khi sử dụng nhưng tránh tiêm các vắc-xin sống khi đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
- Theo dõi các tác dụng phụ có thể xảy ra, và thông báo với bác sĩ các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng để tránh tương tác thuốc.
- Ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, giảm muối, đường và chất béo bão hòa, hạn chế rượu bia và thuốc lá, bổ sung Canxi và Vitamin D khi sử dụng glucocorticoid lâu dài.
9 Kết luận
Thuốc ức chế miễn dịch là các thuốc làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch được sử dụng trong điều trị bệnh tự miễn, viêm nhiễm hoặc để ngăn ngừa hiện tượng thải ghép sau cấy ghép nội tạng. Việc lựa chọn thuốc ức chế miễn dịch cần dựa trên tình trạng bệnh và chỉ định cụ thể từ bác sĩ.
10 Tài liệu tham khảo
Bộ Y tế, ( Ngày 2 tháng 10 năm 2014) Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về dị ứng - miễn dịch lâm sàng, trang 127 đến trang 132, Bộ Y tế. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2024.
Tác giả M Suthanthiran, R E Morris, T B Strom (ngày đăng tháng 8 năm 1996) Immunosuppressants: cellular and molecular mechanisms of action. Pubmed. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2024.
Chuyên gia Drugs.com, Immunosuppressive agents. Drugs.com. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2024.
Có tổng: 18 sản phẩm được tìm thấy