Thuốc điều trị các bệnh da liễu thường gặp được bác sĩ khuyên dùng
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Da là cơ quan có diện tích lớn nhất trong cơ thể, là cơ quan điều tiết quan trọng của cơ thể. Các bệnh ngoài da ngày càng nhiều và ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến người già và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Duy trì là da khỏe mạnh là điều quan trọng để có được cơ thể khỏe mạnh. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu các bệnh da liễu thường gặp và các thuốc điều trị hiệu quả qua bài viết dưới đây.
1 Vai trò của da với cơ thể
Da là cơ quan có diện tích lớn nhất của cơ thể. Da được chia thành 3 lớp bao gồm: lớp ngoài cùng (biểu bì), lớp giữa (hạ bì) và lớp sâu nhất (lớp dưới da).
Nhìn vào da có thể đoán được tuổi tác của cơ thể. Sự thay đổi màu da, cấu trúc da có thể biểu hiện của các bệnh lý như người thiếu máu sẽ có làn da nhợt nhạt, người viêm gan sẽ có làn da vàng hơn người bình thường,...
Da đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng như:
- Bao bọc bên ngoài cơ thể, bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, độ ẩm, ánh sáng, tia UV,...
- Ngăn chặn sự mất nước của cơ thể.
- Cách nhiệt, điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể với môi trường bên ngoài.
- Là cơ quan cảm thụ giúp dẫn truyền cảm giác ấm, lạnh, đau, ngứa,...
- Lớp da sâu nhất có vai trò dự trữ nước, chất béo, các sản phẩm phục vụ cho quá trình trao đổi chất. Bên cạnh đó da còn là nơi tổng hợp Vitamin D cho cơ thể.
Da bị tổn thương sẽ tự chữa lành bằng cách hình thành các sẹo. Tùy vùng tổn thương, độ nông hay sâu của vết thương mà có thể để lại sẹo rõ hoặc mờ.
2 Các bệnh da liễu thường gặp
Các bệnh về da ngày càng phổ biến và ảnh hưởng đến sức khỏe ở mọi lứa tuổi khác nhau. Các bệnh về da có thể được phân loại theo các nguyên nhân như:
Bệnh về da nguyên nhân do nhiễm khuẩn: bệnh chốc, nhọt, viêm nang lông, trứng cá, lao da, bệnh phong,...
Bệnh về da nguyên nhân do ký sinh trùng - côn trùng: bệnh ghẻ, lang ben, bệnh da do nấm sợi, bệnh da và niêm mạc do Candida, nấm tóc, nấm móng, viêm da tiếp xúc do côn trùng,...
Bệnh da do Virus: Bệnh Zona, hạt cơm, u mềm lây,...
Bệnh da tự miễn: Bệnh Lupus ban đỏ, viêm cơ bì, bọng nước dạng pemphigus,...
Dị ứng - miễn dịch: Viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc dị ứng, hồng ban đa dạng, sẩn ngứa, mề đay da,...
Bệnh da lây truyền qua đường tình dục: Giang mai, bệnh lậu, viêm âm hộ - âm đạo do nấm Candida, Herpes sinh dục, nhiễm Chlamydia trachomatis sinh dục - tiết niệu, viêm âm đạo do trùng roi, sùi mào gà sinh dục,...
U da: ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào vảy, ung thư tế bào hắc tố, u ống tuyến mồ hôi,...
Các bệnh da do di truyền: Dày sừng lòng bàn tay, bàn chân di truyền, bệnh vảy phấn đỏ nang lông, u xơ thần kinh, bệnh gai đen, dị sừng nang lông, vảy cá, viêm da đầu chi - ruột,...
Rối loạn sắc tố da: bệnh bạch biến, sạm da, rám má,...
Bệnh da khác: bệnh Apthose, bệnh da do ánh sáng, bệnh da nghề nghiệp, Porphyrin da, Pellagra,...
3 Thuốc điều trị bệnh da do nhiễm khuẩn
3.1 Thuốc chữa bệnh chốc
Bệnh chốc có tên tiếng anh là Impetigo.
Chốc là bệnh lý ngoài da, người bệnh xuất hiện những bọng nước trên da rồi hóa mủ. Nếu bị va chạm rất dễ dập vỡ và đóng vảy. Người ta tìm thấy tụ cầu vàng, liên cầu hoặc cả hai loại vị khuẩn lên vùng tổn thương của người bị chốc.
Bệnh chốc nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây các biến chứng tại chỗ như chàm hóa, chốc loét, viêm mô bào,... hoặc có thể biến chứng toàn thân như viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, viêm cơ, viêm cầu thận cấp,...
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh được xác định do tụ cầu vàng, liên cầu hoặc một số trường hợp còn ghi nhận phối hợp cả hai gây chốc.
- Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt vào những thời điểm mùa hè, mùa nồm ẩm.
- Những người vệ sinh có thể kém, ra mồ hôi nhiều là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây bệnh chốc.
- Đặc biệt những bệnh nhân bị viêm da cơ địa là những người có nguy cơ cao bị chốc.
- Người sống trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, bị chấy rận cắn, ghẻ,... có thể bị chốc.
Nguyên tắc điều trị bệnh chốc
- Sử dụng thuốc điều trị tại chỗ và toàn thân.
- Giảm ngứa cho bệnh nhân, do đó bệnh nhân không gãi, tránh lây nhiễm ra các vùng da xung quanh.
- Điều trị biến chứng nếu có.
Thuốc bôi trị bệnh chốc
Cho bệnh nhân tắm sạch sẽ bằng dung dịch sát khuẩn hoặc nước thuốc tím pha loãng với tỷ lệ 1/10.000.
Với các bọng nước hoặc bọng mủ: dùng các dung dịch sát khuẩn có màu để chấm vào vết thương mỗi buổi sáng như:
- Dung dịch Milian chứa Xanh methylen, Tím Tinh Thể có công dụng sát khuẩn nhẹ vùng da bị chốc.
- Dung dịch Castellani chứa Fuchsin basique, Phenol, Acid Borique,... giúp tiêu diệt vi khuẩn trên da.
- Dung dịch Eosin 2% chứa hoạt chất có tính sát khuẩn là Eosin, Acid Citric,... giúp làm khô nhanh vùng da bị mủ và dự phòng bội nhiễm.
Với các vảy tiết
- Nước muối sinh lý 0.9% đắp lên vết chốc.
- Có thể thay nước muối sinh lý bằng thuốc tím tỷ lệ 1/10.000 để đắp lên vết thương đến khi hết vảy bong ra.
- Hoặc dùng dung dịch Jarish ( chứa Acidum boricum ) giúp làm sạch và dịu vết thương.
- Bôi mỡ kháng sinh Mupirocin (acid pseudomonic A), kem axit fusidic, erythromycin…từ 2 - 3 lần/ngày.
Thuốc uống điều trị bệnh chốc đường toàn thân
Bệnh chốc có vết thương lan tỏa
Sử dụng các loại kháng sinh dưới đây trong trường hợp bệnh nhân tổn thương nhiều, vết thương lan tỏa.
- Kháng sinh Cephalexin
Người lớn: Uống 250mg x 4 lần/ ngày.
Trẻ em: Liều được tính theo cân nặng của trẻ là 25mg/kg/ngày. Chia thuốc thành 4 lần/ngày.
- Kháng sinh Docloxacin
Người lớn: Uống 250mgx 4 lần/ ngày.
Trẻ em: Liều uống là 12mg/kg/ngày chia thành 4 lần/ngày.
- Kháng sinh Clindamycin
Người lớn: Uống 330 - 400mg x 3 lần/ngày.
Trẻ em: Liều uống 10- 20mg/kg/ngày chia thành 3 lần uống đều nhau.
- Kháng sinh Amoxicillin/ Acid Clavulanic
Người lớn: Uống 875/125mg x 2 lần/ngày.
Trẻ em: Uống 25mg/kg/ngày, chia thành 2 lần uống.
Tụ cầu vàng kháng Methicillin
- Trimethoprim - Sulfamethoxazole
Người lớn: Uống 30mg/kg/ngày, chia thành 2 lần bằng nhau.
Trẻ em: Uống 8-12mg/kg, chia thành 2 lần bằng nhau.
- Vancomycin
Người lớn: Truyền tĩnh mạch chậm 30mg/kg/ngày, chia thành 4 lần bằng nhau.
Trẻ em: Truyền tĩnh mạch chậm 40mg/ ngày, chia thành 4 lần bằng nhau.
Lưu ý khi sử dụng kháng sinh để điều trị toàn thân
- Người dùng nên sử dụng kháng sinh đúng liều, đủ liều. Thời gian sử dụng kháng sinh là từ 5 đến 7 ngày tùy từng loại kháng sinh.
- Nếu bệnh nhân xuất hiện ngứa nhiều, khó chịu, có thể được cân nhắc sử dụng kháng Histamin.
- Trường hợp chốc có hiện tượng kháng thuốc, hoặc bị chuyển sang biến chứng toàn thân như chốc loét phải dược điều trị theo kháng sinh đồ kết hợp thêm điều trị biến chứng.
Phòng bệnh chốc
- Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị chốc, do đó phụ huynh cần vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ, lau mồ hôi hàng ngày, cắt móng tay, móng chân và không để trẻ đùa nghịch ở nơi mất vệ sinh.
- Tránh để côn trùng đốt.
- Phòng bệnh cho trẻ em, đặc biệt những bệnh nhi có sức đề kháng yếu sau khi mắc virus như mới bị sởi, quai bị,...
- Dọn dẹp vệ sinh khu vực sống, tránh ở nơi ẩm ướt, thiếu ánh sáng.
- Khi bị bệnh thì không nên gãi, chà xát để tránh vùng tổn thương lan rộng hơn.
- Bệnh nhi bị chốc vào tuần thứ 3 kể từ khi phát bệnh nên được xét nghiệm nước tiểu để loại trừ nguy cơ biến chứng viêm cầu thận cấp.
3.2 Thuốc trị bệnh viêm nang lông
Bệnh viêm nang lông là gì?
Viêm nang lông có tên tiếng anh là Folliculitis.
Bệnh ngoài da, thường gặp ở thanh thiếu niên nhiều hơn người lớn tuổi. Bệnh bệnh biểu hiện viêm ở vị trí chân lông.
Nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông
Nguyên nhân chính gây bệnh do vi khuẩn, cụ thể là:
- Bệnh gây ra do tụ cầu vàng.
- Trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Các nguyên nhân không phổ biến khác có thể gồm:
- Nấm Trichophyton rubrum hoặc Malassezia folliculitis.
- Virus Herpes.
- Viêm nang lông nguyên nhân không do vi khuẩn bao gồm:
Tăng bạch cầu ái toan ở người suy giảm miễn dịch.
Người thường xuyên tiếp xúc với dầu mỡ, như công nhân nhà máy dầu , thợ máy,... có thể bị viêm nang lông.
Hiện tượng giả viêm nang lông hay còn gọi lông chọc thịt.
Viêm nang lông Decalvans ở da đầu.
Điều trị viêm nang lông
Dung dịch sát khuẩn
Người bệnh sử dụng một trong các dung dịch dưới đây để vệ sinh, sát khuẩn ngày 2 - 4 lần vùng tổn thương:
- Dung dịch Povidone-iodine 10% ( chứa iod kết hợp với Povidone dưới dạng phức).
- Hexamidine 0.1% ( chứa Hexamidine di-isetionate).
- Chlorhexidine 4% ( chứa Chlorhexidine Digluconate 4%).
Thuốc kháng sinh bôi tại chỗ điều trị viêm nang lông
Kháng sinh bôi tại chỗ cũng được sử dụng để điều trị viêm nang lông. Người bệnh bôi lên vùng tổn thương sau khi thực hiện các bước sát khuẩn. Thời gian bôi kháng sinh tại chỗ từ 7 đến 10 ngày.
- Kem, mỡ Acid fusidic ( biệt dược Fucidin H, fusidic acid) : người dùng bôi 1-2 lần mỗi ngày.
- Thuốc mỡ Mupirocin ( biệt dược Bactroban, Bartucen, Supirocin): người bệnh sử dụng 2-3 lần mỗi ngày.
- Kem Silver Sulfadiazin 1%: bệnh nhân dùng 1-2 lần mỗi ngày.
- Dung dịch Erythromycin: sử dụng 1-2 lần mỗi ngày, bôi lên vùng tổn thương.
- Dung dịch Clindamycin: bạn bôi thuốc lên vùng viêm 1-2 lần mỗi ngày.
Kháng sinh toàn thân trị viêm nang lông
Các loại kháng sinh
Kháng sinh toàn thân được sử dụng khi bệnh nhân bị viêm nang lông rất nặng. Thuốc thường được phối hợp với kháng sinh tại chỗ để điều trị triệt để viêm nang lông.
Thời gian sử dụng kháng sinh thường là 7 đến 10 ngày.
- Kháng sinh Cloxacillin ( biệt dược Cloxapen)
Người lớn: Có thể dùng thuốc đường uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch. Các liều dùng cách nhau 6h, mỗi lần 250-500mg.
Trẻ em dưới 20kg: Các liều dùng cách nhau 6 giờ, mỗi giờ dùng 12.5-25mg/kg.
- Amoxicillin/ Acid Clavulanic (biệt dược Augmentin)
Người lớn: Uống 875/125mg x2 lần mỗi ngày.
Trẻ em: Uống 25 mg/kg/ngày chia hai lần bằng nhau mỗi ngày.
- Clindamycin (biệt dược Dalacin)
Người lớn: có thể uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch, liều dùng 300-400mg x 3 lần/ ngày.
Trẻ em: Uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch, liều 10-20mg/kg/ngày chia ba lần bằng nhau.
Tụ cầu vàng kháng methicilin
- Vancomycin (biệt dược Vancocin)
Người lớn: Truyền tĩnh mạch chậm, liều 30 mg/kg mỗi ngày, chia thành 4 lần bằng nhau.
Trẻ em: Tiêm tĩnh mạch chậm, truyền tĩnh mạch liều 40mg/ngày chia 4 lần.
Chữa viêm nang lông tại nhà
Bên cạnh việc chữa bằng thuốc, người dùng có thể tham khảo biện pháp trị viêm nang lông như:
Trị viêm nang lông bằng muối
Muối biển được sử dụng để sát khuẩn vùng da tổn thương. Đây là muối sạch, không lẫn các loại tạp chất. Cách sử dụng muối để trị viêm nang lông như sau:
Hòa tan 1 thìa muối vào cốc nước sạch.
Bôi dung dịch lên vùng viêm nang lông sau khi đã vệ sinh sạch sẽ. Bôi từ 1-2 lần mỗi ngày.
Kem trị viêm nang lông Zaraporo Rohto của Nhật
Kem hỗ trợ làm sạch dày sừng, giảm triệu chứng viêm tại vùng da tổn thương. Sản phẩm kích thích tái sinh vùng da, hỗ trợ diệt khuẩn hiệu quả.
Đồng thời sản phẩm còn giúp cung cấp độ ẩm cho da mịn màng, hạn chế quá trình sừng hóa da.
Hướng dẫn sử dụng:
Vệ sinh da bị bệnh sạch, sau đó dùng khăn mềm ẩm lau khô.
Người dùng lấy lượng kem vừa đủ bôi lên vùng da bị viêm, dùng 2 lần mỗi ngày.
Phòng bệnh viêm nang lông
- Giữ cơ thể sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh tay và vùng da dễ bị viêm nhiễm như mặt sau cánh tay, cổ, lưng,...
- Loại bỏ các yếu tố thuận lợi cho viêm nang lông phát triển như môi trường nóng ấm, hóa chất,...
- Không cài, gãi vùng da bị viêm nang lông.
- Rửa tay và hạn chế sờ tay lên vùng da tổn thương.
- Dùng dung dịch sát khuẩn, kháng sinh tại chỗ hay toàn thân để điều trị.
3.3 Thuốc trị bệnh mụn trứng cá
Bệnh trứng cá có tên tiếng anh là Acne.
Bệnh gây ra do tăng tiết chất nhờn từ tuyến bã nhờn ( tuyến dầu dưới da). Trứng cá thường xuất hiện ở các vùng da nhưng mặt, lưng, ngực,... đặc biệt ở độ tuổi thanh thiếu niên giai đoạn dậy thì.
Nguyên nhân gây bệnh trứng cá
Sự kết hợp của 3 yếu tố bao gồm:
- Tăng sản xuất chất bã.
- Sừng hóa cổ nang lông.
- Vi khuẩn Propionibacterium acnes.
Bên cạnh đó, một số yếu tố làm gia tăng hình thành mụn trứng cá bao gồm độ tuổi, giới tính, stress, nghề nghiệp, thuốc, vệ sinh da mặt không đúng cách,...
Mục tiêu điều trị
Loại bỏ những nguyên nhân gây mụn trên, cụ thể là:
- Hạn chế tiết bã nhờn.
- Chống dày sừng cổ tuyến bã.
- Diệt vi khuẩn và chống nhiễm khuẩn vùng tổn thương.
Thuốc bôi trị mụn trứng cá
Một số chú ý khi dùng thuốc bôi trị mụn trứng cá là:
Người dùng nên rửa tay sạch trước và sau khi bôi thuốc.
- Chỉ bôi thuốc lên vùng da bị mụn, không nên bôi quá nhiều lên vùng da lân cận để tránh bỏng rát.
- Sau khi bôi thuốc hạn chế chạm tay lên mặt để tránh thuốc dây vào vùng da khác.
- Một số thuốc bôi điều trị mụn trứng cá thường dùng
Retinoid
Retinoid là những chất có nguồn gốc là Vitamin A. Nhóm thuốc bao gồm các loại Retinyl Palmitate, Adapalene, Tazarotene, Retinol, Retinal, Tretinoin, Isotretinoin,...
Tác dụng
Thuốc có công dụng hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn, cải thiện tình trạng mụn. Đồng thời giúp nang lông được thông thoáng, sạch sẽ, đẩy nhanh quá trình tiêu nhân và ngăn chặn tiết bã nhờn làm thành nhân mụn.
Tác dụng phụ
Tác dụng phụ của thuốc là khô da, một số người bệnh còn gặp tình trạng đỏ da, bong vảy,...
Khi dùng thuốc có chứa Retinoid, bệnh nhân cần được che chắn kĩ vì thuốc làm da nhạy cảm với ánh sáng.
Chống chỉ định
Thuốc không được dùng cho phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai trong quá trình điều trị mụn bằng Retinoid. [1]
Benzoyl peroxid (thuốc Acne Treatment Clear Gel, Ezoyb 5, PanOxy Cream4% )
Tác dụng
Thuốc có công dụng ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây nhân mụn. Benzoyl peroxid là hoạt chất có công dụng chống viêm, giúp nhân mụn nhanh tiêu mà không để lai sẹo. Bên cạnh đó thuốc còn hạn chế tiết dầu thừa, đem lại làn da khô thoáng, ngăn ngừa mụn hiệu quả.
Tác dụng phụ
Tác dụng phụ phổ biến nhất khi dùng Benzoyl peroxid là khô da, da tăng nhạy cảm với ánh sáng.
Lưu ý
Để hạn chế tác dụng không mong muốn của thuốc, người dùng hạn chế bôi thuốc vào buổi sáng và chuyển sang bôi thuốc vào buổi tối, buổi chiều.
Kháng sinh
Tác dụng
Mụn có thể gây ra bởi vi khuẩn Propionibacterium acnes, do đó các kháng sinh có tác dụng diệt trừ vi khuẩn gây bệnh, chống viêm nhiễm, ức chế sự thu hút của bạch cầu đến ổ viêm.
Các loại kháng sinh thường dùng bôi tại chỗ như:
- Kem Clindamycin bôi ( Maxxacne-C).
- Thuốc Clindamycin 1% phối hợp cùng Benzoyl peroxide 5% ( thuốc Duac-gel).
- Clindamycin kết hợp cùng Adapalene ( thuốc Ciacca).
- Clindamycin và Adapalene (Gel trị mụn trứng cá Klenzit C).
- Kem chứa Erythromycin ( kem Erythrogel 4%, Erythromycin & Nghệ 10g,...)
Acid Azelaic ( thuốc Anzela Cre.10g, Scene 10g )
Tác dụng
Thuốc có công dụng ngăn chặn nhân mụn phát triển, đồng thời hạn chế sự sinh sôi phát triển của vi khuẩn gây mụn, do đó giảm tình trạng sưng tấy, nóng đỏ da.
Tác dụng phụ
- Ngứa, nóng đỏ da.
- Dị ứng.
- Nổi mụn nước.
- Bỏng da, châm chích dưới da.
Thuốc dùng toàn thân
Kháng sinh đường uống
- Kháng sinh Doxycyclin ( thuốc Adoxa, Doxycyclin Tab.100mg STADA ) : Liều uống 100mg/ ngày, uống liên tục trong vòng 10 ngày. Sau đó giảm nửa liều còn 50mg/ ngày trong vòng 2-3 tháng.
- Kháng sinh Tetracyclin (thuốc Sumycin, Actisite).
Liều uống 1.5mg/ ngày trong vòng 8 ngày hoặc 0.25g/ ngày trong vòng 30 ngày liên tục.
Lưu ý khi sử dụng
- Thuốc gây tăng nhạy cảm với ánh sáng, do đó bệnh nhân nên che chắn da cẩn thận khi đi ra ngoài.
- Không dùng thuốc cùng thời điểm với các đồ uống có chứa ion hóa trị II hoặc III như Canxi, Magie, Sắt,... để sự hấp thu thuốc không bị cản trở do tạo phức.
- Sử dụng thuốc kháng sinh xa bữa ăn để hiệu quả hấp thu thuốc là tốt nhất.
- Nếu bệnh nhân chống chỉ định dùng thuốc kháng sinh nhóm Tetracyclin có thể được thay thế bằng kháng sinh nhóm Macrolid ( Erythromycin, Clarithromycin, spiramycin, Azithromycin,...)
Thuốc Isotretinoin (thuốc Acnotin, Accutane, Zoacnel)
Tác dụng
Thuốc có công dụng giảm tiết bã nhờn dưới nang lông, do đó ngăn quá trình bít tắc chân lông do bã nhờn. Isotretinoin còn là hoạt chất thúc đẩy quá trình tiêu sừng nhanh chóng, chống dày sừng cổ nang lông, hạn chế tình trạng mụn hiệu quả trong thời gian ngắn. Thuốc được chỉ định trong điều trị mụn trứng cá nặng, mụn không đáp ứng điều trị.
Tác dụng phụ
- Khô da mặt, khô da môi.
- Mắt bị kích ứng.
- Gây quái thai, dị dạng thai nhi.
Lưu ý khi dùng thuốc
- Thuốc uống cùng Tetracyclin gây tăng áp lực nội sọ do đó không phối hợp hai thuốc cùng thời điểm.
- Trẻ dưới 16 tuổi và phụ nữ có thai, đang có dự định mang thai không được khuyến cáo dùng thuốc này.
Hormon
Tác dụng
Hormon là những thuốc đối kháng androgen, giúp ngăn ngừa mụn do ngăn cản sự hoạt động quá mức của hormon Androgen gây tiết bã nhờn dưới chân lông. Các thuốc này còn có tên gọi khác là thuốc tránh thai hàng ngày. Thuốc có 2 loại là: loại vỉ 21 viên ( 21 viên dược chất) và loại vỉ 28 viên ( gồm 21 viên dược chất và 7 viên Sắt giả dược).
Cách dùng
- Vỉ 21 viên: người dùng uống viên đầu tiên khi bắt đầu ngày hành kinh đầu tiên, uống liên tục mỗi ngày 1 viên trong 21 ngày. Sau khi uống hết 21 ngày thì nghỉ 7 ngày.
- Vỉ 28 viên: Bạn uống liên tục mỗi ngày 1 viên theo chiều mũi tên trong vòng 28 viên mà không cần nghỉ dùng thuốc.
Thời gian uống thuốc từ 3 đến 6 tháng.
Lưu ý khi dùng thuốc
- Người dùng chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ da liễu để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
- Phòng bệnh trứng cá tuổi dậy thì
- Thanh thiếu niên là những đối tượng dễ mắc bệnh trứng cá nhất, đo dó những đối tượng này nên có chế độ ăn khoa học, ít đường, ít chocolate, chất béo, đồ chiên rán.
- Tránh làm việc quá sức, thức đêm muộn.
- Giữ tinh thần vui vẻ, không stress tâm lý.
- Không rửa mặt bằng xà phòng có tính tẩy rửa quá mạnh.
- Hạn chế dùng thuốc có chất Corticoid, nhóm Halogen,...
4 Thuốc điều trị bệnh da do ký sinh trùng - côn trùng
4.1 Thuốc trị bệnh lang ben
Bệnh lang ben có tên tiếng anh là Pityriasis versicolor.
Bệnh thường gặp ở những nơi có khí hậu ẩm, nóng ẩm. Bệnh do nấm Malassezia gây nên, bệnh phổ biến ở người trẻ, thanh thiếu niên, đặc biệt những người tiết mồ hôi nhiều, suy giảm miễn dịch, mang thai, dùng thuốc có chứa corticoid,...
Bệnh đặc trưng bởi những dát hình tròn, hay hình bầu dục gần tròn, trên da có vảy mỏng. Vùng da bị lang ben thường có màu nâu hoặc nâu vàng.
Bệnh nhân thường ngứa ở vùng tổn thương đặc biệt khi vận động, ra nhiều mồ hôi, nóng bức.
Điều trị lang ben
Thuốc chống nấm trị lang ben tại chỗ
Ketoconazol (1-2%) ( thuốc Nizoral) hoặc Selenium sulfid 2,5%.
Dùng 2 lần/ tuần, sử dụng thuốc liên tục trong vòng 2 đến 4 lần để đạt hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó các thuốc chống nấm nhóm Azol, Allylamine dạng kem hoặc dung dịch, Nystatin, Acid Salicylic,... cũng được sử dụng để điều trị lang ben hiệu quả.
Điều trị thuốc kháng sinh đường toàn thân
Các thuốc dùng đường toàn thân nếu muốn sử dụng nên hỏi ý kiến của bác sĩ, dược sĩ và được theo dõi trong suốt quá trình điều trị để tránh nguy cơ ảnh hưởng đến gan, thận,...
- Thuốc Ketoconazol: người dùng uống 200mg/ ngày, uống liên tục từ 5-7 ngày.
- Itraconazole: uống 100-200mg/ ngày liên tục trong vòng 5 ngày.
- Fluconazol: uống 300mg/ tuần, uống trong vòng 2 tuần.
Dự phòng tái phát bệnh lang ben
- Sử dụng dầu gội đầu chứa Ketoconazol như Nizoral, SnowClear,... 1 tuần/ lần. Bên cạnh đó giữ vệ sinh cá nhân, thân thể, hạn chế dùng chung đồ sinh hoạt cá nhân như khăn mặt, đồ dùng,... để phòng lây nhiễm lang ben cho người bên cạnh.
- Dùng Ketoconazol 400mg x 1 lần mỗi tháng.
- Uống liều duy nhất Fluconazol 300mg x 1 lần/ tháng.
- Uống Itraconazole 400mg x 1 lần/ tháng.
Xem thêm bài viết có chủ đề tương tự: Bệnh Lang Ben: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Điều Trị Và Dự Phòng
4.2 Thuốc chữa bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ tên tiếng anh là Scabies.
Đây là bệnh phổ biến, nguyên nhân do ký sinh trùng ghẻ Sarcoptes scabiei hominis gây nên. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng tại chỗ và toàn thân như nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp,...
Yếu tố thuận lợi để ghẻ phát triển đó là thiếu vệ sinh, nhà chật hẹp, đông dân cư,...
Triệu chứng của bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ đặc trưng bởi những mụn nước trên da lành, rải rác, thường gặp nhất là ở kẽ ngón tay, cẳng tay, thắt lưng, trong đùi, vùng kín,... Ghẻ cái đẻ trứng và đào tổ tại da, trứng nở thành ấu trùng và lột xác nhiều lần để trưởng thành. Đường hầm ghẻ hay còn có tên khác là luống ghẻ dài 3-5cm tại vùng tổn thương. Người bị ghẻ thường xuyên ngứa nhiều về đêm.
Ghẻ Na Uy là bệnh lý ngoài da thường gặp ở những người có bệnh nền, bị suy giảm miễn dịch. Đây là tình trạng bệnh mà các lớp vảy do ghẻ chồng lên và lan tỏa ra toàn thân, trong mỗi lớp vảy có thể tìm thấy hàng nghìn ghẻ cái, do đó điều trị khó khăn, vùng tổn thương lan rộng và rất ngứa.
Cần phân biệt săng ghẻ với săng giang mai do hai bệnh thường dễ nhầm lẫn với nhau.
Cách chữa bệnh ghẻ nhanh nhất
Thuốc bôi tại chỗ trị ghẻ hiệu quả
- Gamma benzen 1%.
- Permethrin 5% (kem Permethrin, Towders Spray 100ml).
- Benzoat benzyl 25% .
- Diethylphtalat (DEP) trị ghẻ ( thuốc DEP Cream 8g).
Các thuốc khác thay thế
Mỡ Lưu Huỳnh của Nga 5-10%
Tác dụng
Thuốc dùng để sát trùng, giúp làn da sạch sẽ, tiêu diệt ký sinh trùng ghẻ nhanh chóng. Sản phẩm có thể được dùng cho trẻ em và người lớn, phụ nữ có thai và cho con bú hiệu quả mà an toàn.
Tác dụng phụ
Thuốc có thể gây mùi khó chịu, đặc biệt người nhạy cảm mùi hương nên thận trọng khi sử dụng.
Crotaminton 10% ( thuốc Crotamiton Stada 10%, Crotamiton 10%, Crotorax Cream)
Tác dụng
Thuốc có công dụng giết chết ký sinh trùng Sarcoptes scabiei hominis gây bệnh, do đó làm các dấu hiệu của bệnh giảm từ từ. Thuốc làm dịu da, giảm ngứa, làm kích ứng vùng da tổn thương.
Tác dụng phụ
Có thể xuất hiện ngứa, đỏ da, phát ban da.
Các dấu hiệu cực kỳ hiếm gặp như khó thở, chóng mặt, sưng mặt,...
Trường hợp ghẻ có bội nhiễm
Dùng dung dịch Milian (chứa Xanh Methylen) hoặc thuốc Castellani ( chứa Fuchsine basique, Phenol, Acid borique) để bôi lên vùng bội nhiễm.
Trường hợp ghẻ có chàm hóa
Dùng hồ nước hoặc kem chứa thành phần Corticoid ( thuốc Gentrisone, Silkron ) bôi trong 1-2 tuần.
Thuốc uống toàn thân
- Thuốc kháng histamin có thể được sử dụng để giảm cảm giác ngứa, khó chịu
- Thuốc tiêm Ivermectin: tiêm liều duy nhất 200µg/kg. Thuốc được dùng cho trường hợp ghẻ kháng trị với thuốc bôi cổ điển hoặc người bị ghẻ có nhiễm HIV hoặc bệnh nhân bị ghẻ Na Uy có thể sử dụng để diệt ghẻ nhanh chóng.
Khi dùng thuốc có thể xuất hiện cảm giác đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau khớp, suy nhược cơ thể hoặc đau hạch bạch huyết, sưng mắt, đỏ mắt, giảm thị lực,...
Phụ nữ đang mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi không được khuyến cáo dùng thuốc.
Phòng bệnh ghẻ
- Giữ vệ sinh cá nhân hàng ngày sạch sẽ.
- Vệ sinh nhà ở, giữ phòng luôn khô thoáng.
- Tránh tiếp xúc với người bị bệnh.
- Điều trị triệt để bệnh ghẻ để hạn chế biến chứng.
4.3 Thuốc trị bệnh nấm tóc, nấm da đầu
Bệnh nấm tóc
Bệnh nấm tóc là bệnh lý ngoài da, gây viêm, tổn thương tóc và da đầu. Nguyên nhân gây nấm tóc được xác định đó là nấm Dermatophyte. Trong đó có hai loại nấm thường gặp nhất đó là Microsporum và Trichophyton.
Nấm Piedra có hai loại chính là:
- Nấm tóc trắng gây ra bởi Trichophyton beigelii. Người bệnh khi bị nấm sẽ xuất hiện các nốt mềm, có màu trắng (hoặc đỏ, xanh lá cây, nâu) xuất hiện ở thân tóc. Nấm tóc phát triển làm tóc suy yếu, nhanh gẫy rụng. Nấm phát triển ở người suy giảm miễn dịch có thể gây nấm nội tạng.
- Nấm tóc đen gây ra bởi Piedraia hortae. Người bị nấm thường có nốt đen (hoặc màu nâu) ở thân tóc. Khi bị nấm tóc đen, tóc có thể bị tổn hại, nốt nấm vỡ ra gây tình trạng vỡ ngọn tóc.
Nấm da đầu
Bệnh nấm da đầu thường bị nhầm lẫn với bệnh viêm da đầu. Tuy nhiên bệnh sẽ tiến triển đến phản ứng mụn ngay chân tóc, gây rụng tóc nhiều, có thể tróc các mảng da đầu gây mất tự tin cho người bệnh, để lại sẹo, hói đầu, gây rụng tóc vĩnh viễn, thậm chí phản ứng viêm nhiều có thể dẫn đến áp xe tại da đầu.
Điều trị bệnh nấm tóc, nấm da đầu
Điều trị nấm tóc Piedra
- Cắt tóc ngắn, nhổ những sợi tóc có nhiễm nấm.
- Gội đầu bằng dầu gội chứa Ketoconazole 2 % ( Nizoral, SnowClear,...) hoặc có chứa lưu huỳnh.
Nấm da đầu
Người lớn
- Fluconazol ( thuốc Fluconazol 150mg STADA, Diflucan) : uống 6mg/kg/ngày liên tục 3-6 tuần.
- Griseofulvin ( thuốc Griseofulvin 500mg) 20mg/kg/ngày liên tục trong 6-8 tuần.
- Itraconazol: 5 mg/kg/ngày × 4-8 tuần.
- Terbinafin: 250mg/ngày × 2-4 tuần
Trẻ em
- Fluconazol: uống 6mg/kg/ngày trong vòng 6 tuần.
- Griseofulvin: liều 20-25 mg/kg/ngày trong 6-8 tuần.
- Itraconazol: uống liều 3-5 mg/kg/ngày khoảng 6 tuần.
- Terbinafin: Uống liên tục trong vòng 2-4 tuần thuốc Terbinafin với liều sau đây:
Trẻ dưới 20kg liều được khuyến cáo là 62,5 mg/ngày.
Trẻ từ 20-40kg: 25 mg/ngày (20-40 kg).
Trẻ trên 40kg: uống 250 mg/ngày.
Phòng bệnh nấm tóc
- Giữ vệ sinh tóc thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm.
- Hạn chế tối đa gội đầu vào ban đêm, sấy tóc khô sau khi gội đầu.
4.4 Thuốc điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Bệnh viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang hay còn gọi là kiến ba khoang đốt thường xuyên xuất hiện vào mùa mưa bão, thường gặp nhất là viêm da tiếp xúc do Paederus.
Paederus còn có tên là kiến ba khoang hay kiến kim, kiến nhốt, kiến cong đít,...
Loài kiến này có thân dài khoảng 7mm, có 2 đôi chân, dấu hiệu để phân biệt
với các loài khác đó chính là trên cơ thể có 2 vòng đỏ xen kẽ 3 vòng đen. Khi bị dập, kiến sẽ tiết ra Paederin - nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc. Vùng da sau khi tiếp xúc với dịch tiết sẽ xuất hiện các phản ứng viêm, đầu tiên là đỏ, hơi phù, sau đó chuyển nhanh sang tình trạng mụn nước giữa các vết đỏ.
Trường hợp nhẹ sẽ cảm thấy vùng da ngứa, rát, mụn nhỏ sau đó tự khỏi. Nếu nặng, bệnh nhân có thể bị tổn thương lan rộng, có xuất hiện phỏng nước, đau nhức khó chịu và hoại tử da.
Điều trị
Chủ yếu điều trị tại chỗ sớm để ngăn ngừa vùng tổn thương lan rộng ra các vùng da khác, nhanh chóng làm vùng da khô lại.
Bị kiến ba khoang bôi thuốc gì?
Khi bị tổn thương
- Dùng nước muối sinh lý NaCl 0.9% để rửa vết thương hàng ngày từ 3-4 lần sau khi vệ sinh sạch sẽ.
Khi vùng da bắt đầu đỏ
Dùng các chế phẩm dịu da, bôi 2-3 lần mỗi ngày các thuốc làm dịu mát da như
- Hồ nước ( chứa Oxit Kẽm).
- Hồ Tetra-Pred ( kháng sinh Tetracyclin và kháng viêm Prednisolon).
- Mỡ kháng sinh kết hợp Corticoid.
Tổn thương bọng nước, có mủ
- Chấm dung dịch sát khuẩn màu Milian, Castellani, thuốc tím pha loãng vào vùng da từ 1-2 lần/ngày.
Thuốc uống điều trị bệnh kiến ba khoang đốt
- Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường không cần điều trị đường toàn thân. Cá biệt những vết thương lan rộng, có mủ nhiều, nhiễm trùng sẽ được chỉ định dùng kháng sinh uống.
- Bệnh nhân đau, ngứa nhiều: dùng thuốc kháng Histamin để uống.
Phòng bệnh viêm da do kiến ba khoang
- Khi thấy côn trùng bò trên da, không cầm hoặc đập côn trùng mà thổi nhẹ hoặc dùng vật dụng gắp ra ngoài. Sau đó rửa sạch vùng da tiếp xúc với côn trùng với nước sạch.
- Khi không may đập hoặc chà xát, rửa tay và vùng tổn thương với xà phòng và nước nhiều lần.
- Bỏ màn khi ngủ, kiểm tra quần áo chăn màn trước khi dùng.
5 Thuốc điều trị bệnh da do Vi rút
5.1 Thuốc điều trị bệnh Zona
Bệnh Zona hay còn có tên khác là giời leo, Zona thần kinh
Bệnh do một trong các loại virus Herpes Zoster gây nên có tên là Virus Varicella zoster virus (VZV).
VZV gây nên bệnh ngoài da ở nhiều đối tượng. Mặc dù cùng căn nguyên gây bệnh là VZV, nhưng ở trẻ được gọi là bệnh thủy đậu và người trưởng thành gọi là Bệnh Zona thần kinh. Những người mắc thủy đậu, sau khi điều trị, virus sẽ khu trú ở hạch thần kinh cảm giác cột sống. Khi gặp điều kiện thích hợp, virus sẽ tái hoạt động và gây bệnh dọc theo hệ thần kinh ngoại biên. Những yếu tố thuận lợi để virus tái hoạt động như người mới ốm dậy, người uống thuốc ức chế miễn dịch, hóa xạ trị, HIV,...
Triệu chứng của bệnh Zona thần kinh
Khi bị Zona, người bệnh sẽ rất dễ nhầm lẫn với các bệnh như bệnh da do côn trùng kiến ba khoang,... Dấu hiệu đặc trưng khi bị bệnh là xuất hiện những ban đỏ, mụn nước dọc theo thần kinh ngoại biên.
Thuốc trị Zona thần kinh
Phác đồ điều trị
Với bệnh Zona không biến chứng, bệnh nhân có hệ thống miễn dịch bình thường
Thuốc bôi điều trị bệnh Zona
Bôi hồ nước hoặc dung dịch màu Millian, Castellani ngày 2-3 lần để làm dịu và kháng khuẩn vết thương.
Thuốc bôi Acyclovir trị Zona như Acyclovir STADA, MedSkin,...
Bôi thuốc mỡ kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn như
- Thuốc Gentrisone ( Betamethasone Dipropionate, Clotrimazole và Gentamicin).
- Thuốc 7 màu Silkron ( Betamethasone, Clotrimazole, Gentamicin).
Điều trị Zona đường toàn thân bằng thuốc Acyclovir
Tác dụng
Thuốc có công dụng ngăn ngừa sự nhân lên của virus trong cơ thể, giúp nhanh chóng lành vết thương do Zona. Người dùng nên sử dụng thuốc càng sớm càng tốt khi bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh để vùng tổn thương không lan rộng và giảm đau sau Zona.
Liều dùng được chỉ định là: uống 800mg x 5 lần/ngày liên tiếp trong vòng 7-10 ngày.
Tác dụng không mong muốn
- Buồn nôn, chóng mặt.
- Đau đầu.
- Tiêu chảy.
- Khó thở, phát ban da.
Lưu ý khi sử dụng
Cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc có chứa Acyclovir cho phụ nữ mang bầu hoặc những bà mẹ đang nuôi con bằng sữa.
Bệnh nhân bị suy thận nên được cân nhắc hiệu chỉnh liều dùng để tránh những tác dụng không mong muốn trên thận.
Bệnh nhân có thể được chuyển sang uống các loại thuốc khác như:
- Famciclovir ( Famvir, Famcimac 500, Virovir 500, Famciclovir STADA) 500mg x 3 lần/ngày, uống liên tục trong vòng 7 ngày.
- Valacyclovir ( Valtrex, Centrex) uống 1000mg x 3 lần mỗi ngày trong vòng 7 ngày.
Nếu đau dai dẳng
- Bôi thuốc chứa chất gây tê tại chỗ như Lidocain, Prilocain.
- Corticoid cũng có thể được sử dụng đường uống để giảm các triệu chứng viêm nhiễm cấp tính, đồng thời giảm đau sau Zona.
Trường hợp suy giảm miễn dịch hay tổn thương lan rộng
Tiêm tĩnh mạch thuốc Acyclovir (thuốc Acyclovir 250mg), tiêm liều 30mg/kg/ngày, chia 3 lần x 7 ngày.
Bệnh Zona ở mắt có tổn thương mắt
Đưa bệnh nhân đi khám chuyên khoa mắt, có thể xem xét tiêm tĩnh mạch.
Trường hợp đau sau Zona
Người già, người suy giảm miễn dịch, người bị ung thư là những đối tượng hay gặp tình trạng đau sau Zona nhiều nhất. Biểu hiện của những bệnh nhân này là đau có thể kèm theo nhói, rát dọc theo vùng tổn thương do Zona. Do đó những đối tượng này cần được dự phòng đau sau Zona để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như sức khỏe, cụ thể là:
Uống kháng virus như Acyclovir, Famciclovir, Valacyclovir,... càng sớm càng tốt ngay từ khi có những biểu hiện đầu tiên của bệnh, tốt nhất là uống trong vòng 3 ngày đầu tiên.
Thuốc Amitripylin ( thuốc Amitriptyline )
Tác dụng
Amitripylin là thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Thuốc có công dụng phải kể đến như:
- Điều trị đau dây thần kinh sau Zona, giúp bệnh nhân làm việc hiệu quả hơn.
- Cải thiện cảm xúc, làm bệnh nhân giảm lo lắng, căng thẳng.
- Giúp bệnh nhân dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Liều dùng: liều 25-75mg/ngày.
Tác dụng phụ
- Tiêu hóa: táo bón, khô miệng.
- Thần kinh: ngủ gà, lú lẫn.
- Tiết niệu: bí tiểu.
- Tuần hoàn: hạ huyết áp tư thế.
Lưu ý khi sử dụng
Để hạn chế các tác dụng không mong muốn trên, người dùng nên được dùng liều tăng dần.
- Phụ nữ có thai, người cho con bú hoặc bị dị ứng với thành phần Amitripylin đều không được khuyến cáo dùng thuốc.
- Thuốc có thể gây tương tác với nhiều thuốc khác như thuốc kháng histamin, thuốc hỗ trợ ăn kiêng, thuốc chống kết tập tiểu cầu,... do đó cần hỏi bác sĩ trước khi sử dụng để tránh các tai biến do tương tác thuốc có thể xảy ra.
- Hạn chế tối đa đồ uống có cồn hoặc lái xe, vận hành máy móc trong thời gian dùng thuốc.
Thuốc Carbamazepin (Thuốc Tegretol 200mg, Thuốc Tegretol CR 200mg)
Tác dụng
Thuốc Carbamazepin thuộc nhóm thuốc chống động kinh. Thuốc được dùng cho người bị bệnh Zona với mục đích giảm đau vùng tổn thương sau khi khỏi bệnh.
Liều dùng thuốc: Uống 400-1.200mg/ngày.
Tác dụng phụ
- Nôn, buồn nôn.
- Chóng mặt, đau đầu nhẹ.
- Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin.
Lưu ý khi sử dụng
- Không dùng nước Bưởi chùm khi sử dụng thuốc.
- Phụ nữ có thai được khuyến cáo dùng Carbamazepin. Phụ nữ đang cho con bú muốn dùng thuốc cần phải giám sát chặt chẽ đứa trẻ.
- Báo cho bác sĩ dược sĩ các thuốc đang dùng để tránh tương tác có hại có thể xảy ra.
Ngoài ra có thể sử dụng các thuốc khác như
- Thuốc Gabapentin có thể được sử dụng với liều 900-2.000mg/ngày, thuốc Pregabalin 150mg-300mg/ngày.
- Kem chứa Lidocain và Prilocain như Emla 5%, Lidocaine 2.5% and Prilocaine 2.5% Cream,... bôi thường xuyên vào vùng da bị Zona từ 3-4 lần/ngày.
Bệnh Zona thần kinh kiêng ăn gì?
- Khi bị Zona, người bệnh nên hạn chế ăn các thực phẩm chứa quá nhiều chất béo.
- Không uống đồ uống có cồn, chất kích thích.
- Đồ ăn có nhiều đường khiến mức độ tổn thương nặng nề hơn do đó hạn chế ăn đồ có nhiều đường, ngũ cốc tinh chế.
- Sản phẩm từ đậu nành cũng không nên sử dụng nhiều.
Bệnh Zona thần kinh nên ăn gì?
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, xây dựng thực đơn khoa học giúp người bệnh vượt qua cơn đau và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, cụ thể người bị Zona nên ăn:
- Bổ sung Vitamin C từ thực phẩm như cam quýt, dâu tây,...
- Tăng cường ăn thực phẩm giàu Vitamin B6, Vitamin B12 như súp lơ, nấm,...
- Thực phẩm chứa nhiều Lysin như thịt bò, phô mai,... giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn.
5.2 Thuốc điều trị bệnh hạt cơm ( mụn cóc )
Bệnh hạt cơm hay còn gọi là mụn cơm, mụn cóc. Bệnh biểu hiện những hạt sần nhỏ nổi lên trên bề mặt da, phát triển nổi dần lên, sần sùi, thô ráp. Bệnh nguyên nhân do virus Human Papilloma Virus (HPV).
Virus HPV gây bệnh ở người, tùy vào cơ quan gây bệnh có thể chia thành các type là:
- Type 1,2,3,4: gây bệnh ở da.
- Type 6, 11, 16, 18 gây bệnh ở niêm mạc, cơ quan sinh dục.
- Type 5, 8: gây bệnh hạt cơm.
Bệnh hạt cơm lành tính, không gây biến chứng nhưng có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như mất thẩm mỹ.
Bệnh hạt cơm có thể phân loại thành các dạng như:
Bệnh hạt cơm thông thường
Tổn thương ban đầu sần, nhỏ, màu tương tự như màu da, sau đó phát triển bề mặt sần, thô và cao hơn bề mặt da.
Bệnh không đau, chỉ đau khi bóp hoặc ấn rất mạnh vào vùng da trồi lên.
Bệnh hạt cơm thông thường gặp ở mu bàn tay, ngón tay, ngón chân.
Bệnh hạt cơm lòng bàn chân
Xuất hiện u, sẩn từ 2-10mm màu xám và không nhô cao hơn so với da. Sau đó phát triển những gai nhỏ màu đen, và sừng hóa nhanh chóng thành màu vàng xung quanh hạt cơm.
Bệnh thường gặp ở lòng bàn chân, gây đau nhức khi đi lại, vận động.
Hạt cơm phẳng
Người bị bệnh hạt cơm phẳng có những nốt sẩn nhẹ trên bề mặt da, ít sần sùi. Màu của hạt cơm như màu da, hoặc vàng hơi xám, khi người bệnh gãi, vùng tổn thương lan ra tạo nên những sẩn theo đường thẳng.
Bệnh thường gặp ở mặt, mu tay, ngực, cẳng tay,...
Bệnh hạt cơm hậu môn sinh dục ( bệnh sùi mào gà)
Bệnh biểu hiện đặc trưng là có những nốt sẩn cao tại vùng sinh dục, trên mỗi nốt có những nhú màu hồng xòe nhẹ.
Bệnh thường gặp ở da, vùng kín ở nam và nữ. Bệnh không gây ngứa hoặc đau.
Cách trị bệnh hạt cơm ( mụn cóc )
Nguyên tắc điều trị
- Bệnh hạt cơm là bệnh lành tính, có thể tự khỏi kể cả không can thiệp điều trị. Thông thường hạt cơm sẽ bị tiêu biến sau khoảng 2 năm, tuy nhiên bệnh lại gây bất tiện khi sinh hoạt, đau khi chạm vào, do đó biện pháp điều trị loại bỏ hạt cơm được nhiều người bệnh lựa chọn để lấy lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.
- Phương pháp áp dụng bao gồm: dùng hóa chất hoặc thủ thuật.
- Bệnh không có phương pháp điều trị đặc hiệu, vì thế tùy từng thể trạng bệnh nhân mà lựa chọn các phương pháp khác nhau.
Thuốc bôi điều trị mụn cơm
Acid Salicylic từ 10% đến 40% trị mụn cóc (thuốc mỡ Salicylic, Salicylic Acid 5% Cream)
Tác dụng
Acid Salicylic là hoạt chất có công dụng làm mỏng vùng da tổn thương do mụn cóc, giúp loại bỏ các tế bào sừng hóa chứa virus gây bệnh. Thuốc được bôi lên vùng tổn thương giúp bạt sừng mạnh, sát khuẩn nhẹ vùng da mụn cóc.
Liều dùng
Thuốc có thể được bào chế dưới nhiều dạng như dạng thuốc mỡ, thuốc nước, kem bôi, gel, thuốc dán,... với các hàm lượng khác nhau. Tùy vào vị trí bị mụn cóc mà có thể lựa chọn các chế phẩm chứa hàm lượng từ 10% đến 40%, bôi từ 1-3 lần/ ngày đến khi mụn cóc bị bong hẳn.
Cách dùng
Sau khi vệ sinh da, người dùng bôi lượng vừa đủ thuốc vào vùng tổn thương và bịt kín lại để thuốc có thể thấm sâu vào tổ chức hơn.
Tác dụng phụ khi dùng Acid Salicylic
Có thể gặp là lú lẫn, chóng mặt, thở thanh, có tiếng rung trong tai,... Người dùng có thể gặp tình trạng nóng, rát đỏ da vùng mụn cơm và xung quanh.
Lưu ý khi sử dụng
- Tuyệt đối không để thuốc dính vào mắt, niêm mạc, vùng da chảy máu, nứt nẻ.
- Hạn chế dùng thuốc cho phụ nữ đang mang thai và bà mẹ nuôi con bằng sữa.
Thuốc Duofilm Solution 15ml
Tác dụng
Thuốc có chứa thành phần chính bao gồm:
- Acid Lactic 16,7%.
- Acid salicylic 16,7%.
Thành phần Acid Lactic Sự kết hợp của hai loại acid trên giúp thuốc có công dụng phá tan tế bào sừng hóa bao bọc mụn cóc, loại bỏ nốt mụn cóc tận chân, ngăn cản tái phát. Thuốc còn có công dụng làm sạch bề mặt da, do đó ngăn ngừa nguy cơ nhiễm nấm gây bệnh khi điều trị, tăng cường độ ẩm cho da.
Liều dùng
Bôi thuốc các lớp mỏng 1 lần lên vị trí tổn thương trước khi đi ngủ cho đến khi khỏi bệnh. Tùy vị trí vết thương to hay nhỏ mà sử dụng các liều cho phù hợp.
Lưu ý khi sử dụng
Trước khi bôi thuốc, bệnh nhân nên rửa vùng tổn thương bằng dung dịch vệ sinh, xà phòng, hoặc ngâm vết thương trong nước ấm để lớp sừng hóa được mềm ra, thuốc dễ ngấm vào các tổ chức sâu hơn.
Chỉ bôi thuốc vào vùng da tổn thương, hạn chế bôi lên các vùng da lân cận để tránh tình trạng kích ứng, nóng đỏ, rát da.
Acid Trichloracetic 80 trị sùi mào gà
Tác dụng
Thuốc có chứa thành phần chính là axit Trichloroethanoic, có công dụng đông vón protein tại nơi bị sùi mào gà, gây hoại tử tế bào sừng. Sau khi bôi thuốc, vùng bị mụn cơm sẽ dần bong vảy và rụng dần, đồng thời vết thương cũng được sát trùng nhẹ, ngăn ngừa viêm nhiễm nơi bôi thuốc.
Liều dùng
Thuốc được bôi lên vùng da sùi mào gà, mụn cơm, mụn cóc từ 1-2 lần/ ngày, bôi liên tục trong vòng 7 ngày mụn cơm sẽ tự rụng.
Mỗi lần bệnh nhân nên chấm 1-2 giọt vào vết thương, chú ý không bôi quá nhiều để tránh làm loét và tổn thương vùng lân cận.
Lưu ý khi sử dụng
Thuốc sau khi bôi có thể xuất hiện những dấu hiệu như đau rát, nóng đỏ, ngứa,... vùng da, do đó bệnh nhân chỉ nên sử dụng lượng thuốc vừa phải để tránh nguy cơ bị loét do bôi thuốc quá nhiều.
Không nên tự ý bôi thuốc vào vết mụn ruồi, vết bớt và tránh xa các vùng niêm mạc mắt, mũi, miệng,...
Sau khi bôi thuốc, nên để thuốc trên da ít nhất khoảng 5 phút để hiệu quả điều trị là tốt nhất.
Podophyllin 25% của Thái Lan
Tác dụng
Podophyllin có tác dụng gây độc tế bào tại chỗ, được dùng rộng rãi để điều trị mụn cóc, mụn rộp sinh dục, u nhú hiệu quả. Thuốc gây ăn mòn da, do đó không được sử dụng để điều trị mụn cơm trên niêm mạc mà chỉ được sử dụng trên da.
Liều dùng
Ngày dùng 2 lần, dùng liên tục trong vòng 3 ngày, sau đó ngưng 4 ngày. Nếu mụn cơm chưa được làm sạch thì tiếp tục bôi như trên.
Thời gian điều trị tối đa 5 tuần.
Cách dùng hiệu quả
Làm sạch triệt để vùng cần bôi thuốc.
- Lấy tăm bông để lấy thuốc và bôi lên vùng bị hạt cơm. Để khô thuốc hoàn toàn, tránh làm dính thuốc lên vùng da khỏe mạnh khác.
- Lần đầu tiên bôi thuốc chỉ nên để thuốc khoảng 30 phút sau đó rửa sạch bằng xà phòng và nước. Những lần tiếp theo để thuốc trên da không quá 4 giờ sau đó cũng làm sạch vùng bôi thuốc.
- Để hạn chế tình trạng thuốc không may dính lên những mô khỏe mạnh, nên khoanh vùng bôi thuốc bằng cách bôi kem Vaseline hoặc các loại kem khác xung quanh vùng hạt cơm.
Lưu ý khi sử dụng
- Thuốc không được dùng để bôi vào vùng niêm mạc mỏng như âm đạo, cổ tử cung, niệu đạo, hậu môn,...
- Trẻ em không được khuyến cáo sử dụng thuốc do da của các bé rất mỏng, dễ bỏng, gây tổn thương, đặc biệt trường hợp quá liều có thể gây tử vong cho trẻ nhỏ.
- Không bôi thuốc lên vùng da đang bị chảy máu, sưng, viêm.
- Tuyệt đối không dùng thuốc cho phụ nữ đang mang thai do nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Kem Tretinoin 0.05% Obagi
Tác dụng
Thuốc có chứa thành phần Tretinoin là lựa chọn đầu tay trong trường hợp mụn cóc phẳng. Thuốc có công dụng hiệu quả với mụn cơm ở mặt, đặc biệt mụn cơm ở vùng râu. Thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc có tác dụng làm giảm tình trạng mụn cơm cho trẻ em hiệu quả do tác dụng bạt sừng, tăng cường sự tăng sinh tế bào lành, kích thích da nhanh chóng lành.
Liều dùng
Thuốc được dùng hàng ngày từ 1-2 lần cho đến khi mụn cóc xẹp hẳn.
Người dùng có thể dùng tăm bông hoặc dùng tay lấy kem vừa đủ để bôi lên vết mụn cóc, sau đó rửa tay sạch sẽ
Lưu ý khi sử dụng
Bôi thuốc có thể xuất hiện các dấu hiệu như nóng, châm chích da. Tuy nhiên các dấu hiệu này thường gặp khoảng 2 tuần, sau đó giảm dần và không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt.
Kem bôi Imiquimod Cream 5%
Tác dụng
Hoạt chất Imiquimod trong thuốc có công dụng kích thích hệ thống miễn dịch tại vùng da bị hạt cơm sinh Interferon α và cytokine, do đó có tác dụng kháng virus hiệu quả.
Liều dùng
Thuốc được thoa vùng ngoài da nơi mụn cóc ngày 2 lần x 5 lần mỗi tuần cho đến khi vùng tổn thương không còn. Người bệnh có thể bôi cách ngày, tức 1 tuần bôi 3 lần đến khi khỏi hẳn.
Thời gian sử dụng thuốc tối đa là 6 tháng.
Hiệu quả dùng thuốc tăng lên rõ rệt nếu bệnh nhân kết hợp bôi thuốc với biện pháp laser, phẫu thuật lạnh hoặc bôi acid salicylic.
Lưu ý khi dùng thuốc
Chưa có tác dụng toàn thân nào được ghi nhận khi dùng thuốc. Sau khi bôi, bệnh nhân có thể xuất hiện các tác dụng phụ tại chỗ như sưng, ban đỏ, phù nề,... tại vùng mụn cóc và lân cận.
Phụ nữ đang mang thai và trẻ nhỏ chưa đủ 12 tuổi không được khuyến cáo dùng thuốc này.
Khi dùng thuốc để điều trị cho người bị sùi mào gà, bệnh nhân cần kiêng quan hệ tình dục trong thời gian bôi thuốc.
Thuốc tiêm trong thương tổn
Thuốc Interferon alpha 2a được dùng để ngăn cản sự nhân lên của virus có trong vật chủ, thường được sử dụng trong điều trị mụn cơm dai dẳng. Tuy nhiên khi dùng thuốc Interferon, bệnh nhân có thể dễ bị tái phát khi ngưng sử dụng thuốc.
Thuốc dùng toàn thân
- Cimetidin là một trong các hoạt chất kháng Histamin được sử dụng để diệt virus gây bệnh mụn cơm, đặc biệt với những mụn cơm tái đi tái lại nhiều lần, bệnh mụn cơm có kèm thương tổn. Thuốc được dùng với liều từ 20-40mg mỗi ngày.
- Bên cạnh đó một số loại thuốc cũng được sử dụng đường uống như Verrulyse Methionin, Kẽm Sulfat,...
Điều trị hạt cơm bằng thủ thuật
Người dùng có thể được điều trị mụn cơm bằng phương pháp khác như:
- Phẫu thuật lạnh, phẫu thuật bằng laser.
- Cắt bỏ thương tổn.
- Dùng băng dính dán lên vùng hạt cơm hàng ngày đến khi mụn cơm xẹp hẳn.
- Hoặc có thể tiêm vaccine phòng virus HPV gây bệnh.
6 Thuốc trị bệnh da dị ứng - miễn dịch
6.1 Thuốc điều trị viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh lý trên da, biểu hiện là ngứa da nhiều, xuất hiện những vùng tổn thương dạng chàm. Đây là bệnh mãn tính, người có nguy cao mắc bệnh thường là bản thân hoặc người thân cùng huyết thống hay mắc bệnh dị ứng.
Nguyên nhân gây bệnh có thể do:
- Di truyền.
- Sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi.
- Tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng như lông, phấn hoa, bụi,...
Bệnh viêm da cơ địa có những biểu hiện khác nhau ở các nhóm tuổi khác nhau:
Viêm da cơ địa ở trẻ nhũ nhi
Trẻ sơ sinh nếu bị viêm da cơ địa sẽ xuất hiện đỏ da, ngứa, trẻ quấy khóc nhiều, vùng da tổn thương thường xuất hiện ở má, đầu, trán, cổ,... Vùng viêm da cũng có thể xuất hiện mụn nước nông, có thể đóng vảy tiết.
Viêm da cơ địa ở trẻ em
Bệnh cũng có biểu hiện tương tự khi viêm da cơ địa nhũ nhi, thường gặp ở nếp gấp khuỷu tay, hai bên cổ,... Vùng tổn thương xuất hiện vết trợt, da dày lên, mụn nước nổi nhiều.
Viêm da cơ địa ở thanh thiếu niên và người lớn
Bệnh thường do viêm da cơ địa trẻ em chuyển sang, thường viêm ở lòng bàn tay chân, nếp gấp. Xuất hiện những mụn nước, sẩn dẹt có ngứa nhiều.
Điều trị viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa điều trị với mục đích
- Làm dịu da, chống khô da, ngăn ngừa ngứa, hạn chế sự châm chích trên da.
- Chống nhiễm trùng trên da.
- Chống viêm, chống bội nhiễm.
Thuốc bôi trị viêm da cơ địa
Thuốc chứa hoạt chất Corticoid thường được sử dụng nhiều cho bệnh nhân viêm da cơ địa.
- Với trẻ em bị viêm da cơ địa: dùng thuốc có hoạt tính yếu như Hydrocortisone 1-2,5% ( thuốc Hydrocortisone Cream 1%, Axel Hydrocortisone Cream ).
- Trẻ lớn và người lớn: Dùng thuốc bôi có hoạt chất kháng viêm trung bình như Desonid, Clobetasone Butyrate như Desonid Cream 0.05%, Eumovate cream, Clobavate 0.05% Oitment,...
- Với những tổn thương lichen hóa, vị trí da dày: có thể chuyển sang dùng Clobetasol Propionate như Clobetasol Propionate Cream USP 0.05%, Dermovate Cream, ...
Chú ý khi dùng thuốc bôi chứa corticoid
- Tùy vào vùng da bị viêm da cơ địa mà lựa chọn loại thuốc có hoạt tính phù hợp. Với những vùng da nhạy cảm, mỏng. trẻ em nên dùng thuốc có hoạt tính yếu, những vùng da dày hơn thì dùng thuốc có chứa corticoid có hoạt tính mạnh.
- Bôi thuốc có chứa corticoid cần giảm liều từ từ.
Dung dịch Jarish, thuốc tím 1/10.000, nước muối sinh lý 0,9%.
Bôi thuốc mỡ Salicyle 5% với trường hợp đóng vảy nặng.
Dùng thuốc ức chế miễn dịch Tacrolimus như Tacrolimus Ointment 0.1% rất hiệu quả cho bệnh nhân viêm da cơ địa.
Điều trị toàn thân
- Thuốc kháng Histamin H1 như Clorpheniramin, Fexofenadin, Cetirizin.
- Bệnh nhân cũng có thể được chỉ định dùng kháng sinh để chống bội nhiễm. Các loại kháng sinh thường dùng là Cephalosporin thế hệ 1.
- Thuốc uống có chứa Corticoid như Prednisolon cũng có thể được sử dụng, tuy nhiên cần sử dụng theo liều khuyến cáo của bác sĩ trong thời gian viêm da bùng phát mạnh và giảm liều ngay sau đó.
6.2 Thuốc điều trị bệnh mày đay
Bệnh mày đay hay còn gọi với tên dân gian là mề đay là phản ứng của cơ thể trên da dưới tác nhân ngoại lai.
Bệnh mày đay có thể do các nguyên nhân như dị ứng thức ăn, uống thuốc, do côn trùng đốt, nọc độc của côn trùng, hít phải những dị nguyên lạ ở đường hô hấp, có thể do nhiễm virus hay tiếp xúc với các hóa chất gây dị ứng,...
Bệnh biểu hiện ở những nốt sẩn có kích thước to nhỏ xuất hiện trên vùng da của cơ thể. Nốt sần có bề mặt gồ ghề, nổi cao trên da, có màu hơi đỏ hay nhạt hơn vùng da bình thường và gây ngứa, càng gãy vùng sần càng lan rộng ra xung quanh hơn.
Bệnh mề đay có thể chia thành 2 dạng:
- Mày đay cấp: bệnh lý tiến triển trong vòng 1 ngày, có thể kéo dài đến 6 tuần.
- Mày đay mạn: bệnh lý tiến triển trên 6 tuần.
Thuốc điều trị mề đay
Mày đay nhẹ dùng thuốc kháng Histamin như:
- Loratadin (Clarytin), Cetirizin (Zyrtec), Acrivastin (Semplex).
Mày đay nặng
- Uống thuốc kháng Histamin cùng Corticoid.
Mày đay có xuất hiện phù mạch
- Thuốc Epinephrin (adrenalin) có thể được kết hợp dùng thuốc kháng Histamin.
Chăm sóc bệnh nhân mày đay
- Người dùng nên chú ý thực phẩm gây dị ứng để ngừng sử dụng ngay lập tức.
- Tránh tiếp xúc với nắng hoặc tắm quá nóng.
- Áp lạnh vùng da tổn thương.
- Tuyệt đối không gãi hay chà xát để tránh vùng da mày đay lan rộng.
- Vận động nhẹ, hạn chế ra mồ hôi, mặc quần áo thoáng mát.
7 Thuốc điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục
7.1 Thuốc điều trị viêm âm hộ - âm đạo do nấm Candida
Viêm âm hộ - âm đạo do nấm Candida, là bệnh gây ra nguyên nhân do nấm Candida. Bệnh có thể không có triệu chứng lâm sàng điển hình, diễn biến âm thầm trên cơ thể phụ nữ.
Nấm sống trong âm đạo của chị em phụ nữ, phát triển và gây bệnh khi PH âm đạo thay đổi hoặc gặp vấn đề về miễn dịch. Chủng Candida gây bệnh thường gặp là: C. albicans, C. glabrata và C. tropicalis.
Bệnh không lây qua đường tình dục, tuy nhiên gây ngứa dữ dội, nóng rát vùng kín, gây đau rát khi quan hệ. Bên cạnh đó chị em có thể xuất hiện dịch tiết màu đục, có mủ, như váng sữa. Dịch tiết thường không có mùi hôi.
Điều trị viêm âm hộ - âm đạo cho nấm Candida
Chị em có thể được chỉ định dùng thuốc đặt âm đạo như:
- Thuốc đặt phụ khoa Nystatin 100.000: bệnh nhân đặt 1 viên trước khi đi ngủ. Đặt 14 ngày liên tiếp, kể cả khi có kinh.
- Viên đạn chứa Miconazol hoặc viên đạn Clotrimazol: Chị em đặt 1 viên vào âm đạo khi đi ngủ trong 3 ngày.
- Viên đạn chứa Clotrimazol 500mg, đặt 1 viên duy nhất.
- Viên đạn chứa hoạt chất Econazol hàm lượng 150mg, đặt 1 viên vào âm đạo khi đi ngủ trong 2 ngày liên tiếp.
Thuốc uống điều trị viêm âm hộ - âm đạo cho nấm Candida
- Thuốc uống Itraconazole (thuốc Sporal) 100mg: uống 2 viên/ngày trong 3 ngày liên tiếp.
- Uống thuốc Fluconazol 150mg uống 1 viên duy nhất.
Chú ý khi dùng thuốc
- Chị em nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc đặt để tư vấn liều dùng hợp lý.
- Bệnh không lây qua đường tình dục, tuy nhiên trường hợp viêm tái phát nên đưa bạn tình đi khám để điều trị cả hai.
- Phụ nữ có thai bị viêm do nấm Candida có thể làm trẻ sinh ra bị tưa miệng, do đó cần điều trị triệt để trước khi sinh.
- Thuốc đặt có chứa Clotrimazol chống chỉ định cho phụ nữ mang thai quý đầu tiên của thai kì.
- Các yếu tố làm bệnh trầm trọng hơn như dùng thuốc Corticoid kéo dài, thuốc kháng sinh kéo dài, vệ sinh âm đạo không đúng cách,... nên được loại bỏ.
7.2 Thuốc điều trị Herpes sinh dục
Herpes sinh dục viết tắt là HSV là bệnh diễn biến từ từ, âm thầm kéo dài. Bệnh gây qua đường tình dục do virus HSV type 2 là nguyên nhân chính gây bệnh gây nên chủ yếu.
Bệnh thường tự khỏi sau 2-3 tuần tuy nhiên ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh, gây nóng rát, sưng nóng vùng kín,... Bệnh biểu hiện là những tổn thương chùm gồm các mụn nước, sau đó hóa mủ, gây viêm nhiễm, trợt nông thành vết loét rộng.
Thuốc bôi trị Herpes sinh dục
Mới xuất hiện mụn nước: Vệ sinh vùng tổn thương bằng dung dịch sát khuẩn như: Milian, Betadine kết hợp cùng Acyclovir dạng bôi ( thuốc Acyclovir Stada Cream,...)
Thuốc uống điều trị Herpes sinh dục
Các thuốc kháng virus được dùng đường uống như:
- Thuốc chứa hoạt chất Acyclovir 400mg: liều dùng uống 1 viên/ lần x 3 lần/ ngày. Hoặc dạng Acyclovir 200mg: uống 1 viên/ lần x 5 lần/ ngày, điều trị liên tục trong 7-10 ngày.
- Thuốc Valacyclovir 1g: uống 2 lần/ ngày trong 7-10 ngày.
- Thuốc Famciclovir 250mg: uống ngày 3 lần trong 5-10 ngày.
Điều trị liều duy trì tránh tái phát và hạn chế bài xuất HSV
- Thuốc uống Acyclovir 400mg, uống 2 viên/ ngày, dùng liên tục trong 1 năm.
Dự phòng Herpes sinh dục
- Bệnh Herpes sinh dục có thể lây qua đường tình dục, do đó để đảm bảo sức khỏe của cả hai bệnh nhân nên quan hệ tình dục an toàn, dùng bao Cao Su, hạn chế quan hệ bằng miệng.
- Bôi thuốc và uống thuốc càng sớm càng tốt.
8 Tài liệu tham khảo
1. ANSM: Ngày 25/10/2018, Cơ quan quản lý Dược phẩm Pháp cảnh báo chống chỉ định mới của retinoid dùng ngoài da điều trị mụn trứng cá trong thai kỳ, truy cập ngày 14/01/2021.
2. Understanding Acne Basics, truy cập ngày 13/01/2021.
3. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu-Bộ Y tế, truy cập ngày 12/01/2021.
4. DISEASES AND CONDITIONS: A TO Z, truy cập ngày 12/01/2021.
5. How does skin work? - NCBI, truy cập ngày 12/01/2021.
Có tổng: 902 sản phẩm được tìm thấy
- 9 Thích
Tôi muốn mua thuốc nizoral viên
Bởi: Huỳnh Tấn Tuấn vào
Thích (9) Trả lời - 13 Thích
tôi bị viêm da cơ địa, có thuốc bôi nào phù hợp
Bởi: Dương Thủy vào
Thích (13) Trả lời - 9 Thích
Tôi tìm kem bôi da Demozol nhưng không thấy nhà thuốc có bán, xin hỏi có thuốc bôi nào thay thế không?
Bởi: Phạm Gia Hân vào
Thích (9) Trả lời - 9 Thích
tôi bị lupus ban đỏ cần mua thuốc theo đơn.
Bởi: Phạm Ngân Hà vào
Thích (9) Trả lời
- AT
Lần đầu mình mua thuốc này tại Trung Tâm Thuốc thôi nhưng thấy rất tiện và đơn giản. Dược sĩ tư vấn nhiệt tình, thuốc mua về uống hiệu quả, giá cả vừa phải.
Trả lời Cảm ơn (17)