Nguyên tắc sử dụng các loại vacxin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm
Sức khỏe luôn là vấn đề được mọi người quan tâm hàng đầu. Vì vậy, các biện pháp phòng tránh bệnh tật luôn được chú trọng và triển khai mạnh mẽ. Trong đó, vacxin là biện pháp hàng đầu giúp chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vậy vacxin là gì? Những lợi ích mà vacxin mang lại như thế nào? Hãy cùng Trung tâm thuốc tìm hiểu dưới bài viết này nhé.
1 Vacxin (vaccine) - thành tựu lớn của nhân loại
1.1 Vacxin là gì?
Vacxin là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, vaccine có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh. Vacxin được bào chế để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể với một số tác nhân gây bệnh cụ thể[1].
1.2 Vacxin hoạt động như thế nào?
Khi vacxin được đưa vào cơ thể, cơ thể kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh ra kháng thể để trung hòa tác nhân gây bệnh. Sau đó, cơ thể sẽ tạo ra các tế bào lympho có trí nhớ miễn dịch, khi gặp lại các tác nhân gây bệnh trong các lần tiếp theo có khả năng đáp ứng nhanh, giúp cơ thể chủ động sẵn sàng chống lại các tác nhân gây bệnh khi bị phơi nhiễm.
Quá trình tạo kháng thể kéo dài vài tuần, có thể gây ra triệu chứng sốt. Đây là một dấu hiệu đáp ứng miễn dịch của cơ thể.
1.3 Đặc tính cơ bản của vacxin
- Tính kháng nguyên đặc thù: là khả năng kích thích cơ thể tạo thành kháng thể. Kháng nguyên mạnh khi đưa vào cơ thể một lần đã sinh ra nhiều kháng thể. Kháng nguyên yếu là chất khi đưa vào cơ thể nhiều hoặc phải kèm theo tá dược mới sinh ra kháng thể.
- Tính sinh miễn dịch: khả năng gây miễn dịch của vacxin là từ một protein đặc hiệu có tính kháng nguyên, hoặc bằng một virus hoặc vi khuẩn giảm độc lực để gây ra một đáp ứng miễn dịch, từ đó tạo ra hiệu quả đề kháng cho cơ thể về sau khi tác nhân gây bệnh xâm nhập với đầy đủ độc tính.
1.4 Tác dụng của vaccine
Vacxin là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong gây ra bởi bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng. Nhờ có vacxin mà mỗi năm đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị tử vong do bệnh truyền nhiễm.
Khoảng 85% - 95% người được tiêm chủng vacxin sẽ sản sinh miễn dịch đặc hiệu giúp bảo vệ cơ thể bởi virus gây bệnh. Vacxin và tiêm chủng góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.
1.5 Có mấy loại vaccine?
Vacxin là một trong những thành tựu của nền y học hiện đại. Nhờ có vacxin mà con người đẩy lùi được nhiều dịch bệnh. Vacxin có nhiều loại khác nhau, dưới đây là một số loại vacxin thường gặp.
Vaccine sống, giảm độc lực
Vacxin sống là vacxin trong đó vi sinh vật còn sống nhưng đã giảm nhiều hoặc toàn bộ khả năng gây bệnh dựa vào phương pháp lý hóa học hoặc kĩ thuật di truyền.
Một số vacxin sống: vacxin BCG tiêm, vacxin quai bị, vaccine thủy đậu, vacxin rotavirus,...[2].
- Ưu điểm: Khi đưa vacxin sống vào cơ thể, các vi sinh vật vẫn tăng sinh giống quá trình nhiễm trùng tự nhiên nên chúng tạo ra đáp ứng miễn dịch và sinh kháng thể mạnh, thường gây ra miễn dịch lâu dài chỉ với 1-2 liều.
- Nhược điểm: người bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc đang mắc các bệnh cấp tính khác cần hết sức đặc biệt quan tâm đến tính an toàn của vacxin sống, phải đảm bảo không còn khả năng gây bệnh và vi sinh vật phải có tính di truyền ổn định không trở lại độc lực ban đầu.
Vaccine bất hoạt (vaccine chết)
Vacxin chết là những vacxin trong đó các loại vi sinh vật được tiêu diệt bằng phương pháp vật lý, hóa học. Các vi sinh vật này vẫn giữ được các kháng nguyên quan trọng để kích thích sinh miễn dịch.
Các vacxin bất hoạt: vacxin tụ cầu, vacxin ho gà, vacxin viêm não Nhật Bản, vacxin viêm gan A, vacxin cúm,...
Ưu điểm của loại vacxin chết là an toàn, dễ sử dụng và dễ bảo quản. Tuy nhiên vẫn còn ưu điểm là thường gây miễn dịch không lâu bền.
Vaccine giải độc tố
Vaccine giải độc tố là vacxin được chế từ độc tố vi khuẩn vẫn giữ được tính kháng nguyên sau khi đã làm mất đi khả năng gây độc.
Một số vacxin giải độc tố: giải độc tố bạch hầu, giải độc tố uốn ván,...
Vaccine tách chiết
Vacxin tách chiết là vacxin được tách chiết từ vi sinh vật.
Một số vacxin tách chiết như: kháng nguyên polysaccharide của cầu khuẩn màng não, polysaccharide của phế cầu,...
Vaccine tái tổ hợp
Vacxin tái tổ hợp làm bằng cách chuyển nạp gen mã hóa kháng nguyên vi sinh vật bằng công nghệ hiện đại của tế bào nấm men, tế bào vi khuẩn hoặc tế bào động vật thích hợp để tạo nhiều kháng nguyên tinh khiết.
Ví dụ: vacxin tả, vacxin viêm gan B tái tổ hợp,...[2].
2 Nguyên tắc sử dụng vaccine
2.1 Nguyên tắc chung
Việc sử dụng vacxin phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
- Tiêm chủng vacxin trên phạm vi rộng, đạt tỷ lệ cao, đúng đối tượng dịch tễ.
- Bắt đầu tiêm chủng đúng theo lịch, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm chủng, tiêm nhắc lại đúng thời gian.
- Tiêm đúng cách, đủ liều (nắm vững phương pháp phòng và xử trí các phản ứng phụ không mong muốn).
- Bảo quản vắc xin trong dây chuyền lạnh, đúng quy định.
2.2 Đối tượng tiêm chủng
Đối tượng cần được tiêm vacxin là tất cả những người có nguy cơ nhiễm vi sinh vật gây bệnh mà chưa có miễn dịch.
Trẻ em là đối tượng đầu tiên cần được quan tâm. Trẻ em có hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, sức đề kháng kém. Sau khi hết 6 tháng miễn dịch thụ động do mẹ di truyền, nguy cơ mắc nhiễm trùng của trẻ rất cao. Khả năng miễn dịch thụ động nhờ kháng thể truyền qua rau thai hoặc qua sữa chỉ có với những bệnh mà cơ chế bảo vệ do miễn dịch dịch thể. Tuy nhiên, với trường hợp bệnh nhiễm trùng mà cơ chế bảo vệ là miễn dịch qua trung gian tế bào thì trẻ có thể mắc bệnh ngay tháng đầu sau sinh. Đây là cơ sở quy định thời điểm bắt đầu tiêm chủng cho trẻ. Trừ những đối tượng chống chỉ định, tất cả trẻ em đều phải được tiêm chủng.
Đối với người lớn, đối tượng tiêm vacxin thu hẹp hơn. Thường chỉ tiến hành tiêm vacxin cho nhóm người có nguy cơ cao. Trong những năm gần đây, phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ được tiêm phòng uốn ván để phòng bệnh uốn ván cho trẻ sơ sinh.
Không được tiêm vacxin cho các đối tượng sau đây:
- Người đang bị dị ứng. Người có cơ địa dị ứng cần phải theo dõi cẩn thận trước và sau khi tiêm.
- Người đang bị sốt cao.
- Vacxin sống giảm độc lực không được tiêm chủng cho phụ nữ đang mang thai, người bị thiếu hụt miễn dịch, người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc người mắc bệnh ác tính.
2.3 Liều lượng và đường đưa vacxin vào cơ thể
Liều lượng
Liều lượng vacxin tùy thuộc vào loại vacxin và đường cơ thể. Liều quá cao sẽ dẫn đến tình trạng dung nạp đặc hiệu đối với lần tiêm chủng tiếp theo. Liều lượng quá thấp thì sẽ không đủ khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể.
Đường đưa vaccine vào cơ thể
Mỗi loại vacxin yêu cầu cách thức chủng ngừa thích hợp. Một số phương pháp được dùng hiện nay:
- Đường tiêm: có thể tiêm bắp, tiêm trong da, tiêm dưới da. Tuyệt đối không được tiêm vacxin vào đường tĩnh mạch.
- Đường uống: đường uống là đường đưa vacxin vào cơ thể dễ thực hiện nhất. Tuy nhiên chỉ thực hiện được đối với những vacxin không bị dịch đường tiêu hoá phá huỷ.
- Ngậm dưới lưỡi: hiện nay đã có một số vacxin đường ruột điều chế dưới dạng viên để ngậm dưới lưỡi. Cần phải có một liều lượng kháng nguyên cao mới bảo đảm tác dụng gây miễn dịch.
- Nhỏ qua đường mũi: được sử dụng rộng rãi cho vacxin cúm.
- Ngoài ra, vacxin còn được đưa vào cơ thể theo một số đường khác như: thụt đại tràng, khí dung, nhưng những đường này ít được sử dụng.
2.4 Các tác dụng phụ phổ biến sau khi tiêm vaccine
Vacxin cũng có thể gây ra tác dụng phụ giống như các loại thuốc khác. Tuy nhiên, những phản ứng này thường nhẹ và các lợi ích vacxin mang lại nhiều hơn rủi ro.
- Phản ứng tại chỗ: những phản ứng nhẹ sau khi tiêm vacxin như đau, hơi sưng, tấy đỏ, nổi cục nhỏ tại chỗ tiêm. Những phản ứng này thường nhẹ và biến mất nhanh chóng sau một vài ngày. Trong trường hợp không đảm bảo vô trùng thì chỗ tiêm có thể bị viêm nhiễm.
- Phản ứng toàn thân: phản ứng toàn thân điển hình là sốt. Sốt thường hết sau vài ngày. Một số tác dụng phụ khác như: co giật, sốc phản vệ nhưng tỷ lệ là rất thấp.
Không phải các phản ứng bất lợi xảy ra sau khi tiêm chủng là bất lợi, mức độ nguy hiểm do vacxin nhỏ hơn rất nhiều so với mức độ nguy hiểm của bệnh nhiễm trùng tương ứng gây ra[3].
3 Phác đồ tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia
Chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, mục đích bảo vệ trẻ em bởi các bệnh truyền nhiễm phổ biến và có nguy cơ tử vong cao. Dưới đây là lịch tiêm chủng các loại vacxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia mới nhất hiện nay[4].
Trẻ sơ sinh:
- Tiêm vacxin viêm gan B (VGB) mũi 0 trong 24 giờ đầu sau sinh.
- Tiêm vacxin phòng lao (BCG).
Trẻ 02 tháng tuổi:
- Tiêm vacxin bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib mũi 1 (vacxin 5 trong 1).
- Uống vacxin bại liệt lần 1.
Trẻ 03 tháng tuổi:
- Tiêm vacxin bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib mũi 2.
- Uống vacxin bại liệt mũi 2.
Trẻ 04 tháng tuổi:
- Tiêm vacxin bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib mũi 3.
- Uống vacxin bại liệt lần 3.
Trẻ 09 tháng tuổi: tiêm vacxin sởi mũi 1.
Trẻ 18 tháng tuổi:
- Tiêm vacxin bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib mũi 4.
- Tiêm vacxin sởi - rubella (MR).
Trẻ từ 12 tháng tuổi:
- Tiêm vacxin viêm não Nhật Bản mũi 1.
- Tiêm vacxin viêm não Nhật Bản mũi 2 (hai tuần sau mũi 1).
- Tiêm vacxin viêm não Nhật Bản mũi 3 (1 năm sau mũi 2).
Trẻ từ 2 - 5 tuổi:
- Uống vacxin tả 2 lần (vùng nguy cơ cao).
- Uống vacxin tả lần 2 sau lần một 2 tuần.
Từ 3 - 10 tuổi: tiêm vacxin thương hàn 1 mũi duy nhất (vùng nguy cơ cao).
Bên cạnh các loại vacxin cho trẻ em, trong chương trình tiêm chủng mở rộng còn bao gồm cả vacxin phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai (trong độ tuổi 15 - 35 tuổi).
- Lần 1: tiêm sớm khi có thai lần đầu hoặc trong tuổi sinh để tại vùng nguy cơ cao.
- Lần 2: ít nhất 1 tháng sau mũi 1.
- Lần 3: ít nhất 6 tháng sau mũi 2 hoặc kỳ có thai lần sau.
- Lần 4: ít nhất 1 năm sau lần 3 hoặc kỳ có thai lần sau.
==> Xem thêm thuốc phòng bệnh uốn ván: Thuốc SAT 1500UI điều trị bệnh uốn ván: công dụng, cách dùng, lưu ý khi sử dụng
Phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm tại các trung tâm tiêm vacxin uy tín, an toàn như Trung tâm tiêm chủng VNVC, Trung tâm y tế dự phòng - Viện vệ sinh dịch tễ Trung Ương,... Ngoài ra, chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện tại các trạm y tế xã, phường, quận, huyện trên cả nước. Mỗi trạm y tế sẽ tổ chức tiêm chủng vào ngày cố định trong tháng. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần nắm rõ ngày tiêm chủng để sắp xếp đưa con em mình đến tiêm phòng.
Nguy cơ nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng muộn
Trong quá trình thực hiện tiêm chủng, cũng có một số thời điểm, một số khu vực tỷ lệ tiêm chủng thấp. Trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm muộn có thể dẫn tới các nguy cơ cao bị mắc bệnh, thậm chí dịch bệnh còn cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em do không có miễn dịch bảo vệ. Điều này cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em và toàn cộng đồng.
Tiêm phòng đúng lịch, đủ liều giúp bảo vệ trẻ trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hạn chế nguy cơ gặp biến chứng, di chứng ảnh hưởng tới tương lai của trẻ.
Chính vì vậy, vì sức khỏe của con em mình, các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo đúng lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng và cả những vacxin ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng.
Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.
4 Một số loại vaccine cần thiết ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng được Bộ y tế cấp phép tiêm chủng
Trong tình hình dịch bệnh khó lường thì nhu cầu của người dân về tiêm chủng đầy đủ vacxin ngày một gia tăng. Ngoài các vacxin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì có những vacxin trong chương trình tiêm chủng dịch vụ được Bộ Y Tế khuyến khích nên cho trẻ đi tiêm phòng[4].
4.1 Vaccine phòng thủy đậu
Vacxin thủy đậu là vacxin sống giảm động lực, vacxin có dạng đông khô của virus Varicella gây bệnh thủy đậu, vacxin này giúp phòng ngừa thủy đậu.
Có 2 loại vacxin thủy đậu đang được sử dụng hiện nay:
- Vacxin Varivax được sản xuất bởi Merck Sharp & Dohme, Hoa Kỳ.
- Vacxin Varicella do hãng Green Cross, Hàn Quốc sản xuất.
Giá vaccine thủy đậu 2020
Vacxin Varivax có giá dao động từ 800.000 - 1.100.000 VNĐ.
Vacxin Varicella có giá dao động từ 700.000 - 900.000 VNĐ, tiêm 1 liều 0,5ml duy nhất.
Vacxin thủy đậu Varivax tiêm mấy mũi?
Trẻ 12 tháng tuổi - 12 tuổi: tiêm 1 liều Varivax 0,5ml.
Người lớn và trẻ em trên 13 tuổi, chưa mắc thủy đậu lần nào: tiêm 2 mũi.
- Mũi 1: là mũi tiêm lần đầu, liều 0,5ml.
- Mũi 2: tiêm sau mũi 1 khoảng 4 - 8 tuần, liều 0,5ml.
Lưu ý khi tiêm phòng vaccine thủy đậu
- Không tiêm phòng thủy đậu cho trẻ dị ứng với vacxin hoặc bất cứ thành phần nào của vacxin .
- Phụ nữ đang cho con bú, khi tiêm vắc xin cần thận trọng vì virus có thể có trong sữa mẹ.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần tránh mang thai trong vòng 3 tháng sau khi tiêm phòng sau đó.
- Sau khi tiêm phòng 6 tuần, hạn chế tiếp xúc với người có nguy cơ cao bị lây truyền bệnh thủy đậu như: người suy giảm hệ miễn dịch, phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, người chưa từng mắc thủy đậu.
- Theo dõi tình trạng sức khỏe sau khi tiêm, nếu có triệu chứng sốt, co giật, cơ thể tím tái, không đáp ứng thuốc hạ sốt cần sớm tới cơ sở y tế để xử lý kịp thời.
4.2 Vaccine phòng 3 bệnh: sởi - quai bị - rubella (MMR II)
Vacxin MMR II là vacxin sống, giảm độc lực giúp phòng 3 bệnh: sởi, quai bị, rubella. Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có nguy cơ dẫn đến các biến chứng đặc biệt với trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai.
Lịch tiêm phòng vacxin sởi - quai bị - rubella
Với trẻ em:
- Mũi tiêm 1: Khi trẻ được 12 - 15 tháng tuổi.
- Mũi tiêm 2: Khi trẻ được 4 - 6 tuổi (có thể tiêm sớm hơn tùy vào tình trạng của trẻ, nhưng cần đảm bảo cách mũi tiêm thứ nhất ít nhất 28 ngày).
Với người lớn: Trẻ em từ 7 tuổi trở lên và người lớn cũng thực hiện tiêm đầy đủ 2 mũi tiêm vắc xin MMR II cơ bản. Mũi thứ nhất tiêm vào thời điểm chỉ định, mũi tiêm thứ 2 cách mũi đầu ít nhất 1 tháng. Riêng với phụ nữ độ tuổi sinh đẻ cần hoàn tất mũi tiêm vắc xin MMR II cuối cùng trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
Tiêm sởi - quai bị - rubella bao nhiêu tiền?
Tùy vào từng loại vắc xin và cơ sở tiêm phòng mà có giá thành khác nhau. Giá tham khảo cho vắc xin phối kết hợp phòng 3 bệnh sởi - quai bị - rubella (MMR II) là 290.000 đồng.
4.3 Twinrix - Vacxin phòng bệnh viêm gan A B
Viêm gan A và viêm gan B có tỷ lệ mắc cao ở Việt Nam với nhiều biến chứng nguy hiểm như suy giảm chức năng gan, xơ gan, ung thư gan,... Tiêm phòng vacxin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh.
Vacxin Twinrix là vacxin duy nhất có khả năng phòng được 2 bệnh viêm gan A + B, được sản xuất bởi công ty GSK (Bỉ). Twinrix là vacxin kết hợp được tạo thành từ bán thành phẩm của virus viêm gan A (HA) và kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg), được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm, liều 0,1ml với đường dùng là tiêm bắp.
Vacxin phòng viêm gan A+B Twinrix tiêm mấy mũi?
Trẻ em ≥ 16 tuổi:
- Mũi 1: mũi đầu tiên khi tiêm.
- Mũi 2: sau mũi 1 khoảng 1 tháng.
- Mũi 3: sau mũi 2 khoảng 5 tháng.
Trẻ em từ 1 - 15 tuổi
- Mũi 1: liều đầu tiên khi tiêm.
- Mũi 2: sau mũi 1 khoảng 6-12 tháng.
4.4 Vacxin phế cầu 13
Vaccine phế cầu 13 là vaccine thế hệ mới phòng viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa do H.Influenzae không định typ. Đây là 4 căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già. Do vậy, tiêm vaccine phế cầu từ sớm là biện pháp hữu hiệu trong việc phòng ngừa các bệnh nguy hiểm trên. Có 2 loại vacxin phế cầu khuẩn đang được sử dụng để phòng bệnh là vacxin Prevenar 13 được sản xuất bởi tập đoàn Pfizer (Mỹ) và vaccine Synflorix được sản xuất bởi hãng GSK (Bỉ).
Đối tượng chỉ định tiêm chủng vaccine phế cầu
- Vacxin Prevenar 13: tạo miễn dịch chủ động trước phế cầu khuẩn cho trẻ từ 6 tuần tuổi, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch. Một số trường hợp khác cũng được chỉ định tiêm vắc-xin Prevenar 13 như người bị lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tiểu đường, tim mạch, huyết áp,...
- Vacxin Synflorix: được chỉ định tiêm cho trẻ em từ 6 tuần - 5 tuổi. Ngoài ra, có thể chỉ định cho bệnh nhân có bệnh lý tiềm ẩn, dễ có khả năng phế cầu khuẩn xâm nhập (do bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm), nhiễm HIV, rối loạn chức năng lá lách,...
Cả 2 loại vaccine Prevenar 13 và Synflorix đều có tác dụng tốt trong phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm do phế cầu khuẩn gây ra. Vì vậy, phụ huynh nên chú ý đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch để đảm bảo khả năng phòng bệnh hiệu quả nhất.
4.5 Vacxin phòng tiêu chảy do Rota virus
Virus Rota là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus Rota lây truyền qua đường miệng - hậu môn, khi vào Đường tiêu hóa nó phá hủy tế bào thành ruột và gây viêm dạ dày ruột.
Sự ra đời của vacxin là biện pháp hiệu quả để phòng tránh viêm dạ dày ruột do rotavirus.
Hiện nay, có 2 loại vacxin phòng tiêu chảy do Rota được Bộ Y tế cấp phép sử dụng là: vacxin Rotarix (Bỉ) và vacxin Rotateq (Mỹ).
Lịch tiêm chủng:
- Vacxin Rotarix (Bỉ): uống 2 liều, liều đầu tiên uống vào lúc 6 tuần tuổi và liều thứ 2 uống sau liều đầu 4 tuần. Nên cho trẻ uống vacxin Rotarix trước 24 tuần tuổi.
- Vacxin Rotateq (Mỹ): uống 3 liều, liều đầu trong 7 - 12 tuần tuổi, hai liều còn lại cách nhau một tháng, liều thứ 3 phải kết thúc trước tuần thứ 32.
Những lưu ý khi cho trẻ uống vacxin rota:
- Vacxin rota chỉ sử dụng được uống. Tuyệt đối không được tiêm.
- Không cho trẻ uống trong thời điểm trẻ đang bị sốt, gặp vấn đề đường tiêu hóa và vấn đề về hệ miễn dịch.
- Các mẹ nên chú ý theo dõi phản ứng của trẻ trong vòng 2 - 3 ngày sau khi sử dụng vacxin.
- Tránh dùng vacxin rota với vaccin bại liệt vì có thể gây tương tác thuốc, phản ứng phụ, các vấn đề về đường tiêu hóa.
Uống vắc-xin rota giá bao nhiêu?
Dưới đây là mức giá tham khảo cho 2 loại vacxin rota, giá vacxin có thể khác nhau giữa các cơ sở y tế.
- Vacxin Rotarix (Bỉ): 600.000 - 700.000đ/liều cho một lần uống.
- Vacxin Rotateq (Mỹ): 500.000 - 600.000đ/liều cho một lần uống.
4.6 Vacxin phòng cúm
Vacxin phòng cúm có tác dụng gì?
Vacxin cúm là loại vacxin dùng để phòng bệnh cúm, được điều chế từ các virus cúm bất hoạt. Khi vacxin vào cơ thể, cơ thể được kích thích bởi các virus gây cúm để sinh ra lượng kháng thể chống lại virus cúm xâm nhập từ bên ngoài vào.
Dưới đây là các loại vacxin ngừa cúm cho trẻ em và vacxin ngừa cúm cho người lớn:
Trẻ em từ 6 - 35 tháng tuổi: Vacxin cúm Vaxigrip 0.25 ml (Pháp).
Người lớn và trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên.
- Vacxin Vaxigrip 0,5ml (Pháp).
- Vacxin cúm Influvac 0.5 ml (Hà Lan).
Tiêm phòng cúm có bị cúm không?
Câu trả lời là có với các lý do sau đây:
- Chủng cúm mắc phải không có trong vacxin.
- Vacxin chưa đủ thời gian tác động.
- Cơ thể không đáp ứng đủ với vacxin .
- Người suy giảm miễn dịch và người già có đáp ứng miễn dịch thấp.
4.7 Vacxin phòng dại
Hiện nay, Việt Nam có 3 vacxin phòng dại được Bộ Y tế cấp phép lưu hành: Verorab (Pháp), Abhayrab và Indirab (Ấn Độ).
Phác đồ tiêm phòng dại của Bộ Y tế
Trước khi phơi nhiễm (chưa bị cắn):
- Tiêm ngừa cơ bản: tiêm bắp 3 mũi (0,5ml/liều) vào ngày 0, 7, 28.
- Tiêm nhắc lại: sau 1 năm, 5 năm.
Đã xác định có phơi nhiễm (đã bị cắn):
- Người chưa tiêm dự phòng: tiêm 5 mũi (0,5ml/liều) vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28.
- Người đã tiêm dự phòng trong 5 năm gần đây: tiêm 2 mũi vào ngày 0, 3.
- Người đã tiêm dự phòng quá 5 năm: tiêm 5 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28.
Tiêm trong da (0,1ml/liều):
- Người chưa tiêm phòng: tiêm 4 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 28.
- Người đã tiêm dự phòng: tiêm 2 mũi vào các ngày 0, 3.
==> Xem thêm vacxin phòng bệnh dại: Thuốc Rabipur Vial - Thuốc dự phòng và điều trị bệnh dại: cách dùng, giá bán
4.8 Vacxin phòng thương hàn
Ở Việt Nam, có 2 loại vacxin thương hàn được Bộ Y tế cấp phép tiêm chủng:
Vaccin thương hàn Typhim
Vacxin thương hàn Typhim của hãng Sanofi được sản xuất bởi nhà sản xuất vacxin và sinh phẩm uy tín Việt Nam - Viện Pasteur Đà Lạt (DAVAC).
Vacxin Typhim được bào chế từ kháng nguyên chết của trực khuẩn thương hàn và được sử dụng đường tiêm.
Chống chỉ định tiêm vacxin Typhim cho trường hợp:
- Mẫn cảm với các thành phần có trong vacxin.
- Trẻ em dưới 2 tuổi do đáp ứng miễn dịch thấp.
- Người bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu tuyệt đối không tiêm bắp.
Vacxin thương hàn Typhoid
Typhoid là vacxin tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh thương hàn cho trẻ em trên 2 tuổi trở lên và người lớn.
Trẻ em trên 2 tuổi tiêm 1 mũi duy nhất và tiêm nhắc lại sau mỗi 3 năm nếu có nguy cơ mắc bệnh.
4.9 Vaccin phòng ung thư cổ tử cung HPV
Theo số liệu thống kê của Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình phối hợp với Quỹ Ung thư CTC Australia, mỗi ngày tại Việt Nam có 9 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung. Ước tính, cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung, trong đó có 11 trường hợp tử vong.
Nguyên nhân gây bệnh là HPV - loại virus có hàng trăm typ khác nhau, trong đó có 4 typ nguy hiểm hơn cả: HPV typ 6, 11, 16 và 18. Thủ phạm gây ung thư là typ 16 và 18.
Chích ngừa vaccine ung thư cổ tử cung bao nhiêu tuổi?
Ở Việt Nam, độ tuổi tiêm phòng vaccine HPV được chia làm 2 nhóm tuổi tùy thuộc vào từng loại vacxin .
Hiện nay, có 2 loại vacxin ngừa ung thư cổ tử cung là Gardasil và Cervarix.
Vacxin Gardasil khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi 9 - 26 phòng ngừa HPV typ 6, 11, 16, 18, vacxin Cervarix khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi 10 - 25 tuổi ngừa HPV typ 16, 18.
Phụ nữ đã quan hệ tình dục có nên tiêm phòng HPV?
Đối với phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc quá tuổi tiêm phòng vẫn có thể tiêm phòng ung thư cổ tử cung nhưng hiệu quả sẽ giảm.
Quy trình chích ngừa ung thư cổ tử cung
Vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung bao gồm 3 mũi. Mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất từ 1 - 2 tháng và mũi thứ 3 cách mũi đầu 6 tháng.
4.10 Vaccine 6 trong 1
Vaccine 6 trong 1 là vacxin phòng 6 bệnh khác nhau được kết hợp chỉ trong 1 mũi tiêm, nhằm bảo vệ trẻ bởi 6 bệnh nguy hiểm hàng đầu: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib gây ra.
Tại các trung tâm tiêm vacxin đang có 2 loại vacxin 6 trong 1 gồm Infanrix Hexa (Bỉ) và Hexaxim (Pháp).
Ưu điểm của vaccine 6 trong 1 là giúp rút ngắn tối đa thời gian tiêm chủng, đơn giản hóa việc tiêm ngừa đồng thời đảm bảo mang lại hiệu quả miễn dịch tối đa.
Lịch tiêm chủng cơ bản của vacxin 6 trong 1 theo phác đồ như sau:
- 3 mũi chính: khi trẻ được 2,3,4 tháng tuổi.
- Mũi 4 nhắc lại khi trẻ 16 đến 18 tháng tuổi.
- Khoảng cách giữa các mũi tiêm ít nhất là 1 tháng và nên hoàn thành phác đồ trước khi trẻ 24 tháng tuổi.
Vaccine 6 trong 1 khác vacxin 5 trong 1 như thế nào?
Các vaccine 5 trong 1 được sử dụng hiện nay bao gồm vacxin Pentaxim (Pháp) và vaccine ComBe Five (Ấn Độ).
Vaccine 5 trong 1 và vắc xin 6 trong 1 đều là những vắc xin phòng ngừa từ 5-6 bệnh nguy hiểm kể trên, trong đó:
- Vắc xin 6 trong 1 ngừa đủ 6 bệnh.
- Vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem ngừa các bệnh kể trên trừ bệnh bại liệt. Do đó, trẻ được tiêm Quinvaxem cần uống thêm vắc-xin ngừa bại liệt.
- Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim ngừa các bệnh kể trên trừ bệnh viêm gan B. Do đó, trẻ được tiêm Pentaxim cần tiêm thêm vắc-xin viêm gan B.
4.11 Vắc-xin phòng HIV dự kiến ra mắt vào năm 2021
Đại dịch HIV có thể được đẩy lùi khi loại vaccine phòng HIV có thể sớm được ra mắt trong năm 2021. Các nhà nghiên cứu đang trong quá trình thử nghiệm 3 loại vaccine HIV khác nhau và đang gần bước vào giai đoạn cuối cùng.
- Loại vắc-xin đầu tiên - HVTN 702 được thực hiện tại Nam Phi năm 2016. Vaccine này dựa trên vaccine RV144, một loại vaccine HIV duy nhất từng chứng minh được hiệu quả chống lại virus.
- Chương trình thử nghiệm vacxin thứ hai - Imbokodo sử dụng kháng thể dòng khảm - là thành phần vaccine có khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại HIV toàn cầu.
- Vaccine thứ 3 là Mosaico dựa trên cách tiếp cận của kháng thể dòng khảm thể và được thử nghiệm vào tháng 11 vừa qua.
Kết quả của chương trình thí nghiệm 3 loại vaccine trên sẽ được công bố sớm nhất vào năm sau[5].
5 Những nguyên nhân nào dẫn đến tử vong sau khi tiêm vắc-xin?
Các loại vacxin khi đưa vào tiêm chủng đều được kiểm định chặt chẽ và đảm bảo tính an toàn và hiệu quả. Tuy vậy, không một loại vacxin nào đảm bảo an toàn tuyệt đối 100%.
Khi tiêm vacxin, tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể, thường thì cơ thể phản ứng với vacxin ở mức độ phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và phản ứng đó sẽ tự hết trong 1 - 2 ngày. Nhưng một số ít cơ thể có phản ứng mạnh với cơ thể như sốt cao, co giật, thậm chí còn dẫn đến tử vong.
Về vấn đề một số trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm vacxin, sau khi được phân tích kỹ lưỡng và khách quan, tử vong sau khi tiêm vacxin có thể do một trong số các nguyên nhân sau:
5.1 Nguyên nhân do phản ứng quá mẫn của cơ thể đối với vacxin
Rất ít trường hợp có phản ứng quá mẫn mạnh đối với vacxin dẫn đến sốc phản vệ. Sốc phản vệ không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Phản ứng quá mẫn của cơ thể khi tiêm vacxin không phải do chất lượng vacxin.
5.2 Nguyên nhân do sai sót của cán bộ tiêm chủng
Một số nguyên nhân như: tiêm sai đường dùng, tiêm sai liều lượng vacxin, tiêm sai chỉ định, bảo quản vacxin không đúng. Các sai sót trong thực hành tiêm chủng có thể dẫn tới tai biến cho trẻ nhưng khó có trường hợp tử vong, trừ khi tiêm nhầm với loại vacxin nguy hiểm gây chết người.
5.3 Nguyên nhân do chất lượng vacxin không đạt yêu cầu
Trường hợp này là vô cùng hiếm gặp, vì nếu vacxin không đảm bảo chất lượng thì khi tiêm chủng tai biến và tử vong xảy ra hàng loạt liên quan tới 1 lô vacxin. Vacxin trước khi cấp phép tiêm chủng đều phải được kiểm định chặt chẽ.
5.4 Tử vong do không rõ nguyên nhân
Nhiều trường hợp tử vong sau khi tiêm vacxin, mặc dù đã tiến hành kiểm tra khoa học, khách quan, kỹ lưỡng nhưng vẫn không xác định được nguyên nhân.
Phần trăm tử vong sau tiêm chủng là rất rất nhỏ và những lợi ích của vacxin đem lại lớn hơn bội phần so với những rủi ro tiêm chủng. Mục đích của tiêm chủng là bảo vệ toàn xã hội, vì vậy, tỷ lệ phản ứng sau khi tiêm vacxin nằm trong giới hạn của Tổ chức y tế thế giới thì nhất thiết phải duy trì tiêm chủng để tránh dịch bệnh bùng phát gây nguy hiểm cho toàn thể cộng đồng.
6 Bố mẹ cần lưu ý những gì khi đưa trẻ đi tiêm chủng?
Nhằm hạn chế tối đa những tác dụng không mong muốn, bố mẹ cũng cần chủ động cùng con đồng hành trong hành trình tiêm chủng bằng cách trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết trước khi đi tiêm phòng.
6.1 Những lưu ý trước khi tiêm chủng
- Trước khi tiêm chủng, bố mẹ cần vệ sinh cơ thể của trẻ cho sạch sẽ để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
- Không cho trẻ ăn quá no hoặc quá đói, để trẻ quá đói có thể dẫn tới hạ đường huyết sau tiêm.
- Cho trẻ mặc đồ thoải mái để tiện cho nhân viên y tế thao tác dễ dàng trong quá trình tiêm chủng.
- Bố mẹ nên mang theo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, sổ tiêm chủng để nhân viên y tế theo dõi lịch sử ngày tiêm.
- Trao đổi với nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe của trẻ cũng như bất kỳ tiền sử dị ứng nào để tránh những tác dụng phụ khi tiêm chủng.
6.2 Những lưu ý sau khi tiêm chủng
- Bố mẹ nên cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để theo dõi những phản ứng sau tiêm, nếu có phản ứng phụ nhân viên y tế có thể xử lý kịp thời.
- Khi đưa trẻ về nhà, bố mẹ theo dõi thêm tình trạng cơ thể trẻ như sốt, sưng, quấy khóc,...Trường hợp trẻ sốt nhẹ, bố mẹ có thể dùng các biện pháp hạ nhiệt, làm mát,... Trường hợp trẻ bị sưng tại chỗ tiêm, bố mẹ cũng có thể chườm amts lên chỗ tiêm để trẻ giảm sưng đau.
- Nếu có dấu hiệu bất thường, bố mẹ cần cần liên hệ với trung tâm tiêm chủng hoặc đưa trẻ tới trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ.
7 Cập nhật tình hình nghiên cứu Vacxin Covid-19
Trước tình hình dịch Covid ngày càng diễn biến phức tạp hiện nay, ngoài các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan rộng, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đi đầu về y học sức khỏe đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc-xin Covid 19 an toàn và hiệu quả để chấm dứt đại dịch Covid đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,4 triệu người trên thế giới cho tới thời điểm này.
- Vaccine của Moderna (Mỹ): Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ hôm 16/11 cho biết, kết quả thử nghiệm lâm sàng sơ bộ cho thấy vaccine của họ có hiệu quả hơn 94% trong việc ngăn ngừa Covid-19. Vaccine này bao gồm hai mũi tiêm cách nhau 4 tuần. Dự kiến vào cuối năm nay, sẽ có khoảng 20 triệu liều vaccine sẵn sàng được chuyển đến Mỹ và vẫn đang trên đà sản xuất từ 500 triệu đến 1 tỷ liều trên toàn cầu vào năm 2021.
- Vaccine của Pfizer-BioTech: một phân tích ban đầu về ứng cử viên vaccine của họ cho thấy, vaccine này có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19. Nó bao gồm hai mũi tiêm cách nhau 21 ngày. Tuy nhiên, vaccine này yêu cầu nhiệt độ bảo quản là âm 94 độ F (âm 70 độ C) nên gây ra một số khó khăn trong việc phân phối.
- Theo Sputnik - trang thông tấn uy tín của Nga, vào ngày 6/11/2020, lô vaccine corona Nga đầu tiên mang tên Sputnik V đã được đưa vào tiêm chủng hàng loạt. Đại diện Bộ Y tế Nga hôm 9/11 cho biết, vacxin Covid Sputnik V do nước này sản xuất có hiệu quả hơn 90%. Các chuyên gia y tế cho rằng đây là tín hiệu lạc quan về cộng đồng khoa học quốc tế ngày càng tiến gần đến khả năng phát triển được loại vaccine có thể ngăn chặn được Covid 19.
- Tại Việt Nam, trong kỳ họp thứ 10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết dự kiến cuối năm nay Việt Nam cũng bắt đầu thử nghiệm lâm sàng pha 1 trên người vacxin Covid-19 do Công ty cổ phần Công nghệ Dược Nanogen nghiên cứu và sản xuất[6].
8 Tài liệu tham khảo
- Tác giả ThS.BS. Đoàn Hữu Thiển (Cập nhật ngày 08 tháng 08 năm 2017).Tổng quan về vắc xin, nicvb.org.vn. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2020.
- Chuyên gia của Bộ Y Tế, (Cập nhật ngày 22 tháng 02 năm 2020). Vaccine Types, hhs.gov. Truy cập ngày 05 tháng 12 năm 2020.
- Chuyên gia của CDC (Đăng ngày 02 tháng 04 năm 2020). Possible Side effects from Vaccines, cdc.gov. Truy cập ngày 05 tháng 12 năm 2020.
- DANH MỤC VẮC XIN TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG VÀ TIÊM CHỦNG DỊCH VỤ VNVC. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2020.
- Chuyên gia của Bộ Y Tế. Dự kiến ra mắt vaccine phòng HIV vào năm 2021. mho.gov.vn. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2020.
- Chuyên gia của Bộ Y Tế, (Đăng ngày 06 tháng 05 năm 2020). Khẩn trương nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh do SARS CoV2 gây ra, covid19.gov.vn. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2020.
Có tổng: 4 sản phẩm được tìm thấy
- 10 Thích
Rabipur Vial sử dụng được cho phụ nữ có thai hay không?
Bởi: Lê Dung vào
Thích (10) Trả lời
- NA
Thuốc ở Trung Tâm Thuốc là hàng chính hãng, chất lượng và có giá tốt. Cảm ơn các dược sĩ đã tư vấn nhiệt tình cho tôi.
Trả lời Cảm ơn (11)