Thuốc Tránh Thai Khẩn Cấp là gì? Dùng trước quan hệ được không?
50 sản phẩm
Thuốc tránh thai khẩn cấp là biện pháp tránh thai an toàn sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ. Tuy nhiên, bạn cần biết cách sử dụng đúng để đạt được hiệu quả tránh thai tốt nhất. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về thuốc tránh thai khẩn cấp.
1 Thuốc tránh thai khẩn cấp là gì?
Thuốc tránh thai khẩn cấp (ECP) đề cập đến các phương pháp giúp giảm nguy cơ mang thai sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ, tránh thai thất bại hoặc bị tấn công tình dục.
Thuốc tránh thai khẩn cấp còn có nhiều tên gọi khác như thuốc tránh thai buổi sáng. Tuy nhiên, phụ nữ không cần đợi đến sáng hôm sau mới sử dụng. Phụ nữ được khuyến cáo nên sử dụng Thuốc tránh thai khẩn cấp trong vòng 5 ngày sau khi quan hệ tình dục, tuy nhiên, nên sử dụng càng sớm càng tốt. Đó là bởi thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ không còn tác dụng khi thai kỳ đã bắt đầu.
Lưu ý rằng thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ nhằm mục đích tránh thai dự phòng, không nên sử dụng thường xuyên và không thể thay thế các phương pháp ngừa thai chính.
2 Nên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp khi nào?
Bạn có thể lựa chọn biện pháp tránh thai khẩn cấp nếu:
2.1 Quan hệ tình dục không dùng biện pháp bảo vệ
Bạn đã quan hệ tình dục qua đường âm đạo nhưng không sử dụng phương pháp bảo vệ nào trong vòng 5 ngày qua (120 giờ).
2.2 Biện pháp tránh thai thất bại
- Bạn đã sử dụng các phương pháp ngừa thai thông thương không đúng cách hoặc đã thất bại trong vòng năm ngày (120 giờ) vừa qua. Những lý do khiến một phương pháp ngừa thai thông thường có thể thất bại bao gồm:
- Bao Cao Su bị rách, tuột ra hoặc không được sử dụng trong suốt thời gian bạn quan hệ tình dục.
- Bạn thường uống thuốc tránh thai có chứa cả estrogen và progestin nhưng lại quên uống hai ngày liên tiếp trở lên.
- Bạn thường uống thuốc tránh thai chỉ chứa progestin (Mini-Pill) nhưng lại uống thuốc muộn hơn ba giờ.
- Bạn thường uống thuốc tránh thai chỉ chứa Desogestrel (0,75 mg) nhưng lại uống trễ hơn 12 giờ
- Bạn thường sử dụng thuốc tiêm depot-medroxyprogesterone axetat (biệt dược: Depo-Provera) nhưng đã tiêm trễ hơn hai tuần (một số nhà cung cấp khuyến nghị chỉ dùng biện pháp tránh thai khẩn cấp nếu bạn trễ hơn bốn tuần).
- Bạn sử dụng biện pháp tránh thai kết hợp dạng tiêm (CIC), nhưng lại tiêm trễ hơn 7 ngày.
- Màng ngăn bị bong ra, vòng tránh thai hoặc que cấy bị tuột ra ngoài.
- Miếng dán ngừa thai bong ra, được gỡ bỏ quá sớm hoặc được dán quá muộn.
- Viên hoặc màng diệt tinh trùng không tan chảy trước khi quan hệ tình dục.
- Tính sai thời điểm an toàn trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc quan hệ tình dục trong những ngày dễ thụ thai.
- Ngoài ra, thuốc tránh thai khẩn cấp cũng có thể được sử dụng trong các trường hợp bị tấn công tình dục, khi người phụ nữ bị ép quan hệ tình dục mà không được bảo vệ hoặc trái với ý muốn của họ.

3 Ai có thể dùng thuốc tránh thai khẩn cấp?
Bất kỳ phụ nữ hay bé gái nào trong độ tuổi sinh sản đều có quyền tiếp cận với các biện pháp tránh thai khẩn cấp nói chung để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. Hiện nay, không có chống chỉ định tuyệt đối và không có giới hạn độ tuổi trong việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp.
WHO cho biết, thông tin về các biện pháp tránh thai nên được tuyên truyền rộng rãi hơn và đưa vào tất cả các chương trình giáo dục về kế hoạch hóa gia đình.
Lưu ý rằng, thuốc tránh thai khẩn cấp được cho là kém hiệu quả hơn ở phụ nữ béo phì (BMI >30kg/m2), nhưng không có lo ngại về tác dụng phụ. Vì thế phụ nữ béo phì không nên bị từ chối tiếp cận với biện pháp tránh thai khẩn cấp khi họ cần và được khuyến khích sử dụng vòng tránh thai.
Tuy nhiên, những người có cơ địa dị ứng với thành phần của các loại thuốc Thuốc tránh thai khẩn cấp, người mắc hen suyễn hoặc đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào gây tương tác với Thuốc tránh thai khẩn cấp thì không nên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp.
Cụ thể, nếu bạn đang sử dụng một trong những loại thuốc sau:
- Thuốc điều trị bệnh động kinh, HIV hoặc bệnh lao
- Thuốc nhóm PPI
- Rifampicin, Rifabutin
Thuốc Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa Ulipristal axetat có thể không có tác dụng nếu bạn đang dùng các loại thuốc trên. Bạn vẫn có thể sử dụng nhóm Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa Levonorgestrel nhưng có thể cần phải tăng liều.
Bên cạnh đó, hãy chắc chắn rằng bạn không mang thai trước khi sử dụng Thuốc tránh thai khẩn cấp có chứa Ulipristal axetat. Bởi tác dụng của Ulipristal axetat đối với thai nhi đang phát triển vẫn chưa được hiểu rõ. Đồng thời, phụ nữ đang cho con bú cũng được khuyên không nên sử dụng Ulipristal axetat, nếu sử dụng cần vắt sữa mẹ ra và bỏ đi trong vòng 24 giờ đầu sau khi dùng thuốc.
4 Phân loại biện pháp tránh thai khẩn cấp
Có hai loại biện pháp tránh thai khẩn cấp chính:
4.1 Vòng tránh thai
Vòng tránh thai hay còn gọi là dụng cụ tử cung (IUD) cũng có thể được sử dụng để tránh thai khẩn cấp. Vòng tránh thai nên được đưa vào tử cung trong vòng 5 ngay sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ để đạt được hiệu quả tránh thai tốt.
Có 2 loại vòng tránh thai:
- Vòng tránh thai chứa đồng (biệt dược: Paragard).
- Vòng tránh thai giải phóng nội tiết tố progestin (áp dụng cho vòng tránh thai có chứa 52 mg Levonorgestrel; tên thương mại: Mirena, Liletta)
Các chuyên gia nhận định, IUD hiệu quả hơn thuốc tránh thai trong việc ngăn cản sự thụ thai. Số liệu cho thấy khoảng 99% phụ nữ sử dụng IUD đạt được hiệu quả tránh thai. Đây cũng là biện pháp tránh thai hiệu quả nhất.
Việc đưa vòng tránh thai vào tử cung cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, cần phải đến cơ sở y tế và có thể tốn kém hơn so với sử dụng thuốc tránh thai.
4.2 Thuốc tránh thai khẩn cấp
Thuốc tránh thai khẩn cấp bằng đường uống có thể chứa nội tiết tố hoặc can thiệp vào hoạt động của nội tiết tố.
- Thuốc tránh thai khẩn cấp có chứa Ulipristal axetat (UPA)
Ulipristal axetat không phải là một loại nội tiết tố, nhưng nó hoạt động bằng cách ngăn chặn hoạt động của nội tiết tố Progesterone đối với sự rụng trứng và làm tổ tại tử cung. Người ta gọi Ulipristal axetat là thuốc điều biến thụ thể progestin.
Phụ nữ sử dụng Thuốc tránh thai khẩn cấp có chứa Ulipristal axetat có tỷ lệ mang thai giảm xuống còn 1,2%. Để đạt được hiệu quả tránh thai, nên sử dụng Ulipristal axetat trong vòng 120 giờ (5 ngày) sau khi quan hệ tình dục.
Ulipristal axetat có dạng viên đơn liều và chỉ được bán theo đơn.
Tên biệt dược: ella, ellaOne,..

- Thuốc tránh thai khẩn cấp có chứa Levonorgestrel (LNG)
Levonorgestrel là một hormone tổng hợp, dựa trên cấu trúc của hormone progesterone tự nhiên do buồng trứng sản xuất, có khả năng ngừa thai bằng cách ức chế hoặc trì hoãn sự rụng trứng. Khi sử dụng Thuốc tránh thai khẩn cấp có chứa Levonorgestrel, xác suất mang thai giảm tới 85% và tỷ lệ thụ thai còn khoảng 1,2% đến 2,1%.
Để đạt được hiệu quả tránh thai, nên uống Levonorgestrel trong vòng 72 giờ (3 ngày) sau khi quan hệ tình dục. Vì thế, loại Thuốc tránh thai khẩn cấp này còn được gọi là thuốc tránh thai khẩn cấp 72h. Levonorgestrel có thể được cung cấp tại các hiệu thuốc và phòng khám mà không cần đơn của bác sĩ.
Tên biệt dược: Bocinor, Postinor, CIELEC, Ase Victoria, Happynor, Posinight 1,...

4.3 Mifepristone
Mifepristone có bản chất là thuốc phá thai, nhưng đôi khi liều thấp của nó cũng được dùng để tránh thai khẩn cấp liên quan đến việc phong tỏa hoặc trì hoãn rụng trứng. Tất nhiên, liều dùng để tránh thai khẩn cấp thấp hơn nhiều so với dùng để phá thai (ví dụ: 10 mg so với 200 mg).
Sử dụng Mifepristone 10 mg được chứng minh là có hiệu quả tương đương thậm chí nhỉnh hơn một chút trong việc ngừa thai sau một lần giao hợp không được bảo vệ, so với hiệu quả của Levonorgestrel (0,75 mg/ 2 lần 1 ngày hoặc 1,5 mg/ 1 lần 1 ngày).
Tuy nhiên, khác với các loại thuốc tránh thai khẩn cấp trên, Mifepristone có thể ảnh hưởng đến thai kỳ và có thể gây sảy thai nếu bạn đã mang thai. Vì vậy, cần chú ý và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng thuốc này.
Để đạt được hiệu quả tránh thai, nên sử dụng Mifepristone 10 mg trong vòng 120 giờ sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ.
Tên biệt dược: Meopristone, Naphamife,...

5 Cơ chế thuốc tránh thai khẩn cấp
Cơ chế hoạt động chính của thuốc tránh thai khẩn cấp là ngăn chặn sự rụng trứng và giảm khả năng trứng được thụ tinh bởi tinh trùng. Ngoài ra, Ulipristal axetat có thể làm giảm khả năng trứng đã thụ tinh làm tổ tại cổ tử cung và bắt đầu mang thai.
Thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ không có tác dụng nếu cơ thể phụ nữ đã bắt đầu rụng trứng. Do vậy, việc bạn đang ở giai đoạn này trong chu kỳ kinh nguyệt và thời gian bạn uống thuốc tránh thai khẩn cấp sau khi quan hệ có thể ảnh hưởng đến hiệu quả tránh thai của thuốc.
Tuy nhiên, thuốc tránh thai khẩn cấp không thể đảo ngược quá trình mang thai khi nó đã bắt đầu. Nói cách khác, nếu trứng được thụ tinh đã làm tổ trong tử cung, thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ không cản trở hoặc gây hại cho quá trình mang thai.
6 Tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp
Tác dụng không mong muốn phổ biến nhất của các loại thuốc tránh thai khẩn cấp là buồn nôn và nôn. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường nhẹ và hết dần sau 1 hoặc 2 ngày.
Để ngăn ngừa nôn và buồn nôn do thuốc tránh thai khẩn cấp, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc sau:
- Meclizine (biệt dược: Antivert, Bonine, Dramamine) là thuốc không kê đơn nhóm kháng histamin giúp ngăn buồn nôn và nôn.
- Metoclopramide (biệt dược: Meclopstad) là chất phong bế thụ thể dopamin, giúp ngăn ngừa buồn nôn và nôn. Tuy nhiên, cần có chỉ định và đơn của bác sĩ để sử dụng Metoclopramide.
Lưu ý rằng, nếu bạn bị nôn ngay sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp (khoảng 1 giờ), bạn cần uống bổ sung thêm 1 liều khác.
Một số tác dụng phụ không phổ biến khác của thuốc tránh thai khẩn cấp là: chảy máu âm đạo, mệt mỏi, nhức đầu, rối loạn kinh nguyệt,...
7 Giải đáp thắc mắc về thuốc tránh thai khẩn cấp
7.1 Quan hệ bao lâu thì uống thuốc tránh thai khẩn cấp?
Nên uống thuốc tránh thai khẩn cấp càng sớm càng tốt sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ. Cụ thể:
- Thuốc tránh thai khẩn cấp có chứa Ulipristal axetat phải được dùng trong vòng 120 giờ (5 ngày) sau khi quan hệ tình dục để tránh thai.
- Thuốc tránh thai khẩn cấp có chứa Levonorgestrel phải được dùng trong vòng 72 giờ (3 ngày) sau khi quan hệ tình dục để tránh mang thai. Bạn cũng có thể uống Levonorgestrel muộn hơn (trong vòng 5 ngày), nhưng hiệu quả tránh thai sẽ giảm đáng kể.
Tinh trùng có thể tồn tại trong bộ phận sinh sản của phụ nữ tới 5 ngày. Do vậy, nếu bạn uống thuốc tránh thai khẩn cấp muộn (sau 5 ngày), hiệu quả tránh thai gần như bằng không.

7.2 Dấu hiệu uống thuốc tránh thai khẩn cấp thành công
Cách duy nhất để biết thuốc tránh thai có phát huy tác dụng hay không là chờ đến kỳ kinh nguyệt tiếp theo (thông thường tối đa 4 tuần). Nếu sau 4 tuần, không xuất hiện kinh nguyệt thì nhiều khả năng thuốc tránh thai khẩn cấp đã thất bại.
Uống thuốc tránh thai khẩn cấp có thể làm chậm chu kỳ kinh nguyệt đến 7 ngày. Vì thế, nếu trễ kinh hơn 7 ngày, bạn nên sử dụng que thử thai. Cùng với đó, bạn cũng có thể theo dõi các dấu hiệu mang thai sớm như mệt mỏi, căng tức ngực,...
7.3 Uống thuốc tránh thai khẩn cấp có hại không?
Nhìn chung, các loại thuốc tránh thai khẩn cấp đều an toàn với người sử dụng.
Một số loại thuốc tránh thai khẩn cấp có bản chất là nội tiết tố giống với các hormone có trong các phương pháp ngừa thai chính (như thuốc tránh thai, miếng dán da, vòng âm đạo và một số vòng tránh thai). Mà đối với những phương pháp ngừa thai chính, những hormone này đã được sử dụng một cách an toàn trong nhiều năm.
Ngay cả với những người không thể sử dụng các biện pháp tránh thai có chứa estrogen (chẳng hạn như những người >35 tuổi hút thuốc hoặc những người có tiền sử đau tim, đột quỵ, rối loạn đông máu, đau nửa đầu hoặc bệnh gan, hoặc những người đang cho con bú) vẫn có thể dùng thuốc tránh thai khẩn cấp vì sự bổ sung nội tiết tố chỉ diễn ra trong 1 ngày.
Hàng triệu người đã sử dụng các loại thuốc tránh thai khẩn cấp khác nhau trong hơn 30 năm qua và hiện nay chưa có báo cáo nào về việc xảy ra các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến tác hại của thuốc tránh thai khẩn cấp.
Trong đa phần các trường hợp, thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ gây ra một số tác dụng phụ nhẹ và sẽ nhanh chóng biến mất. Tuy nhiên, nếu bạn uống thuốc tránh thai khẩn cấp bị ra máu âm đạo kéo dài hơn một tuần hoặc bị đau bụng dữ dội từ 3 đến 5 tuần sau khi uống Thuốc tránh thai khẩn cấp, hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ. Đó có thể là dấu hiệu sảy thai hoặc trứng đã thụ tinh đã làm tổ ở bên ngoài tử cung (thường là tại ống dẫn trứng - được gọi là chửa ngoài dạ con.
7.4 Uống thuốc tránh thai khẩn cấp có bị vô sinh không?
Việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn và sẽ không làm chậm quá trình mang thai của bạn trong tương lai.
Lý do mà các bác sĩ khuyên bạn không nên sử dụng Thuốc tránh thai khẩn cấp thường xuyên là vì nó không hiệu quả bằng các biện pháp tránh thai thông thường khác và nó có thể gây rối loạn kinh nguyệt. Các chuyên gia cho biết, bạn có thể uống thuốc tránh thai khẩn cấp sau bất kỳ lần quan hệ tình dục không an toàn nào mà không gây ra bất kỳ ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản trong tương lai.
7.5 Có thể uống thuốc tránh thai khẩn cấp trước quan hệ không?
Bạn có thể uống thuốc tránh thai khẩn cấp ngay trước khi quan hệ tình dục không được bảo vệ nếu:
- Bạn lo lắng về phương pháp tránh thai của bạn sẽ thất bại
- Bạn không thể dễ dàng có được biện pháp tránh thai khẩn cấp sau khi quan hệ
Về mặt lý thuyết, việc uống Thuốc tránh thai khẩn cấp ngay trước khi quan hệ tình dục có thể mang lại hiệu quả bảo vệ giống như uống ngay sau khi quan hệ. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải chấp nhận rủi ro như vậy.
Các chuyên gia cho biết, thuốc tránh thai khẩn cấp không nên được sử dụng như một biện pháp tránh thai đầu tiên. Bởi nó không hiệu quả bằng các phương pháp ngừa thai thông thường khác. Về cơ bản, thuốc tránh thai khẩn cấp nên được hiểu là dùng trong trường hợp khẩn cấp.
7.6 Có nên sử dụng 2 loại thuốc tránh thai khẩn cấp không?
Không nên sử dụng 2 loại thuốc ngừa thai khẩn cấp khác nhau (ví dụ như kết hợp Ulipristal axetat và LNG) cùng một lúc hoặc trong vòng 5 ngày. Bởi chúng có thể tương tác và phản tác dụng lẫn nhau dẫn đến không đạt được hiệu quả tránh thai.
7.7 Thuốc tránh thai khẩn cấp có ảnh hưởng thai nhi không?
Về cơ bản, thuốc tránh thai khẩn cấp không giống như thuốc phá thai khẩn cấp, chúng không ảnh hưởng đến thai kỳ. Không có bằng chứng nào cho thấy thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ gây dị tật bẩm sinh hoặc gây hại cho sự phát triển của thai nhi.
7.8 Một tháng được uống mấy viên tránh thai khẩn cấp?
Không có giới hạn về số lần mà một cá nhân có thể dùng thuốc tránh thai khẩn cấp. Bạn hoàn toàn có thể dùng chúng thường xuyên khi cần thiết để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn.
Nhiều người lo lắng về rủi ro khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp 4 lần 1 năm hoặc 1 tháng uống 5 lần thuốc tránh thai khẩn cấp hoặc uống thuốc tránh thai khẩn cấp 2 lần trong 1 tuần,... Thực tế, chưa ghi nhận rủi ro sức khỏe đáng kể nào liên quan đến việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp nhiều lần. Tuy nhiên, các bác sĩ và chuyên gia y tế không khuyến khích sử dụng Thuốc tránh thai khẩn cấp thay thế cho hình thức ngừa thai thông thường vì nó kém hiệu quả hơn và tốn chi phí hơn.
Một lý do khác mà các bác sĩ không khuyến nghị sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp thường xuyên là nó có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn hoặc gây ra hiện tượng ra máu bất thường giữa các kỳ kinh.

7.9 Có thể bẻ thuốc tránh thai khẩn cấp không?
Khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp, bạn có thể bẻ hoặc nghiên chúng thành những mảnh nhỏ, miễn là bạn luôn uống đủ lượng thuốc. Tuy nhiên, nếu bạn bẻ chúng với mục đích chỉ uống nửa viên thuốc thì sẽ không đạt được hiệu quả tránh thai.
8 Tiếp tục biện pháp tránh thai sau khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp
Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc tránh thai hàng ngày, miếng dán hoặc đặt vòng âm đạo, nhưng đã bỏ lỡ một số liều, bạn nên tiếp tục các biện pháp đó vào ngày tiếp theo sau khi dùng biện pháp tránh thai khẩn cấp chứa Levonorgestrel. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng một hình thức ngừa thai dự phòng (chẳng hạn như bao cao su) trong ít nhất 7 ngày nếu có quan hệ tình dục.
Đối với trường hợp sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp chứa Ulipristal axetat:
- Nếu bạn quên uống thuốc tránh thai hàng ngày >2 ngày: Hãy đợi ít nhất 5 ngày trước khi bắt đầu dùng lại thuốc tránh thai hàng ngày. Điều này là do Ulipristal axetat có thể cản trở hoạt động của thuốc tránh thai thông thường.
- Nếu bạn bỏ lỡ thuốc tránh thai hàng ngày 1 hoặc 2 ngày: Hãy dùng lại thuốc ngay lập tức sau khi uống Thuốc tránh thai khẩn cấp.
Lưu ý rằng, ngay cả sau khi bạn bắt đầu uống lại thuốc tránh thai hàng ngày, bạn vẫn nên sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục cho đến kỳ kinh nguyệt tiếp theo.
9 Uống thuốc tránh thai khẩn cấp rồi lại quan hệ liệu có mang thai?
Nếu bạn tiếp tục quan hệ tình dục không bảo vệ sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp, bạn có thể sẽ mang thai. Nguy cơ mang thai là cao nhất trong trường hợp tiếp tục quan hệ tình dục không bảo vệ trong cùng 1 tháng sau khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp.
Khi bạn sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp đúng cách và trong vòng 3 ngày từ lần quan hệ tình dục tiếp theo mà không sử dụng biện pháp tránh thai thì khả năng thụ thai có thể tăng đến 89%.
Các chuyên gia cho biết, tinh trùng có thể sống trong hệ thống sinh dục của phụ nữ tới 5 ngày sau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, các loại thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ có hiệu quả bảo vệ mạnh mẽ nhất trong vòng 3-5 ngày sau khi quan hệ tình dục. Vì vậy, về cơ bản, quan hệ tình dục sau khi dùng Thuốc tránh thai khẩn cấp có nghĩa là tinh trùng có thể tồn tại lâu hơn thời hạn hiệu quả nhất của thuốc.
Hãy tưởng tượng nếu bạn quan hệ tình dục không bảo vệ vào Chủ Nhật, uống thuốc tránh thai vào lúc 8 giờ sáng Thứ Hai, sau đó lại quan hệ tình dục không được bảo vệ vào Thứ Ba. Nếu bạn sử dụng Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa Levonorgestrel, bạn sẽ được bảo vệ tốt nhất đến 8 giờ sáng Thứ Năm (3 ngày tính từ 8 giờ sáng thứ Hai). Nếu bạn sử dụng Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa Ulipristal axetat bạn sẽ được bảo vệ tốt nhất đến 8 giờ sáng Thứ Bảy. Tuy nhiên, tinh trùng từ lần quan hệ hôm Thứ Ba, về mặt lý thuyết, có thể sống trong cơ quan sinh dục của bạn cho đến Chủ Nhật. Do vậy, bạn vẫn có khả năng mang thai ngoài ý muốn.
Bạn có thể sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp nhiều hơn một lần trong 1 chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến khích điều này. Tốt hơn, bạn nên sử dụng biện pháp bảo vệ thông thường (chẳng hạn như bao cao su) trong lần quan hệ tình dục tiếp theo.
10 Kết hợp Levonorgestrel và Piroxicam để tăng hiệu quả tránh thai
Theo một nghiên cứu được trình bày tại RCOG 2023, việc sử dụng Levonorgestrel cộng với Piroxicam, như một biện pháp tránh thai khẩn cấp bằng đường uống (EC) sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ (UPSI), dẫn đến số lượng trường hợp mang thai được ngăn ngừa cao hơn đáng kể so với Levonorgestrel cộng với giả dược.
Mặc dù phác đồ tránh thai khẩn cấp bằng đường uống được sử dụng phổ biến nhất là Levonorgestrel và ulipristal axetat. Tuy nhiên, 2 loại thuốc này chỉ có hiệu quả khi được sử dụng trước chứ không phải sau khi rụng trứng.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thử nghiệm mù đôi, kiểm soát giả dược với 860 phụ nữ khỏe mạnh (tuổi trung bình 32 tuổi) yêu cầu thuốc tránh thai khẩn cấp bằng đường uống trong vòng 72 giờ sau một hành động quan hệ tình dục không được bảo vệ duy nhất trong chu kỳ kinh nguyệt hiện tại. Những người tham gia được chỉ định ngẫu nhiên để nhận Levonorgestrel 1,5 mg cùng với Piroxicam 40 mg hoặc giả dược (n=430 trong mỗi nhóm).
Trong vòng 6 tuần sau khi theo dõi, những bệnh nhân dùng Levonorgestrel cộng với Piroxicam có tỷ lệ ngừa thai cao hơn đáng kể so với những người dùng Levonorgestrel cộng với giả dược (94,7% so với 63,3%; p<0,0001).
Xét về những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, cả nhóm dùng Piroxicam và giả dược đều không cho thấy có sự khác biệt đáng kể nào trong việc xuất hiện hoặc trì hoãn (>7 ngày) của kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Cũng không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ tác dụng phụ giữa 2 phương pháp.
Mặc dù cơ chế ngừa thai ở Piroxicam vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, Piroxicam bằng cách can thiệp vào quá trình tổng hợp prostanoids, nó có thể cản trở quá trình giải phóng noãn trưởng thành, dẫn đến không rụng trứng được gọi là hội chứng nang hoàng thể không vỡ
11 Giá thuốc tránh thai khẩn cấp tốt nhất
Hiện nay, các loại thuốc tránh thai khẩn cấp có mẫu mã và thương hiệu khá đa dạng nên mức giá cũng dao động rất lớn, trong khoảng từ 5.000 - 40.000 VNĐ 1 hộp.
11.1 Thuốc tránh thai khẩn cấp 24 giờ giá bao nhiêu?
Giá thuốc ngừa thai cấp tốc 24 giờ dao động trong khoảng từ 5.000 – 15.000 VNĐ/hộp.
11.2 Thuốc tránh thai khẩn cấp 72 giờ giá bao nhiêu?
Giá thuốc tránh thai khẩn cấp 72 giờ dao động từ 10.000 - 40.000 VNĐ 1 hộp. Chị em có thể tham khảo các loại thuốc tránh thai khẩn cấp 72 giờ sau:
Nhãn hiệu | Giá bán |
Bocinor | 15.000 VNĐ/hộp |
Postinor | Postinor 1 viên: 36.000 VNĐ/hộp Postinor 2 viên: 35.000 – 40.000 VNĐ/hộp |
CIELEC | 10.000 VNĐ/hộp |
Ase Victoria | 12.000 – 23.000 VNĐ/hộp |
Happynor | 6.000 - 10.000 VNĐ/hộp 2 viên |
Posinight 1 | 27.000 VNĐ/hộp |
11.3 Thuốc tránh thai khẩn cấp 120 giờ giá bao nhiêu?
Giá thuốc tránh thai khẩn cấp 120 giờ dao động từ dao động từ 6.000 – 15.000 VNĐ/hộp. Chị em có thể tham khảo các viên uống tránh thai khẩn cấp 120 giờ sau:
Nhãn hiệu | Giá bán |
ellaOne | 20.000 VNĐ/ hộp |
Mifestad 10 | 9.000 – 15.000 VNĐ/hộp |
Meopristone | 7.000 – 12.000 VNĐ/hộp |
Naphamife | 15.000 VNĐ/hộp |
12 Tài liệu tham khảo
1. WHO (Ngày đăng: Ngày 09 tháng 11 năm 2021). Emergency contraception, WHO. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 06 năm 2023
2. NHS (Ngày đăng: Ngày 22 tháng 02 năm 2018). Emergency contraception (morning after pill, IUD), NHS. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 06 năm 2023
3. Kendall (Ngày đăng: Ngày 18 tháng 04 năm 2023). Is mifepristone the same as the morning-after pill?, Planned Parenthood. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 06 năm 2023
4. Ella One. How Do I Know Whether The Morning After Pill Has Worked?, Ella One. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 06 năm 2023
5. David Turok (Ngày đăng: Ngày 25 tháng 04 năm 2023). Patient education: Emergency contraception (Beyond the Basics), UpToDate. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 06 năm 2023
6. Mayo Clinic Staff (Ngày đăng: Ngày 03 tháng 06 năm 2022). Morning-after pill, Mayo Clinic. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 06 năm 2023
7. Alice Broster (Ngày đăng: Ngày 08 tháng 04 năm 2020). Does Taking The Morning After Pill Affect Your Fertility?, Forbes. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 06 năm 2023
8. Planned Parenthood. Which kind of emergency contraception should I use?, Planned Parenthood. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 06 năm 2023
9. FP handbook. Questions and Answers About Emergency Contraceptive Pills, FP handbook. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 06 năm 2023
10. Valinda Riggins Nwadike (Ngày đăng: ngày 17 tháng 04 năm 2020). How many times can you take Plan B (the morning-after pill)?, Medical News Today. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 06 năm 2023 .
11. Kendall (Ngày đăng: Ngày 30 tháng 01 năm 2012). I want to be able to use birth control or emergency contraception. What should I do if I can’t swallow pills?, Planned Parenthood. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 06 năm 2023
12. Korin Miller (Ngày đăng: Ngày 25 tháng 01 năm 2019). What to Do if You Took the Morning-After Pill, Then Had Unprotected Sex, SELF. Ngày truy cập: Ngày 13 tháng 06 năm 2023
13. Elaine Soliven (Ngày đăng: Ngày 25 Levonorgestrel - Piroxicam combo prevents pregnancy after unprotected sex, MIMS. Ngày truy cập: Ngày 27 tháng 07 năm 2023