Natri
52 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Natri được biết đến với công dụng sinh lý quan trọng trong cơ thể như cân bằng kiềm - toan, điều hòa áp lực thẩm thấu cũng như điều chỉnh huyết áp. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin về hoạt chất Natri.
1 Natri là gì? Natri là kim loại hay phi kim?
Natri được cô lập đầu tiên bằng cách điện phân Natri Hydroxide bởi Humphry Davy năm 1807 và là nguyên tố phổ biến xếp thứ 6 có trong vỏ trái đất.
1.1 Mô tả vật lý
Natri hay Sodium thuộc nhóm kim loại kiềm, tồn tại trong tự nhiên dưới dạng kim loại mềm màu bạc trở nên trắng xám khi tiếp xúc với không khí.
Khi ở nhiệt độ thường, Natri khá mềm, giống như sáp, cứng khi ở -20 độ C.
Natri có hóa trị I. Nguyên tử khối: 22,99.
Điểm nóng chảy: 97,7 độ C.
Điểm sôi: 883 độ C.
Khối lượng riêng: 0,971 g/cm3.
Độ hòa tan: Natri không tan trong Benzen, dầu hòa, Naphta. Hòa tan trong Amoniac lỏng tạo Dung dịch màu xanh lam, hòa tan trong thủy ngân, tạo thành hỗn hống Natri.
1.2 Tính chất hóa học
Natri phản ứng mạnh với Oxi, khi cháy cho ngọn lửa màu vàng.
Kết hợp trực tiếp với Halogen, Phospho, có thể khử hầu hết các oxit về trạng thái nguyên tố, khử clorua kim loại, khi đun nóng trong khí Amoniac tạo ra Sodamit.
Natri có thể phản ứng với nước tạo nhiệt năng lớn.
2 Vai trò của Natri trong cơ thể
Cơ thể người có chứa khoảng 100g Natri, trong đó:
- 70% lượng Natri ở mặt ngoài và trong tế bào dạng ion Na+
- 30% lượng Natri là thành phần cố định của xương.
2.1 Tác dụng dược lý của Natri: Cơ chế tác dụng
- Giữ nước và hút nước. Trong cơ thể chỗ nào có Natri là chỗ đó có nước.
- Tạo thế cân bằng với ion Kali (trong tế bào) và Natri (ngoài tế bào). Là thành phần chủ yếu của dịch ngoại bảo, có vai trò điều hòa áp lực thẩm thấu.
- Điều hòa cân bằng kiềm – toan trong cơ thể.
- Là phần tử mang điện, ion Na+ còn tham gia vào việc truyền thông tin nhận được từ não và hệ thần kinh, ra lệnh cho các cơ co hoặc duỗi.
- Tham gia điều chỉnh huyết áp: Ăn nhiều Natri gây tăng huyết áp và giảm Natri góp phần có lợi cho giảm huyết áp. Duy trì tỷ lệ Ca/Na thích hợp giúp điều chỉnh huyết áp thích hợp.
3 Bổ sung Natri cho cơ thể
3.1 Nhu cầu Natri của cơ thể
+ Thông thường lượng Natri trong thức ăn tự nhiên (thực phẩm nào cũng chứa Natri và khi chế biến đều có sử dụng muối ăn – lượng Natri nhận được từ thức ăn mỗi ngày là khoảng 3000–6000mg) đủ để đáp ứng nhu cầu, do đó không cần đề ra giới hạn thấp. Người ta chỉ khuyến cáo giới hạn trên của Natri là không quá 6000mg/ngày hoặc 2,5g/1000Kcal.
3.2 Đối tượng dễ thiếu Natri
Những đối tượng sau dễ bị thiếu Natri:
- Người lao động, làm việc trong điều kiện khí hậu nóng, nắng, thể thao nặng.
- Những người bị mất nước do nôn, tiêu chảy kéo dài.
- Người sử dụng thuốc tẩy, nhuận tràng quá lâu.
==>> Xem thêm về hoạt chất: Natri Clorid - bù nước và điện giải - Dược thư Quốc gia 2022
4 Tác dụng không mong muốn
Chế độ ăn nhiều Natri dẫn tới dư thừa Natri có thể khiến cơ thể mắc các bệnh lý như sau:
- Phù, tích nước.
- Sỏi thận.
- Suy tim.
- Suy gan.
- Cao huyết áp.
- Xương phát triển kém....
==>> Mời quý bạn đọc xem thêm: Natri nitrit - điều trị ngộ độc sắn - Dược thư Quốc gia 2022
5 Những người nên bổ sung Natri
Một số đối tượng sau cần ăn chế độ ăn mặn hơn bình thường:
- Người có huyết áp thấp.
- Người làm việc trong điều kiện khí hậu nắng nóng, oi bức, mất nhiều nước, những người làm việc ở nơi có nhiệt độ cao như lò nung, mỏ,...
- Vận động viên thể thao như vận động viên đua xe, chạy đường dài...
- Người mất nước chứa điện giải, tiêu chảy kéo dài...
6 Chống chỉ định
Những đối tượng sau nên hạn chế Natri, và nên có chế độ ăn nhạt, giảm muối Natri như:
- Người huyết áp cao.
- Người mắc bệnh lý về tim như suy tim, người bị phù, hay tích nước.
- Người mắc bệnh về gan, thận, chức năng gan thận kém, đặc biệt là người cao tuổi.
7 Sodium trong thực phẩm là gì?
Sodium trong thực phẩm chính là hàm lượng Sodium hay Natri có chứa trong thức ăn. Lượng Natri trong mỗi loại thực phẩm là khác nhau.
Một số thông tin thảo khảo về hàm lượng Natri trong thực phẩm tự nhiên cũng như thực phẩm chế biến như sau:
Hải sản (sò, hến ) | 70-330 mg/100g |
Trứng | 120-130 mg/100g |
Cá | 70-100 mg/100g |
Thịt | 40-90 mg/100g |
Sữa | 50 mg/100g |
Cải xoong, Cần Tây, củ cải, cà rốt | 50 mg/100g |
Rau tươi | 5-15 mg/100g |
Giăm–bông (đùi heo hun khói) | 2100 mg/100g |
Phô-mai Camembert | 1000-1200 mg/100g |
Bích quy mặn | 1000-1200 mg/100g |
Ba - tê, xúc−xích | 800-1200 mg/100g |
Phô - mai Roquefort | 500-1000 mg/100g |
Bò mặn | 870 mg/100g |
Bắp cải muối chua | 650-800 mg/100g |
Cá hồi đóng hộp | 760 mg/100g |
Bánh mỳ trắng | 500 mg/100g |
Bánh Bít - cốt | 250-400 mg/100g |
Bơ Margarin | 250-300 mg/100g |
Bơ thường | 200 mg/100g |
Nước khoáng, nước giải khát có Gaz | 50-1700 mg/100g |
Nước máy (sử dụng Na silico aluminat để lọc) | 200 mg/100g |
Muối biển | 39 g/100g |
Các loại gia vị | Đều có Natri |
Trái cây chứa nhiều Natri như dưa hấu, mận, chuối và dứa, dứa có thể chứa 0,3 mg Natri trong mỗi 100g.
8 Nghiên cứu mới về Natri
Chế độ ăn ít Natri làm tăng nguy cơ loãng xương, cụ thể:
Một nghiên cứu gần đây cho thấy lượng Natri nạp vào cơ thể ở mức thấp dường như làm xấu đi mật độ khoáng của xương (BMD) và làm trầm trọng thêm nguy cơ loãng xương .
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích cắt ngang dựa trên dân số gồm 3.869 người tham gia, trong đó sự bài tiết Natri qua nước tiểu trong 24 giờ (e24hUNaE) được đo bằng phương pháp Tanaka và được sử dụng làm chỉ số thay thế cho lượng Natri. Kết quả bao gồm BMD và sự cố loãng xương.
Mô hình rủi ro theo tỷ lệ Cox tiếp tục tìm thấy mối tương quan đáng kể và nghịch đảo giữa lượng muối ăn vào và nguy cơ loãng xương. Ngay cả sau khi kiểm soát các yếu tố gây nhiễu như chỉ số khối cơ thể, chức năng thận, vòng eo và các dấu hiệu trong máu, e24UNaE cao đã giảm gần 15% nguy cơ loãng xương (tỷ lệ rủi ro được điều chỉnh, 0,859, khoảng tin cậy 95%, 0,751–0,982).
Hơn nữa, phân tích Kaplan-Meier kết hợp với nhiều mô hình tỷ lệ Cox cho thấy tỷ lệ sống sót không bị loãng xương thấp hơn đáng kể ở những người tham gia thuộc nhóm tứ phân vị e24hUNaE thấp nhất.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu này đã chứng minh rằng chế độ ăn ít Natri hơn dưới 2 g mỗi ngày là một yếu tố dự báo độc lập cho việc phát triển bệnh loãng xương ở giai đoạn đầu”. “Các nghiên cứu dịch tễ học triển vọng dựa trên dân số lớn được đảm bảo để xác nhận những phát hiện này.”
9 Các dạng bào chế phổ biến của Natri
Một số sản phẩm có chứa Natri:
10 Tài liệu tham khảo
- Thực phẩm chức năng - Functional Food (Xuất bản năm 2017). Natri (Na) trang 357 - 359, Thực phẩm chức năng - Functional Food. Truy cập ngày 07 tháng 08 năm 2023.
- Tác giả: Chuyên gia Pubchem. Sodium, NCBI. Truy cập ngày 07 tháng 08 năm 2023
- Tác giả: Chuyên gia MIMS, (Ngày đăng: Ngày 09 tháng 09 năm 2022). Low-sodium diets up osteoporosis risk, MIMS. Truy cập ngày 07 tháng 08 năm 2023.