Spartein Sulfat

Ước tính: 0 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Spartein sulfat là muối sulfat của dodecahydro methano-7,14 2H,6H-dipyrido[1,2-a:1',2'-e][diazocin-1,5]-(7S,7aR,14S,14aS), phải chứa từ 98,0% đến 101,0% C₁₅H₂₈O₄N₂S, tính theo chế phẩm đã làm khô.

1 Tính chất

Tinh thể không màu. Dễ tan trong nước và Ethanol 96%, thực tế không tan trong ether.

2 Định tính

Có thể chọn một trong hai nhóm định tính sau:

Nhóm I: C, D, E.

Nhóm II: A, B, E.

A. Phổ hấp thụ hồng ngoại (Phụ lục 4.2) của chế phẩm phải phù hợp với phổ hấp thụ hồng ngoại của spartein sulfat chuẩn.

B. Chế phẩm phải đáp ứng phép thử Góc quay cực riêng.

C. Trong phần Tạp chất liên quan, vết chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải giống vết chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (1) về vị trí, màu sắc và kích thước.

D. Hòa tan 1 g chế phẩm trong 10 ml nước. Thêm 1 ml dung dịch thủy ngân (II) clorid 5% (TT) vào 5 ml dung dịch trên, không tạo thành tủa. Thêm từng giọt, vừa thêm vừa lắc mạnh 0,5 ml acid hydrocloric (TT), tủa xuất hiện. Thêm 1 ml dung dịch natri hydroxyd 10 N (TT) vào phần dung dịch còn lại, tạo thành một lớp đục như sữa, đun nóng nhẹ trong cách thủy sẽ tụ lại thành từng giọt dầu nhỏ trên bề mặt.

E. Chế phẩm cho phản ứng của sulfat (Phụ lục 8.1).

3 Độ trong và màu sắc của dung dịch

Dung dịch S: Hòa tan 1,0 g chế phẩm trong nước không có carbon dioxyd (TT) và pha loãng thành 50,0 ml với cùng dung môi.

Dung dịch S phải trong (Phụ lục 9.2) và không màu (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).

4 pH

pH của dung dịch S phải từ 3,0 đến 4,0 (Phụ lục 6.2).

5 Góc quay cực riêng

Từ -26° đến -30°, tính theo chế phẩm đã làm khô (Phụ lục 6.4). Dùng dung dịch S để đo.

6 Tạp chất liên quan

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

6.1 Chuẩn bị

Bản mỏng: Silica gel G.

Dung môi khai triển: Diethylamin - ethyl acetat - cyclohexan (5:25:70).

Dung dịch thử: Hòa tan 0,1 g chế phẩm trong methanol (TT) và pha loãng thành 5 ml với cùng dung môi.

Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan 0,1 g spartein sulfat chuẩn trong methanol (TT) và pha loãng thành 5 ml với cùng dung môi.

Dung dịch đối chiếu (2): Pha loãng 1 ml dung dịch đối chiếu (1) thành 100 ml bằng methanol (TT).

Dung dịch đối chiếu (3): Pha loãng 5 ml dung dịch đối chiếu (2) thành 10 ml bằng methanol (TT).

6.2 Cách tiến hành

Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 μl mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 15 cm. Sấy bản mỏng ở 100°C đến 105°C trong vòng 5 phút, sau đó để bản mỏng nguội. Phun lên bản mỏng dung dịch Kali iodohismuthat (TT) tới khi xuất hiện các vết. Trên sắc ký đồ thu được với dung dịch thử, không được có bất cứ vết phụ nào ngoài vết chính có màu đậm hơn vết chính của sắc ký đồ thu được với dung dịch đối chiếu (2), và chỉ cho phép một vết có thể đậm hơn vết chính trên sắc ký đồ thu được với dung dịch đối chiếu (3).

7 Mất khối lượng do làm khô

Từ 19,5% đến 22,0% (Phụ lục 9.6), (1,0 g, 100°C đến 105°C).

8 Tro sulfat

Không được quá 0,1% (Phụ lục 9.9, phương pháp 1). Dùng cặn thu được trong phép thử Mất khối lượng do làm khô.

9 Định lượng

Hòa tan 0,300 g chế phẩm trong 30 ml acid acetic khan (TT). Thêm 1 ml anhydrid acetic (TT). Chuẩn độ bằng dung dịch acid perchloric 0,1 N (CĐ). Xác định điểm tương đương bằng phương pháp chuẩn độ đo điện thế (Phụ lục 10.2).

1 ml dung dịch acid perchloric 0,1 N (CĐ) tương đương với 33,24 mg C₁₅H₂₈O₄N₂S.

10 Bảo quản

Trong đồ đựng kín.

11 Loại thuốc

Trợ tim.

12 Chế phẩm

Thuốc tiêm.
 

vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633