1. Trang chủ
  2. Thông Tin Y Học
  3. Hội chứng Williams do bất thường NST 7 - Nguyên nhân, triệu chứng

Hội chứng Williams do bất thường NST 7 - Nguyên nhân, triệu chứng

Hội chứng Williams do bất thường NST 7 - Nguyên nhân, triệu chứng

Trungtamthuoc.com - Hội chứng Williams, còn được gọi là hội chứng Williams-Beuren, là một biến thể di truyền xuất hiện khi mới sinh. Hội chứng này xuất hiện do việc mất đoạn gen cụ thể trong nhiễm sắc thể 7. Hội chứng Williams thường gây khó khăn trong học tập ở mức độ nhẹ đến trung bình, chậm phát triển và có các đặc điểm thể chất đặc biệt. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về hội chứng Williams

1 Hội chứng Williams là gì?

Hội chứng Williams (William syndrome) là tình trạng di truyền hiếm gặp được biểu hiện bằng các đặc trưng bao gồm:

  • Khuôn mặt có nhiều điểm đặc biệt.
  • Khuyết tật trí tuệ mức độ nhẹ.
  • Tính cách hòa đồng (thân thiện) quá mức.

Bác sĩ tim mạch, Tiến sĩ John Cyprian Phipps Williams đã phát hiện ra hội chứng này vào năm 1961. Năm 1962, Tiến sĩ AJ Beuren cũng tìm thấy những phát hiện tương tự, do đó hội chứng này được đặt tên là hội chứng Williams-Beuren.

Bất thường NST 7 hội chứng William xảy ra do sự mất đoạn trên nhiễm sắc thể số 7 (do thiếu hơn 25 gen tại một vùng cụ thể của nhiễm sắc thể số 7). Cần lưu ý rằng, điều này xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên.

Tỷ lệ mắc không phụ thuộc vào giới tính, chủng tộc và quốc gia.

Cho đến nay, vẫn không có phương pháp điều trị cho hội chứng Williams.

Việc điều trị thường nhằm mục tiêu hỗ trợ người bệnh nhằm kiểm soát triệu chứng. Mức độ đáp ứng sẽ phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng. Với một số trường hợp, bệnh nhân bị hội chứng Williams vẫn có thể đi học, đi làm, tự chăm sóc bản thân,...

2 Nguyên nhân gây ra hội chứng Williams

Nguyên nhân di truyền của hội chứng Williams được phát hiện vào năm 1993 là sự mất đoạn ở nhiễm sắc thể số 7 (do thiếu vật liệu di truyền). Hội chứng Williams xảy ra với tỷ lệ 1/7500 đến 1/75.000 ca sinh.

Elastin là một protein có vai trò cung cấp độ đàn hồi cho da, thành mạch và các cơ quan khác trong cơ thể. Sự thiếu hụt Elastin có thể là nguyên nhân gây ra một số biểu hiện về thể chất ở bệnh nhân mắc hội chứng Williams.

Các trường hợp mắc hội chứng Williams hầu hết đều xảy ra ngẫu nhiên trong giai đoạn hình thành trứng hoặc tinh trùng ở một người hoàn toàn bình thường.

Người mắc hội chứng Williams hiếm khi di truyền cho con. Một số trường hợp hiếm gặp, tình trạng này có thể xảy ra, cơ chế di truyền gen trội trên nhiễm sắc thể thường, do đó, những người có kiểu di truyền này sẽ 50% nguy cơ di truyền cho con.

3 Triệu chứng, biểu hiện của hội chứng Williams

Thông thường, những người mắc hội chứng Williams đều có những biểu hiện giống nhau, mức độ có thể khác nhau giữa từng cá thể.

3.1 Biểu hiện về thể chất ở bệnh nhân mắc hội chứng Williams

Biểu hiện của hội chứng Williams
Biểu hiện của hội chứng Williams

Khuôn mặt: Trẻ nhỏ mắc hội chứng Williams có các đặc điểm khuôn mặt đặc biệt bao gồm trán rộng, mũi ngắn với chóp rộng, má đầy đặn, miệng rộng, môi dày. Một số trẻ có thể xuất hiện vấn đề liên quan răng miệng như răng nhỏ, thưa và răng bị khấp khểnh hoặc thiếu. Ở trẻ lớn hơn và người lớn, khuôn mặt trông dài hơn và hốc hác hơn.

Cân nặng: Trẻ sơ sinh mắc hội chứng William có thể có cân nặng khi sinh thấp và tăng cân chậm. Người lớn mắc hội chứng William thường có cân nặng thấp hơn mức trung bình.

Trẻ mắc hội chứng William có thể gặp một số vấn đề khi bú mẹ, bao gồm khó nuốt và ăn chậm.

Nhạy cảm với âm thanh (kể cả đối với những âm thanh có mức âm lượng bình thường).

Các vấn đề về tim thường gặp bao gồm hẹp động mạch chủ và hẹp động mạch phổi (hẹp phổi).

Canxi máu' data-type-link='internal' target='_blank'>Tăng canxi máu thường có triệu chứng như kích thích, nôn mửa, táo bón,...trong hai năm đầu đời. Nguyên nhân gây tăng canxi máu ở bệnh nhân bị hội chứng Williams vẫn chưa thực sự được biết rõ.

Các bất thường về nội tiết:

  • Suy giáp, bao gồm cả suy giáp cận lâm sàng (tăng hormone kích thích tuyến giáp với mức T3/T4 bình thường).
  • Tỷ lệ suy giảm dung nạp Glucose là 42% và tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tăng lên ở thanh thiếu niên và người lớn mắc hội chứng Williams.

Mật độ khoáng xương thấp đã được báo cáo ở 50% người trưởng thành mắc hội chứng Williams và có liên quan đến nồng độ phosphat huyết thanh thấp. [1]

Trương lực cơ kém phối hợp thể chất kém.

Một dạng bệnh tim mạch gọi là hẹp động mạch chủ trên van (SVAS) xảy ra thường xuyên ở những người mắc hội chứng Williams. Hẹp động mạch chủ trên van là tình trạng thu hẹp mạch máu lớn mang máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể (động mạch chủ). Nếu không được điều trị, một số vấn đề liên quan đến hẹp động mạch chủ như khó thở, đau ngực và suy tim có thể xảy ra. Các vấn đề khác về tim và mạch máu, bao gồm huyết áp cao (tăng huyết áp), cũng đã được báo cáo ở những người mắc hội chứng Williams.

3.2 Các đặc điểm về trí tuệ và tính cách

Hầu hết những người mắc hội chứng Williams đều bị thiểu năng trí tuệ ở một mức độ nào đó, từ nhẹ đến nặng. Khuyết tật trí tuệ như chậm phát triển, IQ dưới mức trung bình, gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập, kỹ năng không gian kém và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Các nghiên cứu cho thấy điểm IQ của trẻ mắc hội chứng Williams nằm trong khoảng từ 40 đến 112, với điểm IQ trung bình là 68 tương đương với tình trạng thiểu năng trí tuệ nhẹ (chỉ số IQ trung bình là 100). Tuy nhiên, đã có báo cáo rằng ở những người có gen bị mất ít hơn, điểm IQ có thể cao hơn.

Thông thường, người mắc hội chứng Williams là người hướng ngoại, không sợ người lạ hoặc không ngại giao tiếp xã hội.

Do chậm phát triển, trẻ thường chậm biết nói, chậm biết đi và nhiều hành vi khác chậm hơn những đứa trẻ bình thường.

Nghiên cứu đã chứng minh rằng những người mắc hội chứng Williams có điểm mạnh trong hoạt động bằng lời nói và kỹ năng xã hội so với chỉ số IQ. Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ thường không bình thường. Ví dụ, những người mắc hội chứng Williams  có xu hướng sao chép các cụm từ mà họ đã nghe người khác sử dụng, do đó vốn từ vựng của những người mắc hội chứng Williams nghe có vẻ khá phức tạp và họ thường sử dụng nhiều ngôn ngữ giàu cảm xúc. Tuy nhiên, thông thường, khả năng hiểu ngôn ngữ của họ kém hơn nhiều so với vốn từ vựng nói của họ.

Thông thường, người mắc hội chứng Williams là những người có xu hướng hướng ngoại, không sợ người lạ hoặc không ngại giao tiếp xã hội nên hội chứng Williams còn được gọi là hội chứng quá thân thiện. Cha mẹ cần sớm phát hiện do việc thân thiết với người lạ quá mức có thể gây ra những hiểm họa khó lường.

4 Chẩn đoán

Các xét nghiệm chẩn đoán bao gồm:

  • Tiền sử bệnh.
  • Khám lâm sàng, khám thực thể để xác định các biểu hiện điển hình ở những bệnh nhân mắc hội chứng Williams.
  • Xét nghiệm nồng độ canxi trong máu (không được sử dụng để làm chẩn đoán xác định).
  • Xét nghiệm microarray nhiễm sắc thể nhằm xác định những thay đổi liên quan đến nhiễm sắc thể.
  • Xét nghiệm nhiễm sắc thể lai huỳnh quang tại chỗ (FISH) nhằm kiểm tra sự xóa gen đàn hồi ở nhiễm sắc thể 7. Hiện nay, xét nghiệm nhiễm sắc thể lai huỳnh quang tại chỗ thường được thay thế cho xét nghiệm microarray.

Xét nghiệm FISH hiện nay có thể nằm trong gói xét nghiệm di truyền học, xét nghiệm NIPT ở nhiều bệnh viện như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,...

Theo khung giá dịch vụ xét nghiệm huyết học, hóa sinh, vi sinh theo yêu cầu từ 15/8/2023 do Cổng thông tin điện tử đăng tải, giá xét nghiệm FISH dao động từ 5.614.000 - 6.736.000 đồng.

Theo bảng giá dịch vụ xét nghiệm, thăm dò chức năng (bảo hiểm y tế) do Cổng thông tin điện tử đăng tải, giá xét nghiệm FISH là 5.700.000 đồng.

5 Điều trị hội chứng Williams

Cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp để điều trị hội chứng Williams. Tất cả biện pháp chỉ nhằm điều trị hỗ trợ và kiểm soát các biến chứng cho người bệnh. Các biện pháp điều trị bao gồm:

  • Điều trị tim mạch và dùng thuốc thường xuyên (nếu cần).
  • Điều trị tiêu hóa và nội tiết (nếu cần).
  • Trị liệu ngôn ngữ và lời nói.
  • Trị liệu hành vi.
  • Vật lý trị liệu.
  • Liệu pháp thị giác hoặc thính giác (nếu cần).

80% bệnh nhân bị hội chứng Williams gặp phải các bất thường về tim mạch, chẳng hạn như hẹp động mạch lớn. [2] Do đó, có thể tiến hành phẫu thuật trong trường hợp cần thiết.

6 Dự phòng

Trẻ em dưới hai tuổi nên được kiểm tra nồng độ canxi trong huyết thanh bốn đến sáu tháng một lần. Chức năng tuyến giáp nên được kiểm tra hàng năm cho đến khi trẻ được 3 tuổi và sau đó cứ 2 năm một lần. Đánh giá y tế, sàng lọc thị lực, đánh giá thính giác, đo huyết áp ở cả hai tay, tỷ lệ canxi và creatinin trong nước tiểu tại chỗ và phân tích nước tiểu nên được thực hiện hàng năm.

Do nguy cơ tăng canxi huyết, nên tránh bổ sung canxi và Vitamin D, kể cả vitamin tổng hợp cho trẻ mắc hội chứng Williams.

7 Phân biệt hội chứng Williams và hội chứng Down

Phân biệt hội chứng Williams và hội chứng Down
Phân biệt hội chứng Williams và hội chứng Down

Tương tự như hội chứng Williams, hội chứng Down xảy ra do rối loạn nhiễm sắc thể do có thêm một bản sao của nhiễm sắc thể 21. Tuy nhiên, trong khi hội chứng Williams không có xu hướng di truyền trong gia đình, thì cứ ba trẻ mắc hội chứng Down sẽ có một trẻ có cha hoặc mẹ mang nhiễm sắc thể bị dịch mã 21.

Độ tuổi của người mẹ khi thụ thai có liên quan đến việc tăng nguy cơ sinh con mắc bệnh này. Đối với những trường hợp mang thai khi người mẹ 20 tuổi, nguy cơ sinh con mắc hội chứng Down là 1/2.000. Ở tuổi 40, nguy cơ này có thể tăng lên 1/100.

8 Phân biệt hội chứng Williams và hội chứng Weaver-Williams

Hội chứng Weaver-Williams và Hội chứng Williams
Hội chứng Weaver-Williams và Hội chứng Williams

Hội chứng Weaver-Williams là hội chứng đa di tật bẩm sinh với các biểu hiện:

  • Thiểu năng trí tuệ từ trung bình đến nặng.
  • Giảm khối lượng cơ.
  • Đầu nhỏ.
  • Dị dạng khuôn mặt (hở hàm ếch, tai lồi, miệng nhỏ,...).
  • Dị tật ngón tay.
  • Xương chậm trưởng thành.
  • Giảm sản xương toàn thể.

Nếu như hội chứng Williams có nguyên nhân do mất đoạn ở nhiễm sắc thể số 7 thì hội chứng Weaver-Williams có nguyên nhân do thay đổi di truyền có hại (hay do sự thay đổi trong vật chất di truyền (DNA)) có thể do môi trường, di truyền hoặc là sự kết hợp của nhiều yếu tố).

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả Colleen A Morris và cộng sự (Ngày đăng tháng 4 năm 1999). Williams Syndrome, PubMed. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2023
  2. ^ Tác giả Christoph P Hornik và cộng sự (Ngày đăng tháng 6 năm 2015). Adverse cardiac events in children with Williams syndrome undergoing cardiovascular surgery: An analysis of the Society of Thoracic Surgeons Congenital Heart Surgery Database, PubMed. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2023

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
(Quy định duyệt bình luận)
0/ 5 0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633