1. Trang chủ
  2. Tim mạch - Mạch máu
  3. Bệnh tăng huyết áp: nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh

Bệnh tăng huyết áp: nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh

Bệnh tăng huyết áp: nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh

Trungtamthuoc.com - Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến ở người lớn tuổi, được coi là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra những biến chứng nguy hiểm như: suy tim, đột quỵ, tai biến mạch máu não… cướp đi tính mạng chỉ trong chớp mắt. Hiểu về tăng huyết áp chính là chìa khóa bảo vệ sưc khỏe của bạn. Bài viết này chúng tôi cùng bạn lý giải tất cả vấn đề liên quan đến tăng huyết áp một cách chi tiết và gần gũi nhất.

1 Huyết áp là gì?

Mỗi lần tim đập, tim sẽ bơm máu đi tới các cơ quan trên cơ thể để cung cấp năng lượng và oxy. Máu di chuyển trong động mạch, đẩy vào hai bên của các mạch máu. Lực tác động lên thành động mạch khi máu được tim bơm đi khắp cơ thể chính là huyết áp. [1] 

Vậy tại sao huyết áp lại quan trọng?

Bạn có thể thấy rằng, máu mang năng lượng và oxy đến các mô và cơ quan. Huyết áp là lực tác động lên thành mạch máu, đủ và cần thiết để cấp máu đến nuôi các tế bào trong cơ thể. Nếu huyết áp thấp, tức là máu không bơm đầy đủ và kịp thời để đáp ứng năng lượng cho cơ quan, bạn sẽ có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi...

Ngược lại, huyết áp cao, tim của bạn sẽ hoạt động nhiều hơn và lực tác động vào hai bên thành mạch lớn hơn. Cũng giống như khi bạn làm việc quá sức, tim và mạch máu bị tổn thương và suy yếu, từ đó gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim thậm chí tai biến mạch máu não.

Huyết áp là gì?
Huyết áp là gì?

2 Tăng huyết áp là gì?

Mức huyết áp bình thường là dưới 120/80 mmHg. [2] 

Có thể hiểu, tăng huyết áp là tình trạng áp lực máu tác động lên thành động mạch luôn duy trì ở mức cao. Làm thế nào để biết mình bị tăng huyết áp? Cách đơn giản nhất chính là đo huyết áp.

Có 2 chỉ số huyết áp, bao gồm: huyết áp tâm thu (HATT) và huyết áp tâm trương (HATTr).

  • Huyết áp tâm thu hay huyết áp tối đa, là áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp. Giới hạn bình thường của huyết áp tâm thu là từ 100 – 120 mmHg.
  • Huyết áp tâm trương hay huyết áp tối thiểu, là áp lực của máu lên động mạch khi tim giãn ra. Giới hạn bình thường của huyết áp tâm trương là từ  60 – 80 mmHg.

Thông thường, bệnh nhân bị chẩn đoán tăng huyết áp khi HATT ≥ 140 mmHg hoặc HATTr ≥ 90 mmHg. Kết quả được đo ở 2 lần khám, mỗi lần khám được đo ít nhất hai lần, bệnh nhân được nghỉ ngơi trước khi đo 5 phút.

Ước tính có khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành từ 30-79 tuổi trên toàn thế giới bị tăng huyết áp, hầu hết (2/3) sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. [3] 

3 Phân loại tăng huyết áp

Dựa theo chỉ số HATT và HATTr, có thể phân loại tăng huyết áp theo mức độ: bình thường cao, Tăng huyêt áp độ I (nhẹ), độ II (trung bình), độ III (nặng). Hãy tham khảo bảng dưới đây để biết tình trạng tăng huyết áp của bạn.

(theo phân loại WHO/ISH 1999, 2005 và JNC VI, VII, Khuyến cáo của Hội tim mạch Việt Nam 2007)

Phân loại tăng huyết áp
Phân loại tăng huyết áp

4 Triệu chứng và biến chứng

Bệnh tăng huyết áp vẫn được gọi với cái tên là “kẻ giết người thầm lặng”, bởi lẽ bệnh không biểu hiện bất kì triệu chứng gì nghiêm trọng, có thể bạn chỉ gặp triệu chứng thoáng qua như khó thở, đau đầu. Chính vì những dấu hiệu không rõ ràng mà bệnh thường chỉ phát hiện ra  cho đến khi đi khám hoặc xảy ra các biến chứng nguy hiểm. 

Khi bị tăng huyết áp, hằng ngày, tim sẽ hoạt động nhiều hơn, lực tác động vào thành mạch máu lớn hơn. Sự kéo dài của tình trạng này dẫn đến suy yếu và tổn thương mạch máu, từ đó gây ra những biến chứng nguy hiểm như: suy tim, đau tim, đột quỵ, phình động mạch, xuất huyết, biến chứng não… cướp đi tính mạng chỉ trong chớp mắt.

Đau tim hoặc đột quỵ: Huyết áp cao có thể gây xơ cứng và dày các động mạch có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ hoặc các biến chứng khác.

Chứng phình động mạch: Huyết áp tăng có thể khiến các mạch máu yếu đi và phình ra, hình thành chứng phình động mạch có thể đe dọa tính mạng.

Suy tim: Khi bị tăng huyết áp thì tim phải làm việc nhiều hơn, do đó làm cho các thành của buồng bơm của tim dày lên. Cuối cùng, cơ dày có thể khó bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, dần dần có thể dẫn đến suy tim.

Suy yếu và thu hẹp các mạch máu trong thận cũng có thể xảy ra do hậu quả của tăng huyết áp.

Các mạch máu dày, hẹp hoặc rách trong mắt, có nguy cơ dẫn đến mất thị lực.

Hội chứng chuyển hóa ở người bệnh tăng huyết áp khiến họ dễ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ.

Huyết áp cao không được kiểm soát cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, ghi nhớ và học hỏi sa sút trí tuệ. Các động mạch bị thu hẹp hoặc bị chặn có thể hạn chế lưu lượng máu đến não, dẫn đến chứng mất trí nhớ.

5 Nguyên nhân tăng huyết áp

Bệnh nhân bị tăng huyết áp có thể do hệ quả của bệnh hoặc yếu tố nào đó gây ra, có thể là: các bệnh lý về thận như sỏi thận, sỏi niệu quản, viêm cầu thận, hẹp động mạch thận…hay các bệnh lý về nội tiết như đái tháo đường, u vỏ thượng thận, cường tuyến giáp; cường tuyến yên… dẫn đến làm tăng thể tích tuần hoàn, tạo gánh nặng lên tim mạch.

5.1 Tăng huyết áp nguyên phát 

Loại tăng huyết áp này không có nguyên nhân và tiến triển theo thời gian. 

5.2 Tăng huyết áp thứ phát

Nguyên nhân do bệnh lý dẫn đến tăng huyết áp. Một số nguyên nhân có thể kể đến như:

  • Khó thở khi ngủ.
  • Bệnh thận.
  • Khối u tuyến thượng thận.
  • Các vấn đề về tuyến giáp.
  • Uống thuốc tránh thai, thuốc cảm, thuốc thông mũi, thuốc giảm đau không kê đơn và một số loại thuốc theo toa.
  • Dùng ma túy , chẳng hạn như cocaine và amphetamine. [4] 

5.3 Các yếu tố rủi ro

5.3.1 Tuổi tác

Tình trạng tăng huyết áp ở người cao tuổi có thể lý giải là hệ quả của sự suy yếu chức năng của mạch máu. Khi tuổi càng lớn, sự đàn hồi của mạch máu giảm, do vậy tim cần co bóp với lực mạnh hơn để đẩy máu di chuyển khắp cơ thể. Điều này đồng nghĩa với áp lực tác động lên thành mạch cao hơn hay chính là bạn bị tăng huyết áp. Tình trạng kéo dài không được điều trị, áp suất tim tạo ra ngày một tăng, tim làm việc quá sức có thể dẫn đến hệ lụy suy tim.

Tuổi càng cao nguy cơ bị tăng huyết áp càng cao
Tuổi càng cao nguy cơ bị tăng huyết áp càng cao

Do vậy, huyết áp là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng với người cao tuổi, nên việc theo dõi huyết áp thường xuyên là cần thiết.

5.3.2 Thừa cân, béo phì

Thừa cân béo phì là tình trạng nhiều chất béo trong cơ thể hơn mức khỏe mạnh tối ưu. Sự xuất hiện nhiều chất béo hơn mức dẫn đến bệnh lý mỡ trong máu. Các phân tử mỡ lắng đọng vào thành mạch tạo mảng xơ vữa, gây hẹp lòng mạch, cản trở dòng máu lưu thông.

Chính vì vậy, tim sẽ co bóp mạnh để đảm bảo cho máu đi khắp cơ thể. Biểu hiện trước mắt có thể nhìn nhận được là hiện tượng tăng huyết áp, tuy nhiên đó không phải vấn đề nghiêm trọng nhất đối với người thừa cân, béo phì. Khi mảng xơ vữa vỡ ra, tạo thành các cục máu đông lấp kín thành mạch. Chúng gần như đóng vai trò chủ đạo trong các biến cố tim mạch: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, tắc mạch chi…cướp đi tính mạng chỉ trong chớp mắt.

Thừa cân béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh?
Thừa cân béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh?

5.3.3 Lười vận động

Thức ăn được nạp vào cơ thể, nếu bạn vận động thì nguồn thức ăn đó sẽ được chuyển hóa thành calo, cung cấp năng lượng cho các hoạt động thể chất. Ngược lại, nếu bạn lười vận động, nguồn dinh dưỡng này sẽ không được đốt cháy và chuyển hóa, ngày càng tích tụ nhiều hơn. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tăng cân. Hơn thế, lười vận động sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất, gây ra sự rối loạn về chuyển hóa trong cơ thể như rối loạn chuyển hóa mỡ, gan nhiêm mỡ, giảm tính nhạy cảm của Insulin – hooc – môn cân bằng đường huyết trong máu… dễ dẫn đến các bệnh mạn tính nguy hiểm.

Sự tuần hoàn máu cũng phụ thuộc vào hoạt động thể chất. Khi bạn vận động ít, tuần hoàn máu chậm. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia y tế, những người thiếu hoạt động thường hay bị căng thẳng. Lí do trong quá trình vận động, cơ thể sẽ tiết ra nhiều endorphins - hormone có khả năng tạo cảm giác hưng phấn, điều hòa căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Do vậy, lười vận động sẽ dẫn đến sự căng thẳng của cả cơ thể và tinh thần, quá trình tuần hoàn máu ứ trệ. Điều này khiến huyết áp tăng cao gây ra nguy cơ đột quỵ.

Bạn nên vận động tối thiểu 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần. Các tổ chức tim mạch trên thế giới khuyến nghị để có một trái tim khỏe mạnh, bạn nên đi 10.000 bước mỗi ngày.

5.3.4 Chế độ ăn giàu chất béo

Đó là chế độ ăn giàu những thức ăn chiên, thức ăn nhiều dầu mỡ. Chất béo giúp cơ thể hấp thu những vitamin quan trọng như Vitamin A, D, E,… do vậy bạn cần ăn một lượng nhỏ chất béo để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, nếu chúng ta ăn quá nhiều thì sẽ có vấn đề phát sinh. Chất béo dư thừa lắng đọng vào thành mạch tạo mảng xơ vữa, gây hẹp lòng mạch, cản trở dòng máu lưu thông. Đồng thời gây rối loạn chuyển hóa mỡ, đường, protein. Do vậy làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, mỡ máu, tiểu đường và các bệnh mạn tính khác.

Chế độ ăn giàu chất béo
Chế độ ăn giàu chất béo

5.3.5 Chế đô ăn nhiều muối

Nếu bạn không muốn bị tăng huyết áp thì bạn cần có chế độ ăn nhạt, bạn không nên ăn quá 1 muỗng cà phê muối một ngày. Lượng muối này từ tính từ tất cả mọi nguồn: muối nên thức ăn, nước chấm, đồ uống... Và hãy thận trọng với đồ ăn nhanh và viên sủi, do chứa một lượng lớn muối Natri.

Áp suất thẩm thấu trong lòng mạch được cân bằng bởi nồng độ chất tan. Vì thế khi ăn nhiều muối sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, khiến nước được huy động vào lòng mạch, cơ thể phản ứng lại bằng cảm giác khát nước để cung cấp nước cho tế bào, làm cho người ăn mặn phải uống nhiều nước, việc này làm tăng thể tích tuần hoàn, lâu ngày sẽ làm Tăng Huyết Áp. Không những vậy còn tăng gánh nặng cho tim và có nguy cơ suy tim. Và đây là một trong những nguyên nhân gây lên những bệnh về tim mạch đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

5.3.6 Sử dụng các chất kích thích

Lạm dụng rượu, bia, thuốc lá chính là đang hủy hoại sức khỏe? Viêc sử dụng những chất kích thich như hút thuốc lá, uống rượu bia gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch.

Thuốc lá có chứa nicotine, là một chất kích thích thần kinh, tạo ra những cơn co mạch dẫn đến làm tăng sức cản mạch máu. Do vậy, hút thuốc lá có thể làm tăng huyết áp tâm thu lớn hơn 4 mm Hg. Không chỉ vậy, hút thuốc lâu dài cũng gây tổn hại cho mạch máu, làm mạch máu suy yếu, dễ xơ vữa.

Thói quen hút thuốc kéo dài này làm tăng nguy cơ của các bệnh tim mạch như tăng huyết áp và các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim…

Lạm dụng rượu bia gây ảnh hưởng tiêu cực lên tim mạch. Rượu bia gây giãn mạch máu nhất là các vi mạch dưới da nhưng lại làm co mạch nội tạng, do vậy gây tăng sức cản ngoại vi. Để đẩy máu đi tới khắp các cơ quan, tim cần co lại mạnh hơn để tạo ra áp lực đủ lớn đưa máu đi và giãn ra đủ để máu về tim. Hậu quả là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương đều tăng.

Thực tế, khi lạm dụng rượu bia sẽ gây ảnh hưởng đa cơ quan như đau dạ dày, tổn thương gan, làm tăng các loại mỡ xấu…Thuốc men sẽ không có tác dụng nếu như bạn chưa cai rượu!

5.3.7 Căng thẳng (Stress)

Trong cuộc sống bộn bề hằng ngày, bất cứ ai cũng phải đối mặt với những khó khăn, từ đó xuất hiện những căng thẳng và suy nghĩ tiêu cực. Cảm xúc tiêu cực này không được giải quyết, lặp đi lặp lại sẽ làm bạn bị stress. Khi bị stress, cơ thể tiết ra các hooc môn để giải phóng năng lượng của cơ thể, để cơ thể thoát khỏi tình trạng bị ức chế. Các hooc - môn bao gồm: catecholamine (Adrenaline, Noradrenalin) hoặc Glucocorticoid (cortisol). Các hóc môn này chính là thủ phạm chính gây gia tăng huyết áp đột ngột, thông qua việc gia tăng lưu lượng tuần hoàn, cũng như gây co thắt mạch máu.

Do vậy, stress gây ảnh hưởng xấu tới thần kinh, tim mạch, dạ dày.

6 Cách phòng bệnh huyết áp

Nguyên nhân của việc tăng huyết áp, phần lớn chính là do lối sống không lành mạnh. Bước đầu tiên và quan trọng nhất trong điều trị bệnh huyết áp chính là thay đổi lối sống. Thực hiện lối sống lành mạnh là phương pháp kiểm soát tốt huyết áp, từ đó bệnh nhân có thể không cần phụ thuộc hoặc giảm liều dùng thuốc.

Chạy bộ - hỗ trợ hiệu quả cho bệnh nhân tăng huyết áp
Chạy bộ - hỗ trợ hiệu quả cho bệnh nhân tăng huyết áp

6.1 Thể dục thể thao

Như số trước, chúng ta đã cũng nhau nói về tác hại của việc lười vận động – một trong những yếu tố nguy cơ gây thừa cân, béo phì, tăng huyết áp. Rõ ràng có sự kết nối giữa cao huyết áp cao và thói quen thể dục.

Hoạt động thể chất thường xuyên làm cho trái tim của bạn trở nên khỏe mạnh hơn, có thể bơm máu nhiều hơn với ít nỗ lực hơn. Nếu tim bạn có thể hoạt động ít hơn để bơm máu, lực tác động lên động mạch của bạn sẽ giảm, làm giảm huyết áp. Các chuyên gia đã chỉ ra răng, vận động tích cực có thể giảm chỉ số huyết áp tâm thu trung bình từ 4 đến 9 mm Hg. Điều đó hiệu quả như một loại thuốc điều trị huyết áp.

Vậy hoạt động như thế nào là đúng và đủ?

Bạn không cần phải dành hàng giờ trong phòng tập thể dục mỗi ngày để mong muốn cải thiện chỉ số huyết áp của mình. Một cách đơn giản bạn chỉ cần thực hiện các hoạt động thể chất một cách vừa phải. Các hoạt động mang lại hiệu ứng tích cực cho huyết áp như sau:

  • Chạy bộ.
  • Đạp xe.
  • Đi dạo.
  • Bơi lội.
  • Leo cầu thang.
  • Khiêu vũ.
  • Các môn thể thao tích cực, như tennis, bóng rổ.

Bạn nên có ít nhất 150 phút hoạt động thể chất vừa phải hoặc 75 phút hoạt động thể chất mạnh mỗi tuần, hoặc kết hợp giữa hai hoạt động này. Hãy đặt mục tiêu hoạt động ít nhất 30 phút mỗi ngày để duy trì sức khỏe tim mạch và có một cuộc sống vui khỏe.

6.2 Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh

Các cộng đồng khoa học và y tế bắt đầu hiểu được mối quan hệ quan trọng giữa thực phẩm và sức khỏe. Thực phẩm chúng ta tiêu thu hàng ngày chính là nguồn dinh dưỡng nhưng cũng chính là yếu tố nguy cơ khởi nguồn cho một bệnh lý. Minh họa như nếu bạn có một chế độ ăn thiếu chất xơ, bạn gặp phải vấn đề liên quan đến đại tràng như táo bón, tiêu chảy. Nếu bạn có một chế độ ăn cay nóng thì vô tình bạn đang làm hại dạ dày.

Do vậy, bạn cần biết rằng: Chế độ ăn uống tạo nên sự khỏe mạnh và chính việc thay đổi chế độ ăn uống khoa học có thể làm giảm huyết áp hiệu quả như uống thuốc.

Người cao huyết áp nên ăn nhạt
Người cao huyết áp nên ăn nhạt

Lời khuyên về dinh dưỡng:

- Chế độ ăn giàu ngũ cốc, rau củ quả, sữa ít béo, đồng thời hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa, cholesterol và đồ ngọt có thể làm giảm huyết áp của bạn tới 11 mm Hg.

- Chế độ ăn nhạt, hạn chế muối Natri. Để giảm natri trong chế độ ăn uống của bạn, hãy thử những gợi ý sau:

  • Sử dụng nhật ký thực phẩm để theo dõi muối trong thực phẩm bạn ăn.
  • Đặt mục tiêu ít hơn 2.300 miligam (khoảng 1 muỗng cà phê muối) mỗi ngày.
  • Đọc nhãn thành phần dinh dưỡng trên mỗi gói thực phẩm.
  • Chọn thực phẩm có 5% hoặc ít hơn giá trị hàng ngày của natri.
  • Tránh các thực phẩm có giá trị natri hàng ngày từ 20% trở lên.

- Tránh thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến, thịt ăn trưa và thức ăn nhanh.

- Kali, magiê và chất xơ có thể giúp kiểm soát huyết áp. Trái cây và rau quả có nhiều kali, magiê và chất xơ, và chúng có hàm lượng natri thấp. Để tăng tiêu thụ lượng kali, magiê và chất xơ tự nhiên, bạn có thể tham khảo các loại rau củ quả sau:

  • Táo, mơ, chuối, nho, xoài, cam, đào dứa, dâu tây, quýt, cà chua.
  • Bí đao, Bông cải xanh, Rau cải xoăn, Ray bina, các loại đậu, khoai lang, khoai tây, cà rốt

- Cá ngừ.

- Sữa chua (không béo).

6.3 Hạn chế tiêu thụ rượu bia

Thành phần chính trong rượu bia là Ethanol – chất khiến bạn say. Nó được sản xuất bởi các loại men tiêu hóa đường trong một số loại thực phẩm giàu carbohydrat, chẳng hạn như nho - được sử dụng để làm rượu vang hoặc ngũ cốc - được sử dụng để làm bia.

Rượu là một trong những chất tâm thần phổ biến nhất trên thế giới. Nó có thể có tác động mạnh mẽ đến tâm trạng và trạng thái tinh thần của bạn. Bằng cách giảm ý thức và sự nhút nhát, rượu có thể khuyến khích mọi người hành động mà không bị ức chế. Đồng thời, nó làm suy yếu khả năng phán đoán và thúc đẩy hành vi. Nếu uống một lượng nhỏ trước bữa ăn, rượu giúp các cơ quan tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, hay còn gọi là ‘rượu khai vị’.

Hạn chế tiêu thụ rượu bia
Hạn chế tiêu thụ rượu bia

Tuy nhiên, con người thường có xu hướng lạm dụng rượu bia. Lạm dụng rượu bia gây ảnh hưởng tiêu cực lên tim mạch. Hơn thế nữa, lạm dụng rượu bia sẽ gây ảnh hưởng đa cơ quan như đau dạ dày, tổn thương gan, làm tăng các loại mỡ xấu…Thuốc men sẽ không có tác dụng nếu như bạn chưa cai rượu.

Do vậy, nếu bạn muốn kiểm soát ổn định chỉ số huyết áp của mình, bạn cần hạn chế tiêu thụ rượu bia.   

6.4 Hãy từ bỏ thuốc lá

Thuốc lá chứa nhiều chất độc hại, đặc biệt là nicotine, một chất kích thích thần kinh, tạo ra những cơn co mạch dẫn đến làm tăng sức cản mạch máu. Mỗi điếu thuốc bạn hút sẽ làm tăng huyết áp trong nhiều phút sau khi bạn kết thúc. Ngừng hút thuốc giúp huyết áp của bạn trở lại bình thường. Hơn thế, thói quen hút thuốc kéo còn làm tăng nguy cơ của các bệnh tim mạch như tăng huyết áp và các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim…

Các nghiên cứu chỉ ra, việc không sử dụng thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn. Do vậy, ngay từ bây giờ hãy từ bỏ thuốc lá để có một cuộc sống lâu bền, khỏe mạnh.

Hãy từ bỏ thuốc lá
Hãy từ bỏ thuốc lá

6.5 Sống tích cực, giảm căng thẳng

Căng thẳng kéo dài có thể góp phần vào huyết áp cao, bên cạnh đó có thể gây ra các bệnh lý đau dạ dày, trầm cảm...Nếu bạn đang stress, hãy dành thời gian để suy nghĩ về những gì khiến bạn cảm thấy căng thẳng, chẳng hạn như công việc, gia đình, tài chính hoặc bệnh tật. Một khi bạn biết những gì gây ra căng thẳng của bạn, hãy xem xét làm thế nào bạn có thể loại bỏ hoặc giảm căng thẳng.

Nếu bạn không thể loại bỏ tất cả các yếu tố gây căng thẳng, ít nhất bạn có thể đối phó với chúng theo cách lành mạnh hơn. Cố gắng:

Thay đổi sự mong đợi của bạn. Ví dụ, lập kế hoạch cho ngày của bạn và tập trung vào các ưu tiên của bạn. Tránh cố gắng làm quá nhiều và học cách nói không. Hiểu có một số điều bạn không thể thay đổi hoặc kiểm soát, nhưng bạn có thể tập trung vào cách bạn phản ứng với chúng.

Tập trung vào các vấn đề bạn có thể kiểm soát và lập kế hoạch để giải quyết chúng. Nếu bạn đang gặp vấn đề trong công việc, hãy thử nói chuyện với người quản lý của bạn. Nếu bạn đang có mâu thuẫn với con hoặc vợ / chồng, hãy thực hiện các bước để giải quyết.

Tránh các tác nhân gây căng thẳng như tắc đường, những người bạn không thích, không đến những nơi gợi lại những việc buồn bã...

Dành thời gian để thư giãn và làm các hoạt động bạn thích. Dành thời gian mỗi ngày để ngồi im lặng và thở sâu. Dành thời gian cho các hoạt động hoặc sở thích thú vị trong lịch trình của bạn, chẳng hạn như đi dạo, nấu ăn hoặc tình nguyện.

6.6 Theo dõi huyết áp thường xuyên

Theo dõi huyết áp tại nhà giúp bạn đảm bảo rằng việc thực hiện lối sống lành mạnh đang có tác động tích cực lên huyết áp, đồng thời cảnh báo, phát hiện biến chứng sức khỏe tiềm ẩn. Ngày nay, máy đo huyết áp phân bố rộng rãi và cải tiến bằng các thiết bị điện tử giúp bạn dễ dàng sử dụng và kiểm tra huyết áp hàng ngày mà không cần có mặt của cán bộ y tế.

Theo dõi huyết áp tại nhà
Nhãn

Đồng thời, thăm khám thường xuyên giúp kiểm soát huyết áp và thay đổi điều trị. Nếu huyết áp của bạn được kiểm soát tốt, bác sĩ của bạn có thể đề nghị thay đổi về thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác, từ đó giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống. Ngược lại, tình trạng huyết áp của bạn tiến triển, bác sĩ sẽ có những can thiệp kịp thời, giúp bạn tránh khỏi những biến chứng và tai biến nguy hiểm.

7 Điều trị tăng huyết áp bằng thuốc

Đích huyết áp khi dùng thuốc là do bác sĩ quyết định. Thông thường thì nên dưới 140/90 mmHg. Nếu bệnh nhân đã có biến chứng liên quan đến tim mạch, đái tháo đường hoặc suy thận thì huyết áp mục tiêu cần hạ dưới 130/80 mmHg.

Có 5 nhóm thuốc được khuyên ưu tiên lựa chọn: [5] 

Liều dùng thuốc được điều chỉnh để đạt được đích huyết áp mong muốn.

Bệnh nhân uống thuốc đúng, đủ liều và đủ thời gian đồng thời theo dõi để phát hiện biến chứng bệnh cũng như tác dụng không mong muốn của thuốc .

Bác sĩ điều trị tăng liều tối ưu hoặc thêm thuốc nếu 1 thành phần không kiểm soát được huyết áp.

Tài liệu tham khảo

  1. ^  CDC (Ngày đăng 18 tháng 5 năm 2021). High Blood Pressure Symptoms and Causes, CDC. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021
  2. ^  CDC (Ngày đăng 18 tháng 5 năm 2021). High Blood Pressure Symptoms and Causes, CDC. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021
  3. ^  WHO (Ngày đăng 25 tháng 8 năm 2021). Hypertension, WHO. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021
  4. ^  Mayo Clinic (Ngày đăng 01 tháng 7 năm 2021). High blood pressure (hypertension), Mayo Clinic. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021
  5. ^  NCBI (Ngày đăng 23 tháng 5 năm 2019). What medications are used to treat high blood pressure?, NCBI. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    cho tôi hỏi tôi muốn mua thuốc Telmisartan thì làm thế nào?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Bệnh tăng huyết áp: nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Bệnh tăng huyết áp: nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh
    LP
    Điểm đánh giá: 5/5

    nhà thuốc an huy uy tín, thuốc chất lượng, giá cả hợp lý, tôi sẽ tiếp tục đến đây mua thuốc

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900.888.633