Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí tình trạng khó thở
Trungtamthuoc.com - Phần lớn các cơn khó thở thường gặp là biểu hiện của bệnh hen phế quản đợt cấp hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với bieery hiện khó thở ra, có tiếng ran rít và ran ngáy. Việc nhận định đúng nguyên nhân và xử lý sớm giúp bệnh nhân nhanh khỏe và giảm nguy cơ đối mặt với nguy hiểm tiềm ẩn gây nên.
1 Khó thở là như thế nào?
Khó thở là một triệu chứng rất phổ biến trong các bệnh lý đường hô hấp. Một số bệnh khác ngoài cơ quan hô hấp cũng có triệu chứng là khó thở. Bệnh nhân sẽ có cảm giác hít thở không thông, hít vào thở ra rất nặng nề và phải gắng sức.
Khó thở có thể tồn tại dưới dạng cấp tính hoặc mạn tính. Những cơn khó thở cấp và nặng có thể là triệu chứng của một số bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Bởi vậy, bác sĩ cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng khó thở để đưa ra hướng điều trị phù hợp, mang lại hiệu quả cao, giảm thiểu biến chứng và nguy cơ tử vong cho người bệnh.
2 Chẩn đoán bệnh
2.1 Khám lâm sàng
2.1.1 Hỏi bệnh
Bác sĩ cần yêu cầu bệnh nhân trả lời các vấn đề sau để đưa ra phán đoán ban đầu về tình trạng sức khỏe và bệnh lý mà bệnh nhân mắc phải:
Tiền sử của bản thân: hút thuốc lá, mắc bệnh lý hô hấp mạn tính, tim mạch, dị ứng,..
Cơn khó thở xuất hiện đột ngột hay từ từ, liên tục hay nhịp nhàng ngày đêm, theo mùa?
Khó thở xuất hiện vào lúc nghỉ ngơi hay đang gắng sức và mức độ khó thở khi đó như thế nào?
Cơn khó thở cấp tính hay mạn tính, có tái phát nhiều lần không?
Khi thay đổi tư thế như nằm, đứng, ngồi mức độ khó thở có thay đổi không?
Tình trạng khó thở có biến đổi theo môi trường, thời tiết, khí hậu không?
Yếu tố nào làm cơn khó thở của bạn nặng lên không. Ví dụ như: hút thuốc, dị ứng phấn hóa, bụi khói,... Hoặc làm giảm khó thở như: thay đổi tư thế, dùng thuốc,...
Cơn khó thở có kèm theo các triệu chứng khác như đau ngực, ho, khạc đờm, sốt, mệt mỏi, rối loạn ý thưc,... hay không?
2.1.2 Quan sát và thăm khám
Bác sĩ cần chú ý quan sát thể trạng, kiểu thở và tư thế của người bệnh để dự đoán nguyên nhân.
Thăm khám lồng ngực có biến dạng hay không?
- Lồng ngực hình thùng trong trường hợp khí phế thũng, bệnh COPD, hen phế quản.
- Lồng ngực không cân đối, bị lép và khoang liên sườn hẹp do xẹp phổi hoặc vồng lên ở 1 bên, khoang liên sườn giãn rộng do tràn dịch hoặc tràn khí màng phổi.
- Biến dạng lồng ngực trong trường hợp gù vẹo cột sống hoặc lồng ngực hình ngực gà.
Đếm tần số thở của người bệnh: Bình thường là 16-20 lần/phút. Trên 20 lần/phút là có khó thở nhanh, dưới 16 lần/phút là khó thở chậm.
2.2 Cận lâm sàng
Đo lưu lượng đỉnh, thăm dò chức năng thông khí phổi để chẩn đoán xác định rối loạn tắc nghẽn đường thở. Làm test hồi phục phế quản để phân biệt hen phế quản và COPD.
Đo độ bão hòa oxy máu mao mạch qua da (SpO2) để đánh giá mức độ suy hô hấp của bệnh nhân. Nếu SpO2 <90% phải hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân.
Khí máu động mạch: Giảm pH máu là một dấu hiệu khó thở nặng, tăng CO2 cấp là do đợt mất bù cấp hay thiếu oxy tổ chức.
X-quang phổi để định hướng chẩn đoán. Ở bệnh lý cấp tính, phim X-quang phổi có thể bình thường.
Xét nghiệm công thức máu: Khó thở có thể do thiếu máu nặng, suy hô hấp mạn có thể là hậu quả của bệnh đa hồng cầu, số lượng bạch cầu tăng nếu có nhiễm trùng,...
Điện tim để nhận biết các dấu hiệu của suy tim trái, suy tim mất bù, tâm phế mạn hoặc cấp.
Siêu âm tim nhằm đánh giá chức năng tâm thu thất trái, độ giãn buồng thất phải, độ dày của thành tim, cấu trúc các van tim,... có giá trị xác định nguyên nhân khó thở do bệnh lý tim mạch hay phổi.
Các xét nghiệm đặc hiệu khác sẽ được chỉ định tùy theo triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân.
2.3 Chẩn đoán mức độ khó thở
Theo NYHA, khó thở được chia thành 4 mức độ:
Độ 1: Khó thở không ảnh hưởng tới hoạt động thể lực.
Độ 2: Khó thở khi làm việc gắng sức nặng.
Độ 3: Khó thở ngay cả khi chỉ gắng sức nhẹ khiến người bệnh bị hạn chế nhiều hoạt động thể lực.
Độ 4: Khó thở khi gắng sức rất nhẹ, thậm chí là cả khi nghỉ ngơi.
2.4 Chẩn đoán nguyên nhân khó thở
2.4.1 Dựa vào kiểu xuất hiện tình trạng khó thở
Đột ngột do có dị vật đường thở, nhồi máu phổi hoặc tràn khí màng phổi,...
Triệu chứng khó thở hụt hơi có thể do phổi hoặc tim.
Thỉnh thoảng bị khó thở là bệnh gì? Có thể nghĩ đến suy phổi. Nếu tiến triển nhanh là do phù phổi cấp, cơn hen cấp, viêm phổi,...
Triệu chứng mệt mỏi, khó thở và chóng mặt có thể do các bệnh về tim mạch.
Khó thở tăng dần là do u phổi, tràn dịch màng phổi, suy tim trái,...
2.4.2 Dựa vào hoàn cảnh xuất hiện tình trạng khó thở
Bị khó thở khi nằm có thể là do phù phổi cấp, suy tim trái, hen phế quản,....
Khi đứng hoặc nằm một phía thường là do tắc nghẽn, tràn dịch màng phổi.
Khó thở kịch phát về đêm do hen hoặc phù phổi cấp.
Khó thở khi gắng sức là do suy tim tráu, hen gắng sức, COPD,...
Khó thở khi nghỉ ngơi thường là do nguyên nhân cơ năng.
Khó thở trong lúc ăn là do sặc hoặc dị vật lọt vào đường hô hấp.
2.4.3 Dựa vào các triệu chứng kết hợp
Khó thở kết hợp với đau ngực có thể là do nhồi máu phổi, suy thất trái kèm bệnh tim thiếu máu cục bộ, tràn khí màng phổi tự phát, viêm màng phổi,...
Khó thở kèm theo sốt phải hướng tới các nguyên nhân do nhiễm trùng như viêm phổi, tràn mủ màng phổi hay các bệnh phổi nhiễm trùng khác,...
Khó thở kèm rối loạn ý thức hoặc có các bệnh lý thần kinh khác có thể là bị viêm phổi do hít phải dị vật.
Khó thở và toàn trạng bị biến đổi có thể là ung thư hoặc lao. [1]
2.4.4 Triệu chứng khó thở COVID
Khó thở, sốt, ho khan.
Đau hoặc tức ngực.
Mất khả năng nói hoặc cử động. [2]
Phần lớn các cơn khó thở thường gặp là biểu hiện của bệnh hen phế quản đợt cấp hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với bieery hiện khó thở ra, có tiếng ran rít và ran ngáy.
3 Cách chữa khó thở
Khi gặp phải tình trạng khó thở, đặc biệt khó thở về đêm, bệnh nhân cần được đưa nhập viện và tiến hành ngay các biện pháp cấp cứu ban đầu khi mới vào viện.
Trong quá trình hồi sức cấp cứu cần phải đánh giá lâm sàng, dựa vào kết quả xét nghiệm để chấn đoán nguyên nhân, đánh giá tình trạng cụ thể và đưa ra biện pháp xử trí phù hợp.
Một số các xử trí tình trạng khó thở như sau:
3.1 Khai thông đường thở
Cần đánh giá và kiểm soát đường thở của người bệnh để lựa chọn kĩ thuật khai thông đường thở phù hợp với nguyên nhân và mức độ khó thở. Cụ thể:
Để bệnh nhân nằm ở tư thế đầu cao hoặc ngồi cổ ưỡn ra.
Đặt canuyn Mayo để chống thụt lưỡi.
Nếu có đờm dãi ứ đọng ở phế quản cần hút rửa.
Nếu bệnh nhân có nguy cơ bị sặc cần cho nằm nghiêng.
Nghi ngờ có dị vật đường thở thì cần dùng nghiệm pháp Heimlich.
Trường hợp khó thở nặng cần đặt nội khí quản.
3.2 Cho bệnh nhân thở oxy
Hầu hết các trường hợp khó thở bệnh nhân đều cần bổ sung ngay oxy để duy trì SpO2 ≥ 92%. Có nhiều cách tiến hành như:
Xong mũi với tốc độ 6 lít/phút.
Dùng mặt nạ với tốc độ 8 lít/phút.
Dùng mặt nạ có túi dự trữ với tốc độ 9 lít/phút.
Cần lưu ý với những bệnh nhân bị suy hô hấp mạn tính, bệnh COPD có tăng CO2 ở bệnh nhân chưa được thông khí nhân tạo chỉ cho thở oxy liều thấp với tốc độ 1-2lít/phút. Cần theo dõi SpO2, khí máu, và các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân trong quá trình đó.
3.3 Thông khí nhân tạo
Các cách thông khí nhân tạo:
Bóp bóng và thổi ngạt. Nếu chưa đặt nội khí quản cần chú ý ưỡn cổ người bệnh.
Thông khí nhân tạo bằng máy.
Thông khí nhân tạo không xâm nhập bằng mặt nạ.
Thông khí nhân tạo qua ống nội khí quản/mở khí quản.
Chú ý theo dõi SpO2 cho bệnh nhân thở máy.
3.4 Phát hiện và xử trí nguyên nhân hoặc yếu tố gây khó thở
Với bệnh nhận bị tràn khí màng phổi cần dẫn lưu hút khí màng phổi.
Bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, màng tim cần chọt hút dịch.
Bệnh nhân bị gãy xương sườn cần cố định lại xương.
Bệnh nhân bị dị vật lọt vào đường thở cần gắp bỏ dị vậy.
Bệnh nhân bị co thắt phế quản cầ dùng thuốc giãn phế quản.
Bệnh nhân bị phù phổi cấp làm tăng gánh nặng thể tích tuần hoàn cần dùng thuốc trợ tim, thuốc lợi tiểu,...
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 cần được khai báo y tế và theo dõi chặt chẽ.
Tài liệu tham khảo
- ^ Chuyên gia Mayo Clinic (Ngày đăng 13 tháng 6 năm 2020). Shortness of breath, Mayo Clinic. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2021
- ^ WHO, Coronavirus disease (COVID-19), WHO. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2021