1. Trang chủ
  2. Sản - Phụ Khoa
  3. Bố mẹ nên làm gì khi có con mang thai ở độ tuổi vị thành niên

Bố mẹ nên làm gì khi có con mang thai ở độ tuổi vị thành niên

Bố mẹ nên làm gì khi có con mang thai ở độ tuổi vị thành niên

Trungtamthuoc.com - Hiện nay, tình trạng mang thai ở trẻ vị thành niên có xu hướng ngày càng tăng. Mang thai và sinh con ở độ tuổi này có thể làm cản trở sự phát triển lành mạnh của các bé gái khi trưởng thành và có tác động tiêu cực đến giáo dục và sức khỏe. 

1 Bố mẹ nên làm gì khi con gái mình mang bầu trong độ tuổi vị thành niên

Thử nghĩ, một ngày nào đó, khi bạn phát hiện cô con gái bé bỏng đang trong độ tuổi vị thành niên của mình đang mang thai hay cô ấy vừa thông báo cho bạn "con có thai rồi", bạn nghĩ mình sẽ thế nào? Đầu bạn có lẽ đang quay cuồng với hàng triệu suy nghĩ và cảm xúc khác nhau. Bạn có thể tức giận, thất vọng và sợ hãi. Điều này là bình thường vì đây là một tình huống không mong muốn. 

Nhưng hãy nhớ rằng, có lẽ con gái của bạn cũng không muốn điều này xảy ra. Hãy nghĩ xem cô ấy phải sợ hãi đến thế nào! Mang thai là điều xa lạ với một đứa trẻ trong độ tuổi vị thành niên. Điều tốt nhất bạn có thể làm lúc này là bình tĩnh và động viên con gái chịu trách nhiệm về hành động của mình và đối mặt với hậu quả.  

[1] 

2 Tình trạng mang thai và phá thai ở trẻ tuổi vị thành niên

Hiện nay, tình trạng mang thai và phá thai ở trẻ tuổi vị thành niên đang ngày càng phổ biến và gây quan ngại trong xã hội. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và tương lai của các em, mà còn có tác động đến chất lượng dân số và xã hội.

Theo Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), hàng năm có khoảng 16 triệu trẻ em gái từ 15-19 tuổi ở các nước thuộc tầng lớp có thu nhập thấp và trung bình mang thai, trong đó 9 trong số 10 trẻ vị thành niên này đã kết hôn. Mang thai và sinh con ở tuổi này gây ra các biến chứng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong của phụ nữ trẻ từ 15-19 tuổi trong các nước này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến năm 2019, ước tính mỗi năm có khoảng 21 triệu thanh thiếu niên từ 15-19 tuổi ở các khu vực đang phát triển mang thai và khoảng 12 triệu trong số đó sinh con. Trong đó khoảng 50% số trẻ mang thai ngoài ý muốn và 55% trong số này lựa chọn kết thúc bằng việc phá thai [2].

Tình trạng mang thai và phá thai ở trẻ tuổi vị thành niên đang ngày càng phổ biến
ình trạng mang thai và phá thai ở trẻ tuổi vị thành niên đang ngày càng phổ biến

Theo báo cáo năm 2022 của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam được xếp vào nhóm 20 quốc gia có tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất trên toàn cầu. Theo thống kê từ Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), mỗi năm trung bình có từ 300.000 đến 400.000 trường hợp phá thai được báo cáo chính thức ở độ tuổi 15-19. Trong số này, khoảng 60-70% là học sinh hoặc sinh viên.

Mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam đã giảm trong 10 năm gần đây, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên và thanh niên có dấu hiệu tăng lên, chiếm hơn 20% tổng số trường hợp phá thai. Ví dụ, tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) trong năm 2022, có 708 trường hợp trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) đến xin bỏ thai ngoài ý muốn, trong đó có 223 trường hợp có tuổi thai là 16 - 22 tuần. Có 25 trường hợp phải nhập viện để thực hiện phá thai ngoại khoa. Theo thống kê của Khoa Sức khỏe Sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2023, đã ghi nhận tổng cộng 409 trường hợp nạo phá thai (trong đó có 58 trường hợp là trẻ vị thành niên), tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm 2022 (295 trường hợp). Đây là một con số đáng lo ngại về tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên.

Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân dẫn đến gia tăng tỷ lệ mang thai ở trẻ vị thành niên tại Việt Nam đến từ nạn tảo hôn, đặc biệt trẻ em thuộc các vùng dân tộc thiểu số. Theo thống kê năm 2022 của tổ chức UNICEF Việt Nam, có 16,4% số bé gái là nạn nhân của tảo hôn. Trong đó, tỷ lệ cao nhất ở 2 khu vực là Tây Nguyên (29,3%) và vùng núi phía Bắc (34,3%).

Cũng theo dữ liệu từ UNICEF, trong giai đoạn từ 2021 - 2022, tại Việt Nam, trung bình cứ 1000 trường hợp sinh con sẽ có 42 trẻ được sinh ra từ trẻ vị thành niên (từ 15-19 tuổi). Tỷ suất này ở nhóm dân tộc Kinh/Hoa là 28 trên 1.000 phụ nữ, trong khi tỷ suất ở nhóm dân tộc Mông là 210 trên 1.000 phụ nữ, cao gấp 7,5 lần so với nhóm Kinh/Hoa [3]

Tại nước ta, tỷ suất sinh con sớm có khác biệt rất lớn giữa các nhóm dân cư. Tỷ suất sinh con vị thành niên của phụ nữ 15-19 tuổi không đi học cao gấp gần 60 lần nhóm phụ nữ có trình độ từ cao đẳng hoặc đại học trở lên [4]

Sinh con sớm hoặc mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên có thể làm cản trở sự phát triển lành mạnh của các bé gái khi trưởng thành và có tác động tiêu cực đến giáo dục, sinh kế và sức khỏe. Nhiều bé gái đang mang thai bị áp lực hoặc buộc phải nghỉ học, điều này có thể ảnh hưởng đến triển vọng và cơ hội học tập và việc làm của các em. Mang thai và sinh con sớm cũng có thể gây ra những hậu quả xã hội đối với trẻ em gái, bao gồm giảm địa vị trong gia đình và cộng đồng, bị các thành viên trong gia đình, bạn bè và bạn đời kỳ thị, chối bỏ và bạo lực.

Các em gái vị thành niên, đặc biệt là những em ở độ tuổi đầu vị thành niên, đặc biệt dễ bị tổn thương trước những hậu quả về sức khỏe khi mang thai và sinh con vì cơ thể các em chưa sẵn sàng về mặt thể chất. Rò sản khoa, sản giật, viêm nội mạc tử cung sau sinh và nhiễm trùng toàn thân chỉ là một số tình trạng nghiêm trọng mà họ có thể phải đối mặt trong ngắn hạn và dài hạn. Trên toàn cầu, tình trạng của bà mẹ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tăng số năm sống được điều chỉnh theo mức độ bệnh tật (DALY) (thước đo gánh nặng bệnh tật tổng thể, được biểu thị bằng số năm bị mất đi do sức khỏe kém, khuyết tật hoặc chết sớm) và tử vong ở các bé gái trong độ tuổi 15-19 [5]

3 Nguyên nhân tình trạng mang thai ở vị tuổi thành niên gia tăng

Nguyên nhân tình trạng mang thai ở vị tuổi thành niên có thể bao gồm:

1. Thiếu kiến thức về giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản: Nhiều vị thành niên không được cung cấp đầy đủ thông tin về giáo dục giới tính, tình dục. Sự thiếu kiến thức này làm tăng khả năng xảy ra quan hệ tình dục không an toàn và mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam nằm trong nhóm những nước có tỷ lệ phá thai cao trên thế giới.

2. Thiếu sự hiểu biết về biện pháp tránh thai hay không biết cách sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả dẫn đến khả năng cao xảy ra mang thai ngoài ý muốn.

3. Gia đình và môi trường sống: Môi trường gia đình và xã hội có thể ảnh hưởng đến quyết định và hành động của vị thành niên. Một môi trường gia đình không ổn định, thiếu sự hỗ trợ, giám sát và chia sẻ có thể làm tăng nguy cơ mang thai ở tuổi trẻ.

4. Nghèo đói và thiếu cơ hội: Mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn liên quan sâu sắc đến nghèo đói, bất bình đẳng giới, bạo lực và tảo hôn. Điều này cũng phản ánh sự thiếu bảo vệ cho quyền của trẻ em gái vị thành niên.

Xuất phát từ những nguyên nhân đó, một số giải pháp hạn chế mang thai ở vị tuổi thành niên đã được đưa ra [6]:

Trong giai đoạn thanh thiếu niên, khi trẻ đang trải qua sự thay đổi về thể chất và tâm sinh lý, quan tâm và chăm sóc con cái trở nên vô cùng quan trọng. Để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho con trong độ tuổi này, cha mẹ cần dành thời gian để tạo ra môi trường tâm lý và trò chuyện với con, nhằm định hướng cho các em những quan điểm chính xác về tình cảm và mối quan hệ.

Giáo dục giới tính là rất quan trọng
Giáo dục giới tính là rất quan trọng

Giáo dục tình dục toàn diện: Cung cấp cho vị thành niên kiến thức và thông tin đầy đủ về sức khỏe sinh sản, quan hệ tình dục, biện pháp tránh thai và phòng chống bệnh tình dục. Giáo dục tình dục cần được thực hiện trong các trường học và cộng đồng. Giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản nên được tích hợp vào chương trình giảng dạy và đào tạo.

Hỗ trợ từ gia đình và xã hội: Điều này có thể bao gồm việc tăng cường vai trò của gia đình trong việc truyền đạt kiến thức về tình dục và giáo dục giới tính, cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho vị thành niên, và xây dựng môi trường xã hội không phê phán và không kỳ thị đối với tình dục và những quyết định cá nhân của vị thành niên.

Ngoài ra, các ngành chức năng cần có chính sách và chương trình giáo dục xã hội để tăng cường nhận thức và giảm thiểu nguy cơ mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên, đồng thời cũng cần xây dựng những chính sách, chương trình hỗ trợ cho những trẻ mang thai ở tuổi vị thành niên (hỗ trợ chăm sóc trẻ em, hỗ trợ chi phí, trường học dành cho thanh thiếu niên đang mang thai,... như Mỹ đang thực hiện)

4 Bố mẹ nên phản ứng như nào khi nghe tin con gái có thai trong độ tuổi vị thành niên? 

Hít thở sâu – mọi phản ứng và lời nói của bố mẹ lúc này sẽ quyết định sự việc tốt lên hay xấu đi, thậm chí có thể xảy ra những điều đáng tiếc cho con, có thể khiến bố mẹ ray rứt cả cuộc đời. 

Cố gắng đừng để cảm xúc lấn át và ra lệnh cho những gì bạn nói với con gái mình - xét cho cùng thì đây là một thời điểm tế nhị. 

Trong hoàn cảnh này, bố mẹ hoàn toàn có quyền sốc, thất vọng và tức giận nhưng không có quyền trút lên thêm bi kịch cho cuộc đời con gái của bạn. Điều này có thể có nghĩa là bố mẹ nên ngồi im lặng trong vài phút để bình tĩnh và tập trung suy nghĩ trước khi nói. 

Thử nghĩ xem, một ngày nào đó đứa con gái trong độ tuổi vị thành niên của mình thông báo: "Con có thai rồi", bạn sẽ làm gì
Thử nghĩ xem, một ngày nào đó đứa con gái trong độ tuổi vị thành niên của mình thông báo: "Con có thai rồi", bạn sẽ làm gì

Dưới đây là một số gợi ý cho các bậc cha mẹ của thanh thiếu niên:

  • Điều đầu tiên bạn phải làm là chấp nhận sự việc. Bạn sẽ không muốn tin vào những gì mình đang nghe, nhưng trước khi bạn có thể tiến về phía trước và hỗ trợ con gái mình, bạn phải đối mặt với tình huống này. 
  • Dù bạn có tức giận, hãy cố gắng đừng đổ lỗi hay trút thêm bi kịch lên cuộc đời con gái. Thay vào đó, hãy làm điều đó một cách bình tĩnh và cho con gái biết bạn đang cảm thấy như nào, tức giận, thất vọng hay buồn bã,...
  • Hãy lắng nghe con nói. Để con nói hết những gì muốn nói, khi nghe bạn sẽ có thêm thời gian lấy lại bình tĩnh. Có thể những lời bào chữa, lý do hoặc kế hoạch của cô ấy nghe có vẻ không thực tế đối với bạn, nhưng hãy lắng nghe và cố gắng hiểu mục đích của con. Và đó là điều quan trọng, hãy đảm bảo sự thấu hiểu giữa bố mẹ và con gái, đặc biệt là trong tình huống căng thẳng này.
  • Nói chuyện với vợ/chồng để cùng nhau giải quyết vấn đề
  • Hướng dẫn con gái chịu trách nhiệm về hành động của mình. 
  • Cho con đi khám để xác nhận có thai, xác định tuổi thai
  • Cùng bác sĩ thảo luận những giải pháp (vì điều này tùy thuộc tuổi thai, tình trạng sức khỏe và độ tuổi của bà mẹ, luật pháp hiện hành…). Trong trường hợp chấm dứt thai kỳ, hãy đưa con đến bệnh viện hay cơ sở y tế có đủ phương tiện và điều kiện để đảm bảo an toàn cho con.
  • Hãy nói chuyện với cha của đứa trẻ trong bụng và thảo luận về tương lai của con gái và đứa bé. 
  • Hãy giúp con đưa ra quyết định, bởi quyết định này sẽ có ảnh hưởng không chỉ đến vật chất và tinh thần cô ấy, mà có thể ảnh hưởng đến cả tương lai, sự nghiệp và cuộc sống sau này. 

5 Nói chuyện với bố của đứa bé trong bụng

Bố mẹ thường nghĩ rằng phần lớn là do lỗi của bạn nam, nhưng trong nhiều trường hợp, việc dẫn đến có thai trong độ tuổi vị thành niên là do sự đồng thuận của cả hai. Khi nói chuyện với bố đứa bé, bố mẹ nên: 

Lắng nghe: Hãy lắng nghe những gì bạn trai và con gái bạn nói về tình huống này. Hãy để họ chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình trước khi bạn đưa ra ý kiến của mình. Điều này giúp bạn hiểu rõ hơn về quan điểm và quan tâm của họ.

Trò chuyện một cách trung thực: trao đổi một cách trung thực với bạn trai về những suy nghĩ, lo ngại và mong muốn của bạn. Tất nhiên, với tư cách là bố mẹ, bạn sẽ muốn bạn nam chịu trách nhiệm với con gái và đứa bé trong bụng nhưng cần đảm bảo xem con gái bạn cảm thấy thế nào. Hãy hỏi xem bạn nam có việc làm không? có muốn có con không? có yêu con gái bạn không/ liệu anh ta có thể tưởng tượng được việc cưới cô ấy vào một ngày nào đó không?...

Thảo luận về trách nhiệm: Đề cập đến trách nhiệm của bạn trai là một bước quan trọng. Hãy nói với anh ta về vai trò của một người cha, về việc chu cấp cho đứa bé và hỗ trợ con gái bạn trong suốt quá trình mang thai và chăm sóc con.

Tìm hiểu về ý kiến và tình hình của bạn trai: Hỏi bạn trai về quan điểm của anh ấy về việc có con, ý định làm gì và ý kiến của gia đình của anh ta. Điều này giúp bạn hiểu rõ hơn về suy nghĩ và quyết định của anh ấy.

Quan trọng nhất, hãy tôn trọng quyền tự quyết của cả hai người. Hãy tìm cách giải quyết tình huống một cách hài hòa và hỗ trợ nhau trong quá trình này.

6 Cùng thảo luận với con để đưa ra quyết định 

Cuối cùng, quyết định về tương lai của đứa trẻ trong bụng là một quyết định đầy khó khăn. Bố mẹ muốn biết con gái cảm thấy thế nào khi trở thành một bà mẹ tuổi teen? Có suy nghĩ về việc nuôi con hay phá thai? Hãy thảo luận với con và hãy lắng nghe cô ấy chia sẻ, đồng thời bố mẹ cũng có thể chia sẻ quan điểm và lý do của mình. Trong quá trình này, bố mẹ có thể giúp con gái nhìn thấy những khía cạnh mà cô ấy chưa từng nghĩ đến. Và dù lựa chọn cuối cùng của con là gì, hãy đưa cô ấy đến bác sĩ để xác nhận sự tồn tại, tuổi và sức khỏe của thai nhi. 

6.1 Nếu quyết định giữ lại đứa bé

Rất nhiều bà mẹ tuổi vị thành niên đã chọn giữ lại con và đảm nhận vai trò làm mẹ. Một số trong số đó có thể quyết định kết hôn với cha của đứa bé và cùng nhau chăm sóc và nuôi dạy con khôn lớn. Những đứa trẻ khác có thể tìm sự giúp đỡ, hỗ trợ của gia đình để nuôi con. 

Trong trường hợp, con gái của bạn quyết định giữ lại đứa bé, hãy chắc chắn rằng cô bé hiểu được những thách thức và những trách nhiệm mà cô ấy sẽ phải đối mặt. Đồng thời, con bạn cần được biết về:

- Cần làm gì khi mang thai – cần chuẩn bị gì cho việc sinh con

- Những kỹ năng và kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ sơ sinh

- Dinh dưỡng cần thiết trong thai kỳ và giai đoạn cho con bú

- Sinh thường như thế nào? Mổ lấy thai là gì?

-  Các dấu hiệu bất thường có thể xảy ra trong thai kỳ

-  Tìm hiểu về các cơ sở khám thai uy tín giúp theo dõi thai kỳ, để trẻ sinh ra được an toàn và khỏe mạnh.

- Các chính sách xã hội về bảo hiểm, chi phí y tế…

- Mang thai ở tuổi vị thành niên, có thể phải đối mặt với việc kết thúc học tập trường và tìm kiếm một công việc tốt trong tương lai là tương đối khó khăn. Hãy cho con biết những thứ được - mất trong chuyện học hành và tương lai sau này. 

6.2 Nếu quyết định chấm dứt thai kỳ

Nếu con gái của bạn đang xem xét việc phá thai, hãy thảo luận với cô ấy về những nguy cơ và hậu quả liên quan. Hãy đưa con đến cơ sở y tế uy tín để cùng với bác sĩ tìm hiểu và thảo luận về các phương pháp, tính an toàn và những yếu tố cần xem xét trước khi đưa ra quyết định. Mỗi trường hợp là khác nhau, vì vậy tìm kiếm giải pháp an toàn nhất có thể dựa trên tình huống cụ thể của con gái bạn.

7 Cùng con đối mặt với những lời phán xét từ mọi người 

Một số người có thể phê phán và chỉ trích con bạn vì quyết định mang thai ở độ tuổi vị thành niên. Ban đầu, những lời đàm tiếu xung quanh vấn đề này có thể là căn nguyên của rất nhiều áp lực. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng, thời gian sẽ làm dịu đi những lời đàm tiếu đó. 

Nếu mọi người bàn luận với bạn về cách bạn nuôi dạy con của mình, hãy cho họ biết bạn đã cố gắng làm những gì có thể nhưng cuối cùng con bé đã đưa ra lựa chọn của riêng mình. 

Hãy cho con bạn biết rằng mọi người có thể nói phê phán, phán xét nhưng bạn sẽ luôn đứng về phía con, bảo vệ con
Hãy cho con bạn biết rằng mọi người có thể nói phê phán, phán xét nhưng bạn sẽ luôn đứng về phía con, bảo vệ con

Nếu họ dùng ngôn từ tấn công, phán xét con bạn, bạn không cần phải bảo vệ con bạn đến mức khẳng định rằng những gì con bạn làm là đúng và tốt, nhưng bạn có thể cho những người phản đối biết rằng con bạn vẫn là con của bạn và bạn sẽ luôn ở bên cạnh con trong mọi hoàn cảnh. Hãy cho con bạn biết rằng mọi người có thể nói phê phán, phán xét nhưng bạn sẽ luôn đứng về phía con, bảo vệ con. 

Con bạn có thể gặp khó khăn trong việc xóa bỏ những lời xúc phạm khi mang thai vì tâm trạng của con cũng dễ thay đổi hơn bình thường. Hãy nói chuyện, tâm sự với con hàng ngày, điều này giúp bạn biết liệu con bạn có gặp khó khăn, rắc rối nào hay không.

8 Khuyến khích con cần có trách nhiệm với hành động của mình

Đây không phải lúc nào cũng là một nhiệm vụ dễ dàng. Vì thanh thiếu niên ở độ tuổi này thường thích nổi loạn đặc biệt là khi họ biết mình đã làm sai điều gì đó và đang gặp rắc rối. Cố gắng đừng nói với họ rằng họ “phải” làm điều này điều nọ, hoặc họ “không có lựa chọn nào khác ngoài” làm điều gì đó theo cách này. Thay vào đó, hãy cho con thấy được sự tin tưởng, ủng hộ, quan tâm và chia sẻ của bố mẹ. Đôi khi, đó là tất cả những gì chúng cần. 

Và không áp đặt quá nhiều yêu cầu lên con cái, vì làm vậy con có thể không muốn bạn tham gia vào quyết định của chúng. Khi có được sự chia sẻ từ con, hãy giúp con nhận ra rằng cô ấy phải đối mặt với vấn đề, chịu trách nhiệm với hành động của mình và tự chủ trong việc đưa ra quyết định. 

Một số câu hỏi cần trả lời để giải quyết vấn đề này

Đây là những điều bố mẹ và con gái cần trao đổi trước khi em bé chào đời. Tốt nhất là để con gái bắt đầu những cuộc trò chuyện này, nhưng nếu không, bố mẹ có thể chủ động hỏi con một số câu hỏi sau:

  1. Dự định sắp xếp việc học và chăm sóc trẻ như thế nào? Con có ý định tiếp tục và hoàn thành việc học của mình không?
  2. Kế hoạch chăm sóc em bé khi quay trở lại làm việc, học tập sau khi sinh là gì?
  3. Con đã nói chuyện với cha của đứa trẻ về tình hình này và cả hai có quyết định chung không? 
  4. Cha của đứa bé sẽ đóng vai trò gì trong việc chăm sóc trẻ?
  5. Chi phí nuôi dạy em bé ai chi trả và những ai cần có trách nhiệm với khoản phí này?
  6. Con cái muốn bố mẹ giúp đỡ những gì trong việc này?
  7. Kế hoạch chăm sóc trẻ của bạn là gì khi bạn muốn đi chơi với bạn bè/làm điều gì đó xã hội?

Còn rất nhiều câu hỏi nữa sẽ được đặt ra, nhưng nếu bạn giải quyết một số vấn đề trên với con càng sớm, bạn sẽ tránh được những vướng mắc sau này. Quan trọng nhất, hãy tạo một không gian an toàn và thoải mái để con bạn có thể chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc và ý kiến của mình. Cha mẹ cần lắng nghe và thảo luận cùng con, để có được sự thống nhất và hỗ trợ tốt nhất cho con cái trong thời gian tới. Hơn hết, bạn nên thảo luận vấn đề này với vợ/chồng mình để có được sự thống nhất khi nói chuyện với con gái. 

9 Cho con biết những thách thức khi làm cha mẹ ở độ tuổi vị thành niên

9.1 Ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé

Việc làm cha mẹ ở độ tuổi vị thành niên mang đến nhiều thách thức đáng kể, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Trẻ em gái ở độ tuổi vị thành niên thường chưa hoàn thiện về mặt sinh lý và tâm lý. Mang thai ở tuổi vị thành niên có tác động không tốt lên sức khỏe của cả người mẹ và thai nhi. Đồng thời, ở những người mẹ mang thai sớm có nguy cơ tử vong cao hơn so với những bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. 

Nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe của cả mẹ và bé khi mang thai ở độ tuổi vị thành niên
Nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe của cả mẹ và bé khi mang thai ở độ tuổi vị thành niên

Trong quá trình mang thai, người mẹ dễ gặp các vấn đề như thiếu máu, tiền sản giật, sảy thai, đẻ non, chậm chuyển dạ và bất tương xứng khung chậu. Cũng có tỷ lệ cao hơn về nhiễm độc thai nghén.

Quá trình sinh cũng mang đến nhiều nguy cơ bao gồm băng huyết, sinh đẻ khó khăn và thường cần can thiệp bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật. Bên cạnh đó, việc sinh con ở tuổi vị thành niên có thể gây tổn thương cho tử cung, âm đạo và âm hộ do cơ thể chưa hoàn thiện phát triển, dẫn đến suy nhược toàn thân sau sinh.

Tỷ lệ tử vong của trẻ em sinh ra từ các bà mẹ tuổi vị thành niên cũng cao hơn so với những bà mẹ ở độ tuổi trưởng thành, đồng thời chúng còn có nguy cơ cao mắc bệnh tật và nhẹ cân so với các trẻ khác. 

9.2 Khó khăn về kinh tế, tài chính

Khi còn ở độ tuổi vị thành niên, khả năng tài chính còn rất hạn chế trong khi để nuôi dạy một đứa trẻ, đòi hỏi rất nhiều chi phí bao gồm: thực phẩm, quần áo, vật dụng dành cho trẻ em (bình sữa, sữa bột/máy hút sữa, tã lót/khăn lau, v.v.), y tế và giáo dục. 

Bên cạnh đó, việc nuôi dạy một đứa trẻ đòi hỏi người làm cha mẹ phải có trách nhiệm lớn. Bạn cần phải đảm bảo rằng đứa trẻ được cung cấp một chế độ chăm sóc đầy đủ và một môi trường sống an toàn.

Từ đó làm tăng nguy cơ nghèo đói: Trẻ em gái mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên thường thiếu kinh nghiệm và nguồn tài chính để chăm sóc cho con cái. Họ thường không có công việc ổn định hoặc thu nhập đủ để hỗ trợ gia đình, dẫn đến tình trạng nghèo đói và phụ thuộc vào các nguồn trợ cấp xã hội.

9.3 Hạn chế sự phát triển cá nhân

Khi trở thành cha mẹ ở độ tuổi trẻ, có thể phải hy sinh một phần sự phát triển cá nhân. Việc chăm sóc đứa trẻ đòi hỏi thời gian và công sức, và nó có thể làm giảm sự tập trung vào sự nghiệp, giáo dục hoặc các mục tiêu cá nhân khác.

9.4 Hạn chế giáo dục 

Việc mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên thường dẫn đến việc nghỉ học sớm hoặc bỏ học. Trẻ em gái mang thai thường gặp khó khăn trong việc tiếp tục học tập, điều này ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận kiến thức và phát triển cá nhân của họ. Sự giới hạn về giáo dục cũng có thể gây ra chuỗi rối loạn gia đình và kinh tế.

9.5 Tác động tâm lý và xã hội

Sinh con ở tuổi vị thành niên có thể gây ra áp lực tâm lý và xã hội lớn cho các em. Họ thường phải đối mặt với sự phê phán và đánh đồng xã hội, cảm thấy bị cô lập và mất đi cơ hội phát triển bản thân. Điều này có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm, mất tự tin, và khó khăn trong việc xây dựng một cuộc sống ổn định và thành công trong tương lai.

10 Hướng dẫn con làm thế nào để có một thai kỳ khỏe mạnh ở độ tuổi vị thành niên

Nếu con gái của bạn quyết định giữ đứa bé hãy khuyến khích con tìm hiểu về những thông tin để có thai kỳ khỏe mạnh, bao gồm [7]:

Tăng cường chăm sóc trước sinh: trong suốt thai kỳ, thường xuyên thăm khám trước sinh để nắm bắt được sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé. Lưu ý rằng việc tư vấn và theo dõi từ bác sĩ hoặc nhân viên y tế là rất quan trọng trong suốt quá trình mang thai. Họ sẽ có thể cung cấp hướng dẫn và tư vấn cụ thể dựa trên tình trạng cụ thể. 

Dinh dưỡng cần thiết trong thai kỳ: một chế độ ăn cung cấp đủ dưỡng chất cho cả mẹ và bé là rất quan trọng. Đặc biệt trong suốt thai kỳ, các dưỡng chất như Acid Folic (Vitamin B9), Canxi, Sắt, protein,.. cần bổ sung nhiều hơn so với bình thường. 

Hoạt động thể lực: Khuyến khích thực hiện các bài thể dục thường xuyên, như tập yoga cho bà bầu hoặc các bài tập nhẹ nhàng khác. Điều này giúp giảm cảm giác khó chịu, tăng cường tuần hoàn máu và cải thiện sức khỏe tổng thể. 

Tránh xa các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác không được sử dụng trong thời kỳ mang thai. Ngay cả việc sử dụng thuốc cũng cần thận trọng vì có rất nhiều loại thuốc chống chỉ định cho phụ nữ có thai. Tốt nhất trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, người mẹ nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc người có chuyên môn.

Đăng ký lớp học tiền sản cho con:  Khuyến nghị con gái tham gia các lớp học tiền sản, những lớp học này có thể cung cấp kiến thức, kỹ năng cho con gái của bạn trong quá trình mang thai, sinh con, cho con bú và trở thành một người mẹ.

11 Kết luận

Vai trò của cha mẹ khi có con gái mang thai ở tuổi vị thành niên là rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Bố mẹ cần hiểu và chấp nhận tình huống mà con gái đang đối mặt. Thay vì chỉ trích, phê phán; cha mẹ nên lắng nghe và hiểu cho cảm xúc của con, tạo điều kiện cho con cảm thấy an toàn, tin tưởng để chia sẻ ý kiến, cảm xúc của mình. Và đôi khi, trong hoàn cảnh này, chính tình yêu thương và sự hỗ trợ về mặt tinh thần của cha mẹ là tất cả những gì con cần.
 

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Chuyên gia của American Pregnancy Association, My Teen Daughter is Pregnant, American Pregnancy Association. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2023
  2. ^ Chuyên gia của WHO (Đăng ngày 2 tháng 6 năm 2023), Adolescent pregnancy, WHO. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2023
  3. ^ Chuyên gia của UNICEF, Điều tra các chỉ tiêu phát triển bền vững về Trẻ em và Phụ nữ Việt Nam 2020-2021 (Chăm sóc trước sinh), UNICEF. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2023
  4. ^ Chuyên gia của UNICEF, Điều tra các chỉ tiêu phát triển bền vững về Trẻ em và Phụ nữ Việt Nam 2020-2021(Thanh thiếu niên), UNICEF. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2023
  5. ^ Chuyên gia của UNICEF (Đăng tháng 12 năm 2022), Early childbearing, UNICEF. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2023
  6. ^ Holly Ernst và Jill Seladi-Schulman (Đăng ngày 30 tháng 7 năm 2018), Teenage Pregnancy, Healthline. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2023
  7. ^ Chuyên gia của American Pregnancy Association, How to Have a Healthy Teen Pregnancy, American Pregnancy Association. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2023

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    Có lời khuyên nào về chế độ dinh dưỡng không vậy ad?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
0/ 5 0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633