Tiền sản giật, sản giật là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa

1 Tiền sản giật, sản giật là gì?
Tiền sản giật (TSG) là một rối loạn huyết áp cao đặc trưng xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Tình trạng này thường đi kèm với protein niệu, phản ánh tổn thương chức năng thận. Tiền sản giật có thể gây ra tổn thương ở nhiều cơ quan như thận, gan, não và nhau thai, làm tăng nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tiền sản giật có thể tiến triển thành sản giật, dẫn đến co giật và các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.[1]
Sản giật là một biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của tiền sản giật. Sản giật là khi người bị tiền sản giật bị co giật trong thai kỳ. Co giật là các cơn run rẩy, lú lẫn và mất phương hướng do hoạt động bất thường của não.
2 Tiền sản giật sau sinh là gì?
Tiền sản giật sau sinh là tình trạng huyết áp cao kết hợp với protein niệu xảy ra sau khi sinh con. Phần lớn các trường hợp xuất hiện trong vòng 48 giờ sau sinh, tuy nhiên có thể xảy ra muộn hơn từ vài ngày đến sáu tuần sau sinh - khi đó được gọi là tiền sản giật muộn sau sinh.
.jpg)
3 Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác của tiền sản giật vẫn chưa được xác định hoàn toàn. Một số nghiên cứu cho thấy nó bắt nguồn từ sự phát triển bất thường của các mạch máu trong nhau thai vào giai đoạn đầu của thai kỳ.
4 Các yếu tố nguy cơ
Tiền sản giật, sản giật ảnh hưởng đến từ 5 đến 10% số ca mang thai và là nguyên nhân gây ra khoảng 10 đến 15% trường hợp tử vong với khoảng 50.000 ca ở bà mẹ trên toàn cầu.[2]
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng trên bao gồm:
- Phụ nữ dưới 20 tuổi hoặc trên 35 tuổi.
- Tiền sử cá nhân bị rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ trước
- Tiền sử gia đình có người mắc tiền sản giật
- Tăng huyết áp mãn tính trước khi mang thai
- Các bệnh lý đi kèm như tiểu đường, bệnh thận và các rối loạn tự miễn
- Béo phì ở mẹ (chỉ số khối cơ thể >30 kg/m²)
- Tiền sử sinh non trước 32 tuần tuổi thai
- Chăm sóc trước sinh không đầy đủ
- Mang thai đa thai hoặc lần đầu sinh con.
- Khoảng cách giữa các lần sinh trên 10 năm
- Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
- Mức sống thấp[3]
5 Dấu hiệu
5.1 Dấu hiệu tiền sản giật 3 tháng đầu
Trong ba tháng đầu của thai kỳ, tiền sản giật hiếm khi xuất hiện dấu hiệu rõ ràng. Các triệu chứng như huyết áp cao và protein trong nước tiểu thường chỉ được phát hiện sau tuần thứ 20.
5.2 Dấu hiệu tiền sản giật 3 tháng cuối
Dưới đây là 11 dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật mà mẹ mang thai cần lưu ý để kịp thời nhận diện và xử lý:
- Thứ nhất, Huyết áp cao: Huyết áp cao là một trong những dấu hiệu quan trọng của tiền sản giật. Nếu huyết áp không được kiểm soát, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
- Thứ 2, Protein trong nước tiểu: Khi chức năng thận bị ảnh hưởng, protein có thể xuất hiện trong nước tiểu. Đây là dấu hiệu cho thấy thận không thể lọc bỏ các chất như bình thường.
- Thứ 3, Sưng (Phù nề): Sự tích tụ nước có thể dẫn đến sưng ở tay, mặt hoặc quanh mắt. Nếu tình trạng này xảy ra đột ngột và không giảm đi, cần được chú ý.
- Thứ 4, Đau đầu: Cơn đau đầu kéo dài và không thuyên giảm, dù đã sử dụng thuốc giảm đau, có thể là dấu hiệu cảnh báo của tình trạng huyết áp cao.
- Thứ 5, Buồn nôn hoặc Nôn mửa: Mặc dù buồn nôn trong tam cá nguyệt đầu tiên là bình thường, nhưng nếu tình trạng buồn nôn và nôn xuất hiện đột ngột trong 3 tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là sau tuần thứ 20, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng.
- Thứ 6, Đau bụng (vùng dạ dày) và/hoặc vai: Đau thượng vị, tức là đau vùng bụng trên gần xương sườn phải, có thể báo hiệu vấn đề ở gan hoặc các cơ quan khác. Đau vai phải cũng có thể là dấu hiệu của sự tổn thương trong vùng này.
- Thứ 7, Đau lưng dưới: Cảm giác đau nhức hoặc căng cơ ở lưng dưới có thể là dấu hiệu của những thay đổi trong cơ thể do tiền sản giật.
- Thứ 8, Tăng cân đột ngột: Sự tăng cân nhanh chóng, từ 1.36 kg đến 2.27 kg mỗi tuần, có thể là kết quả của việc tích tụ dịch trong cơ thể do huyết áp cao hoặc suy thận.
- Thứ 9, Những thay đổi về thị lực: Thị lực mờ, nhìn thấy đốm sáng hoặc cảm giác nhạy cảm với ánh sáng có thể là dấu hiệu của vấn đề về mắt hoặc hệ thần kinh.
- Thứ 10, Tăng phản xạ: Phản xạ mạnh hơn hoặc nhanh hơn bình thường có thể là dấu hiệu của tổn thương thần kinh hoặc huyết áp cao.
- Thứ 11, Khó thở, lo lắng: khó thở hoặc cảm giác lo lắng vô lý có thể là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng do huyết áp cao hoặc thiếu oxy trong cơ thể.[4]

6 Cách phòng ngừa
Các biện pháp phòng ngừa tiền sản giật tập trung vào việc chăm sóc trước khi sinh định kỳ để phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh.
6.1 Biện pháp chính
Kiểm tra huyết áp thường xuyên giúp phát hiện sớm tình trạng huyết áp cao, một trong những dấu hiệu chính của tiền sản giật.
Xét nghiệm nước tiểu để tìm protein niệu giúp phát hiện sự hiện diện của protein trong nước tiểu.
Theo dõi các triệu chứng như đau đầu và rối loạn thị giác.
Cân nhắc về lối sống, chẳng hạn như duy trì cân nặng và hoạt động lành mạnh.
Kiểm soát các tình trạng bệnh lý hiện có, đặc biệt là tình trạng huyết áp cao.
6.2 Biện pháp bổ sung
Liều thấp Aspirin từ 60 đến 150 mg mỗi ngày vào tuần thứ 20 hoặc khi bắt đầu chăm sóc trước khi sinh giúp giảm nguy cơ tiền sản giật từ 10% đến 15%.
Bổ sung Canxi trong điều kiện chế độ ăn uống thiếu canxi.
Điều trị bệnh huyết áp cao từ trước bằng thuốc chống tăng huyết áp giúp kiểm soát huyết áp.
Magie sulfat cũng được sử dụng để ngăn ngừa co giật tái phát và giảm nguy cơ tử vong.3
7 Phác đồ điều trị tiền sản giật Bộ Y tế
7.1 Xác định nhóm nguy cơ cần điều trị dự phòng
7.1.1 Cấp khám chữa bệnh ban đầu
Điều trị dự phòng nếu có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ cao:
- Tiền sử TSG, đặc biệt nếu có biến chứng nặng.
- Đa thai.
- Tăng huyết áp mạn tính.
- đái tháo đường typ 1 hoặc 2.
- Bệnh thận mạn tính.
- Bệnh tự miễn (ví dụ: Lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng kháng phospholipid…).
- Bệnh tăng đông máu.
- Béo phì (Chỉ số khối cơ thể BMI trước mang thai ≥ 35).
- Sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
- Tăng triglyceride trong thai kỳ.
Cân nhắc điều trị dự phòng nếu có ít nhất hai yếu tố nguy cơ trung bình:
- Thai lần đầu.
- Tiền sử gia đình có người mắc TSG (mẹ hoặc chị em).
- Mẹ trên 40 tuổi.
- Điều kiện xã hội (mức sống thấp).
- Lạm dụng chất kích thích.
- Tiền sử mang thai nhẹ cân.
- Kết quả thai kỳ bất lợi.
- Khoảng cách giữa các lần mang thai trên 10 năm.
- Nhiễm trùng thai nghén.
- Bệnh lý nguyên bào nuôi.
Đối với nhóm thai phụ có yếu tố nguy cơ cao hoặc trung bình, cần chuyển đến cấp cơ bản trở lên để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Nhóm không có yếu tố nguy cơ cao hoặc trung bình sẽ được quản lý thai nghén theo dõi thường quy. Tuy nhiên, nếu trong quá trình theo dõi, thai phụ xuất hiện triệu chứng nghi ngờ TSG, cần chuyển đến cấp khám chữa bệnh cao hơn.
7.1.2 Cấp khám chữa bệnh cơ bản và chuyên sâu
Thời điểm 3 tháng đầu thai kỳ:
- Xác định nhóm nguy cơ cao TSG bằng mô hình phối hợp các yếu tố nguy cơ mẹ, huyết áp động mạch trung bình, siêu âm Doppler chỉ số xung động mạch tử cung, và xét nghiệm sinh hóa PIGF hoặc PAPP-A. Nếu mô hình phối hợp xác định nhóm nguy cơ cao, cần điều trị dự phòng.
- Nếu không có đủ công cụ sàng lọc, có thể sàng lọc dựa vào các yếu tố nguy cơ mẹ. Điều trị dự phòng khi có ít nhất một yếu tố nguy cơ cao hoặc từ hai yếu tố nguy cơ trung bình trở lên.
Thời điểm 3 tháng giữa và 3 tháng cuối:
- Không có chỉ định điều trị dự phòng TSG.
- Sàng lọc TSG trong giai đoạn này giúp dự báo khả năng xảy ra TSG non tháng (20 - 36 tuần 6 ngày) trong thời gian ngắn hạn (1 tuần hoặc 4 tuần). Việc này giúp xác định thời điểm, địa điểm và cách thức kết thúc thai kỳ hợp lý cho từng trường hợp.

7.2 Phác đồ điều trị dự phòng
7.2.1 Aspirin liều thấp
Liều lượng và thời điểm sử dụng:
- Liều từ 80 - 165 mg/ngày.
- Bắt đầu sử dụng trước 16 tuần tuổi thai, tốt nhất từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày.
- Duy trì đến 36 tuần tuổi thai, tối thiểu phải dùng đến 28 tuần để đạt hiệu quả phòng ngừa.
- Cân nhắc điều chỉnh liều theo cân nặng thai phụ nhằm tối ưu hiệu quả điều trị.
Chống chỉ định sử dụng trong thai kỳ:
- Hen phế quản, viêm mũi, polyp mũi.
- Tiền sử loét dạ dày hoặc xuất huyết tiêu hóa.
- Dị ứng với Acetylsalicylic acid hoặc các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs).
- Suy thận, suy gan, suy tim.
- Rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu.
- Thiếu men G6PD.
- Thai phụ đang mắc bệnh do virus, đặc biệt là sốt xuất huyết.
Thời điểm kết thúc điều trị:
- Khi tuổi thai đạt 36 tuần.
- Khi có dấu hiệu chuyển dạ.
- Khi đã được chẩn đoán tiền sản giật (TSG).
7.2.2 Bổ sung Canxi
Liều lượng khuyến cáo: ≥ 1 gram Canxi/ngày.
Dự phòng tiền sản giật (TSG) cho các đối tượng:
Thai phụ có chế độ ăn thiếu Canxi (<600 mg/ngày).
Nhóm thai phụ nguy cơ cao không thể sử dụng Aspirin liều thấp để phòng ngừa.[5]
8 Các câu hỏi thường gặp
8.1 Tiền sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Tiền sản giật có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với thai nhi, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thai kỳ. Các vấn đề này có thể bao gồm:
Thiếu oxy và dinh dưỡng, gây cản trở sự phát triển của thai nhi.
Nguy cơ sinh non.
Thai chết lưu nếu nhau thai tách khỏi thành tử cung, dẫn đến chảy máu nhiều ở mẹ.
Hội chứng tan máu tăng men gan và số lượng tiểu cầu thấp (HELLP).
Ngoài ra, trẻ sơ sinh của mẹ bị tiền sản giật, ngay cả khi sinh đủ tháng, cũng có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề sức khỏe trong tương lai. Trẻ sinh non do tiền sản giật có thể phải đối mặt với các vấn đề như rối loạn học tập, bại não, động kinh, điếc, và mù. Những trẻ này cũng có thể cần phải nằm viện lâu dài và có thể có cân nặng thấp hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Hơn nữa, trẻ bị chậm phát triển trong tử cung có thể có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, suy tim sung huyết và huyết áp cao trong tương lai.[6]

8.2 Bị tiền sản giật có đẻ thường được không?
Phụ nữ bị tiền sản giật vẫn có thể sinh thường, đặc biệt là khi thai nhi đủ tháng (từ 35 tuần trở lên) và tình trạng của mẹ ổn định. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp sinh (thường hoặc mổ) phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ nặng của tiền sản giật, tình trạng thai nhi và sức khỏe của mẹ. Cân nhắc lợi ích và nguy cơ để đảm bảo an toàn.
8.3 Tiền sản giật sau sinh có nguy hiểm không?
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tiền sản giật sau sinh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm đột quỵ, tổn thương thận, rối loạn thị lực và phình động mạch. Huyết áp cao có thể làm tổn thương các mạch máu trong cơ thể, gây suy thận, tăng nguy cơ đột quỵ và làm hỏng các cơ quan quan trọng như tim và mắt.
Ngoài ra, phụ nữ mắc tiền sản giật cũng có thể đối mặt với các vấn đề về chuyển hóa như bệnh tiểu đường và hội chứng chuyển hóa. Vì những biến chứng này có thể tiến triển nhanh chóng, việc theo dõi huyết áp sau sinh và nhận thức về các triệu chứng như đau đầu, sưng tay, chân, hoặc thay đổi thị lực là rất quan trọng.
8.4 Xét nghiệm tiền sản giật hết bao nhiêu tiền?
Việc sàng lọc và phát hiện sớm nguy cơ tiền sản giật đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Xét nghiệm được thực hiện khi thai nhi trong khoảng từ 11 tuần 0 ngày đến 13 tuần 6 ngày không chỉ giúp nhận diện nguy cơ mà còn mở ra cơ hội can thiệp kịp thời, hạn chế biến chứng sản khoa nghiêm trọng.
Các xét nghiệm thường bao gồm:
- Siêu âm thai nhi.
- Xét nghiệm máu đo nồng độ PIGF.
- Xét nghiệm nước tiểu.
Giá xét nghiệm thường giao động từ 1.000.000 đến 3.000.000 VNĐ tuỳ vào từng bệnh viện và thời điểm khác nhau. Sau đây là một số giá tham khảo:
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với chi phí khoảng 1.200.000 – 1.500.000 VNĐ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với chi phí khoảng 2.000.000 – 3.000.000 VNĐ.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: By WHO Staff (Ngày cập nhật: Ngày 4 tháng 4 năm 2025). Pre-eclampsia, WHO. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2025.
- ^ NRI College of Nursing (Ngày cập nhật: Ngày 11 tháng 4 năm 2018). Nursing Management of a Client with Eclampsia, Int. J. of Advances in Nur. Management. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2025.
- ^ Tác giả: Chuyên gia NIH (Ngày cập nhật: Ngày 6 tháng 10 năm 2024). Eclampsia, NIH. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2025.
- ^ Tác giả: Chuyên gia Preeclampsia (Ngày cập nhật: Ngày 5 tháng 3 năm 2024). Is it just a pregnancy symptom or something more?, Preeclampsia. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2025.
- ^ Bộ Y Tế, (Ngày ban hành: Ngày 4 tháng 5 năm 2024). Hướng dẫn sàng lọc, chẩn đoán và xử trí tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai, tiền sản giật và sản giật. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2025.
- ^ Tác giả: Chuyên gia NIH (Ngày cập nhật: Ngày 31 tháng 1 năm 2017). What are the risks of preeclampsia & eclampsia to the fetus?, NIH. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2025.