7 mẹo dân gian giúp mẹ chữa tắc tia sữa tại nhà hiệu quả
Trungtamthuoc.com - Trong quá trình cho con bú, hiện tượng tắc tia sữa hay còn được gọi là tắc ống dẫn sữa không phải hiếm gặp, gây đau đớn, khó chịu cho người mẹ. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về nguyên nhân gây tắc tia sữa, mẹo chữa tắc tia sữa hiệu quả
1 Tắc tia sữa là gì?
Ống dẫn sữa bao gồm những ống nhỏ giúp dẫn sữa từ tiểu thùy bên trong núm vú ra núm vú. Mỗi núm vú sẽ có khoảng 15-25 thùy, được sắp xếp theo hình nan hoa. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5-10 ống dẫn sữa mở ra trong quá trình cho con bú. Tắc tia sữa (tắc ống dẫn sữa) là tình trạng sữa bị tắc trong vú dẫn đến sữa không chảy ra ngoài được gây đau đớn, khó chịu. Tắc tia sữa nổi cục cứng, đau gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của mẹ và bé. Do cấu tạo đặc biệt nên tình trạng tắc tia sữa có thể xảy ra ở một thùy hoặc nhiều thùy. [1]
Tắc sữa sau sinh dai dẳng có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng gây nguy hiểm.
Thời điểm mẹ bị tắc sữa:
- Mẹ sinh thường: 1-2 ngày sau sinh thì sữa bắt đầu về và đây là giai đoạn dễ bị tắc tia sữa nhất.
- Mẹ sinh mổ (phẫu thuật): thông thường từ ngày thứ 3-4 sau sinh thì sữa sẽ về và cũng là giai đoạn dễ bị tắc sữa.
2 Hình ảnh tắc tia sữa
Tắc tia sữa và viêm vú, áp xe tuyến sữa thường khó phân biệt đối với những mẹ lần đầu sinh con. Một số biểu hiện để phân biệt tắc tia sữa và áp xe vú:
Tắc tia sữa | Áp xe vú | |
Nguyên nhân | Do nhiều nguyên nhân khác nhau như chèn ép, không vắt sữa thường xuyên,... gây tắc ống dẫn sữa | Do nhiễm khuẩn (chủ yếu là liên cầu khuẩn và tụ cầu) |
Biểu hiện | Bầu vú căng tức, khi sờ có thể thấy cục cứng. Sữa tiết ra ít. Mẹ thường có cảm giác dễ chịu khi vắt sữa hoặc khi cho con bú | Khi sờ thấy cục cứng kèm theo các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau, mẹ có thể tấy sốt,... Con khi bú sữa mẹ bị viêm thường có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng, bỏ bú,... Mẹ cần phân biệt được tắc tia sữa và áp xe vú để có phác đồ điều trị đúng, nhiễm trùng áp xe vú cần được can thiệp bằng kháng sinh. |
Cách điều trị | Cho trẻ bú đều đặn Chườm ấm Cho con bú đúng cách, đúng tư thế Xoa bóp, massage Chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý | Thăm khám và điều trị tại bệnh viện Chích rạch phẫu thuật nếu viêm nặng Điều trị bằng thuốc kháng sinh, giảm đau, ức chế tuyến sữa ..tuỳ vào nguyên nhân. |
Cho bú | Có thể cho con bú để hỗ trợ thông tắc tia sữa | Không nên cho bú vì có lần mủ viêm |
3 Biểu hiện của tắc tia sữa
Các dấu hiệu tắc tia sữa thường xuất hiện dần dần. Khi ống dẫn sữa bị tắc, mẹ có thể cảm nhận được một khối u nhỏ có kích thước bằng hạt đậu hoặc lớn hơn xuất hiện ở một bên vú. Một số triệu chứng khác có thể kể đến bao gồm:
- Đau khu trú tại khối u, có thể kèm theo sưng, nóng, đỏ tại vùng xung quanh khối u. Bên cạnh đó, biểu hiện sốt do tắc tia sữa cũng cần được lưu ý để phân biệt với áp xe vú và viêm vú.
- Trẻ thường quấy khóc khi bú ở bên vú bị tắc do sữa chảy chậm hơn.
- Khi cho con bú hoặc vắt sữa bên vú bị tắc tia sữa, mẹ thường có cảm giác dễ chịu hơn.
- Sữa ở bên vú bị tắc có tính chất đặc hơn bên còn lại.
- Tình trạng tắc ống dẫn sữa có thể gây tình trạng sốt nhẹ, vú sưng to kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu, lúc này, hãy đi khám để được điều trị kịp thời, tránh nguy cơ nhiễm trùng vú.
4 Nguyên nhân gây tắc tia sữa
Ống dẫn sữa bị tắc thường gặp ở những phụ nữ đang cho con bú, mới sinh con nhưng không cho con bú hoặc đã ngừng cho con bú. Một số nguyên nhân có thể gây tắc ống dẫn sữa:
- Mặc quần áo quá chật.
- Không cho con bú thường xuyên hoặc bỏ lỡ lần bú của trẻ.
- Sữa mẹ còn dư thừa trong bầu ngực dẫn đến tình trạng ứ trệ gây tắc ống dẫn sữa.
- Bé gặp khó khăn trong quá trình bú mẹ.
- Viêm (sưng) ống dẫn sữa làm giảm lượng sữa chảy qua.
- Căng thẳng quá mức: Tâm trạng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình bài tiết sữa mẹ. Do đó, việc cân bằng, giải tỏa cảm xúc trong quá trình nuôi con cũng đem lại hiệu quả cao trong việc điều trị tắc tia sữa.
5 Tắc tia sữa có nguy hiểm không?
Tắc tia sữa là hiện tượng phổ biến mà nhiều mẹ nuôi con bú gặp phải, tuy nhiên nếu không được điều trị và xử trí kịp thời, tắc tia sữa có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm bao gồm:
- Tắc tia sữa thành cục cứng có thể gây nên tình trạng viêm vú, áp xe vú gây sưng đau, khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của mẹ.
- Tắc sữa sau sinh không được điều trị có thể gây nên tình trạng mất sữa, không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ hàng ngày.
- Tắc sữa kéo dài cũng gây căng thẳng, khiến mẹ stress, ảnh hưởng đến việc nuôi con.
- Do đó, trong trường hợp ống dẫn sữa kéo dài, không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp được khuyến cáo kèm theo các triệu chứng sốt, đau, nóng, đỏ tại vùng vú bị tắc thì mẹ nên tham khảo ý kiến của chuyên gia hoặc bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn kịp thời.
6 Bị tắc tia sữa có nên cho con bú nữa không?
Trong hầu hết các trường hợp, người mẹ vẫn có thể tiếp tục cho con bú nếu bị tắc tia sữa. Việc trẻ bú mẹ cũng là một biện pháp cải thiện tình trạng này. Do khi trẻ bú, các tuyến vú được kích thích, đẩy sữa ra ngoài, giúp dòng sữa được lưu thông và giảm sưng đau.
7 Cách thông tắc tia sữa nhanh nhất mẹ có thể áp dụng tại nhà
Tắc tia sữa không thể tự khỏi nếu không có biện pháp can thiệp, tắc tia sữa có thể tiến triển thành nhiễm trùng gọi là viêm tuyến vú đi kèm với các triệu chứng sốt, đau nhức toàn bộ bên bú, đau tăng lên khi hút sữa hoặc cho con bú.
7.1 Cho con bú hoặc vắt sữa thường xuyên
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tắc ống dẫn sữa là do trẻ không được bú thường xuyên.
Do đó, để điều trị cũng như giúp hạn chế tình trạng tắc tia sữa, mẹ nên cho con bú đều hoặc sử dụng máy vắt sữa.
Khi con đói, mẹ nên cho con bú bên bị tắc sữa vì lúc này khả năng hút của con sẽ mạnh hơn, tạo điều kiện thông tia sữa tốt hơn.
7.2 Thay đổi tư thế cho bé bú
Thay đổi tư thế cho con bú cũng là một cách chữa tắc tia sữa hiệu quả, giúp dòng sữa lưu thông được dễ dàng hơn. Mẹ có thể nghiêng người về trước hoặc nằm ôm con trên ngực trong khi cho bé bú để tạo áp lực lên bầu ngực, đem lại hiệu quả trong việc điều trị tắc tia sữa. Một số tư thế khác có thể kể đến như:
- Tư thế nôi.
- Tư thế ôm bóng.
- Tư thế bế giữ chéo.
- Tư thế tự do.
- Tư thế nằm nghiêng.
7.3 Cách chữa tắc tia sữa nổi cục bằng cách xoa bóp tại nhà
Trước khi cho con bú, mẹ nên xoa bóp nhẹ nhàng bầu ngực của mình, mát xa dọc về hướng núm vú để kích thích dòng sữa. Mát xa nhẹ nhàng theo chuyển động tròn, sử dụng lòng bàn tay để tạo áp lực lên vú, tuy nhiên không nên sử dụng quá nhiều lực vì có thể gây tổn thương, tăng nguy cơ gây viêm ở những mô vú nhạy cảm. [2]
Sau khi cho con bú, mẹ có thể mát xa vú nhẹ nhàng, thực hiện theo các cách sau:
Cách 1:
- Nằm trên giường, giơ tay bên vú bị tắc tia sữa lên trên đầu.
- Tay còn lại khum thành hình chữ U, nhẹ nhàng mát xa từ dưới bầu ngực lên đến nách.
- Mát xa nhẹ nhàng trong 3-5 phút sau mỗi lần cho con bú.
Cách 2:
- Mẹ cúi người về phía trước để tận dụng được áp lực của trọng lực.
- Mát xa tròn đều, nhẹ nhàng trong 3-5 phút những vùng cứng trên bầu ngực.
7.4 Thông tắc sữa bằng cách vắt sữa thường xuyên
Sau khi cho con bú, mẹ có thể vắt sữa bằng tay sử dụng máy vắt sữa để vắt hết lượng sữa còn lại trong vú.
Việc vắt sữa thường xuyên giúp ngăn chặn tình trạng tắc tia sữa, phù hợp với các bà mẹ lựa chọn không cho con bú hoặc cho mới ngừng cho con bú.
Việc vắt sữa thường xuyên cũng là một cách giúp kích thích sản xuất sữa cho con.
7.5 Bị tắc tia sữa nên chườm nóng hay lạnh?
Chườm ấm hoặc tắm nước ấm trước khi cho con bú giúp làm giảm cảm giác khó chịu ở bên vú đang bị tắc tia sữa. Ngoài ra, chườm ấm cũng có tác dụng giãn nở các ống dẫn sữa, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vắt sữa, giảm sưng đau. Mẹ có thể sử dụng khăn ấm, ẩm mát xa lên vùng tắc của ống dẫn sữa nhiều lần trong ngày.
7.6 Mặc quần áo thoải mái, rộng rãi
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây tắc tia sữa là gây áp lực lớn lên vùng ngựa trong thời gian dài. Việc mặc áo ngực thoải mái giúp bầu ngực được thông thoáng, giúp sữa lưu thông một cách dễ dàng.
7.7 Thực hiện chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý
Sau sinh là khoảng thời gian nhạy cảm, người mẹ thường xuyên phải thức dậy giữa đêm để cho con bú dẫn đến tình trạng không được nghỉ ngơi đầy đủ. Mẹ sau sinh cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để phục hồi sức khỏe sau sinh cũng như giúp tăng chất lượng sữa mẹ.
7.8 Uống nhiều nước
Thành phần chính của sữa mẹ là nước, do đó, mẹ nên uống từ 2,5 đến 3 lít nước mỗi ngày để sản xuất đủ sữa cho con.
7.9 Miếng dán tắc tia sữa
Miếng dán trị tắc tia sữa là phương pháp không gây đau đớn có thể thực hiện dễ dàng tại nhà được nhiều mẹ lựa chọn. Với thành phần chiết xuất chủ yếu từ dược liệu giúp cải thiện tình trạng tắc nghẽn ống dẫn sữa hiệu quả mà không gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Tuy nhiên, mẹ cần tham khảo nguồn gốc xuất xứ, lựa chọn địa chỉ uy tín trước khi mua hàng để đảm bảo an toàn.
8 Cách chữa tắc tia sữa bằng thuốc
Việc sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc hỏi ý kiến của người không có chuyên môn để tránh làm tình trạng tắc tia sữa ngày càng nghiêm trọng, tăng nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Các thuốc thường được sử dụng bao gồm:
- Paracetamol
Paracetamol là thuốc giảm đau an toàn dùng được cho phụ nữ có thai và cho con bú. Thuốc vừa giúp giảm đau và hạ sốt cho mẹ. Tuy được chứng minh không ảnh hưởng đến con nhưng thuốc vẫn có một lượng nhỏ qua sữa mẹ, nên trẻ có thể gặp một vài tác dụng phụ như nổi mụn, phát ban. Mẹ không cần phải quá lo lắng vì chúng sẽ giảm dần khi mẹ ngừng thuốc và các biểu hiện ở những lần dùng thuốc sau cũng sẽ nhẹ hơn.
Cẩn trọng sử dụng nhiều loại thuốc cùng hàm lượng paracetamol làm quá liều dùng, hay mẹ bị mẫn cảm với các thành phần, mẹ bị suy gan suy thận thì chống chỉ định dùng thuốc.
- Ibuprofen
Ibuprofen cũng được coi là một trong những thuốc giảm đau chống viêm an toàn cho phụ nữ đang cho con bú. Chưa có bằng chứng khoa học nào ghi nhận sự rủi ro của thuốc qua được sữa mẹ ảnh hưởng tới con. Tuy nhiên không được tự ý lạm dụng khi chưa có sự cho phép của bác sĩ. Thuốc được sử dụng chữa tắc tia sữa phổ biến hơn paracetamol vì có khả năng chống viêm, giúp làm tan cục viêm tắc ở ống dẫn sữa, một trong những nguyên nhân thường gặp khi bị tắc tia.
Thuốc chống chỉ định cho phụ nữ mang thai vì làm tăng nguy cơ sảy thai và bệnh hen suyễn ở trẻ. Các mẹ bị viêm loét dạ dày tiến triển, co thắt phế quản cũng phải cẩn trọng khi sử dụng.
9 7 mẹo dân gian chữa tắc tia sữa
9.1 Sử dụng lá mít chữa tắc tia sữa
Ngay khi có dấu hiệu tắc tia sữa, mẹ có thể áp dụng theo phương pháp này để chữa tắc tia sữa:
Bước 1: Lựa chọn những lá mít bánh tẻ để hái (không già quá cũng không nên non quá).
Bước 2: Rửa sạch lá mít để lại bỏ bụi bẩn, để ráo nước.
Bước 3: Hơ nóng lá mít sau đó đặt lên vùng bầu ngực bị sưng tấy, kết hợp vừa đắp vừa mát xa để tăng hiệu quả.
Thực hiện liên tục cho đến khi lá mít nguội, có thể hơ nóng và lặp lại các bước bên trên. Mỗi ngày nên làm từ 3-4 lần, làm 3-5 ngày liên tục để phát huy tác dụng.
9.2 Hành tím
Sử dụng hành tím để chữa tắc tia sữa cũng là một mẹo dân gian được lưu truyền từ lâu, thực hiện như sau:
Bước 1: Cắt hành tím thành từng lát, sau đó áp lên bầu ngực vùng bị nổi cục, không nên đắp lên đầu ti vì mùi hăng của hành tím sẽ làm con bỏ ti mẹ.
Bước 2: Sử dụng một tấm khăn mềm (có thể sử dụng khăn sữa của con) đắp lên trên, kết hợp mát xa nhẹ nhàng hàng ngày.
Mỗi ngày nên đắp 2 lần, trong 4 ngày liên tục, tình trạng tắc tia sữa sẽ được cải thiện.
9.3 Chữa tắc tia sữa bằng xôi nếp
Xôi nếp sau khi nấu xong, mẹ có thể cho xôi nếp đang còn nóng vào khăn vải sạch, chường lên bầu ngực theo hướng từ ngoài vào trong, đặc biệt là chườm lên vùng ngực bị tắc tia sữa.
9.4 Sử dụng quả đu đủ non
Với phương pháp này, mẹ nên lựa chọn những quả Đu Đủ non, sau khi rửa sạch, thái thành từng lát mỏng, đắp lên bầu ngực. Sử dụng khăn sữa và mát xa một cách nhẹ nhàng.
9.5 Sử dụng xơ mướp để thông tia sữa
Xơ mướp là bộ phận được phơi khô của quả mướp sau khi già, theo Đông y có tác dụng giúp thông tuyến sữa.
Cách làm:
- Xơ mướp sau khi sơ chế, rửa sạch, cho vào nồi đun.
- Mẹ có thể sử dụng hàng ngày, uống thay nước lọc.
9.6 Bồ công anh trị tắc tia sữa
Trong Đông Y, Bồ Công Anh có tính hàn, dùng để giải nhiệt, chữa mụn nhọt và thông tắc tia sữa hiệu quả.
Sử dụng lá Bồ Công Anh khô bằng cách đun nước uống thay nước lọc hàng ngày.
Sử dụng lá Bồ Công Anh tươi bằng cách rửa sạch, xay nát, nước để uống còn lá sử dụng đắp lên bầu ngực bị tắc qua đêm, tránh đắp trực tiếp lên vùng núm vú.
9.7 Mẹo chữa tắc tia sữa bằng lược
Sử dụng lược để chữa tắc tia sữa là một mẹo dân gian được lưu truyền từ đời xưa. Để áp dụng phương pháp này, mẹ cần chuẩn bị một chiếc lược dày, chải đều và nhẹ nhàng lên bầu ngựa theo hướng từ bầu ngực xuống núm vú để cải thiện dòng chảy của sữa mẹ.
Ngoài những mẹo chữa tắc tia sữa đã nêu bên trên, hiện nay đã có thêm dịch vụ thông tắc tia sữa bằng cách sử dụng máy móc hiện đại, đem lại hiệu quả cao.
10 Những lưu ý khi chữa tắc tia sữa tại nhà
Tắc tia sữa là tình trạng nhiều mẹ gặp phải và có thể gặp phải nhiều lần trong quá trình nuôi con bú, do đó, các mẹ thường có xu hướng lựa chọn những biện pháp chữa tắc tia sữa tại nhà với mục đích dễ kiếm, dễ làm, dễ áp dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, mẹ cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Mỗi phương pháp sẽ có hiệu quả không giống nhau, tùy thuộc vào mức độ tắc tia sữa và cơ địa của mỗi người.
- Nếu thấy có dấu hiệu tắc tia sữa, mẹ cần tìm biện pháp can thiệp ngay, tránh tình trạng để lâu ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa của mẹ.
- Khi áp dụng biện pháp nào mẹ cũng cần kiên trì thực hiện để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Nếu sử dụng các phương pháp không có hiệu quả, tình trạng tắc tia sữa bị trầm trọng hơn thì mẹ cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
- Cũng cần lưu ý rằng, nếu sử dụng các phương pháp kể trên mà mẹ xuất hiện tình trạng ngứa ngáy, ban đỏ hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên bầu ngực thì nên dừng lại.
11 Tắc tia sữa có bị tái phát không?
Ống dẫn sữa bị tắc có thể tái phát trong vài ngày hoặc vài giờ sau đó, do đó mẹ nên thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa tắc tia sữa để hạn chế tối đa nguy cơ tắc tia sữa trở lại.
12 Các biện pháp đề phòng tắc tia sữa
Để ngăn chặn tình trạng tắc ống dẫn sữa, mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên hoặc hút sữa nếu như đã bỏ lỡ một cữ bú của con.
Trong khi cho con bú, mẹ có thể dùng tay còn lại để nâng đỡ phần bên dưới của bầu ngực, giúp dòng sữa lưu thông tốt hơn.
Tránh mặc áo ngực có gọng hoặc mặc đồ quá bó sát.
Nên cho bé bú trực tiếp hơn là sử dụng máy vắt sữa.
Vệ sinh sạch núm vú trước và sau khi cho con bú, sử dụng khăn sạch, ẩm lau nhẹ nhàng núm vú bằng nước ấm.
Thực hiện chế độ nghỉ ngơi và ăn uống điều độ, hạn chế đồ ăn có chứa quá nhiều dầu mỡ.
Uống nhiều nước ấm.
Hạn chế tình trạng lo lắng, căng thẳng quá mức gây ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa.
13 Các câu hỏi thường gặp về tắc tia sữa
13.1 Tắc tia sữa bao lâu thì bị áp xe?
Nếu mẹ bị tắc tia sữa kéo dài khoảng 4 tuần thì có thể bị áp xe vú. Trước thời gian này mẹ cần sử dụng mọi các biện pháp thông tắc nhanh chóng, loại bỏ các cục viêm cứng ở bầu ngực. Khi bị biến chứng áp xe vú, điều trị bệnh sẽ khó khăn và gây nhiều đau đớn cho mẹ, đồng thời không cung cấp đủ lượng sữa mẹ, có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển về sau của con.
13.2 Tắc tia sữa bị sốt có sao không?
Đa số các trường hợp tắc tia sữa không bị sốt mà chỉ nhức ở ngực. Tuy nhiên nếu tắc tia mà mẹ có sốt, mệt mỏi kéo dài thì có thể mẹ đã viêm tuyến vú. Như vậy cần phải điều trị sớm và kịp thời tránh những biến chứng áp xe nặng phải cắt bỏ các ống dẫn sữa, ảnh hưởng đến sức khoẻ mẹ.
13.3 Tắc tia sữa có mủ cho con bú được không?
Tia sữa bị tắc có xuất hiện mủ thì mẹ tuyệt đối không cho con bú nữa do mủ trong các tia sữa có nhiều chất độc, chứa vi khuẩn, có thể xâm nhập vào con gây bệnh nguy hiểm.
13.4 Các biến chứng của ống dẫn sữa bị tắc là gì?
Để ống dẫn sữa bị tắc không được điều trị có thể dẫn đến viêm vú (nhiễm trùng). Các triệu chứng của bệnh viêm vú thường đến nhanh chóng và bao gồm những điều sau:
- Sốt
- Đau nhức cơ thể và ớn lạnh .
- Toàn bộ vú đỏ, sưng tấy và đau đớn.
- Đau dữ dội khi hút sữa hoặc cho con bú
14 Kết luận
Tắc tia sữa là tình trạng tắc ống dẫn sữa gây căng tức, sưng tấy, đau đớn cho người mẹ. Nếu được xử trí sớm và đúng cách thường hết sau 2-3 ngày. Tắc tia sữa thường xuyên, kéo dài, không được điều trị đúng có thể gây nên tình trạng viêm vú, áp xe vú,...
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả Ashley Marcin (Ngày đăng 27 tháng 11 năm 2019). How to Identify and Clear a Clogged Milk Duct, Healthline. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2024
- ^ Tác giả Nutchanat Munsittikul và cộng sự (Ngày đăng năm 2022). Integrated breast massage versus traditional breast massage for treatment of plugged milk duct in lactating women: a randomized controlled trial, PubMed. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2024