Bồ Công Anh (Lactuca indica L.)
171 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Asterales (Cúc) |
Họ(familia) | Asteraceae (Cúc) |
Chi(genus) | Lactuca |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Lactuca indica L. (Bồ công anh mũi mác ) |
Bồ Công Anh được biết đến là một loài hoa xinh đẹp, nhẹ nhàng. Nhưng không nhiều người biết đến các lợi ích tuyệt vời của nó đối với sức khỏe con người. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu về Bồ Công Anh trong bài viết này nhé.
1 Giới thiệu về cây Bồ Công Anh
Bồ Công Anh còn có tên gọi khác là rau Mũi cày, rau Diếp dại, rau Diếp trời, Bồ công anh nam…, mọc ở các trảng cỏ, bãi hoang ven núi, độ cao lên tới 1800m.
Cây Bồ công anh có mấy loại? Loại thường gặp ở Việt Nam là Bồ công anh mũi mác (Lactuca indica L.), họ Cúc (Asteraceae). Ngoài ra còn có Bồ công anh hoa lam hay Cải ô rô (Cichorium intybus L.), Bồ công anh lùn (Taraxacum officinale L.), Bồ công anh Trung Hoa (Taraxacum borealisinense K.), cũng đều thuộc họ Cúc. Các bạn có thể theo dõi hình ảnh cây Bồ công anh và dược liệu sau khi phơi khô trong hình dưới.
1.1 Đặc điểm thực vật
Bồ công anh Việt Nam là cây thân thảo, mọc đứng, thân nhẵn, có chiều cao 0,5-1m, lên tới 3m, mọc hàng năm hay hai năm, thân tương đối thẳng và ít phân nhánh, đôi khi có những đốm tía. Lá cây mọc so le, gần như không cuống, có hình thái đa dạng, các lá dưới thuôn, dài 30cm, rộng 5-6cm, gần như dính với gốc, xòe ra ngoài, đầu nhọn, mép có răng cưa to hoặc xẻ thùy không đều, hẹp và sâu, thùy lớn nhỏ xen kẽ nhau; còn các lá ở giữa và trên ngọn thì ngắn và hẹp dần, phiến lá gần như nguyên hoặc rất ít răng cưa, hình dải.
Hoa mọc thành cụm hình đầu ở ngọn thân và nách lá, có màu vàng, tập trung thành chùy dài và hẹp, đôi khi phân nhánh nhiều và tỏa rộng thành 2-5 đầu, mỗi đầu 8-10 hoa; các nhánh nhỏ có hoa từ gốc tới ngọn; tổng bao hình trụ, nhị 5 vòi, vòi nhụy có gai; các lá bắc ở ngoài có hình bầu dục tù còn các lá phía trong hình dải, tù nhiều ở chóp lá. Quả bế có màu đen, với mỏ trắng và hai cạnh lồi như cánh, thêm hai gờ.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Bồ công anh được thu hái vào tháng 5-7, lúc cây chưa hoặc bắt đầu có hoa, bỏ lá già, phơi hoặc sấy ở nhiệt độ thấp tới khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Bồ công anh có nguồn gốc ở phía tây Trung Quốc, có mặt phổ biến ở các tỉnh miền núi và trung du như Lào Cai, Cao Bằng, Hà Nội, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, đến Tây Nguyên. Ngoài ra, cây còn được tìm thấy ở Ấn Độ, Myanma, Lào, Campuchia, Thái Lan…
2 Thành phần hóa học
Bồ công anh chứa các thành phần sau: Nước (91,8%), protid (3,4%), glucid (1,1%), chất xơ (2,9%), tro (1,2%), caroten (3,4%mg), Vitamin C (25%mg). Chiết xuất Bồ công anh chứa 5% hợp chất phenolic, chẳng hạn như quercetin, axit caffeic, Rutin và axit chlorogenic. Ngoài ra, nhiều Flavonoid đã được phát hiện như luteolin, luteolin-7- O -glucoside, kaempferol và apigenin.
3 Tác dụng - Công dụng của Bồ công anh
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Hoạt tính chống khối u
Chiết xuất Bồ công anh thể hiện tác dụng gây độc tế bào mạnh đối với các tế bào HL-60, gây ra sự tích tụ đáng kể của các tế bào trong pha G0/G1, cho thấy đây là một tác nhân chống ung thư phụ thuộc vào chu kỳ tế bào. Ngoài ra, quá trình chết theo chương trình do chiết xuất Bồ công anh gây ra trong các tế bào HL-60 có liên quan đến việc mất điện thế màng ty thể. Trong số bốn hợp chất phenolic hoạt động, quercetin được phát hiện là có hiệu quả nhất trong việc ức chế khả năng sống của tế bào và thay đổi chức năng của ty thể.
3.1.2 Hoạt động chống oxy hóa và chống viêm
Các hợp chất phenolic trong chiết xuất Bồ công anh có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, bao gồm axit protocatechulic, methyl p -hydroxybenzoat, axit caffeic, axit 3,5-dicaffeoylquinic, luteolin 7- O -β-glucopyranoside và quercetin 3- O -β-glucopyranoside. Chiết xuất Bồ công anh có hoạt tính diệt gốc tự do đáng kể, bảo vệ hiệu quả DNA chống lại sự phân cắt sợi và giảm stress oxy hóa trong các tế bào HL-60 của bệnh bạch cầu tiền tủy bào ở người. Hơn nữa, chiết xuất thảo mộc này cũng ức chế gần như hoàn toàn quá trình sản xuất oxit nitric và biểu hiện mRNA của enzym tổng hợp oxit nitric cảm ứng, trong các tế bào RAW264.7 của đại thực bào được kích thích bằng nội độc tố vi khuẩn LPS.
Ngoài ra, dịch chiết Bồ công anh còn có tác dụng kháng khuẩn, giúp giảm cholesterol, giảm lượng đường trong máu và bảo vệ gan khỏi tổn thương.
3.2 Tác hại của cây Bồ công anh
Bồ công anh không nên sử dụng cho người có làn da nhạy cảm, dễ bị dị ứng với phấn hoa, có thể xảy ra tình trạng viêm da tiếp xúc.
3.3 Công dụng theo y học cổ truyền
Cây Bồ công anh có tính mát, vị đắng, cay, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, hoạt huyết khứ ứ.
Cây Bồ công anh trị bệnh gì? Trong đông y, cây Bồ công anh được dùng trong trị mụn nhọt, đau sưng vú, tắc tia sữa, áp xe, tràng nhạc và các tổn thương nhiễm trùng; dùng đường uống giúp chữa đau dạ dày, khó tiêu. Ngoài ra, cây còn được sử dụng để trị viêm ruột thừa, lỵ, viêm ruột, viêm gan, viêm kết mạc mắt, ứ huyết đau bụng sau sinh…
4 Các bài thuốc từ cây Bồ công anh
4.1 Trị hói đầu
Nguyên liệu: Bồ công anh 150g, đậu đen 500g.
Cách làm: Rửa sạch nguyên liệu, sắc kỹ lấy nước, thêm đường phèn rồi cô đặc lại, uống 50g/lần, 2 lần mỗi ngày.
4.2 Cách nấu nước Bồ công anh trị tắc sữa
Nguyên liệu: Bồ công anh 60g tươi.
Cách làm: Rửa sạch nguyên liệu, thêm ít muối, xay hoặc giã nhuyễn, lọc lấy phần dịch để uống, còn phần bã thì bỏ vào vải sạch đắp lên vú, có tác dụng sau 2 lần dùng.
4.3 Trị mụn nhọt
Nguyên liệu: Bồ công anh 15g, Sơn Tra 12g, Kim Ngân Hoa 15g, Chỉ Xác sao 10g, hổ trượng 12g, đại hoàng tẩm rượu 10g.
Cách làm: Một thang dùng trong một ngày, sắc lấy nước uống, chia làm hai lần uống vào sáng và tối.
Ngoài ra, cũng có thể lấy lá tươi giã nát thêm muối, uống phần nước và đắp phần bã để mụn nhọt nhanh vỡ.
4.4 Trị viêm đau dạ dày
Nguyên liệu: Bồ công anh 30g, nhục Quế 5g, Cam Thảo 6g, hoàng bá 10g, chung nhũ thạch 30g.
Cách làm: Nghiền các nguyên liệu thành bột, pha với nước để uống, mỗi lần dùng 10g, ngày dùng 3 lần.
4.5 Trị đau mắt đỏ
Nguyên liệu: Bồ công anh 40g, dành dành 12g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.6 Trị quai bị
Nguyên liệu: Bồ công anh tươi 30g.
Cách làm: Rửa sạch, giã nát, đắp lên chỗ bị sưng đau.
4.7 Trị viêm gan cấp
Nguyên liệu: Bồ công anh 20g, xa tiền tử 10g, Nhân Trần 30g, bản lam căn 15g, tử thảo 10g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang, chia làm hai lần uống là sáng và tối.
5 Các sản phẩm từ Bồ công anh
Trong y học hiện đại ngày nay, chiết xuất Bồ công anh được sử dụng chủ yếu dưới dạng uống, bao gồm Dung dịch hoặc viên uống, có thể kể đến các mục đích như:
- Bổ gan, giải độc gan.
- Điều trị bệnh dạ dày bị viêm loét, đau.
- Trị mụn nhọt, làm đẹp da.
- Trị tắc sữa, sưng đau vú, ngăn ngừa và làm chậm sự phát triển của u xơ vú.
6 Tài liệu tham khảo
1. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Bồ công anh trang 89-90, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2023.
2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Bồ công anh mũi mác trang 215-216, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2023.
3. Tác giả Sheng-Yang Wang và cộng sự (Ngày đăng 26 tháng 2 năm 2003). Antioxidant properties and phytochemical characteristics of extracts from Lactuca indica, PubMed. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2023.
4. Tác giả Yi-Hsuan Chen và cộng sự (Ngày đăng 7 tháng 3 năm 2007). Induction of apoptosis by the Lactuca indica L. in human leukemia cell line and its active components, PubMed. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2023.