Thủy Xương Bồ (Thân rễ)

0 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:

Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây Thủy Xương Bồ (Thân rễ)

Rhizoma Acori calami

Thủy xương bồ là thân rễ đã phơi hoặc sấy khô của cây Thủy Xương bồ (Acorus calamus L.), họ Xương bồ (Acoraceae). Thu hái quanh năm, tốt nhất là mùa thu. Đào lấy thân rễ, cắt bỏ lá và rễ con, ngâm trong nước sạch 24 h, thỉnh thoảng thay nước. Mùa hè cứ 6 h thay nước một lần. Vớt ra, rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 °C - 60 °C.

1 Mô tả

Dược liệu là thân rễ hình trụ dẹt, hơi cong, đường kính 0,8 đến 2 cm, gồm nhiều đốt nhỏ. Mặt ngoài màu nâu đậm hoặc có chỗ màu nâu xám, mặt dưới mang vết tích của rễ con là các mẫu nhỏ tròn hoặc vết vòng tròn nhỏ. Các đốt rõ, mỗi đốt dài 0,3 - 1,7 cm với các vết nhăn dọc, phần tiếp giáp giữa các đốt mang các mảng dạng sợi mảnh là vết tích của bẹ lá đã khô và mủn đi. Vết bẻ ngang có nhiều xơ, mặt cắt có nhiều điểm màu nâu của các tế bào chứa dầu hiện rõ. Thẻ chất cứng. Mùi thơm đặc trưng, vị cay, sau hơi tê.

2 Vi phẫu

Lớp biểu bì gồm những tế bào nhỏ, thành dày hóa gỗ. Vỏ rộng. Phần mô mềm vỏ có nhiều khuyết và các bó sợi hình tròn. Vòng nội bì rõ gồm một lớp tế bào hình chữ nhật. Sát vòng nội bì có một lớp bó libe-gỗ xếp thưa, kích thước tương tự nhau. Các tế bào chứa tinh thể calci oxalat bám sát ở bên ngoài các bó sợi. Phần mô mềm ruột có nhiều bó libe-gỗ xếp lộn xộn. Trong mô mềm ruột và vỏ rải rác có các tế bào chứa dầu và các hạt tinh bột.

3 Bột

Màu nâu nhạt, mùi thơm đặc trưng. Quan sát trên kính hiển vi thấy: Nhiều hạt tinh bột đơn hoặc kép, đường kính 3 µm đến 5 µm. Mảnh mô mềm tế bào thành mỏng, chứa tinh bột. Rải rác có mảnh mạch, sợi và tinh thể calci oxalat hình nhiều cạnh. Tế bào chứa tinh dầu màu nâu nhạt. Mảnh bần tế bào nhiều cạnh, màu nâu.

4 Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica gel F254.

 Dung môi khai triển: Cloroform.

Dung dịch thử: Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 10 ml Ethanol (TT), đun sôi hồi lưu trong cách thủy 20 min, để nguội, lọc, lấy dịch lọc chấm sắc ký.

Dung dịch đối chiếu: Lấy 2 g bột Thủy xương bồ (mẫu chuẩn), chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô ngoài không khí. Phun dung dịch acid sulfuric 10 % trong ethanol (TT). Sấy bản mỏng ở 105 °C cho đến khi hiện rõ vết. Quan sát bản mỏng dưới ánh sáng thường hoặc dưới ánh sáng tử ngoại bước sóng 366 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và tương đương về vị trí với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

5 Độ ẩm

Không quá 12,0 % (Phụ lục 12.13).

6 Tro toàn phần

Không quá 8,0 % (Phụ lục 9.8).

7 Tạp chất

Không quá 1,0 % (Phụ lục 12.11).

8 Định lượng

Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7). Hàm lượng tinh dầu không ít hơn 2,0 % tính theo được liệu khô kiệt. Dùng 500 ml nước làm dung môi cất, lấy chính xác khoảng 10 g dược liệu, 0,5 ml xylen (TT) và cất trong 2 h.

9 Chế biến

Lấy dược liệu khô, loại bỏ tạp chất, ngâm qua, ủ mềm, cắt thành phiến dày 2 - 3 mm, phơi hoặc sấy khô ở 50 °C - 60 °C thu được thủy xương bồ phiến.

Thủy xương bồ sao vàng: Tiến hành theo phương pháp so vàng (Phụ lục 12.20). Cho Thủy xương bồ phiến vào chảo, sao đều, nhỏ lửa tới khi toàn bộ bên ngoải mặt phiến có màu vàng hoặc hơi vàng. Vị thuốc sau khi sao là những phiến mỏng, cong queo, màu hơi vàng. Vị đắng, cay. Mùi thơm đặc trưng của thủy Xương bồ.

Thủy xương bồ sao cám: Đun chảo nóng già, đồ cám vào sao tới lúc bốc khói trắng, thêm Thủy xương bồ phiến, đảo đều tới khi toàn bộ bên mặt ngoài phiến có màu vàng đậm. Lấy ra để nguội, loại bỏ hết cám. 1,0 kg dược liệu dùng 0,2 kg cám gạo. Vị thuốc sau khi sao là những phiến mỏng, cong queo, màu vàng đậm. Vị đắng, cay. Mùi thơm đặc trưng của thủy Xương bồ.

Ghi chú: Sử dụng cám gạo (nếp hoặc tẻ) mới xay, màu hơi vàng nhạt, mịn, thơm.

Thủy xương bồ chích gừng: Gừng tươi rửa sạch, thái phiến, giã nát, vắt lấy nước cốt, thêm nước sạch, làm vài lần, vắt đủ 200 ml dịch gừng. Trộn đều dịch gừng với Thủy xương bồ phiến. Ủ 24 h (6 h đảo một lần), lấy ra, để khô se. Sao vàng. Cứ 1,0 kg dược liệu dùng 300 g gừng tươi. Vị thuốc sau khi sao là những phiến mỏng, cong queo, màu vàng. Vị đắng, cay. Mùi thơm nhẹ đặc trưng của thủy Xương bồ và mùi thơm của gừng.

10 Bảo quản

Để nơi khô, mát, tránh mốc mọt, tránh mắt mùi thơm.

11 Tính vị, quy kinh

Vị đắng, cay, tính ấm. Vào các kinh tâm, can, vị.

12 Công năng, chủ trị

Âm vị, khai khiếu, hóa đờm, chỉ thống, sát trùng. Chủ trị: tiêu hóa kém, thức ăn bị tích trệ, đau bụng, ỉa chảy, viêm ruột, lỵ, bạch hầu, hôn mê cấm khẩu, tim loạn nhịp. Dùng ngoài nấu nước rửa mụn nhọt.

Thủy xương bồ sao cám làm tăng tính chất quy kinh vị để trị bệnh đường tiêu hóa; thủy xương bồ chích gừng làm tăng tính chất hóa đờm để trị bệnh phế quản, tim mạch.

13 Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 3 g đến 6 g, dạng thuốc sắc, thuốc bột. Thường phối hợp với các vị thuốc khác. Dùng ngoài, lượng thích hợp.

14 Kiêng kỵ 

Âm hư hỏa vượng, hoạt tinh, ra nhiều mồ hôi không nên dùng.

Xem thêm chi tiết

Các sản phẩm có chứa Dược điển Thủy Xương Bồ (Thân rễ)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633