Tang Ký Sinh
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Dược sĩ Hương Trà Dược sĩ lâm sàng - Đại học Y Dược Thái Nguyên
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Tóm tắt nội dung
Herba Loranthi paracitici
Tầm gửi trên cây dâu những đoạn thân, cành mang lá đã phơi hay sấy khô của cây Tầm gửi [Taxillus parasitica (L.) Ban {Syn. = Scurrula parasitica L.; Loranthus scurrula L.; Loranthus parasiticus (L.) Merr.} và Taxilus chinensis (DC.) Dans. (Syn.= Loranthus chinensis DC.)], họ Tầm gửi (Loranthaceae), phần lớn sống kí sinh trên cây Dâu (Morus alba L.), họ Dâu tằm (Moraceae). Đối với Taxillus parasifica: Thu hái dược liệu về, loại bỏ tạp chất, cắt ngắn, phơi khô trong bóng râm. Với Taxillus chinensis: Thu hái vào mùa đông đến mùa xuân khi cây ra hoa, loại bỏ các thân to, cắt thành đoạn ngắn 3 - 4 cm, phơi hay sấy khô hoặc sau khi đồ sẽ phơi hay sấy khô. Taxillus chinensis ký sinh trên cây dâu hiếm gặp ở Việt Nam.
1 Mô tả
1.1 Taxillus parasitica
Những đoạn thân, cành hình trụ, dài 3 cm đến 4 cm, đường kính 0,3 cm đến 0,7 cm, có phân nhánh, những mấu lồi là vết của cành và lá. Mặt ngoài màu nâu xám, có nhiều lỗ bì nhỏ màu trắng ngà đến nâu nhạt, đôi khi có những vết nứt ngang. Chất cứng, rắn. Mặt cắt ngang thấy rõ ba phần: phần vỏ mỏng màu nâu, gỗ trắng ngà, ruột màu xám và xốp. Lá khô nhăn nhúm, nguyên hoặc bị cắt thành từng mảnh. Lá hình trái Xoan tròn, đầu và gốc phiến lá hơi nhọn, màu nâu xám, dài 3,5 cm đến 4,5 cm, rộng 2,5 cm đến 3,5 cm, cuống lá dài 0,4 cm đến 1,2 cm, gân lá hình mạng lưới.
1.2 Taxillus chinensis
Đoạn thân cành hình trụ mang lá, dài 3 cm đến 4 cm, đường kính 0,3 cm đến 0,7 cm. Mặt ngoài màu nâu đỏ hoặc nâu xám, có các rãnh nhăn dọc nhỏ và các lỗ bì nhỏ màu nâu; các cảnh non có nhiều lông mịn màu nâu sẫm. Chất cứng. Mặt bẻ không phẳng, có lớp vỏ mỏng màu nâu đỏ, gỗ màu trắng ngà. Đa số lá khô quăn lại và có cuống lá ngắn; lá nguyên phẳng hình trứng hoặc trứng dài, dài 3 - 8 cm, rộng 2 - 5 cm, màu nâu vàng sậm hay màu lục sẫm, đỉnh lá tù tròn, gốc lá tròn hoặc kéo dài, mép lá nguyên; chất dai, mùi nhẹ, vị nhạt hơi chát.
2 Vi phẫu (Taxillus parasitica)
2.1 Thân
Lớp bần gồm nhiều hàng tế bào nhỏ màu nâu, hình chữ nhật, mặt ngoài có những lỗ bì rải rác nổi lên. Mô mềm vỏ hẹp, tế bào to hơn tế bào bần và hơi kéo dài theo hướng tiếp tuyến. Có những đám sợi hình dạng không cố định làm thành một vòng quanh mô mềm vỏ và chứa tinh thể calci oxalat hình khối chữ nhật. Libe hẹp, bị tia ruột cắt ra thành từng đám xếp trước bó gỗ. Phần gỗ rất rộng, bị tia ruột chia thành từng bó, mạch gỗ thưa, mô mềm gỗ hóa gỗ rõ rệt. Tia ruột thường có 2 đến 4 dãy tế bào. Phần mô mềm ruột gồm các tế bào hình đa giác hoặc hơi tròn, to, rải rác có những đám sợi chứa tinh thể calci oxalat.
2.2 Lá
Tầng cutin tương đối dày. Biểu bì ít thấy lỗ khí. Mô mềm thịt lá chỉ có một loại tế bào hình đa giác. Mô mềm gân giữa lá tế bào hình đa giác, to nhỏ không đều. Libe-gỗ có khi rải thành hình cung, có khi thành bó. Nhiều đám sợi rải rác trong mô mềm gân lá, có khi xen vào bó libe-gỗ, chứa tinh thể calci oxalat hình cầu gai.
3 Bột (Taxillus parasitica)
Bột màu nâu, không mùi, vị nhạt. Quan sát trên kính hiển vi thấy: Các mảnh bần, mảnh biểu bì chứa lỗ khí, các lỗ khí có kích thước khoảng 25 µm theo chiều dọc. Lông che chở hình sao. Mảnh mô mềm gồm những tế bào to, thành mỏng. Mảnh phiến lá; tế bào mô cứng thành dày có chứa tinh thể calci oxalat. Sợi riêng lẻ hay tập trung thành từng đám. Mảnh mạch điểm, mạch vạch, mạch vòng. Tinh thể calci oxalat hình khối thường hơi vuông kích thước khoảng 29 µm. Hạt tinh bột tròn đường kính khoảng 20 µm rốn hạt là một điểm hoặc phân nhánh; đôi khi có hạt phấn 3 cạnh.
4 Định tính
A. Lấy 2 g bột dược liệu vào bình nón, thêm 20 ml Ethanol 90 % (TT), đun trong cách thủy 30 min, lọc nóng, bay hơi dịch lọc đến còn 3 ml, dùng dịch lọc này làm các phản ứng sau: Lấy 1 ml dịch lọc vào ống nghiệm, thêm khoảng 0,05 g bột magnesi (TT và 5 giọt acid hydrocloric (TT), lắc đều, để yên 5 min đến 10 min, xuất hiện màu hồng đỏ.
Lấy 1 ml dịch lọc vào ống nghiệm, thêm 2 giọt dung dịch Sắt (TT) clorid 5 % (TT) xuất hiện tủa xanh đen.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel GF254 (1 - 10 µm).
Dung môi khai triển: Ethyl acetat - butan-2-on - acid formic - nước (24 : 3,6 : 1,5 : 0,9).
Dung dịch thử: Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 15 ml methanol 50 % (TT), lắc siêu âm 30 min, lọc, lấy dịch lọc chấm sắc ký.
Dung dịch dược liệu đối chiếu: Lấy 1,8 bột Tang Ký Sinh (mẫu chuẩn của mỗi loài), tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Dung dịch chất đối chiếu: Hòa tan quercitrin chuẩn trong methanol (TT) để thu được dung dịch nồng độ 0,1 mg/ml.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký cho đến khi dung môi đi được khoảng 8 cm, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, sau đó sấy bản mỏng ở 110 °C trong 5 min. Phun dung dịch 2-aminoethyl diphenylborinat (TT) 1 % trong methanol (TT), sau đó phun ngay dung dịch polyethylen glycol 400 (TT) nồng độ 5 % trong methanol (TT). Để khô bản mỏng, quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và tương đương về vị trí với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch dược liệu đối chiếu và có một vết màu vàng đậm cùng màu sắc và tương đương về vị trí với vết của quercitrin trên sắc ký đồ của dung dịch chất đối chiếu.
5 Độ ẩm
Không quá 13,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 105 °C, 5 h).
6 Tro toàn phần
Không quá 7,0 % đối với T.chinenis (Phụ lục 9.8).
7 Tro không tan trong acid
Không quá 0,5 % đối với T.chinenis (Phụ lục 9.7).
8 Tạp chất
Không quá 3,0 % đối với T.parasitica và không quá 1,0 % đối với T.chinenis (Phụ lục 12.11).
9 Chất chiết được trong dược liệu
Không ít hơn 14,0 % đối với T.chinensis và không ít hơn 10,0 % với T.parasirica, tính theo dược liệu khô kiệt. Tiến hành theo phương pháp chiết lạnh (Phụ lục 12.10), dùng ethanol 70 % (TT) làm dung môi.
10 Kiểm tra phản ứng glycosid tim
Lấy 10 g bột dược liệu, thêm 50 ml ethanol 80 % (TT), đun sôi hồi lưu trong, cách thủy 30 min, lọc, bay hơi dịch lọc trên cách thủy đến cắn. Hòa cắn trong 10 ml nước nóng, lọc. Lắc dịch lọc với diethyl ether (TT) 4 lần, mỗi lần 15 ml, loại bỏ lớp ether, chuyển dịch chiết nước vào ống ly tâm, thêm vào dịch chiết nước một lượng dung dịch chì acetat bão hòa (TT) cho đến tủa hoàn toàn, ly tâm để tách tủa [kiểm tra khả năng tạo tủa hoàn toàn bằng cách tiếp tục nhỏ dung dịch chì acetat (TT) bão hòa vào dịch ly tâm bên trên đến khi không còn xuất hiện tủa], lọc lấy dịch. Chuyển dịch lọc vào ống ly tâm khác, thêm 10 ml ethanol (TT) và một lượng dung dịch natri sulfat (TT) bão hòa để loại ion chì, ly tâm để tách tủa [kiểm tra bằng cách tiếp tục nhỏ dung dịch natri sulfat (TT) bão hòa vào lớp dịch ly tâm bên trên đến khi không còn xuất hiện tủa], lọc lấy dịch. Chiết dịch lọc 3 lần với dicloromethan (TT), mỗi lần 15 ml. Gộp dịch chiết dicloromethan, bay hơi dịch thu được trên cách thủy đến 1 ml, nhỏ 1 giọt lên giấy lọc, để khô trong không khí. Nhỏ dung dịch acid 3,5-dinitrobenzoic - kiềm (xem cách pha dưới đây) lên vết đã khô trên giấy lọc. Không được xuất hiện màu đỏ tím.
Dung dịch acid 3,5-dinitrobenzoic - kiềm: Hòa tan 1 g acid 3,5-dinitrobenzoic (TT) trong 100 ml ethanol (TT). Hòa tan 4,3 g natri hydroxyd (TT) trong 100 ml nước. Lấy 1 ml mỗi dung dịch trên, trộn đều.
Ghi chú: Các loài Taxillus có chứa glycosid tim khi ký sinh trên cây Trúc Đào không phải ký sinh trên cây dâu.
11 Chế biến
Khi dùng có thể sao qua hoặc tẩm rượu sao (Phụ lục 12.20).
12 Bảo quản
Để nơi khô mát, tránh mốc, mọt.
13 Tính vị, quy kinh
Vị đắng, tính bình. Vào các kinh can, thận.
14 Công năng, chủ trị
Bổ can thận, mạnh gân xương, thông kinh lạc, an thai. Chủ trị: Đau lưng, nhức xương khớp, đau thần kinh ngoại biên; phụ nữ động thai, ít sữa sau khi đẻ.
15 Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng từ 12 g đến 20 g, dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.