Nút cao su dùng cho chai đựng thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền

Ước tính: 6 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nút Cao Su dùng cho chai đựng thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền - Dược Điển Việt Nam 5

Nút cao su dùng cho chai, lọ đựng các chế phẩm thuốc tiêm nước, bột hay bột đông khô, được làm từ các nguyên liệu thu được bằng cách lưu hóa các chất hữu cơ cao phân tử có tính đàn hồi, có nguồn gốc thiên nhiên hay tổng hợp, với các chất phụ gia thích hợp (chất lưu hóa, chất tăng tốc độ lưu hóa, chất ổn định, chất màu...).

Nút cao su được dùng cho nhiều chế phẩm thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền khác nhau, đòi hỏi nút có những tính chất khác nhau. Việc lựa chọn nút cao su cho một chế phẩm thuốc cần đảm bảo trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với thuốc, nút cao su không hấp phụ các thành phần của thuốc, cũng như không nhả tạp chất vào thuốc, với mức có thể làm biến đổi chất lượng thuốc hoặc gây độc hại. Nút cao su phải không cho các chất thấm qua vào thuốc làm ảnh hưởng đến chất lượng thuốc, có độ đàn hồi tốt, đảm bảo nút chặt khít miệng chai, lọ, cho phép kim tiêm xuyên qua mà không rơi ra các mảnh vụn, khi rút kim ra, lỗ thủng phải tự bít kín ngay để không gây ô nhiễm thuốc. Nút phải ổn định trong suốt thời gian bảo quản và sử dụng. Nút cao su phải không gây tương kỵ với thuốc chứa bên trong.

Nút cao su có thể được phân thành 2 loại:

Loại I: Đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt nhất và được ưa dùng.

Loại II: Là loại có các tính chất cơ học phù hợp cho các trường hợp sử dụng đặc biệt (ví dụ như loại dùng cho nhiều liều, chọc chai nhiều lần). Do cấu tạo thành phần hóa học mà nút loại II không thể đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt như loại I.

1 Tính chất

Nút cao su là loại nút đàn hồi, trong mờ hoặc đục mờ, màu phụ thuộc vào thành phần các chất có trong nút. Nút phải đồng nhất và không có các vật lạ ngẫu nhiên rơi vào thuốc như sợi, tiểu phân lạ hay mảnh vụn cao su. Nút cao su phải không tan trong tetrahydrofuran nhưng có thể trương nở.

2 Độ bền của nút khi đâm kim

Đối với phép thử độ bền của nút khi đâm kim, khả năng tự bịt kín lỗ đâm kim, nút được xử lý như xử lý nút ở phần chuẩn bị dịch chiết, sau đó làm khô nút.

Đối với nút thiết kế đâm qua bằng kim tiêm dưới da, tiến hành như sau: Lấy 12 chai đã rửa sạch, sấy khô. Cho vào mỗi chai một thể tích nước bằng dung tích danh định bớt đi 4 ml. Đậy chai bằng nút cần kiểm tra. Đóng nắp nhôm bên ngoài và để yên trong 16 giờ. Dùng kim tiêm dưới da đã được bôi trơn có mũi kim nhọn vát một góc 12° ± 2°, đường kính ngoài 0,8 mm, dài 40 mm, gắn vào một bơm tiêm sạch. Đâm kim xuyên qua nút chai, bơm vào chai 1 ml nước và hút ra 1 ml không khí. Tiến hành 4 lần trên mỗi nút chai, mỗi lần đâm ở một vị trí khác nhau. Mỗi kim chỉ sử dụng cho một nút. Nếu kim bị cùn phải thay kim mới. Lọc nước trong chai qua màng có lỗ lọc khoảng 0,45 μm. Đếm các mảnh cao su có thể nhìn thấy bằng mắt thường đã rơi ra. Tổng số mảnh cao su đếm được ở 12 chai không được quá 5.

3 Độ bền của nút khi tiệt khuẩn

Cho nước vào chai sạch với thể tích bằng khoảng 2/3 dung tích, đậy bằng nút cần kiểm tra, đóng nắp nhôm bên ngoài. Sau khi hấp ở 121 °C ± 2 °C trong 20 phút, nút không được biến dạng hay chảy dính.

4 Độ kín của nút

Cho nước theo đúng dung tích vào 5 chai. Đậy chai bằng nút cần thử. Đóng nắp nhôm bên ngoài. Hấp ở 121 °C ± 2 °C trong 30 phút. Nhúng chìm các chai vào dung dịch xanh methylen 0,1 % (TT) trong 1 giờ ở áp suất 650 mmHg. Khi áp suất trở lại bình thường, dung dịch không được thấm vào bên trong chai.

5 Khả năng tự bịt kín lỗ đâm kim

Phép thử này chỉ áp dụng với nút cao su dùng cho chế phẩm thuốc tiêm đóng nhiều liều.

Cho nước theo đúng thể tích danh định vào 10 chai. Đậy chai bằng nút cần thử. Đóng nắp nhôm bên ngoài. Dùng kim tiêm có đường kính ngoài 0,8 mm, dài 40 mm, đâm xuyên qua nút, tiến hành 10 lần trên mỗi nút chai, mỗi lần đâm ở một vị trí khác nhau. Mỗi nút dùng một kim tiêm mới. Xếp chai theo chiều thẳng đứng, chìm trong dung dịch xanh methylen 0,1 % (TT). Giảm áp suất bên ngoài tới 27 kPa trong 10 phút. Trả lại áp suất khí quyển nhưng vẫn để chai chìm trong đó 30 phút. Rửa sạch bên ngoài chai. Không có chai nào có vết dung dịch màu.

6 Giới hạn Sulfid dễ bay hơi

Cho nút (có thể cắt nếu cần) với diện tích bề mặt 20 cm² ± 2 cm² vào bình nón dung tích 100 ml và thêm 50 ml dung dịch acid citric 2 %. Đặt giấy tẩm chì acetate lên trên miệng bình và giữ giấy bằng cách úp một cốc thủy tinh lên miệng bình. Hấp ở 121 °C ± 2 °C trong 30 phút, màu đen hiện lên không được đậm hơn màu của mẫu chuẩn (gồm 0,154 mg natri sulfide (TT) và 50 ml dung dịch acid citric (TT) 2 %), thực hiện giống như mẫu thử trong cùng thời gian.

7 Các phép thử đối với dịch chiết

Chuẩn bị dịch chiết (mẫu thử):

Lấy một số nút cao su tương ứng với diện tích bề mặt 100 cm² cho vào bình thủy tinh, thêm nước cất ngập nút, đun sôi 5 phút rồi đem rửa lại nút 5 lần bằng nước cất nguội. Cho các nút đã rửa sạch vào bình thủy tinh trung tính (thủy tinh loại I) có miệng rộng, thêm 200 ml nước cất và cân bình. Đậy bình bằng một cốc thủy tinh trung tính hoặc giấy nhôm đã rửa sạch. Cho vào nồi hấp và nâng nhiệt độ đến 121 °C ± 2 °C trong thời gian từ 20 phút đến 30 phút và duy trì ở nhiệt độ này trong 30 phút. Để nguội đến nhiệt độ phòng trong khoảng 30 phút. Thêm nước đến bằng khối lượng ban đầu, lắc đều và gạn ngay lấy phần dung dịch bên trên (dung dịch A). Lắc dung dịch A trước khi thực hiện mỗi phép thử.

Mẫu trắng:

Cho 200 ml nước cất vào một bình thủy tinh trung tính (thủy tinh loại I) và thực hiện các bước tiếp theo trong cùng điều kiện như khi chuẩn bị mẫu thử.

7.1 Độ đục của dịch chiết từ nút

Dung dịch A không được đục hơn hỗn dịch đối chiếu II (với nút loại I) và hỗn dịch đối chiếu III (với nút loại II) (Phụ lục 9.2).

7.2 Màu sắc của dịch chiết từ nút

Dung dịch A không được có màu đậm hơn màu của dung dịch VL-5 (Phụ lục 9.3).

7.3 Giới hạn acid - kiềm:

Cho 20 ml dung dịch A vào bình nón, thêm 0,1 ml dung dịch xanh bromothymol (TP). Dung dịch phải chuyển sang màu xanh khi thêm không quá 0,3 ml dung dịch natri hydroxyd 0,01 M (CĐ) hoặc dung dịch phải chuyển sang màu vàng khi thêm không quá 0,8 ml dung dịch acid hydrochloric 0,01 M (CĐ).

7.4 Giới hạn kim loại nặng:

Không được quá 2 phần triệu (Phụ lục 9.4.8).

Lấy 12 ml dung dịch A cho vào ống nghiệm, thêm 2 ml dung dịch đệm acetate pH 3,5 (TT), lắc đều. Thêm 1,2 ml dung dịch thiourea (TT). Để yên trong 2 phút. Màu tạo thành không được đậm hơn mẫu chuẩn làm trong cùng điều kiện được chuẩn bị bằng cách thay 12 ml dung dịch A bằng 10 ml dung dịch chì mẫu 2 phần triệu Pb (TT) và 2 ml dung dịch A.

7.5 Giới hạn chất khử:

Lấy 20 ml dung dịch A (mới được điều chế trong vòng 4 giờ), thêm 1 ml dung dịch acid sulfuric 1 M (CĐ) và 20 ml dung dịch Kali permanganat 0,002 M (CĐ). Đun sôi 3 phút. Làm nguội. Thêm 1 g Kali iodid (77) và chuẩn độ ngay bằng dung dịch natri thiosulfat 0,01 M (CĐ), chỉ thị là tinh bột.

Tiến hành song song với 20 ml mẫu trắng. Thể tích dung dịch natri thiosulfat 0,01 M (CĐ) sử dụng cho mẫu thử so với mẫu trắng không được vượt quá 3 ml (với nút loại I) và 7 ml (với nút loại II).

7.6 Giới hạn cân khô:

Làm bay hơi bằng cách thủy phân 50 ml dung dịch A đến khô, sấy cẩn thận ở 100 °C đến 105 °C đến khối lượng không đổi. Lượng cân khô không được quá 2 mg (với nút loại I) và 4 mg (với nút loại II).

7.7 Giới hạn amoni:

Kiểm tra 5 ml dung dịch A bằng dung dịch natri hydroxyd 2 M (CĐ), pha loãng bằng nước cất đến 15 ml, thêm 0,3 ml thuốc thử Nessler (TT), để yên 30 giây. Màu tạo thành không được đậm hơn màu chuẩn. Màu chuẩn gồm 10 ml dung dịch chuẩn amoni 1 phần triệu NH4 (TT), một thể tích dung dịch natri hydroxyd 2 M (TT) bằng thể tích đã cho vào mẫu thử, thêm nước đến 15 ml và 0,3 ml thuốc thử Nessler (TT).

7.8 Độ hấp thụ ánh sáng:

Lấy dung dịch A (mới được điều chế trong vòng 5 giờ), lọc qua màng có lỗ lọc 0,45 μm, bỏ đi vài ml dịch lọc đầu. Đo độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dịch lọc trong dải bước sóng từ 220 nm đến 360 nm, dùng nước cất làm mẫu trắng để hiệu chuẩn. Độ hấp thụ ánh sáng không được vượt quá 0,2 (loại I) và 0,4 (loại II).

7.9 Giới hạn kẽm hòa tan:

Không được quá 5 μg Kẽm trong 1 ml dung dịch A. Xác định bằng phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử (Phụ lục 4.4).

Dung dịch thử: Lấy 10 ml dung dịch A cho vào bình định mức 100 ml, thêm dung dịch acid hydrochloric 0,1 M (TT) đến vạch, lắc đều.

Dịch dung dịch chuẩn: Chuẩn bị dịch dung dịch chuẩn bằng cách dùng dung dịch kẽm mẫu 10 phần triệu Zn (TT) pha loãng với dung dịch acid hydrochloric 0,1 M (TT).

Bước sóng: 213,9 nm.

Nguồn sáng: Đèn cathod rỗng kẽm.

Ngọn lửa: Không khí - acetylene.


Nút cao su dùng cho chai đựng thuốc tiêm và thuốc tiêm truyền - Dược Điển Việt Nam 5 bản bổ sung

Nút cao su dùng cho đồ đựng các chế phẩm thuốc tiêm nước, bột, hay bột đông khô là những chất đàn hồi được làm từ các nguyên liệu thu được bằng cách lưu hóa các chất hữu cơ cao phân tử, có nguồn gốc thiên nhiên hay tổng hợp, với các chất phụ gia thích hợp (chất lưu hóa, chất tăng tốc độ lưu hóa, chất ổn định, chất màu).

Các loại nút cao su gồm: Nút chai, lọ; gioăng và nút cho cartridge, mũ che các đầu nối, nút cho pit tông của xy lanh.

Việc lựa chọn các thành phần chính và các chất phụ gia khác nhau phụ thuộc vào các đặc tính cần thiết cho sản phẩm trong đồ đựng. Các chỉ tiêu chất lượng áp dụng cho các nút cao su được làm hoàn toàn bằng cao su, nút được bọc, nút hai lớp và nút được bôi trơn. Nút được bọc bao gồm một khối cao su, mang trên toàn bộ hoặc một phần bề mặt của nút một lớp polymer khác. Nút hai lớp bao gồm 2 lớp cao su khác nhau, lớp có độ tinh khiết hóa học cao hơn được tiếp xúc với chế phẩm thuốc, lớp còn lại có độ đàn hồi cao hơn để cải thiện khả năng tự đóng kín và chống phân mảnh của nút. Nút cao su được bôi trơn là nút được xử lý bằng dầu Silicon hoặc các chất bôi trơn khác.

Nút cao su được dùng cho các chế phẩm thuốc tiêm, thuốc tiêm truyền khác nhau, đòi hỏi nút có những đặc tính khác nhau. Việc lựa chọn nút cao su cho một chế phẩm thuốc cần đảm bảo để trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với thuốc, nút cao su không hấp phụ các thành phần của thuốc, cũng như không đưa (giải phóng) tạp chất vào thuốc, với mức có thể làm biến đổi chất lượng thuốc hoặc gây độc hại. Nút cao su phải có khả năng ngăn các chất xâm nhập vào thuốc làm ảnh hưởng đến chất lượng thuốc, có độ đàn hồi tốt, đảm bảo nút chặt khít miệng chai, lọ, cho phép kim tiêm xuyên qua mà không rơi ra các mảnh vụn cao su, khi rút kim ra lỗ thủng phải tự bít kín ngay để không gây ô nhiễm thuốc, nút phải duy trì tính ổn định trong suốt thời gian bảo quản và sử dụng. Nút cao su phải không gây tương kỵ với thuốc chứa bên trong.

Nút cao su có thể được phân thành 2 loại:

Loại I: Đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt nhất và được ưa dùng.

Loại II: Là loại có các tính chất cơ học phù hợp cho các trường hợp sử dụng đặc biệt (ví dụ như loại dùng cho đồ đựng nhiều liều, chọc nút nhiều lần), do cấu tạo thành phần hóa học mà nút loại II không thể đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt như loại I.

Nhà sản xuất dược phẩm phải yêu cầu nhà cung cấp đồ đựng đảm bảo không thay đổi thành phần của đồ đựng sẽ cung cấp so với đồ đựng được thử nghiệm đánh giá về tính tương hợp với sản phẩm. Nếu nhà cung cấp đồ đựng thông báo có thay đổi thành phần sản xuất đồ đựng thì phải thực hiện đánh giá nguy cơ bằng cách lặp lại toàn bộ hoặc một phần các thử nghiệm đánh giá tính tương hợp, phụ thuộc vào sự thay đổi.

Nút cao su được rửa sạch và có thể được tiệt khuẩn trước khi dùng.

8 Tính chất

Nút cao su có tính chất đàn hồi, trong mờ hoặc đục mờ, màu phụ thuộc vào thành phần các chất phụ gia có trong nút. Nút phải đồng nhất và không có ba via và các vật lạ ngẫu nhiên như sợi, tiểu phân lạ hay mảnh vụn cao su. Nút cao su phải không tan trong tetrahydrofuran nhưng có thể xảy ra sự trương nở thuận nghịch đáng kể.

9 Định tính

Các chỉ tiêu định tính sau đây không nhằm mục đích định tính loại cao su được sử dụng để làm nút đồ đựng mà chỉ nhằm phân biệt giữa nút đồ đựng được làm từ cao su với nút từ cao su silicon hoặc từ các chất dẻo khác. Những phép thử định tính khác có thể được thực hiện với mục đích phát hiện sự khác biệt giữa lô sản xuất so với lô đã dùng trong phép thử tính tương hợp.

Một hoặc nhiều phương pháp phân tích có thể được áp dụng cho mục đích này như: Xác định tỷ trọng tương đối, tro sulfat, hàm lượng Lưu Huỳnh, sắc ký lớp mỏng dịch chiết, phổ hấp thụ tử ngoại của dịch chiết, phổ hấp thụ hồng ngoại của sản phẩm phân hủy bởi nhiệt hoặc đo phổ hồng ngoại bằng phản xạ toàn phần suy giảm.

A. Phổ hấp thụ hồng ngoại (Phụ lục 4.2). Dùng máy quang phổ hồng ngoại chuyển dạng Fourier (FTIR). Ghi phổ bằng phản xạ toàn phần suy giảm (ATR).

Nếu cần thiết, cắt mẫu cần kiểm tra theo chiều dọc và kiểm tra mặt cắt. Đối với nút được bọc, nút hai lớp hoặc nút được bôi trơn, thực hiện phép thử cho từng phần khác nhau của nút. Không thực hiện yêu cầu này đối với dầu silicon được sử dụng để bôi trơn. Định tính dầu silicon được thực hiện trước khi đo phổ hồng ngoại mẫu nút được kiểm tra. So sánh phổ thu được với phổ của mẫu điển hình (mẫu tham chiếu). Nếu không thể ghi phổ ATR trực tiếp trên bề mặt (với loại nút nhuộm đen bằng than), làm nóng một lượng thích hợp (1 - 2 g) mẫu nút cần kiểm tra trong ống nghiệm chịu nhiệt trên ngọn lửa để làm khô mẫu và tiếp tục đun đến khi hơi của sản phẩm nhiệt phân ngưng tụ ở gần miệng ống nghiệm. Đo phổ ATR của sản phẩm phân hủy và so sánh phổ thu được với phổ của sản phẩm phân hủy của mẫu tham chiếu được thực hiện theo cách thức tương tự

B. Tro toàn phần (Phụ lục 9.8, phương pháp 2).

Nếu mẫu nút cần kiểm tra không cần phải tiệt trùng ẩm thì không cần làm khô ở 100 - 105 °C. Xác định hàm lượng phần trăm tro toàn phần của mẫu cần kiểm tra và so sánh với hàm lượng tro toàn phần của mẫu điển hình (Ao). Giới hạn chỉ tiêu tro toàn phần của mẫu cần kiểm tra phải trong phạm vi quy định trong Bảng 17.5.1, phụ thuộc vào hàm lượng tro toàn phần của mẫu điển hình hoặc phải nằm trong phạm vi được quy định cho một loại cao su.

Bảng 17.5.1 - Giới hạn tro toàn phần

Hàm lượng tro toàn phần của mẫu điển hình, Ao (%)Giới hạn đối với tro toàn phần của mẫu cần kiểm tra
Ao 5,0(Ao - 0,75) đến (Ao + 0,75)
5,0 < Ao ≤10(Ao - 1,0) đến (Ao + 1,0)
Ao > 10(Ao - 2,0) đến (Ao + 2,0)

Sử dụng chén nung là silica hay platin được chỉ ra trong chuyên luận chung. Chén sứ cũng có thể được sử dụng. Có thể nung mẫu bằng lò vi sóng thay cho lò nung.

10 Các phép thử đối với dịch chiết

Dung dịch S

Lấy một số nút cao su nguyên vẹn tương ứng với diện tích bề mặt khoảng 100 cm² cho vào bình thủy tinh miệng rộng (thủy tinh loại I), thêm 200 ml nước và cân. Đậy miệng bình bằng 01 cốc thủy tinh borosilicat. Cho vào nồi hấp và gia nhiệt, đảm bảo nhiệt độ đạt được 121 °C ± 2 °C trong thời gian từ 20 min đến 30 min và duy trì ở nhiệt độ này trong 30 min. Để nguội đến nhiệt độ phòng trong khoảng 30 min. Cân và bù nước để bằng khối lượng ban đầu. Lắc đều và gạn ngay lấy phần dung dịch được dung dịch S. Lắc dung dịch S trước khi thực hiện mỗi phép thử. Nếu sử dụng một bình thủy tinh (thủy tinh loại I) có nút đậy chặt thay cho bình thủy tinh miệng rộng đậy bằng cốc thủy tinh thì không cần thiết phải bù nước để được khối lượng ban đầu.

Mẫu trắng:

Thực hiện theo cách tương tự và trong cùng điều kiện như khi chuẩn bị mẫu thử, sử dụng 200 mL nước thay cho mẫu thử.

Độ trong và màu sắc

Dung dịch S không được có màu đậm hơn màu của dung dịch VL₇ (Phụ lục 9.3, phương pháp 2). Dung dịch S không được đục hơn hỗn dịch đối chiếu II (với nút loại I) và hỗn dịch đối chiếu III (với nút loại II) (Phụ lục 9.2). Trong trường hợp đo độ đục thì giới hạn của nút loại I là 6 NTU và của nút loại II là 18 NTU.

Giới hạn acid - kiềm

Cho 20 ml dung dịch S vào bình nón, thêm 0,1 ml dung dịch xanh bromothymol (TT) và tiến hành chuẩn độ. Song song tiến hành với mẫu trắng. Dung dịch phải chuyển sang màu xanh lam khi thêm không quá 0,3 ml dung dịch natri hydroxyd 0,01 N (CĐ) hoặc dung dịch phải chuyển sang màu vàng khi thêm không quá 0,8 ml dung dịch acid hydrocloric 0,01 N (CĐ). Nếu sau khi thêm chỉ thị, dung dịch thu được có màu xanh lục thì đã ở trạng thái trung tính và không cần sự chuẩn độ như trên.

Độ hấp thụ ánh sáng

Thực hiện phép thử trong vòng 5 h sau khi chuẩn bị dung dịch S. Lọc dung dịch S qua màng lọc 0,45 µm, bỏ vài mililít dịch lọc đầu. Đo độ hấp thụ của dịch lọc thu được (Phụ lục 4.1) trong khoảng bước sóng 220 nm đến 360 nm. Sử dụng mẫu trắng trong mục Dung dịch S làm mẫu trắng trong phép đo. Độ hấp thụ ánh sáng không được vượt quá 0,2 (nút loại I) và 0,4 (nút loại II).

Kim loại nặng

Không được quá 2 phần triệu (Phụ lục 9.4.8).

Dùng dung dịch S để thử theo phương pháp 1. Dùng dung dịch chì mẫu 2 phần triệu Pb (TT) để chuẩn bị mẫu đối chiếu.

Chất khử

Thực hiện phép thử trong vòng 4 h sau khi chuẩn bị dung dịch S. Lấy 20,0 ml dung dịch S, thêm 1 ml dung dịch acid sulfuric 1 M (TT) và 20,0 ml dung dịch kali permanganat 0,01 N (CĐ). Đun sôi 3 min. Làm nguội. Thêm 1 g kali iodid (TT) và chuẩn độ ngay bằng dung dịch natri thiosulfat 0,01 N (CĐ), dùng 0,25 ml dung dịch hồ tinh bột làm chỉ thị. Tiến hành song song với 20,0 ml mẫu trắng.

Chênh lệch thể tích dung dịch natri thiosulfat 0,01 N (CĐ) sử dụng cho mẫu thử và mẫu trắng không được vượt quá 3,0 ml (với nút loại I) và 7,0 ml (với nút loại II).

Cắn sau khi bay hơi

Làm bay hơi trên cách thủy 50,0 ml dung dịch S đến khô, sấy cân ở 100 °C đến 105 °C đến khối lượng không đổi. Lượng cắn thu được không được quá 2,0 mg (với nút loại I) và 4 mg (với nút loại II).

Giới hạn amoni

Không được quá 2 phần triệu (Phụ lục 9.4.1).

Pha loãng 5 ml dung dịch S thành 14 ml với nước và tiến hành thử theo phương pháp A.

Kẽm

Không được quá 5 µg kẽm trong 1 ml dung dịch S.

Xác định bằng phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử (Phụ lục 4.4).

Dung dịch thử: Dùng dung dịch S. Nếu kết quả nằm ngoài phạm vi được hiệu chuẩn thì pha loãng 10,0 ml dung dịch S trong bình định mức thích hợp bằng dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT).

Dãy dung dịch chuẩn: Chuẩn bị dãy dung dịch chuẩn bằng cách pha loãng dung dịch kẽm mẫu 10 phần triệu Zn (TT) với dung dịch acid hydrocloric 0,1 M (TT).

Bước sóng: 213,9 nm.

Nguồn sáng: Đèn cathod rỗng kẽm.

Ngọn lửa: Không khí - acetylen

11 Sulfid dễ bay hơi

Cho nút (có thể cắt nếu cần) với tổng diện tích bề mặt 20 cm² ± 2 cm² vào bình nón dung tích 100 ml và thêm 30 ml dung dịch acid citric monohydrat (TT) 2 %. Đặt giấy tẩm chì acetat lên trên miệng bình và giữ giấy bằng cách úp một cốc thủy tinh lên trên. Hấp ở 121 °C ± 2 °C trong 30 min, vết màu đen hiện lên trên giấy không được đậm hơn màu của mẫu chuẩn được chuẩn bị trong cùng thời gian và điều kiện như mẫu thử bằng cách trộn đều 50 ml dung dịch acid citric monohydrat (TT) 2 % và 5,0 ml dung dịch natri sulfid (TT) 0,0308 g/L mới pha.

12 Phép thử Khả năng cho đâm xuyên của nút, Độ bền của nút khi đâm kim, Khả năng tự bịt kín lỗ kim đâm

Thực hiện trên các nút còn nguyên vẹn.

Xử lý nút như đã mô tả ở phần chuẩn bị dung dịch S, sau đó để khô. Khi tiến hành 3 phép thử này, mỗi lần thử trên một nút dùng một kim tiêm dưới da mới; kim tiêm được bôi trơn có mũi kim vát dài (góc vát 12° ± 2°) với đường kính ngoài 0,8 mm, đầu kim vuông góc với bề mặt nút, dùng lực xuyên kim qua các nút mà không xoay kim.

Khả năng cho đâm xuyên của nút

Cho nước theo đúng thể tích danh định vào 10 chai. Đậy chai bằng nút cần kiểm tra. Đóng nắp nhôm bên ngoài. Lực cần thiết cho mỗi lần đâm xuyên, được xác định với độ chính xác ± 0,25 N, không lớn hơn 10 N cho mỗi nút.

Độ bền của nút khi đâm kim

Nút dùng cho đồ đựng thuốc tiêm dạng lỏng: Lấy 12 chai sạch. Cho vào mỗi chai một lượng nước ít hơn 4 ml so với thể tích danh định.

Nút dùng cho đồ đựng thuốc tiêm dạng lỏng: Lấy 12 chai đã rửa sạch, sấy khô. Cho vào mỗi chai một lượng nước ít hơn 4 ml so với thể tích danh định. Đậy chai bằng nút cần kiểm tra. Đóng nắp nhôm bên ngoài và để yên trong 16 h.

Nút dùng cho đồ đựng thuốc tiêm dạng bột khô: Lấy 12 chai, đậy chai bằng nút cần kiểm tra.

Dùng kim tiêm dưới da gắn vào một bơm tiêm sạch. Đâm kim xuyên qua nút chai, bơm vào chai 1 ml nước và hút ra 1 ml không khí. Tiến hành 4 lần trên mỗi nút chai, mỗi lần đâm ở một vị trí khác nhau. Mỗi kim chỉ sử dụng cho một nút. Nếu kim bị cùn phải thay kim mới. Lọc nước ở trong chai qua màng có lỗ lọc khoảng 0,5 µm. Đếm các mảnh cao su có thể quan sát bằng mắt thường đã rơi ra. Tổng số mảnh cao su đếm được ở 12 chai không được quá 5.

Giới hạn này dựa trên giả định rằng các mảnh có đường kính bằng hoặc lớn hơn 50 µm có thể nhìn thấy bằng mắt thường; trong trường hợp nghi ngờ hoặc chưa rõ ràng, các mảnh được kiểm tra với kính hiển vi để xác minh bản chất và kích thước của các mảnh.

Khả năng tự bịt kín lỗ đâm kim

Phép thử này chỉ áp dụng với nút cao su dùng cho chế phẩm thuốc tiêm đóng đa liều.

Cho nước theo đúng thể tích danh định vào 10 chai. Đậy chai bằng nút cần kiểm tra. Đóng nắp nhôm bên ngoài. Dùng kim tiêm dưới da đâm xuyên qua nút, tiến hành 10 lần trên mỗi nút chai, mỗi lần đâm ở một vị trí khác nhau. Mỗi nút dùng một kim tiêm mới. Xếp chai theo chiều thẳng đứng, nhúng ngập trong dung dịch xanh methylen 0,1 % (TT). Giảm áp suất bên ngoài tới 27 kPa trong 10 min. Trả lại áp suất khí quyển nhưng vẫn để chai chìm trong dung dịch xanh methylen 0,1 % (TT) 30 min. Rửa sạch bên ngoài chai. Quan sát các chai. Không có chai nào có vết dung dịch màu.

13 Độ bền của nút khi tiệt khuẩn

Tiến hành như mô tả trong mục "Dung dịch S". Nút không được biến dạng hay chảy dính.

14 Độ kín của nút

Phép thử này chỉ áp dụng với nút cao su dùng cho chế phẩm thuốc tiêm đóng đơn liều.

Tiến hành như mô tả ở mục "Khả năng tự bịt kín lỗ đâm kim" nhưng bỏ qua bước dùng kim tiêm dưới da để đâm xuyên qua nút
 

vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633