Dụng cụ tiêm truyền đã tiệt khuẩn (Bộ dây truyền dịch)

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Ước tính: 6 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Dụng cụ tiêm truyền đã tiệt khuẩn (Bộ dây truyền dịch) - Dược Điển Việt Nam 5

Dụng cụ tiêm truyền (Bộ dây truyền dịch) dùng để dẫn các chế phẩm như thuốc tiêm thể tích lớn, máu và các chế phẩm từ máu qua đường tĩnh mạch hoặc đường khác thích hợp trong điều trị và dinh dưỡng.

1 Cấu tạo

Bộ dây truyền dịch có phần chính là một ống dẫn hình trụ bằng chất dẻo gắn chặt với các bộ phận khác gồm: Kim chọc nút chai, bầu đếm giọt, màng lọc máu, khóa (bộ phận điều chỉnh lưu lượng chảy), kim tiêm, màng lọc không khí. Dụng cụ này được sản xuất với các kích cỡ khác nhau theo yêu cầu của trị liệu.

2 Vật liệu và thiết kế sản xuất

 Vật liệu dùng để chế tạo bộ dây truyền dịch thường gồm Nhựa dẻo như polyvinyl clorid (PVC), ethylenvinyl acetat (EVA) và kim loại không gỉ. Những vật liệu này phải là loại dùng cho y tế. Vật liệu dùng làm ống dẫn, bầu đếm giọt phải là loại trong suốt. Việc chọn vật liệu cho sản phẩm phải không ảnh hưởng tới chất lượng của dịch được dẫn truyền, đặc biệt không tác động đến các thành phần của máu, cũng như đảm bảo an toàn trong khi dùng.

Bộ dây truyền dịch phải vô khuẩn và không có chất gây sốt; chỉ dùng một lần, không được tiệt trùng để dùng lại.

3 Tiêu chuẩn kỹ thuật chung

Bộ dây truyền dịch đã tiệt khuẩn, đóng gói đúng quy định phải đáp ứng các phép thử sau:

Chuẩn bị dung dịch thử nghiệm (dung dịch T): Thiết lập một hệ thống quay vòng khép kín gồm 3 bộ dây truyền dịch (được nối liên với nhau) và một bình thủy tinh borosilicat dung tích 300 ml. Lắp một bộ phận cấp và điều chỉnh nhiệt vào bình. Rót 250 ml nước để pha thuốc tiêm vào bình và điều nhiệt ở 37 °C ± 1 °C. Cho nước lưu thông trong hệ thống qua các bộ dây theo chiều sẽ được dùng để truyền dịch làm thành một vòng khép kín (nước từ bình - qua dây - trở lại bình) với tốc độ 1000 ml/h trong 2 giờ. Trong quá trình chiết rửa có thể dùng một bơm kiểu nhu động thích hợp để đẩy nước lưu thông dễ dàng, nhưng không ảnh hưởng tới kết quả các thử nghiệm sau đó. Thu toàn bộ dịch và để nguội (dán nhãn dung dịch T).

4 Độ trong và màu sắc dung dịch

Dung dịch T phải trong suốt (Phụ lục 9.2) và không màu (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).

5 Độ hấp thụ ánh sáng

Đo độ hấp thụ ánh sáng của dung dịch T trong khoảng từ 230 nm đến 360 nm (Phụ lục 4.1).

Độ hấp thụ đo được là không quá 0,3 tại bất kỳ bước sóng nào trong khoảng từ 230 nm đến 250 nm, và không quá 0,15 tại bất kỳ bước sóng nào trong khoảng từ 251 nm đến 360 nm.

6 Giới hạn acid - kiềm

Lấy 25 ml dung dịch T, thêm 0,15 ml dung dịch chứa 0,1 % xanh bromothymol (TT), 0,02 % đỏ methyl (TT) và 0,2 % phenolphthalein (TT) trong Ethanol 96 % (TT). Màu của dung dịch phải chuyển sang xanh khi thêm không quá 0,5 ml dung dịch natri hydroxyd 0,01 M (CĐ).

Lấy 25 ml dung dịch T, thêm 0,2 ml dung dịch da cam methyl (TT). Dung dịch phải bắt đầu chuyển màu khi thêm không quá 0,5 ml dung dịch acid hydrocloric 0,01 M (CĐ).

7 Cặn không bay hơi

Bốc hơi 50 ml dung dịch T đến khô trên cách thủy và sấy đến khối lượng không đổi ở 100 °C đến 105 °C. Song song làm mẫu trắng với 50 ml nước để pha thuốc tiêm. Lượng cặn thu được của mẫu thử không lớn hơn quá 1,5 mg so với lượng cặn thu được của mẫu trắng.

8 Chất khử

Phép thử này được tiến hành trong vòng 4 giờ từ khi chuẩn bị dung dịch T. Lấy 20 ml dung dịch T, thêm 1 ml dung dịch acid sulfuric 1 M (TT), 20 ml dung dịch Kali permanganat 0,002 M (CĐ). Đun sôi 3 phút, sau đó làm nguội nhanh. Thêm 1 g Kali iodid (TT), chuẩn độ bằng dung dịch natri thiosulfat 0,01 M (CĐ), dùng 0,25 ml dung dịch hồ tinh bột (TT) làm chỉ thị. Song song làm mẫu trắng với 20 ml nước để pha thuốc tiêm. Lượng dung dịch natri thiosulfat 0,01 M (CĐ) dùng cho mẫu thử không lớn hơn quá 2,0 ml so với lượng dùng cho mẫu trắng.

9 Tiểu phân lạ

Đóng đầy dung dịch natri lauryl sulfat 0,01 % (kl/tt) (TT) đã được lọc trước qua phễu thủy tinh xốp với đường kính lỗ lọc khoảng 10 µm đến 16 µm và làm nóng đến 37 °C vào bộ dây truyền dịch qua đường vào thông thường. Thu dung dịch từ đường ra của bộ dây và quan sát. Dung dịch phải trong suốt và thực tế không có các tiểu phân hoặc sợi khi quan sát bằng mắt thường (các tiểu phân hoặc sợi có đường kính bằng hoặc lớn hơn 50 µm có thể quan sát được bằng mắt thường).

10 Tốc độ dòng chảy

Đặt đầu vào của một bộ dây truyền dịch ở độ cao 1 m. Cho 50 ml một dung dịch có độ nhớt bằng 3 mPa-s (dung dịch polyethylene glycol 4000 3,3 % (kl/tt) trong nước ở 20 °C là thích hợp) chảy qua bộ dây với khóa để ở trạng thái mở hoàn toàn. Thời gian chảy hết lượng dung dịch thử nghiệm phải không quá 90 giây.

11 Độ bền áp lực

Bịt kín một đầu của bộ dây truyền dịch, kể cả ống thông khí (nếu có). Mở các khóa. Gắn đầu kia của bộ dây với đầu ống chứa khí nén, ống có gắn sẵn thiết bị điều áp. Nhúng cả một bộ dây vào một thùng nước ở 20 °C đến 23 °C. Nén khí vào dây với áp suất 100 kPa trong 1 phút. Không được có bọt khí thoát ra từ bộ dây.

12 Độ trong suốt của dây truyền dịch

Pha hỗn dịch chuẩn: Trộn đều 25 ml dung dịch hydrazin sulfat 1 % trong nước (đã pha sau 4 giờ đến 6 giờ) với một dung dịch có chứa 2,5 g hexamin (TT) trong 25,0 ml nước và để yên trong 24 giờ. Hỗn dịch này phải được bảo quản trong bình thủy tinh có bề mặt trong thật nhẵn, có thể ổn định trong vòng 2 tháng. Trước khi dùng phải lắc đều, sau đó lấy 15 ml hỗn dịch cho vào bình định mức, pha loãng với nước cất tới vừa đủ 1000 ml, thu được hỗn dịch chuẩn.

Pha loãng hỗn dịch chuẩn 8 lần để thử các bộ dây truyền dịch có đường kính ngoài của ống dẫn nhỏ hơn 5 mm; pha loãng hỗn dịch chuẩn 16 lần để thử các bộ dây truyền dịch có đường kính ngoài của ống dẫn bằng hoặc lớn hơn 5 mm.

Cho hỗn dịch chuẩn đã pha loãng phù hợp chảy qua bộ dây cần thử. Độ đục và các bọt khí của hỗn dịch chuẩn đã pha loãng khi chảy qua bộ dây phải được nhận biết rõ bằng mắt thường khi so sánh với bộ dây khác cùng lô đã đóng đầy nước cất.

13 Thử vô khuẩn

Tiến hành phép thử vô khuẩn (Phụ lục 13.7) với các chỉ dẫn thêm sau:

Nếu bộ dây truyền dịch quy định chỉ có mặt trong là vô khuẩn: Cho 50 ml dung môi A (được chuẩn bị theo chỉ dẫn ở Phụ lục 13.7) chảy qua bộ dây truyền dịch và thu lấy toàn bộ lượng dung môi này để thử. Tiến hành thử theo phương pháp màng lọc.

Nếu bộ dây truyền dịch quy định cả mặt trong và mặt ngoài đều vô khuẩn: Mở đồ bao gói bằng các dụng cụ tiệt khuẩn. Nếu dùng phương pháp màng lọc để thử: Đặt bộ dây vào một đồ đựng vô khuẩn thích hợp có chứa sẵn một lượng dung môi A đủ để ngập bộ dây và ngâm rửa bộ dây trong 10 phút. Nếu dùng phương pháp cấy trực tiếp để thử: Đặt cả bộ dây vào trong một đồ đựng vô khuẩn thích hợp có chứa sẵn một lượng môi trường đủ để ngâm chìm toàn bộ dây đem thử. Bộ dây truyền dịch phải vô khuẩn.

14 Chất gây sốt

Nối kết liên tiếp 5 bộ dây truyền dịch với nhau. Cho chảy qua hệ thống này 250 ml dung dịch Natri clorid 0,9 % vô khuẩn, không có chất gây sốt với tốc độ chảy không quá 10 ml/phút. Thu dịch rửa vào một đồ đựng không có chất gây sốt, dung dịch thu được để tiến hành thử chất gây sốt với liều 10 ml/kg thể trọng thỏ (Phụ lục 13.4). Bộ dây truyền dịch không được chứa chất gây sốt.

15 Ethylen oxyd

Nếu trên nhãn có ghi là bộ dây truyền dịch được tiệt khuẩn bằng ethylen oxyd thì dư lượng chất này không vượt quá 0,001 % (kl/kl).

Tiến hành theo phương pháp sắc ký khí (Phụ lục 5.2).

Dung dịch thử:

Lấy bộ dây truyền dịch ra khỏi đồ bao gói và cân. Cắt dây thành từng đoạn dài không quá 1 cm và bỏ vào một lọ thủy tinh dung tích 250 ml đến 500 ml đã có sẵn 150 ml dimethylacetamid (TT). Nút lọ lại bằng một nút thích hợp và cột nút thật chắc chắn. Đặt lọ ở 69 °C đến 71 °C trong 16 giờ. Dùng khí nóng thu được từ lọ để tiêm vào cột.

Dung dịch chuẩn gốc:

Tiến hành như sau: Chuyển 50 ml dimethylacetamid (TT) vào một lọ thủy tinh 50 ml, nút lọ lại và cột nút chắc chắn. Cân khối lượng lọ (chính xác đến 0,1 mg). Làm đầy một bơm tiêm (bằng polyethylen hoặc polypropylene) có dung tích 50 ml với khí ethylen oxyd (TT). Giữ cho khí tiếp xúc với mặt trong của bơm tiêm khoảng 3 phút rồi đẩy hết khí ra khỏi bơm tiêm. Làm đầy lại bơm tiêm với 50 ml khí ethylen oxyd (TT) khác. Lắp một kim tiêm (loại dùng tiêm dưới da) vào bơm tiêm, đẩy bớt khí ra khỏi bơm tiêm đến khi thể tích khí trong bơm tiêm còn 25 ml. Tiêm từ từ lượng khí trong bơm tiêm này vào lọ đã chuẩn bị trước. Lắc nhẹ nhàng, tránh không cho kim tiêm tiếp xúc với dimethylacetamid trong lọ. Cân lại khối lượng lọ. Sự tăng khối lượng lọ chính là lượng khí ethylen oxyd đã được hòa tan. Từ sự tăng khối lượng này (khoảng 45 mg đến 60 mg), tính toán nồng độ chính xác của dung dịch khí ethylen oxyd trong dimethylacetamid (khoảng 1 g/L).

Pha các dung dịch chuẩn từ 1 đến 7:

Chuẩn bị 7 lọ (cùng loại như đã dùng để chuẩn bị dung dịch thử), đánh số từ 1 đến 7, trong mỗi lọ đã có sẵn 150 ml dimethylacetamid (TT). Lần lượt cho vào các lọ, theo thứ tự từ 1 đến 7, các thể tích chính xác dung dịch chuẩn gốc sau: 0 ml; 0,05 ml; 0,10 ml; 0,20 ml; 0,50 ml; 1,00 ml và 2,00 ml (tương ứng với khoảng 0 µg; 50 µg; 100 µg; 200 µg; 500 µg; 1000 µg và 2000 µg ethylen oxyd). Đậy nút các lọ và cột nút vào cổ lọ cho thật chắc chắn. Đặt các lọ ở 69 °C đến 71 °C trong 16 giờ. Dùng khí nóng thu được từ các lọ để tiêm vào cột.

Điều kiện sắc ký

Cột thép không gỉ (1,5 m x 6,4 mm) nhồi diatomit silan hóa được tẩm 30 % (kl/kl) polyethylene glycol 1500.

Khí mang: Heli với tốc độ dòng 20 ml/phút.

Detector: Ion hóa ngọn lửa.

Nhiệt độ vận hành: Cột ở 40 °C; buồng tiêm ở 100 °C; detector ở 150 °C.

Cách tiến hành:

Xây dựng đường chuẩn: Lần lượt tiêm riêng biệt 1 ml khí nóng thu được từ các lọ đựng dung dịch chuẩn từ 1 đến 7 vào cột sắc ký và xây dựng đường chuẩn từ các chiều cao của các pic đáp ứng thu được và lượng ethylen oxyd có trong mỗi lọ tương ứng.

Tiêm 1 ml khí nóng thu được từ lọ đựng dung dịch thử.

Dựa vào chiều cao của pic đáp ứng thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử và căn cứ vào đường cong chuẩn đã được xây dựng ở trên, tính ra lượng ethylen oxyd có trong mẫu thử.

Cần kiểm tra để đảm bảo rằng không có sự ảnh hưởng của các pic khác lên pic của ethylen oxyd bằng một trong hai cách sau:

Tiến hành sắc ký một dung dịch được chuẩn bị như dung dịch thử quy định ở trên, nhưng thay bộ dây truyền dịch cần thử bằng một bộ dây không được tiệt khuẩn;

Tiến hành quy trình sắc ký theo quy định ở trên, nhưng dùng cột thép không gỉ (3 m x 3,2 mm) nhồi diatomit silan hóa được tẩm 20 % (kl/kl) triscyanoethoxypropan, duy trì ở nhiệt độ cột 60 °C.

16 Đóng gói, bảo quản

Mỗi bộ dây truyền dịch được đóng trong bao bì kín thích hợp, duy trì được trạng thái vô khuẩn. Dán nhãn đáp ứng quy cách và ghi rõ kỹ thuật vô khuẩn trong sản xuất.

Bảo quản nơi khô ráo, mát và tránh va chạm.


Dụng cụ tiêm truyền đã tiệt khuẩn (Bộ dây truyền dịch) - Dược Điển Việt Nam 5 bản bổ sung

Dụng cụ tiêm truyền (bộ dây truyền dịch) dùng để dẫn các chế phẩm như thuốc tiêm thể tích lớn, máu và các chế phẩm từ máu vào cơ thể qua đường tĩnh mạch hoặc đường khác thích hợp trong điều trị và dinh dưỡng.

17 Cấu tạo

Bộ dây truyền dịch có phần chính là một ống dẫn hình bằng chất dẻo gắn chặt với các bộ phận khác gồm: Kim chọc nút chai, bầu đếm giọt, màng lọc máu, khóa (bộ phận điều chỉnh lưu lượng chảy), kim tiêm, màng lọc không khí.

Bộ dụng cụ này được sản xuất với các kích cỡ khác nhau theo yêu cầu của trị liệu.

18 Nguyên liệu và thiết kế sản xuất

Nguyên liệu dùng để chế tạo ra bộ dây truyền dịch thường gồm nhựa dẻo như polyvinyl clorid (PVC), ethylen vinyl acetat (EVA) và kim loại không gỉ. Những nguyên liệu này phải là loại dùng cho y tế. Nguyên liệu dùng làm ống dẫn, bầu đếm giọt phải là loại trong suốt. Việc chọn nguyên liệu cho sản phẩm phải không ảnh hưởng tới chất lượng của dịch được dẫn truyền, đặc biệt không tác động đến các thành phần của máu, cũng như đảm bảo an toàn trong khi dùng. Bộ dây truyền dịch được sản xuất theo các quy định thực hành tốt sản xuất dụng cụ y tế và các quy định riêng của từng quốc gia.

Tất cả các phần của bộ dây truyền dịch đều có thể tiếp xúc với máu, chế phẩm máu hay thuốc tiêm truyền nên phải vô khuẩn và không có chất gây sốt. Mỗi bộ được đóng gói trong đồ đựng riêng để duy trì độ vô khuẩn và chỉ dùng một lần, không được tiệt trùng để dùng lại.

19 Các phép thử áp dụng cho dụng cụ tiêm truyền

Bộ dây truyền dịch đã tiệt khuẩn, đóng gói đúng quy định phải đáp ứng các phép thử sau:

19.1 Chuẩn bị dung dịch thử nghiệm (dung dịch S)

Thiết lập một hệ thống quay vòng khép kín gồm 3 bộ dây truyền dịch (được nối liền với nhau) và một bình thủy tinh borosilicat dung tích 300 ml. Lắp nối bình với một bộ phận có thể cấp nhiệt và duy trì nhiệt độ chất lỏng chứa trong bình ở khoảng 37 °C ± 1 °C. Cho 250 ml nước để pha thuốc tiêm đã làm ấm đến 37 °C ± 1 °C vào bình và cho nước lưu thông trong hệ thống qua các bộ dây theo chiều sẽ được dùng để truyền dịch làm thành một vòng khép kín (nước từ bình - qua dây - trở lại bình) trong 2 h với tốc độ khoảng 1 L/h. Trong quá trình chiết tuần hoàn có thể dùng một bơm kiểu nhu động thích hợp để đẩy nước lưu thông dễ dàng, nhưng không ảnh hưởng tới kết quả các phép thử sau đó. Thu toàn bộ dịch chiết và để nguội (dán nhãn dung dịch S).

19.2 Độ trong và màu sắc dung dịch

Dung dịch S phải trong suốt (Phụ lục 9.2) và không màu (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).

19.3 Độ hấp thụ ánh sáng

Độ hấp thụ (Phụ lục 4.1) của dung dịch S trong khoảng từ 230 nm đến 250 nm phải không lớn hơn 0,30 và trong khoảng từ 251 nm đến 360 nm phải không lớn hơn 0,15.

19.4 Giới hạn acid - kiềm

Lấy 25 ml dung dịch S, thêm 0,15 ml dung dịch chỉ thị chứa 0,1 % xanh bromothymol (TT), 0,02 % đỏ methyl (TT) và 0,2 % phenolphthalein (TT) trong ethanol 96 % (TT). Màu của dung dịch phải chuyển sang xanh lam khi thêm không quá 0,5 ml dung dịch natri hydroxyd 0,01 N (CĐ).

Lấy 25 ml dung dịch S, thêm 0,2 ml dung dịch da cam methyl (TT). Dung dịch phải bắt đầu chuyển màu khi thêm không quá 0,5 ml dung dịch acid hydrochloric 0,01 N (CĐ).

19.5 Cắn không bay hơi

Bốc hơi 50 ml dung dịch S đến khô trên cách thủy và sấy đến khối lượng không đổi ở 100 °C đến 105 °C, song song làm mẫu trắng với 50 ml nước để pha thuốc tiêm. Chênh lệch lượng cắn thu được của mẫu thử so với mẫu trắng không lớn hơn 1,5 mg.

19.6 Chất khử

Phép thử này được tiến hành trong vòng 4 h từ khi chuẩn bị dung dịch S. Lấy 20 ml dung dịch S, thêm 1 ml dung dịch acid sulfuric 1 M (TT). 20 ml dung dịch kali permanganat 0,01 N (CĐ). Đun sôi 3 min, sau đó làm nguội nhanh. Thêm 1 g kali iodid (TT), chuẩn độ bằng dung dịch natri thiosulfat 0,01 N (CĐ), dùng 0,25 ml dung dịch hồ tinh bột (TT) làm chỉ thị. Song song làm mẫu trắng với 20 ml nước để pha thuốc tiêm. Lượng dung dịch natri thiosulfat 0,01 N (CĐ) dùng cho mẫu thử không lớn hơn quá 2,0 ml so với lượng dùng cho mẫu trắng.

19.7 Tiểu phân lạ

Đóng đầy dung dịch natri lauryl sulfat 0,01 % (TT) đã được lọc trước qua phễu thủy tinh xốp với đường kính lỗ lọc khoảng 10 µm đến 16 µm và làm nóng đến 37 °C vào bộ dây truyền dịch qua đường vào thông thường. Thu chất lỏng từ đường ra của bộ dây và quan sát. Chất lỏng phải trong suốt và thực tế không có các tiểu phân hoặc sợi khi quan sát bằng mắt thường (coi các tiểu phân hoặc sợi với đường kính bằng hoặc lớn hơn 50 µm là có thể quan sát được bằng mắt thường).

19.8 Tốc độ dòng chảy

Đặt đầu vào của một bộ dây truyền dịch ở độ cao 1 m so với đoạn ống nằm ngang. Cho 50 ml một dung dịch có độ nhớt bằng 3 mPa·s (dung dịch polyethylen glycol 4000 3,32% (TT) ở 20 °C là thích hợp) chảy qua bộ dây với khóa để ở trạng thái mở hoàn toàn. Thời gian chảy hết lượng dung dịch thử nghiệm phải không quá 90 s.

19.9 Độ bền áp lực

Bịt kín một đầu của bộ dây truyền dịch, kể cả ống thông khí (nếu có). Mở các khóa. Nối đầu kia của bộ dây với đầu ra của máy nén khí có bộ phận điều áp. Nhúng chìm một bộ dây vào một thùng nước ở 20 °C đến 23 °C. Nén khí vào dây với áp suất 100 kPa trong 1 min. Không được có bọt khí thoát ra từ bộ dây.

19.10 Độ trong của dây truyền dịch

Hỗn dịch đối chiếu: Pha loãng hỗn dịch đục gốc (Phụ lục 9.2) với nước 8 lần để thử các bộ dây truyền dịch có đường kính ngoài của ống dẫn nhỏ hơn 5 mm; pha loãng hỗn dịch đục gốc (Phụ lục 9.2) với nước 16 lần để thử các bộ dây truyền dịch có đường kính ngoài của ống dẫn bằng hoặc lớn hơn 5 mm.

Cho hỗn dịch đối chiếu thu được chạy qua bộ dây cần thử. Độ đục và các bọt khí của hỗn dịch đối chiếu khi chảy qua bộ dây phải được nhận biết rõ bằng mắt thường khi so sánh với bộ dây khác cùng lô đã đóng đầy nước.

19.11 Thử vô khuẩn

Tiến hành phép thử vô khuẩn (Phụ lục 13.7) với các chỉ dẫn thêm sau:

Nếu bộ dây truyền dịch quy định chỉ có mặt trong là vô khuẩn: Cho 50 ml dung dịch đệm pepton-natri clorid pH 7,0 (được chuẩn bị theo chỉ dẫn ở Phụ lục 13.6) chảy qua bộ dây truyền dịch và thu lấy toàn bộ lượng dung dịch này để thử. Tiến hành thử theo phương pháp màng lọc.

Nếu bộ dây truyền dịch quy định cả mặt trong và mặt ngoài đều vô khuẩn: Mở đồ bao gói bằng các dụng cụ tiệt khuẩn trong điều kiện vô khuẩn. Nếu dùng phương pháp màng lọc để thử: Đặt bộ dây vào một đồ đựng vô khuẩn thích hợp có chứa sẵn một lượng dung dịch đệm pepton-natri clorid pH 7,0 đủ để làm ngập bộ dây và ngâm rửa bộ dây trong 10 min. Nếu dùng phương pháp cấy trực tiếp để thử: Đặt cả bộ dây vào trong một đồ đựng vô khuẩn thích hợp có chứa sẵn một lượng môi trường nuôi cấy đủ để ngâm chìm toàn bộ dây đem thử.

Bộ dây truyền dịch phải vô khuẩn

19.12 Chất gây sốt

Nối kết liên tiếp 5 bộ dây truyền dịch với nhau. Cho chảy qua hệ thống này 250 ml dung dịch natri clorid 0,9 % vô khuẩn, không có chất gây sốt với tốc độ chảy không quá 10 ml/min. Thu lấy dịch rửa vào một đồ đựng không có chất gây sốt, dung dịch thu được để tiến hành thử chất gây sốt với liều 10 ml/kg thể trọng thỏ (Phụ lục 13.4).

Bộ dây truyền dịch không được chứa chất gây sốt.

19.13 Ethylen oxyd

Nếu trên nhãn có ghi là bộ dây truyền dịch được tiệt khuẩn bằng ethylen oxyd thì dư lượng chất này không vượt quá 0,001 % (kl/kl).

Tiến hành theo phương pháp sắc ký khí tiêm pha hơi (Phụ lục 5.2).

Dung dịch thử: Lấy bộ dây truyền dịch ra khỏi đồ bao gói và cân. Cắt dây thành từng đoạn dài không quá 1 cm và cho vào một lọ (hoặc bình) thủy tinh nút mài dung tích 250 ml đến 500 ml đã chứa sẵn 150 ml dimethylacetamid (TT). Nút lọ lại bằng một nút thích hợp và buộc nút thật chắc chắn. Đặt lọ trong một tủ sấy ở 69 °C đến 71 °C trong 16 h. Dùng khí nóng thu được từ lọ để tiêm vào cột sắc ký.

Dung dịch chuẩn gốc: Tiến hành trong tủ hốt như sau: Chuyển 50 ml dimethylacetamid (TT) vào một lọ (hoặc bình) thủy tinh nút mài 50 ml, nút lọ lại và buộc nút chắc chắn. Cân khối lượng lọ (chính xác đến 0,1 mg). Làm đầy một bơm tiêm (bằng polyethylen hoặc Polypropylen) có dung tích 50 ml với khí ethylen oxyd (TT). Giữ cho khí tiếp xúc với mặt trong của bơm tiêm khoảng 3 min rồi đẩy hết khí ra khỏi bơm tiêm. Làm đầy lại bơm tiêm với 250 ml khí ethylen oxyd (TT) khác. Lắp một kim tiêm (loại dùng tiêm dưới da) vào bơm tiêm, đẩy bớt khí ra khỏi bơm tiêm đến khi thể tích khí trong bơm tiêm còn 25 ml. Tiêm từ từ lượng khí trong bơm tiêm này vào lọ đã chuẩn bị ở trên. Lắc nhẹ nhàng, tránh không cho kim tiêm tiếp xúc với dimethylacetamid trong lọ. Cân lại lọ. Sự tăng khối lượng lọ chính là lượng khí ethylen oxyd đã được hòa tan. Từ sự tăng khối lượng này (khoảng 45 mg đến 60 mg), tính toán nồng độ chính xác của dung dịch khí ethylen oxyd trong dimethylacetamid (khoảng 1 g/L).

Pha các dung dịch chuẩn từ 1 đến 7: Chuẩn bị 7 lọ (cùng loại như đã dùng để chuẩn bị dung dịch thử), đánh số từ 1 đến 7, trong mỗi lọ đã chứa sẵn 150 ml dimethylacetamid (TT). Lần lượt cho vào các lọ, theo thứ tự từ 1 đến 7, các thể tích chính xác dung dịch chuẩn gốc sau: 0 ml; 0,05 ml; 0,10 ml; 0,20 ml; 0,50 ml; 1,00 ml và 2,00 ml (tương ứng với khoảng 0 µg; 50 µg; 100 µg; 200 µg; 500 µg; 1000 µg và 2000 µg ethylen oxyd). Đậy nút các lọ và buộc nút vào cổ lọ cho thật chắc chắn. Đặt các lọ trong tủ sấy ở 69 °C đến 71 °C trong 16 h. Dùng khí nóng thu được từ các lọ để tiêm vào cột.

Điều kiện sắc ký

Cột thép không gỉ (1,5 m x 6,4 mm) nhồi pha tĩnh diatomit silan hóa được tẩm 30 % (kl/kl) polyethylen glycol 1500.

Khí mang: Heli dùng cho sắc ký khí (TT) với tốc độ dòng 20 ml/min.

Detector: Ion hóa ngọn lửa.

Nhiệt độ vận hành: Cột ở 40 °C; buồng tiêm ở 100 °C; detector ở 150 °C.

Cách tiến hành:

Xây dựng đường chuẩn: Lần lượt tiêm riêng biệt 1 ml khí nóng thu được từ các lọ đựng dung dịch chuẩn từ 1 đến 7 vào cột sắc ký và xây dựng đường chuẩn từ chiều cao của các pic đáp ứng thu được và lượng ethylen oxyd có trong mỗi lọ tương ứng.

Tiêm 1 ml khí nóng thu được từ lọ đựng dung dịch thử. Dựa vào chiều cao của pic đáp ứng thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử và căn cứ vào đường chuẩn đã xây dựng ở trên, tính ra lượng ethylen oxyd có trong mẫu thử.

Cần kiểm tra để đảm bảo rằng không có sự ảnh hưởng của các pic khác lên pic của ethylen oxyd bằng một trong hai cách sau: 1) Tiến hành sắc ký một dung dịch được chuẩn bị như dung dịch thử quy định ở trên, nhưng thay bộ dây truyền dịch cần thử bằng một bộ dây chưa được tiệt khuẩn; 2) Tiến hành quy trình sắc ký theo quy định ở trên, nhưng dùng cột thép không gỉ (3 m x 3,2 mm) nhồi diatomit silan hóa được tẩm 20 % (kl/kl) triscyanoethoxypropan, duy trì ở nhiệt độ cột 60 °C.

20 Đóng gói, bảo quản

Mỗi bộ dây truyền dịch được đóng trong đồ đựng kín thích hợp, duy trì được trạng thái vô khuẩn. Dán nhãn đáp ứng quy cách và ghi rõ kỹ thuật vô khuẩn trong sản xuất.

Bảo quản nơi khô ráo, mát và tránh va chạm.

21 Các phép thử kiểm tra nguyên liệu làm dụng cụ tiêm truyền

Các phép thử để kiểm tra mỗi loại nguyên liệu làm dụng cụ tiêm truyền được quy định tại Phụ lục 17.9

vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633