Đồ đựng bằng chất dẻo dùng cho chế phẩm thuốc tiêm

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

1 Yêu cầu chung

1.1 Nguyên liệu

Đồ đựng thuốc tiêm có thể được chế tạo từ một hay nhiều polymer như polyethylen, polypropylen, polyvinyl clorid. Chỉ những chất dẻo tinh khiết, thực tế không có mùi mới được dùng làm nguyên liệu để chế tạo đồ đựng thuốc tiêm. Có thể thêm các chất phụ gia để chống oxy hóa, làm trơn, hóa dẻo, ổn định nhưng không được dùng các chất để tạo màu.

1.2 Đặc tính

Đồ đựng có thể là túi hoặc chai, có các vị trí thích hợp để lắp nối dây truyền dịch và đưa thuốc tiêm vào khi sử dụng. Đồ đựng thường có thêm các nút gắn, móc treo chắc chắn để có thể chịu được trọng lực của chai hay túi thuốc khi treo lên trong quá trình sử dụng. Mặc dù khó có thể đưa ra các thông số thiết kế chung cho đồ đựng về kích thước, hình dáng, khối lượng, ví dụ cho các loại thuốc tiêm thể tích lớn (LVP), do nguồn nguyên liệu và thiết bị sản xuất khác nhau, nhưng đều phải tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Kích thước, độ bền của cổ và vai của đồ đựng phải thích hợp để sử dụng. Nhà sản xuất các LVP phải có trách nhiệm đảm bảo đồ đựng chịu đựng được trọng lực của thuốc và điều kiện khắc nghiệt khi đóng gói và vận chuyển. Đồ đựng phải chịu đựng được điều kiện tiệt khuẩn sẽ áp dụng. Thiết kế của đồ đựng và phương pháp tiệt khuẩn đã chọn phải phù hợp để tất cả những phần của đồ đựng có thể tiếp xúc với thuốc đều được tiệt khuẩn. Đồ đựng phải không cho vi sinh vật thâm nhập vào thuốc sau khi đã hàn kín. Sau khi tiệt khuẩn, đồ đựng không được có dấu hiệu bị co lại, méo mó, biến màu, mất độ trong, rạn nứt, chảy dính hoặc bất kỳ sự hư hỏng nào khác. Đồ đựng phải đủ trong để kiểm tra được bằng mắt thường thuốc chứa bên trong, trừ khi có giải thích phù hợp và được chấp nhận.

1.3 Ghi nhãn

Ghi nhãn theo lô sản xuất đồ đựng, bao gồm tên và địa chỉ nhà sản xuất, số lô để có thể truy xuất nguồn gốc đồ đựng và nguyên liệu chất dẻo đã sử dụng để sản xuất.

2 Kiểm tra bằng cảm quan

Đồ đựng rỗng phải nguyên vẹn, không có các lỗi gây rò rỉ thuốc và đồ đựng đã đóng thuốc phải không bị rò rỉ thuốc ra ngoài.

3 Các phép thử với đồ đựng

3.1 Thử độ kín và khả năng lấy thuốc ra khỏi đồ đựng

Phải đáp ứng các phép thử như ghi trong Phụ lục 17.3.1 Đồ đựng bằng chất dẻo dùng cho chế phẩm không phải thuốc tiêm, thuốc nhỏ mắt.

3.2 Độ thấm hơi nước

Xem Phụ lục 17.3 Đồ đựng và nút bằng chất dẻo, mục Độ thấm hơi nước.

4 Các phép thử với dung dịch “S”

4.1 Dung dịch S

Đong đầy nước vào đồ đựng cần kiểm tra đến mức thể tích danh định và đậy nắp bằng cách thông thường, hoặc bằng một màng nhôm thích hợp. Cho vào nồi hấp và gia nhiệt, đảm bảo nhiệt độ đạt được 121 °C ± 2 °C trong thời gian từ 20 phút đến 30 phút và duy trì ở nhiệt độ này trong 30 phút. Nếu nhiệt độ 121 °C làm biến dạng đồ đựng thì gia nhiệt ở 100 °C trong 2 giờ. Dùng dung dịch S trong vòng 4 giờ sau khi chuẩn bị.

Mẫu trắng: Thực hiện theo cách tương tự, sử dụng đồ đựng trong bình thủy tinh borosilicat thay cho mẫu thử.

4.2 Độ trong và màu sắc

Dung dịch S phải trong (Phụ lục 9.2) và không màu (Phụ lục 9.3, phương pháp 2).

4.3 Giới hạn acid - kiềm

Cho 0,1 ml dung dịch phenolphtalein (TT) vào một thể tích dung dịch S tương ứng với 4% thể tích danh định của đồ đựng. Dung dịch không màu.

5 Thêm 0,4 ml dung dịch natri hydroxyd 0,01 N (CĐ), dung dịch chuyển màu hồng.

Thêm 0,8 ml dung dịch acid hydrochloric 0,01 N (CĐ) và 0,1 ml dung dịch đỏ methyl (TT). Dung dịch có màu đỏ cam hoặc đỏ.

5.1 Độ hấp thụ ánh sáng

Độ hấp thụ ánh sáng (Phụ lục 4.1) của dung dịch S trong khoảng bước sóng từ 230 nm đến 360 nm không được lớn hơn 0,20. Sử dụng mẫu trắng trong mục Dung dịch S làm mẫu trắng trong phép đo.

5.2 Các chất khử

Thêm 1 ml dung dịch acid sulfuric 10% (TT) và 20,0 ml dung dịch Kali permanganat 0,01 N (CĐ) vào 20,0 ml dung dịch S. Đun sôi trong 3 phút, làm lạnh ngay. Thêm 1 giọt iodid (TT) và chuẩn độ ngay với dung dịch natri thiosulfat 0,01 N (CĐ), dùng 0,25 ml dung dịch hồ tinh bột (TT) làm chỉ thị.

Tiến hành song song với 20,0 ml mẫu trắng chuẩn bị trong mục Dung dịch S. Chênh lệch thể tích dung dịch natri thiosulfat 0,01 N (CĐ) sử dụng cho mẫu thử và mẫu trắng không được vượt quá 1,5 ml.

5.3 Độ trong của đồ đựng

Hỗn dịch đối chiếu: Pha loãng hỗn dịch đục gốc (Phụ lục 9.2) với nước theo tỷ lệ 1/200 để thử cho đồ đựng chế tạo từ polyethylen hoặc Polypropylen và 1/400 để thử cho đồ đựng bằng các loại chất dẻo khác.

Sử dụng đồ đựng trước đó đã dùng để chuẩn bị dung dịch S, đóng hỗn dịch đối chiếu đến đủ thể tích danh định. Độ đục của hỗn dịch đối chiếu phải được nhận biết rõ bằng mắt thường khi so sánh với một đồ đựng tương tự đã đóng đầy nước.

6 Phép thử sinh học

Đồ đựng bằng chất dẻo dùng cho chế phẩm thuốc tiêm phải đạt phép thử phản ứng sinh học (Phụ lục 17.3.4). Ưu tiên áp dụng thử nghiệm in vitro (thử trên tế bào) khi có đủ điều kiện thí nghiệm. Tuy nhiên, nếu kết quả thử in vitro không đáp ứng thì sẽ áp dụng thử nghiệm in vivo (thử trên động vật) để đưa ra quyết định cuối cùng.

Đồ đựng không đạt phép thử phản ứng sinh học thì không được sử dụng để đựng các chế phẩm thuốc tiêm.

7 Các phép thử kiểm tra nguyên liệu và chất phụ gia làm đồ đựng

Các phép thử để kiểm tra nguyên liệu và chất phụ gia được quy định theo từng loại cụ thể trong Phụ lục 17.9.

vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633