Đồ đựng bằng chất dẻo dùng cho chế phẩm không phải thuốc tiêm, thuốc nhỏ mắt
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Dược sĩ Hoàng Mai Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 0 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Tóm tắt nội dung
1 Độ kín
Đóng đầy nước vào 10 đồ đựng, đậy kín bằng loại nút thích hợp, dốc ngược đồ đựng và để ở nhiệt độ phòng trong 24 giờ. Không được có đồ đựng nào có dấu hiệu bị rò rỉ.
2 Khả năng lấy thuốc ra khỏi đồ đựng
Phép thử này áp dụng cho những đồ đựng có thể bóp để lấy chất đựng ra. Khi bóp ống đồ đựng, phải lấy ra được ít nhất 90% thể tích hay khối lượng chứa danh định với tốc độ chảy quy định ở nhiệt độ phòng.
Độ thấm hơi nước: Xem Phụ lục 17.3 Đồ đựng và nút bằng chất dẻo, mục Độ thấm hơi nước.
Chú ý: Phép thử cho đồ bao gói thứ cấp - trường hợp đặc biệt
Để bảo quản cho một số chế phẩm, đồ đựng cần phải để trong bao gói bảo vệ. Trong trường hợp này, đánh giá ban đầu về việc bảo quản được thực hiện trên đồ đựng đã để trong bao gói.
3 Những thử nghiệm sau đây áp dụng cho đồ đựng thuốc dạng lỏng để uống
3.1 Độ trong của dịch chiết nước
Chọn ngẫu nhiên những phần thích hợp của đồ đựng (phần đồ đựng không có nhãn, không có vết in và không dát mỏng) để đủ tổng diện tích của mẫu yêu cầu, bao gồm diện tích của cả hai mặt. Cắt những phần này thành những miếng hẹp và dài, sao cho không có mảnh nào có tổng diện tích hai mặt lớn hơn 20 cm². Rửa những miếng này cho hết bụi bẩn bám trên bề mặt bằng cách lắc rửa với nước ít nhất 2 lần, mỗi lần 30 giây, sau đó gạn bỏ nước và để ráo.
Chọn những miếng đã cắt và rửa ở trên để được mẫu thử có tổng diện tích bề mặt là 1250 cm², cho vào một bình (đã được làm sạch với hỗn hợp acid cromic và rửa nhiều lần với nước), thêm 250 ml nước. Đậy miệng bình bằng một cốc thủy tinh và hấp ở 121 °C trong 30 phút. Làm một mẫu trắng để so sánh, dùng 250 ml nước.
Để nguội rồi quan sát dịch chiết. Dịch chiết phải không màu, không đục hơn mẫu trắng.
3.2 Cặn không bay hơi
Bốc hơi 100,0 ml dịch chiết nước thu được từ phép thử Độ trong của dịch chiết nước ở trên tới khô, sấy ở 105 °C tới khối lượng không đổi. Cặn không được nhiều hơn 12,5 mg.
4 Các phép thử kiểm tra nguyên liệu làm đồ đựng
Các phép thử để kiểm tra nguyên liệu được quy định theo từng loại đồ đựng cụ thể trong các chuyên mục Phụ lục 17.9.
Ghi chú:
Mẫu thử là các phần của đồ đựng mà chưa dán hoặc in nhãn, hoặc chưa bị dát mỏng.
Mẫu thử là các hạt chất dẻo trong trường hợp đồ đựng được tạo ra trong quy trình kín “tạo hình - đóng thuốc - hàn kín”.
Với các phép thử kiểm tra các kim loại có thể chiết được:
Để xác định các kim loại có thể chiết được, Dung dịch thử được chuẩn bị theo mô tả ở chuyên mục cụ thể của mỗi loại nguyên liệu chế tạo đồ đựng tương ứng.
Có thể sử dụng phương pháp quang phổ phát xạ nguyên tử nguồn plasma cảm ứng kết nối khối phổ (ICP-MS) hoặc quang phổ hấp thụ nguyên tử (AAS) có độ nhạy thích hợp để xác định.
Giới hạn cho phép được đề cập trong các chuyên mục cụ thể (ví dụ như nhôm, titan...) là lượng kim loại cho phép có thể chiết được từ đồ đựng bằng chất dẻo. Giới hạn được biểu thị bằng đơn vị phần triệu (ppm), tức là số microgram kim loại có thể chiết được trong mỗi gam chất dẻo.
Những kim loại cần kiểm tra phụ thuộc vào khả năng có mặt của chúng trong quá trình sản xuất đối với mỗi loại chất dẻo. Những chất phụ gia khác nếu được sử dụng cũng cần có giám sát thích hợp