U màng não có nên mổ không? Triệu chứng và phương pháp chẩn đoán bệnh
Trungtamthuoc - U màng não là hiện tượng có khối u hình thành tại màng não, một lớp màng bao quanh não và tuỷ sống. Đây là loại u não phổi biến nhất và có thể phát triển chèn ép vào não gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu về u màng não trong bài viết dưới đây.
1 U màng não là gì?
Màng não được cấu tạo gồm 3 thành phần là màng cứng, màng nhện, màng mềm. Trong đó, nằm ở giữa là màng nhện có vai trò tạo các khoang chứa mạch máu, dịch não tuỷ nhằm bảo vệ não, tuỷ sống. Và đây cũng là nơi xuất hiện các khối u màng não khi có sự tăng sinh không kiểm soát của màng nhện.[1]
Bệnh không có nguồn gốc từ tế bào não và thường lành tính. Chúng có thể gặp ở mọi đối tượng, thường nhiều hơn ở nữ và phát triển chậm. Tại màng nhện, u có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, nhưng phát hiện nhiều nhất ở quanh đỉnh đầu và hai bên thái dương.
Các triệu chứng của u màng não phụ thuộc vào vị trí, kích thước khối u và không điển hình. Do đó người bệnh rất khó nhận biết được sự bất thường, đến lúc phát hiện thì thường khối u đã tăng trưởng nhanh, chèn ép lên các vùng lân cận gây ra triệu chứng.
2 Phân loại u màng não
Dựa trên các tiêu chí khác nhau, u màng não được phân loại theo nhiều cách, dưới đây là các cách phân loại phổ biến theo phân độ mô học:
2.1 U màng não lành tính (độ I)
Đây là khối u não thường gặp nhất ở người trưởng thành và ít ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Khối u thường ít xâm nhập vào mô não hoặc di căn sang các cơ quan, tốc độ phát triển chậm nên khó nhận biết khi mới mắc bệnh. Một số trường hợp khối u phát triển nhanh gây chèn ép vào dây thần kinh trung ương sẽ gặp các triệu chứng như tê bì chân tay, rối loạn ngôn ngữ, giảm thị lực…
2.2 U màng não không điển hình (độ II)
U màng não không điển hình có mức độ phát triển nhanh hơn so với u màng não lành tính và có nguy cơ tái phát cao hơn, chúng chiếm khoảng hơn 10% khối u màng não. Ở độ này, khố u thường có xu hướng xâm lấn sang tổ chức mô lân cận nhưng không di căn như ung thư màng não. Tỷ lệ tái phát trong vòng 5 năm sau phẫu thuật dao động từ 20–40%, tùy thuộc vào mức độ loại bỏ u và các yếu tố khác.
2.3 U màng não ác tính (độ III)
U màng não ác tính hay còn gọi là ung thư màng não, đây là một dạng hiếm gặp nhưng tiên lượng rất xấu. Tốc độ phát triển của khối u này nhanh chóng và xâm nhập vào mô não, cũng như các mô xung quanh với nguy cơ tái phát cao sau phẫu thuật. Điều trị u màng não ác tính đòi hỏi cần phải kết hợp nhiều phương pháp từ phẫu thuật loại bỏ đến xạ trị, hoá trị tiêu diệt tế bào còn lại. Thời gian sống trung bình sau chẩn đoán thường ngắn, từ vài tháng đến vài năm, tùy thuộc vào mức độ xâm lấn và phản ứng của người bệnh. Tuy nhiên chỉ có khoảng 10% số lượng người bệnh bị u màng não là ác tính, nên thăm khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và điều trị.
===> Xem thêm bài viết: Bệnh u não có chữa được không? 7 dấu hiệu nhận biết u não giai đoạn đầu
3 Hình ảnh u màng não
Một số hình ảnh về các u tại màng não:
4 Nguyên nhân gây ra u màng não
Nguyên nhân chính xác gây ra u màng não chưa được xác định rõ ràng, nhưng có một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến sự phát triển của nó gồm:
- Chấn thương sọ não
- Phơi nhiễm phóng xạ
- Đột biến gen, bất thường ở nhiễm sắc thể 22
- Mặc dù u màng não hiếm khi di truyền, nhưng những người mắc bệnh u sợi thần kinh loại 2 có nguy cơ cao hơn.
- Thay đổi hormon như estrogen và Progesterone trong sự phát triển của bệnh, đặc biệt sự gia tăng kích thước u màng não trong thai kỳ hoặc khi dùng liệu pháp hormone ở phụ nữ.
- U màng não thường gặp ở người lớn tuổi, với tỷ lệ cao nhất ở những người từ 40 đến 70 tuổi.
- Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 25 kg/m2 chiếm tỷ lệ cao hơn so với những người khác trong mắc bệnh u màng não.
Mặc dù có nhiều yếu tố nguy cơ, phần lớn các trường hợp u màng não không có nguyên nhân rõ ràng và được phát hiện tình cờ qua các kiểm tra hình ảnh học. Vì vậy việc thăm khám định kỳ là yếu tố quan trọng trong phát hiện bệnh lý này.
5 Chẩn đoán u màng não
5.1 Chẩn đoán lâm sàng
Triệu chứng cơ năng thường gặp là đau đầu do sự chèn ép của khối u khi tăng kích thước vào các khu vực xung quanh. Nhức đầu kéo dài dai dẳng và thường tăng lên vào buổi sáng, người bệnh có thể kèm cảm giác buồn nôn, chóng mặt. Các triệu chứng khác sẽ phụ thuộc vào vị trí của khối u như nếu u màng não ở bán cầu đại não sẽ xuất hiện triệu chứng động kinh, gần dây thần kinh thị giác sẽ có rối loạn thị giác, hoặc mất thính lực, ù tai nếu gần vùng cầu tiểu não.[2]
Dưới đây là biểu hiện lâm sàng của một số u màng não ở một số vị trí:[3]
Vị trí | Đặc điểm triệu chứng |
U màng não liềm não, xoang tĩnh mạch dọc trên | Đoạn 1/3 trước (30%): hầu hết biểu hiện nhức đầu và rối loạn tâm thần Đoạn 1/3 giữa (50%): thường biểu hiện với động kinh và liệt một chi tiến triển Đoạn 1/3 sau (20%): nhức đầu, giảm thị lực, động kinh cục bộ hoặc rối loạn tâm thần. |
U màng não rãnh khứu | Hội chứng Foster Kennedy: mất mùi, teo gai cùng bên và phù gai đối bên Rối loạn tâm thần Đại tiểu tiện không tự chủ Giảm thị lực Động kinh |
U màng não phía ngoài cánh bé xương bướm | Nếu u lớn có thể gây nhức đầu, động kinh |
U màng não phía trong cánh bé xương bướm | U có thể bao bọc dây thần kinh thị giác và động mạch cảnh trong, xoang hang. Các dây thần kinh III, IV, VI và V có thể bị tổn thương. Nếu u lan vào trong hốc mắt có thể gây lồi nhãn cầu. |
U màng não củ yên | Thường gây triệu chứng giảm thị lực, bán manh hai bên, teo gai thị. |
U màng não lỗ chẩm | U tiến triển rất chậm. Biểu hiện: thường nhức đầu và có thương tổn nhiều dây thần kinh sọ khác nhau. |
U màng não xương đá | Có thể biểu hiện như đau dây thần kinh số V. Nếu u chèn ép mặt dưới thùy thái dương, có thể gây động kinh thái dương. Nếu u phát triển về phần sau xương đá, có thể gây tổn thương các dây thần kinh V, VII và VIII. |
U màng não mặt dốc xương đá | Có thể gây chèn ép cầu não, các dây thần kinh và mạch máu tại khu vực này. Gây biểu hiện hội chứng tăng áp lực nội sọ do u chèn ép đường lưu thông của dịch não tủy. |
5.2 Chẩn đoán cận lâm sàng
Các phương pháp xét nghiệm hình ảnh thường được sử dụng bao gồm:
- Xquang sọ: hiện nay đã ít giá trị trong chẩn đoán nhờ sự phát triển của y học hiện đại. Đặc điểm nhận dạng chính của u màng não trên phim là dày xương hoặc huỷ xương, dãn rộng các mạch máu não và thấy có các nốt vôi hoá của khối u.
- Siêu âm não: sẽ cung cấp các dấu hiệu gián tiếp của u màng não gây ra như đè đẩy đường giữa và não thất, hiện nay cũng ít sử dụng.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): sử dụng MRI có tiêm thuốc cản từ là phương pháp hàng đầu để chẩn đoán u màng não. Hình ảnh quan sát điển hình, đánh giá được mức độ xâm lấn, ranh giới và cấu trúc xung quanh.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Khối u thường đồng hoặc tăng tỷ trọng trên hình ảnh không tiêm thuốc cản quang, có thể quan sát vôi hoá trong khối u.
- Chụp mạch máu não: phương pháp này để đánh giá nguồn cung cấp máu của khối u trong các trường hợp phẫu thuật hoặc xạ trị, giúp lập kế hoạch thuyên tắc mạch trước phẫu thuật.
- Sinh thiết khối u: có thể được thực hiện qua mổ mở để xác định bản chất của mô học khối u.
5.3 Chẩn đoán phân biệt
- U màng não đa ổ: Xuất hiện nhiều khối u màng não ở nhiều vị trí, có thể liên quan đến các bệnh lý toàn thân, thực hiện xét nghiệm hình ảnh nhận thấy nhiều khối u ở các vị trí khác nhau. Triệu chứng thường toàn thân hoặc tổn thương đa vị trí, dễ nhầm lẫn với u màng não khi u ở vị trí ngoại biên hoặc đuôi màng cứng.
- U lớn tuyến yên (Macroadenoma): có biểu hiện rối loạn nội tiết như cường prolactin máu, kinh nguyệt không đều, vô kinh, chảy sữa bất thường, hội chứng Cushing, to đầu chi. Ngoài ra, cũng có thể gây mất thị trường hai bên hoặc suy giảm thị lực do chèn ép giao thoa thị giác.
- U màng não vị trí góc cầu tiểu não cần phân biệt với u bao dây thần kinh (Schwannoma): u bào dây thần kinh là bệnh lý liên quan đến dây thần kinh sọ, phổ biến nhất là dây VIII (dây tiền đình-ốc tai). Triệu chứng thường đặc trưng hơn, như mất thính lực một bên, ù tai, chóng mặt, hoặc rối loạn cân bằng.
- Phân biệt với các khối u trong trục (glioma, astrocytoma, u di căn não…): nguồn gốc trong trục, phát sinh từ tế bào thần kinh hoặc tế bào đệm,biểu hiện các triệu chứng của tăng áp lực nội sọ sớm hơn: đau đầu, buồn nôn, nôn mửa.
6 U màng não có chữa được không?
6.1 Nguyên tắc điều trị
Nguyên tắc điều trị u màng não phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm kích thước, vị trí, mức độ xâm lấn, triệu chứng, và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Các khối u lành tính, phương pháp điều trị chính là phẫu thuật, nhằm loại bỏ toàn bộ khối u, tránh ảnh hưởng đến các khu vực lân cận.
Một số khối u vùng thân não, nền sọ khó có thể phẫu thuật hoàn toàn được khối u, nguy cơ biến chứng cao, cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau như xạ trị, xạ phẫu, hoá chất.
6.2 Phẫu thuật
Phẫu thuật là lựa chọn điều trị chính nếu khối u có thể được loại bỏ mà không gây tổn thương đáng kể đến cấu trúc thần kinh. Khối u có thể được loại bỏ hoàn toàn hoặc loại bỏ một phần tuỳ vào mức độ xâm lấn và vị trí của khối u. Một số trường hợp có khối u xuất hiện ở màng não nhưng không có phù não, hoặc triệu chứng động kinh có thể dùng thuốc điều trị thì không nên thực hiện phẫu thuật vì chúng thường phát triển khá chậm và có thể ngừng phát triển. Tuy nhiên các khối u khác như vị trí nằm sâu, có kết nối với mô não, tĩnh mạch xung quanh, phẫu thuật có thể không được chỉ định do nguy cơ nhiều hơn lợi ích mang lại.
Biến chứng sau mổ u màng não bao gồm:
- Nhiễm trùng, chảy máu
- Tổn thương não, dây thần kinh sọ
- Phù não
- Ảnh hưởng thị giác, khuôn mặt, giọng nói tuỳ theo vị trí khu trú của khối u
6.3 Xạ trị
Xạ trị được chỉ định trong những trường hợp:
- Khi khối u là loại ác tính, phát triển nhanh hoặc ở vị trí khó tiếp cận để phẫu thuật.
- Nếu khối u tái phát hoặc không được cắt bỏ hoàn toàn trong lần phẫu thuật trước đó.
Phương pháp:
- Xạ trị thông thường: sử dụng máy chiếu từ bên ngoài, phù hợp với khối u lớn, có vị trí phức tạp.
6.4 Xạ phẫu
Xạ phẫu không sử dụng dao mổ mà dùng tia bức xạ năng lượng cao, tập trung vào vị trí khối u với độ chính xác cao. Các phương pháp thường áp dụng bao gồm:
- Gamma Knife: Sử dụng nhiều tia gamma hội tụ vào khối u.
- CyberKnife: Một robot điều khiển hệ thống tia bức xạ có thể điều chỉnh linh hoạt.
6.5 Nút mạch
Mục đích của phương pháp này là giảm nguồn cung cấp máu cho khối u, thu nhỏ kích thước khối u hoặc làm cho việc cắt bỏ u trong phẫu thuật dễ dàng hơn. Được chỉ định thực hiện trước phẫu thuật. Tuy nhiên phương pháp tiềm ẩn nhiều biến chứng như tắc mạch ngoài, đau hoặc viêm tại vị trí nút mạch.
6.6 Hóa trị
Phương pháp này ít tác dụng với u màng não, được cân nhắc sử dụng với u màng não ác tính, có di căn xa.
7 Mổ u màng não sống được bao lâu?
Tuổi thọ sau mổ u màng não phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Loại u màng não là u lành tính hay u ác tính
- Tỷ lệ cắt bỏ khối u sau phẫu thuật là hoàn toàn hay một phần
- Kích thước và vị trí khối u
- Tuổi tác và sức khoẻ tổng quát của người bệnh.
- Biến chứng sau mổ
Về tiên lượng chung thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm của các dạng u màng não như sau:
- U màng não lành tính khoảng 85-95%
- U không điển hình dao động từ 60-80%
- U ác tính có thể giảm xuống dưới 50%.
8 Chi phí phẫu thuật u màng não
Tại các bệnh viện ở nước ta, chi phí phẫu thuật u màng não có thể dao động từ 40.000.000 – 100.000.000 đồng, tùy thuộc vào các yếu tố như bệnh viện thực hiện, phương pháp tiến hành, chi phí thuốc men. Nhiều bệnh viện có thể áp dụng bảo hiểm y tế trong điều trị, nên người bệnh sẽ được hỗ trợ một phần chi phí.
9 Phòng ngừa u màng não như thế nào?
Vì nguyên nhân gây bệnh không cụ thể, nên để phòng ngừa u màng não, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng nhằm duy trì sức khoẻ ổn định, tăng cường hệ miễn dịch.
- Tránh các yếu tố nguy cơ như hoá chất độc hại, tia xạ, tăng nguy cơ mắc ung thư màng não.
- Khám sức khoẻ định kỳ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh vì bệnh thường phát triển chậm, không có triệu chứng.
10 Kết luận
U màng não thường không có triệu chứng và nguyên nhân cụ thể, đa số được tình cờ phát hiện. Bệnh thường lành tính và có tiên lượng sống cao, vì vậy nên nhủ động thăm khám sức khoẻ định kỳ để điều trị kịp thời bệnh.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả Asayel A. Alruwaili; Orlando De Jesus (ngày đăng 23 tháng 8 năm 2023) Meningioma. Pubmed. Truy cập ngày 04 tháng 01 năm 2025.
- ^ Chuyên gia NIH (ngày đăng 20 tháng 8 năm 2024) Meningioma: Diagnosis and Treatment. NIH. Truy cập ngày 04 tháng 01 năm 2025.
- ^ Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu. Trang 143- 148, Bộ Y tế. Truy cập ngày 04 tháng 01 năm 2025.