Bệnh u não có chữa được không? 7 dấu hiệu nhận biết u não giai đoạn đầu
Trungtamthuoc.com – U não là bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ, bệnh ngày càng phổ biến đặc biệt ở người trẻ tuổi . U não có thể lành tính hoặc ác tính, nhưng nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì hầu như bệnh sẽ được kiểm soát tốt. Vì vậy hiểu biết về bệnh để có biện pháp phòng tránh và chữa trị là điều vô cùng cần thiết. Hãy cùng Trung Tâm Thuôc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) tìm hiểu những kiến thức về u não trong bài viết dưới đây.
1 Tổng quan về u não
U não là tình trạng xuất hiện các tế bào phân chia bất thường, không thể kiểm soát. Các khối u có thể từ não như tăng sinh tế bào nhu mô não, tế bào đệm của hệ thần kinh, màng não, tuyến yên… nhưng cũng có thể từ các tế bào khác di căn lên não theo máu. Về tính chất thường gặp u lành tính và u ác tính.
Cơ chế các u não hình thành là do có sự đột biến bất thường trong DNA của các tế bào khiến chúng phân chia mất kiểm soát. Tốc độ phát triển của khối u và kích thước của nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng hệ thần kinh gây đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
U não ngày càng có xu hướng trẻ hoá, những đối tượng trẻ em dưới 15 tuổi và nhóm tuổi từ 20-39 tuổi tử vong do u não đứng thứ 2 trong số các trường hợp tử vong do ung thư. Những đối tượng người cao tuổi có xu hướng mắc bệnh cao nhất, đặc biệt là trên 85 tuổi.
2 Phân loại bệnh u não
Có nhiều cách phân loại u não, trong đó phân loại theo tính chất bệnh được sử dụng rộng rãi, bao gồm u não lành tính và u não ác tính.
2.1 U não lành tính
U não lành tính là những khối u phát triển chậm, điều trị dứt điểm được và không có khả năng di căn , loại bỏ bằng phẫu thuật ít khi tái phát. Thông thường phát hiện khi người bệnh đi tầm soát, khám sức khỏe định kỳ. Một số u não lành tính hay gặp, cụ thể:
- U dây thần kinh: làm xuất hiện các triệu chứng nhìn mờ, ù tai… do khối u phát triển dọc theo các dây thần kinh như dây thần kinh thị giác, dây thần kinh ốc tai.
- U màng não: là khối u xuất phát từ các lớp màng não, bệnh nhân thường gặp triệu chứng đau đầu, buồn nôn.
- U tuyến yên: đây cũng là một loại u não lành tính phổ biến, hay kèm theo các triệu chứng như rậm lông, rối loạn kinh nguyệt hay Cushing, cao lớn tuỳ thuộc vào khối u này tăng tiết hormon gì.
- U tế bào thần kinh đệm: gồm các khối u ở các tế bào bao bọc ngoài tế bào thần kinh, tế bào hình sao, tế bào nhánh.
- U tế bào mầm: thường gặp ở trẻ nhỏ, xuất phát từ các tế bào sinh dục trứng hoặc tinh trùng.
2.2 U não ác tính (ung thư não)
U não ác tính hay còn gọi là ung thư não, khối u có thể di căn và có tốc độ tăng sinh nhanh chóng gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình mạng người bệnh. Các phương pháp điều trị bao gồm xạ trị, hoá trị, phẫu thuật. Tuy nhiên bệnh dễ tái phát và cần theo dõi thường xuyên. Các khối u não ác tính phổ biến, cụ thể:
- U nguyên bào thần kinh đệm (Glioblastoma): đây là một dạng u não ác tính do sự phát triển không kiểm soát của các tế bào não. Biểu hiện của bệnh diễn ra rất nhanh bao gồm đau đầu dữ dội, nhìn mờ, co giật, hôn mê.
- U đám rối mạch mạc: các khối u xuất hiện trong đám rối mạch sẽ gây cản trở quá trình sản xuất dịch não tuỷ, làm tăng áp lực nội soi.
- U quái: hay gặp ở trẻ sau sinh do các tế bào tăng sinh này là tế bào gốc nên phát triển rất nhanh và nghiêm trọng.
- U não di căn: các tế bào theo máu di căn đến nhiều nơi gây rối loạn chức năng thần kinh. Các khối u này rất nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao.
3 Nguyên nhân u não là gì?
Nguyên nhân u não chưa được làm rõ nhưng có những sự liên quan của khối u não với các yếu tố sau:
3.1 Di truyền
Trong gia đình có tiền sử người bị mắc u não thì khả năng con cái họ sẽ có nguy cơ cao bị bệnh lý này. Nguyên nhân này chiếm phần lớn các ca u não, đặc biệt ở người bị hội chứng Neurofibromatosis hoặc Turcot, cụ thể:
- Hội chứng Turcot: là hiện tượng xuất hiện nhiều polyp tại não, thường là các tế bào lành tính nhưng có thể chuyển biến thành ác tính hay ung thư não.
- Neurofibromatosis: hay còn gọi là u sợi thần kinh, gồm nhiều khối u mọc dọc theo dây thần kinh của cơ thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến tủy sống, não, da.
3.2 Do tia bức xạ
Nếu sống hoặc làm việc trong môi trường có bức xạ cao sẽ làm tăng nguy cơ phát triển khối u não. Những người đang điều trị bằng phương pháp sử dụng phóng xạ cũng sẽ có nguy cơ hơn người bình thường. Các vật dụng như lò vi sóng, điện thoại di động có lượng bức xạ cao nên dùng thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến não bộ, và đây cũng là nguyên nhân gây tăng tỷ lệ người trẻ tuổi bị u não hiện nay.
3.3 Di căn của tế bào ung thư
Các tế bào ung thư gan, ung thư tủy… có thể di căn theo máu gây ra các khối u trên não, và đa phần đều là u ác tính, khó điều trị.
3.4 Yếu tố nguy cơ khác
Ngoài ra, một vài nguy cơ khác có thể gặp như:
- Trẻ em từ 3-12 tuổi
- Người cao tuổi trên 70 tuổi
- Người bị rối loạn miễn dịch
- Đối tượng thường tiếp xúc với thuốc trừ sâu, formaldehyde, thuốc nhuộm
4 Dấu hiệu của u não?
Nhận biết các dấu hiệu u não rất quan trọng trong việc điều trị bệnh. Dưới đây là những biểu hiện có thể là từ những khối u bên trong não bộ:
4.1 Mất thăng bằng, khó phối hợp động tác
Khi nhận thấy các bất thường như khó đi vững, mất thăng bằng, các động tác phối hợp không còn rõ ràng, linh hoạt được như trước thì có khả năng u đã chèn ép vào trung khu thăng bằng trên não. Tất cả các hoạt động di chuyển của tay chân đều được điều hành bởi các trung khu não, nếu chúng ta uống rượu hay dùng bị chèn ép bởi khối u trong não thì sẽ gặp các hiện tượng như đi loạng choạng, cầm nắm không chắc chắn, mất thăng bằng.
4.2 Khó nói, nói lắp
Nếu mọi người đang nói chuyện bình thường nhưng bây giờ tự nhiên gặp hiện tượng nói lắp bắp, nói cà lăm, nói ngọng. Thậm chí người bệnh không thể nghĩ ra được những từ ngữ để trả lời các câu hỏi của đối phương thì có thể là dấu hiệu của u não đã chèn ép vào trung khu chi phối ngôn ngữ.
4.3 Thay đổi về tính cách, cảm xúc
Trong não có vùng thuỳ trán quyết định đến tính cách của con người. Nếu có biểu hiện đang lạc quan, vui vẻ, yêu đời lại trở nên trầm cảm, buồn chán, mất năng lượng sống thì có thể là một báo hiệu về khối u. Hoặc ngược lại đang trầm tính, điềm đạm bỗng trở nên tăng động, sôi nổi thì cũng nên cẩn trọng.
4.4 Tầm nhìn bị ảnh hưởng
Khi tầm nhìn bị mờ, giảm thị lực, có những ánh sáng lạ xuất hiện trong mắt, nhìn đôi cũng là dấu hiệu cảnh báo có vấn đề nghiêm trọng trên não bộ. Trong quá trình truyền tín hiệu từ dây thần kinh thị giác tới thuỳ trẩm về các trung khu chịu trách nhiệm về tầm nhìn mà bị ảnh hưởng bởi khối u chèn ép thì có thể gặp các triệu chứng giảm thị lực, mù màu, thậm chí mắt né, lác mắt.
4.5 Gặp những cơn co giật, động kinh
Động kinh là một bệnh do di truyền nhưng sẽ thường gặp từ khi còn nhỏ, nếu bạn đến độ tuổi 40, 50 mà gặp hiện tượng co giật, động kinh thì nguyên nhân có thể do từ trong não bộ đã xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng. Nếu đột ngột thì khả năng nhồi máu não, xuất huyết não, và các khối u bên trong âm thầm tiến triển cũng sẽ gây ra tình trạng co giật, động kinh. Triệu chứng này vô cùng nguy hiểm, đặc biệt trong khi lái xe, di chuyển.
4.6 Tê, liệt nửa người
Khi gặp các triệu chứng như liệt nửa người bên phải hoặc bên trái, tê người 1 bên, hay liệt mặt bên trái, liệt mặt bên phải cũng là dấu hiệu cảnh bảo nguy cơ trên não bộ. Nguyên nhân là thần kinh vận động hoặc thần kinh cảm giác đã bị chèn ép bởi một khối u nào đó.
4.7 Đau đầu
Dấu hiệu này thường gây nhầm lẫn và làm người bệnh chủ quan không đi thăm khám và điều trị. Nếu cơn đau đầu chỉ 1-2 ngày là biến mất hoặc giảm sau khi uống thuốc giảm đau thì không quá nghiêm trọng nhưng nếu cơn đau liên tục, tần suất ngày càng dày thì có thể mắc phải bệnh lý về tâm thần kinh hoặc có khối u thực thể trong não. Biểu hiện đau đầu thường đi kèm với nôn hoặc buồn nôn khi có khối u não.
Trong trường hợp bệnh nặng, các dấu hiệu u não giai đoạn cuối sẽ trở nên trầm trọng hơn:
- Đau đầu liên tục và có kèm cả đau đớn toàn thân
- Hôn mê, mê sảng, dễ bị kích động
- Lú lẫn, ảo giác, khó nuốt thức ăn
- Mất hoàn toàn thị lực
- Tắc ruột, khó thở, thận ứ nước
Như vậy khi gặp một trong các triệu chứng trên người bệnh không được chủ quan mà nên đi khám tại các chuyên khoa sớm nhất có thể.
5 Cách chẩn đoán u não
Việc chẩn đoán u não có thế phát hiện sớm thông qua các phương pháp thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, xét nghiệm, bao gồm:
- Hỏi tiền sử gia đình, bệnh sử: người bệnh sẽ được bác sĩ hỏi thăm về người thân có ai đã từng mắc bệnh không, các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư của người bệnh. Mức độ biểu hiện hiện tại của người bệnh như nhìn mờ, buồn nôn, đau đầu có tần suất như thế nào…
- Khám lâm sàng: thăm khám các dây thần kinh thông qua vận động cơ bắp, giữ thăng bằng, và các phản xạ trí nhớ để xác định vị trí của khối u.
- Xét nghiệm: thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác nhất, cụ thể
- Chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI): đây là phương pháp cho hình ảnh vượt trội hơn các biện pháp chụp khác, rõ nét nhu mô não, xác định mức độ lành tính hoặc ác tính của khối u.
- Chụp cắt lớp vi tính sọ não(CT): sử dụng tia X nhưng cho kết quả rõ nét hơn, bác sĩ có thể xác định được vị trí khối u, kích thước, mức độ chèn ép, hình ảnh mạch máu, cấu trúc não.
- Chụp X-quang: có thể là X-quang sọ não hoặc X-quang các bộ phận khác để xác định xem có phải tế bào ung thư di căn không..
- Sinh thiết khối u: là tiêu chuẩn quan trọng xác định bệnh, cần phải sinh thiết khối u (lấy mẫu khối u để kiểm tra dưới kính hiển vi) để xác định loại khối u và liệu nó có phải là ung thư hay không. Bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết trong quá trình phẫu thuật nhưng với khối u khó tiếp cận thì họ phải tạo lỗ nhỏ trên hộp sọ và sử dụng kim lấy mẫu mô từ khối u.
6 Điều trị u não như thế nào?
Khối u não lành tính sau khi phẫu thuật có thể ít tái phát nhưng với những u ác tính thì cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị để tăng tính hiệu quả.
- Phẫu thuật: là phương pháp phổ biến trong u não. Bác sĩ sẽ loại bỏ càng nhiều khối u càng tốt mà vẫn đảm bảo an toàn cho cuộc phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật này sẽ giúp giảm áp lực nội soi, đau đầu, mờ mắt do chèn ép.
- Hoá trị: phương pháp này dùng hoá chất truyền vào tĩnh mạch để tiêu diệt khối u, thường kết hợp với các biện pháp phẫu thuật, xạ trị để có hiệu quả cao nhất. Các biến chứng khác người bệnh có thể gặp khi hoá trị như buồn nôn, chán ăn, rụng tóc, dị ứng da, mẩn ngứa.
- Xạ trị: với các khối u ác tính, phương pháp xạ trị thường được sử dụng. Các tia hay dùng như tia beta, tia X, tia Gamma mang năng lượng cao sẽ tiêu diệt và ngăn chặn sự xâm lấn và phát triển của khối u. Tuy nhiên các tế bào lành tính xung quanh có thể bị ảnh hưởng khi chiếu xạ.
- Dùng thuốc: các thuốc nhóm steroid cũng có thể được kê đơn nhằm giảm tình trạng sưng xung quanh khối u. Một số thuốc khác như thuốc chống động kinh, thuốc giảm đau đẩu cũng được cân nhắc tuỳ vào từng bệnh nhân.
7 Biện pháp phòng ngừa u não
Hiện tại vẫn chưa có phương pháp phòng ngừa bệnh u não, chỉ có thể giảm các nguy cơ của bệnh thông qua các biện pháp sau:
- Giảm tác dụng bị ung thư ở các bộ phận khác di căn đến não như ung thư gan, ung thư phổi bằng cách hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích.
- Làm việc trong môi trường có nhiều chất độc hại, tia bức xạ cao cần mặc đồ bảo hộ cẩn thận.
- Cân bằng công việc và cuộc sống, hạn chế stress, tập thể dục thể thao thường xuyên.
- Khám sức khỏe định kỳ với người có nguy cơ cao bị bệnh và người cao tuổi
- Trong gia đình có người từng bị bệnh thì cần thực hiện sàng lọc để loại bỏ được khối u sớm nhất.
8 Một số câu hỏi thường gặp về u não
8.1 Ung thư não giai đoạn cuối là gì?
U não giai đoạn cuối đề cập đến khả năng khối u phát triển và lan rộng. Ở cấp độ này loại khối u hung hãn và nghiêm trọng nhất . Các tế bào của khối u bất thường và khối u tạo ra các mạch máu mới khi phát triển.
8.2 U não lành tính sống được bao lâu?
Các khối u não lành tính thường điều trị đem lại hiệu quả cao, ít tái phát. Tuy nhiên khối u vẫn có thể đe dọa đến tính mạng nếu không loại bỏ đúng cách và kịp thời.
Một số nghiên cứu đã ước tính được rằng, đối với khối u lành tính sau khi đã phẫu thuật thì tỷ lệ sống trên 5 năm là khoảng 96%. Người trong khoảng 15-39 tuổi sẽ khoảng 97% và tỷ lệ này sẽ giảm dần khi tuổi trên 40.
8.3 U não ác tính có chữa được không?
Tỉ lệ thành công khi chữa trị u não ác tính phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Loại khối u
- Vị trí khối u
- Kích thước khối u
- Mức độ và tốc độ di căn
- Mức độ đáp ứng của khối u
9 Kết luận
U não gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm cho cơ thể, thường có biểu hiện tiến triển tăng dần, vì vậy cần nhận biết các dấu hiệu để có hướng điều trị kịp thời. U não chia làm 2 dạng u lành tính và u ác tính, và có thể xuất hiện ở mọi đối tượng. Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn đọc có những thông tin hữu ích về bệnh u não để có biện pháp phòng tránh hiệu quả.
10 Tài liệu tham khảo
- Bộ Y Tế (Ngày đăng 1 tháng 4 năm 2020) Hướng Dẫn Chẩn Đoán Và Điều Trị Một Số Bệnh Ung Bướu. Bộ Y Tế. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
- Chuyên gia NHS, (Ngày đăng 6 tháng 4 năm 2021) Malignant brain tumour (brain cancer). NHS. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
- Chuyên gia Cancer Council (Ngày đăng 31 tháng 8 năm 2023) Brain Cancer. Cancer Council Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.
- Tác giả J Ricardo McFaline-Figueroa 1, Eudocia Q Lee (Ngày đăng tháng 8 năm 2018) Brain Tumors. Pubmed. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2024.