Phân loại thuốc điều trị ung thư buồng trứng theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế và ESMO
Trungtamthuoc.com - Thuốc điều trị ung thư buồng trứng là một trong những biện pháp điều trị hàng đầu của ung thư buồng trứng, một căn bệnh phổ biến đứng thứ hai chỉ sau ung thư cổ tử cung thường gặp ở nữ giới. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu về các nhóm thuốc điều trị và những lưu ý khi sử dụng thuốc trong bài viết dưới đây.
1 Phương pháp điều trị ung thư buồng trứng
Việc điều trị ung thư buồng trứng được thực hiện bằng một hoặc nhiều phương pháp kết hợp tuỳ vào tình trạng, giai đoạn bệnh. Dưới đây là các biện pháp thường được sử dụng trong các giai đoạn ung thư buồng trứng:
1.1 Điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn đầu
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho ung thư buồng trứng giai đoạn đầu, với mục tiêu loại bỏ khối u và đánh giá mức độ lan rộng của bệnh, bao gồm cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng, cắt tử cung và hai buồng trứng, sinh thiết và nạo hạch…
Ngoài ra hoá trị cũng có thể được khuyến nghị trong giai đoạn đầu khi ung thư dạng ác tính cao hoặc có nguy cơ tái phát cao. [1]
1.2 Điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối
- Hoá trị: Hóa trị thường là phương pháp điều trị chính cho ung thư buồng trứng giai đoạn cuối, có thể được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật.
- Phẫu thuật: Chỉ định phẫu thuật được thực hiện nhằm giảm nhẹ triệu chứng, loại bỏ càng nhiều khối u càng tốt, hỗ trợ quá trình hoá trị hiệu quả hơn.
- Liệu pháp nhắm trúng đích: sử dụng các thuốc điều trị đúng đột biến của tế bào ung thư, hạn chế được tác dụng phụ toàn thân. Các thuốc như Bevacizumab thường kết hợp với hoá trị, Olaparib, Niraparib sử dụng buồng trứng có đột biến gen BRCA.
- Xạ trị: ít được sử dụng nhưng có thể áp dụng để giảm đau hoặc kiểm soát các triệu chứng.
- Điều trị miễn dịch: kích thích cơ thể sinh miễn dịch cũng đang là phương pháp hứa hẹn nhiều khả quan cho người bệnh.
===> Xem thêm bài viết: Ung thư buồng trứng: triệu chứng, nguyên nhân và điều trị bệnh
2 Các thuốc hóa trị điều trị ung thư buồng trứng
Phẫu thuật có thể không phải là một lựa chọn khi điều trị ung thư buồng trứng ở giai đoạn rất tiến triển. Trong trường hợp này, hóa trị có thể được ưu tiên sử dụng hơn, các thuốc hay gặp như:[2]
2.1 Thuốc nhóm bạch kim
Cisplatin (Platinol) và Carboplatin (Paraplatin) là các thuốc chính trong điều trị ung thư buồng trứng. Cơ chế của nhóm là liên kết với DNA của tế bào ung thư, gây tổn thương DNA và ức chế sự phân chia tế bào. Các tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc như buồn nôn, ói mửa, độc tính trên thận…
2.2 Nhóm thuốc Taxane
Các thuốc hay gặp như paclitaxel (Taxol ) hoặc docetaxel (Taxotere) có khả năng ức sự phân chia tế bào bằng cách ổn định vi ống, ngăn chặn sự phân bào. Thường kết hợp với nhóm bạch kim trong phác đồ điều trị chuẩn. Các tác dụng phụ như rụng tóc, độc tính trên thần kinh, giảm bạch cầu.
2.3 Cyclophosphamide
Thuốc Cyclophosphamide (Cytoxan) thuộc tác nhân alkyl, có vai trò gây tổn thương DNA, dẫn đến chết tế bào ung thư. Thuốc ít được sử dụng hơn do gây nhiều độc tính trên tuỷ xương và bàng quang.
2.4 Gemcitabine, Doxorubicin, Topotecan
Các thuốc trên được sư dụng trong trường hợp ung thư buồng trứng tái phát hoặc kháng trị. Cơ chế gây chết tế bào bằng cách tác động ngăn cản quá trình sao chép bình thường của DNA. Cụ thể:
- Gemcitabine (Gemzar) là một chất tương tự deoxycytidine, gây ngăn chặn sự kéo dài chuỗi DNA, làm gián đoạn quá trình tổng hợp DNA và ức chế sự phân bào. Từ đó ngăn chặn sự tăng sinh và gây chết tế bào ung thư.
- Doxorubicin (Farmitalia) gắn vào DNA, gây gián đoạn cấu trúc DNA và ức chế quá trình sao chép và phiên mã. Ức chế enzyme topoisomerase II, một enzyme cần thiết cho sự sửa chữa tế bào DNA đứt gãy.
- Topotecan (Hycamtin) liên kết với phức hợp enzyme topoisomerase I và DNA,ngăn chặn quá trình sửa chữa DNA, dẫn đến gián đoạn chu kỳ tế bào và kích hoạt sự phá huỷ tế bào ung thư.
2.5 Các phác đồ hoá trị hay dùng
2.5.1 Phác đồ với ung thư biểu mô buồng trứng
Phác đồ | Thuốc/ liều lượng |
Phác đồ Carboplatin - paclitaxel | Carboplatin AUC 5-6, truyền tĩnh mạch ngày 1; Paclitaxel 175mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1; chu kỳ 21 ngày. |
Phác đồ Carboplatin - docetaxel | Carboplatin AUC 5, truyền tĩnh mạch ngày 1; Docetaxel 75mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1; chu kỳ 21 ngày. |
Phác đồ Carboplatin - cyclophosphamide | Carboplatin 300mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1; Cyclophosphamide 600mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1, Chu kỳ 21 ngày. |
Phác đồ CP | Cisplatin 75mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1; Cyclophomide 600mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1; chu kỳ 21 ngày. |
Phác đồ PAC | Cisplatin 50mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1; Doxorubicin 50mg/m2 da truyền tĩnh mạch ngày 1; Cyclophosphamide 750mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 21 ngày. |
Phác đồ gemcitabine - carboplatin | Gemcitabine 1.000mg/m2 tiêm tĩnh mạch ngày 1 và 8 Carboplatin AUC4, truyền tĩnh mạch ngày 1; chu kỳ 21 ngày |
Phác đồ topotecan | Topotecan 1,5mg/m2 da, truyền tĩnh mạch 30 phút ngày 1-5; chu kỳ 21 ngày. |
Phác đồ etoposide uống | Etoposide 50mg/m2, uống từ ngày 1-21, chu kỳ 28 ngày. |
Phác đồ liposomal doxorubicin | Dùng trong trường hợp bệnh dai dẳng với phác đồ có cisplatin, tỷ lệ đáp ứng khoảng 26%. Liposomal doxorubicin 50mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 28 ngày. |
Phác đồ hoá trị bổ trợ | Paclitaxel 80mg/m2 truyền tĩnh mạch ngày 1, 8, và 15; Carboplatin AUC 5-6 truyền tĩnh mạch ngày 1; chu kỳ 21 ngày, 6 chu kỳ. Paclitaxel 60mg/m2 truyền tĩnh mạch ngày 1; Carboplatin AUC 2 truyền tĩnh mạch ngày 1; hàng tuần trong 18 tuần. Docetaxel 60-75mg/m2 truyền tĩnh mạch ngày 1; Carboplatin AUC 5-6 truyền tĩnh mạch ngày 1; chu kỳ 21 ngày, 3-6 chu kỳ |
2.5.2 Phác đồ hóa trị khối u tế bào mầm buồng trứng
Phác đồ hoá trị thường kết hợp với các loại thuốc khác nhau cùng một lúc.
Phác đồ BEP | Cisplatin 20mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1-5 Etoposide 100mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1-5 Bleomycin 20mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 2, 9, 16 (tối đa 30mg) Chu kỳ 21 ngày, điều trị 4 đợt. |
Phác đồ PVB | Cisplatin 20mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1-5 Vinblastine 12mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1 Bleomycin 20mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1, 8, 15 Chu kỳ 21 ngày, điều trị 3-4 đợt. |
Phác đồ VAC | Vincristine 1,5mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1, 15 Dactinomycin٭ 0,3mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1-5 Cyclophosphamide 150mg/m2 da, truyền tĩnh mạch ngày 1-5 Chu kỳ 28 ngày. |
Phác đồ PEI | Ifosfamide 1.200mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1-5 với Mesna, etoposide 75mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1-5; Cisplatin 20mg/mg2 , truyền tĩnh mạch ngày 1-5, chu kỳ 21-28 ngày. |
2.5.3 Phác đồ hóa trị cho khối u mô đệm buồng trứng
Đa số các khối u đệm buồng trứng không điều trị bằng hoá trị, nếu phải sử dụng thì sẽ áp dụng phác đồ kết hợp PVB (cisplatin, vinblastine, bleomycin) hoặc BEP (bleomycin, etoposide, cisplatin).
3 Thuốc điều trị nhắm trúng đích
Thuốc điều trị trúng đích ngày càng được sử dụng phổ biến, dưới đây là các nhóm chính:
3.1 Chất ức chế VEGF
Bevacizumab (Avastin) là thuốc ức chế nhắm vào VEGF, một yếu tố kích thích hình thành mạch máu mới, giúp nuôi khối u. Thuốc cho thấy hiệu quả trong việc thu nhỏ biểu mô buồng trứng giai đoạn muộn, thường kết hợp với hoá trị trong điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn tiến triển hoặc tái phát.
3.2 Chất ức chế PARP
Nhóm này nhắm vào enzyme PARP, cần thiết cho sửa chữa DNA, đặc biệt hiệu quả ở bệnh nhân mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2. Các thuốc gồm Olaparib (Lynparza), Rucaparib (Rubraca), Niraparib (Zejula) thường chỉ định cho ung thư buồng trứng giai đoạn muộn.
4 Thuốc nội tiết tố điều trị ung thư buồng trứng
Phương pháp sử dụng thuốc nội tiết phù hợp với trường hợp ung thư buồng trứng có tính chất nhạy cảm với hormone.
4.1 Chất chủ vận hormone giải phóng hormone luteinizing (LHRH)
Những loại thuốc này ngăn chặn buồng trứng sản xuất hormone estrogen và Progesterone qua đó làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Đôi khi thuốc được sử dụng giảm nồng độ estrogen ở bệnh nhân tiền mãn kinh. Thuốc trong nhóm như Leuprolide (Lupron).
4.2 Tamoxifen
Tamoxifen là một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị ung thư buồng trứng nhạy cảm với estrogen. Thuốc gắn vào thụ thể estrogen trên tế bào ung thư và ngăn không cho estrogen kích thích tế bào ung thư phát triển. Thường sử dụng điều trị u mô đệm buồng trứng, ít khi điều trị tình trạng khối u biểu mô buồng trứng tiến triển.
4.3 Chất ức chế Aromatase
Thuốc ức chế Aromatase là thuốc ngăn chặn một loại enzyme gọi là Aromatase, một loại enzyme chuyển đổi androgen thành estrogen. Từ đó làm giảm lượng estrogen trong cơ thể, phù hợp cho những bệnh nhân ung thư phụ thuộc vào estrogen để phát triển. Thuốc thường dùng như Letrozole (Femara), Anastrozole (Arimidex).
5 Liệu pháp miễn dịch
Những loại thuốc miễn dịch này giúp hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện và tấn công tế bào ung thư. Dưới đây là một số loại thuốc miễn dịch phổ biến và cơ chế tác động trong điều trị ung thư buồng trứng:
5.1 Pembrolizumab
Thuốc này ức chế các protein như PD-1, PD-L1 hoặc CTLA-4, đây là những protein được các tế bào ung thư sử dụng để tránh bị hệ miễn dịch tấn công. Sử dụng trong một số trường hợp ung thư buồng trứng kháng trị hoặc tái phát.
5.2 Atezolizumab
Thuốc thuộc nhóm kháng thể đơn dòng, hoạt động bằng cách ức chế protein PD-L1, từ đó giúp hệ miễn dịch nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn. Trong ung thư buồng trứng, vai trò của Atezolizumab vẫn đang được được thử nghiệm trong các nghiên cứu lâm sàng.
5.3 Radioimmunotherapy - RIT
Thuốc Radioimmunotherapy (RIT) là một phương pháp điều trị ung thư sử dụng sự kết hợp giữa kháng thể đơn dòng và chất phóng xạ để nhắm mục tiêu và tiêu diệt các tế bào ung thư một cách chọn lọc. Thuốc đang được nghiên cứu lâm sàng và mở ra hy vọng mới trong điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn muộn.
6 Phác đồ điều trị ung thư buồng trứng theo ESMO
Các phác đồ trong hướng dẫn điều trị ung thư buồng trứng của ESMO (Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Châu Âu): [3]
6.1 Ung thư buồng trứng giai đoạn sớm (giai đoạn FIGO I-II)
6.2 Ung thư buồng trứng giai đoạn muộn (giai đoạn FIGO III-IV)
7 Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị ung thư buồng trứng
Dưới đây là các lưu ý chính khi sử dụng thuốc điều trị ung thư buồng trứng:
- Tác dụng phụ của thuốc hóa trị: điều trị bằng hoá chất có thể gặp một hoặc nhiều tác dụng phụ xảy ra cùng một lúc. Thông thường gặp các phản ứng như buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, rụng tóc, giảm bạch cầu. Nghiêm trọng hơn có thể là dị ứng, nhiễm trùng, xuất huyết bất thường.
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: sử dụng đúng liều lượng và lịch trình của bác sĩ, không tự ý thay đổi hoặc bỏ không sử dụng. Bên cạnh đó thông báo đầy đủ với bác sĩ các thuốc đang sử dụng và các bệnh lý nền để điều chỉnh thuốc phù hợp.
- Phòng ngừa nhiễm trùng: trong quá trình hoá trị, hệ miễn dịch sẽ bị suy yếu trầm trọng, nguy cơ nhiễm trùng gia tăng làm giảm hiệu quả điều trị. Nếu tình trạng nhiễm trùng xảy ra trước khi hoá trị, thì cần phải điều trị khỏi nhiễm trùng mới tiến hành hoá trị.
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ: có chế độ ăn uống đủ dưỡng chất, ưu tiên chức ăn dễ tiêu, giàu vitamin và protein. Chia nhỏ bữa ăn và tránh ăn những thực phẩm bị kích ứng dạ dày.
- Theo dõi định kỳ: các xét nghiệm kiểm tra máu, đánh giá chức năng gan thận, các chỉ số quan trọng khác cần thực hiện định kỳ để đánh giá mức độ tiến triển của bệnh.
8 Chi phí hoá trị ung thư buồng trứng?
Chi phí hóa trị ung thư buồng trứng tại Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại thuốc sử dụng, giai đoạn bệnh, tần suất và thời gian điều trị, cũng như bệnh viện lựa chọn thực hiện.
Mặc dù không có chính xác một con số cụ thể, nhưng có thể ước tính chi phí dao động từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng cho mỗi đợt điều trị, tuỳ thuộc phác đồ và thuốc được sử dụng.
Thông thường, một liệu trình hóa trị cho ung thư buồng trứng bao gồm 6-8 chu kỳ, mỗi chu kỳ cách nhau 3 tuần, nên tổng chi phí hoá quá trình hoá trị sẽ rất cao. Tuy nhiên, tại bệnh viện công thường có thể sử dụng bảo hiểm y tế để giảm bớt gánh nặng cho người bệnh.
9 Ung thư buồng trứng giai đoạn 1 sống được bao lâu?
Ung thư buồng trứng giai đoạn 1 là giai đoạn sớm nhất, khi ung thư chỉ mới xuất hiện trong buồng trứng và chưa lan sang các cơ quan khác. Tiên lượng sống ở giai đoạn này thường khá tốt, tỷ lệ sống thêm 5 năm trung bình dao động từ 90% đến 95%.
10 Ung thư buồng trứng giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Ung thư giai đoạn cuối thì khối u buồng trứng đã lan rộng ra ngoài các cơ quan khác, nên tiên lượng của bệnh thường xấu. Tỷ lệ sống sau 5 năm thường dao động từ 15% đến 20%, thậm chí thấp hơn tuỳ vào từng bệnh nhân cụ thể. Thời gian sống trung bình khoảng 12 đến 24 tháng.
11 Kết luận
Việc lựa chọn thuốc điều trị ung thư buồng trứng phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa và dựa trên tình trạng cụ thể của người bệnh. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích về các loại thuốc điều trị ung buồng trứng và lưu ý trong quá trình sử dụng.
Tài liệu tham khảo
- ^ Chuyên gia European Society for Medical Oncology, (ngày đăng năm 2017) Ung thư buồng trứng, Hướng dẫn người bệnh của ESMO. ESMO. Truy cập ngày 21 tháng 01 năm 2025.
- ^ Bộ Y tế, (ngày 01 tháng 04 năm 2020) Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu, trang 348-358, Bộ Y tế. Truy cập ngày 21 tháng 01 năm 2025.
- ^ Tác giả A. González-Martín, P. Harter và cộng sự (ngày đăng tháng 10 năm 2023) Newly diagnosed and relapsed epithelial ovarian cancer: ESMO Clinical Practice Guideline for diagnosis, treatment and follow-up. Annals Of Oncology. Truy cập ngày 21 tháng 01 năm 2025.