Ung thư buồng trứng: triệu chứng, nguyên nhân và điều trị bệnh
Trungtamthuoc.com - Ung thư buồng trứng là tình trạng có xuất hiện khối u ác tính tại buồng trứng. Các khối u này có thể ở một hoặc cả hai bên của buồng trứng. Ung thư buồng trứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ, đồng thời còn ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ.
1 Ung thư buồng trứng là gì?
Hệ sinh sản của phụ nữ có hai buồng trứng, một buồng trứng ở mỗi bên tử cung. Mỗi buồng trứng có kích thước bằng một quả hạnh - sản xuất trứng (noãn hoàng) cũng như các hormone estrogen và Progesterone. [1]
Ung thư buồng trứng là tình trạng có xuất hiện khối u ác tính tại buồng trứng. Các khối u này có thể ở một hoặc cả hai bên của buồng trứng. Ung thư buồng trứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ, đồng thời còn ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ.
Ung thư buồng trứng chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ đã qua thời kỳ mãn kinh (thường trên 50 tuổi), nhưng đôi khi nó có thể ảnh hưởng đến phụ nữ trẻ hơn. [2] Nguyên nhân ung thư buồng trứng hiện nay chưa được biết rõ ràng, những đối tượng bệnh nhân sau có nguy cơ bị ung thư buồng trứng đó là:
- Lạm dùng thuốc tránh thai quá nhiều, đặc biệt là thuốc tránh thai khẩn cấp.
- Sinh ít con, thời gian giữa các lần sinh cách xa nhau. Sinh càng nhiều con thì tỷ lệ bị mắc ung thư buồng trứng càng thấp.
- Dùng thuốc kích thích buồng trứng kéo dài.
- Chế độ ăn uống nhiều mỡ, sinh hoạt không khoa học.
- Di truyền: các thành viên trong gia đình có người bị mắc ung thư buồng trứng cao do có thể trong cơ thể có mang gen đột biến gây ung thư.
- Những người càng cao tuổi và chưa sinh con lần nào có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng.
- Một số đột biến (thay đổi trong gen) có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Các đột biến trong gen nhạy cảm ung thư vú 1 và 2 (BRCA1 và BRCA2), và những gen liên quan đến hội chứng Lynch, làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. [3]
2 Phân loại ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng được phân loại thành 3 loại như sau:
Ung thư biểu mô buồng trứng (Epithelial tumors): đây là loại ung thư hay gặp nhất, các tế bào ung thư phát triển từ các tế bào trên bề mặt buồng trứng. Bao gồm các loại sau: các u thanh dịch ác tính, u nhày ác tính, u dạng nội mạc tử cung, u tế bào chuyển tiếp, u biểu mô tế bào vảy,...
Ung thư các tế bào mầm buồng trứng (Germ-cell tumors): các khối u ác tính xuất phát từ các tế bào sản xuất ra trứng. Đây là loại ung thư ít gặp hơn ung thư biểu mô buồng trứng.
Các u đệm - dây sinh dục (Sex cord-Stromal tumors): khối u ác tính xuất phát từ các mô nâng đỡ buồng trứng. Bao gồm như u đệm - tế bào hạt, u tế bào Sertoli, các u đệm - dây sinh dục không xếp loại,...
3 Triệu chứng của bệnh nhân bị ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng tuy không phổ biến nhưng lại gây ra nhiều ca tử vong hơn các loại ung thư sinh sản nữ khác. Ung thư buồng trứng được phát hiện và điều trị càng sớm thì cơ hội phục hồi càng cao. Nhưng ung thư buồng trứng rất khó phát hiện sớm. Phụ nữ bị ung thư buồng trứng có thể không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ cho đến khi bệnh ở giai đoạn nặng. Sau đó, nó là khó khăn để điều trị. [4]
Các biểu hiện chung của phụ nữ bị ung thư buồng trứng đó là:
- Xuất hiện các triệu chứng như đầy tức, bụng to lên, khó chịu và đau ở vùng bụng dưới.
- Chảy máu âm đạo bất thường, đau sau khi quan hệ tình dục.
- Các triệu chứng về dạ dày ruột như: rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón.
- Triệu chứng tiết niệu như: tiểu nhiều do tăng áp lực đè ép vào bàng quang.
- Đầy bụng sau khi ăn, cân nặng tăng hoặc giảm không rõ nguyên nhân.
Ung thư biểu mô buồng trứng: các dấu hiệu thường không đặc trưng, bệnh tiến triển âm thầm do đó người bệnh khi được phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn nặng III-IV.
Ung thư buồng trứng loại tế bào mầm: có triệu chứng dễ phát hiện hơn đó là đau do căng và xoắn dây chằng rộng tại buồng trứng. Do đó đa số bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm của bệnh, thường là ở giai đoạn I.
Ung thư buồng trứng loại u đệm - dây sinh dục: có bao gồm triệu chứng đau, trong đó có thêm các triệu chứng khác như rối loạn kinh nguyệt, mất kinh hoặc chảy máu âm đạo nhiều,... Nguyên nhân là do sự tăng tiết quá mức estrogen hoặc androgen.
Thăm khám (gồm âm đạo, trực tràng) có thể thấy:
- Sờ thấy được buồng trứng to lên.
- Khối u sờ thấy được thường chắc.
- Cổ chướng: dịch tích tụ ở khoang phúc mạc làm bụng to lên.
Các bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân cần khám toàn diện đánh giá hạch ngoại vi, tình trạng gan, thận, trực tràng,...
4 Cách phát hiện ung thư buồng trứng
4.1 Chẩn đoán xác định ung thư buồng trứng
Dựa vào các triệu chứng trên và các xét nghiệm cận lâm sàng dưới đây giúp hỗ trợ chẩn đoán ung thư buồng trứng là:
Siêu âm có phát hiện ung thư buồng trứng? Siêu âm với đầu dò âm đạo và siêu âm qua thành bụng: giúp phân biệt các khối u buồng trứng với các khối u vùng chậu. Bên cạnh đó, còn giúp xác định được kích thước, hình thái của khối u. Xác định được có dịch cổ trướng hay không. Siêu âm Doppler màu giúp phát hiện những mạch máu tăng sản bất thường, gợi ý kết luận u lành hay u ác.
Xét nghiệm chất chỉ điểm u: CA 125 (epitope carbohydrate antigen), OVX1 (1 kháng nguyên glycoprotein có trong lượng phân tử cao), a-fetoprotein (AFP), HCG,...
Chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ ổ bụng và vùng chậu: giúp đánh giá mức độ xâm lấn, xác định tình trạng di căn của khối u.
Tế bào học dịch cổ chướng: chọc hút, ly tâm dịch cổ chướng để tìm tế bào ung thư.
Phẫu thuật thăm dò: giúp chẩn đoán xác định.
4.2 Các giai đoạn của ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng được chia thành các giai đoạn sau:
- Giai đoạn I: U còn giới hạn ở buồng trứng, không có u trên bề mặt buồng trứng, tế bào học dịch cổ chướng, dịch rửa ở bụng âm tính.
- Giai đoạn II: U phát triển có thể ở cả hai bên buồng trứng, đồng thời có u xâm lấn sang phần chậu hông.
- Giai đoạn III: U có ở một hoặc hai bên buồng trứng nhưng ung thư đã có thể di căn hạch vùng, (di căn tới bề mặt gan vẫn được tính ở giai đoạn III).
- Giai đoạn IV: Di căn xa.
5 Điều trị ung thư buồng trứng
Các phương pháp điều trị hiện nay đó là:
- Điều trị phẫu thuật: Trường hợp bệnh còn nhẹ ở giai đoạn I, phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn để cắt bỏ tế bào ung thư. Sau đó, có thể áp dụng cả hóa trị và xạ trị để loại bỏ lượng tế bào ung thư còn xót.
- Hóa trị: sử dụng thuốc điều trị ung thư như: isplatin 75mg, Paclitaxel 175mg, gemcitabin 800mg,...Các loại thuốc này không chỉ tấn công tế bào ung thư mà còn gây ảnh hưởng đến các tế bào bình thường khác. Do đó, người bệnh dùng thuốc có thể gặp một số tác dụng phụ như sạm da, rụng tóc, chán ăn, mệt mỏi,...
- Xạ trị: là phương pháp dùng tia phóng xạ chiếu vào tế bào ung thư, các tia xạ này cũng gây ảnh hưởng đến các tế bào bình thường, do vậy cũng gây nhiều tác dụng không mong muốn cho bệnh nhân.
Ung thư buồng trứng là căn bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến khả năng làm mẹ của phụ nữ. Nhiều người phụ nữ trẻ bị căn bệnh này có thể sẽ không còn sinh con được nữa khi ung thư đã ở giai đoạn bệnh nặng. Do đó, khám sức khỏe định kỳ là cách để phát hiện sớm và bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, Ovarian cancer, Mayoclinic. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của NHS.UK, Ovarian cancer, nhs.uk. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của CDC, Basic Information About Ovarian Cancer, cdc.gov. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Medlineplus, Ovarian Cancer, Medlineplus. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2021