Phân loại thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực theo phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế

1 Các phương pháp điều trị rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực là bệnh lý tâm thần đặc trưng bởi các rối loạn liên quan đến cảm xúc, có sự thay đổi bất thường giữa các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm. Hiện nay không có cách điều trị khỏi hoàn toàn bệnh rối loạn lưỡng cực, nhưng sự kết hợp các biện pháp sẽ giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tái phát. Các phương pháp như dùng thuốc, liệu pháp tâm lý, sốc điện, thay đổi lối sống có thể giúp người bị rối loạn lưỡng cực cải thiện triệu chứng và chất lượng cuộc sống.

- Liệu pháp hoá dược: sử dụng thuốc trong điều trị giảm triệu chứng bệnh, việc lựa chọn tuỳ thuộc vào từng cá thể. Các thuốc thường dùng thuộc nhóm thuốc ổn định tâm trạng, thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu.
- Trị liệu tâm lý: giúp bệnh nhân điều chỉnh các suy nghĩ tiêu cực, cải thiện tinh thần trong quá trình điều trị bệnh. Các liệu pháp sử dụng như liệu pháp nhận thức-hành vi, liệu pháp tập trung vào gia đình, hỗ trợ của xã hội.
- Sốc điện (ECT): sử dụng trong các trường hợp trầm cảm nặng không đáp ứng thuốc, người bệnh có nguy cơ tự sát mãnh liệt.
- Kích thích từ xuyên sọ (TMS): có thể áp dụng trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm nhẹ và vừa.
Việc điều trị rối loạn lưỡng cực cần được cá nhân hóa và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa, cần tuân thủ kế hoạch điều trị để kiểm soát bệnh tốt hơn.
===> Xem thêm bài viết: Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị bệnh
2 Thuốc chỉnh khí sắc điều trị rối loạn lưỡng cực
Các thuốc chỉnh khí sắc được sử dụng trong điều trị rối loạn lưỡng cực, nhằm kiểm soát cơn hưng cảm, trầm cảm và ngăn ngừa tái phát, một số thuốc được sử dụng gồm:
- Valproate (Depakote): Hiệu quả với thể hưng cảm, lưỡng cực chu kỳ nhanh, các tác dụng phụ thường gặp như tăng cân, rụng tóc, dị tật thai nhi.
- Carbamazepine (Tegretol): Hiệu quả với thể hưng cảm, có thể ức chế tủy xương, phát ban, tương tác thuốc nhiều.
- Lamotrigine (Lamictal): thường dùng giai đoạn trầm cảm lưỡng cực và phòng ngừa tái phát, có các tác dụng phụ trên da nghiêm trọng.

Một số phác đồ dùng thuốc chỉnh khí sắc trong các giai đoạn rối loạn lưỡng cực có thể chọn một hoặc hai hoặc ba thuốc trong số danh sách tham khảo dưới đây:
Các giai đoạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ và hỗn hợp cấp tính | Các giai đoạn trầm cảm cấp tính |
Divalproex: 750mg/ngày – 60mg/kg/ngày Valproat: 500 - 2000mg/ngày Carbamazepin: 200 - 1600mg/ngày Oxcarbazepin: 600 - 2400mg/ngày Lamotrigin: 100 - 400mg/ngày Topiramat: 50 – 400mg/ngày | Lamotrigin: 100 - 400mg/ngày Divalproex: 750mg/ngày – 60mg/kg/ngày Valproat: 500 - 1500mg/ngày Carbamazepin: 200 - 1600mg/ngày Oxcarbazepin: 600 - 2400mg/ngày Topiramat: 50 – 400mg/ngày Gabapentin: 300 – 1800mg/ngày |
3 Thuốc chống trầm cảm
Do rối loạn lưỡng cực đặc trưng bởi các cơn hưng cảm xen kẽ trầm cảm, nên khi dùng thuốc điều trị trầm cảm cần thận trọng và theo dõi của bác sĩ do nguy cơ gây chuyển pha từ trầm cảm sang hưng cảm. Các thuốc chống trầm cảm thường dùng:
- Nhóm SSRI: các thuốc như Fluoxetine (Prozac, thường kết hợp với Olanzapine), Sertraline (Zoloft), Escitalopram (Lexapro), nhóm này có nguy cơ chuyển pha thấp hơn so với thuốc chống trầm cảm nhóm TCA.
- Bupropion (Wellbutrin): Ít nguy cơ gây chuyển pha so với SSRI và TCA, có thể dùng khi bệnh nhân mệt mỏi, mất năng lượng trong giai đoạn trầm cảm.
- Nhóm SNRI: có thể dùng nhưng nguy cơ chuyển pha cao hơn SSRI, các thuốc như Venlafaxine (Effexor), Duloxetine (Cymbalta).
- Nhóm TCA: thường ít được khuyến cáo do nguy cơ chuyển pha cao.
- Mirtazapin: làm tăng dẫn truyền Noradrenalin và đặc hiệu trên Serotonin (NaSSA).

Khuyến cáo về liều dùng của các thuốc chống trầm cảm trong điều trị rối loạn lưỡng cực theo hướng dẫn Bộ Y tế:
- Amitriptylin: liều dùng 25 – 200mg/ngày
- Sertralin: liều dùng 50 – 300 mg/ngày
- Fluoxetin: liều dùng 20 – 60 mg/ngày
- Citalopram: liều dùng 20 – 60mg/ngày
- Escitalopram: liều dùng 10 – 20mg/ngày
- Paroxetin: liều dùng 20 - 80 mg/ngày
- Venlafaxin: 37,5 – 225 mg/ngày
- Mirtazapin: liều dùng 15 – 60 mg/ngày
- Bupropion: liều dùng 75 - 450mg/ngày
4 Thuốc chống loạn thần
Thuốc chống loạn thần quan trọng trong giai đoạn hưng cảm, rối loạn tâm thần hoặc ổn định tâm trạng người bệnh.
- Thuốc chống loạn thần thế hệ cũ: ít sử dụng hơn do tác dụng phụ ngoại tháp, chủ yếu dùng khi có triệu chứng hưng cảm cấp tính hoặc loạn thần rõ rệt. Các thuốc như Haloperidol (Haldol), Chlorpromazine.
- Thuốc chống loạn thần thế hệ mới: được ưu tiên sử dụng do ít tác dụng phụ ngoại tháp hơn, cải thiện cả triệu chứng hưng cảm lẫn trầm cảm. Các thuốc nhóm này như Quetiapine (Seroquel), Olanzapine (Zyprexa), Risperidone (Risperdal), Aripiprazole (Abilify), Lurasidone (Latuda).

Liều dùng tham khảo của thuốc chống loạn thần trong các giai đoạn:
Các giai đoạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ và hỗn hợp cấp tính | Các giai đoạn trầm cảm cấp tính |
Haloperidol: 5 - 30 mg/ngày Chlorpromazin: 25 - 500mg/ngày Levopromazin: 25 - 500mg/ngày Risperidon: 1 - 10 mg/ngày Olanzapin: 5 - 30mg/ngày Quetiapin: 200 - 800mg/ngày Clozapin: 300 - 900mg/ngày, Aripiprazol: 5 - 30mg/ngày | Haloperidol: 5 - 30 mg/ngày Chlorpromazin: 25 - 500mg/ngày Levopromazin: 25 - 500mg/ngày Risperidon: 1 - 10 mg/ngày Olanzapin: 5 - 30mg/ngày Quetiapin: 50 - 800mg/ngày Clozapin: 25 - 900mg/ngày, Aripiprazol: 5 - 30mg/ngày |
5 Thuốc chống lo âu
Các thuốc chống lo âu thuộc nhóm Benzodiazepines thường được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng lo âu kèm theo. Các thuốc nhóm này có tác dụng nhanh trong việc giảm lo âu và cải thiện giấc ngủ, nhưng chỉ nên sử dụng ngắn hạn, không phải thuốc điều trị chính. Tuân thủ liều khuyến cáo của bác sĩ để tránh lệ thuộc vào thuốc. Một số thuốc phổ biến như Lorazepam (Ativan), Clonazepam (Klonopin), Diazepam (Valium), Bromazepam (lexomil).

Liều tham khảo của các thuốc chống lo âu trong điều trị rối loạn lưỡng cực giai đoạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ và hỗn hợp cấp tính:
- Diazepam: liều dùng 5 - 30mg/ngày
- Lorazepam: liều dùng 1 - 4mg/ngày
- Clonzepam: liều dùng 1 - 8mg/ngày
- Bromazepam: liều dùng 3 - 6mg/ngày
6 Các thuốc hỗ trợ khác
Các nhóm thuốc giải lo âu, gây ngủ khác như Zopiclone, Zolpidem, Melatonin, hỗ trợ điều trị mất ngủ, duy trì ổn định tâm trạng.
Thuốc tăng cường tuần hoàn não và dinh dưỡng tế bào thần kinh như Piracetam, citicholin, ginkgo biloba… giúp giảm các triệu chứng đau nhức thần kinh, mất năng lượng.
Vitamin và yếu tố vi lượng như Vitamin D, B12, Folate, Omega-3 có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng trầm cảm, tăng nhận thức và cải thiện tâm trạng.
7 Lưu ý trong sử dụng thuốc điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng trong dùng thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực:
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: dùng đúng liều lượng và thời gian quy định, không tự ý ngừng thuốc đột ngột do có tái phát nghiêm trọng hơn.
- Hiểu các tác dụng phụ có thể gặp: Một số thuốc có thể gây tăng cân, buồn ngủ, run tay, khô miệng, chóng mặt, cần thực hiện các xét nghiệm định kỳ do thuốc có thể ảnh hưởng đến chức năng gan thận. Nếu thấy các tác dụng phụ nghiêm trọng cần báo ngay với bác sĩ.
- Theo dõi tâm trạng: ghi chép sự chuyển biến về tâm trạng hàng ngày, nếu có dấu hiệu trầm cảm nặng, ý nghĩ tự tử, cần liên hệ ngay với bác sĩ và người thân để hỗ trợ.
- Tương tác thuốc: các thuốc có nguy cơ xảy ra tương tác với nhiều thuốc khác như kháng sinh, chống viêm… nên hãy báo cáo với bác sĩ tất cả các thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng.
8 Thuốc trị rối loạn lưỡng cực cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú
Quyết định sử dụng thuốc cho các đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú phải được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ, cũng như có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, việc kiểm soát tốt bệnh cũng rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe tinh thần của mẹ và sự phát triển của em bé. Một vài thuốc có thể coi là lựa chọn an toàn khi cần dùng cho những đối tượng trên như:
- Thuốc ổn định tâm trạng Lamotrigine (Lamictal) có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh thấp hơn so với Valproate và Carbamazepine. Khi dùng cho mẹ đang có trẻ bú thì cần giám sát dấu hiệu kích thích hoặc buồn ngủ quá mức ở trẻ.
- Thuốc chống loạn thần có thể sử dụng trong thai kỳ như quetiapine (Seroquel), olanzapine (Zyprexa) và risperidone (Risperdal). Các thuốc thế hệ mới ít gây dị tật hơn, nhưng tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ và tăng cân.
- Thuốc chống trầm cảm nhớ SSRI (fluoxetine, sertraline) có thể dùng nếu có triệu chứng trầm cảm nặng, nguy cơ cai thuốc ở trẻ sơ sinh nếu dùng những tháng cuối thai kỳ.
Trong điều trị cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú nên ưu tiên tâm lý trị liệu, hỗ trợ không dùng thuốc trước, chỉ sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết và tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
9 Điều trị rối loạn lưỡng cực bao lâu?
Khi điều trị rối loạn lưỡng cực, người bệnh thường băn khoăn Rối loạn lưỡng cực có khỏi được không? Quá trình điều trị rối loạn lưỡng cực kéo dài bao lâu?
Đa số trường hợp rối loạn lưỡng cực cần dùng thuốc kéo dài suốt đời, ngay cả khi triệu chứng đã kiểm soát để ngăn tái phát. Nếu đã ổn định trong nhiều năm, bác sĩ có thể xem xét giảm liều nhưng cần giám sát chặt chẽ. Mục tiêu trong điều trị là giúp người bệnh ổn định tâm trạng, hạn chế nguy cơ tái phát , từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống.
10 Các biện pháp hỗ trợ trị rối loạn lưỡng cực tại nhà
Ngoài việc điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý, có nhiều biện pháp có thể áp dụng tại nhà để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống ở người bệnh rối loạn lưỡng cực.

10.1 Kiểm soát giấc ngủ
Đối với người bị rối loạn lưỡng cực thì có một giấc ngủ ngon, điều độ vô cùng quan trọng, ngủ đủ giấc không những giảm cảm giác mệt mỏi còn giúp ổn định tâm trạng rất tốt. Trong giai đoạn hưng cảm của bệnh, rất khó để vào giấc ngủ nhưng ngược lại trong giai đoạn trầm cảm họ có thể buồn ngủ rất nhiều. Cố gắng duy trì ngủ từ 7 tiếng- 9 tiếng mỗi ngày và ngủ cố định vào một khoảng giờ trong ngày. Dưới đây là một số mẹo giúp cải thiện giấc ngủ cho người bị rối loạn lưỡng cực như:
- Giữ không gian phòng ngủ sạch sẽ, đảm bào thoải mái nhất.
- Không sử dụng các thiết bị điện tử trước giờ ngủ ít nhất 30 phút, có thể tập luyện nhẹ như yoga để giảm căng thẳng trước khi đi ngủ.
- Không ăn tối muộn hoặc ăn qua gần giờ ngủ.
- Không dùng chất kích thích, rượu bia.
- Duy trì thói quen đi ngủ và thức dậy cùng một khoảng giờ cố định trong ngày.
10.2 Ăn uống cân bằng
Các đối tượng bị rối loạn lưỡng cực thường có thói quen ăn uống không cân bằng, dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì. Ngoài ra trong quá trình điều trị bằng thuốc, các tác dụng phụ của thuốc sẽ làm nặng thêm tình trạng này. Thừa cân thường kéo theo các bệnh lý khác như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lo âu. Do đó việc thiết lập một thói quen ăn uống lành mạnh sẽ hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Một số biện pháp giúp duy trì thói quen ăn uống cân bằng như:
- Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có cồn, caffeine.
- Ăn uống đa dạng, cân đối, tăng cường thực phẩm giàu Omega-3, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt.
- Đảm bảo thời gian ăn uống đều đặn, không bỏ bữa cũng không ăn thêm các bữa phụ.
10.3 Tập thể dục
Các nghiên cứu đều cho thấy, tập thể dục vừa phải và thường xuyên có thể giúp cân bằng tâm trạng, ngăn ngừa một số vấn đề sức khỏe, mang lại nhiều lợi ích trong điều trị các bệnh lý tâm thần kinh. Các hoạt động như nên tham gia như yoga, đi bộ, chạy bộ hoặc bơi lội, sẽ giúp cân bằng cảm xúc và giảm căng thẳng.
10.4 Quản lý căng thẳng và cảm xúc
Người bị rối loạn lưỡng cực rất dễ xa vào những cảm xúc tiêu cực, tâm trạng không ổn định. Do đó việc quản lý cảm xúc có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Người bệnh có thể thực hiện các biện pháp như thiền định, tập hít thở sâu, ghi chép nhật ký cảm xúc, tham gia các hoạt động thư giãn để cải thiện tâm trạng cũng như nhận biết sớm các cơn hưng cảm hoặc trầm cảm.
10.5 Duy trì mối quan hệ xã hội tích cực
Trò chuyện với người thân và bạn bè để giải tỏa những lo âu trong suy nghĩ, việc nhận được sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè giúp người bệnh cảm thấy được yêu thương và thấu hiểu.
Tham gia nhóm hỗ trợ, tìm kiếm những người có cùng trải nghiệm có thể chia sẻ và hỗ trợ nhau trong quá trình kiểm soát bệnh.
11 Kết luận
Thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực cần sử dụng thời gian dài và theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ lộ trình và thậm chí hãy chấp nhận việc uống thuốc suốt đời cũng giống như các bệnh mạn tính khác. Sự hỗ trợ tâm lý từ gia đình, cộng đồng cũng sẽ góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi của bệnh nhân nhanh chóng hơn.
12 Tài liệu tham khảo
- M-N Vacheron-Trystram 1, A Braitman, S Cheref, L Auffray (ngày đăng tháng 9 năm 2004) [Antipsychotics in bipolar disorders]. Pubmed. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2025.
- Bộ Y tế, (ngày đăng 14 tháng 5 năm 2020) Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số rối loạn tâm thần thường gặp. Trang 112-118. Bộ Y tế. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả Andrew A Nierenberg và cộng sự (Ngày đăng 10 tháng 10 năm 2023) Diagnosis and Treatment of Bipolar Disorder: A Review. Pubmed. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2025.