1. Trang chủ
  2. Thần Kinh
  3. Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị bệnh

Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị bệnh

Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị bệnh

Trungtamthuoc.com - Rối loạn lưỡng cực là bệnh lý tâm thần biểu hiện bằng những trạng thái bất thường của cảm xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể cải thiện triệu chứng đáng kể nếu được chăm sóc đúng cách. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) cùng tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và các phương pháp điều trị của bệnh rối loạn lưỡng cực trong bài viết dưới đây nhé.

1 Rối loạn lưỡng cực là bệnh gì?

Rối loạn lưỡng cực viết tắt là RLLC hay Bipolar disorders là bệnh rối loạn tâm thần biểu hiện bằng những thay đổi liên tục của cảm xúc, được chia thành các giai đoạn hưng cảm, trầm cảm, hưng cảm nhẹ. Tâm trạng của người bệnh có thể lúc vui, lúc buồn tuỳ theo rối loạn kích thích hưng cảm hay các dấu hiệu trầm cảm. Một số tên gọi khác của rối loạn lưỡng cực như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn phổ lưỡng cực…

Theo ICD-10 định nghĩa rằng rối loạn lưỡng cực đặc trưng bởi những giai đoạn bệnh thay thế nhau. Cụ thể từng lúc bệnh nhân sẽ có sự tăng khí sắc, nhưng lúc khác lại có sự giảm khí sắc. Một vài trường hợp lặp lại các giai đoạn bệnh chỉ có hưng cảm và hưng cảm nhẹ cũng được chẩn đoán là mắc chứng bệnh này.

Rối loạn lưỡng cực gây ra sự thay đổi về tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp đến các công việc hàng ngày, mối quan hệ xã hội và sức khỏe người bệnh.

Phân loại bệnh rối loạn lưỡng cực như sau:

  • Rối loạn cảm xúc lưỡng cực I: biểu hiện bởi các cơn hưng cảm hoặc có xen kẽ cơn trầm cảm, trong đó các cơn hưng cảm phải kéo dài ít nhất bảy ngày và cơn trầm cảm kéo dài ít nhất 2 tuần.
  • Rối loạn cảm xúc lưỡng cực II: đặc trưng của những cơn rối loạn lưỡng cực II là có các cơn trầm cảm xen kẽ cơn hưng cảm nhẹ. Khác với rối loạn lưỡng cực I là bệnh nhân sẽ không bao giờ trải qua một cơn hưng cảm hoàn toàn, nhưng gây suy nhược cho cơ thể hơn vì tần suất các cơn trầm cảm nhiều hơn.
  • Rối loạn lưỡng cực III: thường ở những đối tượng có người nhà mắc bệnh này. Biểu hiện đặc trưng bởi cơn trầm cảm tái diễn chuyển sang hưng cảm khi điều trị bằng thuốc.
  • Rối loạn lưỡng cực chu kỳ nhanh: trong 1 năm người bệnh gặp ít nhất 4 cơn rối loạn.
  • Rối loạn lưỡng cực có nét loạn thần: gặp khi có các biểu hiện của loạn thần kèm theo các cơn rối loạn lưỡng cực.
  • Rối loạn lưỡng cực với biểu hiện không điển hình (Atypical features): có các triệu chứng không đặc trưng, bệnh có thể khởi phát sớm, người bệnh ngủ nhiều, ăn nhiều, rối loạn tâm lý.

2 Nguyên nhân gây rối loạn lưỡng cực

Nguyên nhân gây rối loạn lưỡng cực
Nguyên nhân gây rối loạn lưỡng cực

2.1 Các yếu tố sinh học

Các yếu tố di truyền được chứng minh rằng có liên quan đến tỷ lệ mắc rối loạn lưỡng cực. Trong đó rối loạn lưỡng cực loại II thường gặp hơn cả. Yếu tố sinh học cũng ảnh hưởng đến độ tuổi bị mắc bệnh và yếu tố môi trường xã hội có thể tác động làm tăng hoặc giảm thời gian phát bệnh.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng sự mất cân bằng trong dẫn truyền thần kinh, bất thường trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận, tuyến giáp có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc.

2.2 Các yếu tố môi trường

Đây được coi là một trong những yếu tố đóng vai trò hình thành những cơn rối loạn khí sắc đầu tiên.  Một số báo cáo cho thấy những cặp sinh đôi cùng trứng không có thời gian phát bệnh giống nhau mà những tác động tiêu cực, stress kéo dài sẽ làm khởi phát hoặc tái phát các cơn rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

2.3 Các yếu tố não bộ và thần kinh

Có bằng chứng cho thấy những cơn trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực liên quan đến sự tăng hoạt động trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận. Đối với một số bệnh nhân có rối loạn chức năng tuyến giáp cũng nhận thấy điều này.

Cấu trúc não bộ cũng ảnh hưởng đến nguy cơ phát bệnh. Các tính chất như tính toàn vẹn tế bào thần kinh, mức độ hoạt động và mật độ tế bào đệm, tế bào thần kinh, chất hoá sinh riêng cho vỏ não thuỳ trán tác động đến bệnh. Các vùng đồi thị, vùng thể vân bụng và hạnh nhân, tiểu não có sự tăng hoạt động và mất cân đối ở những bệnh nhân mắc chứng bệnh này.

3 Triệu chứng rối loạn lưỡng cực

Triệu chứng của bệnh tương tự các căn bệnh tâm lý khác. Để xác định chính xác bệnh thì phân biệt được các rối loạn hưng cảm hay rối loạn trầm cảm. Trong rối loạn hưng cảm sẽ có giai đoạn hưng cảm và hưng cảm nhẹ. Việc nhận biết các triệu chứng trên sẽ giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn. 

Những rối loạn cảm xúc của người bị mắc rối loạn lưỡng cực thường ở mức cực đoan. Có nghĩa là khi họ hưng phấn sẽ cực kỳ hưng phấn và không quan tâm đến những hậu quả có thể gây ra và ngược lại khi họ trầm cảm, những yếu tố tiêu cực sẽ ám lấy họ, thậm chí dẫn đến những ý nghĩ cực đoan nhất như tự sát. Những giai đoạn bệnh thường khởi phát kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Dưới đây là những triệu chứng của các giai đoạn trong rối loạn lưỡng cực.

Dấu hiệu rối loạn lưỡng cực
Dấu hiệu rối loạn lưỡng cực

3.1 Giai đoạn hưng cảm

Các biểu hiện thường gặp như:

  • Tăng tính tự trọng, phóng đại bản thân: người bệnh cảm thấy mình có vai trò quan trọng trong cuộc sống hơn những người khác và đảm nhiệm những nhiệm vụ của đấng tối cao ban cho, cần làm bằng được.
  • Giảm nhu cầu ngủ: có thể không cảm thấy buồn ngủ hoặc thiếu hụt năng lượng trong nhiều ngày không ngủ.
  • Nói chuyện nhiều hơn bình thường.
  • Tư duy phân tán, thiếu tập trung.
  • Tham gia vào hoạt động có rủi ro cao: tăng ham muốn với các trò chơi mạo hiểm, đầu tư, chứng khoán…

3.2 Giai đoạn hưng cảm nhẹ

Một thể bệnh ít nặng nề hơn hưng cảm, một số biểu hiện như:

  • Giảm nhu cầu ngủ, hoạt động không thấy mệt mỏi
  • Cảm thấy tự tin hơn bình thường, sáng tạo hơn.
  • Hoạt ngôn, vui tươi, hưng phấn liên tục.

3.3 Giai đoạn trầm cảm

Các triệu chứng rối loạn trầm cảm ngược lại với rối loạn hưng phấn với các biểu hiện như:

  • Khí sắc trầm hầu hết trong ngày: giảm sự quan tâm thích thú với tất cả các hoạt động trong ngày.
  • Mất ngủ: thường mất ngủ tỉnh giấc giữa đêm, chứng ngủ nhiều.
  • Chậm chạp hơn bình thường: điều này thường được người khác nhận thấy chứ không phải bản thân người bệnh.
  • Mệt mỏi, mất năng lượng: cảm thấy tự ti, người vô dụng.
  • Suy giảm khả năng suy nghĩ, sự tập trung: cảm thấy do dự trong các quyết định, không thể hoàn thành công việc thường ngày như bình thường.
  • Suy nghĩ về cái chết: những hình ảnh về cái chết hoặc nỗ lực tự sát sẽ được lập ra.

4 Đối tượng nguy cơ rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường bắt đầu ở thanh thiếu niên, 20 đến 30 tuổi. Tỷ lệ hiện mắc suốt đời là khoảng 4%.

Rối loạn lưỡng cực thường xuất hiện ở độ tuổi thanh thiếu niên, trong khoảng từ 20 tuổi đến 30 tuổi có số lượng chiếm nhiều nhất. Những người mắc bệnh mãn tính chiếm khoảng 4%. Các yếu tố nguy cơ gây tăng khả năng mắc bệnh gồm có:

  • Có người thân đã từng bị bệnh thì nguy cơ bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực cao hơn bình thường.
  • Đối tượng gặp phải những biến cố lớn trong cuộc sống như mất người thân, chấn thương tâm lý, nỗi ám ảnh vì sự kiện nào đó.
  • Sử dụng quá nhiều chất kích thích, rượu, ma tuý.
  • Đổ vỡ của một quan hệ hoặc bị lạm dụng tình dục, tình cảm.
  • Những áp lực quá nhiều trong cuộc sống, công việc như nợ nần, stress quá mức.
Đối tượng nguy cơ rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Đối tượng nguy cơ rối loạn cảm xúc lưỡng cực

5 Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực như thế nào?

5.1 Chẩn đoán lâm sàng

Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ thăm khám đánh giá các giai đoạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ, trầm cảm bằng các bài test tâm lý hoặc hỏi trực tiếp bệnh nhân các biểu hiện thường gặp.

Biểu đồ tâm trạng: người bệnh cần cung cấp các ghi chép về giấc ngủ, cảm xúc hàng ngày để dễ dàng hơn trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

5.2 Chẩn đoán phân biệt 

Tâm thần phân liệt: đây là bệnh lý tâm thần nặng có yếu tố mãn tính và khởi đầu âm thầm. Biểu hiện của bệnh không phải ở thay đổi cảm xúc như rối loạn lưỡng cực mà chủ yếu liên quan đến ảo giác, ảo thanh, cảm nhận có tiếng nói bên trong đầu. Nguyên nhân bệnh là do sự gián đoạn các suy nghĩ, cảm xúc.

Rối loạn nhân cách: thuộc nhóm bệnh rối loạn tâm thần, người bệnh có 2 hoặc nhiều nhân cách trong một cơ thể. Các nhân cách này hoàn toàn khác nhau, tách biệt.

5.3 Chẩn đoán cận lâm sàng

Thực hiện các xét nghiệm thường quy như xét nghiệm máu, xét nghiệm hormon tuyến giáp, xét nghiệm nước tiểu: tìm ma túy, xét nghiệm vi sinh: viêm gan B, C; HIV…

Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng như XQ tim phổi, siêu âm ổ bụng, siêu âm tuyến giáp, Điện não đồ, Điện tim đồ, CT scanner sọ não, MRI sọ não…

6 Bài test rối loạn lưỡng cực tại nhà hiệu quả

Bạn có thể tự kiểm tra bệnh rối loạn lưỡng cực tại nhà bằng thực hiện bài Test rối loạn lưỡng cực Goldberg.

Bài kiểm tra này được xây dựng bởi nhà tâm lý học  Ivan K. Goldberg. Người thực hiện chỉ cần trả lời 12 câu hỏi bên dưới và xác định mức độ xuất hiện rồi chấm điểm bản thân để chẩn đoán xem có bị mắc bệnh rối loạn lưỡng cực không. Bài test này dành cho người trưởng thành trên 18 tuổi và đã trải qua ít nhất 1 lần trầm cảm trước đó.

Tiêu chíTest rối loạn lưỡng cực Goldberg
Thang đo

Không bao giờ: 0 điểm

Một chút: 1 điểm

Có đôi khi: 2 điểm

Mức độ vừa phải: 3 điểm

Khá nhiều: 4 điểm

Rất nhiều: 5 điểm

Nội dung test1. Đôi khi, tôi nói rất nhiều và nhanh hơn thường lệ
2. Có những khoảng thời gian mà khi đó tôi trở nên cực kỳ năng động và làm việc nhiều hơn bình thường.
3. Thỉnh thoảng, tôi có cảm giác tâm trạng mình cáu kỉnh hoặc gấp gáp vội vã hơn bình thường.
4. Có những lúc tôi cảm thấy vừa hào hứng, vui vẻ lại vừa buồn phiền, chán nản trong cùng một thời điểm.
5. Thỉnh thoảng, tôi sẽ có sự quan tâm đặc biệt đến chuyện tình dục nhiều hơn bình thường.
6. Mức độ tự tin của tôi đôi khi trải qua một quá trình biến đổi nhanh chóng từ sự thiếu tự tin đến tự tin quá mức.
7. Có những giai đoạn tôi có sự thay đổi lớn về cả số lượng hoặc chất lượng công việc.
8. Đôi khi, tôi có thể trở nên tức giận hoặc chống đối mà không có lý do cụ thể.
9. Có lúc tôi trải qua những giai đoạn cực kỳ lạc quan và giai đoạn bi quan không rõ nguyên do.
10. Tôi đã trải qua giai đoạn buồn tẻ, uể oải không rõ nguyên do và giai đoạn rất vui vẻ, sáng tạo trong công việc.
11. Thỉnh thoảng, tôi rất muốn ở trong môi trường đông người, nhưng cũng  có lúc chỉ muốn yên tĩnh để suy nghĩ riêng một mình.
12. Tôi đã từng trải qua những lúc khóc lóc, buồn bã và có những lúc lại cười đùa, vui vẻ  quá mức bình thường.
Kết quảTừ 0 – 15 điểm: Bạn có thể mắc trầm cảm đơn cực. Đây là giai đoạn biểu hiện chính là sự giảm sút rõ rệt của cảm xúc, tư duy và hành vi.
Từ 16 – 24 điểm: Bạn có thể mắc rối loạn trầm cảm chủ yếu hoặc một rối loạn trong phổ rối loạn lưỡng cực.
Từ 25 điểm trở lên: Bạn có thể thuộc phổ lưỡng cực.

7 Phương pháp điều trị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Nguyên tắc điều trị bệnh là cần phát hiện càng sớm càng tốt để kịp thời điều trị. Đặc biệt với tình trạng bệnh nặng, có ý định tự sát thì cần nhập viện theo dõi.

7.1 Sử dụng thuốc điều trị 

Thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực nói chung thuộc vào 3 nhóm chính sau đây:

  • Thuốc điều chỉnh khí sắc
  • Thuốc chống loạn thần
  • Thuốc chống trầm cảm

Lựa chọn thuốc tùy thuộc vào mỗi đối tượng, cụ thể một số thuốc và liều dùng trong phác đồ tham khảo của Bộ Y tế

Giai đoạnCác giai đoạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ và hỗn hợp cấp tínhCác giai đoạn trầm cảm cấp tính
Các thuốc chỉnh khí sắc

Divalproex: 750mg/ngày –60mg/kg/ngày

Valproat: 500 - 2000mg/ngày

Carbamazepin: 200 - 1600mg/ngày

Oxcarbazepin: 600 - 2400mg/ngày

Lamotrigin: 100 - 400mg/ngày

Topiramat: 50 – 400mg/ngày

Gabapentin: 300 – 1800mg/ngày

Lamotrigin: 100 - 400mg/ngày

Divalproex: 750mg/ngày – 60mg/kg/ngày

Valproat: 500 - 1500mg/ngày

Carbamazepin: 200 - 1600mg/ngày

Oxcarbazepin: 600 - 2400mg/ngày

Topiramat: 50 – 400mg/ngày

Gabapentin: 300 – 1800mg/ngày

Các thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần điển hình:

Haloperidol: 5 - 30 mg/ngày

Chlorpromazin: 25 - 500mg/ngày

Levopromazin: 25 - 500mg/ngày

Thuốc chống loạn thần không điển hình:

Risperidon: 1 - 10 mg/ngày

Olanzapin: 5 - 30mg/ngày

Quetiapin: 200 - 800mg/ngày

Clozapin: 300 - 900mg/ngày,

Aripiprazol: 5 - 30mg/ngày

Thuốc chống loạn thần điển hình

Haloperidol: 5 - 30 mg/ngày

Chlorpromazin: 25 - 500mg/ngày

Levopromazin: 25 - 500mg/ngày

Thuốc chống loạn thần không điển hình

Risperidon: 1 - 10 mg/ngày

Olanzapin: 5 - 30mg/ngày

Quetiapin: 50 - 800mg/ngày

Clozapin: 25 - 900mg/ngày,

Aripiprazol: 5 - 30mg/ngày

Các thuốc khác

Các thuốc thuộc nhóm benzodiazepine: 

Diazepam: 5 - 30mg/ngày

Lorazepam: 1 - 4mg/ngày

Thuốc chống trầm cảm:

Amitriptylin: 25 – 200mg/ngày

Clomipramin: 50 – 100 mg/ngày

Sertralin: 50 – 300 mg/ngày

Venlafaxin: 37,5 – 225 mg/ngày

7.2 Tâm lý trị liệu

Một trong những cách khác điều trị rối loạn lưỡng cực là tâm lý trị liệu. Các liệu pháp thường áp dụng như:

  • IPSRT: có tên goị là liệu pháp nhịp điệu cá nhân và xã hội, giúp theo dõi các hoạt động thường ngày để điều chỉnh các hành vi đúng mực và nhận biết tiến triển của bệnh.
  • CBT: là liệu pháp nhận thức, giúp bạn nhận ra hành động không đúng của bản thân, sửa đổi và thay thế chúng. 
  • Liệu pháp tập trung vào gia đình: trong quá trình điều trị bệnh, sự hỗ trợ của gia đình sẽ giúp kiểm soát các hành vi nguy hiểm của người bệnh.

8 Biện pháp phòng ngừa

Các biện pháp từ thay đổi lối sống khoa học, chế độ dinh dưỡng cân bằng có thể phòng ngừa căn bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiệu quả. Cụ thể bao gồm:

  • Hạn chế dùng chất kích thích: không lạm dụng và hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu, bia có thể làm ảnh hưởng đến các thuốc đang sử dụng điều trị.
  • Ghi lại tâm trạng mỗi ngày: ghi chú tâm trạng của bạn dựa theo biểu đồ hành vi, suy nghĩ ,cảm xúc hàng ngày nhằm nhận biết dấu hiệu bất thường, hỗ trợ quá trình phòng bệnh và điều trị bệnh.
  • Tập thể dục thường xuyên: tập thể dục vừa cải thiện tâm trạng vừa nâng cao sức khỏe tổng quát.
  • Chế độ ăn uống cân bằng: bổ sung nhiều ra xanh, trái cây thay vì ăn nhiều đồ ăn nhanh, đồ chứa nhiều dầu mỡ sẽ khiến tâm trạng tệ hơn.
  • Tập thiền: các nghiên cứu đã cho thấy thiền giúp cải thiện chứng trầm cảm, ổn định tâm trạng và tinh thần.

9 Một số câu hỏi thường gặp về bệnh rối loạn lưỡng cực

9.1 Rối loạn lưỡng cực có di truyền không?

Bệnh rối loạn lưỡng cực chỉ chiếm khoảng 1% dân số thế giới và có tỷ lệ mắc giữa cả 2 giới là ngang nhau. Đặc biệt các nghiên cứu đã cho thấy yếu tố di truyền có liên quan mật thiết với những người bị rối loạn này. Trong gia đình nếu có người đã bị rối loạn lưỡng cực thì nguy cơ con cái họ sẽ mắc bệnh cao hơn bình thường. 

9.2 Rối loạn lưỡng cực có nguy hiểm không?

Người mắc bệnh rối loạn lưỡng cực sẽ có những cảm xúc bất ổn, dao động lên xuống và tác động vào chính tâm lý điều trị bệnh. Bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt thường ngày, công việc cũng như các mối quan hệ.

Trong những cơn rối loạn lưỡng cực người bệnh không chỉ gây nguy hiểm cho chính họ mà còn gây nguy hiểm cho người xung quanh. Vì vậy việc điều trị là điều cần thiết và càng sớm càng tốt.

10 Kết luận

Rối loạn lưỡng cực là bệnh lý tâm thần chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đến nay dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng nếu được chăm sóc sớm sẽ kiểm soát đáng kể bệnh. Hy vọng bài viết trên đã đem lại những thông tin hữu ích về bệnh rối loạn lưỡng cực cho người đọc.

11 Tài liệu tham khảo

  1. Chuyên gia NHS (Ngày đăng 3 tháng 2 năm 2023) Overview - Bipolar disorder. NHS. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024
  2. Chuyên gia NIH (Ngày đăng tháng 2 năm 2024) Bipolar Disorder.NIH. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.
  3. Tác giả Andrew A Nierenberg và cộng sự (Ngày đăng 10 tháng 10 năm 2023) Diagnosis and Treatment of Bipolar Disorder: A Review. Pubmed. Truy cập ngày 9 tháng 8 năm 2024.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    Bệnh này có chữa được khỏi hoàn toàn không?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
0/ 5 0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900 888 633