1. Trang chủ
  2. Thần Kinh
  3. Bệnh ái kỷ là gì? Có chữa được không? Người ái kỷ có biết yêu không?

Bệnh ái kỷ là gì? Có chữa được không? Người ái kỷ có biết yêu không?

Bệnh ái kỷ là gì? Có chữa được không? Người ái kỷ có biết yêu không?

1 Rối loạn nhân cách ái kỷ nghĩa là gì?

Ái kỷ trong tiếng Anh là narcissism, còn bệnh ái kỷ hay rối loạn nhân cách ái kỷ, bệnh tự luyến có tên đầy đủ là Narcissistic Personality Disorder - NPD, phản ánh một tình trạng sức khỏe tâm thần mà người mắc có những rối loạn tâm lý đặc trưng bởi sự tự cao quá mức, nhận thức vô lý về tầm quan trọng của bản thân, thiếu sự đồng cảm với người xung quanh và khao khát được ngưỡng mộ. Những người này còn được coi là người tự luyến do họ thường tự cho rằng bản thân đặc biệt và mong đợi sự tôn sùng từ người khác, và thường có cái tôi rất lớn. Người mắc bệnh ái kỷ thường dễ dàng nổi nóng, khó chịu trước những lời nói chỉ trích, dù chỉ là nhỏ nhất. [1]

Khác với người có lòng tự trọng cao, người NPD có thể liên quan nhiều hơn đến cảm giác được hưởng quyền lợi, họ thường thao túng, kiểm soát người khác để đạt mục tiêu cá nhân nhưng không có sự kết nối chân thành với người khác.

Bệnh ái kỷ là gì?
Bệnh ái kỷ là gì?

Bệnh ái kỷ không phải tình trạng rối loạn tâm thần hiếm gặp, nhưng cũng không phổ biến rộng rãi như các bệnh lý trầm cảm, lo âu khác. Theo nghiên cứu từ Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA), tỷ lệ người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ ước tính khoảng 1% đến 6% dân số, trong đó khoảng 75% là nam giới. [2]Hiện nay bệnh có xu hướng gia tăng ở xã hội hiện đại, đặc biệt trong thế hệ trẻ do sự ảnh hưởng của mạng xã hội và văn hoá cá nhân hoá, thành công sớm đã vô tình khuyến khích điều này.[3]

2 Bệnh ái kỷ gây ra những hậu quả gì?

Bệnh ái kỷ không chỉ ảnh hưởng đến người mắc mà còn gây tác động tiêu cực đến những người xung quanh, đặc biệt là trong các mối quan hệ tình cảm, gia đình và công việc.[4]

2.1 Đối với người mắc bệnh

  • Cảm thấy cô đơn, bị cô lập trong xã hội do sự thiếu đồng cảm, thường xuyên gây tổn thương cho người khác. 
  • Tổn thương lòng tự trọng sâu sắc do cái tôi quá lớn, dễ bị ám ảnh, khủng hoảng tâm lý khi bị phê bình, lờ đi, không nhận được sự ưu ái như họ mong đợi.
  • Dễ lạm dụng ma túy hoặc rượu, cờ bạc, các thú vui nguy hiểm khác để thỏa mãn bản thân.
  • Mắc các bệnh rối loạn tâm thần khác như rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, trầm cảm, thậm chí có suy nghĩ và hành vi tự tử.
  • Sự nghiệp không bền vững do tham vọng quá lớn hoặc khó có thể hoà đồng, làm việc nhóm với đồng nghiệp, bị nhân viên ghét bỏ.

2.2 Người ái kỷ trong tình yêu, hôn nhân, gia đình

  • Trong tình yêu, thời gian đầu người ái kỷ thường chưa thể hiện rõ bản thân, họ sẽ cuốn hút và quyến rũ đối phương, sau đó vô tâm, thao túng và bạo hành tinh thần người yêu.
  • Người ái kỷ có thói quen kiểm soát, đánh giá thấp đối phương, bắt đối phương phải chiều theo những mong muốn của bản thân họ. Nếu chia tay, người ái kỷ có xu hướng tìm cách trả thù, bôi nhọ danh dự của người kia.
  • Cha mẹ bị ái kỷ sẽ gây áp lực lớn cho con cái, trở nên thiếu tự tin, tâm lý bất ổn, hoặc thậm ch chí đứa trẻ có thể trở thành người ái kỷ tiếp theo.

2.3 Hậu quả trong xã hội

Có xu hướng tạo ra các mối quan hệ giả tạo, không thực sự có sự kết nối. Nguy cơ trở thành một kẻ lừa đảo, lợi dụng lòng tin của người khác để thực hiện hành vi trái pháp luật. 

====> Xem thêm bài viết: Rối loạn lưỡng cực là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị bệnh

3 Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân chính xác của rối loạn nhân cách ái kỷ vẫn chưa được xác định rõ ràng, nó có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau như môi trường sống, yếu tố tâm lý, di truyền. Cụ thể:[5]

Nguyên nhân gây bệnh ái kỷ
Nguyên nhân gây bệnh ái kỷ

Di truyền: Nếu trong gia đình có người bị rối loạn nhân cách ái kỷ thì nguy cơ con cái của họ có khả năng mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, sự khác biệt trong cấu trúc não bộ của người bị ái kỷ cũng có sự khác biệt ở hạch hạnh nhân và vỏ não trước trán, những khu vực này có liên quan đến việc kiểm soát cảm xúc con người. 

Môi trường sống: trẻ nhỏ có xu hướng bắt chước bố mẹ, do đó nếu cha mẹ nuôi dạy theo phong cách quá mức nuông chiều thì trẻ có thể hình thành niềm tin rằng bản thân đặc biệt hơn người khác hoặc nếu ngược lại, trẻ nhỏ bị bỏ rơi, chỉ trích, gây áp lực quá mức thì chúng sẽ phát triển tính ái kỷ tự vệ. Những đứa trẻ sống trong gia đình thiếu sự đồng cảm có thể dẫn đến không quan tâm đến cảm xúc của người khác.[6]

Văn hoá: những nền văn hoá coi trọng sự độc lập cá nhân, có chủ nghĩa cá nhân cao có thể làm gia tăng bệnh ái kỳ hơn với môi trường văn hoá đề cao giá trị cộng đồng. 

Cạnh tranh trong xã hội: địa vị, thành công và ngoại hình ngày càng được đề cao trong xã hội hiện đại, khiến nhiều người chạy theo những sự công nhận từ bên ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực giải trí, kinh doanh hoặc truyền thông, có khuynh hướng dễ cảm thấy ái kỷ hơn.

4 Biểu hiện của người mắc bệnh NDP

Rối loạn nhân cách ái kỷ có nhiều mức độ khác nhau, từ dạng nhẹ đến dạng trầm trọng hơn. Một số dấu hiệu nhận biết bao gồm:

4.1 Dấu hiệu ái kỷ nhẹ

Một số người bệnh có xu hướng ái kỷ nhẹ chưa tới mức đạt trạng thái bệnh lý, nếu phát hiện và điều chỉnh hành vi sớm có thể kiểm soát được tình trạng này, một số dấu hiệu nhận biết như:

  • Luôn muốn trở thành trung tâm: thường cảm thấy không thoải mái khi bị phớt lờ, có xu hướng chuyển chủ đề về bản thân và ít quan tâm đến câu chuyện của người khác.
  • Cần sự khen ngợi và công nhận liên tục: luôn muốn được ca ngợi về ngoại hình, tài năng hoặc thành tích.
  • Cảm thấy mình đặc biệt hơn người khác: luôn cho rằng mình thông minh, tài giỏi, không coi trọng năng lực của người khác.
  • Thiếu sự đồng cảm: có phản ứng thờ ơ trước sự khó khăn của người khác, ít quan tâm đến cảm xúc của người xung quanh.
  • Dễ bị tổn thương khi bị chỉ trích: có thể phản ứng mạnh, giận dữ hoặc khó chịu khi bị phê bình.
  • Đố kỵ: Dễ ghen tị với thành công của người khác.
Dấu hiệu bệnh ái kỷ
Dấu hiệu bệnh ái kỷ

4.2 Dấu hiệu bệnh ái kỷ ác tính

Ái kỷ ác tính là dạng nghiêm trọng của rối loạn nhân cách ái kỷ, gây tổn thương cho người khác, đây được coi là một tình trạng bệnh lý cần tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý hoặc người thân. Một số dấu hiệu như:

  • Muốn thống trị và điều khiển người khác
  • Lợi dụng hoặc hủy hoại người khác chỉ để đạt được lợi ích cá nhân.
  • Không cảm thấy hối hận khi làm tổn thương người khác.
  • Hoàn toàn không quan tâm đến cảm xúc của người thân, bạn bè.
  • Có xu hướng bạo lực hoặc tìm cách trả thù tàn nhẫn nếu bị chống đối.
  • Luôn coi mình là trung tâm, đòi hỏi được ưu tiên, phục vụ, và tức giận khi không được đối xử như mong muốn.

5 Bài Test rối loạn nhân cách ái kỷ

Bài test Narcissistic Personality Inventory (NPI) được dùng phổ biến nhất để kiểm tra xu hướng ái kỷ của một người, được phát triển bởi Robert Raskin và Calvin S. Hall vào năm 1979. Nội dung bài test bao gồm 40 câu hỏi, mỗi câu hỏi có hai lựa chọn và phải chọn một trong hai, đáp án trả lời không có đúng hoặc sai, chỉ thể hiện mức độ ái kỷ của người thực hiện. Điểm NPI dao động từ 0 đến 40, được đánh giá như sau:

  • 0-10 điểm: Mức độ ái kỷ thấp.
  • 11-20 điểm: Mức độ ái kỷ trung bình.
  • 21-30 điểm: Mức độ ái kỷ cao.
  • 31-40 điểm: Mức độ ái kỷ rất cao, có thể liên quan đến rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD).

Làm bài test NPI ngay dưới đây:

 

 

6 Chuẩn đoán phân biệt

Rối loạn nhân cách ái kỷ có thể được phân biệt với các rối loạn tâm thần khác, như sau:

  • Rối loạn lưỡng cực: Rối loạn ái kỷ và rối loạn lưỡng cực có thể bị nhầm lẫn với nhau, đặc biệt trong giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực. Bệnh nhân bị ái kỷ luôn thể hiện sự tự cao tương tự với giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực, hoặc một số bệnh nhân ái kỷ bị trầm cảm cũng dẫn đến sai lệch trong chẩn đoán. Tuy nhiên rối loạn lưỡng cực sẽ đi kèm với biểu hiện tăng năng lượng, giảm nhu cầu ngủ, có hành vi bốc đồng rõ rệt, còn tâm trạng của người ái kỷ sẽ bị kích thích mạnh mẽ bởi những lời xúc phạm đến lòng tự trọng.
  • Rối loạn nhân cách chống đối xã hội: 2 dạng rối loạn nhân cách này có sự giống nhau là thiếu sự đồng cảm, xem thường cảm xúc người khác, lợi dụng người khác cho mục đích cá nhân. Tuy nhiên có thể phân biệt được do động cơ của chúng khác nhau. Rối loạn ái kỷ không có ý định gây tổn hại nghiêm trọng, hay thực hiện hành vi phạm pháp, còn rối loạn chống đối xã hội sẽ coi thường pháp luật, lợi dụng người khác để đạt được vật chất.

====> Xem thêm bài viết: Overthinking là bệnh gì? Có phải là bệnh tâm thần?

7 Phương pháp điều trị 

Bệnh ái kỷ là rối loạn tâm lý khó điều trị nhất, người mắc phải rất khó chấp nhận họ có vấn đề. Hiện nay các biện pháp điều trị chủ yếu là liệu pháp tâm lý khi bệnh nhẹ và kết hợp sử dụng thuốc trong trường hợp nặng, để kiểm soát các triệu chứng liên quan như lo âu, trầm cảm hoặc hành vi bốc đồng. [7]

Phương pháp điều trị bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ
Phương pháp điều trị bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ

7.1 Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý là cách hiệu quả nhất để điều chỉnh hành vi và nhận thức của người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ. Một số phương pháp phổ biến gồm:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): hỗ trợ người bệnh nhận ra những suy nghĩ sai lệch của bản thân, từ đó thay đổi các hành vi tiêu cực.
  • Liệu pháp tâm lý động lực học: tìm hiểu nguyên nhân sâu xa khiến bệnh nhân mắc bệnh, có thể là tâm lý tổn thương từ nhỏ để giúp họ đối diện, và dần kiểm soát hành vi và cảm xúc bên trong.
  • Liệu pháp nhóm: môi trường nhóm có thể giúp họ thêm đồng cảm với người xung quanh, học hỏi cách lắng nghe, tương tác lành mạnh hơn.

7.2 Điều trị bằng thuốc

Hiện tại, không có loại thuốc nào có thể chữa khỏi hoàn toàn rối loạn nhân cách ái kỷ. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần liên quan, chẳng hạn như trầm cảm hoặc lo âu. Một số loại thuốc này bao gồm:

Thuốc điều trị bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ
Thuốc điều trị bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ
  • Thuốc chống trầm cảm: gồm các thuốc SSRIs (Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc) như Fluoxetine (Prozac), Sertraline (Zoloft), Escitalopram (Lexapro), SNRIs (Chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine) như  Venlafaxine (Effexor), Duloxetine (Cymbalta). Các thuốc có tác dụng giảm buồn bã, cải thiện tâm trạng, suy nghĩ tiêu cực cho người bệnh.
  • Thuốc chống lo âu: có tác dụng kiểm soát lo âu, ổn định cảm xúc như Alprazolam (Xanax), Clonazepam (Klonopin), Lorazepam (Ativan).
  • Thuốc chống loạn thần: giảm các hành vi hoang tưởng, rối loạn suy nghĩ ở trường hợp nặng như Quetiapine (Seroquel), Risperidone (Risperdal), Olanzapine (Zyprexa).
  • Thuốc chống co giật:  giúp ngăn ngừa cơn co giật hoặc hành vi cực đoan  do không kiểm soát được cảm xúc như valproate (Depakote), Lamotrigine (Lamictal).

8 Biện pháp phòng ngừa

Biện pháp phòng ngừa
Biện pháp phòng ngừa 

Dưới đây là một số biện pháp giúp giảm nguy cơ phát triển tính cách ái kỷ:

  • Giáo dục con cái đúng cách: Tránh nuông chiều quá mức có thể khiến chúng coi mình quan trọng hơn người khác, đồng thời hạn chế chỉ trích con cái sẽ do có thể làm trẻ sinh cơ chế phòng vệ để che dấu sự tự ti. Dạy trẻ biết quan tâm đến cảm xúc của người khác, chia sẻ và giúp đỡ người xung quanh. Bố mẹ cũng có thể tham dự các lớp học về nuôi dạy con cái và tìm kiếm sự hướng dẫn từ các nhà trị liệu nếu cần.
  • Tăng cường kỹ năng quản lý cảm xúc: rèn luyện kiểm soát cảm xúc từ nhỏ, Học cách đặt mình vào vị trí của người khác để tránh tính ích kỷ.
  • Nhận thức sớm và can thiệp kịp thời: nếu có dấu hiệu của tính ái kỷ tiêu cực, hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời, nên thực hiện những bài test đánh giá để điều chỉnh kịp thời.
  • Chế độ dinh dưỡng: bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, không dùng các chất kích thích, đặc biệt rượu bia, ma tuý.

9 Có nên trả thù người ái kỷ?

Người ái kỷ thường có xu hướng gây ra những tác động tiêu cực về cả tinh thần và thể chất của người xung quanh, nếu phải tiếp xúc hoặc trong mối quan hệ với người bị ái kỷ, bạn nên có những cách bảo vệ bản thân phù hợp thay vì phương án trả thù tiêu cực.

Người ái kỷ sẽ không cảm thấy hối lỗi, nên dù bạn có làm gì, họ cũng sẽ không thay đổi, do đó việc bạn trả thù thì họ cũng sẽ tìm cách trả đũa lại, lúc này sự nguy hiểm và tổn thương sẽ càng cao hơn. Thay vào đó, bạn hãy tập trung vào bản thân, sống hạnh phúc và thành công hơn, cắt đứt liên hệ, không để họ tiếp tục ảnh hưởng đến bạn, cần thiết hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.

10 Một số câu hỏi thường gặp về rối loạn nhân cách ái kỷ

10.1 Bệnh ái kỷ có di truyền không?

Chưa có bằng chứng chứng minh rối loạn nhân cách ái kỷ hoàn toàn do di truyền. Đây chỉ là yếu tố nguy cơ cao nếu gia đình có người bị ái kỷ thì con cái cũng có thể mắc phải tình trạng này. Ngoài ra môi trường sống, cách nuôi dạy con cái và trải nghiệm cá nhân cũng đóng vai trò lớn trong sự phát triển bệnh.

10.2 Người ái kỷ có biết yêu không?

Người ái kỷ có biết yêu nhưng tình  yêu của họ thường ích kỷ, không sâu sắc và thiếu sự đồng cảm với đối phương. Họ thường tập trung vào bản thân họ, đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu nên thực chất họ thường yêu chính mình hơn đối phương của họ. Ban đầu họ có thể đối xử tốt với người ấy, thể hiện tình cảm mãnh liệt nhưng thật sự đây chỉ là cách thỏa mãn niềm mong muốn của bản thân là sở hữu, khẳng định giá trị bản thân họ. Họ thích cảm giác được khen ngợi, ngưỡng mộ nên nếu đối phương không còn đáp ứng điều này, họ nhanh chóng chỉ trích, lạnh nhạt, ruồng bỏ.

10.3 Người ái kỷ sợ gì nhất?

Một số nỗi sợ của người ái kỷ như:

  • Người ái kỷ sợ bị phớt lờ, bỏ qua hoặc không được công nhận, họ sẽ cảm thấy tổn thương nghiêm trọng.
  • Người ái kỷ ghét bị chỉ trích hoặc lộ ra điểm yếu.
  • Không chịu được việc bị ai đó rời bỏ, từ chối.
  • Sợ bị coi là người bình thường hoặc không quan trọng.
  • Sợ phải tự nhìn nhận sai lầm của mình, vì điều đó làm tổn thương cái tôi của họ.

10.4 Khi chia tay người ái kỷ cần lưu ý gì?

Chia tay một người ái kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với những cuộc chia tay bình thường, đối phương có thể phản đối diện với những phản ứng tiêu cực từ những người này. Phản ứng của người rối loạn nhân cách ái kỷ có thể đe dọa, tung tin xấu, làm tổn thương tinh thần đối phương. Ngoài ra họ cũng có thể hứa sẽ thay đổi hoặc cố gắng thao túng tâm lý bạn để bạn cảm thấy tội lỗi, không chia tay. Như vậy để kết thúc mối quan hệ với người ái kỷ, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Cắt đứt liên lạc càng sớm càng tốt: Không để họ khiến bạn nghi ngờ quyết định của mình, nên cần hạn chế tiếp xúc, có thể nên chuyển đến nơi ở mới nếu cần thiết.
  • Tìm sự hỗ trợ: nếu bạn bị tổn thương về tâm lý do tác động của người ái kỷ hãy tìm sự trợ giúp từ gia đình, bạn bè, hoặc chuyên gia tâm lý.
  • Đề phòng các hành vi tiêu cực của họ: nếu bị đe doạ hãy báo với cơ quan chức năng để được pháp luật bảo vệ nếu cần thiết.

11 Kết luận

Bệnh ái kỷ không chỉ tác động tiêu cực đến mỗi cá nhân mà còn ảnh hưởng sâu sắc các mối quan hệ trong xã hội, gây tổn hại đến những người xung quanh. Việc nhận thức được những biểu hiện bệnh ái kỷ là cần thiết để bảo vệ bản thân khỏi sự ảnh hưởng tiêu cực của bệnh. Mặc dù không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn rối loạn nhân cách ái kỷ nhưng người mắc có thể nỗ lực thay đổi bằng nhiều sự hỗ trợ tâm lý khác nhau. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho người đọc về bệnh ái kỷ.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Chuyên gia American Psychiatric Association (ngày đăng 30 tháng 1 năm 2024) What Is Narcissistic Personality Disorder?. American Psychiatric Association. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2025.
  2. ^ Tác giả Emily Grijalva 1, Daniel A Newman 2, Louis Tay và cộng sự (ngày đăng tháng 3 năm 2015) Gender differences in narcissism: a meta-analytic review. Pubmed. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2025.
  3. ^ Tác giả Mark F Lenzenweger (ngày đăng tháng 9 năm 2008) Epidemiology of personality disorders. Pubmed. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2025
  4. ^ Tác giả Diana Malaeb A Esin Asan, Feten Fekih-Romdhane, Vanessa Azzi và cộng sự (ngày đăng 15 tháng 3 năm 2023) Validation of the pathological narcissistic inventory (PNI) and its brief form (B-PNI) in the Arabic language. Pubmed. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2025.
  5. ^ Tác giả Paroma Mitra; Tyler J. Torrico; Dimy Fluyau. (ngày đăng 1 tháng 3 năm 2024) Narcissistic Personality Disorder. Pubmed. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2025.
  6. ^ Tác giả Allen G Ross, Santosh Giri , Anayochukwu E Anyasodor , Shakeel Mahmood và cộng sự (ngày đăng 22 tháng 11 năm 2024) Adverse childhood experiences leading to narcissistic personality disorder: a case report. Pubmed. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2025.
  7. ^ Tác giả Igor Weinberg 1, Elsa Ronningstam (ngày đăng 25 tháng 10 năm 2022) Narcissistic Personality Disorder: Progress in Understanding and Treatment. Pubmed. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2025.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      0927.42.6789