1. Trang chủ
  2. Ung Bướu

10 bệnh ung thư thường gặp và dấu hiệu nhận biết sớm nhất

trungtamthuoc.com - Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với con người trong thế kỷ 21. Mặc dù số lượng và tỷ lệ người mắc ung thư tăng lên theo từng năm, nhưng nhờ có tiến bộ trong y học chẩn đoán và điều trị, chúng ta có nhiều tự tin hơn khi chiến đấu với căn bệnh này. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu những thông tin chi tiết về bệnh ung thư qua bài viết dưới đây.

1 Tình hình ung thư trên Thế giới và tại Việt Nam

Theo WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 14,1 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và 8,2 triệu người chết vì căn bệnh này. Tính chung cả hai giới, trong tất cả các loại bệnh ung thư, ở mọi lứa tuổi thì 5 loại bệnh ung thư có tỷ lệ mắc mới cao nhất bao gồm: ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư dạ dày. 5 loại bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất là: ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư vú.

Tại Việt Nam, theo GLOBOCAN năm 2020 có hơn 180 nghìn ca mắc mới và cứ 100.000 người thì có 159 người được chẩn đoán mắc ung thư, 106 người tử vong do ung thư. ​85% số bệnh nhân ung thư tại Việt Nam phát hiện khi độ tuổi trên 40, khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn. Phần lớn bệnh nhân ung thư đang trong lứa tuổi lao động, vì vậy căn bệnh ung thư gây ra những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp cho bản thân, gia đình và xã hội. 

Tế bào ung thu máu
Tế bào ung thu máu

2 Ung thư là gì?

Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào. Khi bị kích thích bởi các tác nhân sinh ung thư, tế bào tăng sinh một cách vô hạn độ, vô tổ chức, không tuân theo các cơ chế kiểm soát về phát triển cơ thể.

2.1 Đặc điểm tế bào ung thư

Tế bào ung thư có 4 đặc điểm khác với tế bào bình thường:

Tế bào tăng sinh không kiểm soát được.

Tế bào mất biệt hoá và mất chức năng trong khi tế bào bình thường có sự biệt hoá để thực hiện các chức năng đã được chương trình hoá.

Có sự xâm lấn: tế bào ung thư có thể phát triển xâm lấn sang các mô lân cận, tiết ra các enzym để phá huỷ các mô xung quanh và thành lập mạch máu riêng nuôi dưỡng khối u.

Có sự di căn: các tế bào ung thư ở mô nguyên phát có thể theo máu hoặc hệ bạch huyết đến thành lập mô thứ phát ở một cơ quan khác.

Có 2 loại ung thư thường gặp:

Ung thư biểu mô (carcinom): xuất phát từ các tế bào biểu mô của các tạng, các cơ quan. Ung thư biểu mô thường di căn theo đường bạch huyết.

Ung thư tổ chức liên kết (sarcom): xuất phát từ các tế bào của tổ chức liên kết của cơ thể. Ung thư tổ chức liên kết thường di căn theo đường máu.

Quá trình tiến triển của bệnh ung thư thường chậm và kéo dài. Các rối loạn chức năng của cơ thể chỉ xuất hiện khi khối u phát triển to đủ để phát hiện được trên lâm sàng. Triệu chứng đau thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn cuối của bệnh.

2.2 Chu kỳ tế bào ung thư

Giống như chu kỳ của tế bào bình thường, chu kỳ phân chia của tế bào ung thư gồm 4 pha theo thứ tự:

Pha G1 (tiền tổng hợp ADN): tổng hợp các thành phần cần thiết chuẩn bị cho tổng hợp ADN.

Pha S: tổng hợp ADN.

Pha G2 (tiền gián phân): nhân được sắp xếp lại chuẩn bị cho gián phân.

Pha M (gián phân): tế bào mẹ táeh ra thành 2 tế bào con.

Trong các mô, đa số tế bào ung thư sau khi tạo thành lại tiếp tục phân chia để nhân lên. Một số tế bào không phân chia được xếp vào pha G0 (pha nghỉ) chờ cơ hội thuận lợi sẽ trở lại chu kỳ tế bào gây tái phát. Thuốc rất khó tác động vào pha này, nên đây chính là nguyên nhân gây thất bại trong hoá trị ung thư.

2.3 Sự phát triển của tế bào ung thư

Tỉ lệ tăng trưởng của tế bào ung thư được xác định bởi thời gian thể tích khối u tăng gấp đôi. Nếu thời gian này ngắn thì tỉ lệ tăng trưởng cao chứng tỏ khối u đó phát triển nhanh. Do các thuốc trị ung thư tác động chủ yếu lên tế bào đang phân chia nên loại u nào có tỉ lệ tăng trưởng cao sẽ chịu tác dụng của thuốc nhiều hơn. Sự khác biệt tỉ lệ tăng trưởng giữa tế bào khối u và tế bào bình thường là yếu tố quan trọng cho sự thành công của hoá trị. Đường cong tăng trưởng gồm 3 giai đoạn:

  • Pha lag: tế bào ung thư phát triển chậm.
  • Pha log: tế bào ung thư phát triển rất nhanh. Giai đoạn này tế bào ung thư đáp ứng tốt nhất với hóa trị liệu. Tuy nhiên, ở giai đoạn này kích thước khối u còn nhỏ chưa phát hiện được trên lâm sàng nên đa số bệnh nhân không được điều trị ở giai đoạn này.
  • Pha bình nguyên: sự phát triển của tế bào ung thư chậm lại, tỉ lệ tăng trưởng thấp. Giai đoạn này kích thước khối u có thể phát hiện được trên lâm sàng nhưng tế bào ung thư ít đáp ứng với thuốc.

Vì vậy, để việc điều trị ung thư có hiệu quả, cần phát hiện ung thư sớm và điều trị bằng các hoá trị liệu sớm, tốt nhất là ở pha log.

2.4 Giả thuyết diệt tế bào theo tỉ lệ (giả thuyết log kill)

Các thuốc trị ung thư tác dụng theo động học bậc 1 (diệt tế bào ung thư theo hàm số logarid), nghĩa là ở một liều nhất định thuốc trị ung thư thường diệt tế bào theo một tỉ lệ hơn là một số lượng nhất định. Ví dụ, với một liều nhất định, một thuốc có khả năng diệt được 3 log tế bào (3 log kill). Như vậy, cùng một liều thuốc, khối u nào có nhiều tế bào hơn sẽ bị tiêu diệt nhiều hơn.

Vì thuốc diệt tế bào theo tỉ lệ nên cuối cùng vẫn còn một tỉ lệ tế bào chưa bị tiêu diệt. Ở thời điểm này bệnh nhân dường như không có triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, nếu không tiếp tục điều trị tế bào ung thư phát triển trở lại rất nhanh gây tái phát.

3 Nguyên nhân gây bệnh ung thư

Nguyên nhân chính xác gây bệnh ung thư hầu như chưa được xác định rõ ràng. Các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ đặc biệt giữa căn bệnh ung thư với sự đột biến gen trong tế bào. Gen bị thay đổi ảnh hưởng đến khả năng hoạt động và chức năng của tế bào, từ đó tế bào phát triển quá mức.

Đột biến gen gây ung thư

3.1 Nguyên nhân gây đột biến gen

3.1.1 Do yếu tố di truyền

Con người sinh ra được thừa hưởng ADN từ bố và mẹ, vì thế có khả năng thừa hưởng gen đột biến này. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh ung thư. 

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp có gen đột biến đều bị ung thư. Đột biến gen di truyền chiếm tỷ lệ nhỏ gây bệnh ung thư.

3.1.2 Do các yếu tố tác động

Hầu hết đột biến gen gây ung thư xảy ra do tác động của môi trường hoặc lối sống, thói quen sinh hoạt hằng ngày.

Thuốc lá: đây là một trong số những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư. Không chỉ những người thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh, những người thường xuyên hít phải khói thuốc cũng có nguy cơ mắc bệnh tương đương với người trực tiếp hút.

Chế độ dinh dưỡng không khoa học: ăn thức ăn dầu mỡ, ít chất xơ làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng, ung thư dạ dày,...

Ô nhiễm môi trường.

Tiếp xúc với hóa chất gây ung thư.

Bức xạ ion, tia cực tím,...

Nhiễm vi khuẩn, virus: vi khuẩn Helicobacter Pylori có thể mắc ung thư dạ dày, virus Epstein - Barr là tác nhân dẫn đến ung thư vòm mũi họng,...

3.2 Nguyên nhân ung thư ở Việt Nam tăng nhanh

Ngoài các nguyên nhân trên, tại Việt Nam số lượng và tỷ lệ người mắc ung thư tăng lên còn do một số nguyên nhân như tốc độ dân số tăng và già hóa dân số. Việt Nam là một nước đông dân với tổng dân số đứng thứ 15 trên toàn thế giới. Tốc độ tăng đồng nghĩa số lượng người mắc và tử vong vì ung thư cũng tăng theo. Tỷ lệ dân số già đang tăng dần, cùng với đó là tuổi thọ trung bình của người Việt cũng tăng (73,6 tuổi). Khi thời gian tiếp xúc với yếu tố nguy cơ càng dài thì khả năng mắc ung thư càng lớn.

Người cao tuổi có nguy cơ mắc ung thư nhiều hơn do có thời gian tiếp xúc dài với các yếu tố nguy cơ

Bên cạnh đó là các nguyên nhân về lối sống như uống rượu bia, chế độ ăn uống nhiều mỡ động vật, đồ nấm mốc và chế biến sẵn, ít vận động, ô nhiễm môi trường cũng là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ mắc ung thư của người Việt. 

Những năm gần đây người Việt đã có sự quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe, chủ động hơn trong việc khám tầm soát ung thư. Nhờ đó tuy phát hiện nhiều ca mắc mới nhưng ở giai đoạn sớm và nhận được sự điều trị kịp thời.

4 Chẩn đoán ung thư

4.1 Triệu chứng báo hiệu

Là những triệu chứng lâm sàng xuất hiện tương đối sớm, thường không đặc hiệu, hay nhầm với các bệnh lý khác, ít ảnh hưởng nên người bệnh thường chủ quan và dễ cho qua. Dưới đây là một số triệu chứng báo hiệu của bệnh ung thư:

Ho: ho dai dẳng kéo dài không rõ nguyên nhân là triệu chứng của ung thư phế quản.

Xuất huyết, tiết dịch bất thường: ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư tử cung,...

Vết loét dai dẳng khó liền: báo động ung thư dạ dày, ung thư môi, lưỡi,...

Mệt mỏi, nóng sốt trong thời gian dài, đầy bụng chướng hơi,...

Nổi u cục cứng phát triển nhanh: báo động ung thư vú, ung thư phần mềm,...

Nổi hạch bất thường, cứng, ít đau hoặc thay đổi kích thước, tính chất nốt ruồi: dấu hiệu hạch ác tính.

Dấu hiệu ung thư da

4.2 Triệu chứng rõ rệt

Sụt cân: có thể sụt 5-10kg trong vòng vài tháng khi ung thư ở giai đoạn muộn và rõ rệt.

Triệu chứng xâm lấn và chèn ép: ung thư cổ tử cung chèn niệu quản, ung thư phế quản chèn tĩnh mạch gây phù, ung thư vòm họng chèn gây liệt thần kinh sọ não,...

Triệu chứng bít tắc: khối u phát triển gây bít tắc gặp trong ung thư tiền liệt tuyến, ung thư trực tràng, ung thư hang vị,...

Triệu chứng di căn: theo đường bạch mạch di căn hạch, theo đường máu di căn gan, phổi, di căn xương gây gãy xương, di căn màng phổi gây tràn dịch màng phổi,...

Đau: do tổ chức ung thư xâm lấn, phá hủy các tổ chức xung quanh, người bệnh có thể chết vì đau và suy kiệt. 

Ung thư xương

5 Quá trình diễn biến của ung thư

Các giai đoạn diễn biến của ung thư sẽ cho biết mức độ di căn của tế bào ung thư. Mỗi giai đoạn ung thư sẽ có triệu chứng cũng như mức độ nguy hiểm, tỷ lệ sống sót khác nhau.

Ung thư giai đoạn 0: tế bào ung thư vẫn còn rất nhỏ, chưa phát triển và chưa lan sang các mô lân cận. Triệu chứng ở giai đoạn này đa phần là chưa có, vì thế người bệnh khó có thể phát hiện. Nhưng nếu đi khám và xét nghiệm sớm trong giai đoạn này thì có khả năng chữa khỏi cao bằng phương pháp phẫu thuật loại bỏ khối u.

Ung thư giai đoạn 1: sự phát triển của tế bào ung thư ở giai đoạn này không thay đổi nhiều so với giai đoạn 0, vẫn là khối u nhỏ chưa phát triển sâu vào các khu lân cận cũng như chưa lan đến các hạch bạch huyết và các bộ phận khác của cơ thể. Đây được gọi là ung thư giai đoạn đầu. Mức độ nguy hiểm cũng không đáng lo ngại và tỷ lệ điều trị thành công khá cao.

Ung thư giai đoạn 2: tế bào ung thư phát triển lớn hơn, cơ thể có những dấu hiệu bất thường, nhưng không đặc hiệu. Tùy từng loại ung thư mà tỷ lệ điều trị thành công cao hay thấp, tuy nhiên vẫn có thể kéo dài sự sống cho người bệnh.

Ung thư giai đoạn 3: ung thư hoặc khối u lớn dần và phát triển sâu hơn vào các mô xung quanh. Chúng cũng có thể lây lan sang hạch bạch huyết nhưng chưa di căn tới các bộ phận khác trong cơ thể. Giai đoạn này bệnh đã khá nặng và việc điều trị sẽ gặp không ít khó khăn.

Ung thư gan

Ung thư giai đoạn 4 (ung thư giai đoạn cuối): tế bào ung thư phát triển nhanh, di căn và lây lan sang các cơ quan và hạch bạch huyết. Những dấu hiệu bệnh trong giai đoạn này dễ dàng nhận biết, tuy nhiên điều trị thành công là rất ít. Giai đoạn này được gọi là ung thư giai đoạn tiến triển hoặc di căn.

6 Phân biệt u lành và u ác

U có hai loại lành và ác, theo bác sĩ Nguyễn Minh Đức làm việc tại Bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh, các đặc điểm để phân biệt u lành và u ác bao gồm:

- U lành: có vỏ bao, chậm phát triển, tế bào u có đặc điểm lành, không tăng sinh mạch, không xâm lấn mô mỡ và cấu trúc lân cận, không bao giờ di căn trừ vài trường hợp đặc biệt (U cơ trơn tử cung Leiomyoma hoặc U lạc tuyến nội mạc tử cung Endometrioma,  viêm mạn giả u (inflammatory pseudotumor – inflammatory myoblastic tumor)). Vì vậy những đối tượng phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản không có yếu tố nguy cơ nhưng có đa tổn thương u phổi nên soát lại thật kỹ các loại u thư thường gặp.

- U ác: thường không có vỏ bao, phát triển nhanh, tế bào u màng nhiều đặc điểm ác (nhân đậm, phân bào mạnh, hình dạng tế bào và bào tương méo mó biến dạng), xâm lấn mô mỡ và cấu trúc lân cận, tăng sinh mạch, di căn hạch gần đó, di căn cơ quan xa như não, xương, … 

Cơ chế di căn 

- Hiện tượng dính là khi tế bào ác tính tách khỏi khối u nguyên phát theo các mạch máu tân sinh hoặc bạch mạch, chúng sẽ lơ lửng và dính vào thành mao mạch chỗ sắp di căn. Tại đây chúng sẽ thoát mạch và cư trú vào cơ quan khác. Đây chính là hiện tượng đầu tiên trong quá trình di căn tế bào ung thư. Nhưng để di căn vào não thì phức tạp hơn vì hàng rào máu não rất lợi hại.

- Hàng rào máu não là một hàng rào sinh học hiệu lực hàng rào này gồm 2 nhóm tế bào chính: 

+ Nhóm thứ nhất là các tế bào nội mạc mạch máu (endothelial cell) xếp khít vào nhau - gần như không còn khoảng gian màng, với mục đích hạn chế tối đa các chất trong máu vào não.

+ Nhóm thứ hai là các tế bào quanh mạch (pericyte) và chân của tế bào hình sao (astrocyte). Các tế bào này sẽ tạo ra hàng rào não bộ, bao lấy mạch máu.

- Nhưng nếu tế bào ác tính đã vượt khỏi hàng rào máu não rồi thì quá trình điều trị sẽ vô cùng khó khăn vì thuốc hay hóa chất rất khó vượt được hàng rào này. Cần phải xạ trực tiếp vào khối tổn thương di căn.

- Do vậy, chỉ trong trường hợp các tế bào ung thư trung biểu mô mạnh, độ ác cao sẽ phá được hàng rào từ ngoài vào hoặc khối u rất ác thuộc ngoại bì thần kinh sẽ phá từ trong ra. 

- Tế bào di căn sẽ nhắm vào mối nối liên kết gian bào của hai tế bào nội mô mà phá (Paracellular pathway) hoặc chúng sẽ băng ngang tế bào biểu mô lót mạch vào luôn (Transcellular pathway). Đó cũng chính là lý do ung thư liên quan biểu mô sẽ có thể xâm nhập được vào não. 

- Khi chúng phá vỡ được thì nếu chúng vẫn loanh quanh khu hàng rào máu não này thì đó là tình trạng di căn màng mềm hay màng nuôi vì các vi tế bào đệm (Microglial cell) đang cản trở không cho chúng xâm nhập sâu hơn vào nhu mô não. Nếu chúng chiến thắng luôn các vi tế bào đệm thì gọi là tình trạng di căn nhu mô não.

- Để đánh giá được tình trạng của hàng rào máu não trên u nguyên phát hay thứ phát thì chắc chắn phải có bản đồ tưới máu dẫn đường. Chỉ số phá vỡ hàng rào máu não sẽ giúp phân biệt các loại u nguyên phát và thứ phát và dùng để theo dõi đáp ứng điều trị. Do vậy chúng ta cần có chỉ số Ktrans của tưới máu định lượng huyền thoại ở đây. Hoặc ít ra phải có chỉ số Relative enhancement của tưới máu bán định lượng. 

Đáng lưu ý là gần đây một số bằng chứng cho thấy có thể chuỗi DNA đột biến có thể di căn tự do (do tế bào ung thư phóng xuất ra, tế bào ung thư bị chết hoặc hoại tử) và hiện tượng này gọi là CIRCULATING TUMOR DNA (tạm gọi là di căn DNA tự do). Để phát hiện ra tình trạng DNA di căn tự do này chúng ta sẽ xét nghiệm dịch tiết, dịch não tủy, máu, …và gọi chung là kỹ thuật LIQUID BIOPSY. Điển hình nhất là xét nghiệm dịch não tủy tìm DNA đột biến gen EGFR tự do để biết có di căn não do ung thư phổi không.

Phân biệt u lành và u ác
Phân biệt u lành và u ác
Ung thư phá vỡ cấu trúc và ăn lan ra mô lân cận
Ung thư phá vỡ cấu trúc và ăn lan ra mô lân cận
Ung thư di căn hạch
Ung thư di căn hạch
Ung thư di căn xa
Ung thư di căn xa

7 Một số loại ung thư thường gặp

Bệnh ung thư ngày càng phổ biến, có hơn 100 loại ung thư được xác định, trong đó mức độ phổ biến của mỗi loại ung thư tùy theo độ tuổi, giới tính. Nhiều loại ung thư không có biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn sớm. Dưới đây là một số căn bệnh ung thư thường gặp. [4]

7.1 Ung thư vú

Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo thành các khối u ác tính. Khối u này có khả năng xâm lấn và di căn xa. 

Một số triệu chứng của ung thư vú được phát hiện đầu tiên có thể gồm:

Đau tức ngực hoặc tuyến vú.

Thay đổi da vùng vú, tụt núm vú.

Chảy dịch đầu vú.

Người bệnh tự sờ thấy khối u vùng vú hoặc hạch vùng hố nách,...

Nguyên nhân gây ung thư vú

Nguyên nhân gây ung thư vú do nhiều yếu tố như di truyền, chế độ dinh dưỡng không khoa học, môi trường, lối sống, phụ nữ có tiền sử mắc bệnh u xơ tuyến vú, ung thư buồng trứng, sinh con muộn hoặc không sinh con,...

Ung thư vú có thể gặp ở cả nữ giới và nam giới. Tuy nhiên tỷ lệ gặp ung thư vú ở nữ giới cao hơn rất nhiều so với ở nam giới. Trung bình cứ 100 ca ung thư vú được chẩn đoán, thì chỉ có 1 ca xảy ra ở nam giới.

7.2 Ung thư phổi

Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng gia tăng. Đây là ung thư gây tử vong hàng đầu, chiếm tỷ lệ 12% tổng số ung thư các loại tính chung trên toàn thế giới. Ung thư phổi thường gặp ở nam giới trong độ tuổi 50 - 75. 

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh ung thư phổi là do thuốc lá. Trên 80% người bị ung thư phổi có hút thuốc lá và 5% ước tính do hậu quả của sự tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Tỷ lệ mắc ung thư phổi của người hút thuốc lá so với những người không hút cao hơn gấp 10 lần. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác gây ung thư phổi như ô nhiễm, di truyền, nghề nghiệp,...

Ung thư phổi di căn

7.3 Ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở cả hai giới. Ung thư dạ dày là hiện tượng tế bào cấu trúc của dạ dày trở nên bất thường và tăng sinh không kiểm soát, từ đó xâm lấn vào các mô ở gần hoặc di căn qua hạch bạch huyết. Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, đa phần người bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, đã di căn gây khó khăn và tốn kém trong quá trình điều trị.

Nguyên nhân gây ung thư dạ dày thường liên quan đến tổn thương tiền ung thư (viêm dạ dày, vi khuẩn HP), yếu tố di truyền, thói quen sinh hoạt,... Người béo phì cũng dễ mắc ung thư dạ dày hơn người bình thường.

7.4 Ung thư gan

Ung thư gan gồm ung thư gan nguyên phát và thứ phát. 

Ung thư gan thứ phát do các tế bào ung thư ở các bộ phận khác của cơ thể xâm lấn vào gan hình thành các khối u di căn.

Ung thư gan nguyên phát phần lớn là ung thư tế bào gan hoặc tế bào ống mật, các tế bào bình thường của gan trở nên bất thường về hình thái và chức năng.

Nguyên nhân gây ung thư gan chưa được xác định rõ. Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan như giới tính (theo thống kê nam mắc nhiều hơn nữ), người mắc bệnh xơ gan, viêm gan, gan nhiễm mỡ, béo phì, hoặc do các yếu tố môi trường, rượu bia, thuốc lá,...

7.5 Ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng là ung thư gây tử vong thứ 4 trên thế giới sau ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan.

Ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện sớm và điều trị trong giai đoạn đầu thì tỷ lệ chữa khỏi là rất cao. Tuy nhiên, các triệu chứng ban đầu của bệnh giống như bệnh về hệ tiêu hóa nên người bệnh rất khó nhận biết, đến khi mức độ bệnh càng nặng thì việc điều trị gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Các giai đoạn của ung thư đại trực tràng 

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư đại trực tràng:

90% ung thư đại trực tràng ở người trên 50 tuổi và đàn ông có nhiều nguy cơ bệnh hơn so với phụ nữ.

Người thường xuyên tiếp xúc với chất gây ung thư.

Yếu tố di truyền: tiền sử gia đình có người bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá,...

7.6 Ung thư da 

Ung thư da là loại ung thư thường gặp, xuất phát từ sự tăng trưởng bất thường của các tế bào da. Có 3 loại ung thư da: tế bào đáy, tế bào vảy và khối u ác tính. Dấu hiệu ung thư da có thể đa dạng tùy vào loại ung thư da mà bệnh nhân mắc phải.

Việc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời là nguyên nhân chính gây ra ung thư da. Ánh nắng mặt trời có tia cực tím (UV) có khả năng thay đổi DNA trong tế bào dẫn đến ung thư. Tiếp xúc với hóa chất, tia xạ trong một số ngành công nghiệp cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư da.

7.7 Ung thư tuyến tiền liệt 

Đây là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Ung thư tiền liệt tuyến phát triển chậm nhưng có thể di căn sang các khu vực khác, đặc biệt vào xương và các hạch bạch huyết. Triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư tuyến tiền liệt giống với các bệnh khác như tăng sản tuyến tiền liệt lành tính,... nhưng phần lớn người bệnh khám và phát hiện ở giai đoạn muộn. Khi đó, ung thư tuyến tiền liệt cực kỳ nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này như tuổi tác, gia đình có tiền sử mắc ung thư tuyến tiền liệt, béo phì,...

7.8 Ung thư tuyến giáp

Ngày nay, tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở cả nam và nữ có xu hướng tăng nhanh hơn so với các loại ung thư khác. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân ung thư tuyến giáp cũng thấp hơn so với các loại ung thư khác. Ung thư tuyến giáp thường tiến triển chậm, hoàn toàn có thể chữa khỏi vì đây là bệnh ung thư có tiên lượng khá tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp

Nhiễm phóng xạ.

Rối loạn hệ miễn dịch.

Yếu tố di truyền: khoảng 70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có gia đình hoặc bố mẹ, người thân mắc bệnh.

Yếu tố tuổi tác, thay đổi hormone.

Mắc bệnh tuyến giáp: viêm tuyến giáp, basedow, bướu tuyến giáp,...

Thiếu iod, thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá,...

​Ung thư tuyến giáp
​Ung thư tuyến giáp

7.9 Ung thư máu (bệnh bạch cầu cấp)

Bệnh ung thư máu xảy ra do các tế bào máu bị ung thư hóa trong quá trình tạo ra tế bào. Các tế bào này có khả năng nhân lên nhanh chóng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ ứ đọng lại tủy xương, gây cản trở quá trình tạo ra các tế bào máu bình thường tiếp theo.

Bệnh ung thư máu là bệnh phổ biến ở trẻ em. Có 3 loại ung thư máu gồm ung thư hạch (46%), bệnh bạch cầu (36%) và u tủy (18%).

Nguyên nhân gây bệnh ung thư máu chưa được xác định. Tuy nhiên, một số tác nhân gây bệnh có thể kể đến như:

Người làm việc trong môi trường nhiều hóa chất.

Tiếp xúc với các nguồn phóng xạ.

Bệnh nhân ung thư được điều trị bằng thuốc hoặc hóa chất.

Người mắc một số bệnh như hội chứng Down, các bệnh về máu,...cũng là nguyên nhân gây ung thư máu.

7.10 Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư mà phụ nữ có nguy cơ mắc phải rất cao sau ung thư vú, đặc biệt phụ nữ trong độ tuổi 30 trở lên. Phần lớn, người bệnh đến khám và điều trị khi đã ở giai đoạn muộn. 

Theo thống kê của Tổ chức Y Tế thế giới, tại Việt Nam, mỗi năm có đến hơn 5.100 trường hợp ung thư cổ tử cung mắc mới và đã có khoảng 2.400 phụ nữ chết vì căn bệnh này. Những con số trên như hồi chuông cảnh báo để chị em phụ nữ quan tâm đến sức khỏe của mình. 

Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung. Tiêm phòng vacxin phòng ung thư cổ tử cung là cách tốt nhất để phòng tránh căn bệnh này. Hiện nay, có 2 loại vacxin ngừa ung thư cổ tử cung là Gardasil và Cervarix.

Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung

Virus HPV: đây là thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung và lây truyền qua đường tình dục.

Tuổi càng cao nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung càng tăng.

Phụ nữ sinh đẻ nhiều lần thì tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 2 lần so với những phụ nữ sinh 1 - 2 con.

Sinh con quá sớm (dưới 17 tuổi) khi cơ quan sinh sản chưa phát triển hết cũng làm tăng nguy cơ gây bệnh.

Nguyên nhân khác: quan hệ tình dục bừa bãi, sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài, nhiễm bệnh đường tình dục,...

Ngoài các loại ung thư trên, phải kể đến một số loại ung thư khác như: ung thư bàng quang, ung thư thận, ung thư tuyến tụy, ung thư miệng và họng, ung thư buồng trứng, ung thư thực quản,...

Với bệnh ung thư, việc phát hiện càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao, tiết kiệm nhiều chi phí. Ngược lại, nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn thì việc điều trị trở nên cực kỳ khó khăn và tốn kém.

8 Tài liệu tham khảo

1.Tình hình ung thư tại Việt Nam, MOH. Truy cập ngày 22/01/2021.

2. What Is Cancer ?, NIH. Truy cập ngày 22/01/2021.

Xem thêm chi tiết

Hoa Kỳ thử nghiệm thành công thuốc điều trị ung thư máu của Novatis: Gleevec Imatinib Mesylate

Hoa Kỳ thử nghiệm thành công thuốc điều trị ung thư máu của Novatis: Gleevec Imatinib Mesylate

Dược sĩ Nguyễn Trang | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 08/06/2023 13:37 CH

Tiến sĩ Richard Silver chuyên gia ung thư tại Trung tâm Y tế Prebyterian - New York, Mỹ đã công bố thành công trong việc nghiên cứu thuốc trị bệnh ung thư máu.

Xem thêm
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595