Gelatin
95 sản phẩm
Dược sĩ Thảo Hiền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
1 Tên gọi
Tên theo một số dược điển:
- BP: Gelatin.
- JP: Gelatin.
- PhEur: Gelatin.
- USP: Gelatin.
Tên khác: Crodyne BY19; gelatine; Pharmagel A; Pharmagel B; Vee Gee.
Tên hóa học: Gelatin.
2 Tính chất
Công thức tổng quát và khối lượng phân tử: Gelatin là một từ ngữ chỉ chung cho hỗn hợp đã tinh chế phần protein thu được bằng thủy phân acid một phần (gelatin loại A) hay thủy phân kiềm một phần (gelatin loại B) của Collagen động vật. Gelatin cũng có thể là hỗn hợp của cả 2 loại. Phần protein gồm có toàn bộ acid amin đi cùng liên kết amid để tạo thành polyme tuyến tính có phân tử lượng vào khoảng 15.000- 250.000.
Phân loại theo chức năng: Chất tạo màng bao; tác nhân gel hoá; chất tạo dịch treo; tả được dính cho viên nén; chất tăng độ nhớt.
Mô tả: Gelatin là những mảnh cứng ròn hay bột, hạt, màu hổ phách hay vàng, thực tế không mùi, không vị.
3 Tiêu chuẩn theo một số Dược điển
Thử nghiệm | JP | PhEur | USP |
---|---|---|---|
Định tính | + | + | + |
Đặc tính | + | + | - |
Điểm đẳng điện (xử lý kiềm) | 7,0-9,0 | 6,3-9,2 | - |
Điểm đẳng điện (xử lý kiềm) | 4,5-5,0 | 4,7-5,2 | - |
Giới hạn vi khuẩn | - | 1000/g | 1000/g |
Giảm khối lượng sau khi sấy | ≤ 2,0% | ≤ 2,0% | ≤ 2,0% |
Các chất không tan trong nước | + | - | + |
Độ acid/kiềm | - | + | - |
Độ trong và màu dung dịch | - | + | - |
Sulfur dioxyd | - | ≤ 200ppm | ≤ 0,15% |
Tổng lượng tro | - | ≤ 2,0% | - |
Chất bảo quản phenolic | - | + | - |
Arsen | ≤ 1ppm | ≤ 0,8ppm | ≤ 1ppm |
Kim loại nặng | ≤ 50ppm | ≤ 0,005% | ≤ 50ppm |
Thuỷ ngân | ≤ 0,1ppm | - | - |
Peroxyd | - | ≤ 100ppm | - |
4 Đặc tính
Độ acid/kiềm: dung dịch trong nước 1% w/v loại A có pH 3,8-6,0. dung dịch trong nước 1% w/v loại B có pH 5,0-7,4.
Độ hòa tan: thực tế không tan trong aceton, cloroform, Ethanol 95%, ether và methanol; tan trong glycerin, acid và kiềm. Trong nước, gelatin thấm nước (tới 5-10 lần khối lượng), phồng lên và mềm ra. Gelatin tan trong nước nóng và tạo thành gel khi nguội xuống 35-40°C. Hệ gel-dung dịch này thay đổi theo điểm chảy và theo các chất phụ gia cho thêm vào.
5 Ứng dụng trong dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm
Gelatin được dùng rộng rãi trong công thức thuốc, phần lớn để tạo viên nang cứng hay nang mềm. Nang gelatin là dạng bào chế phân liều được nạp hoạt chất và, thường thiết kế để uống. Tuy gelatin kém hòa tan trong nước lạnh nhưng sẽ trương lên trong dịch vị để giải phòng nhanh hoạt chất Vỏ nang cứng được đúc khuân thành 2 mảnh, sấy khô rồi lắp ráp lại. USP cho phép gelatin làm vỏ nang được có chất màu, chất bảo quản kháng khuẩn và natri lauryl sulfat . Nhà sản xuất cũng có thể thêm chất làm cứng như đường. Thể tích vỏ nang có sẵn trên thị trường thay đổi từ 0,13 đến 1,37ml .
Nang mềm gelatin được tạo ra từ dung dịch gelatin trong nước, có thể chứa chất làm dẻo như Glycerin hay Sorbitol. Hai lá gelatin mềm đi qua khuôn tạo hình, rồi dung dịch hoạt chất được bơm vào sau đó được hàn lại để thành viên nang mềm.
Gelatin cũng được dùng để tạo vi nang trong đó hoạt chất được bao lại để dùng như bột hoạt chất. Hoạt chất đầu tiên được đóng vi nang là Dầu Cá và vitamin tan trong dầu. Gelatin khối lượng phân tử thấp đã được khảo sát nhằm tăng khả năng tan rã cho chế phẩm khi uống. Gelatin còn được dùng làm các viên đặt; bột nhão, viên ngậm, làm tá dược dính và tạo áo bao cho thuốc viên nén, làm chất tăng độ nhớt cho dạng thuốc lỏng hay mềm.
Trong điều trị, gelatin được dùng làm các loại băng, bột cầm máu và dịch truyền bù thể tích. Tuy nhiên, phản ứng choáng phản vệ đã được báo cáo khi dùng dịch truyền này.
Gelatin cũng được dùng rộng rãi trong thực phẩm và công nghệ làm phim ảnh.
6 Độ ổn định và điều kiện bảo quản
Gelatin khô ổn định trong không khí. Dung dịch trong nước của gelatin cũng ổn định lâu dài nếu được giữ lạnh và vô khuẩn. Khi nhiệt độ lớn hơn 50°C, dung dịch gelatin bị depolyme hoá và quá trình này xẩy ra nhanh hơn khi ở trên 65°C. Mức độ và quy mô depolyme hoá tuỳ thuộc khối lượng phân tử của gelatin (càng nhỏ, càng bị phân hủy nhanh hơn).
Gelatin có thể được tiệt khuẩn bằng nhiệt khô.
Nguyên liệu gelatin phải được tồn trữ trong thùng kín, để nơi khô và mát.
7 Tương kỵ
Gelatin là một vật liệu lưỡng thê, có thể phản ứng với cả acid và kiềm. Nó cũng biểu hiện những bản chất của protein như dễ bị thủy phân thành acid amin thành phần.
8 Tính an toàn
Gelatin được dùng rộng rãi trong công thức thuốc uống và cả thuốc tiêm. Khi được dùng trong thuốc uống, gelatin được coi là chất không độc và không kích ứng. Tuy thế, đã có báo cáo về vỏ gelatin gây kích ứng tại chỗ lên thực quản. Khi truyền IV dung dịch gelatin, đã có báo cáo về việc xẩy ra choáng phản vệ
9 Thân trọng khi xử lý
Tôn trọng những thận trọng thông thường thích hợp theo hoàn cảnh và khối lượng phải xử lý. Nên có kính và mặt nạ phòng hộ. Phải xử lý gelatin tại nơi được thông gió tốt.
10 Tài liệu tham khảo
1. Sách Tá Dược Và Các Chất Phụ Gia Dùng trong Dược Phẩm Mỹ Phẩm và Thực Phẩm (Xuất bản năm 2021). Gelatin trang 301 - 303. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2023.