1. Trang chủ
  2. Thận Tiết Niệu - Lọc Máu
  3. Viêm cầu thận cấp: nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán bệnh

Viêm cầu thận cấp: nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán bệnh

Viêm cầu thận cấp: nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán bệnh

Trungtamthuoc.com - Viêm cầu thận cấp là bệnh khá nguy hiểm do có diễn biến bệnh nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiêu về các triệu chứng của bệnh dưới đây để sớm phát hiện ra căn bệnh này và sớm điều trị kịp thời bạn nhé.

1 Bệnh viêm cầu thận cấp

Bệnh viêm cầu thận cấp (VCTC) là tình trạng viêm cấp xảy ra thường do nhiễm liên cầu khuẩn tan máu bêta nhóm A. Tình trạng viêm có thể lan tỏa ở cả hai bên cầu thận (cầu thận là bộ phận có vai trò lọc máu). Do đó, viêm cầu thận cấp có diễn biến bệnh nhanh và gây nhiều nguy hiểm cho người bệnh. 

Bệnh diễn biến cấp tính với các triệu chứng: phù, tăng huyết áp, đái máu và protein niệu. Viêm cầu thận cấp có thể gặp ở tất cả mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh này ở trẻ em nhiều hơn người lớn.

Viêm cầu thận cấp không chỉ là một bệnh đơn thuần mà là một hội chứng gọi là hội chứng viêm cầu thận cấp. Lý do là vì bệnh cảnh lâm sàng thường giống nhau nhưng tổn thương mô bệnh học lại đa dạng.

Ngoài ra, bệnh phát sinh không chỉ do liên cầu mà có thể do các nguyên nhân khác dưới đây.

Bệnh viêm cầu thận cấp
Bệnh viêm cầu thận cấp

2 Nguyên nhân gây bệnh viêm cầu thận cấp

Nguyên nhân chính gây bệnh là do liên cầu khuẩn tan máu bêta nhóm A (tất cả các típ của vi khuẩn này đều có thể gây nên bệnh thấp tim) có một số típ gây viêm cầu thận cấp tính thường gặp là: típ 4, típ 12, típ 13, típ 25, típ 31, típ 49,...Sau nhiễm liên cầu từ 10 đến 15 ngày, có thể khởi phát triệu chứng viêm cầu thận cấp. Các chủng này có thể lây nhiễm bằng đường cổ họng hoặc đường nhiễm khuẩn ở ngoài da. [1] 

Ngoài ra, một số nguyên nhân gây bệnh khác như:

  • Nhiễm các loại vi khuẩn như tụ cầu, phế cầu, thương hàn,...
  • Nhiễm một số siêu vi gây viêm họng như quai bị, sởi, thủy đậu, Epstein Barr, viêm gan siêu vi B,...
  • Nguyên nhân do nhiễm nấm: Histoplasmose. 
  • Nguyên nhân do nhiễm ký sinh trùng: kí sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum và Malariae, Toxoplasma Gondii, sán máng,...
  • Có thể do phản ứng miễn dịch thái quá của cơ thể khi bị nhiễm trùng. 

Viêm cầu thận cấp do nhiễm liên cầu khuẩn thường gọi là bệnh viêm cầu thận cấp. Những trường hợp viêm cầu thận cấp do các căn nguyên khác gọi là hội chứng viêm cầu thận cấp (HCVCTC). Nguyên nhân của HCVCTC thường gặp là:

  • Viêm cầu thận do lupus: thường hay gặp ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống.
  • Tổn thương thận do đái đường.
  • Viêm mạch nhỏ dạng nút.
  • Hội chứng ban xuất huyết Henoch-Scholein
  • Viêm cầu thận trong bệnh osler (bệnh viêm nội tâm mạc).
  • Bệnh thận IgA.
  • Hội chứng Goodpasturê: hội chứng phù do bệnh thận.
  • Đợt bột phát của viêm cầu thận tiên phát.

3 Triệu chứng của bệnh viêm cầu thận cấp

3.1 Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng của bệnh viêm cầu thận cấp không đặc trưng ở giai đoạn đầu, do đó bệnh nhân có thể không biết mình bị bệnh. Khám và xét nghiệm thấy có hồng cầu niệu vi thể và protein niệu. Tuy nhiên, bệnh có thể khởi phát rầm rộ và có các triệu chứng sau:

Phù: đây là triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân suy thận cấp. Người bệnh có thể bị phù ở tay và cả chân, đôi khi cảm thấy nặng mặt. 

đái máu đại thể: nước tiểu có màu hồng hoặc nâu nhạt, có thể có cục máu đông trong nước tiểu. 

Tăng huyết áp: cần được điều trị kịp thời để tránh biến chứng nặng hơn. 

Suy tim: nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong. 

Đái ít (thiểu niệu, vô niệu).

3.2 Triệu chứng khác

Triệu chứng sốt (thân nhiệt tăng nhẹ khoảng37,5oC - 38,5oC).

Đau tức ở vùng thận, có thể có cơn đau quặn thận.

Đau bụng, bụng chướng nhẹ, kèm các cơn buồn nôn, có thể xuất hiện triệu chứng đi ngoài lỏng. 

Có cơn đau quặn bụng cấp tính. 

Viêm cầu thận cấp không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây suy thận cấp, suy tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, tổn thương não,... thậm chí có thể dễ tới tử vong. 

Chẩn đoán bệnh viêm cầu thận cấp
Chẩn đoán bệnh viêm cầu thận cấp

4 Chẩn đoán bệnh viêm cầu thận cấp

4.1 Các tiêu chuẩn

Phù.

Đái ra máu đại thể hoặc vi thể.

Protein niệu (++).

Tuyết áp.

4.2 Xét nghiệm kháng thể

Xu hướng xác định sự hiện diện của liên cầu khuẩn tan máu bêta bằng cách xác định các kháng thể chống lại một số men do liên cầu tiết ra trong quá trình phát triển. Những kháng thể đó là:

ASLO (anti streptolysin 0).

ASK (anti streptokinase).

AH (anti hyaluronidase).

ANADase (Adenine dinucleotidase).

ADNAse (anti deoxy ribonuclease).-

Trong số các kháng thể trên, ASLO có giá trị nhất, 95% viêm cầu thận cấp tính do liên cầu khuẩn có tăng hiệu giá ASLO. 

Xét nghiệm protein niệu và hồng cầu niệu, xem các dấu hiệu nhiễm khuẩn ở bệnh nhân.

4.3 Chẩn đoán phân biệt

Cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh thận sau:

Đợt cấp của viêm cầu thận mạn.

Viêm thận do bệnh thận IgA. 

Viêm cầu thận không phải nguyên nhân do nhiễm liên cầu. 

5 Các biến chứng của bệnh viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận có thể làm tổn thương thận khiến thận mất khả năng lọc, do đó các chất điện giải và chất thải tích tụ trong cơ thể. Các biến chứng có thể xảy ra của bệnh viêm cầu thận bao gồm:

  • Suy thận cấp. 
  • Bệnh thận mãn tính. 
  • Huyết áp cao. 
  • Hội chứng thận hư. [2] 

6 Điều trị bệnh viêm cầu thận cấp

Dạng cấp tính có thể tự khỏi tuy nhiên có thể được dùng thuốc hoặc máy thận nhân tạo để loại bỏ chất lỏng thừa và kiểm soát huyết áp cao và suy thận.

Thuốc kháng sinh không được sử dụng để điều trị cho bệnh viêm cầu thận cấp tính. Tuy nhiên có thể dùng để trị các bệnh khác liên quan đến nhiễm vi khuẩn. 

Bên cạnh đó khi bị bệnh cần phải: 

  • Ăn ít protein, muối và kali.
  • Kiểm soát huyết áp của bạn.
  • Uống thuốc lợi tiểu (thuốc nước) để điều trị bọng mắt và sưng.
  • Uống thuốc bổ sung Canxi. [3]
Quan tâm đến chế độ ăn để phòng bệnh viêm cầu thận cấp
Quan tâm đến chế độ ăn để phòng bệnh viêm cầu thận cấp

7 Phòng bệnh viêm cầu thận cấp

Do bệnh viêm cầu thận cấp nguyên nhân chủ yếu từ nhiễm khuẩn liên cầu khuẩn. Do đó biện pháp để phòng bệnh này đó là:

Giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ, phòng nhiễm liên cầu khuẩn đường hầu họng.

Tắm rửa mỗi ngày, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giúp tránh được nhiễm liên cầu qua đường da niêm mạc. 

Nếu bị viêm họng do liên cầu khuẩn cần phát hiện và điều trị kịp thời. [4]

8 Case lâm sàng: Viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu

Đề bài: Một trẻ nam 14 tuổi người người gốc Tây Ban Nha vào viện vì nước tiểu có màu nâu 3 ngày nay. Trẻ là bệnh nhân của bạn từ khi sinh ra và không ghi nhận tiền sử bệnh lý hoặc chấn thương gì trước đó, hiện đang tham gia ban nhạc xuyên quốc gia, không sử dụng ma túy hay có hoạt động tình dục. Hai tuần trước, trẻ xuất hiện sốt 2 ngày kèm theo đau họng sau đó tự khỏi. Khai thác triệu chứng các cơ quan chỉ nổi bật tình trạng phù nhẹ quanh mắt mà được cho là do trẻ học khuya cho kiểm tra cuối kì. Khám lâm sàng trẻ không sốt, huyết áp 135/90 mmHg, lanh lợi, không có vẻ mặt nhiễm trùng – nhiễm độc, phù mi mắt. Thử nước tiểu thấy tỉ trọng nước tiểu là 1.035, hồng cầu (++), protein (++). Soi cặn lắng nước tiểu sau khi ly tâm thấy trụ hồng cầu dưới kính hiển vi. [5]
➤ Nguyên nhân có khả năng nhất gây tiểu máu trên bệnh nhân này?
➤ Những xét nghiệm gì hỗ trợ chẩn đoán?
➤ Tiên lượng của bệnh nhân này ra sao?

Tóm tắt: Trẻ nam tiền sử khỏe mạnh, trước đó bị viêm họng, có biểu hiện phù quanh mắt, tăng huyết áp nhẹ và tiến triển tiểu có màu nước chè, phát hiện thấy hồng cầu niệu khi soi trên kính hiển vi.

  • Chẩn đoán có khả năng nhất: Viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu - Acute poststreptococcal glomerulonephritis (APSGN).
  • Xét nghiệm cần làm: C3 (90% bệnh nhân có C3 thấp), C4 (thường bình thường); kháng thể kháng enzyme streptolysin 0 (ASO), và kháng thể kháng deoxyribonuclease B (anti-DNase B) cung cấp bằng chứng về tình trạng nhiễm liên cầu gần đây.
  • Tiên lượng: Tiên lượng tốt; 95% - 98% bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn.

8.1 Phân tích

8.1.1 Mục tiêu

1. Nhận biết những biểu hiện lâm sàng điển hình của APSGN. 2. Chẩn đoán phân biệt bệnh nhân có nước tiểu sẫm màu.

3. Theo dõi bệnh nhân APSGN.

8.1.2 Đặt vấn đề

Bệnh nhân này tiền sử khỏe mạnh, bị viêm họng trước đó, hiện tại có tiểu máu, protein niệu, phù và tăng huyết áp. Mặc dù chẩn đoán viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu có khả năng nhất nhưng những chẩn đoán khác vẫn cần phải cân nhắc. Hoạt động gắng sức có thể gây tiêu cơ vân và tiểu sẫm màu nhưng những bệnh nhân này thường có đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn, nôn và sốt. Bệnh thận IgA (Berger) đặc trưng bởi những đợt tiểu máu không đau tái phát, thường xảy ra sau nhiễm trùng đường hô hấp trên. Bệnh viêm mao mạch dị ứng Henoch-Schönlein purpura (HSP) là một nguyên nhân thường gặp gây viêm thận ở trẻ em, đa số gặp ở trẻ nhỏ, lứa tuổi hay gặp nhất là khoảng 4-5 tuổi. Viêm thận Lupus (SLE) có thể biểu hiện như mô tả và được cân nhắc nếu tiểu máu không hồi phục hoặc khi C3 không về bình thường trong 6-12 tuần.

8.2 Tiếp cận lâm sàng

Viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu là một bệnh phổ biến nhất trong số các bệnh viêm thận sau nhiễm trùng, chiếm 80-90% các trường hợp. Các vi khuẩn, virus, kí sinh trùng và nấm khác cũng là căn nguyên. Nam giới thường bị ảnh hưởng, phổ biến nhất trong độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi, hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Liên cầu Beta tan huyết nhóm A (GABHS) có thể gây bệnh cảnh viêm họng hoặc tổn thương da bề mặt (chốc lở). Không phải tất cả trường hợp nhiễm GABHS đều dẫn đến APSGN; một số chủng GABHS nhất định là căn nguyên gây tổn thương thận và dẫn đến APSGN. Sốt thấp khớp hiếm khi xảy ra đồng thời với APSGN. Việc dùng kháng sinh trong nhiễm GABHS ban đầu có thể làm giảm nguy cơ sốt thấp khớp sau đó nhưng chưa được chứng minh có thể phòng ngừa APSGN. Nguy cơ viêm thận sau nhiễm chủng GABHS gây tổn thương thận vẫn chiếm khoảng 10-15%.

APSGN thường xảy ra sau viêm họng do GABHS khoảng 1-2 tuần và sau viêm da (chốc) do GABHS khoảng 3 – 6 tuần. Triệu chứng khởi phát đột ngột. Mặc dù hầu hết bệnh nhân có tiểu máu vi thể, chỉ khoảng 30 đến 50% bệnh nhân tiến triển tiểu máu đại thể. Ngoài ra, 85% bệnh nhân có biểu hiện phù, 60-80% bệnh nhân có tăng huyết áp.

Xét nghiệm quan trọng nhất ở bệnh nhân APSGN là định lượng C3, C4. C3 thấp gặp ở 90% trường hợp trong khi C4 thường bình thường. Nếu cả C3, C4 đều thấp thì nên cân chắc chẩn đoán khác. Tổng phân tích nước tiểu điển hình có tăng tỷ trọng nước tiểu, pH thấp, hồng cầu niệu, protein niệu, và trụ hồng cầu. Ghi nhận có đợt nhiễm liên cầu gần đây là rất hữu ích, những chất chỉ điểm trong huyết thanh bao gồm kháng thể kháng enzym streptolysin 0 và kháng thể kháng deoxyribonuclease B. Kháng thể kháng antistreptolysin O tìm thấy ở 80% trẻ mắc viêm họng do GABHS gần đây nhưng dưới 50% trẻ có nhiễm trùng da do GABHS. ASO cũng dương tính ở 16-18% trẻ bình thường.

Xét nghiệm kháng thể kháng deoxyribonuclease B đáng tin cậy hơn; chúng xuất hiện ở hầu hết bệnh nhân sau viêm họng do GABHS và phần lớn bệnh nhân nhiễm trùng da do GABHS. Các kháng thể kháng lại các khác nguyên khác của liên cầu như nicotamide Adenosine dinucleotide glycohydrolase [NADase], Hyaluronidase, và Streptokinase cũng có thể được xét nghiệm. Sinh thiết thận không còn được làm thường quy. Điều trị chủ yếu là hỗ trợ. Cân bằng dịch là rất quan trọng, thuốc lợi tiểu, hạn chế dịch hoặc cả hai có thể cần thiết. Có thể cần hạn chế lượng natriKali nhập vào. Tăng huyết áp thường được kiểm soát bởi nhóm chẹn kênh calci. Nghỉ ngơi nghiêm ngặt và corticosteroid không hữu ích. Lọc máu hiếm khi cần chỉ định.

Bệnh nhân thường hồi phục nhanh và hoàn toàn. Phù có thể hết sau 5- 10 ngày, huyết áp về bình thường trong vòng 3 tuần. C3 về bình thường sau khoảng 2-3 tháng. C3 thấp không hồi phục kéo dài ít gặp và thường gợi ý chẩn đoán khác. Xét nghiệm nước tiểu có thể bất thường kéo dài vài năm.

8.3 Câu hỏi lượng giá

29.1. Trẻ nam 16 tuổi phàn nàn về việc tiểu có màu cola từng đợt trong vài năm nay, thường là khi bệnh nhân bị cảm lạnh. Tiền sử khỏe mạnh và không có vấn đề sức khỏe gì khác. Khi bệnh nhân có nước tiểu màu cola, trẻ không tiểu đau. Trong gia đình không ai có biểu hiện tương tự hoặc có tiền sử bệnh thận. Khám lâm sàng trẻ khỏe mạnh và huyết áp bình thường. Nguyên nhân nào dưới đây có khả năng cao nhất gây tiểu máu từng đợt ở bệnh nhân này?

A. Viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu

B. Viêm thận trong viêm mao mạch dị ứng

C. Bệnh thận IgA

D. Sỏi thận tái phát

E. Viêm cầu thận tiến triển nhanh

29.2. Trẻ nữ 12 tuổi, tiền sử khỏe mạnh được bố mẹ đưa đi khám để kiểm tra thể chất theo yêu cầu của trại hè. Bố mẹ và trẻ không có phàn nàn hay vấn đề gì. Kỳ kinh nguyệt của trẻ bình thường 2 tuần trước đó. Trại hè yêu cầu sàng lọc nước tiểu. Điều đáng ngạc nhiên là kết quả sàng lọc của mẫu nước tiểu sạch cho thấy trẻ có tiểu máu đáng kể kèm theo trụ hồng cầu. Bạn trao đổi với người nhà về phát hiện đó và họ cho biết các “thành viên trong gia đình họ nội” đều có máu trong nước tiểu và họ đều khỏe mạnh. Tiền sử gia đình không có ai bị điếc hay suy thận. Sinh thiết thận ở bệnh nhân hay của người bố

có khả năng cao nhất tiết lộ điều gì dưới đây?

A. Phù nề tế bào nội môi và lắng đọng fibrin dưới lớp nội mạc

B. Lắng đọng phức hợp miễn dịch ở màng đáy

C. Thấy số lượng lớn tế bào hình liềm

D. Ung thư biểu mô tế bào thận

E. Màng đáy mỏng

29.3. Bệnh nhân nữ 17 tuổi đau khớp 2 tháng nay gây ảnh hưởng công việc hè làm nhân viên cứu hộ của cô ấy. Sáng nay, cô thức dậy với 2 khớp gối sưng đau kèm đau tay phải. Cơn đau dịu đi trong ngày nhưng không hết hẳn, đỡ một phần khi dùng thuốc chống viêm NSAIDS. Bệnh nhân cũng cần một loại kem dưỡng da tốt vì công việc này làm trầm trọng hơn tình trạng da mụn của cô. Khám lâm sàng thấy đỏ da vùng má và rãnh mũi má 2 bên. Bệnh nhân cũng có vài vết loét miệng mà cô ấy gọi là vết loét lạnh, tràn dịch khớp gối 2 bên và sưng đau các khớp đốt ngón xa tay phải. Gan 3cm dưới bờ sườn. Bệnh nhân có tiểu máu vi thể và protein niệu. Nguyên nhân nào dưới đây có khả năng cao nhất gây tình trạng viêm khớp trên bệnh nhân nữ trẻ này?

A. Viêm khớp thiếu niên

B. Bệnh Lyme

C. Viêm xương khớp

D. Viêm khớp sau nhiễm trùng

E. Lupus ban đỏ hệ thống

29.4. Bạn không hề cảm thấy ngạc nhiên khi gặp lại một trong những bệnh nhân khó của mình, một trẻ nữ vị thành niên 16 tuổi, đã đến vài lần mỗi tuần trong vòng 2 tháng nay vì họ, có những lần họ máu, kèm mệt mỏi và sốt nhẹ. Bạn đã phát hiện thấy bệnh nhân có thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc, đang điều trị bổ sung Sắt nhưng không đáp ứng và thâm nhiễm lan tỏa không cố định trên phim x- quang ngực mà dường như không đáp ứng với điều trị kháng sinh. Bệnh nhân không có nguy cơ phơi nhiễm với vi khuẩn lao. Mantoux test âm tính. Hôm nay bệnh nhân đến vì phù mặt và tiểu sẫm màu. Bạn đột nhiên nhận ra những triệu chứng của cô ấy có thể được gộp lại thành hội chứng nào dưới đây?

A. Hội chứng Alport

B. Hội chứng Denys-Drash

C. Hội chứng Goodpasture

D. Hội chứng huyết tán tăng ure máu

E. Hội chứng thận hư

8.4 Đáp án

29.1.C. Tiểu máu đại thể tái phát không đau thường liên quan tới những đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên là biểu hiện điện hình của bệnh thận IgA. Bệnh nhân có thể tiến triển bệnh thận mạn sau nhiều năm. Nếu kèm theo tiểu đạm, tăng huyết áp hoặc giảm chức năng thận. việc sinh thiết thận là cần thiết. Những lựa chọn khác không phù hợp với tính chất tiểu máu không triệu chứng, không liên tục của bệnh nhân này.

29.2. E. Bệnh sử này phù hợp bệnh tiểu máu có tính chất gia đình lành tính, di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường gây ra tiểu máu liên tục hoặc ngắt quãng mà không tiến triển thành bệnh thận mạn. Kết quả sinh thiết cho thấy lớp màng đáy mỏng. Một số bệnh nhân có kết quả sinh thiết bình thường. Lắng đọng phức hợp miễn dịch với IgA ở màng đáy cầu thận có thể gặp ở bệnh nhân viêm mao mạch dị ứng hoặc bệnh thận IgA. Tế bào biểu mô phù nề kèm lắng đọng fibrin có thể gặp ở bệnh nhân có hội chứng tán huyết tăng ure máu. Tế bào hình liềm gặp trong bệnh nhân viêm cầu thận tiến triển nhanh.

29.3. E. Lupus ban đỏ hệ thống ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới và viêm thận là biểu hiện thường gặp. Bệnh cảnh kết hợp của ban da, nhạy cảm với ánh sáng, loét miệng, gan to, viêm khớp và viêm thận trên bệnh nhân khiến chẩn đoán này có khả năng cao nhất. Xét nghiệm kháng thể kháng nhân dương tính, C3, C4 thấp có thể giúp chẩn đoán xác định.

29.4. C. Hội chứng Goodpasture là một chẩn đoán lâm sàng khi bệnh nhân có biểu hiện viêm thận và xuất huyết phổi. Nó có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân, bao gồm SLE và HSP. Hội chứng Alport gây ra do đột biến gen tổng hợp Collagen dẫn đến bất thường cấu trúc màng đáy; bệnh nhân sẽ tiến triển tiểu máu, protein niệu, và suy thận. Hội chứng Denys-Drash bao gồm u Wilms tumor, rối loạn phát triển tuyến sinh dục và bệnh thận.

8.5 Đúc Kết Lâm Sàng

  • Viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu là viêm thận sau nhiễm trùng hay gặp nhất và có tiên lượng tốt.
  • Chẩn đoán xác định APSGN cần bằng chứng nhiễm liên cầu như tăng hiệu giá kháng thể anti-DNAase B.

Tài liệu tham khảo

  1. ^  Christine Case-Lo (Ngày đăng 29 tháng 9 năm 2018). Glomerulonephritis (Bright's Disease), Healthline. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021
  2. ^  Mayo Clinic (Ngày đăng 6 tháng 2 năm 2020). Glomerulonephritis, Mayo Clinic. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021
  3. ^  National Kidney Foundation (Ngày đăng 6 tháng 5 năm 2021). What is Glomerulonephritis?, National Kidney Foundation. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021
  4. ^  Cleveland Clinic (Ngày đăng 11 tháng 04 năm 2020). Glomerulonephritis (GN), Cleveland Clinic. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021
  5. ^ Clinical Cases, tải bản PDF tại đây

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    viêm cầu thận cấp có triệu chứng gì?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Viêm cầu thận cấp: nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán bệnh 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Viêm cầu thận cấp: nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán bệnh
    MT
    Điểm đánh giá: 5/5

    nhà thuốc an huy uy tín, thuốc chất lượng, giá cả hợp lý, tôi sẽ tiếp tục đến đây mua thuốc

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633