Suy thận cấp: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bệnh
Trungtamthuoc.com - Trong các bệnh lý về thận thì suy thận cấp là một trong các bệnh lý gây ám ảnh nhất đối với người bệnh. Cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu thông tin về bệnh suy thận cấp qua bài viết sau đây.
1 Suy thận cấp là bệnh gì?
Suy thận cấp là bệnh lý cấp tính xảy ra khi giảm mức lọc cầu thận đột ngột trong vòng từ vài giờ đến vài ngày. Thể tích nước tiểu ít hơn 0.5ml/kg/giờ kéo dài trên 6 giờ) kèm theo nồng độ creatinin huyết tương tăng trên 50% so với giá trị bình thường.
Suy thận cấp làm mất chức năng tạm thời cả hai bên thận, gây ứ đọng các chất chuyển hóa của nitơ, gây rối loạn điện giải,...hậu quả là làm tăng huyết áp, loạn nhịp tim,...Bệnh có nguy cơ tử vong cao, do đó cần được phát hiện và cấp cứu kịp thời. [1]
2 Nguyên nhân gây nên suy thận cấp
Nguyên nhân gây nên suy thận cấp có thể do các nguyên nhân sau:
2.1 Nguyên nhân trước thận
Các nguyên nhân như sốc tim, phản ứng sốc quá mẫn, giảm thể tích do mất nước, mất máu gây giảm dòng máu hiệu dụng tới thận, dẫn tới giảm áp lực lọc cầu thận gây suy thận cấp.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác như: hội chứng thận hư, xơ gan mất bù,...làm giảm khối lượng tuần hoàn nên giảm mức lọc cầu thận có thể gây ra suy thận cấp.
2.2 Nguyên nhân tại thận
Nguyên nhân tại thận gây tổn thương thực thể trực tiếp có thể làm suy thận cấp đó là:
Bệnh cầu thận: viêm cầu thận tiến triển nhanh, viêm cầu thận cấp sau nhiễm khuẩn, viêm mạch máu thận trong các bệnh mạch máu hệ thống,...
Bệnh của các mạch máu nhỏ trong thận: hội chứng tan máu tăng ure máu, nhiễm độc thai nghén, đông máu rải rác trong lòng mạch.
Bệnh mô kẽ thận: viêm thận kẽ (do nhiễm khuẩn, do thuốc), xuất hiện tế bào u ác tính ở kẽ thận (u lympho, bệnh bạch cầu, ung thư mô liên kết).
Bệnh ống thận: hoại tử thận sau thiếu máu, nhiễm độc thận (do thuốc, hóa chất, nọc độc côn trùng như rắn, nấm độc, nọc ong, thuốc thảo mộc,...)
2.3 Nguyên nhân sau thận
Tắc đường tiết niệu có thể gây suy thận cấp, các nguyên nhân có thể gây tắc đường tiết niệu đó là:
Tắc đường tiết niệu trên: sỏi đường tiết niệu, cục máu đông,...
Tác đường tiết niệu dưới: tắc niệu đạo, tắc ở cổ bàng quang (sỏi bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt,...). [2]
3 Chẩn đoán suy thận cấp
3.1 Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán xác định suy thận cấp dựa vào:
Xem xét các yếu tố nguyên nhân bệnh nền có thể gây suy thận cấp.
Vô niệu hoặc thiểu niệu xảy ra cấp tính, mức lọc cầu thận giảm xuống dưới 60 ml/ph, xảy ra sau vô niệu.
Creatinin huyết thanh tăng,
Kali máu thường tăng.
Có thể có toan máu chuyển hoá.
Diễn biến qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn khởi đầu: Đây là giai đoạn tấn công của các tác nhân gây bệnh, các triệu chứng bệnh nhân có thể gặp như mệt, khó thở, buồn nôn, tiểu ít,...
- Giai đoạn đái ít, vô niệu: thể tích nước tiểu nhỏ hơn 500ml/ 24giờ (thiểu niệu), thể tích nước tiểu nhỏ hơn 100ml/24giờ (vô niệu). Ở giai đoạn này các triệu chứng khó thở, buồn nôn và nôn nặng nề hơn. Ngoài ra bệnh nhân có thể bị tăng huyết áp, co giật, rối loan nhịp tim, hôn mê. Nếu không được điều trị kịp thời thì nguy cơ gây tử vong cao.
- Giai đoạn đái trở lại: thể tích nước tiểu tăng nhanh dần (có thể đái 4 – 5 lít/ ngày hoặc hơn, kéo dài 5 – 7 ngày). Nồng độ urê, creatinin máu giảm dần, nồng độ hai chất này trong nước tiểu tăng dần.
- Giai đoạn hồi phục: thể tích nước tiểu chuyển về mức bình thường, hồi phục chức năng thận.
3.2 Chẩn đoán phân biệt
Cần chẩn đoán phân biệt với các trường hợp bệnh sau:
Tăng creatinin hoặc urê máu không phải suy thận cấp: có thể do ăn, uống nhiều protein, truyền nhiều acid amin hoặc do xuất huyết đường tiêu hoá, dùng thuốc corticoids, thuốc cimetidin, thuốc trimethoprim, thuốc Tetracycline,...
Đợt tiến triển nặng của suy thận mạn hoặc đợt cấp của suy thận mạn: cần xem rõ bệnh sử của bệnh nhân.
4 Điều trị suy thận cấp
4.1 Nguyên tắc chung điều trị suy thận cấp
Tìm nguyên nhân gây suy thận cấp và nhanh chóng điều trị loại bỏ nguyên nhân gây bệnh.
Phục hồi lại lượng máu và dịch, duy trì huyết áp.
Phục hồi lại dòng nước tiểu cho bệnh nhân và điều trị cân bằng lại rối loạn nội môi do suy thận cấp gây ra.
Điều trị triệu chứng phù hợp với từng giai đoạn của bệnh, chú ý dinh dưỡng và cân bằng điện giải.
Chỉ định lọc máu ngoài thận khi cần thiết.
4.2 Điều trị theo giai đoạn bệnh
4.2.1 Giai đoạn tấn công của tác nhân gây bệnh
Loại bỏ nguyên nhân gây bệnh (mất máu cần cầm máu, bù dịch nếu mất dịch,...). Theo dõi sát tình trạng thiểu niệu, vô niệu để có chẩn đoán suy thận cấp sớm.
4.2.2 Giai đoạn thiểu niệu, vô niệu
Giữ cân bằng nước, điện giải.
Lợi tiểu: thường dùng lợi tiểu quai Furosemid, liều dùng cụ thể theo chỉ định của bác sĩ.
Điều trị tăng Kali máu, chống toan máu nếu có.
Kháng sinh chống nhiễm khuẩn nếu có.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ít đạm.
Điều trị các triệu chứng và biến chứng khác nếu có: tăng huyết áp, suy tim.
Chỉ định lọc máu cấp: khi có nhiễm toan chuyển hóa, biến chứng phù phổi cấp.
Điều trị bảo tồn chức năng các cơ quan khác.
4.2.3 Giai đoạn đái trở lại
Chủ yếu là cân bằng nước điện giải.
4.2.4 Giai đoạn phục hồi chức năng
Theo dõi định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân vẫn cần duy trì chế độ ăn ít đạm.
5 Phòng bệnh suy thận cấp
Phát hiện và điều trị các bệnh có thể gây suy thận cấp. Lưu ý trong dùng thuốc cần hạn chế tối đa các thuốc gây độc cho thận.
Thăm khám định kỳ để kiểm soát bệnh tiểu đường và huyết áp cao.
Duy trì đủ thể tích tuần hoàn sau phẫu thuật, sau chụp Xquang có tiêm thuốc cản quang (truyền NaCl 0,9%, thể tích truyền theo chỉ định của bác sĩ).
Dùng thuốc giảm đau như Aspirin hoặc Ibuprofen quá liều có thể làm tổn thương thận và tăng nguy cơ suy thận. [3]
Tài liệu tham khảo
- ^ Konstantinos Makris và Loukia Spanou (Ngày đăng tháng 5 năm 2016). Acute Kidney Injury: Definition, Pathophysiology and Clinical Phenotypes, NCBI. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả Walead Latif (Ngày đăng 16 tháng 9 năm 2020). Acute kidney failure, Medline Plus. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2021
- ^ (Ngày đăng 2 tháng 9 năm 2021). Acute Kidney Injury & Failure (AKI) Symptoms, Causes, & Treatments, American Kidney Fund. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2021