1. Trang chủ
  2. Dùng Thuốc Nên Biết
  3. Những điều cần biết về thuốc khử trùng Cloramin B

Những điều cần biết về thuốc khử trùng Cloramin B

Những điều cần biết về thuốc khử trùng Cloramin B

Trungtamthuoc.com - Trước tình hình dịch bệnh Coronavirus với tên gọi chính thức Covid - 19, không chỉ khẩu trang y tế, nước rửa tay khô được mọi người săn đón mà các dung dịch khử khuẩn, tiệt trùng cũng trở thành những sản phẩm được mọi người đổ xô tìm kiếm và mua, thậm chí có nhiều người còn mua về tích trữ, một trong số đó chính là thuốc khử khuẩn Cloramin B. Sau đây là những thông tin cơ bản về loại thuốc khử trùng này.

1 Công thức Cloramin B

Cloramin hay còn được gọi với tên khoa học Benzenesulfochloramide natri, với công thức cấu tạo C6H5SO2NClNa.3H20 được biểu diễn theo cấu trúc như sau:

Cấu trúc Cloramin B

Hợp chất này có thể được sử dụng dưới dạng bột hoặc dạng viên. Với ưu điểm dễ bảo quản, dễ vận chuyển, phần lớn Cloramin trên thị trường được đóng dưới dạng bột.

Tính chất vật lý:

  • Bột kết tinh trắng hoặc hơi vàng, bột có mùi clo nhẹ.
  • Tính tan: dễ tan trong nước sối, tan được trong nước lạnh và Ethanol.
  • Không tan trong ether, chloroform, benzen.
  • Hàm lượng Clo: 25-29%.
  • Dễ bị phân hủy bởi nhiệt, ánh sáng, không khí, hơi ẩm.

​Tính chất hóa học: Đây là hợp chất của benzen, tác dụng khử khuẩn của nó được thể hiện qua Clo hoạt động.

2 Tác dụng của Cloramin B

2.1 Cơ chế tác dụng của Cloramin B

Cloramin B là hợp chất hữu cơ có chứa ion Clo dương, chính là clo hoạt động, mang lại hoạt tính sát khuẩn khi ở trong nước.

Như chúng ta đã biết, Clo và các hợp chất của nó có tác dụng sát khuẩn, tẩy uế khá tốt. Ở bất cứ dạng tồn tại nào, nó chính là một chất có tính oxy hóa rất mạnh.

Phản ứng của Cloramine:

  •             R-NClNa -> R-NCl-+ Na+                  (Gốc R: C6H5SO2 hay C7H7SO2)
  •             R-NCl-+ H+ ->R-NHCl
  •             2R-NHCl ->R-NH2+ R-NCl2
  •             R-NHCl + H2O -> R-NH2+ HOCl
  •             R-NCl2+ H2O -> R-NHCl + HOCl.
  •             HOCl <-> H+ + OCl-

Cloramin B trong nước tạo ra các phân từ axit HOCl (axit hypocloro), và ion OCl- (ion hypoclorid), đây là các phân tử có tác dụng khử trùng nhờ tính oxy hóa rất mạnh.

Thuốc khử trùng cloramin B

Chloramine B được sử dụng làm chất khử trùng có tác dụng ức chế Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus ở nồng độ trên 100mg/l. [1]

Quá trình tiêu diệt vi sinh vật qua 2 giai đoạn dưới đây:

Trước tiên, chất khử trùng Cloramin B khuếch tán qua vách tế bào vi sinh vật: HOCl không tích điện nên dễ dàng thấm qua vách của các tế bào vi sinh vật. Thông qua các phản ứng oxy hóa, thủy phân, khử amin, nó dễ dàng tác động đến vi sinh vật. HOCl liên kết với protein tạo nên hợp chất N-Cloro, liên kết với gốc SH của protein và oxy hóa alpha Amino acid thành nitril và aldehyd. Còn OCl- tích điện âm nên không qua được lớp tích điện âm của vách tế bào và màng tế bào vi khuẩn.

Tiếp theo, sau khi đã qua được lớp vách tế bào, tại tế bào chất, HOCl tác động lên ty thể, nó sẽ phản ứng với các men bên trong tế bào và phá hủy, gây rối loạn quá trình trao đổi chất bên trong tế bào vi sinh vật, khiến chúng bị tiêu diệt.

2.2 Tác dụng của Cloramin B

Cloramin B có tác dụng khử trùng mạnh nên được sử dụng trong các trường hợp cần sát trùng nước và bề mặt. Đây là hợp chất được WHO và Bộ Y tế sử dụng sát khuẩn trong bệnh viện, những nơi công cộng và trong gia đình.

Tiêu diệt vi khuẩn trên bề mặt ở những nơi mà con người tiếp xúc nhiều và nguy cơ bị nhiễm khuẩn cao như sàn nhà, bàn ghế, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, vật phẩm, đồ chơi.

Sát trùng dụng cụ trước và sau phẫu thuật, sát trùng miệng vết thương để tránh nhiễm trùng.

Cloramin B có tác dụng ức chế các loại vi khuẩn như Escherichia coli, Pseudomonas aeroginosa và Staphylococcus aureus.

3 Cách pha cloramin B để khử khuẩn

Tùy theo từng mục đích sử dụng khác nhau mà lựa chọn những nồng độ diệt khuẩn khác nhau. Do đó để có hiệu quả tiệt trùng tốt và an toàn, cần lựa chọn những nồng thích hợp.

Công thức tính lượng cần pha để đạt nồng độ diệt khuẩn như sau:

m = (c% x V/C%) x 1000

Trong đó:

  • m: Lượng hóa chất cần lấy để pha.
  • c%: Nồng độ dung dịch Cloramin B cần pha (%).
  • C%: Hàm lượng Clo hoạt tính của hóa chất sử dụng (%).
  • V: Thể tích dung dịch cần pha (lít).

Trên thị trường thường bán chế phẩm bột Cloramin B chứa 25% clo hoạt tính, từ đó pha ra các nồng độ sử dụng khác nhau.

Để tránh các trường hợp ngộ độc đáng tiếc, nên pha theo đúng công thức trên để đảm bảo nồng độ diệt khuẩn.

Ví dụ từ bột Cloramin B trên (25% clo hoạt tính), muốn pha thành 10 lít dung dịch chứa 0,5 % clo hoạt tính, cần một lượng cloramin B: (0,5x 10/25) x 1000 = 200 gam.

Lấy 200 gam bột Cloramin B 25% clo hoạt tính hòa tan trong 10 lít nước, ta thu được dung dịch cloramin B 0,5 % clo hoạt tính để khử khuẩn.

Dung dịch khử trùng có chứa clo sẽ không giữ được tác dụng diệt khuẩn lâu sau khi pha, do đó chỉ pha đủ lượng cần dùng, và nên sử dụng ngay sau khi pha, không quá 24 giờ để có hiệu quả diệt khuẩn tốt nhất. Không được pha 1 lần nhiều với mục đích sử dụng cho những lần sau. Cũng chính bởi không giữ tác dụng diệt khuẩn được lâu nên cần phải thường xuyên lâu chùi, tiệt trùng.

4 Cách sử dụng

Phun khử trùng bệnh viện

Các trường hợp sau sử dụng dung dịch Cloramin B có nồng độ 0,5 % clo hoạt tính:

Tại khu vực cách lý bệnh nhân: khi ra vào cần ngâm tay 1 phút trong dung dịch rồi rửa lại với nước sạch để khử trùng tay trong các trường hợp không có nước rửa tay khô, cồn hay xà phòng. Hoặc dùng để lau nền nhà, bề mặt các dụng cụ trong khu vực cách ly.

Thảm chùi chân ngay trước chỗ ra vào khu vực cách ly cần tẩm ướt với dung dịch khử khuẩn. Mỗi lần ra vào các khu vực này, cần dẫm chân lên thảm để hạn chế phát tán vi rút ra ngoài.

Khử trùng buồng bệnh, nơi điều trị những bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm: lau nền buồng bệnh, bề mặt các đồ vật trong phòng bệnh.

Dụng cụ, quần áo bệnh nhân truyền nhiễm: Ngâm trong dung dịch sát khuẩn 1-2 giờ, sau đó mới giặt rửa lại bằng nước sạch.

Phun để khử trùng lần cuối các khoa phòng sau khi các bệnh nhân ra viện hay các phương tiện chuyên chở bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm.

​Các trường hợp cần dùng dung dịch đậm đặc:

  • Xử lý phân và chất thải của bệnh nhân: Cần xử lý với dung dịch đậm đặc hơn ở nồng độ 1,25% - 2,5 % theo tỉ lệ 1:1, tức là 1 lít phân cần xử lý bằng 1 lít dung dịch Cloramin B trong 30 phút.

4.1 Sử dụng Cloramin B trong gia đình

Để hạn chế dịch bệnh, mọi người hãy thực hiện khử trùng nhà cửa bằng dung dịch Cloramin B. Trước khi khử trùng nên làm sạch bụi bẩn ở những nơi cần khử trùng. Nên pha dung dịch khử khuẩn có nồng độ 0,5 % clo hoạt tính:

  • Tẩm dung dịch vào thảm chùi chân đặt ngay ở cửa ra vào: để mọi người hạn chế đưa vi khuẩn từ bên ngoài vào nhà.
  • Dùng để lau nền nhà, các bề mặt dụng cụ, cầu thang.
  • Đồ chơi của trẻ: Ngâm đồ chơi của trẻ trong dung dịch khử khuẩn, sau đó rửa kỹ bằng nước sạch rồi phơi hoặc hong khô.
  • Sau các thao tác khử khuẩn với cloramin B, đợi một thời gian cho cloramin B tiêu diệt vi sinh vật, khoảng 10-20 phút rồi sau đó phải chùi rửa lại bằng nước sạch.
Sử dụng Cloramin B trong gia đình

4.2 ​Sử dụng trong các trường mầm non

Trẻ em là những đối tượng thích đùa nghịch, thích ngậm đồ chơi, mút tay, hay đưa tay lên mắt, mũi, miệng, đây là những đối tượng có hệ miễn dịch còn kém, dễ bị nhiễm bệnh, do đó việc khử khuẩn trong môi trường mầm non luôn được chú trọng.

Thường sử dụng dung dịch cloramin B có nồng độ 0,5%, tiến hành theo các bước sau:​

  • Phải lau chùi cho sạch bụi bẩn bám trên bề mặt các vật dụng mà trẻ thường tiếp xúc như đồ chơi, bàn ghế, sau đó sử dụng dung dịch khử khuẩn trên để lau sạch, còn đồ chơi thì để ngâm khoảng 10-20 phút. Khi đã khử khuẩn xong, cần rửa  và lau lại sạch sẽ bằng nước sạch và hong khô.
  • Tiến hành lau chùi nền nhà, lan can, cầu thang, sau một khoảng thời gian đủ để vi khuẩn, vi rút bị bất hoạt (20-30 phút) rồi lau chùi lại bằng nước sạch.
  • Khi trẻ đã tan lớp, tiến hành phun khử khuẩn trường lớp để góp phần hạn chế tối đa vi sinh vật trong mùa dịch bệnh.

5 Xử trí trong các trường hợp ngộ độc Cloramin B

Cloramin B có tác dụng tốt trong khử khuẩn nhưng nếu sử dụng không đúng cách có thể gây nên những tác dụng không mong muốn. Cần sử dụng đúng liều lượng, ở nồng độ thích hợp để tránh bị ngộ độc.

5.1 Các biểu hiện của ngộ độc Cloramin B

Khi tiếp xúc với da: tổn thương da, gây cảm giác nóng rát, khó chịu, nổi mẩn đỏ.

Niêm mạc mắt: gây ảnh hưởng đến giác mạc, ngứa mắt, chảy nước mắt, nguy hiểm có thể gây nguy cơ bị mù.

Hệ hô hấp: Nếu hít phải Cloramin ở nồng độ cao, gây co thắt cơ trơn khí phế quản, khó thở, hiếm khi gây nên hiện tượng phù phổi.

Trên thần kinh trung ương: kích thích thần kinh trung ương, la hét, hung dữ.

5.2 Cách xử trí

Khi vô tình uống phải: nên uống ngay một ít nước ấm và Than hoạt tính hoặc dùng nabica (Natri bicarbonat) để uống trung hòa.

Hít phải không khí có chứa nhiều cloramin: đưa ngay bệnh nhân ra khỏi đó và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Nếu không may bị bắn cloramin vào mắt, phải rửa sạch ngay với nước sạch nhiều lần, sau đó đưa đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để thăm khám và xử lý hiệu quả.

Nếu bị bắn vào quần áo hoặc dính trên da (ở nồng độ cao): cởi bỏ ngay lớp quần áo đó và rửa vùng da bằng nước ấm và xà phòng...

Xử trí khi Cloramin B bắn vào mắt

6 Lưu ý khi sử dụng

Khi dùng cloramin để khử trùng, chú ý những nơi đó không được chứa nhiều NH3, NH4, bởi lẽ khi phản ứng với 2 chất này sẽ tạo ra các chất gây nguy hiểm cho môi trường, con người và cả vi sinh vật.

DO HOCl trong nước sẽ được chuyển hóa qua lại lẫn nhau Với H+ và OCl- tùy theo mức độ pH của môi trường.

Trong môi trường có nồng độ acid cao, tức lượng H+ cao, ph thấp, khi đó chuyển dịch cân bằng sẽ tạo ra nhiều HOCl hơn, là chất có tác dụng sát khuẩn mạnh.

Ngược lại khi môi trường có độ pH cao, tức kiềm hóa, lúc đó nồng độ H+ thấp, chuyển dịch cân bằng hướng về phía tạo ra nhiều OCl- có khả năng khử trùng thấp hơn HOCl. Các chuyên gia đưa ra khuyến cáo nếu pH môi trường >7,5, không thích hợp dùng các chế phẩm chứa clo vì hiệu quả khử khuẩn thấp.

Cloramin ở dạng bột nên dễ nhầm lẫn với những chất bột khác, thận trọng nhầm với các loại bột dinh dưỡng, có thể dẫn đến ngộ độc, do đó cần ghi nhãn mác rõ và để ở những nơi riêng biệt để tránh nhầm lẫn gây hậu quả đáng tiếc.

Khi pha nên đeo găng tay Cao Su, khẩu trang bảo hộ.

Sau khi pha chế xong, nên sử dụng ngay, nếu chưa sử dụng ngay cần đậy nắp, tránh bay hơi và sử dụng càng sớm càng tốt.

Chỉ được sử dụng Cloramin B để lau nền, phun tiệt trùng nhà cửa, dụng cụ, đồ chơi cho bé, tuyệt đối không được uống, dùng qua đường tiêu hóa hay pha cho bé tắm.

Khi sử dụng Cloramin B để diệt khuẩn, nên sử dụng 2 xô riêng biệt, 1 xô đựng dung dịch cloramin B, xô còn lại chứa nước sạch để lau lại lần 2, Đồng thời cũng phải dùng 2 khăn riêng, 1 khăn để lau dung dịch khử khuẩn, 1 khăn để lau lại bằng nước sạch.

Nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng để biết cách sử dụng hiệu quả, an toàn.

Trên đây là những thông tin cơ bản và thiết yếu về thuốc khử trùng Cloramin B, hi vọng với những thông tin này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về Cloramin B và có thể sử dụng hợp lý, đặc biệt giữa mùa dịch mang tên virus Vũ Hán.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của PubChem, Chloramine B, PubChem. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      hotline
      0868 552 633
      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633