Tóm tắt nội dung [ẩn hiện]
Kiến ba khoang
Kiến ba khoang, có tên latin là Paederus fuscipes, là một vec tơ gây viêm da Paederus ở hầu hết các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Phân bố
Kiến ba khoang thường sống trên ruộng đồng vườn tược, là thiên địch tốt nhất trên đồng ruộng, thường ăn của các loài sâu rầy gây hại hoa màu. Do nạn khai thác rừng bừa bãi, nạn săn bắt thú hoang, sử dụng thuốc trừ sâu, công trình thủy điện, đô thi hóa... đã khiến cho hệ sinh thái mất cân bằng ngày càng trầm trọng. Nhiều loài là thiên địch của sinh vật có thể biến mất, vì thế kiến ba khoang bùng phát và xâm nhập các khu dân cư hoặc khu vực ngày càng nhiều.
Ở nước ta, hiện nay kiến ba khoang thường xuất hiện ở các khu dân cư, đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh,.. thậm chí xuất hiện ở các khu đông dân cư.
Đặc điểm
Kiến ba khoang có cơ thể dài từ 8 - 10mm, màu đỏ có ba khoang đen ở đầu, cánh và cuối bụng. Râu dài hình sợi chỉ, chân chạy nhanh, cánh ngắn đến nửa thân mình, cuối bụng nhọn có hai đuôi nhỏ. Kiến ba khoang có thể bò trên mặt nước, thích ăn côn trùng như ăn rầy nâu ở ruộng lúa hay bọ hóng bay vào ánh đèn ban đêm.

Chu kỳ sinh trưởng
Trứng thường được đẻ riêng rẽ vào các đường nứt trên bề mặt đất. Con cái đẻ khoảng 18 - 100 trứng, bắt đầu đẻ trứng từ cuối tháng 4 hoặc giữa tháng 5 đến tháng 7. Sau 3 - 19 ngày trứng nở thành ấu trùng. Giai đoạn ấu trùng chia thành hai giai đoạn, giai đoạn một từ 4 ngày đầu đến ngày thứ 22, giai đoạn hai ngày thứ 7 đến ngày 36. Giai đoạn nhộng kéo dài từ 3 đến 12 ngày. Tổng số ngày hoàn thành vòng đời khoảng từ 22 đến 50 ngày, trung bình là 32,5 ngày.
Con trưởng thành và ấu trùng ăn các loài côn trùng nhỏ hơn và tuyến trùng (nematodes) trong đất, rau trong tự nhiên. Trứng và ấu trùng cũng bị tấn công bởi các loại côn trùng khác và nhện.

Gây bệnh
Con cái có độc tố Pederin (thuộc nhóm alkaloid) trong một đôi tuyến ở cuối bụng dùng để bảo vệ trứng khi đẻ khỏi bị các loài thiên địch khác tấn công. Cho nên nếu con vật bị chà xát hay chạm mạnh thì độc tố có thể tiết ra ngoài, dính vào da người làm có cảm giác cháy da, đau đớn.
Độc tố có tính chất làm phồng rộp da, nổi mụn nước, nhất là ở mặt, cổ, hông, nách (sợ nhất là vào mắt có thể làm bỏng võng mạc). Vết phồng thường xuất hiện độ một ngày sau khi bị dính độc tố. Nếu được trị thì sau một tuần sẽ hết. Có trường hợp để lại sẹo đỏ đến nhiều tháng mới hết. Đáp ứng với chất độc này trên da phụ thuộc vào nồng độ tiếp xúc, thời gian và đặc điểm của từng người. Với những trường hợp nhẹ, sẽ xuất hiện các mụn nước nhỏ trong một vài ngày, sau đó mụn rộp khô trong vài tuần, để lại các vết thâm nhiễm hoặc tăng sắc tố nhưng không để lại sẹo. Ở một số trường hợp nặng, ngoài các biểu hiện phồng rộp trên da còn có các triệu chứng khác như sốt, đau dây thần kinh, đau khớp hoặc nôn mửa.

Biện pháp điều trị
Ban đầu, loại bỏ chất độc bằng cách rửa bằng nước hoặc xà phòng. Các vùng bị phồng rộp có thể điều trị bằng cách ngâm ướt, sau đó bôi thuốc nhóm steroid.
Một nghiên cứu của Sierra Leone với 36 bệnh nhân trong đó 18 bệnh nhân sử dụng ciprofloxacin đường uống kết hợp với steroid dạng bôi cho kết quả thời gian lành da tăng rõ rệt. Điều này cho thấy có thể có tình trạng nhiễm trùng ở các bệnh nhân này khi bị kiến ba khoang cắn.
Khi bị cắn hoặc lỡ tay đập chết kiến ba khoang thì cần rửa vị trí bị dính chất độc ngày với nước.
Ngoài ra, khi gặp kiến ba khoang không nên đạp chết chúng, hãy lấy vật dụng như giấy, chổi,.. để loại bỏ, thay vì tiếp xúc trực tiếp.
Tài liệu tham khảo
1. Paederus Dermatitis. An Outbreak on a Medical Mission Boat in the Amazon, Jere J. Mammino, DO, FAOCD, J Clin Aesthet Dermatol. 2011 Nov; 4(11) pages: 44–46.
2. Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng thành phố Hồ Chí Minh