1. Trang chủ
  2. Tiêu hóa - Gan Mật Tụy
  3. Nhiễm giun đường ruột ở trẻ: Dấu hiệu và phương pháp điều trị

Nhiễm giun đường ruột ở trẻ: Dấu hiệu và phương pháp điều trị

Nhiễm giun đường ruột ở trẻ: Dấu hiệu và phương pháp điều trị

Trungtamthuoc.com - Nhiễm giun đường ruột ở trẻ em là tình trạng bệnh lý phổ biến ở nước ta, đặc biệt với những trẻ ở vùng nông thôn. Vậy làm thế nào để biết được trẻ đang bị nhiễm giun? Và khi trẻ bị nhiếm giun phải điều trị như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1 Tổng quan về tình trạng nhiễm giun ở trẻ em

Tình trạng trẻ em bị nhiễm giun thường gặp nhất ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tỉ lệ nhiễm rất cao, ở nhiều nơi còn lên đến 90% số trẻ là bị nhiễm giun ở đường tiêu hóa. Tùy vào điều kiện môi trường ở từng vùng miền mà trẻ sẽ nhiễm những loại giun đặc trưng khác nhau.

Mỗi trẻ có thể nhiễm một hoặc nhiều loại giun cùng lúc. Thường gặp nhất là giun kim, giun đũa, giun móc...

Chúng vào cơ thể của bé chủ yếu chủ yếu qua đường tiêu hóa là miệng, khi trẻ ăn phải đồ ăn không được nấu chín kĩ, hay khi ngậm các đồ vật nhiễm bẩn có giun. Không những thế, có những loại giun có thể lây nhiễm vào cơ thể của bé qua da khi bé bò, hay đi trên đất như giun móc, giun lươn.[1]

1.1 Nguyên nhân bị nhiễm giun ở trẻ

Có rất nhiều nguyên nhân làm cho trẻ bị nhiễm giun đường ruột. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:

Khi trẻ ăn phải những đồ ăn chưa được nấu chín. Những ấu trùng giun sán còn sống, tồn tại trong những loại thực phẩm này, sẽ vào đường ruột của trẻ cùng với thức ăn. Hoặc cả kể khi bé chơi các đồ chơi bị nhiễm bẩn, ngậm vào miệng, nhiễm vào tay rồi cầm nắm thức ăn cũng sẽ khiến bé bị nhiễm giun sán.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nhiễm giun sán.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nhiễm giun sán.

Trẻ không được tẩy giun định kỳ: Các bé từ 2 tuổi trở lên cần phải được tẩy giun định kỳ 6 tháng mỗi lần. Bởi bạn cũng biết, trẻ nhỏ rất năng động và hiếu kì, đồng thời, sức đề kháng của trẻ lại yếu. Vậy nên trẻ rất dễ bị nhiễm các mầm bệnh, trong đó có giun sán.

Trẻ bị nhiễm giun từ vật nuôi. Các vật nuôi trong gia đình bạn là vật chủ của rất nhiều loại giun. Trong khi trẻ thường rất thích chơi đùa cùng các con vật này, nếu chúng bị nhiễm giun thì nguy cơ trẻ bị nhiễm là rất cao. Không chỉ như vậy, phân của các con bị nhiễm giun sán cũng chứa rất nhiều ấu trùng giun. Khi chúng thải phân ra môi trường, thì đó chính là nguồn lây nhiễm rất nguy hiểm cho con người.

Ấu trùng giun sán xâm nhập qua da của trẻ. Khi trẻ vệ sinh cá nhân, cầm nắm đồ vật không sạch sẽ, hay có những vùng da bị trầy xước lúc chơi đùa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ấu trùng giun sán xâm nhập qua da vào cơ thể.

Do bé tiếp xúc với người mang bệnh, cũng có thể là từ cha mẹ, đặc biệt là người đang bị nhiễm giun kim. Các ấu trùng giun này, bị nhiễm ở quần áo, giường chiếu của người mang bệnh. Khi trẻ tiếp xúc với các đối tượng, đồ vật này sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm cao.

Dựa vào đâu để cha mẹ biết được trẻ đang có dấu hiệu bị nhiễm giun đường ruột? Hãy cùng tìm câu trả lời qua phần dưới đây nhé.

1.2 Dấu hiệu nhận biết trẻ đang bị nhiễm giun

Như ở trên chúng tôi đã trình bày, trẻ có thể bị nhiễm một hoặc nhiều loại giun khác nhau. Mỗi loại giun thường gây cho trẻ các triệu chứng khác nhau. Dưới đây là các biểu hiện khi nhiễm một số loại giun thường gặp.

Khi nhiễm giun, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho trẻ.
Khi nhiễm giun, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho trẻ.

Khi trẻ bị nhiễm giun kim: Triệu chứng điển hình nhất của những người bị nhiễm giun kim là ngứa hậu môn, thường ngứa vào ban đêm từ 22h trở ra. Bởi ban đêm là khoảng thời gian mà những con giun kim sẽ bò ra hậu môn người bệnh và đẻ trứng ở đó. Như vậy, chúng sẽ khiến trẻ có cảm giác ngứa ngáy, khó ngủ, quấy khóc về đêm. Thậm chí, cha mẹ có thể nhìn thấy được các vết đốt nhỏ li ti ở rìa hậu môn của trẻ do các con giun này gây ra. Loài giun này có tính chất lây nhiễm gia đình.​

Khi trẻ nhiễm giun đũa: Triệu chứng của nhiễm giun đũa không điển hình. Chúng có thể khiến trẻ bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy hay đi ngoài phân mỡ, thậm chí là gây tắc ruột. Giun đũa có thể đi lạc sang các cơ quan khác của cơ thể. Khi chúng đi lạc lên phổi sẽ gây ra hội chứng Loeffler có các biểu hiện như: khó thở, ho khan, đôi khi ho có đờm lẫn nhầy máu và sốt. Khi chúng chui lên ống mật sẽ gây tắc mật, hoặc nếu chui qua niêm mạc ruột sẽ gây viêm phúc mạc. Ngoài ra, khi bị nhiễm giun đũa, trẻ cũng có thể có biểu hiện trên da như mề đay, mẩn đỏ.

Với trẻ bị nhiễm giun móc: Các biểu hiện trên trẻ sẽ khác nhau theo 3 giai đoạn xâm nhập và phát triển của loài giun này trong cơ thể. Ở giai đoạn đầu tiên, khi chúng chui qua da để vào cơ thể, trẻ sẽ có các nốt mẩn trên da, ngứa ngày, sau khoảng 3 đến 4 ngày thì không còn triệu chứng này nữa. Giai đoạn tiếp theo là khi các ấu trùng giun đi theo máu đến phổi. Triệu chứng lúc này không điển hình, có thể là ho khan, khàn tiếng... Cuối cùng, vào giai đoạn toàn phát của bệnh, trẻ sẽ có các biểu hiện thiếu máu, rối loạn tiêu hóa, phân đen...

Trẻ nhiễm giun tóc: Khi trẻ nhiễm loài giun này, thường không có triệu chứng điển hình. Nếu nhẹ sẽ không có triệu chứng rõ ràng. Nếu nặng có thể có rối loạn tiêu hóa, xuất huyết đại tràng...

Giun xoắn: Khi nhiễm giun xoắn, trẻ sẽ có một số triệu chứng rất đặc trưng như: tiêu chảy, sốt cao. Không những thế, ở một số trẻ còn có hiện tượng phù mặt, mí mắt và đau cơ.

Giun lươn: Giun lươn thường nhiễm vào cơ thể của trẻ qua da và niêm mạc. Chúng có khả năng nhân đôi trong cơ thể người. Khi nhiễm giun lươn, thường thì không có triệu chứng hay có triệu chứng chỉ diễn ra rất nhẹ. Các biểu hiện nhìn thấy ngoài da thường gặp là nổi các nốt mề đay ở mông và cổ tay. Ấu trùng giun lươn khi chuyển động sẽ hình thành các đường ngoằn ngoèo như răng cưa, gây ra các biểu hiện hồng ban và ngứa. Những con giun trưởng thành chui vào niêm mạc ruột non gây đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, viêm xuất huyết đường tiêu hóa. Thậm chí có thể gây tắc ruột và nhiễm trùng huyết nếu nặng.

​Vậy khi bị nhiễm giun rồi, làm sao để điều trị đúng cách cho trẻ?

2 Chẩn đoán và điều trị 

Để chẩn đoán tình trạng nhiễm giun ở trẻ, người ra dựa vào các biểu hiện lâm sàng và các xét nghiệm tìm trứng giun trong phân. Hoặc với giun kim có thể làm liệu pháp dán băng dính ở hậu môn của trẻ vào buổi sáng trong vài ngày liên tục.

Khi phát hiện được trẻ nhiễm loài giun gì, ta dùng các thuốc đặc hiệu điều trị nguyên nhân của bệnh, đồng thười ở một số trường hợp có triệu chứng nặng sẽ dùng kèm với thuốc cải thiện triệu chứng.

Dùng Mebendazol để điều trị nhiễm giun ở trẻ.
Dùng Mebendazol để điều trị nhiễm giun ở trẻ.

2.1 Điều trị giun kim

Về nguyên tắc, giun kim mang tính chất gia đình nên cần điều trị tập thể để tránh tái nhiễm.

Với các bé từ 2 tuổi trở lên, cho bé dùng Mebendazole hoặc Albendazol như sau:

  • Với  Mebendazole, biệt dược được dùng phổ biến nhất là Fugaca, mỗi viên chứa Mebendazole với hàm lượng là 500mg. Cho bé dùng với liều 1 viên duy nhất. Một tháng sau cho bé dùng nhắc lại với liều như trên để dứt điểm.
  • Với Albendazole, thuốc thường được dùng phổ biến nhất trên thị trường là Zentel, mỗi viên chứa 200mg hoạt chất Albendazole. Với thuốc này, bạn cho bé dùng 2 viên duy nhất trong 1 lần. Một tháng sau cho bé dùng lại cũng với liều như trên.[2]

Người lớn trong gia đình điều trị đồng thời cũng dùng với liều như trên.

Còn các đối tượng là trẻ em dưới 2 tuổi, cần tham khảo kỹ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa cân nhắc điều trị cho bé.

2.2 Liệu pháp điều trị giun đũa

Nguyên tắc điều trị là sử dụng thuốc có hiệu quả với nhiều loại giun khác nhau. Đồng thười nó phải ít độc, sử dụng liều duy nhất mà vẫn cho đáp ứng cao.

Với các bé dưới 2 tuổi, bạn không được cho bé dùng thuốc giun nếu chưa có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Với các bé từ 2 tuổi trở lên và người lớn thì dùng với liều như sau:

Dùng liều duy nhất Menbendazol với hàm lượng 500mg trong mỗi viên, hoặc Albendazole với hàm lượng mỗi viên là 400mg. Mỗi lần sử dụng 1 viên duy nhất.

Hoặc có thể cho trẻ dùng Pyrantel pamoate với liều duy nhất và tính theo cân nặng của trẻ là 10mg/kg.

2.3 Điều trị giun móc cho trẻ

Để điều trị giun móc ta căn cứ vào tình trạng của trẻ là nặng hay nhẹ mà cho trẻ trên 2 tuổi dùng như sau:

  • Mebendazole có hàm lượng 500mg (Fugacar) mỗi lần dùng 1 viên. Hoặc Albendazole (Zentel) viên chứa 200mg, 2 viên cho mỗi lần dùng. Hoặc có thể cho bé dùng Pyrantel pamoat (Combantrin, Helmintox) với liều lượng tính theo trọng lượng cơ thể là 10mg/kg.
  • Với các đối tượng bị nhiễm giun móc ở mức độ nhẹ, ta chỉ dùng liều như trên 1 lần duy nhất.
  • Với những trẻ bị nhiễm giun móc ở mức độ nặng, hoặc bị nhiễm đồng thời giun móc, giun đũa, giun tóc, ta dùng liều như trên 3 ngày liên tiếp, mỗi ngày dùng 1 lần.[3]

Nếu trường hợp trẻ có dấu hiệu thiếu máu, bạn phải điều trị cả thiếu máu cho trẻ.

2.4 Dùng thuốc điều trị giun xoắn cho trẻ trên 2 tuổi

Dùng Prazilquantel với liều theo cân nặng của trẻ là 10mg/kg mỗi ngày, dùng 2 ngày liên tiếp và phối hợp với Corticosteroides để giảm các triệu chứng dị ứng.

Hoặc Albendazole với liều 15mg cho mỗi kg thể trọng của trẻ mỗi ngày, dùng liều như vậy trong vòng 1 tuần.

Dùng Albendazole để điều trị nhiễm giun ở trẻ.
Dùng Albendazole để điều trị nhiễm giun ở trẻ.

2.5 Điều trị giun lươn cho trẻ

Albendazole hàm lượng 400mg, mỗi ngày dùng 1 viên, cho trẻ dùng 3 ngày liên tiếp.

Hoặc Menbendazole với hàm lượng 500mg trong mỗi viên, dùng 1 liều duy nhất. Sau 1 tháng cho trẻ uống lại với liều trên 1 lần nữa.

Lưu ý: Chỉ điều trị liều trên cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, còn với các bé dưới 2 tuổi bạn cần cho bé đến bệnh viện để được điều trị cụ thể.

2.6 Phác đồ điều trị giun chó

Thường gặp ở những trẻ thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo. Khi trẻ bị nhiễm giun chó, ta cho trẻ dùng thuốc như sau:

Albendazole mỗi lần dùng 500mg, mỗi ngày chỉ dùng 1 lần. Hoặc Mebendazol mỗi ngày dùng 1 lần dùng 400mg. Điều trị liên tục trong 3 đến 4 tuần liên tiếp.

Do trẻ nhiễm giun, sau mỗi lần điều trị đều có thể tái phát trở lại. Thậm chí là tái phát sau một thời gian ngắn kể từ đợt điều trị trước. Vậy làm sao để hạn chế sự tái phát nhanh chóng này?

3 Phương pháp đề phòng tái nhiễm giun ở trẻ nhỏ 

Để dự phòng tái phát cho trẻ, các bậc cha mẹ cần lưu ý những điều sau:

  • Vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, giặt chăn màn thường xuyên. Đặc biệt, trong gia đình nếu có người nhiễm giun, khi điều trị đồng thời vệ sinh toàn bộ vật dụng cá nhân của người đó, và vật dụng gia đình.
  • Vệ sinh sạch sẽ mọi đồ chơi của trẻ. Không cho trẻ tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm.
Cho trẻ vệ sinh tay sạch sẽ  trước khi ăn.
Cho trẻ vệ sinh tay sạch sẽ  trước khi ăn.

Dạy cho trẻ cho thói quen vệ sinh tay bằng xà phòng đúng cách trước khi ăn. Không đưa tay và các vật đụng khác vào miệng.

Cho bé ăn chín uống sôi. Đồng thời người chuẩn bị đồ ăn cho bé cũng cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi đưa đồ ăn cho bé.

Với các bé từ 2 tuổi trở lên, tấy giun cho bé đúng chu kỳ mỗi lần.

​Qua bài viết này, chúng tôi hi vọng các bậc cha mẹ đã biết làm sao chăm sóc cho trẻ nhiễm giun đường ruột và làm thế nào để phòng tránh tái phát ở trẻ.

4 Case lâm sàng: Giun kiim

Đề bài: Một người mẹ kể rằng con gái 2 tuổi của mình có biểu hiện ngứa vùng tầng sinh môn và quanh lỗ hậu môn trong vòng 1 đến 2 tuần gần đây. Bà để ý rằng trẻ ngứa diễn ra chủ yếu vào ban đêm, nhưng trẻ không sốt, tiêu chảy hay có nôn đi kèm. Mỗi tuần trẻ dành 3 ngày tham gia chương trình “ngày rời xa Mẹ”, các ngày còn lại trẻ luôn ở cùng mẹ. Khám lâm sàng trẻ, bạn thấy vùng da xung quanh lỗ hậu môn nề đỏ và kích ứng, trương lực cơ thắt hậu môn bình thường, và không có dấu hiệu của chấn thương do xâm nhập. Vùng tầng sinh môn có đỏ da và trầy xước nhiều. Ngoài dịch âm đạo có màu hơi ngả trắng, bỉm của trẻ hoàn toàn sạch sẽ. [4].
➤ Chẩn đoán có khả năng nhất là gì?
➤ Làm cách nào bạn có thể khẳng định được chẩn đoán?
➤ Điều trị thích hợp nhất trong trường hợp này là gì?

Tóm tắt: Một trẻ nữ 2 tuổi tiền sử khoẻ mạnh biểu hiện ngứa vùng tầng sinh môn và quanh hậu môn vào ban đêm trong nhiều tuần.

> Chẩn đoán có khả năng nhất: Nhiễm Enterobius vermicularis (giun kim).

> Khẳng định chẩn đoán: Dùng băng keo xét nghiệm và soi dưới kính hiển vi để phát hiện trứng giun kim (Ảnh 38–1).

> Điều trị tốt nhất: Mebendazole, pyrantel pamoate, hoặc albendazole một liều duy nhất, điều trị cho cả gia đình.

4.1 Phân tích

4.1.1 Mục tiêu

1. Miêu tả biểu hiện nhiễm E vermicularis trong ở bệnh nhi.

2. Giải thích các phương pháp điều trị và phòng ngừa tái nhiễm.

4.1.2 Đặt vấn đề

Trẻ gái này có một bệnh sử điển hình của nhiễm giun kim. Mặc dù chẩn đoán lạm dụng tình dục có thể đặt ra, nhưng ít khả năng khi xét đến bệnh sử và sau khi khám lâm sàng. Vệ sinh cá nhân kém cũng là một vấn đề thường gặp ở trẻ 2 tuổi, khi trẻ bắt đầu được tập đi vệ sinh/toilet và không thể vệ sinh sạch sẽ. Điều này dẫn đến việc ngứa, kích ứng vùng quanh hậu môn, tuy nhiên, vùng cơ quan sinh dục thường ít bị ảnh hưởng. Việc vệ sinh, rửa ráy quá mức cũng sẽ gây nên các triệu chứng tương tự.

Ảnh 38–1. Trứng Giun kim (Enterobius vermicularis) khi soi dưới kính hiển vi. Ảnh mô phỏng, đã được cho phép, nguồn ảnh Rudolph CD, Rudolph AM, Hostetter MK, Lister G Siegel NJ, eds. Rudolph's Pediatrics. 21st ed. New York, NY: McGraw-Hill; 2003:1106.

4.2 Tiếp cận lâm sàng

Một bệnh nhi vào vì biểu hiện ngứa quanh hậu môn, đặc biệt vào ban đêm, cần được xét nghiệm kiểm tra nhiễm E vermicularis. Không giống những kí sinh trùng khác, tìm trứng giun kim trong phân không hiệu quả vì số lượng trứng rất ít và kích thước trứng nhỏ. Một vài phụ huynh có thể nhìn thấy giun trong phân của con mình, nhưng E vermicularis is rất khó được nhận biết chỉ bằng mắt thường. Thay vào đó, một đoạn băng keo sẽ được dính vào vùng quanh hậu môn trẻ vào sáng sớm, từ đoạn băng keo này trứng E vermicularis có thể được tìm thấy. Trứng của giun kim có tính lây nhiễm, vì vậy, kiểm soát nhiễm khuẩn đúng cách cũng là một chỉ định khi thực hiện.

Nhiễm Enterobius vermicularis is là một trong những nhiễm khuẩn giun tròn thường gặp nhất ở Bắc Mỹ, với người là vật chủ duy nhất. Các yếu tố nguy cơ bao gồm tiếp xúc với những trẻ khác ở môi trường nhà trẻ hoặc tại gia. Giun trưởng thành có kích thước khoảng 1cm và ký sinh tại đường tiêu hoá, rất hiếm khi thấy chúng di chuyển tới ruột thừa, lách, gan, và âm đạo. Vòng đời của giun kim bắt đầu khi giun cái di chuyển tới vùng quanh lỗ hậu môn để đẻ trứng. Trong vòng 6 tiếng, một ấu trùng sẽ phát triển trong một trứng, các ấu trùng có thể tồn tại tới 20 ngày tại đây. Trứng giun sau đó sẽ lây nhiễm qua quần áo, ngón tay (gãi khi ngứa), và ga trải giường. Người bị lây nhiễm khi trứng giun đi vào đường tiêu hoá. Trứng sẽ “nở” tại tá tràng và phát triển thành giun trưởng thành trong vòng 4 tới 6 tuần.

Rất nhiều trẻ nhiễm giun không có biểu hiện lâm sàng. Các triệu chứng được mô tả thường gặp nhất là ngứa hậu môn vào ban đêm, kết quả của sự quá mẫn do giun và trứng gây nên. Giun cái có trứng thường di chuyển tới vùng tầng sinh môn, gây nên ngứa âm đạo và ra khí hư. Mặc dù biểu hiện nghiến răng cũng được ghi nhận trong bệnh sử nhiễm giun kim, ngứa hậu môn là triệu chứng điển hình nhất được ghi lại.

Một số chuyên gia gợi ý nên điều trị cả gia đình, một số cho rằng điều trị rộng rãi chỉ nên áp dụng trong những trường hợp tái nhiễm. Thuốc điều trị có thể là mebendazole, albendazole, hoặc pyrantel pamoate, dùng một liều duy nhất. Thường liều thứ 2 sẽ được dùng cách liều đầu 2 tuần để diệt trừ bất kỳ giun mới hình thành khi nuốt phải trứng giun gần với thời gian điều trị.

BẢNG 38-1 CÁC BỆNH NHIỄM GIUN TRÒN THƯỜNG GẶP Ở NGƯỜI 

TÊN THƯỜNG GỌI

TÊN KÍ SINH TRÙNGNGUỒN L Y NHIỄMDẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNGCHẨN ĐOÁNĐIỀU TRỊ

Giun đũa (Ascariasis)

Ascaris lumbricoides

Nuốt phải trứng giun, thường từ đất có nhiễm phân người

Thường không có triệu chứng, ho máu, thâm nhiễm phổi, đau bụng. chướng bụng, đôi khi có thể gây tắc ruộtTrứng có và không có phối trong phân, đội khi thấy giun trưởng thành trong phân hoặc khi khạc raAlbendazole một liều duy nhất, mebendazole trong 3 ngày hoặc 1 liều duy nhất pyrantel pamoate; búi giun gây tắc có thể bị đào thải với muối piperazine (làm giun bị liệt mềm và bị đẩy ra)
Giun móc (Hookworms)Ancylostoma duodenale, Necator americanusẤu trùng trong đất xâm nhập qua vùng da hỗNgứa và nổi ban ở vùng giun xâm nhập, đau bụng kèm tiêu chảy, thiếu máu do mất máu, các triệu chứng hô hấpTrứng giun với hình dạng đặc trưng trong phânMebendazole trong 3 ngày hoặc albendazole 1 liều duy nhất, hoặc pyrantel pamoate; kèm bổ sung sắt
Giun kim (Pinworms)Enterobius vermicularisNuốt phải trứng giunĐa số không có triệu chứng biểu hiện ngứa hậu môn vào ban đêm thường gặp nhấtDùng băng keo dính quanh lỗ hậu môn, soi dưới kính hiển vi sẽ thấy trứng giun, soi phân thường quy tìm giun và trứng không hiệu quảPyrantel pamoate, hoặc mebendazole, hoặcnalbendazole một liều duy nhất, với liều thứ 2 cách liều đầu 2-3 tuần
Giun lươn (Strongyloids)Strongyloides stercoralisẤu trùng chui qua da và di chuyển tới phổi, tới ruột, cùng với sự tự nhiễm, ấu trùng có thể đi từ ruột vào máu tới phổi, và trở lại ruột.Có thể không có triệu chứng, có thể gây đau thượng vị, nôn, tiêu chảy, rối loạn hấp thu, sụt cânẤu trùng trong phân hoặc mẫu bệnh phẩm dịch tá tràng, phát hiện qua xét nghiệm string testIvermectin trong 1-2 ngày, hoặc thlabendazole trong 2 ngày; một số có thể cần đến 2 tuần điều trị, dựa vào nhiều lần xét nghiệm phân

Thể ấu trùng di chuyển từ mất và nội tang

(Visceral and ocular larval migrans)

Toxocara conis; Toxocara coti; Toxocara leonina; Baylisascaris procyonisNuốt phải trứng, thường lẫn trong đất nhiễm khuẩn phân chó mèo.Sốt, họ, có thể đau bụng, gan lách to, ran phế quản và có tổn thương da trên thăm khám lâm sàngDựa vào lâm sàng và xét nghiệm huyết thanh học, soi dưới kính hiển vi mô tổn thương đôi khi có thể phát hiện ấu trùng

Thể tạng: không điều trị gì, tự hồi phục

Thế mắt: diethylcarbamazine, albendazole trong 3-5 ngày, hoặc mebendazole 5 ngày, cần lưu ý khi dùng thuốc bởi xác ấu trùng chết có thể khởi phát đáp ứng viêm

Giun tóc (Whipworms)Trichuris trichiuraNuốt phải trứngĐa số không có triệu chứng. có thể gây viêm niêm mạc trực tràng, tiêu chảy phân máu, đau bụng, sa trực tràngTrứng có dạng giống quả-chanh trong phânMebendazole hoặc albendazole trong 3 ngày (liều duy nhất với nhiễm trùng nhẹ)

4.3 Câu hỏi lượng giá

38.1 Một người mẹ báo với bạn rằng con trai 4 tuổi của mình bị đau vùng mông 2 ngày nay. Trẻ có nhiều dây máu trong phân và nhiều vết gãi quanh vùng này. Trẻ không sốt, nhưng da vùng hậu môn đỏ sáng kèm bờ rõ. Khám vùng này ấn đau lan rộng, nhưng không có u cục, di động bất thường hay dấu hiệu chấn thương. Các xét nghiệm chẩn đoán và phương pháp điều trị thích hợp nên làm là?

A. Lấy mẫu phân tìm trứng và ký sinh trùng; điều trị với albendazole

B. Xét nghiệm băng keo tìm trứng giun; điều trị với albendazole

C. Test nhanh liên cầu vùng hậu môn; kháng sinh đường uống

D. Cấy máu; kháng sinh ngoài đường tiêu hoá

E. Bôi thuốc mỡ vào vùng hăm tã

38.2 Một trẻ nam 6 tuổi mới di chuyển từ vùng Đông Nam Mỹ đến khám vì “một thứ gì đó lọt ra” khỏi vùng hậu môn trẻ mỗi khi rặn đại tiện; và biến mất khi trẻ thả lỏng cơ. Trẻ cũng than phiền vì đau bụng kèm đại tiện phân máu từ tuần trước. Khám lâm sàng thấy vùng ngoài lỗ hậu môn bình thường, không có dấu hiệu tổn thương. Khi rặn có một khối niêm mạc hồng xuất hiện từ lỗ hậu môn và tự thu lại khi trẻ thả lỏng. Các đánh giá chẩn đoán ban đầu nên bao gồm xét nghiệm nào sau đây?

A. Xét nghiệm với băng keo vào buổi sáng ngay khi ngủ dậy

B. Xét nghiệm phân tìm trứng và ký sinh trùng

C. Cấy dịch hậu môn

D. Siêu âm ổ bụng

E. Nuôi cấy Herpes

38.3 Một người mẹ mang một mẫu phân tới cho bạn đánh giá. Trong phân có nhiều giun tròn, màu trắng, dài khoảng 15 -20 cm. Bạn sẽ khởi đầu điều trị với thuốc nào?

A. Amoxicillin

B. Mebendazole

C. Praziquantel

D. Niclosamide

E. Paromomycin

38.4 Một trẻ nam lớn 14 tuổi có chẩn đoán hiện mắc HIV và AIDS đến khám sức khoẻ trước khi bay sang Đông Nam Á. Trong quá trình tư vấn cho trẻ về các yếu tố nguy cơ ở khu vực này, bạn có nhắc đến việc trẻ nên thường xuyên đi giày dép để tránh nhiễm Strongyloides, bởi bệnh sẽ gây nguy hiểm cho trẻ vì lý do nào sau đây?

A. Các thuốc chống virus khiến trẻ nhạy cảm/dễ mắc với bệnh hơn.

B. Tình trạng suy giảm miễn dịch của trẻ khiến việc điều trị khỏi hoàn toàn là bất khả thi.

C. Các thuốc chống kí sinh trùng không có ở Đông Nam Á.

D. Các trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên thường biểu hiện nặng khi mắc bệnh.

E. Strongyloides có thể tiến triển thành “siêu nhiễm” trên vật chủ có suy giảm miễn dịch.

4.4 Đáp án

38.1 C. Mặc dù lập luận chẩn đoán nên nghĩ đến nhiễm giun kim (cùng với lạm dụng tình dục, hăm tã do tiếp xúc, và hăm tã do nấm), các triệu chứng gợi ý nhiều đến viêm mô tế bào quanh hậu môn (perianal cellulitis). Nhiễm giun kim thường không gây đại tiện phân lẫn dây máu, và bất kì viêm đỏ da nào liên quan đều có bờ không rõ. Bệnh thường gây nên bởi Streptococcus và có đáp ứng với kháng sinh đường uống hoặc bôi (Mupirocin [Bactroban]). 38.2 B. Giun kim không phải là nguyên nhân gây sa trực tràng, nhưng Giun tóc (whipworms, Trichuris trichiura) thì có. Loại giun tròn này sống ở vùng ấm và ẩm ướt, và thường được tìm thấy ở Đông Nam Mỹ. Soi tìm trứng thường quy là đủ tiêu chuẩn chẩn đoán (giun tóc đẻ nhiều trứng hơn giun kim nhiều lần). Điều trị với albendazole hoặc mebendazole. Bệnh xơ nang cũng nên được nghĩ đến ở trẻ sa trực tràng, tuy nhiên tiền sử bệnh sẽ bao gồm các lần viêm phổi tái diễn, suy dinh dưỡng/ chậm lớn, hoặc đại tiện phân có mùi bất thường.

38.3 B. Xét mô tả và kích thước giun có thể nghĩ đến ascaris; điều trị với mebendazole hoặc albendazole. Amoxicillin là thuốc điều trị nhiễm khuẩn. Praziquantel, niclosamide, và paromomycin là các thuốc điều trị sán dây (cestodes, tapeworms) và không được khuyến cáo dùng điều trị giun tròn.

38.4 E. Vòng đời Strongyloides không cần giai đoạn sống ngoài vật chủ. Vì vậy, sinh vật này có thể “tự lây nhiễm” vật chủ (ấu trùng trong ruột chui qua thành ruột, vào máu, đi qua phổi, và quay trở lại ruột). Quá trình tự lây nhiễm này dẫn đến sự nhiễm giun lươn lan tỏa trong cơ nthể vật chủ suy giảm miễn dịch với sự xâm nhiễm ồ ạt vào các tạng và phá huỷ mô, hệ quả kèm theo có thể là nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn gram âm nguồn gốc từ ruột.

4.5 Đúc Kết Lâm Sàng

  • Bệnh nhân với biểu hiện ngứa hậu môn ban đêm sẽ được xét nghiệm nhiễm Enterobius vermicularis.
  • Xét nghiệm phân thường quy tìm trứng giun và giun có thể không phát hiện được trứng Enterobius vermicularis (do số lượng quá ít). Xét nghiệm băng keo sẽ hữu dụng để chẩn đoán xác định bệnh.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Jill E Weatherhead, Peter J Hotez (Ngày đăng: tháng 8 năm 2015). Worm Infections in Children, PubMed. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2022.
  2. ^ Tác giả: Sebastian Wendt, Henning Trawinski (Ngày đăng: ngày 29 tháng 3 năm 2019). The Diagnosis and Treatment of Pinworm Infection, NCBI. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2022.
  3. ^ Tác giả: Daniel Murrell, MD (Ngày đăng: ngày 8 tháng 3 năm 2019). Hookworm Infections, Healthline. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2022.
  4. ^ Clinical cases, tải bản PDF tại đây

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    Biến chứng bệnh nhiễm giun lươn như nào?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Nhiễm giun đường ruột ở trẻ: Dấu hiệu và phương pháp điều trị 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Nhiễm giun đường ruột ở trẻ: Dấu hiệu và phương pháp điều trị
    VT
    Điểm đánh giá: 5/5

    Cảm ơn dược sĩ nhà thuốc đã tư vấn nhiệt tình giúp mình.

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633