1. Trang chủ
  2. Tiêu hóa - Gan Mật Tụy
  3. Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng: nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng: nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng: nguyên nhân và cách điều trị

Trungtamthuoc.com - Viêm loét dạ dày - tá tràng là một bệnh lý đường tiêu hóa có thể gặp ở mọi lứa tuổi và rất phổ biến trên toàn thế giới.

1 Viêm loét dạ dày - tá tràng là bệnh gì?

1.1 Định nghĩa

Viêm loét dạ dày - tá tràng là niêm mạc dạ dày - tá tràng có tổn thương, xuất hiện các ổ loét là do các vùng niêm mạc này bị bào mòn khiến các lớp bên dưới bị lộ ra. Nếu các ổ viêm này trở nặng và quá lớn có thể gây ra xuất huyết tiêu hóa mà nếu không được phát hiện để điều trị kịp thời thì nguy cơ người bệnh tử vong do mất máu là rất cao.

Đây là một căn bệnh đường tiêu hóa có tính chất mạn tính, diễn biến có tính chu kì. Tổn thương là những ổ loét ở niêm mạ dạ dày – tá tràng, ổ loét này có thể xâm lấn sâu hơn qua lớp dưới niêm mạc, vị trí ổ loét ở dạ dày hoặc ở hành tá tràng, vì thế được chia làm 2 loại: 

  • Loét dạ dày xảy ra ở bên trong dạ dày. 
  • Loét tá tràng xảy ra ở bên trong phần trên của ruột non (tá tràng). [1] 

1.2 Tỷ lệ viêm loét dạ dày tá tràng ở Việt Nam

Bệnh loét dạ dày tá tràng là một bệnh khá phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Tỷ lệ viêm loét dạ dày tá tràng ở Việt Nam rất cao, khoảng 70% dân số nước ta nhiễm vi khuẩn HP. [2]  Bệnh loét tá tràng gặp nhiều hơn loét dạ dày tuy nhiên loét tá tràng thường là loét lành tính còn loét dạ dày một số trường hợp diễn biến ác tính (như chuyển thành ung thư dạ dày). 

Viêm loét dạ dày - tá tràng
Viêm loét dạ dày - tá tràng

2 Nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng

2.1 Nguyên nhân chính

Vi khuẩn Helicobacter pylori ( H. pylori ). Vi khuẩn HP xâm nhập và phát triển vượt trội hơn các loại vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa. Chúng tiết độc làm lớp niêm mạc dạ dày mất khả năng chống lại sự ăn mòn của acid. Từ đó gây ra các vết loét ở dạ dày - tá tràng. 

Thuốc NSAID giảm đau. Người bệnh được chỉ định điều trị bệnh khác bằng thuốc giảm đau kháng viêm trong thời gian dài. Các thuốc này thường có tác dụng phụ là ức chế các chất bảo vệ niêm mạc dạ dày, do đó người bệnh dễ bị viêm loét dạ dày - tá tràng hơn. [3] 

2.2 Yếu tố bên ngoài

Những người thường xuyên chịu kích thích tinh thần tiêu cực, hay cáu gắt, tức giận, căng thẳng đầu óc,... cũng có nguy cơ cao bị viêm loét dạ dày - tá tràng do điều này có ảnh hưởng lớn tới sự bài tiết acid dịch vị trong đường tiêu hóa.

Thói quen ăn uống sinh hoạt không điều độ, hay bỏ bữa, ăn nhiều đồ cay nóng, ăn quá nhanh, hay ăn đêm, lười vận động,... không những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe mà nó cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng
Nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng

3 Các triệu chứng viêm loét dạ dày - tá tràng

Đau bụng vùng thượng vị: dấu hiệu chính của bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng. Cơn đau thường hay xuất hiện vào lúc đói,k ban đêm hoặc sau khi ăn 2-3 tiếng. Đau âm ỉ kéo dài hoặc đau quặn từng cơn, có thể kèm theo cảm giác bỏng rát.

Đầy bụng, khó tiêu do  dạ dày bị tổn thương khiến hoạt động tiêu hóa chậm lại. Kèm theo đó là những cơn buồn nôn hoặc nôn.

Việc đau bụng về đêm khiến người bệnh mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc, điều này khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm.

Ợ hơi, ợ chua và nóng rát thượng vị thường gặp ở những người bị viêm loét dạ dày - tá tràng giai đoạn đầu.

Bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón do hệ tiêu hóa hoạt động kém, không ổn định.

Tiêu hóa kém, hay buồn nôn, đầy chướng bụng khiến người bệnh chán ăn, ăn không ngon miệng, cơ thể thiếu dinh dưỡng nên sút cân nhẹ.

Một số bệnh nhân có thể gặp các biểu hiện khác như: sốt cao (trường hợp cấp tính). [4] 

Đau vùng thượng vị do loét dạ dày - tá tràng
Đau vùng thượng vị do loét dạ dày - tá tràng

4 Biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày

Bệnh viêm loét dạ dày nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm điển hình như xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị dạ dày, thủng dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày.

4.1 Xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa là biến chứng phổ biến nhất của loét dạ dày. Nó có thể xảy ra khi vết loét phát triển ở vị trí mạch máu, thường xuất hiện các triệu chứng như: 

Chảy máu chậm, lâu dài, dẫn đến  thiếu máu – gây mệt mỏi, khó thở , da nhợt nhạt và  tim đập nhanh (nhịp tim rõ rệt)

Chảy máu nhanh và nghiêm trọng – nôn ra máu hoặc đi đại tiện có màu đen, dính.

Đối với những bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa, phần lớn có thể kiểm soát được bằng can thiệp nội soi. Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân sẽ cần can thiệp phẫu thuật. 

Xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày - tá tràng
Xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày - tá tràng

Xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng

4.2 Hẹp môn vị dạ dày

Khi bị loét dạ dày - tá tràng, tức là lượng axit dạ dày tăng cao, nó có thể tràn vào tá tràng và gây kích thích hoặc tổn thương niêm mạc môn vị. Điều này có thể dẫn đến việc hình thành sự co lại của môn vị, tạo ra biến chứng hẹp môn vị.

Hẹp môn vị dạ dày thường gặp khi ổ loét gần với môn vị với một số triệu chứng như sau:

Đau bụng dữ dội, cơn đau kéo dài và dồn dập.

Nặng bụng sau ăn, dạ dày khó chịu lúc đói, buồn nôn, nôn,...

Cơ thể suy nhược và có dấu hiệu mất nước.

Các triệu chứng này thường xuất hiện sau khi ăn, và đôi khi còn gặp trong ban đêm.

Hẹp môn vị thường được điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật.

Hình ảnh hẹp môn vị
Hình ảnh hẹp môn vị

4.3 Thủng dạ dày

Viêm loét dạ dày nặng nếu không được điều trị sớm rất có thể gây thủng dạ dày. Vết loét ăn sâu vào thành dạ dày, bệnh nhân sẽ thấy cơn đau ở vùng thượng vị dạ dày rất mạnh. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, mặt tái, bụng cứng, đau hơn khi thở mạnh, toát mồ hôi,...

Từ vùng thượng vị dạ dày, cơn đau sẽ lây lan sang khắp ổ bụng, càng để lâu sẽ càng nguy hiểm tới tính mạng, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu và phẫu thuật ngay lập tức. 

Thủng dạ dày gặp ở nam giới nhiều hơn do thói quen uống nhiều bia rượu. 

Viêm loét dạ dày tá tràng có thể gây ra thủng dạ dày
Viêm loét dạ dày tá tràng có thể gây ra thủng dạ dày

4.4 Ung thư dạ dày

Nếu bị viêm loét dạ dày tá tràng lâu ngày không điều trị gây viêm loét dạ dày mạn tính, từ đó sẽ làm bào mòn lớp niêm mạc dạ dày  dẫn đến ung thư dạ dày. Đây là loại ung thư hàng đầu trong số các loại ung thư của đường tiêu hóa.

Ung thư dạ dày

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư dạ dày có thể bao gồm:

  • Khó nuốt
  • Đau bụng
  • Cảm thấy đầy hơi, ợ nóng sau khi ăn
  • Cảm thấy no sau khi ăn một lượng nhỏ thức ăn
  • Ợ nóng
  • Khó tiêu
  • Buồn nôn

Ung thư dạ dày không phải lúc nào cũng xuất hiện các triệu chứng ở giai đoạn đầu. Các triệu chứng thường biểu hiện khi ung thư tiến triển. Các giai đoạn sau của ung thư dạ dày có thể gây ra các triệu chứng như cảm thấy rất mệt mỏi, sụt cân mà không cố gắng, nôn ra máu và đi tiêu phân đen.

Mỗi năm trên thế giới có thêm 800.000 người mắc viêm loét dạ dày và trên 600.000 người chết vì ung thư dạ dày. 

5 Chẩn đoán viêm loét dạ dày - tá tràng

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể nghĩ tới người bệnh bị bệnh đường tiêu hóa và cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm và thủ thuật chẩn đoán để xác định bệnh như:

Nội soi ống tiêu hóa: được xem là cách chẩn đoán chính xác nhất do bác sĩ có thể trực tiếp quan sát để đánh giá mức độ tổn thương dạ dày - tá tràng của người bệnh. Từ đó đưa ra hướng điều trị cho phù hợp với tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, cách này có thể lấy sinh thiết để chấn đoán ung thư sớm cho bệnh nhân.

Xét nghiệm máu và phân giúp đánh giá tình trạng thiếu máu, đặc biệt là khi bệnh có biến chứng xuất huyết tiêu hóa. [5] 

6 Điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng

6.1 Mục tiêu và nguyên tắc điều trị

Mục tiêu của việc điều trị là làm liền lại các ổ loét, giảm các triệu chứng bệnh và ngăn ngừa biến chứng do loét bằng cách loại trừ các yếu tố nguy cơ và dùng thuốc chống loét.

Nguyên tắc điều trị bệnh:

  • Không dùng phối hợp các thuốc có cùng cơ chế.
  • Không dùng nhóm thuốc acid cùng lúc với các thuốc khác.
  • Điều trị nội khoa là chủ yếu, nếu không hiệu quả thì mới phẫu thuật. Thời gian điều trị nội khoa tùy theo kết quả điều trị, thường là 1-2 tháng/đợt.
  • Sau 2 tháng điều trị nội khoa không đỡ hoặc sau khi có kết quả sinh thiết nghi ngờ ung thư thì xem xét chuyển sang điều trị ngoại khoa.

6.2 Thay đổi lối sống để loại bỏ yếu tố nguy cơ

Hạn chế hoặc tránh hẳn các thói quen gây bất lợi cho việc điều trị bệnh như:

Hút thuốc lá, thuốc lào,...

Làm việc quá sức khiến đầu óc căng thẳng.

Ăn đồ ăn, đồ uống chứa nhiều chất kích thích như đồ cay nóng, cafe, rượu bia,...

Chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi không khoa học.

Sử dụng thuốc giảm đau chống viêm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ nếu cần thiết, không lạm dụng thuốc.

6.3 Điều trị nội khoa

Tùy thuộc và nguyên nhân gây bệnh và các triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc cho phù hợp.

Các nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng là:

6.3.1 Nhóm thuốc kháng acid

Các thuốc kháng acid có thành phần chính là nhôm hoặc calci, magnesl hydroxit,... có tác dụng trung hoà acid dịch vị mà không làm ảnh hưởng tới sự bài tiết dịch vị của hệt thống tiêu hóa.

Thuốc thường được uống vào sau khi ăn  1-3 giờ và trước khi đi ngủ.

6.3.2 Nhóm ức chế thụ thể histamin H2

Các loại thuốc thường dùng là: Cimetidin, Ranitidin, Famotidin.

6.3.3 Nhóm ức chế bơm proton (PPI)

Omeprazol, Lansoprazol, Pantoprazol, Rabeprazol, Esomeprazol.

Một số chế phẩm thuốc PPI
Một số chế phẩm thuốc PPI

6.3.4 Nhóm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày

Sucrafat có tác dụng bao bọc ổ loét, ngăn sự khuyết tán ngược của H+, ức chế pepsin và hấp phụ muối mật giúp phòng loét cấp tính và làm lành loét mạn tính. Thuốc nên uống trước nữa ăn 30-60 phút.

Bismuth có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày - tá tràng, đồng thời tiêu diệt H.pylori trong đường tiêu hóa.

Misoprostol có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày nhờ làm tăng bài tiết chất nhầy và tăng dòng máu tới niêm mạc dạ dày - tá tràng. Liều dùng thường là 2-4 viên/ngày.

6.3.5 Các kháng sinh diệt H.pylori

Amoxicillin 500mg, Metronidazol/tinidazol, Clarithromycin 250mg, Levofloxacin. [6] 

Đối với điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng do nhiễm H.pylori, bệnh nhân cần được điều trị dựa trên phác đồ điều trị để đạt được hiệu quả và an toàn trong điều trị. Tuyệt đối không được tự ý điều trị dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh và bệnh lý trở nên nghiêm trọng hơn.

Quý bạn đọc có thể tham khảo phác đồ điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng do nhiễm H.pylori qua bài viết: Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng do nhiễm H.pylori theo WGO 

6.4 Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật)

Các trường hợp được chỉ định điều trị ngoại khoa:;

Xuất huyết tiêu hóa khi điều trị nội khoa không cho kết quả khả quan. Nếu ổ loét lành tính thì khâu thủng. Nếu ổ loét ác tình thì phải cắt bỏ dạ dày.

  • Thủng dạ dày - tá tràng.
  • Hẹp môn vị.
  • Ung thư hoặc rò dạ dày - tá tràng vào các tạng xung quanh.

6.5 Điều trị không dùng thuốc

Đối với bệnh nhân loét dạ dày tá tràng cần kết hợp giữa phương pháp điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc để tăng cường hiệu quả điều trị. Các biện pháp không dùng thuốc để hỗ trợ trong điều trị loét dạ dày tá tràng như sau:

  • Cần thiết lập chế độ ăn uống điều độ, khoa học, ăn uống đúng bữa.
  • Hạn chế các đồ ăn chua, cay, nóng vì chúng kích thích niêm mạc dạ dày.
  • Tránh stress, tìm cách giải tỏa áp lực.
  • Tập thói quen đi ngủ sớm, tránh thức quá khuya.
  • Hạn chế hút thuốc lá và uống bia rượu.
  • Ngừng hoặc hạn chế sử dụng các thuốc giảm đâu chống viêm NSAID, corticoids.
Một số trường hợp bệnh nhân bị viêm loét dạ dày - tá tràng cần can thiệp ngoại khoa
Một số trường hợp bệnh nhân bị viêm loét dạ dày - tá tràng cần can thiệp ngoại khoa

7 Cách phòng tránh viêm loét dạ dày - tá tràng

Phòng tránh bị loét dạ dày - tá tràng bằng thói quen sinh hoạt và ăn uống
Phòng tránh bị loét dạ dày - tá tràng bằng thói quen sinh hoạt và ăn uống

Chế độ sinh hoạt, lối sống và thói quen tốt có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh loét dạ dày - tá tràng một cách đáng kể. Bởi vậy, chúng ta cần:

  • Hạn chế ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn cay nóng và các loại nước có cồn.
  • Sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau trong điều trị theo đúng đơn kê của bác sĩ.
  • Tránh nhiễm khuẩn tiêu hóa bằng cách rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
  • Ăn chín, uống sôi.
  • Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh, lên thời gian biểu cụ thể cho việc học tập, làm việc và thư giãn mỗi ngày.
  • Có thể bổ sung một số loại vitamin, chất xơ,... giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.

Tài liệu tham khảo

  1. ^  Mayo Clinic (Ngày đăng 06 tháng 8 năm 2020). Peptic ulcer, Mayo Clinic. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2021
  2. ^ Lê Hảo (Ngày đăng 19 tháng 9 năm 2017). Khoảng 70% người Việt Nam nhiễm loại vi khuẩn có thể gây ung thư dạ dày, Cục quản lý khám chữa bệnh. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2021
  3. ^  Cleveland Clinic (Ngày đăng 22 tháng 06 năm 2020). Peptic Ulcer Disease, Cleveland Clinic. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2021
  4. ^ Teresa Dumain (Ngày đăng 16 tháng 9 năm 2021). What Is a Peptic Ulcer?, WebMD. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2021
  5. ^  John DeBanto, Glendale, (Ngày đăng tháng 4 năm 2021). Peptic Ulcer Disease, American College of Gastroenterology. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2021
  6. ^  John DeBanto, Glendale, (Ngày đăng tháng 4 năm 2021). Peptic Ulcer Disease, American College of Gastroenterology. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    Biến chứng của bệnh là gì?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng: nguyên nhân và cách điều trị 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng: nguyên nhân và cách điều trị
    TU
    Điểm đánh giá: 5/5

    Cảm ơn dược sĩ nhà thuốc đã tư vấn nhiệt tình cho mình.

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900.888.633