1. Trang chủ
  2. Da Liễu
  3. Nguyên nhân nấm móng là gì? Cách trị nấm móng tay, móng chân tại nhà

Nguyên nhân nấm móng là gì? Cách trị nấm móng tay, móng chân tại nhà

Nguyên nhân nấm móng là gì? Cách trị nấm móng tay, móng chân tại nhà

Nấm móng tay, móng chân là bệnh rất hay gặp và dễ lây, nhất là khi tiếp xúc và dùng đồ chung trong nhà như giày dép hay khăn lau. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về bệnh nấm móng tay, móng chân.[1]

1 Nấm móng tay, móng chân là gì?

Móng tay và móng chân là những bộ phận quan trọng bảo vệ phần thịt ở đầu ngón tay và ngón chân. Khi móng bị nhiễm nấm có thể dẫn đến các thay đổi về hình dáng, màu sắc, cũng như gợi ý về sức khỏe của hệ miễn dịch. Nhiễm nấm móng chiếm hơn 50% các bệnh về móng với tỷ lệ hiện mắc ước tính là 5,5%.

Nấm móng tay, móng chân là tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi (trên 65 tuổi), bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân suy giảm miễn dịch (đặc biệt là những người mắc bệnh HIV) và vận động viên. Nhiễm nấm móng cũng có thể ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình do di truyền nhiễm sắc thể thường (HLA -DR8) hoặc các yếu tố môi trường sống có tính gia đình. Nấm móng tay ít khi xảy ra ở trẻ em hơn. 

Nấm móng thường đi kèm với các dấu hiệu khác bao gồm: nấm da, bệnh vảy nến, bệnh mạch máu ngoại biên, suy tĩnh mạch, lang ben,... Nguy cơ nhiễm nấm móng có thể cao hơn ở những người hút thuốc, mắc hội chứng Down và béo phì

Các yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến nấm móng bao gồm: tình trạng viêm quanh móng mạn tính, tăng tiết mồ hôi (đeo găng tay, đi tất, đi ủng chật hoặc trong thời gian dài), chấn thương móng, sử dụng chung các đồ vật về sinh cá nhân,...[2]

2 Các loại nấm móng tay, móng chân

Nấm móng thường là do nhiễm các loại nấm ngoài da hoặc nấm mốc, nấm men. Cụ thể:

  • Các loại nấm ngoài da (chiếm hơn 75% các trường hợp: Trichophyton rubrum , Epidermophyton floccosum , Microsporum sp, Trichophyton verrucosum, Trichophytontonsurans, Trichophyton violaceum , Trichophyton soudanense, Trichophyton krajdenii, Trichophyton equinum, và Arthoderma sp.
  • Nấm mốc (chiếm 10% trường hợp): Loài Aspergillus, loài Scopulariopsis , loài Fusarium, loài Acremonium , loài Syncephalastrum, loài Scytalidium , loài Paecilomyces, loài Neoscytalidium , loài Chaetomium, loài Onchocola và loài Alternaria.
  • Nấm men (không phổ biến): Nấm men Candida albicans và hiếm khi là nấm men candida không phải albicans (ví dụ: nhiệt đới hoặc bệnh parapsilosis)
Hình ảnh nấm móng tay

3 Nguyên nhân bị nấm móng tay, móng chân là gì?

Có 2 loại nấm hay gặp gây nấm móng tay/ móng chân là nấm sợi tơ (họ Trichophyton/Dermatophytes) và nấm hạt Candida. Nguyên nhân phổ biến của bệnh này thường do lây nhiễm bắt nguồn từ việc tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh. Một số nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ dẫn đến nấm móng bao gồm:

  • Tiếp xúc với người bị nấm móng hoặc đồ vật của người bị nấm móng: Dùng chung giày dép hoặc gang tay hoặc khăn lau,... Tiếp xúc với kỹ thuật viên làm nail hay bác sĩ da liễu bị nhiễm nấm. Một số loại nấm như Trichophyton khá dễ lây nếu người mắc có hệ miễn dịch yếu.
  • Chấn thương hoặc tổn thương móng tay hoặc móng chân
  • Vùng da ở ngón tay, ngón chân thường xuyên bị ẩm ướt, vệ sinh kém hoặc tiếp xúc nhiều với chất tẩy rửa.
  • Người có mồ hôi trộm hoặc ra nhiều mồ hôi.
  • Mắc các bệnh khiến hệ miễn dịch suy yếu: bệnh tiểu đường, HIV, ung thư, đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, dùng thuốc Steroid lâu dài,...
  • Người bị suy tĩnh mạch (máu lưu thông kém ở chân) hoặc bệnh động mạch ngoại biên (động mạch bị thu hẹp làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay hoặc chân).
  • Bị nhiễm nấm da trên các bộ phận khác của cơ thể.

Đôi khi, nhiễm trùng do vi khuẩn có thể xảy ra trên móng bị nhiễm nấm và gây bệnh nghiêm trọng. Điều này phổ biến hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc các tình trạng khác làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể chống lại nhiễm trùng.

4 Triệu chứng của nấm móng là gì?

Bệnh nấm móng có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều móng, thường ảnh hưởng đến móng chân đầu tiên. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến vùng da xung quanh, tuy nhiên, rất hiếm khi gây ra triệu chứng toàn thân. Các triệu chứng lâm sàng có thể bao gồm:

  • Xuất hiện nhiều lớp sừng hoặc da chết ở dưới móng
  • Móng sần sùi, dày lên 
  • Móng đổi màu thành trắng, xám hoặc xanh lá
  • Móng giòn, dễ gãy, kèm theo các tổn thương dưới móngMóng có các vạch sọc dọc hay sọc ngang trên bề mặt
  • Vùng da xung quanh móng bị nhiễm nấm trở nên đỏ, sưng và bong tróc
  • Phần móng bị nhiễm nấm có thể đau và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày
  • Lâu ngày, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh nấm từ móng chân có thể lan ra mu bàn chân và đùi (do tiếp xúc trực tiếp giữa chân và đùi khi ngồi xếp bằng hay ngồi xổm) 

5 Các biến chứng của nhiễm nấm móng tay là gì?

Nhiễm nấm móng tay có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bàn tay nhưng nó thường không được coi trọng và dễ bỏ qua. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nhiễm nấm móng tay với chất lượng cuộc sống của người bệnh đã bị đánh giá thấp. Vì nhiễm nấm có thể gây ra những cơ đau đáng kể và làm ảnh hưởng đến khả năng vận động, các hoạt động hàng ngày đồng thời gây ra sự kỳ thị của xã hội.

Nấm móng khiến móng bị hư hủy, xấu xí, mưng mủ, đau và ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày. Việc điều trị có thể khó điều trị và có thể tái phát. [3]

6 Chẩn đoán nấm móng như thế nào?

6.1 Biểu hiện nấm móng tay

Móng bị nhiễm bệnh thường dày hơn bình thường và có thể bị cong vênh hoặc có hình dạng kỳ lạ. Đôi khi một chấm trắng xuất hiện trên móng và sau đó lớn dần. Khi nấm tích tụ dưới móng, nấm có thể bong ra và thậm chí tách móng ra khỏi chân, tay. Nấm cũng có thể lây lan sang vùng da xung quanh móng của bạn. [4]

Các loại nấm móng

Nấm móng được chia thành 4 loại với đặc trưng lâm sàng và con đường nhiễm bệnh khác nhau.

Nấm móng dưới ngón xa là tình trạng phổ biến nhất của bệnh nấm móng. Tình trạng này được đặc trưng bởi sự xâm lấn của rìa móng và mặt dưới của đầu móng. Các loài sinh vật gây bệnh xâm nhập thông qua lớp da, biểu bì ở dưới móng. Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng viêm nhẹ, gây á sừng khu trú và dày sừng ở mặt dưới móng có thể làm bong móng và dày móng. Lớp biểu bì dày lên dưới móng có thể là nơi chứa vi khuẩn và nấm mốc siêu nhiễm trùng làm cho móng có màu nâu vàng. Tình trạng này thường được gây ra bởi loài nấm sợi Trichophyton rubrum​ hoặc T-mentagrophytes , T-tonurans và E-floccosum. Chúng có thể gây nấm móng dưới ngón xa trên móng tay hoặc móng chân hoặc cả hai.

Bệnh nấm móng dưới ngón gần còn gọi là bệnh nấm móng trắng dưới ngón, tương đối hiếm gặp. Tình trạng này xảy ra khi các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào móng tay thông qua các nếp gấp móng rồi phát triển đến phần xa của móng. Biểu hiện lâm sàng bao gồm chứng tăng sừng dưới móng, sự phân hủy tế bào gần, đốm trắng và phá hủy móng.

Nấm móng bề mặt trắng, xảy ra khi tác nhân nấm gây bệnh xâm nhập trực tiếp vào bề mặt móng rồi gây nhiễm trùng cả rìa móng. Người bệnh lúc này xuất hiện các đốm trắng ngay trên bề mặt bên ngoài móng và lan rộng ra, móng trở nên thô, mềm và dễ gãy. Bệnh chủ yếu xảy ra ở móng chân, với nguyên nhân phần lớn là T-mentagrophytes, ngoài ra còn do Aspergillus terreus , Acremonium roseogrisum...

Bệnh nhiễm nấm móng Candida xảy ra ở người bệnh nhiễm nấm Candida mạn tính và do C-albicans gây ra tình trạng phân hủy và viêm quanh móng. Tình trạng này thường gặp nhiều hơn ở nam giới, thường ảnh hưởng đến ngón giữa. Người bệnh thường gặp tình trạng nhiễm trùng những cấu trúc xung quanh móng tay, gây phù nề và đỏ xung quanh đó. Sau đó, dần dần hình thành các vết lõm ngang, lồi lõm , không đều và sần sùi, cuối cùng là loạn dưỡng móng. Hay có những trường hợp người bệnh sưng phồng móng tay gần và bên canh móng gây di dạng móng tay. Một số trường hợp, sự phân hủy nấm Candida có thể xảy ra khi móng tay đã tách ra. Người bệnh xảy ra tình trạng tăng sừng dưới móng, hình thành các khối màu xám vàng ở móng.

Nấm móng có những biểu hiện như thế nào?

6.2 Các xét nghiệm cận lâm sàng

Với những trường hợp nghi ngờ bị nấm móng, người bệnh cần được soi trực tiếp để tìm nấm. Có thể lấy bệnh phẩm đi soi bằng cách cắt, cạo lớp sừng ở dưới móng hay quanh rãnh móng.

Ngoài ra, có thể tìm xem chính xác người bệnh bị nấm móng do nguyên nhân gì, cần tiến hành nuôi cấy trong môi trường phù hợp.

Cần phải phân biệt bệnh nấm móng với vảy nến thể móng, lichen móng, loạn dưỡng hay viêm quanh móng...

7 Kinh nghiệm chữa nấm móng

Trước khi điều trị, cần chẩn đoán đúng. Bởi các triệu chứng của bệnh nấm móng dễ bị nhầm lẫn với bệnh vảy nến, bệnh dày sừng móng hoặc do lupus. 

Điều trị nấm móng tay có thể là một quá trình lâu dài và tốn kém. Hiện nay có các loại thuốc kháng nấm đường uống, thuốc mỡ bôi ngoài da để điều trị nấm móng tay. 

7.1 Điều trị nấm móng bằng thuốc bôi

Việc sử dụng các thuốc bôi được dùng cho các trường hợp có ít hơn một nửa số móng bị ảnh hưởng hoặc không thể điều trị toàn thân.

Người bệnh có thể sử dụng dung dịch Ciclopiroxolamine 8% và Efinaconazole 10% hay Morolfine, Bifonazole để điều trị tại chỗ.

Trường hợp người bệnh bị nấm móng chân, tổn thương bờ ngoài còn ít hay viêm ít móng được chỉ định dùng Efinaconazole.

Thuốc bôi nên sử dụng ít nhất 2-3 lần mỗi ngày, bôi trực tiếp vào móng, phần dưới móng và vùng da xung quanh.

7.2 Các thuốc dùng theo đường uống điều trị nấm móng

Để điều trị nấm móng người bệnh có thể được sử dụng thuốc chống nấm như Fluconazol, Griseofulvin, thuốc trị nấm móng tay Itraconazole, Terbinafin với liều phù hợp cho người lớn và trẻ nhỏ.

Thuốc uống chữa móng thường dùng cho các trường hợp nặng như nhiễm trùng từ 3 đến 10 ngón tay, ngón chân hay móng bị dị biến nặng. Các thuốc uống cần phải theo dõi kỹ tác dụng phụ lên gan. Vì vậy, bệnh nhân cần được kiểm tra men gan và xét nghiệm máu trước  và sau khi bắt đầu điều trị.[5]

Để giảm tác dụng phụ và thời gian điều trị bằng đường uống, bệnh nhân có thể được chỉ định phối hợp cùng thuốc điều trị tại chỗ.

Không sử dụng các thuốc chống nấm này cho phụ nữ có thai, người cho con bú.

Trong trường hợp có dấu hiệu bội nhiễm do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê thêm thuốc kháng sinh cho bệnh nhân.

Điều trị và phòng ngừa nấm móng như thế nào?

Việc điều trị nấm móng tay, móng chân thường mất nhiều thời gian, từ vài tháng đến 1 năm nên bệnh nhân cần kiên nhẫn, dùng đúng và đủ thuốc theo như đơn của bác sĩ. Việc điều trị ngay từ sớm và tích cực sẽ giảm được đáng kể rủi ro dị tật móng. Bởi nhiễm nấm lâu năm có thể khiến móng bị biến dạng và khó hồi phục lại như ban đầu kể cả khi đã điều trị khỏi.

8 Cách trị nấm móng tay, móng chân tại nhà

Những biện pháp dân gian dùng để chữa nấm móng tay, móng chân thường được sử dụng trong trường hợp bệnh nhẹ và ở người có hệ miễn dịch tốt. Có rất nhiều phương pháp được truyền miệng nhưng sau đây là 3 phương pháp đã được kiểm chứng về hiệu quả:

8.1 Dùng giấm táo

Nước giấm táo có chứa acid nhẹ và chống oxy hóa có thể diệt nấm. Bệnh nhân có thể dùng giấm táo nấu sôi với nước muối và ngâm chân/tay vào dung dịch này ngày 1-2 lần.

Kiên trì ngâm mỗi ngày sẽ nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Móng bớt sưng đau, vùng da quanh móng mềm hơn và trở lại như bình thường.

8.2 Dùng lá trầu không

Lá trầu là loại lá có khả năng kháng nấm và giảm mùi hôi. Dùng lá trầu tươi nghiền nát, nấu với nước và muối để ngậm chân/tay vào 1-2 lần/ngày. Có thể dùng bã trầu xức trực tiếp vào vùng móng bị nấm.

8.3 Dùng tỏi

Tỏi được biết đến là có công dụng kháng khuẩn, kháng nấm và chống oxy hóa. Tỏi cũng có thể dùng để diệt nấm bằng cách nấu nước với tỏi, sau đó ngâm tay/chân vài lần trong tuần.

9 Nấm móng có chữa khỏi được không?

Đa số các trường hợp nấm móng có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, khoảng 20–25% bệnh nấm móng được điều trị không may tái phát do bệnh nhân hoặc các yếu tố mầm bệnh như tuần hoàn kém, tuổi cao, tiểu đường, suy giảm miễn dịch , phát hiện lâm sàng nấm móng nặng, nhiễm trùng hỗn hợp và điều trị không triệt để. Chỉ số mức độ nghiêm trọng của bệnh nấm móng có thể được sử dụng để dự đoán đáp ứng với điều trị. Vì thế, bệnh nhân cần điều trị sớm và tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ. 

10 Cách phòng ngừa nhiễm nấm móng tay, móng chân

Để ngăn ngừa bệnh nhiễm nấm móng, nên thực hiện các điều sau[6]:

  • Giữ cho bàn tay và bàn chân của bạn sạch sẽ và khô ráo.
  • Giữ móng tay và móng chân ngắn và sạch sẽ.
  • Không để chân hoặc tay ngâm nước hoặc tiếp xúc với chất tẩy rửa quá lâu.
  • Không đi chân trần ở những khu vực như phòng thay đồ hoặc phòng tắm công cộng.
  • Không dùng chung dụng cụ bấm móng với người khác.
  • Khi đến một tiệm làm móng, hãy chọn một tiệm sạch sẽ và đảm bảo rằng tiệm làm móng đã khử trùng các dụng cụ của tiệm (bấm móng tay, kéo, v.v.) sau mỗi lần sử dụng hoặc mang theo dụng cụ của bạn.

Bệnh nấm móng cần phải được chẩn đoán kịp thời để chữa trị, bảo vệ móng nhìn nguyên vẹn vì phát hiện muộn sẽ khiến móng bị dị dạng. Chữa trị bằng thuốc bôi hay uống đều có hiệu quả nhưng cần có thời gian theo dõi kỹ. 

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, Nail fungus, Mayoclinic. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2021
  2. ^ Adeline Hillan. Ngày đăng: Tháng 10 năm 2022). Fungal nail infections, DermNet. Ngày truy cập: Ngày 15 tháng 08 năm 2023
  3. ^ Tác giả: Chuyên gia Bộ Y tế, Ngày đăng: 29 tháng 10 năm 2017, Bệnh nấm móng và cách điều trị, Bộ Y tế - Phòng chống bệnh nghề nghiệp. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2021
  4. ^ Tác giả: Chuyên gia của WebMD, How to Handle Toenail Fungus, WebMD. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2021
  5. ^ AAD. NAIL FUNGUS: DIAGNOSIS AND TREATMENT, AAD. Ngày truy cập: Ngày 15 tháng 08 năm 2023
  6. ^ CDC. Ngày đăng: Ngày 13 tháng 09 năm 2022. Fungal Nail Infections, CDC. Ngày truy cập: Ngày 15 tháng 08 năm 2023

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    Sử dụng thuốc gì chữa bệnh nấm móng?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Nguyên nhân nấm móng là gì? Cách trị nấm móng tay, móng chân tại nhà 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Nguyên nhân nấm móng là gì? Cách trị nấm móng tay, móng chân tại nhà
    PM
    Điểm đánh giá: 5/5

    Cảm ơn dược sĩ nhà thuốc đã tư vấn thông tin nhiệt tình cho mình.

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633