Bệnh ho gà ở trẻ em: dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Trungtamthuoc.com - Bệnh ho gà có thời gian ủ bệnh trong cơ thể từ 1 đến 3 tuần, và được tiến triển qua 3 giai đoạn riêng biệt. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt tiến triển nặng ở trẻ sơ sinh và có nguy cơ tử vong cao.
1 Bệnh ho gà là gì?
Bệnh lý viêm đường hô hấp cấp do vi khuẩn Bordetella pertussis và B-parapertussis, gọi là bệnh ho gà. Các vi khuẩn này, tồn tại trong các giọt bắn của người bệnh trong không khí và lây sang người khác. Bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt tiến triển nặng ở trẻ sơ sinh và có nguy cơ tử vong cao.
Vi khuẩn Bordetella là vi khuẩn gram âm, khi xâm nhập vào cơ thể của trẻ chúng bám vào biểu mô đường hô hấp, giải phóng độc tố và viêm cục bộ đường hô hấp.[1]
2 Các biểu hiện bệnh ho gà ở trẻ
Bệnh ho gà có thời gian ủ bệnh trong cơ thể từ 1 đến 3 tuần, và được tiến triển qua 3 giai đoạn riêng biệt.
Giai đoạn đầu tiên, trẻ sẽ có các biểu hiện giống như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác như sốt, mệt mỏi, chảy nước mũi và viêm kết mạc. Ở trẻ sơ sinh có thể có sốt hoặc không. Giai đoạn này thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần. Đây là giai đoạn bệnh lây lan nhiều nhất.
Giai đoạn thứ 2 được đặc trưng bởi triệu chứng ho. Lúc này, trẻ sẽ có biểu hiện ho liên tục và xuất hiện các tiếng rít khi thở. Các triệu chứng này sẽ trở lên nặng hơn khi trẻ bị nhiễm lạnh và về đêm. Trong các cơn ho, có thể trẻ sẽ có biểu hiện nôn, tím tái, khó thở hoặc ngừng thở.
Giai đoạn cuối cùng thì ho vẫn còn kéo dài đến vài tuần, vài tháng sau đó. Trẻ thường ho khi có yếu tố kích thích hoặc khi mắc một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nào đó.
Do có triệu chứng tương tự nhau nên cần phân biệt bệnh ho gà với một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác như viêm phổi, viêm phế quản, lao… Trong đó, bệnh ho gà có triệu chứng điển hình qua 3 giai đoạn, và ho dai dẳng mà không sốt.[2]
3 Các biến chứng của bệnh ho gà
Trẻ bị ho gà có thể xảy ra viêm phổi thứ phát hoặc viêm tai giữa. Trong đó viêm phổi bội nhiễm là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Biến chứng này có thể do chất dịch khi bệnh nhân ho bị lạc vào phổi. Nếu ở giai đoạn thứ 2 của bệnh mà trẻ có sốt sẽ có nguy cơ bị viêm phổi cao hơn.
Mặc dù ít khi gặp nhưng trẻ ho gà vẫn có thể gặp phải các biến chứng do suy nhược hệ thần kinh như co giật, viêm não, hạ đường huyết, nhiễm trùng hoặc chảy máu não do tăng áp lực khi ho. Ngoài ra, do áp lực nội khí quản và ổ bụng tăng đột cũng có thể gây phù quanh hốc mắt, tràn khí màng phổi, vỡ cơ hoành…
Các độc tố do khuẩn ho gà tiết ra cũng gây mẫn cảm với histamin và làm tăng tiết Insulin.
Ở trẻ sơ sinh bị ho gà còn dễ bị chậm nhịp tim, hạ huyết áp và ngừng tim và có nguy cơ tử vong cao.
4 Điều trị ho gà ở trẻ em
Hầu hết các bệnh nhân ho gà đều sẽ hồi phục hoàn toàn, mặc dù bệnh thường kéo dài hơn 1 tháng.
Trong điều trị ho gà cho trẻ, chủ yếu điều trị suy hô hấp nếu khó, sử dụng kháng sinh đặc hiệu, điều trị biến chứng và chăm sóc hỗ trợ.
4.1 Điều trị suy hô hấp trong ho gà
Khi bệnh tiến triển nặng có thể dẫn đến biến chứng suy hô hấp ở trẻ. Khi trẻ ho nhiều, liên tục cần cho trẻ nằm sấp xuống, đầu thấp hoặc nằm nghiêng để tránh hít phải chất đờm và tống chúng ra ngoài.
Nếu trẻ có biểu hiện tím tái thì phải loại bỏ hết chất tiết từ mũi họng, hút đờm thật nhanh và nhẹ nhàng. Khi hút đờm cần làm cẩn thận để tránh gây kích ứng làm trẻ càng tím tái hơn.
Nếu bé có dấu hiệu ngừng thở, cần làm thông đường thở và cho trẻ thở oxy bằng các thiết bị phù hợp.
4.2 Điều trị ho gà bằng kháng sinh đặc hiệu
Nguyên nhân gây ho gà là do vi khuẩn, do đó cho trẻ sử dụng kháng sinh làm giảm lây lan bệnh, tốt nhất là sử dụng trước khi có cơn ho xuất hiện.
Kháng sinh được lựa chọn đầu tiên trong bệnh ho gà là Erythromycin uống 10 ngày với liều mỗi lần 12,5 mg/kg, ngày sử dụng 4 lần.
Hoặc có thể cho trẻ sử dụng kết hợp 2 kháng sinh: Azithromycin với liều 10mg/kg ngày đầu tiên, từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 là 5mg/kg. Và kháng sinh Clarithromycin với liều 15mg/kg chia làm 2 lần trong ngày.
Trường hợp trẻ bị dị ứng với nhóm Macrolid, có thể cân nhắc sử dụng thay thế bằng Trimethoprim - Sulfamethoxazole với liều mỗi ngày tương ứng với 8mg/kg Trimethoprim.
Nếu trẻ ho gà có biến chứng viêm phổi do nhiễm khuẩn thì điều trị cho trẻ như phác đồ của bệnh viêm phổi.
Ngoài ra cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol nếu trẻ có triệu chứng sốt trong ho gà.
Đồng thời, nếu trẻ còn bú mẹ cần tích cực cho bé bú, hoặc uống nhưng phải bú chậm bởi nếu bú nhanh có thể vô tình hít vào phổi gây sặc và ho nặng hơn.
Bảo đảm cung cấp cho trẻ lượng dịch cần thiết mỗi ngày, chia làm nhiều lần với số lượng nhỏ.
5 Phòng bệnh ho gà ở trẻ em
Hiện nay, một trong những phương pháp phòng bệnh ho gà, cha mẹ cần cho bé đi tiêm phòng vacxin bạch hầu - ho gà - uốn ván theo đúng khuyến cáo của cơ sở y tế.[3]
Đồng thời, ho gà là bệnh truyền nhiễm, nên trong khu vực và thời gian có dịch cha mẹ cần tránh không cho bé tiếp xúc và dùng chung đồ với người bệnh.
Nếu trẻ bị nhiễm ho gà, cha mẹ không cho bé tiếp xúc với các trẻ khác, để tránh lây nhiễm và tái phát lại.
Ngoài ra, cha mẹ luôn vệ sinh cá nhân, vệ sinh khoang miệng, mũi họng hàng ngày cho bé để phòng lây nhiễm và mắc bệnh ho gà hay bệnh hô hấp khác.
Trên đây là các thông tin cơ bản về bệnh ho gà ở trẻ. Hy vọng sẽ có ích cho các bạn để giúp phát hiện và điều trị sớm cho trẻ.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Ashley M. Lauria, Christopher P. Zabbo (Ngày đăng: ngày 26 tháng 6 năm 2021). Pertussis, NCBI. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Joseph J Bocka, MD (Ngày đăng: ngày 2 tháng 5 năm 2019). Pertussis, NCBI. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Ulrich Heininger (Ngày đăng: tháng 2 năm 2010). Update on pertussis in children, PubMed. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2021.