Kẽm Oxyd (Zinc Oxide)
193 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 0 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
Trang 962, tải PDF TẠI ĐÂY
KẼM OXYD
Tên chung quốc tế: Zinc oxide.
MA ATC: C05AX04.
Loại thuốc: Thuốc bảo vệ da.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Kẽm oxyd thường được dùng phối hợp với các hoạt chất khác trong các chế phẩm gồm nhiều thành phần, dưới các dạng:
Thuốc xịt: 10%.
Kem: 6%, 11,3%, 13%.
Thuốc mỗ: 3,8%; 9,38%; 10%; 16%, 20%, 40%.
Bột nhão: 16,5%; 20%; 40%; 12,8%.
Bột dùng ngoài: 9,1%.
2 Dược lực học
Kẽm oxyd có tính chất làm săn da và sát khuẩn nhẹ và được dùng bôi tại chỗ để bảo vệ, làm dịu tổn thương chàm (eczema) và các chỗ trọt da nhẹ. Kẽm oxyd thường được dùng với hắc ín than đá hoặc ichthammol để điều trị chàm. Kẽm oxyd phản xạ tia cực tím nên còn được dùng trong các thuốc bôi chống nắng.
Trong phần lớn các chế phẩm chứa kẽm oxyd còn có những chất khác như titan oxyd, Bismuth oxyd, glycerol, bôm (Nhựa thơm) Peru, ichthammol... đặc biệt các chất mỡ có tính chất bít kín nên có thể dễ gây bội nhiễm. Một vài chất còn có thể gây dị ứng. Kẽm oxyd cũng còn là nguyên liệu để làm một số loại xi măng nha khoa. Khi trộn với acid phosphoric, kẽm oxyd tạo thành một vật liệu cứng mà thành phần chủ yếu là kẽm phosphat; vật liệu này trộn với dầu Đinh Hương hoặc eugenol dùng để hàn răng tạm thời.
3 Chỉ định
Dưới những dạng thuốc mỡ và hồ bôi dược dụng, kẽm oxyd được dùng rộng rãi trong điều trị da khô, các bệnh da và nhiễm khuẩn da như:
Vùng da bị kích ứng do lỗ dò tiêu hóa, hậu môn nhân tạo, mở thông bàng quang.
Điều trị hỗ trợ chàm (eczema).
Vết bỏng nông, không rộng.
Cháy nắng, hồng ban do bị chiếu nắng, bảo vệ da do nắng.
Trứng cá, côn trùng châm đốt, ban do tã lót, vảy da đầu, tăng tiết nhờn, chốc, nấm da, vảy nến, loét giãn tĩnh mạch, ngứa.
4 Chống chỉ định
Quá mẫn với thuốc.
Tổn thương da bị nhiễm khuẩn.
5 Thận trọng
Trước khi bôi thuốc và trong quá trình điều trị phải đảm bảo vô khuẩn vùng được bôi thuốc vì có thể bội nhiễm ở các vùng bị thuốc che phủ.
Một số chế phẩm không thích hợp với các tổn thương có tiết dịch.
6 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Hiếm gặp và rất hiếm gặp
Các tá dược, bôm (nhựa thơm) Peru, Lanolin có thể gây chàm tiếp xúc.
Dị ứng với một trong các thành phần của chế phẩm.
7 Hướng dẫn cách xử trí ADR
Ngừng dùng chế phẩm.
8 Liều lượng và cách dùng
8.1 Tổn thương trên da
Sau khi khử khuẩn, bôi đều một lớp thuốc mỏng lên vùng da bị tổn thương, 1 - 2 lần một ngày. Có thể dùng một miếng gạc vô khuẩn che lên.
8.2 Chàm, nhất là chàm bị lichen hóa
Bôi một lớp dày chế phẩm (hồ nước) có chứa ichthammol, kẽm oxyd, Glycerol lên vùng tổn thương, 2 - 3 lần một ngày.
8.3 Đau ngứa hậu môn, nhất là trong những đợt trĩ
Bôi thuốc mỡ hoặc đặt đạn trực tràng có kẽm oxyd, bismuth oxyd, resorcin, sulphon caraghenat vào hậu môn, ngày 2 - 3 lần, sau mỗi lần đi ngoài. Không nên dùng dài ngày. Nếu sau 7 - 10 ngày dùng không thấy đỡ thì phải thăm khám hậu môn trực tràng để tìm nguyên nhân gây chảy máu và cuối cùng phát hiện bệnh ác tính.
8.4 Tổn thương do suy tĩnh mạch mạn tính, băng sau phẫu thuật giãn tĩnh mạch
Bôi phủ vết thương bằng chế phẩm có 20% kẽm oxyd trong vaselin.
Cập nhật lần cuối: 2017.