Zavegepant

8 sản phẩm

Zavegepant

Ngày đăng:
Cập nhật:

Bài viết này không nằm trong Dược thư quốc gia Việt Nam 2022 lần xuất bản thứ 3

Zavegepant là một chất đối kháng thụ thể peptide liên quan đến gen Calcitonin (CRGP) được chỉ định để điều trị cấp tính chứng đau nửa đầu có hoặc không có các triệu chứng tiền triệu. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về thuốc Zavegepant

1 Đặc điểm dược lý của Zavegepant

Đau nửa đầu là một rối loạn sinh học thần kinh phổ biến và phức tạp, được đặc trưng bởi những cơn đau đầu một bên thường đi kèm với chứng sợ ánh sáng và sợ âm thanh. Các nhóm thuốc được lựa chọn để quản lý cơn đau nửa đầu bao gồm chẹn beta, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chẹn kênh Canxi và thuốc chống co giật. 

Tuy nhiên, các peptide liên quan đến gen calcitonin (CGRP) đã được phát hiện là có liên quan rất nhiều đến sinh lý bệnh đau nửa đầu. CGRP được giải phóng từ các dây thần kinh cảm giác và hoạt động như một chất giãn mạch mạnh, và nhờ những đặc tính này, nó tham gia vào các con đường dẫn truyền cảm giác đau. Là một thành phần chính trong sinh bệnh học đau nửa đầu, CGRP đã trở thành trọng tâm của nghiên cứu về chứng đau nửa đầu từ những năm 1980.

Cơ chế hoạt động chung của nhóm đối kháng thụ thể CGRP
Cơ chế hoạt động chung của nhóm đối kháng thụ thể CGRP

Các chất đối kháng thụ thể peptide liên quan đến gen calcitonin (CGRP) thường được sử dụng cho bệnh nhân bị đau nửa đầu từ trung bình đến nặng. So với các phương pháp điều trị truyền thống, nhóm thuốc mới này cho thấy kết quả giảm đau tốt hơn và có ít tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Các chất đối kháng với thụ thể CGRP hoạt động như thuốc giãn mạch não, làm tăng cơ chế ức chế để giải mẫn cảm các mạch thần kinh.

1.1 Đặc điểm dược lực học của Zavegepant

Zavegepant là chất đối kháng cạnh tranh toàn phần của thụ thể CGRP, là một loại thuốc thế hệ thứ ba có kích thước nhỏ và độ hòa tan cao. Vì thế, đây là chất đối kháng thụ thể CGRP đầu tiên có thể được sử dụng qua đường mũi.

Trong các nghiên cứu, Zavegepant đã chứng minh khả năng đảo ngược mạnh mẽ, hoàn toàn sự giãn nở do CGRP gây ra đối với các động mạch nội sọ của con người nhưng không làm co thắt động mạch vành. 

Zavegepant có thể tham gia vào cơ chế ức chế lan rộng của thần kinh và vỏ não. Trong chứng đau nửa đầu cấp tính, việc giải phóng CGRP làm tăng giãn mạch và khiến tế bào thần kinh dễ bị kích thích, tạo điều kiện cho cơn đau nửa đầu. Do đó, các chất đối kháng thụ thể CGRP như zavegepant ức chế cơ chế giãn mạch và làm giảm nhạy cảm các mạch thần kinh, từ đó ngăn chặn cơn đau

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng so với giả dược, Zavegepant cho thấy sự cải thiện đáng kể trong việc giảm đau trong vòng 2 giờ kể từ khi cơn đau nửa đầu xuất hiện lần đầu tiên. Tác dụng giảm đau nửa đầu của thuốc này còn có thể kéo dài đến 24 giờ. Ngoài ra, Zavegepant cũng đã được chứng minh là có khả năng loại bỏ các triệu chứng sợ ánh sáng, sợ âm thanh và buồn nôn sau 2 giờ

1.2 Đặc điểm dược động học của Zavegepant

Zavegepant được dùng qua đường mũi, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau khoảng 30 phút với mức liều 10mg. Sinh khả dụng tuyệt đối của zavegepant dùng bằng thuốc xịt mũi là khoảng 5%.

Không có bằng chứng về sự tích lũy zavegepant với mức liều một lần mỗi ngày trong vòng 14 ngày.

Đối với bệnh nhân suy gan mức độ trung bình (Child-Pugh B) khi sử dụng Zavegepant có Cmax và AUC cao hơn tương ứng là 16% và 1,9 lần. Tuy nhiên, những thay đổi này không có ý nghĩa về mặt lâm sàng. 

Đối với bệnh nhân suy thận (CLcr từ 15 đến 29 mL/phút), nồng độ Zavegepant trong máu có thể tăng lên. 

Zavegepant dùng bằng đường xịt mũi có thể tích phân bố biểu kiến ​​trung bình khoảng 1774l.

Zavegepant có khả năng gắn kết với protein huyết tương khá cao, khoảng 90%

Zavegepant chủ yếu được chuyển hóa bởi CYP3A4 và 1 phần được chuyển hóa bởi CYP2D6. Sau khi tiêm tĩnh mạch một liều duy nhất [14C]-zavegepant (5mg), khoảng 90% liều zavegepant lưu hành trong máu là dạng không bị chuyển hóa. 

Nửa đời thải trừ của Zavegepant dùng đường xịt mũi là 6,55 giờ và nồng độ thanh thải biểu kiến là 266l/ giờ. Zavegepant được bài tiết chủ yếu qua đường mật và một phần nhỏ được đào thải qua thận. Zavegepant được đào thải chủ yếu ở dạng còn hoạt tính. 

2 Công dụng và chỉ định của Zavegepant

Thuốc xịt mũi Zavegepant được chỉ định để điều trị chứng đau nửa đầu cấp tính ở người trưởng thành có hoặc không có các dấu hiệu tiền triệu. 

Zavegepant được chỉ định để điều trị các cơn đau nửa đầu ở người lớn
Zavegepant được chỉ định để điều trị các cơn đau nửa đầu ở người lớn

Zavegepant có thể là giải pháp thay thế cho các hoạt chất khác, bao gồm cả những bệnh nhân có chống chỉ định sử dụng triptans hoặc những người có phản ứng kém với triptans hoặc không dung nạp chúng.

Không có chỉ định dùng Zavegepant trong việc dự phòng chứng đau nửa đầu. 

3 Chống chỉ định của Zavegepant

Không sử dụng Zavegepant cho những bệnh nhân mẫn cảm với Zavegepant hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Tránh sử dụng Zavegepant cho bệnh nhân suy gan nặng hoặc có độ thanh thải creatinin (CLcr) dưới 30mL/phút.

4 Liều dùng và cách dùng của Zavegepant

Liều lượng khuyến cáo là 10mg/ 1 lần xịt vào lỗ mũi. Không nên dùng quá 10mg Zavegepant trong vòng 24 giờ. 

Chưa có bằng chứng an toàn về việc sử dụng Zavegepant để điều trị nhiều hơn 8 cơn đau nửa đầu trong vòng 30 ngày. Vì thế, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn sử dụng Zavegepant thường xuyên hơn. 

Không cần điều chỉnh liều Zavegepant ở bệnh nhân suy gan nhẹ (Child-Pugh Loại A) hoặc suy gan trung bình (Child-Pugh Loại B).

Không cần điều chỉnh liều Zavegepant ở những bệnh nhân có độ thanh thải creatinin ước tính (CLcr) 30mL/phút trở lên.

Liều lượng và mức độ an toàn đối với các đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em, người cao tuổi chưa được thiết lập. Vì thế, hãy cân nhắc thận trọng khi sử dụng Zavegepant cho các đối tượng này. 

Zavegepant được bào chế ở dạng thuốc xịt mũi tiện lợi và nhanh chóng
Zavegepant được bào chế ở dạng thuốc xịt mũi tiện lợi và nhanh chóng

5 Tác dụng không mong muốn của Zavegepant

Các tác dụng phụ thường thấy khi sử dụng Zavegepant là rối loạn vị giác, buồn nôn, khó chịu ở mũi, nôn ói,...

Ngoài ra, việc sử dụng zavegepant có thể gây ra phản ứng quá mẫn cảm. Chẳng hạn như sưng mặt và nổi mề đay. Nếu phản ứng quá mẫn xảy ra hãy ngừng sử dụng thuốc và đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí phù hợp. 

6 Tương tác thuốc của Zavegepant

Zavegepant có thể gây ra tương tác với các thuốc ức chế hoặc cảm ứng chất vận chuyển OAT P1B3 hoặc NTCP. 

Việc dùng cùng các sản phẩm xịt rửa mũi hoặc thuốc thông mũi có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ thuốc Zavegepant. Vì thế, nên tránh sử dụng cùng, nếu không thể tránh khỏi, hãy dùng các thuốc thông mũi cách ít nhất 1 giờ sau khi dùng Zavegepant.

7 Sản phẩm chứa hoạt chất Zavegepant trên thị trường

Zavegepant là sản phẩm của gã khổng lồ Pfizer. Sau khi công bố các kết quả nghiên cứu, vào ngày 10 tháng 03 năm 2023, Zavegepant được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận và trở thành thuốc xịt mũi đối kháng thụ thể peptide liên quan đến gen calcitonin (CGRP) đầu tiên và duy nhất để điều trị chứng đau nửa đầu cấp tính ở người lớn có hoặc không có các dấu hiệu tiền triệu. 

Zavegepant được FDA chấp thuận để điều trị chứng đau nửa đầu ở người lớn
Zavegepant được FDA chấp thuận để điều trị chứng đau nửa đầu ở người lớn

Zavegepant dự kiến sẽ có mặt tại các hiệu thuốc ở Hoa Kỳ vào tháng 07 năm 2023 với tên thương hiệu là ZAVZPRET.

Lưu ý rằng, những thông tin này chỉ mang tính chất cập nhật từ những thông báo mới nhất của FDA. Hiện nay, thuốc Zavegepant chưa được Cục Quản lý Dược phê duyệt và chấp thuận tại Việt Nam. 

Tóm lại, sự xuất hiện của Zavegepant hứa hẹn mở ra những lựa chọn mới hơn và hiệu quả hơn trong việc điều trị chứng đau nửa đầu ở người lớn. Tuy nhiên, tất cả dữ liệu về thuốc Zavegepant mới chỉ dừng ở quy mô nghiên cứu nên vẫn cần thận trọng trong quá trình sử dụng. 

8 Tài liệu tham khảo

1. Nazir Noor, Alexis Angelette, [...] (Ngày đăng: Ngày 28 tháng 06 năm 2022). A Comprehensive Review of Zavegepant as Abortive Treatment for Migraine, NCBI. Ngày truy cập: Ngày 04 tháng 04 năm 2023 

2. Drugbank (Ngày cập nhật: Ngày 14 tháng 03 năm 2023). Zavegepant, Drugbank. Ngày truy cập: Ngày 04 tháng 04 năm 2023

3. Pfizer Labs (Ngày đăng: tháng 03 năm 2023). ZAVZPRET- Spray zavegepant Pfizer Laboratories Div Pfizer Inc, Labeling.pfizer. Ngày truy cập: Ngày 04 tháng 04 năm 2023

4. Pfizer (Ngày đăng: ngày 10 tháng 03 năm 2023). Pfizer’s ZAVZPRET™ (zavegepant) Migraine Nasal Spray Receives FDA Approval, Pfizer. Ngày truy cập: Ngày 04 tháng 04 năm 2023

5. Medscape (Ngày đăng: Ngày 14 tháng 03 năm 2023). FDA  Approves Zavegepant Nasal Spray for Acute Migraine, Medscape Medical News. Ngày truy cập: Ngày 04 tháng 04 năm 2023
 

Xem thêm chi tiết

Các sản phẩm có chứa hoạt chất Zavegepant

Timax Novaphyt
Timax Novaphyt
450.000₫
Ogentin Lustrel laboratoires
Ogentin Lustrel laboratoires
Liên hệ
Biken Slim NX
Biken Slim NX
1.560.000₫
Deplin 600mg
Deplin 600mg
1.880.000₫
Alpha Brain
Alpha Brain
460.000₫
Bivantox 600mg
Bivantox 600mg
850.000₫
Minh Nhãn Khang (vỉ)
Minh Nhãn Khang (vỉ)
205.000₫
Labonvin
Labonvin
525.000₫
1 1/1
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633