Acid Pantothenic (Vitamin B5)
805 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Bài viết biên soạn dựa theo
Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba
Do Bộ Y Tế ban hành Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 23 tháng 12 năm 2022
ACID PANTOTHENIC
(Vitamin B5)
Tên chung quốc tế: Pantothenic acid.
Mã ATC: Dexpanthenol: A11HA30, D03AX03, SOIXA12.
Calci pantothenat: A11HA31, D03AX04.
Loại thuốc: Vitamin nhóm B.
1 Dạng thuốc và hàm lượng
Acid pantothenic:
Viên nén: 100 mg; 200 mg; 250 mg; 500 mg.
Calci pantothenat Dexpanthenol (dẫn chất alcol của acid D-pantothenic):
Viên nén: 100 mg.
Thuốc tiêm: 250 mg/ml (ống tiêm 2 ml).
Kem bôi tại chỗ: 2%, 5%. Thuốc mỡ: 5%.
2 Dược lực học
Acid pantothenic còn gọi là Vitamin B5 là một chất chống oxy hóa hòa tan trong nước, cần thiết cho chuyển hóa trung gian của hydrat carbon, protein và lipid. Acid pantothenic là tiền chất của coenzym A cần cho phản ứng acetyl hóa (hoạt hóa nhóm acyl) trong tân tạo Glucose, giải phóng năng lượng từ hydrat carbon, tổng hợp và giáng hóa acid béo, tổng hợp sterol và nội tiết tố steroid, porphyrin, acetylcholin và những hợp chất khác.
Ở người, acid pantothenic cần thiết phải lấy từ thức ăn. Nguồn thực phẩm giàu acid pantothenic gồm có thịt, rau quả, hạt ngũ cốc, trứng và sữa. Thiếu hụt acid pantothenic ở người rất hiếm xảy ra vì acid này phân bố rộng khắp trong thực phẩm, trừ trường hợp có kết hợp với bệnh Pellagra hoặc thiếu hụt các vitamin nhóm B khác. Thiếu acid pantothenic thực nghiệm cho thấy các triệu chứng như ngủ gà, mỏi mệt, nhức đầu, dị cảm ở chân và tay kèm theo tăng phản xạ và yếu cơ chi dưới, rối loạn tim mạch, tiêu hóa, thay đổi tính khí, và tăng nhạy cảm với nhiễm khuẩn.
Acid pantothenic không có tác dụng dược lý nổi bật ngay cả khi dùng liều cao. Khi tiêm liều cao dexpanthenol làm tăng nhu động ruột dạ dày do kích thích acetyl hóa cholin thành acetylcholin; tuy vậy, hiệu quả của thuốc không được chứng minh. Trên da, acid pantothenic đóng vai trò như một chất dinh dưỡng trên da, cần thiết cho chức năng bình thường của biểu mô, giúp phát triển nguyên bào sợi trong trường hợp da và màng nhầy bị tổn thương.
3 Dược động học
Hấp thu: Sau khi uống, acid pantothenic dễ được hấp thu qua đường tiêu hóa. Nồng độ pantothenat bình thường trong huyết thanh là 100 microgam/ml hoặc hơn.
Phân bố: Dexpanthenol dễ dàng chuyển hóa thành acid pantothenic, chất này phân bố rộng rãi trong mô cơ thể, chủ yếu dưới dạng coenzym A. Nồng độ acid pantothenic cao nhất trong gan, tuyến thượng thận, tim và thận.
Thải trừ: Khoảng 70% liều acid pantothenic uống thải trừ ở dạng không đổi trong nước tiểu và khoảng 30% trong phân.
4 Chỉ định
Điều trị thiếu hụt acid pantothenic (có kết hợp pellagra hoặc thiếu hụt các vitamin nhóm B khác), khi đó nên dùng sản phẩm đa vitamin có chứa acid pantothenic.
Điều trị viêm da kích ứng đặc biệt trong trường hợp hăm tã ở trẻ.
Hỗ trợ điều trị rụng tóc.
Liệt ruột sau mổ, đẻ.
5 Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc.
6 Thận trọng
Không được tiêm dexpanthenol để điều trị tắc ruột cơ học. Đối với liệt ruột, cần chú ý đến bồi phụ nước và điện giải, chống thiếu máu, giảm protein huyết, chống nhiễm khuẩn, tránh dùng thuốc làm giảm nhu động ruột. Nếu bụng căng hơi nhiều, đặt ống thông hơi.
Dexpanthenol có thể kéo dài thời gian chảy máu nên phải sử dụng rất thận trọng ở người có bệnh ưa chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu khác.
Nếu có phản ứng quá mẫn nên ngừng thuốc.
Dạng bột phối hợp với các vitamin, khoáng chất khác, hormon, enzym, các thuốc gây tê tại chỗ, thuốc nhuận tràng.
7 Thời kỳ mang thai
Chưa có đủ dữ liệu về độc tính sinh sản của thuốc trên động vật nghiên cứu cũng như ảnh hưởng của thuốc trên phụ nữ mang thai. Thận trọng khi dùng acid pantothenic cho phụ nữ mang thai, cần nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
8 Thời kỳ cho con bú
Chưa có đủ dữ liệu về tác dụng có hại của thuốc với trẻ bú mẹ. Thận trọng khi dùng acid pantothenic cho phụ nữ đang cho con bú.
9 Tác dụng không mong muốn (ADR)
Acid pantothenic nói chung không gây độc ngay cả khi dùng với liều cao.
Da: viêm da, ngứa, nổi mày đay, ban đỏ nhưng hiếm gặp.
Tiêu hóa: có thể có tiêu chảy khi dùng với liều cao.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Phải ngừng dùng dexpanthenol nếu có phản ứng dị ứng.
10 Liều lượng và cách dùng
10.1 Cách dùng
Acid pantothenic và calci pantothenat được dùng đường uống. Dexpanthenol được dùng tại chỗ dưới dạng kem bôi, thuốc mỡ; tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch chậm. Khi truyền tĩnh mạch, dexpanthenol được pha với một lượng lớn Dung dịch tiêm truyền dextrose 5% hoặc dung dịch Ringer lactat.
10.2 Liều lượng
10.2.1 Uống
Thiếu hụt acid pantothenic: Uống 5 - 10 mg acid pantothenic/ngày, cho người bệnh có hấp thu Đường tiêu hóa bình thường.
Hỗ trợ điều trị rụng tóc: Người lớn uống 300 mg/ngày, trong 6 tuần.
10.2.2 Dùng tại chỗ
Điều trị viêm da kích ứng đặc biệt trong trường hợp hăm tã ở trẻ: Bôi thuốc vào vùng bị tổn thương, ngày 1 hoặc 2 lần, hoặc nhiều hơn nếu cần.
10.2.3 Tiêm hoặc tiêm truyền
Điều trị liệt ruột sau mổ, đẻ: Người lớn, tiêm bắp, liều bắt đầu 250 - 500 mg dexpanthenol, nhắc lại sau 2 giờ, sau đó cứ 4 - 12 giờ dùng một liều, khi cần. Trẻ em: 11 - 12,5 mg dexpanthenol/kg, tiêm bắp theo phác đồ trên. Hoặc truyền tĩnh mạch chậm, người lớn: 500 mg dexpanthenol. Nếu không thấy đỡ trướng bụng hoặc liệt ruột nhanh, phải chuyển sang các phương pháp điều trị khác.
11 Tương tác thuốc
Không dùng dexpanthenol cùng với neostigmin hoặc trong vòng 12 giờ sau khi dùng neostigmin hoặc những thuốc tác dụng trên hệ phó giao cảm khác.
Mặc dù không có ý nghĩa lâm sàng, nhưng tác dụng co đồng tử của các chế phẩm nhãn khoa kháng cholinesterase (ví dụ: ecothiophat iodid, isoflurophat) có thể tăng lên khi phối hợp với acid pantothenic.
Không dùng dexpanthenol trong vòng 1 giờ sau khi dùng succinylcholin, vì dexpanthenol có thể kéo dài tác dụng gây giãn cơ của succinylcholin.
12 Tương kỵ
Dexpanthenol tương kỵ với các chất kiềm và acid mạnh.
13 Quá liều và xử trí
Chưa có trường hợp quá liều nào được ghi nhận. Tuy nhiên, do acid pantothenic không gây độc ngay cả khi dùng với liều cao, thuốc không gây độc tính nghiêm trọng khi dùng quá liều.
Cập nhật lần cuối: 2012